Tác giả: BS Nguyễn Ý Đức
Tại Việt Nam, gia đình có thể rộng lớn hơn, với ông bà cha mẹ và con cái, tam đại hoặc tứ đại đồng đường.
Căn bản của mỗi gia đình là làm sao để có hạnh phúc cho những người sống chung dưới một mái nhà.
Theo các nhà chuyên môn cũng như quan niệm của đa số quần chúng, gia đình hạnh phúc cần có ít nhất 5 yếu tố: tình thương yêu, sự tán thưởng biết ơn, đối thoại thông cảm, dành thì giờ cho nhau và một đầu đàn sáng suốt.
1-Tình yêu thưong
Một gia đình hạnh phúc bắt đầu với một cuộc hôn nhân vì tình cảm yêu thương lẫn nhau chứ không vì lý do kinh tế, địa vị trong xã hội hoặc ép buộc. Gia đình sẽ gắn bó với nhau nếu đôi bên giữ được cái động lực đã khiến họ kết hợp với nhau. Họ sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn khi có cả hai thay vì một mình và chấp nhận cái xấu cái tốt của nhau.
2-Tán thưởng biết ơn
Trong một gia đình mà mọi thành viên cảm nhận được sự biết ơn lẫn nhau, tán thưởng sự giúp đỡ của nhau cũng như sống hòa đồng thì chắc là hạnh phúc cũng nhiều hơn.
3-Nói với nhau
Gia đình hạnh phúc khi mọi người coi trọng và dành thì giờ để nói và nghe lẫn nhau, để hiểu nhau hơn cũng như tránh hiểu lầm, ngộ nhận.
Nhiều gia đình có những khác biệt ý kiến nhỏ nhặt mà không giãi bầy giải thích thông cảm với nhau, sẽ đưa tới giận hờn hậm hực. Mới đầu còn nhẹ nhàng nhưng lâu ngày ngăn cách sẽ sâu đậm hơn. Thế là có không vui, mặt trời mặt trăng, ra vào tránh mặt.
4.Dành thì giờ cho nhau
Để cùng nhau chia sẻ những ngọt bùi cũng như cay đắng bất hạnh của cuộc đời, vì sắc sắc không không, có đó, mất đó, ai ngờ…
5-Lãnh đạo sáng suốt
Gia đình hạnh phúc cần một sự lãnh đạo hướng dẫn có tổ chức, trên dưới phân minh trong một sự thông cảm hài hòa mà không độc đoán, chồng chúa vợ tôi, con cái là lâu la, chạy việc. Mỗi người đều sẵn sàng ngỏ ý xin lỗi một cách thành thực, có tư cách, khi thấy mình sai.
Làm được như vậy thì mọi người đã thực hiện được điều mà Bernard Shaw nhận xét:
“Một gia đình hạnh phúc là một thiên đường tới sớm”./.