Tác giả: BS Nguyễn Ý Đức
“Ăn trầu thì mở trầu ra
Một là thuốc độc, hai là mặn vôi”
Đó là đức tính thận trọng của các cụ ta với tập tục bỏm bẻm nhai trầu.
Theo truyền thuyết, tục ăn trầu đã đến với dân gian ta từ thời vua Hùng dựng nước, kể lại qua một câu chuyện tình với kết cục không vui của đôi anh em huyết mạch và cô thôn nữ hiền lành.
Tại một thôn nọ, có hai anh em sinh đôi tên là Tân và Lang. Họ giống nhau như đúc và cùng cực thương yêu nhau.
Trong thôn, có một thiếu nữ rất nhan sắc và dịu hiền.Cả Tân lẫn Lang đều si mê nàng. Vì là vai trên ưu tiên có vợ cho nên Tân được cưới nàng. Họ ăn ở thuận hòa với nhau.
Một hôm, người vợ giao tình với Lang vì lầm tưởng là chồng.
Hối hận, Lang bỏ đi xa và giã biệt cõi đời bên một dòng sông. Từ chỗ đó mọc lên một cây cau cao vút với trái hình quả tim.
Thương nhớ em, Tân đi tìm. Số phận đưa tới bờ sông, buồn khóc thảm thiết tới chết. Xương thịt tan dần và tụ thành một tảng đá vôi.
Đến lượt người vợ thương nhớ chồng và em, đi tìm. Lại một sự tình cờ, nàng tới bờ sông, ngồi trên tảng đá, dựa lưng vào cây cau. Rồi chết…Và một giây trầu từ đá mọc lên quấn quýt lấy thân cau…
Một thắm thiết muộn màng, nhưng từ đây mãi mãi bên nhau. Với “Trầu xanh, vôi đỏ, cau vàng” .
Người được mời trầu, trước khi ăn đều mở ra coi. Xem vôi nồng nhiều ít. Còn thuốc độc thì có lẽ cũng chỉ nói cho vui, chứ ngày xưa đâu đến nỗi thù đậm mà “te ro rít” nhau như vây.
Với tổ tiên ta, miếng trầu đã trở thành một nghi lễ thân mật để mở đầu một giao tế, một dịch vụ. “ Miếng trầu là đầu câu chuyện”.
Vào yết kiến “quan chức nhà nước” mà không có mâm trầu kèm theo vài hộp bích quy chứa vàng khối là coi như công việc “sôi hỏng bỏng không”.
Cưới hỏi là phải có cơi trầu, buồng cau. Nhà trai quan sát tính nết cô dâu tương lai qua cách thức têm trầu, rót nước mà quyết định hôn nhân. Miếng trầu têm không gọn là người không khéo tay; miếng cau to hơn miếng trầu là kém căn cơ làm ăn; vôi nhiều là không biết lo xa. Giả như ngày nay mà các cụ kén vợ theo kiểu này thì khối anh ế và cũng nhiều nàng tiếp tục phòng không.
Trầu cau cũng là một ràng buộc đáng yêu giữa
“Đôi ta sang một con đò;
Nhìn quanh vắng khách trao cho miếng trầu”.
Thế là từ nay là của nhau rồi đấy nhé.
Ảnh hưởng lên sức khỏe
Các cụ ăn trầu với một ý niệm giản dị làm cho sạch miệng, chắc răng, đỏ môi và ăn ngon miệng.
Trầu cũng có nhiều công dụng trị bệnh theo kinh nghiệm dân gian.
Lá hơ nóng, đắp lên rốn để trị đau bụng, no hơi, ợ chua và sôi bụng.
Vò nát lá, bọc trong túi vải, nhúng nước sôi rất tốt trong việc đánh gió trừ cảm mạo, ho thời tiết.
Nấu lá làm nước tắm để trị ghẻ ngứa, rôm sẩy cũng là môn thuốc cổ truyền của nhiều mẹ già Bắc Việt.
Nước lá trầu ngậm trong miệng có thể làm giảm nguy cơ viêm răng lợi, nhờ hóa chất polyphenol tiêu diệt được vi khuẩn.
Y học Ấn Độ coi trầu có tác dụng trợ tim, lợi tiểu và hơi có công dụng kích dục, gây hưng phấn cũng như gây nghiền.
Trầu là phải có Cau.
Cau có vài chất tannin và alkaloid. Theo kinh nghiệm Đông y, cau có tính chất thông đại trường, hạ khí, được các cụ dùng để trị chướng khí, tả hạ, sát trùng. Hạt cau được cho uống để trừ giun sán vì hóa chất trong hạt làm tê liệt hệ thần kinh các ký sinh trùng.Vỏ cau lợi tiểu dùng để trị thủy thũng.
Nhai trầu cần kèm thêm miếng vỏ cây đay, mang vị chan chát hòa nhập với một chút vôi tôi để lâu hơi nồng. Sự phối hợp mang lại bài thuốc trị liệu giản dị nhưng hiệu nghiệm. Nhiều người ngoại quốc tới Việt Nam thuở xưa đều ngạc nhiên thấy các bà mẹ quê của chúng ta rất ít bị hư răng. Nhờ các bà mẹ luôn luôn nhai trầu. Như bầy trẻ nhai suynh gôm bây giờ.
Nhưng ăn trầu cũng có vài rủi ro.
Nhiều vôi có thể làm niêm mạc miệng phỏng; nước trầu nồng khiến vị giác kém tinh vi không phân biệt được hương vị thực phẩm; tuyến nước miếng, niêm mạc miệng và cuống họng bị kích thích và có thể gây ung thư.
Vấn đề ung thư mới đây đã được xác định.
Tháng 8-2003, giới chức Y tế Liên Hiệp Quốc đã công bố kết quả một nghiên cứu về tục ăn trầu này. Theo đó, ăn trầu vẫn rất thịnh hành ờ các quốc gia Đông Nam Á Châu, dân tỵ nạn tại Anh, Bắc Mỹ và Úc Châu. Điểm đặc biệt là giới trẻ lại cũng bắt đầu nhai trầu. Lý do được họ nêu ra là để giúp tập trung, giảm buồn chán vô công rồi nghề, giảm cảm giác đói, thích vị cay cay của trầu, làm hơi thở thơm hơn, có vẻ trưởng thành. Theo WHO, tại các quốc gia Đông Nam Á, nhai trầu cau là thói quen đứng hàng thứ tư sau thuốc lá, rượu và caffeine.
Kết quả nghiên cứu xác định là ăn trầu với cau đưa tới ung thư miệng, cuống họng. Cũng theo báo cáo, mỗi năm trên thế giới có 390.000 trường hợp ung thư miệng thì 228.000 xẩy ra ở Đông Nam Á.
Ngoài ra, ăn xong miếng trầu, không có ống phóng, các bà mẹ chất phác của ta rất vô tư-tự nhiên, quay ra nhổ đánh toẹt một bãi quết trầu xuống nền nhà trơn bóng.
Vừa mất thẩm mỹ vừa gây khó chịu cho khách bàng quan.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Texas-Hoa Kỳ