Pháp Trường Xưa

Tác giả: Hạ Quốc Huy, Phạm Hiền Mây, Dr KimKimDinh

Phần 1: Thơ Hạ Quốc Huy

“Tôi đi trong gió sương lay
Bước chân sạn đạo vai gầy hoa vương”.
thơ Hạ Quốc Huy
1*
Tôi về trên pháp trường xưa
Không nàng đao phủ lệ vừa ăn năn
Vết thương còn dấu dao hằn
Dưới tầng đá nát
trăm năm lỡ làng
2*
Tôi về
mê lộ nghiệt oan
Cầm dao nhân nghĩa ánh ngàn trượng xa
Rung chuông bồ tát di đà
Bẻ gươm – Đồng thiếp – quấn tà huy bay
3*
Tôi đi
trong gió sương lay
Bước chân sạn đạo vai gầy hoa vương

Hỏi thăm bụi cỏ ven đường
Tìm bông hoa nhỏ mười phương chia lìa…
4*
Tôi đi không mão không hia
Nhớ tên quên tuổi, tạc bia dựng đời

Thân tôi gió bạt muôn nơi
Thổi qua biệt tích trên môi em cười
5*
Tôi về chiu chắt huyết tươi
Thương hoa khóc ngọc, tặng lời sắc không

Quạ kêu tàn cuộc, hừng đông
Giáp xưa thầm lặng, máu nồng rỉ loang

Năm xưa, lòng đã dặn lòng
Một đao. Một ngựa. Dẫu trong hoang tàn
6*
Thơ buồn như bụi hồng hoang
Vẫn đao. Vẫn mã. Ngang tàng tôi đi.

HẠ QUỐC HUY

Pháp Trường Xưa
Thơ: Hạ Quốc Huy
Nocturne
Nhạc Chopin
Trình tấu: SarahChang

 

Phần 2 : Cảm Nhận của Phạm Hiền Mây , Dr KimKimDinh

NHÀ THƠ, NHÀ PHÊ BÌNH PHẠM HIỀN MÂY cảm nhận PHÁP TRƯỜNG XƯA

Vẫn chỉ thế, vẫn là thế… – chỉ với sáu khổ thơ, tương đương mười hai cặp lục bát – một lần nữa, anh lại “làm mưa làm gió” trong cõi thi ca, đặc biệt là với sở trường thơ sáu tám của anh.

Tôi nói “làm mưa làm gió” là bởi vì anh luôn tạo được một sức hút đặc biệt khi vừa mới “tung” bài ra trên trang của mình. Thơ anh luôn khiến số đông bạn đọc chờ đợi, ngóng trông. Họ đọc thơ anh rất kỹ, có khi đọc đi đọc lại vài mươi bận… cũng là chuyện bình thường. Khoan nói đến kỹ thuật và nội dung thơ, chỉ cần đọc… – vâng, chỉ cần đọc đôi câu thôi là không thể gắng đọc một mạch cho hết bài, thậm chí, đọc xong rồi vẫn cứ cố tình nán lại rất lâu.
Bởi vì sao ư? Bởi do chữ của thơ và vần điệu toát ra từ con chữ ấy, chúng ngân nga, lên xuống… một cách rất tự nhiên mà mực thước, đâu vào đó, hoàn hảo đến mức chẳng có kẽ hở để chê – bởi không khí thơ nghiêm trang mà không khô cứng, hào hùng mà không lên gân, tạo dáng, bi thương mà không sầu lụy… – chúng đã hợp cùng nhau để tạo ra một sức hút khó cưỡng, tựa chất gây nghiện vậy… , hễ lỡ “dính” vào rồi thì thật khó mà “gỡ” ra, quay lưng, “đi” khỏi, bước mau… .

Mở đầu bài thơ là câu khẳng định khép: “Tôi về” và kết thúc bài thơ là câu khẳng định mở: “tôi đi” đã cho thấy ý đồ rất rõ của tác giả khi chấp bút cho bài thơ này được ra đời. Đó là lòng quyết tâm của sự dấn thân, của tiếp tục đi về phía trước, không dừng lại, chưa dừng lại và có lẽ sẽ chẳng bao giờ dừng lại, buông tay, đầu hàng, ngưng cuộc:
vẫn đao. Vẫn mã. Ngang tàng tôi đi

Chấp nhận ra đi là chấp nhận thi gan cùng nhật nguyệt, chấp nhận đương đầu với nghìn muôn khó khăn mù giăng phía trước, chấp nhận những gian nan, nghiệt ngã vô vàn… mà không ai có thể lường trước được cho mình:
Tôi đi trong gió sương lay – Bước chân sạn đạo vai gầy hoa vương“.
Chấp nhận ra đi là chấp nhận đối diện với nỗi cô đơn thường trực – gia đình, bạn hữu, người thương… đều phải để lại phía sau để đồng hành cùng sương gió, đèo cao, suối sâu, rừng thiêng nước độc… :
Năm xưa, lòng đã dặn lòng – Một đao. Một ngựa. Dẫu trong hoang tàn“.
Chấp nhận ra đi là chấp nhận hiểu lằn ranh sinh tử chỉ mỏng như sợi tơ – bên kia là mõm núi cao vòi vói, sừng sững, bên này là vực hút sâu ngút ngàn, kêu một tiếng giữa thinh không chỉ nghe vọng lại giọng mơ hồ, hoang vắng, lạnh lẽo… – chỉ một mình, phải… chỉ một mình, có chăng là:
” Hỏi thăm bụi cỏ ven đường
Tìm bông hương nhỏ mười phương chia lìa “

Chấp nhận ra đi là chấp nhận những oan khiên chất ngất, những hy sinh không giới hạn, những vùi quên rất bất nhẫn của lòng người, thời cuộc, lịch sử… :
Tôi đi không mão không hia – Nhớ tên quên tuổi, hôn bia dựng đời“.
Chấp nhận ra đi là chấp nhận những mất mát chẳng thể nào kể ra cho hết, những dằng xé trong nội tâm giữa được và mất, giữa nhớ và quên, giữa có và không, giữa niềm vui và nỗi buồn, giữa những hạnh phúc ngọt ngào, bình thường và nỗi đau xé lòng mỗi khi chiều về, đêm xuống… , quanh ta chẳng còn ai:
“Thân tôi gió bạt muôn nơi
Thổi qua biệt tích trên môi em cười “

Anh sẽ ra đi.
Anh đi vì hôm qua, anh đã bị buộc phải về khi lòng không mong muốn, không lựa chọn, không đợi chờ: “Tôi về trên pháp trường xưa – Không nàng đao phủ lệ vừa ăn năn – Vết thương còn dấu dao hằn – Dưới tầng đá nát trăm năm lỡ làng“. Anh đã bị buộc phải về trong thế thất trận, ngựa ngã, cung tên gãy… – khúc ca khải hoàn ngày nào giờ được thay bằng câu niệm chú A di đà – đường thênh thang rợp trời cờ xí, trùng trùng quân đi… của hôm qua, nay là con lộ phủ vây bóng tối mà muốn sống sót… phải bò, phải chạy hệt như trong mộng dữ của đêm – chỉ có tà huy, phải… chỉ còn chút ánh chiều vàng vọt, chút kiêu hãnh, dũng uy… còn sót lại trong chiến tướng ngày nào của con người Hạ Quốc Huy… đã dẫn dắt cho anh tìm ra lối về :
” Tôi về mê lộ nghiệt oan
Cầm dao nhân nghĩa ánh ngàn trượng xa
Rung chuông bồ tác di đà
Bẻ gươm. Đồng thiếp. Quấn tà huy bay “

Anh đã bị buộc phải về khi trong tay chỉ còn con dao cùn hộ vệ giữa bốn phía dày đặc quân thù sẵn sàng nã đạn vào anh không thương tiếc như nã đạn vào thú rừng hoang… Ý tôi muốn nói cuộc vượt ngục của anh. Bộ quân phục kiêu hùng xưa một thời oai phong lẫm liệt với những bông hoa đính trên cổ áo nay còn đâu – trên thân anh cho một cuộc về bất đắc dĩ… giờ đây là tàn y lả tả… với sắc đỏ khô quạch lâu ngày của những lần thương tích không băng bó – chỉ máu và máu, máu loang khắp trời, máu tuôn khắp đất, máu thắm hoen trên cơ thể anh… :
” Tôi về chiu chắc máu tươi
Thương hoa khóc ngọc, tặng lời sắc không
Quạ kêu tàn cuộc, hừng đông
Giáp xưa thầm lặng, máu hồng rỉ loan

Mừng rồi, vâng mừng ở chỗ… đêm rồi cũng tận, ngày rồi rạng lóe, hừng đông mọc.
Anh đã về lại chỗ mà anh đã bắt đầu ra đi (có một lần, anh tâm sự với tôi trên trang anh, như thế).
Anh sẽ tiếp tục đi.
Tiếp tục đi và anh biết rất rõ, rất rõ… hành trình của lần đi này:
” Tôi đi trong gió sương lay
Bước chân sạn đạo vai gầy hoa vương.”

Xin gửi đến anh – vị chiến tướng lẫy lừng Hạ Quốc Huy… lời cầu chúc vạn an và chân cứng đá mềm.
Phạm Hiền Mây

***********************************************************************
KIMKIM ĐINH VIẾT CẢM NHẬN PHÁP TRƯỜNG XƯA

Về và Đi. Đề tài chủ đạo trong Pháp Trường Xưa. Chàng trai hào kiệt bất khuất Hạ Quốc Huy của thế hệ chúng ta khẵng định qua những câu “thơ buồn như bụi hồng hoang”. của chàng. Chàng đã về tình trường oan nghiệt, không gặp người nữ đao phủ ngày xưa. Hãy hình dung ánh tà huy của buổi hoàng hôn rực đỏ tà dương, quấn phủ toàn thân óng ánh một tấm lòng nhân nghĩa, sau khi bẻ gươm. Thơ sáng lên, bay cao với nhân cách phong thái HQH.

“ Tôi về mê lộ nghiệt oan
Cầm dao nhân nghĩa ánh ngàn trượng xa
Rung chuông bồ tác di đà
Bẻ gươm. Đồng thiếp. Quấn tà huy bay”

Tôi nghĩ nhà bình Phạm Hiền Mây đã bình chính xác khi viết : “chỉ với sáu khổ thơ, tương đương mười hai cặp lục bát – một lần nữa, anh lại “làm mưa làm gió” trong cõi thi ca, đặc biệt là với sở trường thơ sáu tám của anh.Tôi nói “làm mưa làm gió” là bởi vì anh luôn tạo được một sức hút đặc biệt khi vừa mới “tung” bài ra trên trang của mình. Thơ anh luôn khiến số đông bạn đọc chờ đợi, ngóng trông. Họ đọc thơ anh rất kỹ, có khi đọc đi đọc lại vài mươi bận… cũng là chuyện bình thường.”

Theo cá nhân tôi đó chính là hấp lực của một thi sĩ thực tài với tài hoa , dư đủ ma lực với những con chữ của mình. Những con chữ nhảy múa sôi nổi, dịu dàng mê hoặc, lóng lánh vàng kim, trên dòng suối tha nhân chảy về xúc động. Đi vào tim độc giả đến ngỡ ngàng.

Dòng thơ Hạ Quốc Huy đứng đó. U buồn. Đơn độc như định mệnh hay hào khí ngang tàng kiêu bạc của một hảo hán thì cũng là cõi chữ riêng chàng. Rất riêng. Rất riêng.

Ở đó không ẩn núp. Không che đậy. Không cương. Không nổ…chửng chạc mê đắm. Kiêu sa đài các…Sắc lạnh như một đường gươm bén ngót rít trong không gian tiếng kêu lụa xé.
Nàng Bao Tự tuyệt sắc của Chu U Vương thời Đông Châu Liệt Quốc triều đại Tây Chu. có quân vương xé lụa để giai nhân thả tiếng cười lanh lảnh… thì đó cũng là của những hồng nhan đang ngóng đợi thơ Hạ xé tim xé lòng để đồng cảm chia xẻ đằm thắm môi cười hôm nay, hôm qua, và mãi mãi đời sau với chàng.

Chúng ta cũng không thấy những từ, những câu che dấu uất khí nghẹn ngào bốc lên tưởng làm bạc đầu đàn quạ bay ngang, như thái tử Đan thời chiến quốc. Những huyết hải thâm thù, oán hờn sông núi nặng đè lên đôi vai oằn gánh thời gian của Hạ Sư trưởng Chưởng môn

“Tôi đi trong gió sương lay
Bước chân sạn đạo vai gầy hoa vương”.

mà là
“Từ xưa lòng vẫn dặn lòng
Một đao. Một ngựa. Dẫu trong hoang tàng”

Những câu từ đó ngang tàng dàn trải. Lạnh lùng ngạo mạn. Ngang nhiên công khai thách đố. Chấp nhận sẳn sàng chiến đầu dù đã thua cuộc chảy dài trong dòng thơ Hạ hay trong cuộc đời anh

“Quạ kêu tàn cuộc, hừng đông
Giáp xưa thầm lặng, máu nồng rỉ loang”

……

“Thơ buồn như bụi hồng hoang”.
Vẫn đao. Vẫn mã. Ngang tàng tôi đi.”

Viết đến đây tôi không cầm nước mắt. Hào khí và nỗi buồn. Đau đớn và bi ai. Đơn độc và hiu hắc đời Huy đã, vẫn song hành với hào khí. Làm thơ Hạ Quốc Huy bay lên không ngừng tỏa sáng .

Tôi dừng lại, không dám mổ xẻ tiếp cặp cuối “ Vẫn đao. Vẫn mã. Ngang tàng tôi đi. Vì tôi tự biết khả năng hạn chế và trí tưởng nghèo nàn chưa đủ để viết về những câu lục bát đẹp, sang, bay bổng, óng chuốc, chắc chiu huyết tươi đầy hệ lụy lãng mạn của Hạ lãng tử tài hoa hay tấm lòng một sĩ phu miền Nam kính trọng.

Cám ơn các bạn đã đọc. Sơ sót đừng chấp nê
Dr. KimKim
……………
Lời của Trang FaceBook Hạ Quốc Huy : Phạm Hiền Mây là nhà thơ tên tuổi và tác giả những bài cảm nhận xuất sắc . Là người có nhiều photo đẹp minh họa mỗi bài thơ của mình. Mỗi photo là một kiểu fashion tốn kém. Mỗi photo mỗi kiểu mắt nhìn “không thấy ai hết” hay “thấy hết mấy ai” (cô ấy phản đối tôi, nói là chỉ “liếc” không phải “nhìn”).

Dr. Kim là Bác sĩ Y Khoa Mỹ, Giảng sư Đại Học Y Hoa Kỳ và nhiều quốc gia, cũng là Tiến Sĩ Văn Chương nhưng không sinh họat trong viết lách, dầu theo tôi bút pháp của Dr. Kim cứng, chắc, lời như ngọc reo vàng khua… Hiện cô đang phục vụ tại Bộ Ngoại Giao.
Tác Giả Pháp Trường Xưa xin cảm ơn 2 bài cảm nhận của 2 nữ nhân nhan sắc.

Bài PHÁP TRƯỜNG XƯA nầy đã đăng tháng 10.2016. Một trong những bài tôi rất thích .
Phần dưới tôi xin copy lại 74 comment của quý bạn, quý độc giả đã vào thăm và để lại comment. Vì với tôi một kỷ niệm trân quý trong thời gian đầu ngơ ngác đăng thơ trên FB. Xin nhận nơi tôi lòng biết ơn.
Trân trọng cảm tạ .HQH

1 thought on “Pháp Trường Xưa

  1. Quốc Tuyên

    Một bài thơ hay vẽ ra hình ảnh một lãng tử hào hùng, khi phách . Nên chi được hai giai nhân ưu ái bình thơ mà bài bình nào cũng sâu lắng , chân phương, đầy tính thuyết phục, Cả hai bài bình đều cảm nhận đến tận cùng của ý thơ, với những dẫn chứng thật đầy đủ, cho thấy được cái thế giới thơ của nhà thơ đã mở ra: Thế giới của tình yêu, của đau khổ nhưng không có hận thù. Cám ơn tác giả và hai nhà phê bình :Phạm Hiền Mây&Dr KimKimDinh.

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.