Qùa Tặng Cho Cô Con Gái Ngoan

Trần Ngọc Phương chuyển ngữ

Tác giả: Nadine Gordimer

Nadine Gordime (1923 -2014) nhà văn nữ da trắng Nam Phi, đoạt giải văn chương Nobel 1991. Bà sinh năm 1924 vùng ngoại ô thành phố Johannessburg, Nam Phi… Bà đi vào con đường văn chương khá sớm, bắt đầu viết năm lên chín, mười lăm tuổi đã có truyện ngắn đăng trên tạp chí. Cũng như nhà văn Alan Paton, đề tài của bà thường xoay quanh vấn đề tình yêu và màu da, chống chủ nghĩa kì thị chủng tộc. Bà còn đi xa hơn nữa, dấn thân vào cuộc đấu tranh chống chế độ Apartheid ở Nam Phi. Bà giúp thành lập Hội Nhà Văn Nam Phi mà 98% là người da đen.

Vào một buổi chiều tháng chín. Một người đàn bà bước vào tiệm nữ trang. Hai cô nhân viên bán hàng mà vóc dáng họ như được sắp xếp trù liệu – những con người kiên trì, thích hợp với đường ngang nét thẳng của tủ kính chưng hàng và hàng cột đứng – họ nghiêng người qua một bên, ưỡn hông ra phía trước, khuỷu tay tựa lên vạt áo lụa, đứng nhìn bà không chớp mắt, và chờ cho bà ta rời đi.

Vì họ nhận thấy bà ta không thuộc về những chỗ này. Không người đàn bà nào đội chiếc nón rơm cũ sờn méo mó, mang cái túi xách vải thô to kềnh trang trí bằng len, theo kiểu hàng phúc thiện nhà thờ, đi đôi giày bẩn với chiếc vớ màu hồng rẻ tiền chỉ vừa phủ đến mắt cá, lẽ nào lại có thể là khách hàng của tiệm nữ trang sang trọng. Họ biết loại người đó: Dốt nát, thiển cận, có chút mê mụ, lầm lẫn đi lạc vào. Có lẽ vì của hàng bán dược phẩm nằm ở sát bên cạnh. ‘Họ’ sẽ ngẩn người ra nhìn ngó quanh quất như thể đi lạc vào hang động cây đèn thần của Aladin. Và khi ‘họ’ thấy những chiếc hộp đồ đựng dao kéo đẹp đẽ, với những con dao được sắp xếp xinh xắn trải ra như những phím đàn, loé sáng lấp lánh trên nền nhung, những cái đồng hồ nhỏ xinh đẹp nằm trong những hộp lót bằng vải sa tanh, và sự tô điểm lóng lánh mướt mát của cái ly cắt ngắn bên dưới ngọn đèn đặc biệt của nó. ‘Họ’ sẽ lầm bầm và lóng ngóng tự đi ra trở lại. Vì thế, các cô gái đứng yên bất động, và chờ cho bà ta đi ra.

Nhưng không, bà không đi. Bà tiến thẳng vào, nửa như ngang bướng nửa dễ mến. Bà khịt khịt như thể muốn nói: Tiến lên nào! Được rồi, tại sao không … Và đặt cái xách tay lên quầy. Rồi bà kéo nón đứng chờ, không nhìn đến các cô gái trẻ bán hàng.

Nhưng, các cô gái vẫn đứng bất động. Mắt họ như khép lại, nhìn đăm đăm vào cái túi xách bằng vải thô như khám phá một vật hoá thạch nào đó.

Cô nhân viên thứ ba, đang ngồi xâu những chiếc nhẫn cưới vào cây gậy bọc nhung. Cô đẩy chúng sang một bên và đứng dậy. Cô bực tức như một cơn buồn ngủ kéo dồn đến: Được rồi, phải có một ai đó biết bà già này muốn cái gì chứ?

– Bà cần gì? – Cô ta thốt lên.

Hình như nó có sẵn trong miệng bà – như một đưa trẻ vừa vọt lên khỏi mặt nước, đôi má phính phồng phun ra một miệng đầy hơi và thở gấp dồn dập: Xin chào cô – Bà nói liền hơi – Xin chào cô. Có cái túi xách màu xanh bày trong tủ chưng hàng, thưa cô. Ở trong góc, ngay phía dưới, gần mặt trước. Tôi muốn mua cho con gái tôi, nó luôn luôn nói về cái túi xách màu xanh. Tôi lấy làm lạ, cô hiểu cho, nó chỉ cho ngày lễ Giáng Sinh, nhưng tôi nghĩ… – Và đôi con ngươi của bà đảo qua đảo lại như con cá nhỏ yếu ớt đang bơi trong đôi mắt ẩm ướt mờ nhạt của bà, với bờ mi lồi trề đo đỏ ném ra tia nhìn hoang dại. Như người ăn mày đang bày tỏ nỗi thương tâm đáng giá, bà ta cười trên cái miệng móm mém và hàng răng sún.

– Bà cần cái túi xách màu xanh trong tủ kính, phải không? Cô bán hàng ngước lên rồi nhìn xuống hỏi lại. – Đúng rồi. Giá nó bao nhiêu? Người đàn bà nheo mắt, giọng rụt rè như thú nhận điều bí mật. Cô bán hàng trẻ chẳng muốn bị lôi cuống vào sự thân mật như thế.

– Để tôi coi nào… – Cô nói, và như không để lãng phí thời gian. Từ sau quầy cô đi ra. Thận trọng và nhẹ nhàng. Cô mở chốt cửa tủ chưng hàng, cúi người lôi cái túi xách ra. Người đàn bà tiến tới áp sát vào quầy hàng, bà dò dò lưỡi dọc kẽ răng lo âu. Bà tựa khuỷu tay trái lên quầy, xương khuỷu tay trợt qua lại trên lớp da chùng dai như da rùa, cánh tay giương lên ở tư thế tò mò, cổ bàn tay rủ xuống hờ hững, như bàn tay vua Louis XVI bảnh bao đang kẹp điếu thuốc lá hít. – Ưm … m… – Bà thốt ra và lóng ngóng quanh chiếc túi xách như muốn sờ mó vào nó, mũi bà thở dồn dập. Trong khi cô bán hàng tách chuôi khoá sáng loáng của dây kéo ra dò tìm thẻ ghi giá tiền bên trong. Cô nín thở để tránh hơi thở hôi chua của bà. – Bốn bảng mười lăm. – Cuối cùng cô bán hàng nói. – Bốn bảng mười lăm. Bốn bảng mười lăm. – Người đàn bà gật đầu, môi dưới bậm lại. – Chín mươi lăm Shilling (*) – Cô bán hàng nói, tay tựa lên hông. – A – Người đàn bà thốt ra, nhướng đôi lông mày rơi tõm dưới cái nón kỳ quặc nhìn lên, như thể để giải thích chút khó khăn nào đó. – Có… cái gương nhỏ ở bên trong nó không? – Bà hỏi. – Có – Cô bán hàng trả lời vẻ diễu cợt – Bà không đủ sức đâu – cô nói và tay chống nạnh.

– Ơ. Tôi chắc là nó sẽ thích cái này – Người đàn bà nói gẫu, tay mó máy những ngăn túi nhỏ và những đồ vật bên trong cái túi xách da. – Nó thích màu xanh, cô biết không, mọi thứ phải là màu xanh. Tất cả quần áo cũng như mọi thứ. Khi tôi bảo nó, như thế giả sử là không may mắn. Nó chỉ nói. “Mẹ à. Mẹ là kiểu người cũ xưa”. Nó luôn luôn muốn có một cái túi xách màu xanh… – Rồi, chắc chắn là bà phải lấy nó cho cô ta, thưa bà. Cô bán hàng nói – một hai phút nữa bà già này sẽ đi – Cô lẩm bẩm – bà sẽ gặp … bà sẽ nói với chồng bà… – Cô hiểu cho. Tôi nghĩ, tôi muốn mua tặng cho nó, một cái túi xách màu xanh vào ngày Giáng Sinh. Người đàn bà nói, bà đùa bỡn với chuỗi tràng hạt màu vàng như những viên đá cuội trên gò ngực gầy xương của bà. – Vâng, tốt hơn gặp được thì mua ngay đi – Cô bán hàng hối thúc theo thói quen – Nếu bà chờ, nó có thể bị bán mất. Bà có thể mua để dành nó cho tới ngày lễ Noel rồi đem tặng cô ấy. – Ồ, thôi. Tôi không thể lấy nó được bây giờ … – Bà nói – Cô hiểu cho, hiện giờ tôi không có tiền trong người. – Được rồi, tôi có thể dành riêng cho bà, cho tới ngày mai – Cô bán hàng nói. Người đàn bà đứng chớp chớp mắt trước mặt cô, vẻ khúm núm và cười với nụ cười ngây thơ khôn vặt quen dùng của người ăn mày, trong khi người ta đọc dễ dàng ‘cái thực trạng’ rách nát của y. – Cô thông cảm cho, cô quý mến – Bà nói lí nhí trong miệng – Tôi nghĩ, cô cho phép tôi trả tiền góp như thế… tới lễ Noel – Gương mặt bà chăm chú hết vào lời đề nghị. – Không được làm thế, cô Pierce – Hai cô nhân viên bán hàng khác xen vào lập tức – như đại diện cho một số người có quyền lực lớn, thức tỉnh nửa chừng, qua sự hội ý kịp lúc, nói oang oang quyền phủ quyết trên tiếng rên rỉ mà họ không nghe đến – Ông Cano không có ở trong. – Bà hiểu cho. Ông giám đốc bây giờ không có ở đây. Cô bán hàng dạm lời. – Ồ, tôi không trông mong các cô để tôi lấy nó … – Người đàn bà xác nhận lại và mỉm cười với các cô gái trẻ, như thể họ vừa làm xong cho bà một đặc ân đẹp đẽ nhất – Tôi chỉ muốn đặt cọc một số tiền nào đó, các cô có thể giữ dùm nó lại đây cho tôi. Hằng tuần tôi sẽ đến và trả thêm một số nữa. Bà nhe răng ra cười nhăn nhở với họ như một tên nhóc ranh bị dồn vào thế bí. – Tôi hiểu – Cô Pierce nói, và cô đã không lường trước trường hợp này. – Chị Pierce, chị không thể làm điều đó được nếu không có phép của ông Cano – Hai cô bán hàng khác phát biểu – Không thể làm điều đó mà không có ông ta. – Được rồi, được rồi, tôi biết – Cô Pierce quay hỏi người đàn bà – Bây giờ bà muốn trả trước bao nhiêu? Sự căng thẳng dịu dần. Người đàn bà túm cái túi xách vải thô xuống và lôi ra cái ví mỏng.

– Tôi có thể gởi cô trước mười Shillling. Bà nói. – Và bao lâu sẽ trả xong? – Vậy… cho tôi tới ngày lễ Noel. Chỉ khoảng mười lăm tháng mười hai. – Điều đó không thể được, cô Pierce – Một cô bán hàng khác lớn giọng. Cô gái nghe tiếng đó từ phía sau lưng. Trước mặt cô là người đàn bà đang cười nhăn nhở trên hàm răng sún, như một con chó tiếp tục vẫy đuôi, ngay cả khi người ta đến lấy đi cục xương đã làm nó mê mẫm. – Đồng ý – Cô gái bán hàng thình lình nói. Một cách lặng lẽ, người đàn bà lấy ra tờ bạc mười Shilling từ cái ví lép kẹp và im lặng chờ lấy biên nhận. Có được tờ giấy quyền sở hữu trong tay, bà gấp nó lại trong rồi cất vào túi xách vải thô. Bà bắt đầu bộc lộ cái tính vui vẻ bép xép lắm điều của bà, bà cởi mở hết những tâm sự thân thiết, như một hoa giấy Nhật vui sướng lên mặt tự phụ là một bông hoa, thay vì nó chỉ là mẩu giấy nở phồng trong dung dịch nước.

Bà kể về đứa con gái của bà. Những điều đứa con gái thường nói và những điều bà thường nói với con gái.

– Cô hẳn phải biết con gái của tôi – Bà nói và gạt đi những ý kiến xa xôi mà cô Pierce có lẽ chưa kịp nghĩ đến – Cô biết không, cô quí mến. Nó làm thủ quỹ ở Cung Văn Hoá. Một cô gái đẹp có dáng rất tuyệt… Bà có lối nói đặc biệt, lúc đầu do dự rồi sau đó vội vã lướt nhanh. – Vâng – Cô Pierce thì thầm. Cô thực sự là khách hàng quen thuộc của rạp xi-nê ở nơi đang được nói đến. Cô cũng là người chưa từng giảm việc đi mua vé xem phim. Thế nhưng cô chưa bao giờ thấy người thủ quỹ – Vâng, tôi nghĩ rằng chắc đã gặp … – Ăn mặc toàn màu xanh? Nói năng nhỏ nhẹ? – Người đàn bà tiếp tục – Dĩ nhiên cô biết nó. Đó là một chỗ làm tốt. Cô hiểu chứ. Nó là đứa con gái ngoan của tôi. Không như người ta, tôi phải nói thế. Nó là một đứa con gái giỏi dắn – sắc sảo như cây kim. Đó là lý do tại sao tôi vui sướng đi mua cái túi xách bằng da đó tặng cho nó. Nó muốn một cái màu xanh đã lâu. Khi mẹ con tôi đi dọc đường, tôi thấy nó dừng lại, nhìn vào tủ kính chưng hàng. Tôi hỏi nó, nó nói, không, không có , chỉ coi qua thôi. Nhưng tôi biết rõ, chắc chắn không còn nghi ngờ nữa, ở một chỗ nào đó trong tủ kinh nhất định phải có cái túi xách màu xanh…

Khi bà lê bàn chân to bè trên đôi giày sờn cũ ra ngoài. Hai cô nhân viên bán hàng đứng nhìn cô Pierce.

– Thế là xong. Đừng có nói là chúng tôi đồng ý đó nhé. Chị biết ông Cano đó…

– Người gì trông kì cục… – Một cô khác nữa quở – Chị có thấy cái lối bà ta ăn mặc không! Dường như bà ta có uống chút rượu nữa.

– Thôi! Thôi! Tại các chị không bao giờ làm bất cứ điều gì, hoặc cách này hoặc cách khác. Tại sao cứ luôn luôn chờ tôi làm trước? – Cô Pierce đột nhiên đùng đùng nổi giận.

Hai tuần trôi qua. Và rồi người đàn bà lại đến với vẻ muốn nộp tờ giấy bạc mười Shilling của bà cho chắc ăn, trước khi nó có thể ‘bay’ đi với những việc khác. Bà ta hỏi xem cái túi xách lần nữa. Bà lập lại với người đồng mưu – cô Pierce – những chi tiếc về sở thích của cô con gái, những màu sắc ưa thích, những năng lực trí tuệ. Để tống khứ người đàn bà này, cô Pierce giả vờ là cô có đến viếng thăm Cung Văn Hoá đó và cô có để ý đến cô gái thủ quỹ có mái tóc vàng vào buổi chiều vừa qua. Người mẹ trở nên lặng người không nói được vì qúa sức hảnh diện. Bà dường như lịm đi trong giấc mơ. Tựa người vào quầy, bà nói rất khẽ – Vâng. Tôi muốn được trông gương mặt nó vào sáng ngày lễ Noel… tôi muốn được thấy gương mặt nó… điều tôi muốn… Xếp tờ giấy biên nhận thứ hai lại hết sức cẩn thận, bà bước ra khỏi cửa tiệm như thể đang đi thẳng lên mây.

– Một bà lão ngốc nghếch buồn cười – Cô Pierce nói và ghi ‘còn thiếu ba bảng mười lăm’ trên gói đồ. Lần tiếp sau. Người đàn bà đến. Bà chuyện gẫu với vẻ bối rối, và khăng khăng cố mời cô Pierce một điếu thuốc lấy ra từ cái hộp tráng men có vẽ phủ hai con vẹt màu vàng. Rồi cài chốt lại một cách rõ là khá phức tạp cũng như lúc mở.

Bên dưới cái nón rơm bung vành, bà trông có vẻ kì lạ hơn bao giờ, gương mặt cứng đơ một vệt son màu tim tím trên miệng. Bà chỉ trao năm Shilling với vô khối lời tạ lỗi – Có Chúa chứng giám cho, tôi sẽ trả hết phần đó nữa vào đầu tháng – Bà lớn tiếng và đưa tay phải lên – Có Chúa chứng giám… – tay bà buông xuống và thình lình bà mỉm cười rất dịu dàng, dịu dàng – Vì con gái nhỏ của tôi … Con gái nhỏ của tôi – Bà lẩm bẩm, dĩ nhiên là với chính bà. Cô Pierce đáng thương cười sặc sụa. Rồi đột nhiên, bà bỏ đi. Lần thứ ba. Bà đến vào buổi sáng. Và dường như với cô gái trẻ Pierce, người đàn bà thực sự đã già hơn đi rất nhiều. Cô để ý thấy bà đi hơi loạng choạng, cái túi xách vải thô như quá nặng với bà, mắt bà đỏ ngầu trên gương mặt xanh xao. Có lẽ bà đã khóc? Cô Pierce nghĩ. Có lẽ bà già tội nghiệp này đã làm việc trong nhà khá vất vả, có mùi cồn mêtanol tởm lợm trên người, chắc bà đã phải lau chùi những cửa sổ kính. Bốn bản mười lăm! Đây phải là một gia tài đối với bà. Cô Pierce tự hỏi: Không biết cô gái thủ quỹ tóc vàng ở Cung Văn Hoá có đáng giá như thế không? Nhưng dù sao mười lăm Shilling nữa đã đến kì hẹn phải trả cho cái túi xách xanh.

Và điều này dường như còn xa mới xong hết.

Nhiều tuần trôi qua. Người đàn bà không thấy xuất hiện. Cô Pierce đã giấu cái túi xách xanh ấy đi để tránh cặp mắt thạo nghề của ông Cano – Cái gì đây? – Ông ta sẽ nói – Bao lâu? Bỏ lại vào kệ. Trả lại tiền cho bà ta – Vì thế cái túi xách màu xanh nằm chờ đợi ở bên sau đống cặp da đựng đồ viết lách.

Tình hình mua bán càng gia tăng nhộn nhịp lên trong thành phố vào những ngày sắp đến Noel. Chẳng mấy chốc ba cô bán hàng đã thúc huých nhau khác thường. Họ cười, họ thuyết phục, họ đề nghị với những kẻ mua hàng nhút nhát, do dự hay độc đoán. Cô Pierce đã thực sự không còn thì giờ để xem người đàn bà có đến lấy cái túi xách hay không. Việc thu hút cô gái bán hàng này là, cãi vã nhau om sòm với nửa tá khách hàng về những nửa tá tương đương của những điều bất hoà, có thể là như vậy. Không có một tí thời giờ sót lại mà không bị túm lập tức bởi người nào đó, đã chờ đợi suốt ba phần tư thời giờ để đòi được xem cái bát đánh phấn đồi mồi.

Nhưng, trong sự điên cuồng cao độ vào bốn giờ rưỡi chiều thứ bảy trước ngày lễ Noel. Cô Pierce bị cắt ngang – Khách của chị kia – Một trong hai cô bán hàng trẻ huých tay – Cái gì? – Cô gái hỏi và né tránh cặp mắt kêu gọi – Cái túi xách xanh – Một cô gái khác cười rạng rỡ nói và biến đi.

Cô gái ưu phiền chạy lách đến bên hông khác của cửa hàng trong mối bận tâm mê mụ, kết quả của dạng say nắng tinh thần do sự phơi trải quá lâu suốt ngày trong đám đông. Cô không thể nhớ ra cái túi xách xanh nào. Nhưng khi cô thấy người đàn bà đội cái nón rơm cũ sờn méo mó đang đứng ở cửa. Và dĩ nhiên! – cái túi xách xanh – còn thiếu hai bảng mười lăm, nằm bên sau chồng cặp da viết lách. Cô tiến tới với nụ cười tươi tỉnh.

– Đâ …â ây – Người đàn bà nói và đưa ra tờ bạc một bảng Anh như thể đưa đến bức tường trống – Nê…ê ếu cô đã bán cái túi xách nó cho ai … tui trả tiền … cô lấy lại cho bà già tội nghiệp này – Giọng bà rên rỉ lẫn lộn giữ tiếng ồn ào trong cửa tiệm, mùi hơi rượu nồng nặc toả ra vây quanh cô như khói trầm hương bốc quanh tượng thánh thần nào đó. Cô Pierce đứng nhìn bà ngạc nhiên.

Cái túi xách vải thô tuột rớt xuống sàn. Người đàn bà quay lại nhìn nó như thể một vật gì vừa trườn lên chân bà. Bà cố gắng nhặt cái túi xách lên nhưng không xong, và gần như cong người trên sàn nhà, bà nhìn lên cô Pierce cười nắc nẻ như một đứa trẻ nghịch nghợm.

– Ta…ại sao cô bă…ắt tui chờ, ta…ại sao cô khô…ông mang nó ra cho tui – Bà nói với vẻ chững chạc. Có một nhánh hoa Poppy nhỏ cài trên vành nón của bà, loại nhánh hoa mà các tổ chức từ thiện thường phát những ngày tập trung. Nhánh cây được ghim bằng một cây ghim an toàn khá lớn. Cô Pierce run sợ như con thỏ bị sập bẩy.

– Cô… ô đừng ngạ… ại tui – Người đàn bà nói với tia láu lỉnh đột ngột của sự hiểu biết – Sin…in lỗi… Cô Pierce bùng lên cảm giác tội lỗi – Tôi sẽ lấy ngay… tôi có ý, tôi sẽ gặp… – Cô cố gắng nói. – Đừng phải sợ … bà già nghèo này. Tui … muốn cái túi xách – Bà dừng lại suy nghĩ nặng nhọc – Cái… xanh, cái túi xanh… tui mu… ua cho con gái tui. Cô…ô biết con gái tui? – Bà cố gắng thuyết phục và chộp lấy cánh tay cô Pierce. Di…ĩ nhiên, cô…ô biết con gái tui – Bà dừng lại nheo mắt mỉm cười – Đâ… ây – bà nói và đặt xuống một tờ bảng Anh. – Nhưng cái đó chưa đủ – Cô Pierce nói lớn như thể nói với một người điếc – Không đủ. Bà còn thiếu hai bảng mười lăm – Cô đưa ngón tay ra dấu – Hai bảng mười lăm. – Cái rì ì vậy? – Người đàn bà hỏi vẻ khờ khạo. Gương mặt bà trở nên ủ rũ, thiểu não – Không trao nó cho tui. Cô không muốn trao nó cho tui. – Nhưng bà đâu có chịu hậu quả về nó, bà hiểu chứ – Cô Pierce nói khốn khổ. Ông Cano đang nhăn mặt với cô qua đám đông. Cô có thể hiểu hàng lông mày cau lại của ông, ông đang đặt vấn đề. – Rá…áá nó đã bao nhiêu? – Người đàn bà thì thào, chớp chớp mắt và chồm sát vào mặt cô. – Bốn bảng mười lăm. Bà nhớ chưa? – Cái rì…ìì? – Bà cười rả rích – Cái rì…ìì? – Bà phải trả thêm hơn bảng nữa và mười lăm Shilling. Người đàn bà ngồi khuỵu xuống và sờ soạng mò tìm những chỗ lồi phồng của cái túi xách đang nằm trên sàn nhà. Cuối cùng bà đứng dậy trở lại. Có một cái neo nào đó trong tim đã lôi kéo bà, đến nỗi cả cái biển say rượu mênh mông to lớn chưa từng ghi vào hải đồ cũng không bức ra được. Bên dưới khuôn mặt cứng đơ, cặp mắt bà phản chiếu ra thật khủng khiếp, để thấy rằng bà vẫn còn sống và tranh đấu. Cái ngẩn ngơ của kẻ say rượu đã không đến cứu giúp bà. – Tu… ui muốn lâ…ấy cho nó – Bà nói – Ý…ý tu… ui nói… là mua cho nó. Cái nón bung vành che khuôn mặt bà lại, khi bà lần mò tìm đường đi ra. Cả cửa tiệm nhìn xem theo dõi. Chỉ mỗi một người đàn ông đang ở trên đỉnh cao trong niềm vui riêng của chiến thắng.

Thật là hầu như khó quay lại công việc được nữa. Khi một cô gái xanh xao, gương mặt trắng dữ dội, với mái tóc vàng hoe thưa nhạt của những đứa trẻ sống khu ổ chuột, bước nhanh run rẩy vào cửa tiệm. Cô đứng đó, chồm người trên nhứng ngón chân, run lên giận dữ. Ở ngay từ bên sau cô và được kiểm soát chặt chẽ bởi cái nhìn khủng khiếp của đôi mắt cô, là một bà già đang há hốc miệng. Đôi mắt cô gái nhìn quanh xem xét cửa hàng một cách dữ dội. Chúng nó dường như lôi cô Pierce ra khỏi quầy hàng: Cô chầm chậm tiến ra. Một tia giận dữ căm phẩn từ cô gái quét qua người đàn bà già – kẻ đang lẩn tránh – như từ một cái roi da. – Nào. Cái gì? – Cô gái thốt lên – Bà ta nợ gì ở đây? – Bà ta đã trả một số, cô biết đấy – Cô Pierce đánh bạo nói. Họ giống như những bác sĩ đang bàn luận trên thi thể đang nằm sấp của bệnh nhân. – Nói cho tôi biết bao nhiêu. Tôi sẽ trả – Cô gái cắt mạnh. Dưới lớp da cổ xanh xao gầy gò của cô gái, trái tim cô đập một cách dữ dội như con chim đang nhảy bổ điên cuồng trong lồng. – Ồ. Được rồi – Cô Pierce ngập ngừng và tránh nhìn vào người đàn bà – Bà ta thanh toán không chậm lắm đâu. Bà ta hoàn toàn không cần thiết lấy cái túi ngay bây giờ. Những giọt nước mắt nóng lấp lánh nhớ lại những cảnh giận dữ gần đây đã làm xốn xang đôi mắt cô – Nói cho tôi biết, giá nó bao nhiều? – Cô thì thầm một cách điên cuồng dữ dội. Cô nuốt nước mắt – Bã không thể trả được – Cô gái nói với cái nhìn tuyệt vọng chán ghét vào người đàn bà. – Cái túi xách giá bốn bảng mười lăm. Bà ta còn thiếu hai bảng mười lăm. – Bốn bảng mười lăm Shilling cho một cái túi xách – Cô gái nói cay đắng. Nỗi thất vọng dữ dội và sự cáu tiết tuôn ra ngập tràn, đến nỗi đôi mắt xanh xao của cô ứa đầy những giọt nước mắt sáng lấp lánh lại lần nữa. Cô quay nhìn người đàn bà già, tay cô rũ xuống nặng nề bên hông như thể thất bại trong việc ước muốn được đánh đập. – Còn gì tiếp nữa? Bao giờ cũng có việc. Vài ba đồ rác rưởi. Bây giờ là một cái túi xách. Để làm gì?… Người ta cho bã nhiều thứ. Bã không có trách nhiệm. Tôi đã đủ chán ngấy nó rồi – Bã nên ở trong nhà, bã phải như thế. Tôi không thể chịu đựng được nữa – Người đàn bà già không dám nhìn thẳng vào mặt cô ta. Cô gái run run rút ra hai bảng mười lăm shilling bằng bạc lẻ và trao nó cho cô Pierce với vẻ tuyệt vọng bất lực. Cô Pierce trao cho cô gái gói đồ có cứa cái túi xách màu xanh bên trong. Cô gái nhìn nó trong chốc lát biểu lộ sự chế nhạo, mặt ủ rũ chán ghét, cô nhìn như thể muốn ném nó đi thật xa, đến mức mà tay cô có thể. Sau đó cô cầm lên và đi ra khỏi cửa. – Đi mau lên. – Cô ra lệnh khẻ, giọng trầm đục. Và người đàn bà già lắc lư xiêu vẹo đi theo cô, ra ngoài đường phố.

…………….

Leave a Reply

Your email address will not be published.