Câu chuyện đêm Giáng Sinh

Tác giả: Trần Ngọc Phương

Kỉ niệm 70 năm bộ phim It’s a wonderful life (Cuộc sống tuyệt vời)

 

Cứ đến hẹn lại lên, như thường lệ, vào mùa Giáng Sinh đài truyền hình (Mỹ) thường chiếu lại những bộ phim kinh điển có chủ đề, hoặc có liên quan về ngày lễ Giáng Sinh. Và cũng đã biết bao lần, bộ phim It’s a wonderful life, được phát sóng vào ngay đêm Giáng Sinh. Mỗi lần xem là mỗi lần gây cho người xem một cảm xúc bâng khuâng khó tả. Phim ảnh là sự phản ánh cuộc sống hiện thực ngoài đời. Nhưng đôi khi hiện hữu trong phim không giống ngoài đời chút nào, nhưng nó vẫn phản ảnh cuộc sống một cách sâu sắc. Cuộc sống thì có đủ có đủ mùi vị, tình, tiền, tù … tự tử, bộ phim cũng chứa đầy đủ những mùi vị ấy và cùng cả tính phi hiện thực nữa. Câu chuyện kể về một người đàn ông có ý định nhảy cầu tự tử vào ngay giữa đêm Giáng Sinh tuyết rơi giá lạnh.

Chính xác hơn là lúc mười giờ bốn lăm phút buổi tối đêm Giáng Sinh. Trên trời các thiên thần đang bàn chọn người xuống cứu giúp người đàn ông tốt bụng, gặp cảnh khốn cùng, muốn nhảy xuống dòng nước lũ quyên sinh. Thiên thần Clarence được giao làm nhiệm vụ này, và trước khi xuống trần cứu chàng ta, thiên thần Clarence cũng được cho biết về cuộc sống của người đàn ông đó từ thuở  nhỏ.

George, một đứa trẻ tốt bụng, mười hai tuổi vì nhảy xuống hố băng cứu em trai Harry mà phải bị điếc một bên tai. George vừa học vừa phụ việc trong cửa hàng thuốc tây của ông Gower. Một lần giúp việc, nó phát hiện ra ông chủ do say rượu vô tình đưa nhầm thuốc độc cho người mua, nó ngăn cản việc này. Goerge đã giúp ông chủ thoát khỏi án tù hai mươi năm. Goerge lớn lên trong thị trấn Bedford Falls cùng với cha mẹ và em trai.

Vào đêm lễ tốt nghiệp của em trai Harry, Goerge trò chuyện và nhảy cặp với Marry, người có cảm tình với chàng khi còn nhỏ. Chàng và nàng chuyện trò vui vẻ trên đường về trong đêm trăng, chàng tâm sự bày tỏ hoài bảo lớn lao của đời mình là muốn rũ bỏ thị trấn nhỏ bé này, đi du lịch khắp Châu Âu, và muốn trở thành một kiến trúc sư giỏi, xây dựng những toà nhà chọc trời, những chiếc cầu dài hằng dặm, những phi trường rộng bát ngát. Khi chàng chuẩn bị để thực hiện mơ ước của mình thì người cha đột quị và qua đời. Doanh nghiệp “Hiệp hội xây dựng và cho vay”, một ngân hàng tín dụng cở nhỏ, mà cha chàng là người đứng đầu có nguy cơ tan rã.  Đối thủ lâu năm là lão Henry F. Potter, kẻ đứng đầu nhà băng địa phương, người có thế lực và giàu nhất trong thị trấn muốn thôn tính Hiệp hội, sáp nhập nó vào ngân hàng kinh doanh của lão. George thuyết phục ban giám đốc bỏ phiếu chống Potter, kẻ cho vay nặng lãi. Ban giám đốc đồng ý, với điều kiện là George kế tục cha mình và điều hành công việc, nếu không, họ sẽ thuận theo ý của ông Potter. Để cứu doanh nghiệp khỏi sụp đổ, chàng đành gác lại mọi chuyện để lo việc kinh doanh, cùng với chú đãng trí của mình. Những mơ ước và hoài bảo của chàng đành gác lại.  Số tiền dành dụm cho dự tính đó chàng dành cho Harry, đưa Hary vào đại học, với ý là học xong Harry sẽ về tiếp nhận quản lý doanh nghiệp, để chàng có thể thực hiện ước mơ riêng của mình.

Bốn năm sau Harry học xong về cùng với hôn thê của mình. Goerge bấy giờ mới kết hôn với Mary. Họ chuẩn bị lên xe đi tuần trăng mật, thì chứng kiến những dân nghèo đến Hiệp hội tín dụng của chàng xin vay hổ trợ tài chính tạm, chờ cho đến khi nhà băng thị trấn mở cửa trở lại. Goerge dùng số tiền chuẩn bị trăng mật mà ứng cho dân nghèo trong lúc khốn khó lúc này. Cuộc hành trình đi trăng mật coi như tiêu tùng.  Khi đến sân ga chờ đón Harry trở về. Goerge nghe tiếng còi tàu kêu vang chàng mơ màng hỏi ông chú: Chú biết có ba âm thanh thú vị nhất trên thế giới là gì không. Ông chú hậu đậu nhanh nhẩu trả lời: Là …thưa ngài, bữa ăn sáng được phục vụ. Bữa ăn trưa được phục vụ. Bữa ăn tối… Goerge quay đầu lại: Ồ, không, không, không! Là tiếng xích neo của tàu thuỷ, tiếng động cơ gầm của máy bay và tiếng còi tàu hoả. Nhưng cuộc sống với vợ và sau đó là những đứa con ra đời cùng với sự bận rộn của doanh nghiệp đã bó chân chàng. Goerge biết rằng ước mơ và hoài bảo chỉ còn là giấc mộng xa vời.

Qua thời gian, George Bailey đã cho xây dựng được một khu nhà ở giá rẻ cung cấp cho dân nghèo giúp họ thoát khỏi khu ổ chuột đắt đỏ của lão Potter. Potter cố ngăn cản sự mất thị trường nhà ở của mình, lão dụ dỗ chàng làm trợ lý cho mình với những ưu đãi bổng lộc quá sức tượng của chàng. Chàng lúc đầu mừng rỡ với bổng lộc qúa hậu hĩnh, nhưng nghĩ đến cảnh khốn cùng của dân nghèo dưới sự cho vay nặng lãi của lão, chàng giật mình từ chối.

Trong chiến tranh, Harry trở thành một phi công đã bắn hạ được phi cơ địch đang tấn công vào đội tàu vận tải đổ bộ, cứu được toàn bộ mọi người.  Harry được trao huy chương danh dự và thị trấn chuẩn bị chào đón người hùng trở về. Ông chú đến ngân hàng của lão Potter để gởi một số tiền kí thác lớn tám ngàn đô cho doanh nghiệp “Hiệp hội xây dựng và cho vay”, ông nhanh nhẩu giật tờ báo trong tay của Potter, chỉ vào trang đầu tờ báo khoe khoang về đứa cháu mình. Sau đó trả lại tờ báo và bỏ quên phong bì tiền kẹp trong đó. Lão Potter biết được và ỉm luôn số tiền.

Goerge và ông Bill hoảng loạn điên cuồng tìm kiếm. Vừa khi thanh tra nhà băng đến để xem xét hồ sơ sổ sách cuối năm.  Goerge lục tung cả văn phòng, tức giận mắng mỏ người chú lảng trí gây hậu quả nghiêm trọng cho hiệp hội. Chàng về nhà tiếp tục trút giận lên vợ con, làm họ kinh sợ, sau đó xin lỗi và bỏ ra khỏi nhà. Goerge muối mặt đến xin Potter cho một khoản vay với thế chấp là bảo hiểm nhân thọ, Potter từ chối và gọi phone yêu cầu toà bắt giữ chàng.

George tuyệt vọng lang thang khắp nơi và đến bar rượu của bạn chàng. Chàng khóc cho số phận bất hạnh của mình. George cầu chúa cứu rỗi, nhưng những gì anh nhận được ngay sau đó là một cú đấm vào mặt của một tên côn đồ trả thù cho vợ mà Goerge trong lúc bực bội trách mắng cô vợ gã qua phone. Tin rằng đó là những gì xứng đáng cho mình sau khi cầu nguyện, George đi tới chiếc cầu bắt qua dòng sông lớn. Hoàn toàn mất niềm tin ở đời, George nhìn xuống dòng nước chảy xiết bên dưới và quyết định nhảy xuống. Bây giờ là mười giờ bốn mươi lăm phút, đêm giao thừa Giáng Sinh cuối năm. Trời rét lạnh căm, tuyết bắt đầu rơi nhẹ.

Nghĩ cũng cảm thông cho Goerge. Uớc mơ không đến, hoài bảo tan tành, sự nghiệp sắp sụp đổ, tiếng tăm sắp tiêu tùng, nhà cửa sắp tan nát, con đường vào nhà lao đang nằm phía trước mặt. Thế thì còn gì nữa mà không chạy ra ngay cầu Bình Lợi nhờ dòng nước ‘đục’ mà giải quyết cho ‘trong’ sự đời.

Nhưng không. Và câu chuyện bắt đầu chuyển hướng từ đây. Bấy giờ thiên thần hộ mệnh của chàng xuất hiện. Thiên thần này qúa tâm lý. Có lẽ thiên thần nghĩ, nếu hiện ra trong lúc này để khuyên nhủ thì cũng khó thuyết phục George từ bỏ ý định tự vẫn. Nếu cứ nói kiểu “thà là bỏ đi hết ta làm lại từ đầu, thà là bỏ đi hết ta chẳng nợ gì nhau” hoặc “thua keo này ta bày keo khác”, “thất bại là mẹ của thành công!” vân vân và vân vân. Thì cũng khó lọt tai một người quẩn trí, muốn nhanh chóng kết thúc đời mình. Và chẳng may đối phương bật lại …nhưng đời con thì chẳng có khi nào gặp thành công hết, mà chỉ gặp toàn là mẹ thành công thôi hà!. Như thế thì thật là phiền não. Nên dùng chiêu dĩ độc trị độc. Ông thiên thần nhảy xuống sông trước, ngụp lặn và la oai oái cứu tôi với ?!  Thế là bản tánh hào hiệp tốt bụng Goerge trổi dậy, chàng liền nhảy xuống dòng nước, ra sức cứu vớt ông già lên.

Khi cả hai cùng ngồi sưởi khô quần áo, Goerge hỏi ông là ai, thần Clarence nói mình là thiên thần hộ mạng xuống để giúp chàng. Goerge nói, chỉ có một cách ông có thể giúp tôi thôi, ông có tám ngàn trong túi không? Thiên thần Clarence nói, ồ không, không, trên thiên đường chúng tôi không dùng tiền. Goerge nghĩ ông già đã say xĩn quá rồi, chẳng màng để ý điều gì, ngồi buồn ủ rũ.  Thần Clarence nói tiếp, thế anh nghĩ rằng, việc tự tử của anh sẽ làm cho người ta cảm thấy vui sướng hơn phải không? Goerge chán nản nói, tôi không biết, có lẽ ông đúng, nhưng nó sẽ tốt hơn, nếu tôi chưa được sinh ra. Và chàng lẩm bẩm: Ước gì tôi chưa từng được sinh ra ở đời. Đúng là cầu được ước thấy. Thiên thần Clarence nói, rồi anh sẽ có những gì anh ước. Anh chưa từng được sinh ra, anh chưa từng có mặt trên cõi đời.

Thiên thần tạo ra một dòng thời gian khác mà không có sự tồn tại của Goerge trong cuộc đời. Liền khi ấy tuyết ngừng rơi, Goerge đứng lên quay lại tìm chiếc xe đã chạy tông vào cây cổ thụ khi nãy, nhưng không thấy, nghĩ rằng đã bỏ quên nơi quán rượu người bạn vừa rồi, chàng đến quán rượu nhưng mọi người đều xa lạ, không ai biết đến chàng. Chàng tình cờ gặp ông chủ tiệm thuốc tây Gower, áo quần lôi thôi lếch thếch trông thảm thương, chào hỏi ông, nhưng ông sợ hãi và nói không biết chàng là ai. Người ta cho biết, ông vừa mãn hạn tù hai mươi năm vì tội đầu độc một đứa trẻ và bây giờ trở thành là người ăn xin. Clarence giải thích rằng, bởi không có chàng trên đời nên không còn ai ngăn ông Gower đưa nhầm chai thuốc độc ấy. Cho rằng lão già say rượu điên khùng làm mình điên theo, chàng đi về nhà.

Goerge nhận ra thị trấn Bedford Falls bỗng nhiên thay đổi. Nhiều căn nhà biến thành hộp đêm, tiệm rượu, quán xá, cửa hàng thuốc tây trở thành tiệm cầm đồ. Ngay cả tên thị trấn cũng đổi thành Pottersville (theo tên ông Potter). Nhìn văn phòng “Hiệp hội xây dựng và tín dụng” của mình đã trở thành tiệm nhảy. Chàng thấy những bạn bè của mình, chàng kêu họ lại chào hỏi, nhưng họ nào biết chàng là ai, mà cho rằng chàng là gã say ăn nói lung tung. Chàng về căn nhà mình để gặp vợ con thì thấy hoang tàn, hỏi ra người ta cho biết là căn nhà hoang phế đã mấy mươi năm không ai ở. Clarence giải thích. Chàng đã không có mặt trên đời thì làm gì có nhà cửa, có vợ con?

Goerge chạy đến nhà mẹ gõ cửa. Bà Bailey bây giờ là bà già keo kiệt hám tiền. Bà không nhận biết chàng, Goerge hỏi về em trai, bà nhìn chàng xoi mói, nói nó chết đã lâu. Goerge nhắc về chú Billy nói là mới gặp hồi trưa, bà cho biết Billy đã vào viện tâm thần sau khi doanh nghiệp bị mất. Chàng cảm thấy đầu óc rối tung, chạy về khu nhà mới cho xây dựng theo kế hoạch ước muốn của chàng, để tìm người bạn chủ quán rượu vừa gặp hồi chiều tối. Không thấy nhà cửa gì ở đó, chỉ thấy mảnh đất trống vẫn còn là nghĩa trang cũ của gia đình, tình cờ thấy nấm mồ có khắc tên Harry, em trai của chàng, chàng hoang mang cùng cực. Clarence giải thích rằng, tất cả những người trên chiếc tàu đổ bộ đó đã bị đánh bom chết hết, vì Harry không có mặt lúc ấy để bắn hạ phi cơ địch. Harry đã chết lúc chín tuổi do té xuống hồ nước băng, và bởi vì chàng không có mặt trên cõi đời, nên không ai cứu Harry. Chàng càng hoảng loạn. Chàng đi tìm Mary, gặp Mary chàng vô cùng mừng rỡ. Mary bây giờ là một bà cô thủ thư, không chồng, khô cằn, và vô hồn. Nàng kêu thét lên bỏ chạy khi thấy Goerge vồ vập vồn vã. Một số người ngăn cản, Goerge vùng chạy thoát. Cảnh sát rượt đuổi theo chàng.

Goerge hoảng hốt chạy lại đến chỗ cũ chiếc cầu nơi chàng có ý định quyên sinh. Chàng kêu lên, Clarence! Clarence! Hãy giúp tôi, giúp tôi quay trở lại. Tôi không ngại bất cứ điều gì xảy ra với tôi, tôi muốn trở lại với vợ con tôi. Tôi muốn sống trở lại, hãy để tôi sống trở lại! Goerge đứng trên chiếc cầu mà thổn thức. Đêm đông Giáng Sinh giá lạnh. Gió thổi từng cơn. Tuyết rơi nhè nhẹ.

Câu chuyện đêm Giáng Sinh có lẽ chấm dứt ở đây là đầy đủ ý nghĩa lắm rồi. Nhưng bộ phim muốn có một kết thúc có hậu (happy ending). Dòng thời gian mà thiên thần tạo ra theo ước muốn của Goerge chấm dứt. Dòng thời gian hiện hữu thực sự bắt đầu… Goerge đang gục đầu thổn thức thì viên cảnh sát (bạn chàng, khi nãy trong dòng thời gian giả định trước không nhận ra chàng) đã đuổi theo kịp, chạy đến lo lắng vấn an.  Goerge ngạc nhiên khi biết viên cảnh sát nhận ra mình, chàng mừng rỡ. Goerge nhận ra mọi vật thực tại. Chàng chạy nhanh về nhà với lòng vui sướng, gặp ai chàng cũng chào và hét toáng lên Merry Christmas! Merry Christmas! Đến nhà thì Marry đi tìm kiếm chàng cũng vừa về, chàng ôm choàng lấy vợ con với sự kích động tột cùng. Qua thông báo của Marry, những dân nghèo trước kia chàng từng giúp đỡ, đến quyên góp đổ xuống bàn từng đồng xu lẻ, đủ số tiền mà chàng làm thất thoát. Thanh tra ngân hàng, cảnh sát và nhóm báo chí có mặt để chứng kiến cảnh chàng nhận trát lệnh bắt và bị còng tay vào tù, đã vui mừng thay cho chàng. Cả bọn họ cùng hát vang bài hát “Auld Lang Syne” mà bọn con nít ngày xưa thường hát: tò te cây me đánh đu, Tazan nhảy dù…để kết thúc bộ phim.

Khán giả thở phào sau những căn thẳng dồn dập với nhiều kịch tính trong phim và nâng ly chúc mừng một đêm Giáng Sinh vui vẻ cùng người thân trong gia đình. Thế nên, khi nào thấy “Đời đáng chán hay không đáng chán, nhấp chén quỳnh ta hỏi bạn tri âm” ngán ngẩm cuộc sống hiện thời của mình thì cũng nên xét lại. Có khi nào bạn tự hỏi, đời vắng ta rồi đời ra sao? Không ta đời vẫn thế? Có mợ thì chợ cũng đông, vắng mợ thì chợ cũng không thiếu người? Không, không hẳn đơn giản như thế đâu. Dù ta nhiều khuyết điểm, dù ta gặp nhiều thất bại, nhưng chính lòng tốt của ta cũng góp nhiều hữu ích cho đời, làm cuộc sống tốt đẹp hơn, như chàng Goerge kia vậy.  Cuộc sống của mỗi con người có tác động liên quan đến cuộc sống của rất nhiều người khác. Nếu bạn không xuất hiện trên đời thì nó sẽ để lại một lỗ hổng lớn không bù đắp được. Đấy cũng là ý nghĩa mà bộ phim muốn truyền tải. Và bộ phim đã làm được điều này. Gây cảm xúc cho người xem, nhắc ta biết trân quí cuộc sống, và ý thức hơn về cuộc sống hiện tại đang có. Nên không lạ gì khi nó được đánh giá là một trong một trăm bộ phim hay nhất của Viện phim quốc gia Mỹ (American Film Institute). Và nó được xếp hạng đầu trong một trăm bộ phim truyền cảm hứng nhất của Mỹ (America’s Most Inspiring Movies). Vậy khi gặp buồn chán hay thất bại, thì bạn hãy nhớ đến ‘Câu chuyện trong đêm Giáng Sinh’, để “refresh” lại mình, để thấy cuộc sống thật tuyệt vời, và để thấy cuộc đời vẫn đẹp sao!

 

9 thoughts on “Câu chuyện đêm Giáng Sinh

  1. huynhphuong

    Chưa xem bộ phim mà nghe kể đã thích quá rồi. Cám ơn một bộ phim hay và người giới thiệu.

    Reply
    1. Phuong

      Bộ phim được xem nhiều lần, mỗi lần xem nó đều lưu lại dư âm và có ảm giác muốn được trao đổi với bạn hữu. Ghi lại xong câu chuyện, tự nhiên cảm thấy thoải mái, giống như đã được trao đổi giao tiếp với bằng hữu vậy. Cảm ơn bạn huynhphuong ghé qua.

      Reply
  2. TT.Hiếu Thảo

    Thanks anh P đã phóng tác viết lại, ghi kể lại một câu chuyện từ phim”It’s Wonderful life ” Với lời văn, dễ hiểu, gọn ghẽ, lôi cuốn, trong sáng, sắc sảo… Như một món quà quý giá cho những ai thích- dịp Noel và New year! Chiêm nghiệm và nghĩ lại trong cuộc sống mình! Tình văn học là ở chỗ đó… Thảo rất thích văn học và điện ảnh Mỹ… Vì tính nghệ thuật, vả văn học cao vẫn đi kèm chung! Ngày trước văn học Pháp lừng lẫy , nhưng về sau này một nền văn học Mỹ hết sức dồi dào và son trẻ vang dội vì vừa hiện thực vừa lãng mạn. Duy tư đa chiều: cách viết. Dầu chúng ta vẫn phải thừa nhận một câu nói nổi tiếng” Chúng ta không thể nói, và cho rằng văn học nước nào ưu việt nhất,- theo CAĐ”
    Quay lại vấn đề. Phim ảnh là sự phản ánh cuộc sống hiện thực ngoài đời. Nhưng đôi khi hiện hữu trong phim không giống ngoài đời chút nào, nhưng nó vẫn phản ảnh cuộc sống một cách sâu sắc. (TNP) Và là bộ phim gây truyền cảm hứng nhất,(TNP0 Ý nghĩa đem lại văn học nhất (TNP)v.v… Văn học hôm nay là họ viết như thế, tư liệu từ thực thế nhưng duy tư và lý giải thật đặc sắc, tài trí, lôi cuốn, siêu thực, và hấp dẫn ma lưc, luôn bất ngờ nữa, tránh nhàm chán… Và nói gì nói phải gây xúc động là tâm điểm nữa… Câu chuyện trên đã đầy đủ những yếu tố trên nên qua phim nó vang dội là phải rồi, đồng thời nó tự rắc vào tim ta, mỗi cá nhân phải hiểu lấy cuộc đời vẫn tươi đẹp và cuộc sống vẫn cần chúng ta .Vốn quý- Phim”It’s wonderful file”. Quả thực . useful. chính xác không thể chối cãi…
    Và anh P có một tình tiết đem vào kể, anh ghi lại một đoạn đàm thoại thật ý nghĩa “Chú biết có ba âm thanh thú vị nhất trên thế giới là gì không. Ông chú hậu đậu nhanh nhẩu trả lời: Là …thưa ngài, bữa ăn sáng được phục vụ. Bữa ăn trưa được phục vụ. Bữa ăn tối… Goerge quay đầu lại: Ồ, không, không, không! Là tiếng xích neo của tàu thuỷ, tiếng động cơ gầm của máy bay và tiếng còi tàu hoả. (TNP ghi)
    Vâng chính tư tưởng, trí tuệ lớn siêu phàm của nhà văn khác với người thường là chỗ đó… Và chỉ có những người có tâm hồn giống nhau ý niệm thì dễ nhìn thấy nhau hơn! Không biến mình có trùng với tư tưởng ai mà đã có viết câu chuyện “Tiếng còi năm xưa ” Viết cho tuổi teen và sau đó trưởng thành. Một đoạn vô đầu như thế này. Mà thôi kỳ tới sẽ đăng tác phẩm đó. Anh Phương à.
    Thân ái mong anh có những bài viết hay như thế này để vừa giải trí, vừa còn học hỏi làm giàu tri thức…
    Happy New Year anh và gia đình!
    Em: TTHT

    Reply
    1. Phuong

      Hiếu Thảo có suy nghĩ phong phú, viết liền mạch dài hơi với ý tưởng rất hay, chứng tỏ nội lực thâm hậu vô cùng. Bái phục, bái phục. Hi vọng sớm được xem tác phẩm mới. Cám ơn lời com nhiệt tình và ý nghĩa của Hiếu Thảo.

      Reply
  3. Quốc Tuyên.

    “Vậy khi gặp buồn chán hay thất bại, thì bạn hãy nhớ đến ‘Câu chuyện trong đêm Giáng Sinh’, để “refresh” lại mình, để thấy cuộc sống thật tuyệt vời, và để thấy cuộc đời vẫn đẹp sao!”

    Chuyện phim được kể lại thật hay và ý nghĩa, cám ơn lời nhắc nhở của Phương nha cuộc đời vẫn luôn đẹp mà.

    Reply
    1. Phuong

      Ngày xưa họ Vũ có thơ “Đời vắng em rồi say với ai?” Phuong khi ấy cũng tự ra câu hỏi, đời vắng ta rồi (đời) sẽ ra sao? Xem xong bộ phim này, trong một chừng mực nào đó, cũng thấy được câu trả lời. Cảm ơn Tuyên.

      Reply
  4. Sơn Ca

    Cám ơn anh Phương đã kể một chuyện phim đầy tính nhân bản , bài học giúp cho mọi người yêu cuộc sống hơn.SC

    Reply
  5. Phuong

    Vâng, nó khêu gợi lòng yêu cuộc sống, và khuyến khích ta sống đời sống tích cực hơn. Cám ơn Sơn Ca đã lưu lại lời com. Chúc Năm Mới Vui Vẻ và yêu đời hơn nữa. :))

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.