Tác Giả: BS Nguyễn Ý Đức
Con người có nguy cơ mang những cơn đau do bệnh hoạn kinh niên hoặc do thương tích, giải phẫu. Cơn đau sau có thể làm giảm đi bằng thuốc gây tê mê. Cơn đau trước như nhức đầu, đau xương khớp cần sự trị liệu bằng các thuốc giải đau, để người bệnh có thể tiếp tục sinh hoạt, sản xuất. Aspirin là một trong các thuốc giải đau lâu đời đó.
Tự điển Webster’s Dictionary đã định nghĩa Aspirin như sau: “Một hợp chất kết tinh từ salicylic acid, có mầu trắng và có công dụng bớt đau nhức và hạ nhiệt độ”. Nhưng trong tương lai, định nghĩa trên chắc phải kèm thêm một số chữ nữa, chẳng hạn: “ và có công dụng giúp phòng ngừa các chứng đột tim”. Thực vậy, tin tức y học quan trọng này đã được công bố trên tạp san Y Học uy tín New England Journal of Medecine, số ngày 28 tháng Giêng năm 1988.
Và Aspirin sẽ được dùng để phòng ngừa bệnh chứ không chỉ làm giảm đau nhức như từ khi nó được khám phá ra.
Lịch sử viên thuốc
Từ những năm 400 BC, thời mà danh y Hippocrates bắt đầu xây dựng nền móng cho y học Tây Phương, vỏ và lá của loại cây liễu đã được dùng để trị chứng đau nhức và cơn nóng sốt của bệnh nhân.
Rồi vào một ngày hè năm 1785, vị thầy tu cao tuổi Edward Stone ở một vùng quê hẻo lánh bên Anh, bị một cơn đau trầm trọng ở các xương khớp và lên cơn sốt rất cao. Do một sự tình cờ, ông ta ngậm nhai chiếc lá của cây liễu trắng mọc trong vườn. Lá liễu đắng làm ông ta nhăn mặt, nhưng ít giờ sau, cơn sốt và đau giảm thiểu. Nhà tu hành bèn truyền bá môn thuốc thiên nhiên này cho nhiều người và ai cũng thấy sự công hiệu của nó. Ông ta báo cáo khám phá này cho các viên chức Hoàng Gia hay, nhưng chẳng ai thèm để ý.
Năm 1820, một dược sư người Thụy sĩ, Johann S. F. Pagenstecher triết từ lá cây Spirea ulmaria một chất acid mà về sau này được gọi là salicylic acid, có công dụng chống đau nhưng cũng gây cồn cào bao tử. Năm 1829, một nghiên cứu gia khác khám phá ra hóa chất chống đau trong liễu là Salicin. Salicin cũng thấy có trong cây meadow sweet.
Năm 1832, một chuyên gia hóa học người Đức chuyển salicin ra salicylic acid nhưng hợp chất này quá thô sơ và không dùng để trị bệnh được.
Năm 1853, giáo sư hóa học Karl Friedrick Gerhardt đã tìm ra cấu trúc phân tử của acid này và cũng cố gắng làm giảm tính kích thích bao tử của nó, nhưng không đi đến kết quả như ý muốn.
Năm 1897, hóa học gia Felix Hoffman của công ty Bayer đi tìm một hợp chất để chữa đau nhức của thân sinh. Ông ta đã tổng hợp và chuyển salicylic acid ra acetylsalicylic acid dưới dạng ít kích thích hơn. Khám phá này được ca tụng là thuốc chống đau nhức và giảm nóng sốt rất thần hiệu.
Năm 1899, công ty dược phẩm Bayer của Đức tung ra thị trường một loại acetylsalicylic acid dưới tên A-S-Pirin : “A” cho acetyl, “S” cho salicylic “Spir” cho cây Spirea, một loại cây giống như cây liễu và cũng cho salicin; tiếp vĩ ngữ “In” chỉ dược phẩm. Hãng bào chế Bayer được tưởng thưởng nhờ khám phá này và độc quyền sản xuất Aspirin trong 17 năm kế tiếp
Trước thế chiến thứ nhất, chính phủ Anh sợ nước Đức sẽ ngưng cung cấp Aspirin cho các quốc gia khác, đã đặt một phần thưởng rất lớn cho ai có thể làm ra thuốc này. Hóa học gia George Nicholas đã bào chế chất Aspirin và lãnh giải thưởng. Ông ta đã bị hư một mắt vì nổ ống nghiệm ether trong khi làm việc.
Sau khi đánh bại nước Đức, Anh quốc chiếm hữu biệt danh Aspirin, công ty Bayer mất quyền sở hữu về tên cũng như độc quyền sản xuất dược phẩm này. Các viện bào chế khác trên thế giới tự do sản xuất Aspirin. Aspirin không được viết chữ hoa như trước. Ngày nay Aspin được tổng hợp từ hóa chất phenol.
Công dụng trị liệu
Suốt một thời gian dài, chất liệu của Aspirin được dùng để chống đau nhức và hạ sốt, nhưng chưa có ai chứng minh được nguyên lý tác dụng của thuốc này. Người ta dùng do kinh nghiệm lưu truyền, do thấy người khác dùng có hiệu quả thì ta cũng dùng.
Mãi tới năm 1971, bác sĩ giải phẫu John Vane bên Anh chứng minh rằng Aspirin có một tác dụng quan trọng trong cơ thể: đó là ảnh hưởng tới sự tổng hợp chất Prostaglandins. Chất này đóng vai trò quan trọng trong việc cơ thể phản ứng lại với thương tích và nhiễm độc. Prostaglandin tác dụng trên hệ thần kinh để truyền tín hiệu về cảm giác đau; nó thúc đẩy các tiểu huyết cầu tụ lại thành máu cục, nó gây ra dấu hiệu viêm của mô tế bào. Trước đó, năm 1960, một số khoa học gia ở Âu châu chứng minh rằng Aspirin có công dụng chống lại sự đông đặc của máu. Máu đóng cục là một trong nhiều nguyên nhân của tai nạn thiếu máu ở tim, ở não bộ.
Ngày nay, có nhiều dữ kiện cho rằng viêm tế bào là một trong nhiều nguy cơ đưa tới vữa xơ động mạch, bệnh Alzheimer, các bệnh ung thư. Một số Prostaglandins là thủ phạm gây ra nóng sốt, đau nhức và xưng xương khớp. Chặn sự sản xuất Protaglandins là ngăn được chứng bệnh do hậu quả của hóa chất này.
Rồi sau đó, nhiều nghiên cứu khác xác định giá trị phòng ngừa bệnh tim của Aspirin và còn gợi ý là dược phẩm này có thể phòng ngừa các bệnh ung thư ruột già, phổi, tụy tạng, noãn sào, bệnh sa sút trí tuệ và một số bệnh khác của con người như là tiêu diệt siêu vi khuẩn trong mạch máu
Do khám phá này, Vane được giải Nobel năm 1982.
Nhờ nghiên cứu của Vane mà nhiều người nhớ tới báo cáo của Craven vào năm 1956.
Số là vào năm 1950, bác sĩ Lawrence L. Craven thông báo cho một tạp san y tế nhỏ tại địa phương là, ông ta đã cho khoảng 400 người mập béo, không vận động cơ thể, mỗi ngày uống hai viên Aspirin và không một người nào bị quỵ tim (heart attack). Sau đó ông ta tăng số bệnh nhân lên tới 8000 người và năm 1956 cho hay là không ai bị tai biến động mạch não, máu đóng cục hoặc bệnh động mạch vành. Nhưng công bố của ông ta không được ai để ý tới, cho tới khi Vance công bố kết quả nghiên cứu của mình.
Có thời kỳ bác sĩ không dám cho cho bệnh nhân uống Aspirin trước khi giải phẫu ghép nối động mạch tim vì sợ băng huyết. Nhưng kết quả mới được công bố tháng 10 năm 2002 trên tạp san The New England Journal of Medicine cho hay, dùng Aspirin trước khi giải phẫu lại làm giảm nguy cơ các biến chứng của giải phẫu. Trước đó, năm 1977, giải phẫu gia Edwin W. Salzman cho hay 75% bệnh nhân của ông ta được thay thế xương hông đều không bị băng huyết sau khi uống Aspirin.
Năm 1987 bác sĩ chuyên khoa tim Judith Hsia của Đại học George Washington tuyên bố rằng Aspirin có khả năng làm tăng tính miễn dịch của cơ thể bằng cách thúc đẩy bạch huyết cầu tăng gia sản xuất chất interleukin-2 và gamma interferon. Vị bác sĩ này cũng nghiên cứu để coi xem Aspirin có khả năng ngăn ngừa các bệnh hô hấp do siêu vi khuẩn gây ra, nhất là ở người cao tuổi mà hệ thống miễn dịch đều suy yếu
Trong bản tin Drug Bulletin tháng 2 năm 1988, cơ quan FDA Hoa Kỳ thông báo: Có nhiều bằng chứng rằng Aspirin an toàn và công hiệu trong việc giảm nguy cơ cơn thiếu máu nhất thời của não bộ (cerebral transient ischemic attacks TIA) hoặc tai biến mạch máu não. TIA có thể chỉ kéo dài trong vài giây hoặc vài giờ với các triệu chứng như chóng mặt, mất định hướng, giọng nói ngọng nghịu, mất trí nhớ, mắt mờ. Các cơn thiếu máu này có thể xẩy ra nhiều lần trong ngày hoặc vài tuần một lần mà hậu quả là nhiều người có thể rơi vào tình trạng tai biến mavh máu não trong vòng một năm.
Nghiên cứu công bố trong New England Journal of Medicine tháng 3 năm 1990 cho hay bệnh nhân bị rung tâm nhĩ (atrial fibrillation) mà uống một viên Aspirin mỗi ngày đều giảm nguy cơ bị stroke tới một nửa. Rung tâm nhĩ là chứng bệnh về tim khá phổ thông và nhiều khi không được chẩn đoán trừ khi phát hiện bằng tâm điện đồ. Nhiều bác sĩ cho la øAspirin có thể thay thế cho thuốc chống đông máu Warfarin khi người bệnh không uống được thuốc chống đông máu này.
Trong hội thảo tại Chicago vào tháng 11 năm 2002, các nghiên cứu gia đã cố gắng thuyết phục cơ quan FDA chấp thuận dùng Aspirin để ngừa bệnh tim ở người lành mạnh ( phòng ngừa cấp một, không cho bệnh xuất hiện). Đây là việc làm mà cơ quan này còn dè đặt. Việc dùng Aspirin 75 tới 325 mg một ngày để ngừa tái phát bệnh tim đã được công nhận từ lâu.
Bác sĩ Charles Hennekens là người đã thực hiện cả trăm cuộc nghiên cứu qua theo dõi, quan sát về công dụng ngừa bệnh của Aspirin. Năm 1988, ông ta công bố là những ai uống Aspirin có thể giảm nguy cơ heart attack tới 44% so với người không uống. Ông ta cũng kết luận là Aspirin có tác dụng tốt với một số bệnh kinh niên.
Về tác dụng của Aspirin với ung thư và bệnh Alzheimer, theo bác sĩ Hennekens, cũng có một vài hứa hẹn, nhưng cần được nghiên cứu thêm. Theo một số chuyên gia, có thể là do khả năng chống đóng cục máu mà Aspirin làm tăng lượng máu lưu hành lên não bộ, hoặc tác dụng chống viêm đã làm chật đường rầy một số diễn biến sớm của bệnh này.
Một số nghiên cứu cho hay, nam giới trên 60 tuổi uống Aspirin đều đặn có thể giảm nguy cơ ung thư nhiếp tuyến tới 60%.
Bác sĩ John Baron thuộc Đại Học Y Khoa Darmouth cho thấy uống một lượng nhỏ Aspirin có thể làm giảm tới 19% nguy cơ ung thư ruột già và trực tràng.
Một nghiên cứu trong 6 năm do bác sĩ Michael Thun, American Cancer Society, cho hay Aspirin ngăn sự tăng trưởng của các u bướu nhỏ của ruột, nhưng ông ta không giải thích được tại sao
Kết quả một nghiên cứu của American Association for Cancer Resaearch, được công bố vào tháng Tư năm 2002, cho hay: nhóm bệnh nhân sau ba năm uống 80 mg Aspirin một ngày, chỉ có 38% có polyps trong ruột so với 47% ở nhóm không uống.
Kết quả nghiên cứu tại Đại Học Minesota cho hay Aspirin có thể bảo vệ với ung thư tụy tạng. Theo báo cáo này, phụ nữ uống Aspirin mỗi tuần sẽ giảm nguy cơ ung thư tụy tạng tới 43% so với phụ nữ không bao giờ uống.
Tại sao Aspirin có thể ngăn ngừa ung thư? Chưa có trả lời thỏa đáng, nhưng theo Kristin Anderson, có thể là do tác dụng chống viêm của Aspirin
Với chứng migraine headache thì các nghiên cứu tại Đại Học Harvard cho hay, trước khi bị chứng đau đầu này mà uống một viên Aspin thì cơn đau giảm đi rất nhiều.. Lý do là Aspirin làm giảm sự kết cục của tiểu huyết bào trước mỗi cơn migraine.
Một nghiên cứu vào năm 1999 cho hay phụ nữ uống Aspirin trong khi điều trị để có thể sinh đẻ sẽ có hy vọng mang thai nhiều gấp đôi người không uống. Uống phân lượng nhỏ Aspirin trong thời kỳ đầu của thai nghén cũng làm giảm nguy cơ cao huyết áp trong khi có thai.
Dân ghiền thuốc lá thường hay bị bệnh viêm nớu răng Nếu họ uống phân lượng nhỏ Aspirin thì bệnh này giảm đi.
Bệnh nhân tiểu đường thường hay bị hư võng mạc retina. Aspirin có thể giảm thiểu biến chứng này nhờ Aspirin chống lại sự đóng cục của máu, máu lưu thông nhiều tới võng mạc hơn.
Năm 1972, dưới sự hướng dẫn của bác sĩ Fields ở Houston, mười trung tâm y khoa tại Hoa kỳ nghiên cứu với 303 bệnh nhân đã bị TIA. 153 bệnh nhân uống 4 viên aspirin mỗi ngày, số còn lại được cho uống thuốc vờ. Sau 6 tháng, nhóm thứ nhất có tỷ lệ thấp bị TIA, tai biến mạch máu não hơn là nhóm thứ hai.
American Heart Association khuyên nên uống phân lượng nhỏ Aspirin đề phòng ngừa heart attack ở những ai có 10% nguy cơ bị cơn đột tim này trong vòng 10 năm sắp tới.
Đầu năm 2002, nhóm nghiên cứu của Berg đã cân nhắc rủi ro và lợi điểm của Aspirin đối với phòng ngừa bệnh tim, khuyến cáo là thuốc này chỉ nên dùng khi có ít nhất 35 % nguy cơ đột tim trong vòng năm năm tới. Tuổi tác, huyết áp tâm thu, tỷ lệ total cholesterol/HDL và yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, tiểu đường. Một người 48 tuổi, huyết áp bình thường, cholesterol 202, HDL 54 có 2% nguy cơ đột tim trong vòng 5 năm, không hội đủ điều kiện và không cần uống Aspirin.
Tai biến mạch máu não vẫn là nguyên nhân tàn tật hàng đầu tại nhiều quốc gia. Riêng nước Mỹ mỗi năm có trên 700.000 trường hợp, mà 30% nạn nhân sống sót đều bị stroke trở lại trong vòng năm năm mà tỷ lệ tử vong lên đến 18%.
Công hiệu của Aspirin trong việc phòng ngừa cấp một đối với thiếu máu cơ tim đã được xác nhận, nhưng với phòng ngừa cấp một của tai biến động mạch não vì thiếu máu và TIA thì còn bàn cãi.
Càng nghiên cứu về Aspirin, người ta thấy Aspirin càng có nhiều công dụng. Bình thường thì một dược phẩm chỉ có một mục tiêu để hành động. Aspirin lại có nhiều mục tiêu cùng một lúc. Do đó, nào năm 1999, Aspirin đã có vinh dự được đưa vào National Museum of American History của viện Smithsonian
Tác dụng phụ không muốn của Aspirin
Không phải ai cũng uống Aspirin được vì cứ 100 người dùng lâu ngày có thể bị xuất huyết bao tử, đôi khi từ trầm trọng đến tử vong. Ấy là chưa kể các phản ứng dị ứng khác Theo bác sĩ Daniel Deyken, Đại Học Y khoa Boston, Aspirin là nguyên nhân khá quan trọng gây ra xuất huyết ở nước Mỹ. Uống một viên có thể làm chẩy ra một muỗng canh máu ở bao tử đã bị loét.
Một số điều kiện không dùng Aspirin được là: có tiền sử mắc bệnh loét bao tử, dị ứng với Aspirin, huyết áp cao không kiểm soát được, bệnh gan và thận trầm trọng hoặc bệnh xuất huyết. Trẻ em không nên uống Aspirin vì nhiều quan sát cho thấy thuốc này có thể gây một bệnh hiếm cho não bộ, đó là hội chứng Reye. Ờ người bệnh đã có rối loạn về đóng cục máu hoặc dễ bị bầm da đều phải cẩn thận trước khi dùng thuốc Aspirin vì xuất huyết sẽ trầm trọng hơn.
Thường thường, đa số chúng ta có thể uống một lượng nhỏ aspirin mỗi ngày mà không ngại rối loạn cho bao tử. Tuy nhiên nếu ở người mà bao tử nhậy cảm thì nên uống sau khi ăn hoặc dùng loại Aspirin có bọc đường, vì bọc này ngăn Aspirin khỏi hòa tan trong bao tử trước khi xuống ruột.
Hiện nay có cả nhiều chục triệu người uống Aspirin để ngừa bệnh tim.
Các nhà bào chế vội vã tung ra nhiều loại Aspirin viên với phân lượng nhỏ: 81 mg. Công ty McNeil Pharmaceuticals sản xuất St Joseph Aspirin. mà một thời được gọi là Baby Aspirin. Hãng Bayer tung ra loại Bayer Women’s Aspirin Plus Calcium vừa để tăng cường xương cốt vừa bảo vệ trái tim của phái nữ.
Kết luận
Việc sử dụng Aspirin đề phòng ngừa bệnh tim mạch là vấn đề khá tế nhị, cần được sự hướng dẫn của chuyên viên y học.
Nhóm Đặc Nhiệm Phòng bệnh Hoa Kỳ đã có những gợi ý nên theo sau đây về việc sử dụng Aspirin để phòng ngừa không xẩy ra (primary prevention) bệnh tim mạch với các dẫn chứng hỗ trợ khoa học:
Nhóm đặc nhiệm thành khẩn gợi ý rằng các thầy thuốc nên thảo luận về khả năng ích lợi và bất lợi của Aspirin với người lớn có nhiều nguy cơ mắc bệnh động mạch vành ( Coronary Heart Disease). Nhóm đã thu thập được nhiều bằng chứng rằng Aspirin làm giảm tỷ lệ bệnh động mạch vành mới phát (incidence) ở người lớn có nhiều nguy cơ bị bệnh tim. Nhóm cũng có nhiều bằng chứng là Aspirin làm tăng tỷ lệ xuất huyết bao tử và cũng làm tăng phần nào tỷ lệ tai biến mạch máu não vì xuất huyết.
Trước khi dùng Aspirin cho mục đích này, cần ước lượng các nguy cơ bệnh tim như tuổi tác, nam hay nữ, bệnh tiểu đường, cao tổng số cholesterol, thấp cholesterol HDL, cao huyết áp, bệnh sử thân nhân, và có hút thuốc lá hay không.
Đàn ông trên 40 tuổi, phụ nữ ở tuổi mãn kinh, giới trẻ mà có yếu tố nguy cơ bệnh động mạch vành đều dễ mắc bệnh tim thì nên dùng Aspirin.
Phân lượng Aspirin để phòng ngừa hữu hiệu có thể là 75 mg/ngày, 100 mg/ngày, hoặc 325 mg/mỗi hai ngày. Phân lượng cao hơn không mang tới ích lợi tốt hơn mà lại tạo ra nhiều tác dụng phụ không muốn.
Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC