Parabol thơ

Tác giả: Nguyễn Thị Kim Lan

1. Đi vào thế giới thơ Duy Phạm, ngay từ ban đầu, và bị ám ảnh mãi là cảm giác của buồn đau, tuyệt vọng. Đến mức u ám. Trong sự tiếp nhận này, ta thấy thơ anh như luôn dẫn ta qua những con dốc; mà hai phía là hai không gian sống/chết; còn/ mất; hi vọng/ tuyệt vọng. Ở phía cuối, các bài thơ như đẩy ta vào góc chết. Và ở đó, thơ sập cửa bằng qui luật sinh diệt. Trong các năm 2018, 2019, thơ anh hiếm hoi mới có bài không nói đến cái chết, cõi khác, sự vỡ, sự lụi, sự tàn, sự lạc, sự biến…
Đây là bài thơ nhỏ anh thả một sớm trên facebook, như một hơi thở của thần phai thần lụi :
đêm qua hoa ngậm giọt sương
sớm mai khởi nụ cánh thường hằng bay
kìa em hoa khép cuối ngày
nhụy phai phớt rụng tàn lay lắt chiều
Khóc hoa, tủi nguyệt là thi tứ cũ, khi người ta miêu tả khoảnh khắc đối diện với ngắn ngủi , vô thường. Duy Phạm kể câu chuyện về sự tàn ngay sớm mai, bằng một cái nhìn nhất thể hóa, khác với sự tách biệt trong thơ Xuân Diệu : Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật. Nói cách khác, cái mất mát trong thơ Duy Phạm được nhìn từ trong chủ thể, từ một nỗi tuyệt vọng đã trở thành cảm quan thơ anh.
Đọc thơ anh, nhiều khi ngại ngùng, lo lắng. Bởi sợ rằng thơ anh sẽ cuốn mình tới sự bi quan không đỡ nổi. Hãy đọc những câu thơ đẹp đến não nùng mà cũng tuyệt vọng đến não nùng sau :
Cạn ngày
lụn
bóng chiều phai
đêm
ngong ngóng mộng quỳnh khai
nguyệt rằm
trăng gầy
nứt
dấu trăm năm
bình tương tư vỡ nát câm lặng
đời
Chỉ tính về lượng, đã có tỷ lệ các động- tính từ liên quan đến sự hư hoại trên các động từ – tính chỉ sự vững bền tiến triển là : 8/2 ( cạn, lụn, phai, gầy, nứt, vỡ, nát, câm lặng/ ngong ngóng, khai.). Mà đó là giữa không gian nghệ thuật của các hình tượng cặp đôi duyên lứa, quyện hòa, thắm thiết đó. Rõ ràng, nhà thơ đã cấu trúc lại thời gian, đã hòa trộn trải nghiệm mấ mát của quả khứ, đớn đau của hiện tại để dự cảm tương lai, nhìn nhận trọn kiếp chúng sinh, rồi chọn ẩn dụ về cái đẹp đoản mệnh mà biểu đạt. Làm sao mà không bi quan cho được.
Chỉ ai bị bỏ lại sau sự chết lòng ( cái chết này còn đáng sợ hơn cái chết sinh học ) mới ứng xử như thế trong nghệ thuật. Bởi lẽ,khi đó, nghệ thuật không còn là mục đích tự thân nữa, nó trở thành la de phân tách, cởi giải, chứa đựng, đồng hành, sẻ chia với chủ thể. Nó là cứu cánh.
Đọc thơ Duy Phạm, và thơ nói chung, bởi thế, sự đọc chỉ hoàn toàn khi ta đem trải nghiệm đau đời của mình mà ánh xạ vào nỗi thơ kia. Và thơ cũng gần ta hơn, như một sự đồng điệu dẫu ngậm ngùi. Thơ, vì thế, cận nhân tình hơn. Đọc thơ Duy Phạm, nếu để ý, bạn sẽ cảm thấy các kết thúc đóng khép về hình tượng thơ nhưng trong giọng điệu lại luôn có sự vang vọng âm thầm của tiếng gọi, lời hỏi, sự kêu cứu :
còn chăng
mấy giọt ru hời
tình nương hỡi !
cạn chén
mời
quỳnh tương. . .( Quỳnh tương )

Dù tưởng như đã nản, đã sờn, nhưng cách mà anh đưa ra câu hỏi, cách mà anh tư duy về sự trở lại kiếp người cho thấy tâm chấn vẫn là nỗi yêu đời diết da, dù, để đi hết kiếp người không bao giờ là chuyện đùa :
đi một lần
đã mỏi chân
đi xong một kiếp có cần…
đi thêm ?
Vậy ra, tưởng thế mà không phải thế. Tưởng chỉ u ám, mà hóa ra có dòng ý thức nội sinh luôn ngầm chảy để phá thế phong tỏa của sự tuyệt vọng. Ngay ở chính điểm tiếp nhận khá khó chịu trên, thơ Duy Phạm đã hấp dẫn. Bởi sự bí ẩn.

2. Đọc thơ Duy Phạm, không hiểu sao, tôi luôn có linh cảm, từ sự trải đứt ruột của lòng anh, nhờ và bằng thơ, anh muốn đứng trong chính nỗi đau thương đó và thức nhận. Hãy đọc bài
Đ I Ế N G sau để thấy lòng tha thiết muốn “ bảo quản’’ vết thương và kì quặc hơn là muốn được chịu hành xác, muốn tự trừng phạt, muốn sám hối :
Chưa có ai lại đẩy khát khao lưu dấu đời sống và tình yêu thương trong nỗi đau một cách mãnh liệt,và chân thành như Duy Phạm.
xin chút muối
ướp
nỗi đau trần thế
vết thương tươi tứa lệ chỗ tôi nằm
xin chút đắng
nhấp
luân trầm dâu bể
chỉ một lần điếng cộng đến… ngàn năm
Nỗi đau- chứng tích máu thịt sự sống trong bi kịch, mất mát đã trở thành trải nghiệm kiên cường cho sự hoàn thiện. Và bởi thế, thơ Duy Phạm khai phá một trầm tích của riêng anh : Trải nghiệm về nỗi đau đã khởi đầu cho lòng can đảm, sự bình thản và tinh thần thiền định để đi qua bể khổ cuộc đời.
Vì thế, với riêng tỗi nỗi buồn và nỗi đau trong thơ Duy Phạm trong ngần, tự trọng và nâng cao niềm kiêu hãnh vào phẩm giá của con người. Trong một lần nào đó, đọc bài thơ sau của anh :
Bắc thang trèo lên thập tự
Xỏ ngón tay vào lỗ thủng ngàn năm
miết bàn tay một chỗ nằm trên thân gỗ mục
tìm lại một linh hồn
chỉ
vầng trăng cội phúc ?
Tôi treo tôi
và treo em
treo bản ngã luân trầm vô lượng kiếp
trên thập giá đời
trăm ngàn năm đổi một rong chơi
duyên 
và 
nghiệp
Tôi lộn nhào té xuống chân núi sọ
nhìn lại mình
trầy trụa một lần đau
bước chênh vênh tôi về tôi chốn cũ
nơi còn nguyên xi và đủ đầy
trong thức ngủ

hạnh phúc
lẫn
khổ đau…
Tôi
con chim buồn
ngứa cổ
hót trên đầu ngọn lau*
Bỏ qua vẻ đẹp khó tả của hình thức, tôi muốn nói đến sự ngạc nhiên dễ sợ mà người Bình Định mang đến. Thơ anh đi qua tham vọng ngông nghênh những kẻ “bắc thang’’, “ xỏ ngón lỗ thủng” muốn đội đá vá trời; muốn san bằng, tu tạo” miết bàn tay; tìm linh hồn”… trong một cấu trúc đối lập những trượt ngã thảm bại lộn nhào, té, bước chênh vênh, trầy trụa… đã xây dựng chân dung con người tự nhận thức mình từ cuộc vỡ đổ. Cái nhìn xóc xỉa không khoan nhượng vào cái tôi của mình để phơi trần, tra vấn…đem đến một nội lực kín đáo cho thơ đau, thơ buồn Duy Phạm. Cái kết thúc đẹp và có duyên khó đỡ : Anh ấy lại trở về nguyên vẹn anh ấy, thêm một anh ấy nữa, anh ấy đau xót hơn và cũng trưởng thành hơn từ trượt ngã. Có ai đợi anh ấy, có ai yêu anh ấy không?
Đọc thơ đau một cách ra đau của người đất võ, tôi nhớ ở đâu đó có câu nói ý rằng : Thà là một nỗi buồn đẹp còn hơn là một niềm vui xấu.
3.Ở một điểm tiếp cận khác, người đọc còn vừa mơ hồ vừa rõ rệt chạm vào một nỗi niềm khác. Ta thử bắt đầu với một bài thơ bất kì nào của anh, bài thơ anh viết vào ngày 9.6.2019 trên facebook chẳng hạn, bài thơ có tên :C Â U  T H Ơ  K H Ắ C  B Ạ C
trăng son
có che được dấu mòn
đã khuyết ?
em
từ thủa nào long lanh mắt biếc
dấu thời gian đào huyệt hốc bom
chôn cất xuân thì
gói giọt lệ đêm vu quy
bói câu Kiều rớt nhịp
ta
giang hồ nửa kiếp
tằn tiện nửa kia 
bước tiếp những chặng đường hào phóng gót chân đau
đứng 
từ trang cũ nhăn nhàu
lật qua chánh niệm 
bỗng
trổ màu như nhiên
lệ đau
pha
với mực thiền
viết 
câu khắc bạc đã triền miên xa
Tôi không biết tác giả đã viết cho mình hay viết hộ, anh viết bằng câu chuyện của anh hay anh hư cấu, tôi không biết, tôi chỉ xác quyết AND thi sĩ qua sinh thể thơ anh. Bài thơ có anh, em, có kẻ hào trượng, có khách hồng nhan; có giấc quan san, có hồn mê đắm, có hẹn thề, có vận hạn, có lỗi hẹn, có buồn đau. Và khép lại, là một giấc mộng ngoài đời đã hóa khảm vào trong thơ.
• Không nghi ngờ gì nữa, bên cạnh, phía sau, đồng hiện trong thơ Duy Phạm có một mạch nguồn về cái tôi trữ tình rất đỗi lãng mạn, hào hoa, nếu không nói là đa tình. Do một rủi ro hay may mắn oái oăm nào đó, mà mạch này lại không nổi lên như bình diện thứ nhất trong thơ Duy Phạm. Do, kì lạ, trở thành mạch trầm, nên rất đỗi khắc khoải. Nỗi khắc khoải khiến thơ anh rõ là đưa ta vào góc chết, nhưng lại theo lí thuyết của Stephen Hawking, lí thuyết hố đen. Hố đen hóa giải các năng lượng xấu, đem tới cho một sự tạo lập mới. Bên cạnh sự tuyệt vọng, ngay trong sự tuyệt vọng, thơ Duy Phạm luôn ánh lên tiếng nói của khát vọng. Vào năm 2016, Duy Phạm đã viết thi phẩm M Ù A X A
thu sầu trên mắt lá
lả tả vàng sắc không
đông về ngui ngút lạ
tím cả mùa bão giông
• em chở buồn sang sông
cải ngồng đăm mắt đợi
niềm xa đưa vời vợi
lời biệt khúc mùa đông
• ta về ngang giáo đường
tượng Chúa mờ trong sương
chuông chiều rơi rớt gọi
gói lại một mùa thương
• em ươm mầm nương chữ
ngày tư lự gầy hao
ta cắm sào khách lữ
gẩy khúc chiều đồng dao
• hôm về ngang xóm đạo
Chúa treo sầu trên cao
hàng cây long não rũ
xanh xao gầy xanh xao
• thu tàn trên xác lá
lả đọt chiều hanh khô
chuông đổ xa đồng vọng
khúc tự tình cuối đông
• ừ thôi !
thì
sang sông
ngô đồng xơ lá rũ
trả ngày yêu dấu cũ
mùa xa
mùa
còn trông ?
Một không gian của những mối tình, đọc lên mà như lạc vào thế giới của hội họa và âm nhạc. Câu chuyện tình của hai nhân vật trong bài thơ đâu có vui, và thấm dư vị chia lìa. Nhưng chính vì thế mà càng nao lòng, càng vương vấn, khắc khoải. Những câu thơ cuối và câu hỏi sao mà tình đến thế. Nối dài và nối dài vào nhung nhớ khôn khuây.
Thơ Duy Phạm với những gì anh khao khát ( như là chạm vào cái đẹp, bước tới giới hạn, ngả một bờ phù sa vạm vỡ cho cây đời trong vũ trụ nhỏ của anh, chạm vào những nối kết mơ hồ mà thiêng liêng giữa các cõi, giữa các linh hồn… ).Và còn cả những thầm kín khác, chính đáng mà bất nhẫn, mơ hồ mà khẩn thiết, đủ đầy mà thiếu thốn. Tôi gọi đó là ý thức cá nhân của lữ khách độc hành đi tìm hạnh phúc. Không thế, sao có thể là thi nhân?
Đọc một bài thơ anh viết vào một đêm tháng sáu, tôi đã không ngủ được . Bài thơ N G Ủ  Đ I  EM
em say ngủ cõi thơ buồn ma mị
đêm mặc huyền ghì siết lệ tiêu tương
trăng mờ huyễn mộng thường ai tri kỉ
nguyệt đương rằm đột quỵ sắc quỳnh hương
*
ta say nắng tiếng cười buông vỡ vụn
nát triên đời chín nẫu giấc hôn mê
gói khăn sô phủ lên mùa xoan rụng
dấu mỏi mòn chùng xuống tím hồn quê
*
buồn đã nũng cạn cùng đau đủ chín
một mùa thương trũng lại vết trầm sâu
ngủ đi em
giấc mơ nhàu màng mịn
câu thơ buồn nhín lại cất vào đâu
tơ chùng giắt đọt cỏ lau
se đau thành sợi về khâu vá buồn
Tôi thích nhân vật trữ tình trong bài thơ, ở cái cách với chừng ấy thương tích mà anh trải, những mệt nhoài cạn kiệt đương hiện hữu và cả một phía trước không mấy tươi sáng, thì ở người tình ấy vẫn lực lưỡng một bờ vai gánh lỗi, vạm vỡ một lồng ngực chở che, rắn rỏi một con tim trắc ẩn. Thế nên, nỗ lực của con người ấy là dịu dàng ru người yêu bình an, dịu dàng dàng khuyến dụ niềm đau riêng hóa thành ấm êm tơ lụa giấc đoàn viên cho tình nhân. Có gì đó trung thực, cao thượng ở nhân cách con người trong thơ Duy Phạm, khiến ta bị hấp dẫn sâu sắc là thế.Chẳng cần nói rằng, tình ấy, là tình anh dành cho con người và cuộc đời này, mượn lời người tình cho đủ màu da diết.
Có thể nói cùng với sự bộc lộ điểm nhìn tuyệt vọng, thơ Duy Phạm còn ẩn chứa những vỉa tầng khác, cần một điểm tiếp cận khác. Thế giới thơ anh còn thuộc về cái đẹp và sự dịu dàng, thuộc về lòng trắc ẩn và sự tinh tế. Hai điểm nhìn này tranh giao với nhau như chính cuộc sống. Cuộc sống trên hành trình đi tìm chính nó. Đọc bài thơ anh viết từ điểm nhìn của một người con mà vì một bất trắc nào đó đã trở thành linh hồn mồ côi, rơi vào bi kịch tóc xanh lấy nước mắt cạn khô của tóc bạc. Nhưng linh hồn ấy không khóc than thân phận mà thức tỉnh những yêu thương, thức tỉnh sức mạnh đủ để an ủi, chở che. Qua cấu trúc điểm nhìn khác phía ấy, Duy Phạm chia sẻ những nội dung triết luận và nhân sinh thấm thía : Vượt lên được mất, mạnh hơn sống chết, bỏ ra lề sân si, con người trở nên bình thản và cao rộng. Khi ấy, họ tìm thấy sự bằng an vĩnh hằng từ thái độ chấp nhận, thứ tha, điềm tĩnh. Chính đau khổ và mất mác đã trở thành trường dạy con người trưởng thành thiêng liêng. Thơ Duy Phạm bước lại gần triết lí nhà Phật, tự trong thức tỉnh sâu thẳm của thông tuệ.
Xin bạn hãy cùng đọc thi phẩm này để thức tỉnh : Chết chưa chắc đã hết. Bởi người ấy sống trong trái tim ta. À không : Ta sống trong trái tim người ấy : E M  V Ề  M Ặ C  Á O M Ồ C Ô I
…đan mây dệt áo mồ côi
chiều nay gió mặc qua đồi trầm tư
em đi về giữa phù hư
bỏ bình mộng vỡ lúc từ tạ nhau
xiêm y còn chửa kịp nhàu
Khăn sô chửa kịp xé lau nỗi buồn
gò hoang hiu muộn chiều buông
áo mây em dệt lau khuôn mặt gầy
*
tình côi mỏng mộng khôn khuây
trăm năm hằn một vết trầy trụa đau

Toàn bài thơ là cái nhìn từ một người đã khuất. Bất cứ ai lìa cha mẹ đều trở thành mồ côi. Từ điểm nhìn này, Duy Phạm gửi lại cuộc đời và những người thân yêu của người đã đi xa, nhũng tâm nguyện thiết tha. Em báo hiếu mẹ, bằng hình tượng tấm áo phủ lên dốc đời mẹ. Em chia buồn cùng cha giấc mơ cha gửi nơi em còn chưa kịp bay lên. Em chia sẻ bi kích kẻ đầu bạc khóc người tóc xanh; em nỗ lực an ủi, xót thương người ở lại. Hai câu cuối tôi không dám đọc lại, bởi nước mắt cứ giàn giụa. Người ra đi đau nỗi đau của người yêu anh, người anh yêu, anh đã bỏ lại bên đời.
Duy Phạm đã can đảm giải phẫu nỗi đau của chính mình, để mong vết đau lành lại. Vì sao ? Vì một thương yêu chân chính luôn mách bảo và nâng đỡ con người chữa lành những tổn thương, vượt qua những đau thương. Để những đau thương mà người ta yêu phải trải qua không hoài phí.
Thế đó. Thơ Duy Phạm yêu thương và nhân bản theo cách đó.
Và thế là có khi, không tin được, chính anh cũng theo thơ mà phân tách mình, cái bè chính buồn chán nặng nề mà anh cứ tụng niệm sám hối, cầu kinh. Mặc, anh để cái trầm trì ấy làm khuất đi một non trẻ, xanh tươi Duy Phạm. Anh im lặng để độc giả tự nhận ra. Anh không lấy thiền định làm mục đích, thiền định chỉ là cứu cánh để anh tìm lại cái náo động tinh khôi của trái tim đời.
Chính sự dịu dàng và mềm mại của nét thơ, nét tâm hồn anh giấu sau sự khắc kỉ đã khiến thơ anh quyến rũ. Sự quyến rũ tự thân, thuần khiết, chưng cất sau bao đau đời, chát mặn. Khiến đọc thơ anh, bỏ nấm mồ lăng tẩm đền đài, người ta tìm thấy trầm tích phù sa non. Ngực thơ ấy đủ dinh dưỡng hồi sinh, cho yên bình, nương náu.

3. Thơ hay cố nhiên là thơ giàu giá trị nhân bản, trong một hình thức, một thi pháp độc đáo.
Theo ý riêng, tôi nghĩ, thơ Duy Phạm mới, hay và riêng. Trước hết là ở cách thiết lập không gian và kết nối điểm nhìn trong thơ.
Như hầu hết các nhà thơ mới viết khác, ban đầu thơ Duy Phạm xây dựng một cấu trúc đơn tuyến, đơn phiến với những hình thể rõ nét, dễ xác định, câu chuyện đời sống và bóng dáng hiện thực có thể hình dung, rồi từ đó kết nối các thi ảnh bằng cảm xúc. Sẽ thường có thêm các thán ngữ, hư từ nữa. Cũng là một kiểu hay, một cách hay đáng kể. Như những bài thơ ta đã học ở nhà trường. Bài thơ đã dẫn ở trên:
… hôm về ngang xóm đạo
Chúa treo sầu trên cao
hàng cây long não rũ
xanh xao gầy xanh xao
• thu tàn trên xác lá
lả đọt chiều hanh khô
chuông đổ xa đồng vọng
khúc tự tình cuối đông
• ừ thôi !
thì
sang sông
ngô đồng xơ lá rũ
trả ngày yêu dấu cũ
mùa xa
mùa
còn trông ?

Nhưng rồi, cố nhiên, do nhu cầu nội tại, theo qui luật vận động của phong cách, theo qui luật sáng tạo, càng ngày thi sĩ càng tìm đến cấu trúc mới cho không gian thơ, khiến tác phẩm thì như nhỏ đi, câu chữ càng kiệm hơn, mà thế giới tinh thần, tư tưởng mà bài thơ gợi ra lại như lớn thêm, vô tận hơn. Và vì thế, càng hấp dẫn và quyết rũ hơn. Duy Phạm đặc biệt chú trọng kiến tạo không gian nghệ thuật đa chiều, đa “vật liệu”, đa điểm nhìn. Một tư duy về không gian mở sẽ mời gọi, kích thích bạn đọc đồng sáng tạo với thi sĩ, tạo tương tác riêng tư, trong một thế giới riêng biệt.
Với thiên khiếu bẩm sinh về mĩ thuật, với căn tính hiển nhiên có ở người con của quê hương thơ ca, mảnh đất của cảnh sắc thiên nhiên kì thú mà đời sống hằng sinh lại khắc khổ, lam lũ; với căn tính của vùng đất vừa chắp cánh mộng tưởng vửa ghì gặn trầm trì, với trải nghiệm được mất trong cõi phù sinh… anh tạo dựng không gian nghệ thuật đa chiều rất riêng của Duy Phạm, không thể lẫn với không gian thơ của bất cứ ai ở đất Sài Gòn, Hà Nội, hay bất cứ nơi nào. Thơ Duy Phạm có thể tiếp nhận từ điểm nhìn của một thiền sư, của triết lí thiền, triết lí Phật giáo, thậm chí cả Lão giáo. Màu sắc này đã khiến thơ anh có những khi gây cảm giác là những bài kệ. Tuy nhiên, đó chỉ là cách thức, là không gian chứa đựng. Còn nguồn cội vẫn là những nhịp đập của đời sống và con tim. Chúng ta cùng đọc bài thơ sau và cảm nghiệm :
C Ơ N  M Ư A  H Ạ

mưa xa xẩm mặt hiên trời
ta ngồi nhẩm hột đếm thời gian bay

liu riu rắc giọt buồn ngày
cũng may hạ trắng kịp thay áo vàng

người lang thang, ta lang thang
tóc ươn ướt đọng trĩu ngan ngát chiều

trượt chân níu cánh mịch liêu
tàn khiêu hốt mộng đốt thiều quang xa

sat na cộng hưởng chiều tà
nhốt thân luyện pháp tịch tà huy lay

tàn hoa mỏng cánh rụng ngày
ta cơn mưa hạ kiếp này lưu vong

Bài thơ có sự xuất hiện khá nhiều các thuật ngữ phật học. Điểm nhìn như cách Phật nhìn đời người, cõi thế, chúng sinh, coi đó là là bể khổ, cái khổ phổ quát, như là những hằng số sinh- lão- bệnh- tử. Nhưng đọc lên, bài thơ là nỗi đau quặn thắt, trào sôi, nỗi đau rất người. Nỗi đau ấy đâu phản ánh sự tĩnh tại của tâm hồn. Nó khác biệt và có màu thiền chỉ ở chỗ sắc bén một sự nhận thức tỉnh táo về nỗi thương đau đang trải mà thôi.
Có một không gian thơ tình trong thơ Duy Phạm, từ điểm nhìn của luyến ái, tương tư, khắc khoải. Qua màu sắc tình thơ, những nỗi đau thân phận, những tình cảm rộng lớn hơn là tình yêu lứa đôi đã được Duy Phạm chuyển tại với độ căng trữ tình có thể nói là trầm đậm. Hãy nghe bài thơ này, và thử cảm thấy những gì mà khí quyển thơ Duy Phạm kết nối với khí quyển của riêng ta :
S U Ố I  K H Á T
nàng
lội dòng nước ngược dưới con suối khát ngàn năm
buốt nhức bàn chân chai sần dung nhan phồn thực
trầm tích
bỗng
bong ra lớp vỏ xuân thì
*
…nàng
cào cấu lên phận mình giận dữ
tứa máu khô gầy trên thân xác quá khứ buồn tênh
một hình nộm người chênh vênh trên đỉnh đồi ngọc nữ
nàng 
mỉm cười viên mãn
một nụ cười tròn trịa trên xác lá khô non
chợt nhận ra
khuôn mặt mình chưa bao giờ là cũ
trên bóng gương đời con suối khát ngàn năm…
Muốn hay không muốn cũng phải thừa nhận, Duy Phạm đã không tiếc chất liệu về mĩ nữ, về khát vọng hạnh phúc, về tình lứa đôi để kiến tạo hình tượng thơ. Cố nhiên, như hình với bóng, bài thơ không chỉ thể hiện cái nhìn về nhan sắc, đam mê, yêu đương, khát khao.
Sự giao thoa của các điểm nhìn, các không gian tạo nên tính đa chiều. Các chất liệu trong thơ Duy Phạm đã mở rộng các giới hạn, tôn trọng quyền tự do đồng sáng tạo của độc giả, làm đồng hiện các chiều không-thời-gian, phục hoạt quá khứ, cho/ bắt nó cật vấn hiện tại, đối thoại với tương lai, kích thích họ đọc và tiếp nhận thơ mình từ những trải nghiệm của riêng họ. Trong không gian đa điểm nhìn này, sự điêu luyện về nghệ thuật cũng như cái tôi nhà thơ được hiển lộ chân thực nhất dưới những góc quan sát khách quan và đa chiều của bạn đọc. Nhưng không gian và điểm nhìn bậc nhất Duy Phạm, tôi cho rằng chính là một thế giới siêu hình, siêu hình đến ngạt thở. Có thể dẫn rất nhiều thi phẩm mà căn cốt là sự kết cấu không gian và điểm nhìn siêu hình. Hai nhà thơ từng lấy đất Bình Định làm không gian cảm hứng là Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên, hai tiền bối về thơ siêu hình nhưng Duy Phạm đã không đi theo con đường của họ. Kính trọng họ, anh theo họ ở sự sáng tạo. Thơ Duy Phạm siêu hình từ chất liệu, đến tính phi sự kiện, đến sự đan chéo các điểm nhìn trong một bài thơ. Xin trở lại bài thơ E M  V Ề  M Ặ C  Á O  MỒ  C Ô I:
…đan mây dệt áo mồ côi
chiều nay gió mặc qua đồi trầm tư
em đi về giữa phù hư
bỏ bình mộng vỡ lúc từ tạ nhau
xiêm y còn chửa kịp nhàu
Khăn sô chửa kịp xé lau nỗi buồn
gò hoang hiu muộn chiều buông
áo mây em dệt lau khuôn mặt gầy
*
tình côi mỏng mộng khôn khuây
trăm năm hằn một vết trầy trụa đau

Nhân vật em cùng các chữ “ xiêm y”, với các chữ “bình mộng,” “tình côi”, “tạ từ”, “ chưa kịp nhàu”…có thể khiến ai đó nghĩ rằng viết về nỗi đau sinh li tử biệt của một người nữ, từ điểm nhìn của một linh hồn đã ở ngoài cõi người, mà vẫn còn lụy tình dương thế, ngoái lại tình nhân bỏ lại, lấy tình xót thương vô vọng mà dệt áo mây, ủ ấm, lau lệ…
Nhưng không ai ngăn cấm trí tưởng tưởng của người đọc nào đó, nếu người ta hiểu rằng : Một người con đã đi sang cõi khác, ngày ngày từ thế giới hư ảo ấy, lấy mây, lấy nhớ, lấy thương dệt tấm tình thương nhớ gửi về ủ ấm lòng song thân hoang lạnh. Đan mây làm thành áo mồ côi, nhờ gió mặc cho ai đã hóa núi đồi ngồi vọng con. Cũng trong trường liên tưởng này, người ta hình dung cụm từ “ xiêm y còn chửa kịp nhàu’’ để diễn tả nỗi đau thân phận chưa kịp bước vào hội công danh, chốn tranh tài. “Khăn sô chửa kịp xé” gợi nỗi tang tóc chưa qua bàng hoàng. Trong hoàn cảnh đầy bi thiết ấy, người ngoài cõi đã cởi cả áo mồ côi- lấy máu thịt mà ủ ấp lấy máu thịt, quên nỗi đau mình để băng bó nỗi đau người. Điểm nhìn liên tục dịch chuyển để nới rộng thêm mãi sức liên tưởng, bừng thức, giác cảm ở người đọc. Đó chính là giá trị của sự sáng tạo thủ pháp. Đâu đó có vài lần trong khi trao đổi trên facebook, Duy Phạm có trả lời gì đó về các cách hiểu thơ mình. Tôi nhớ, khi đó tôi không thật đồng tình với anh. Bởi lẽ, bài thơ luôn xa rộng và thẳm sâu hơn hoàn cảnh sinh ra nó; càng có nhiều điểm khác biệt với ý đồ và sự gửi gắm của chính tác giả. Thơ hay là thơ gợi cái tốt, cái đẹp thông qua sự ngỡ ngàng về hai giá trị đó. Và người đầu tiên sẽ luôn phải ngỡ ngàng, đó chính là tác giả của bài thơ. Cố nhiên, là bài thơ độc đáo.

Thứ hai, về bình diện hình thức, phải kể đến cái mới, hay và riêng của các thủ pháp thơ Duy Phạm. Trên căn cốt lục bát Việt cùng chất liệu phương ngữ Bình Định, thơ Duy Phạm là một hướng đi riêng của thơ đương đại Việt Nam.Thú vị là tromg khuôn khổ lục bát, Duy Phạm đã làm mới theo cách riêng. Thứ nhất, quãng đứt và rơi dày đặc hơn; giữa sự đứt gãy của âm điệu, nhà thơ chen vào các từ, nhất là từ ghép, láy đã cắt, trộn, tỉa, cấu trúc mới để tạo nên cả nghĩa và âm hưởng mới, đa phức, phân lập hơn nhiều. Ta hãy cùng đọc bài thơ K H U Y Ế T:
cuộc trăm năm
dúm
một ngày
em
tằn tiện cũng đủ dày
gót son
em đi
trăng giú đồi non
em về
khuyết 
một chỗ mòn mỏi… xa
Nhà thơ không chỉ xuống dòng, phá mô hình câu 6-8. Vấn đề là xuống thế nào. Vừa nương giữ âm hưởng lục bát, vừa làm vỡ nó ở đâu đó, làm nên cái khúc mắc, quay quắt bất định và khó tả. Đó là khác biệt. Trong bài thơ trên, nếu viết dồn lại sẽ bức bối, chiếu lệ, sáo mòn. Để lơi lỏng như đã, sao mà đau, mà mỏi, mà mất mát, mà tan biến, từng âm, chữ, dòng. Thích nhất là dòng cuối , ở ‘’ mòn mỏi…xa”, bạn ngắt thế nào cũng bàng hoàng, ngơ ngác.
Tôi có ý nghĩ rằng không gian Bình Định đã sinh ra tạng thơ Chế Lan Viên, Hàn Mạc Tử, Yến Lan, không lẽ không thấm vào Duy Phạm. Họ chung nhau một căn tính. Rất ít lời. Rất siêu hình. Rất rạc rời, đứt gãy trên bề mặt. Cái tôi Duy Phạm khác, tất nhiên, đậm đặc Bình Định từ phương ngữ đến sự đối lập cao trên mọi bình diện ; mộc mà tinh, khắc khổ mà dịu dàng; vô định mà khoảnh khắc; già nua và tươi trẻ. Cồn cào phàm trần mà bình thản khiết trinh. Cùng đọc bài thơ sau để thấy cái vị lục bát Bình .Định với cách bẻ chữ, cài chữ tỉ mẩn, thú vị :
lưng 
lưng

nắng
lửng tơ ,;
vàng
chiều xa xắt muộn tím hoàng hôn say
1. là ta
rong kiếp lưu đày
vẽ 
con còng gió cõng ngày qua đêm
là ta
buộc chặt lạc mềm
hóa ra trớt quớt buồn thêm thắt buồn
lệ khô 
sánh
lại thành khuôn
đúc

Thơ Duy Phạm là hành trình anh đi tìm anh, đi tìm câu trả lời cho chính mình. Tôi mất công chịu đựng một Duy Phạm u ám, bi quan ( trong một thế giới con người bận rộn và bão hòa này, con người không thích các lựa chọn khắc khổ này),chắc chắn vì tôi được đền bồi. Tôi thích đọc anh tuyệt vọng, như đi trên trục hoành. Tôi lại thích thú thấy anh đầy hi vọng, như dẫn tôi đi trục tung của đời sống. Và sau rồi, rốt ráo, tôi vẽ một parabol thơ anh- và lòng tôi từ giao điểm của hai mặt đối lập ấy, tôi tìm thấy một nhân sinh, một giác ngộ mới. Thì đấy, cuộc đời là thế, có trước ta, ở đâu đó, chẳng hỏi ta, cho ta những cú giáng chí tử. Nhưng cũng chính những cú giáng ấy làm ta thức tỉnh. Cuộc đời lớn hơn những gì ta có, kì diệu hơn hạnh phúc ta mong, và miên viễn sâu đậm hơn nỗi đau của mất mát. Sống, đa trị hơn là chết. Từ ngày đọc thơ, trong đó có cuộc gặp thơ Duy Phạm, tôi mới hiểu ra rằng : Chỉ cần có mặt ở thế giới này thôi, thế đã là đủ .
Tất nhiên là lâu lâu, thêm một bài thơ Duy Phạm, ở Quy Nhơn nữa. Thế là đầy.
2.7.2019
Nguyễn Thị Kim Lan

4 thoughts on “Parabol thơ

  1. Duy Phạm

    Cùng quý bạn đọc thân mến.
    Có lẽ Duy Phạm là ngườii viết thơ khá muộn mằn. Các bài thơ ra đời ngoài mong muốn bởi môht niềm đau cố hữu.
    Thế nhưng được quý thân hữu đón nhận và chia sẻ cảm nhận. Điều đó đã làm cho Duy Phạm xúc động và ấm lòng.
    Mấy năm gần đây, ngườii bình thơ Duy Phạm cũng không ít, khen và chê khá nhiều…Duy Phạm luôn trân quý những cảm nhận của quý vị.
    Bài bình thơ DP với cái tựa ấn tượng PARAPOL THƠ của cây bút phê bình văn học người Hà Nội Nguyễn Thị Xuân Lan đã đem lại một hương vị mới trên bình diện viết cảm thụ văn học. Một cách dụng ngữ hiện đại đã tạo ra một văn phong lôi cuốn, hấp dẫn người đọc. Không cường điệu, tô hồng heo lối viết thông thường , đi sâu vào mạch cảm xúc của thi ca để tìm ra những ẩn số mà tác giả gửi gắm vào chữ nghĩa.
    Trân trọng chia sẻ cùng quý bạn đọc thân mến
    d u y p h ạ m

    Reply
  2. Mộc Miên Thảo

    Viết hay!
    Lâu lắm mới có dịp đọc lại, cả thơ và lời bình! Tuyệt!
    Thăm anh an vui.
    MMT

    Reply
  3. admin Post author

    Mộc Miên Thảo ơi! tái xuất giang hồ đi , bàn dân thiên hạ ngóng trông từng ngày …hu hu

    Reply
  4. Mộc Miên Thảo

    Dạ, MMT vẫn luôn theo dõi trang nhà và đọc hết khi rảnh rỗi ạ.
    Kính mong BBT, Admin trang nhà nhiều sức khỏe.
    MMT

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.