Nguyễn Thị Tiết- Những Dòng Thơ Khắc Khoải,,,

*

Tình Yêu, Quê Hương và Nỗi Nhớ trong thơ Nguyễn Thị Tiết

Tác giả: Admin letrongminhkha

Nếu tính từ bài thơ đầu tiên cô gởi đăng Hương Xưa (13-02-2011)  trước ngày Lễ Tình Yêu một ngày  cho đến khi tôi viết những giòng cảm nhận này  vào tháng 8 năm 2014 thì cô giáo Nguyễn Tiết có 45 bài thơ đăng trên Hương Xưa. Năm 2011  đăng 24 bài, năm 2012 đăng  23 bài. Năm 2013 với 6 bài và năm nay 2014 cô chỉ mới có 2 bài. Lý do thầm kín tại sao số lượng thơ cô đăng ngày một giảm xuống dần thì tôi không hiểu? Nhưng bảo rằng nguồn thơ cô đã cạn,thưa không ! Mặc dầu có những khoảng thời gian cô không đăng thơ, nhưng cô đã có những bài bình thơ ngắn ngẫu hứng rất xuất sắc. Vì muốn giới hạn việc cảm nhận thơ cô qua những bài thơ cô chính thức cho đăng trên Hương Xưa, nên tôi chỉ xin dẫn chứng một bài thơ trong rất nhiều bài thơ thuộc lọai ngẫu hứng này ở phần cuối (*). Về thể lọai, trong 45 bài thơ tôi đọc, có đến 16 bài thơ lục bát, 13 bài 7 chữ, 6 bài 5 chữ, 5 bài thơ tự do, 2 bài 4 chữ , 2 bài 7-8 chữ và 1 bài 9 chữ. Như vậy thơ lục bát và thơ 7 chữ là sở trường của cô. Riêng thể thơ lục bát cô làm rất dễ dàng và rất nhiều những bài thơ này được làm trong những đoản khúc ngẫu hứng.

Có phải  mơ ước được hạnh phúc, được gặp nhau để “trăng thêm sáng”, để “hương cau thêm nồng”,  để cho một cuộc tình được trọn vẹn là những ước mơ thầm kín của cô? Thế nên  một ngày trước lễ Valentine năm 2011,cô đã gởi bài thơ “Ước Gì” tới Hương Xưa với những ước mơ thật dễ thương, thật bình dị như rất nhiều người con gái khác:

Ước gì được gặp lại nhau

Để trăng thêm sáng, hương cau thêm nồng

và cô cũng ước được một cuộc tình  êm ấm, không chơi vơi và đừng dại khờ lạc mất nhau giữa giòng đời trôi nổi:

Ước gì tình không chơi vơi

Dại khờ lạc mất giữa đời nổi trôi

Rồi cuối cùng là những ước mơ cháy bỏng được tìm lại bờ môi, tìm lại những nụ hôn bồi hồi của ngày xưa:

Ước gì tìm lại bờ môi

Ấp iu nỗi nhớ bồi hồi nụ hôn

(Ứơc Gì, NT)

Tình yêu trái ngang, tan vỡ

Thế nhưng, trong cuộc đời thật, đã có nhiều những cuộc tình không trọn vẹn. Phảng phất trong thơ, cô viết rất nhiều về tình yêu. Tình yêu trong thơ cô thật đa dạng. Khi thì cô viết về một cuộc tình đã khép lại. Một người con gái yêu đương và đầy mộng mị nhưng chàng, có lẽ cứ mãi lang bạt trong cõi trần ai. Thế nên cuối cùng cuộc tình đành phải khép lại:

Em – Một đời mộng mị

Anh – Một cõi trần ai

Con đường tình xưa khép

Duyên tình chưa phôi phai!

(Duyên Tình-NT)

Và một khi cuộc tình đã khép lại thì giữa chàng và nàng giờ chỉ còn những kỷ niệm. Chàng khuất nẻo ngoài vạn dặm, chỉ còn  nàng một mình lê bước nơi cõi trần ai . Đọc đến những câu này, tôi thấy lòng mình trĩu xuống. Chỉ với mấy câu thơ rất ngắn nhưng cô đã diễn tả một tâm trạng thật não nề của người con gái khi “lê gót quay về” vì biết chàng đã đi lạc trong chốn hồng trần:

Anh đâu rồi

Bụi trần ai vạn dặm

Từng bước chân

em lê gót quay về

(Anh đâu rồi-NT)

Hình ảnh một người con gái đang lê từng bước chân quay về trong bóng  hoàng hôn có đượm một chút gì ngậm ngùi. Cái hay ở đây là lòng nàng không hề vướng bận chuyện hận thù, hay thở than về một cuộc tình đổ vỡ. Chỉ mong người mình yêu vẫn giữ cho mình những kỷ niệm đẹp của những ngày họ yêu nhau:

Anh có về nơi đó

Giữ giùm em

Cành hoa bưởi,

hương cau

Xa nhau mà tình vẫn đẹp ,vẫn muốn trong tâm hồn đừng để lạc mất nhau. Một tình yêu đẹp và nên thơ đến thế là cùng.

Tôi cứ bâng khuâng hoài về chữ Tình trong thơ Nguyễn Tiết. Chữ tình được cô định nghĩa thật đẹp, thật lãng mạn: Tình -dập dìu cơn sóng, Tình – ru mùa lá rụng, Tình – lạc bến tình đau đến  Tình – một làn sương mỏng để rồi cuối cùng là Tình – giăng giăng sợi tơ sầu. Tình trong thơ cô mang thật nhiều hình ảnh sống động, tượng thanh, tượng hình mà hình tượng nào cũng đầy chất thơ và quyến rũ:


Tình – dập dìu con sóng
Đánh thức nụ tầm xuân
Tình – ru mùa lá rụng
Đêm – nỗi nhớ khôn cùng

Tình – lạc bến – tình đau
Tình – khắc khoải trong nhau
Tình – một làn sương mỏng
Giăng giăng sợi tơ sầu !

(Tình -NT)

Tình yêu, nỗi nhớ và những thổn thức:

Khi cuộc tình đẹp đã đi qua, chỉ còn lại nỗi nhớ. Trong bài “Mắt Xưa”, nỗi nhớ của cô bàng bạc và sâu thăm thẳm:

Ai giăng ánh mắt nheo cười

Đưa hồn ai lạc về nơi gọi tình

Mắt ai đăm đắm lặng thinh

Tình ai theo sóng lung linh vỗ bờ

Sóng tình trôi dạt hồn thơ

Chơi vơi ươm một giấc mơ địa đàng

Mắt buồn sâu thẳm đa đoan

Xa mơ… lay lắt, ôm choàng tim đau

(Mắt Xưa-NT)

Tình đang là “ánh mắt nheo cười”. tình đang như “sóng lung linh vỗ bờ”, tình đang “ươm giấc mơ địa đàng”. Nhưng rồi thật đột ngột “Mắt buồn sâu thẳm đa đoan, Xa mơ lay lắt ôm choàng tim đau”, chúng ta mới biết là cuộc tình đã đi xa, thực sự xa rồi.

Tình xa nên chỉ còn là tiếng gọi, tiếng gọi thiết tha  nỗi nhớ . Không có anh giờ thì chỉ “còn mây buồn”, “gió heo may” và “bằng lăng tím”. Ngay cả khi cuộc tình chia xa thì cô vẫn cho cuộc tình mang nhiều màu sắc và âm thanh thật đẹp:

Anh đâu rồi
Mây buồn giăng khắp lối
Gió heo may
Bằng lăng tím
thẩn thờ !

Thế nhưng, trong tâm hồn chân thật rất đỗi bình dị và rộng lượng đó, cô vẫn còn muốn “anh” giữ giùm cho em  những kỷ niệm “cành hoa bưởi”, “hương cau”, những mùi hương của quá khứ. Đọc đến những câu thơ này tôi bỗng hiểu tại sao Mai Thảo đã viết “Để tưởng nhớ mùi hương”! Có những mùi hương cứ đi theo ta mãi trong suốt cuộc đời. Ở đây  có lẽ cô cũng muốn mượn mùi hương của hoa bưởi, của hoa cau dịu dàng, sâu lắng đó để  mong muốn người thương luôn giữ trong tim hình ảnh người con gái nơi quê nhà tuy chân chất nhưng son sắt đợi chờ.

Anh có về nơi đó
Giữ giùm em
cành hoa bưởi,
hương cau.

Rồi còn nữa, xa nhau nhưng nàng vẫn  cứ mãi gọi tên người tình, và từ trong sâu thẳm tâm hồn nàng sợ mất anh , cô đã gọi tên anh gọi đến bao lần và thầm nói với anh hay nói với chính mình “đừng để lạc mất nhau” vì “đêm lặng lẽ, đêm sâu, em đợi!”

Anh đâu rồi

Đừng để lạc mất nhau

Đêm lặng lẽ

Đêm sâu

Em đợi !

(Anh Đâu Rồi-NT)

Nỗi nhớ trong thơ Nguyễn Tiết cứ kéo dài theo từng ngày tháng. Chắc hẳn rằng mùa trăng đã gây dấu ấn sâu đậm cho cuộc tình . Cứ đến mỗi mùa trăng là cô nhớ đến “anh”, có lẻ họ yêu nhau trong một mùa trăng khuyết nên cuộc tình rất đổi mong manh ,đã cách xa vời vợi:

Mỗi mùa trăng đến em nhớ anh
Tình mùa trăng khuyết- Tình mong manh
Trăng đêm bàng bạc màu lưu luyến
Tình cách xa rồi –Lệ long lanh.

Bao nhiêu kỷ niệm của cuộc tình xa bỗng trở về trong mùa trăng khuyết này , cô   nhớ người, nhớ vòng tay ấm và hồn cô  đang mỏi mòn giá buốt:


Mình em ngắm mãi mảnh trăng non
Chênh chếch trên cao dáng mỏi mòn
Nhớ đến nao lòng đêm trăng cũ
Nhớ vòng tay ấm – lạnh hồn đơn!

(Nhớ Đêm Trăng Cũ-NT)

Nỗi nhớ trong thơ Nguyễn Tiết rất đa dạng .Có những nỗi nhớ đến quắt quay và cũng có những nỗi nhớ  nhẹ như những giọt sương  rơi rất khẽ vào hồn làm cho lòng cô ngẩn ngơ. Ta hãy đọc một vài câu trong bài “Nhớ Người” :

Nhớ người – Đêm vương vấn

 

Trăng, sao cũng đợi chờ

 

Sương tình rơi rất khẻ

 

Giọt vào hồn – Ngẩn ngơ!

Hai câu thơ “Sương tình rơi rất khẽ, Giọt vào hồn- ngẩn ngơ” thật đẹp, thật lãng mạn, thật nhẹ nhàng như những giọt buồn cứ rơi, cứ thấm mãi vào hồn ta:

Nhớ người nơi viễn xứ

 

Chợt thấy lòng cô liêu

 

Chút hương thầm xin giữ

 

Xao xuyến tia nắng chiều

(Nhớ người-NT)

Cứ tường rằng cuộc tình qua đi cũng chỉ là gió thoảng mây bay, buồn phất phơ như mưa bụi để thi vị hoá một cuộc tình xa. Nhưng không, tôi đã bắt gặp trong bài “Tình Khúc Buồn” những “ước mơ tàn mau”, những “đếm lá tình sầu” và “nhớ thương bạc đầu”, không còn là những nỗi buồn phất phơ nữa mà là những nỗi buồn sâu đậm đã in vào hồn tác giả:

Ngày ta xa nhau
Anh ơi, anh ơi!
Ước mơ tàn mau
Nước trôi qua cầu
Đếm lá tình sầu
Nhớ thương bạc đầu

Thời gian cứ trôi mà cuộc tình thì  cứ mãi xa. Anh ơi cuộc tình ta đang trôi về bến bờ nào để em “khắc khỏai lệ sầu” và những “nỗi đau nghẹn ngào”:

Thời gian trôi mau
Anh ơi, anh ơi!
Tình ta về đâu
Tơ vương bạc màu
Khắc khoải lệ sầu
Nỗi đau nghẹn ngào!

(Tình Khúc Buồn – NT)

Trong tâm hồn người con gái ấy, cô đã dùng lý trí của mình để cố giấu đi những giọt lệ sầu khắc khoải, những nỗi đau xé lòng nhưng cuối cùng những tiếng nấc đã được bật ra, và có lẻ như thế   sẽ làm lòng cô  thư thái và lắng dịu hơn.

Dấu Lặng Thầm

“Dấu Lặng Thầm”, một bài thơ văn xuôi về một tình yêu thật đẹp, đầy những nỗi niềm xót xa khi anh cứ chạy theo những ước vọng , những khát khao  mới lạ đang chờ phía trước còn em thì vẫn lặng lẽ  sau anh như một dấu lặng thầm!

Những khát khao đang chờ anh phía trước

 

Phía sau anh

 

Em – Một dấu lặng thầm !
Rồi nỗi cô đơn ập đến, em đưa tay hứng những giọt mưa mà nghe rát bỏng, những giọt mưa sao nửa đục, nửa trong:

Ngửa hai bàn tay em hứng những giọt mưa nửa đục nửa trong

 

Rơi nhẹ thôi mà sao nghe rát bỏng !

 

Tim em vẫn nóng

 

Nhưng tiếng mưa dội vào hồn em bỗng thấy cô đơn
Khi cuộc tình đã có mầm móng của một cuộc chia xa, em  bỗng thấy lòng đau: “Mắt ướt mi và nỗi giận hờn len lén,nhớ lời hò hẹn, thấy lòng đau!” Sao mà buồn quá vậy. Bởi lẽ tình yêu của em trao cho anh là tình yêu nóng bỏng , không toan tính thiệt hơn , ngây dại như thuở hồng hoang!

Bằng rung động của trái tim nóng bỏng

 

Bằng dại khờ của một thuở hồng hoang

 

Từng đêm chờ đợi mỏi mòn, đắm say nỗi nhớ …

 

Có phải tình yêu chỉ là một giấc mơ để đêm nhiều trăn trở

 

Trong cuộc đời dâu bể

 

Anh đi tìm gì

 

Sao không thấy tình em !

Như một tiếng nấc nghẹn ngào! Em chỉ là một dấu lặng thầm mà anh cứ mãi đi về một hướng khác. Cái dấu lặng thầm cứ đứng im lìm trong cỏi tịch liêu, không cất lên tiếng gọi, buồn sâu thẳm, nhìn những giọt mưa đi qua, còn anh cứ mãi đi lang thang trong cuộc đời dâu bể…

Thế nên em  thầm ước giá như em không biết yêu người, bởi vì người cứ lang thang bay đi như những vầng mây trắng:

Giá như em không biết yêu người
Để cõi hồn riêng không chơi vơi
Để không vương vấn vầng mây trắng
Cứ mãi lang thang mây trắng ơi!

(Giá Như Em Không Biết, NT)

“Giá như”, biết bao là cái “giá như” ở trong em. Rồi từ trong sâu thẳm của tâm hồn em lại thầm mong ước:
…Giá như em không khát khao yêu
Không nhớ thương ai những buổi chiều
Không đắm hồn thơ vào đêm vắng
Không lần đếm mãi nỗi cô liêu …

(Giá Như Em Không Biết-HX 11-12-2012)

Mới đọc bài thơ Giá Như Em Không Biết ta cứ ngỡ cô đang buồn vì cuộc tình chia xa nhưng thật ra cô  đang yêu, yêu tha thiết nên nỗi nhớ cứ dày vò trái tim  trong từng chiều, trong từng đêm  vắng ,cô  buồn vì sự cô liêu trống vắng!

Cuộc đời, thân phận, và những trăn trở

Bên cạnh tình yêu là những bài thơ nói lên thân phận của những cuộc đời, những trăn trở trong cuộc sống. Trong Kiều, thì “vầng trăng ai xẻ làm đôi”, nhưng trong thơ Nguyễn Tiết thì vầng trăng không còn là hai mảnh nữa mà đã vỡ rồi, “một nửa vầng trăng đã vỡ rồi”, chỉ còn một nửa cô “đem về in lên gối chiếc”, ta hãy nghe mà thấm thía trong bài “Có Những Cuộc Đời” mà tôi xin trích mấy câu sau đây:

Có những mảnh đời xuân chia đôi

Một nửa vầng trăng đã vỡ rồi

Một nửa đem về in gối chiếc

Lòng người bạc trắng tựa màu vôi.

Biết bao cuộc sống ở quanh ta

Như chiếc thuyền nan giữa phong ba…

(Có Những Cuộc Đời-NT)

Thôi thì ta chia cho nhau bớt những bâng khuâng, chia cho nhau vầng trăng khuyết, chia những tiếng sóng vỗ chiều để rồi lặng nghe trong cõi vô thường này, có không, không có, tất cả chỉ là tạm bợ, là ảo ảnh. Có còn lại gì đâu trong cõi trần ai, tác giả đã diễn tả thật sâu lắng trong bài thơ “Vô Thường”:

Chia nhau tiếng sóng vỗ chiều

Hai đầu nỗi nhớ, nắng hiu hiu buồn

 

Lặng nghe trong cõi vô thường

 

Có – không , không – có ,đời vương nỗi sầu

 

Ta về đâu , để tìm nhau ?

 

Tìm trong huyễn hoặc nát nhàu nhớ thương !

(Vô Thường)

Tình yêu gia đình, cha mẹ.

Nhân mùa Vu Lan 2012, mùa lễ báo hiếu, cô đã thổn thức viết bài thơ “Lời Nguyện Cầu” và đã dành những lời lẽ thương yêu tha thiết dành cho người cha quá cố. Nước mắt đã rơi mặn lòng. Ở bên cạnh con người viết những câu thơ lãng mạn, trữ tình cho tình yêu, Nguyễn Tiết còn là một người con chí hiếu. Tình cảm thương cha quí mẹ của cô đã thể hiện đậm nét trong bài “Lời Nguyện Cầu”

Con xin  thắp nén hương trầm
Cúi đầu con khẻ gọi thầm Ba ơi!
Đứa con lặng lẽ bên đời
Nhớ Ba nước mắt con rơi mặn lòng

Người Cha đã ra đi để lại bao lo toan, bao khó khăn cuộc đời cho Mẹ cô gánh. Người Mẹ lặn lội thân cò lo cho đàn con dại:

Ba đi về chốn hư không
Đàn con thơ dại gánh gồng Mẹ lo
Cô đơn lặn lội thân cò
Mong con đủ ấm, đủ no qua ngày

Giờ đây tóc Mẹ đã điểm sương. Cuộc đời người cô phụ với bao nỗi đoạn trường, Mẹ đều âm thầm chịu đựng. Mẹ đã hy sinh hết cuộc đời mình cho những đứa con. “Áo gấm áo hoa” Mẹ không cần chỉ cần lo cho đàn con được đủ ăn đủ mặc là Mẹ hạnh phúc vô ngần. Bài thơ đã nói lên được tình yêu thương của người Mẹ cô, và có lẽ cũng của hầu hết các bà Mẹ Việt Nam, một tình yêu thương con vô bờ bến. Mẹ sẵn sàng hy sinh hạnh phúc, hy sinh tương lai của mình cho những đứa con:

Nắng mưa thân Mẹ hao gầy
Tiếng khóc Mẹ nén, đêm dày  nhớ thương
Giờ đây tóc Mẹ đẫm sương
Cuộc đời cô phụ đoạn trường Mẹ qua

Người đời áo gấm , áo hoa
Thương Mẹ áo vải, phần quà cho con
Lắt lay dáng Mẹ mỏi mòn
Quàng tay ôm Mẹ, lòng con nghẹn ngào

Sức Mẹ ngày một héo mòn như chuối chín trên cây, như ngọn đèn trước gió nên cô mong ước được níu tháng ngày lại và viết lên những lời nguyện cầu thật chân thành tha thiết:

Mỗi ngày sức Mẹ héo hon
Lòng con  thấp thỏm“chuối  còn trên cây” ?
Làm sao níu được tháng ngày
Làm sao ấm  mãi bàn tay Mẹ hiền

Cầu hương hồn Ba  an nhiên
Cầu mong Mẹ  khỏe, tâm thiền, thọ lâu
Lòng con trĩu nặng ân sâu
Nhớ Ba, thương Mẹ nguyện cầu thành tâm.

(Lời Nguyện Cầu-NT)

Mùa Vu Lan 2012 ( HX 25-8-12)

Một bài thơ về tình  cảm nhớ Cha thương Mẹ đã thực sự làm cho tôi cảm động và rơi nước mắt khi viết những giòng này. Một tình cảm đáng được trân trọng.

Triết lý về hạnh phúc và cuộc đời

Như thế, đâu là hạnh phúc thật sự trong cõi đời này? Nhà cao cửa rộng, danh vọng, địa vị, tiền tài? Thưa không, cái hạnh phúc đích thực khi ta cảm nhận được từ trong sâu thẳm, là một tâm hồn bình yên dầu cho ở giữa mênh mông đôi bờ lặng lẽ. Một cõi lòng an nhiên tự tại dầu cho bốn mùa của trời đất có đổi thay. Bao nhiêu người đã lần lượt đi qua bến sông này, chỉ  một mình tôi còn lại. Nhưng tôi không cô đơn, không buồn thảm bởi vì trong lòng đã thắp sáng lên ngọn lửa của tình người. Ta hãy nghe người lái đò tâm sự:

…Tôi ở bên này hát tiếp khúc tình ca

Giữa mênh mông,đôi bờ lặng lẽ

Có ai bảo đời sao buồn thế!

Không đâu, tôi hạnh phúc vô ngần

Rồi một chiều em trở lại bến sông

Tìm gặp người lái đò năm cũ

Bó hoa tươi chứa bao tình ấp ủ

Mặn nồng giọt nước mắt rưng rưng

Hạnh phúc đơn sơ nhưng quý vô cùng


Thắp sáng trong tôi thêm ngọn lửa

Tình yêu người, tình yêu nghề chan chứa

Vẫn một đời, với một chiếc đò ngang…

( Hạnh Phúc Người Lái Đò-NT)

Đây là một bài thơ nói lên một triết lý sâu sắc trong cuộc sống của con người trong thời đại chúng ta. Bao nhiêu người cứ nhắm mắt chạy theo đồng tiền, đuổi theo danh vọng, mãi mê với những toan tính lọc lừa, nhưng chắc hẳn rằng họ đã không có được sự bình yên thanh thản của tâm hồn, và như thế hạnh phúc vẫn ở ngoài tầm tay với. Xin trích dẫn 4 câu thơ của đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói lên ý nghĩa tận cùng của cuộc sống, rất thâm thúy:

Vào đời hai tay trắng

Lìa đời trắng hai tay

Sao mãi nhặt cho đầy

Túi đời như mây bay.

(Đức Đạt Lai Lạt Ma)

Trong bài “Bước Lãng Du” cũng thế. Cô đã dùng hình tượng nàng Tô phụ hoá đá chờ chồng để nói lên cái tình đã trôi đi mãi, với bốn câu thơ thật trong suốt, thật gợi hình, như nói lên hộ chúng ta có còn lại gì trong cõi đời tạm bợ khi cuối cùng trong tay chỉ còn lại những bọt bèo:

…Dan díu tình đời lòng cô quạnh
Hóa đá muôn đời để nhớ mong

Lãng đãng lội tìm tiếng suối reo
Róc rách, róc rách tình trong veo
Xuôi theo dòng nước tình trôi mãi
Ngơ ngác! Trong tay những bọt bèo!

…Vá mãi không tròn vầng trăng khuyết
Ừ thôi – tình đẹp- tình dở dang.

(Bước Lãng Du-NT)

Tả tình, tả cảnh

Ngoài cái tài tả tình, những nhớ nhung khắc khỏai hay tiếc nuối nghẹn ngào, Nguyễn Tiết đã lồng chữ tình vào trong một khung cảnh thật đẹp, thật nên thơ:

Đêm Thu man mác em nhớ anh

Trăng Thu bàng bạc chiếu qua mành

 

Em nghe tiếng gió ngoài song cửa

 

Ru giọt sương buồn rơi long lanh

(Cảm Xúc Thu Về- NT)

Những đêm thu man mác, trăng thu bàng bạc, tiếng gió ngoài song cửa và sương buồn rơi long lanh là những hình ảnh rất đẹp, nên thơ và vô cùng lãng mạn. Hoặc chúng ta có thể thấy trong bài “Chiều”, không phải “Chiều” của Hồ Dzếnh với “chiều chậm đưa chân ngày” và “tiếng buồn vang trong mây”, mà “Chiều” với những hình ảnh đẹp và sống động:

Biển xanh sóng bạc

Gió xô sóng rì rào

vỗ vào bờ cát

Rồi tác giả liên tưởng đến những kỷ niệm của một thời yêu nhau:

Em chợt nhớ

ngày ta đến

Bên nhau

cát mịn mát chân trần.

Trông xa lại rất gần

Anh muốn thành con sóng

Ôm biển rộng – bờ em.

Biển chưa vào đêm, đất trời hoà nhập và biển mãi xanh như ngày nào sao em lại vắng anh:

Biển chưa vào đêm

Khơi xa còn xa tắp

Đất trời hòa nhập

Biển xanh mãi xanh

Sao em vắng anh !

(Biển Chiều, Nguyễn Tiết)

Trong bài “Sắc Màu Nắng Hạ”, ta lại thấy hình ảnh trong thơ  Nguyễn Tiết đã  tạo nên một bức tranh tương phản về  màu sắc “nắng trưa xanh ngắt” và “sóng vỗ bạc đầu”, hoặc “hạt muối trắng” và “má hồng xinh”gây nên những hình tượng nổi bật đối nghịch thật đẹp như một bức tranh sống động:

Nắng trưa xanh ngắt biển sâu
Ôm con sóng vỗ bạc đầu nhớ nhung
Hạ về trải nắng mênh mông
Hạt muối thêm trắng, má hồng thêm xinh

(Sắc Màu Nắng Hạ, NT)

Đọc thơ cô như xem những bức tranh thật đẹp, nhiều  hình ảnh sống động. Thơ cô có trăng khuyết, có đò chiều, có biển xanh có mây trắng. Là những câu thơ tả tình lồng trong một bức tranh sinh động như trong bài “Duyên Muộn”:

Tình trao vầng trăng khuyết
Ngập ngừng một lời yêu
Chông chênh đời xuôi ngược
Xao xuyến chuyến đò chiều.

Tình bơi theo con sóng
Trôi vào cõi mênh mông
Lần tìm bàn tay ấm
Đêm huyền hoặc – chập chùng

(Duyên Muộn-NT)

Trong bài “Hạ Nhớ” tác giả kết hợp tả tình và cảnh thật đẹp, thật hài hòa. Tôi xin phép cô thi sĩ cho phép được viết lại bài thơ theo thể văn xuôi để thấy rõ hơn bức tranh tình yêu trong một chiều nắng hạ: “Buổi chiều mùa hạ, gió thổi mênh mông như ngàn lời thương nhớ.  Biển vẫn xanh như tình em muôn thuở đã trao người. Chiều hạ vàng, khi những đám mây trắng lững lờ trôi, thì tình ta cũng thắm sắc như những màu hoa phượng đỏ”:

Hạ chiều
Gió mênh mông
Chứa ngàn lời thương nhớ
Biển xanh muôn thuở
Như tình em
Đã trót trao người.

Hạ vàng
Mây trắng lững lờ trôi
Tình thắm sắc
Thương màu hoa đỏ.

(Hạ Nhớ-NT)

Mưa và Những Đoản Khúc Bất Chợt

Tôi muốn dành riêng một chương để nói về những cơn mưa và những đoản khúc bất chợt trong thơ cô giáo Nguyễn Tiết.

Trước hết nói về MƯA. Chắc hẳn mưa đã gây trong lòng cô một dấu ấn mạnh mẽ và để lại trong cô nhiều kỷ niệm sâu sắc, đặc biệt là những cơn mưa ở Quy Nhơn:

Mưa ở Quy Nhơn, đêm trống vắng
Một mình thầm đếm giọt mưa rơi
Mưa không lạnh sao đời se lạnh
Nhớ anh nhiều lòng bỗng chơi vơi

Quy Nhơn đang mưa và cô lại liên tưởng đến trời mưa nơi ấy, một liên tưởng thật dễ thương và tình tự. Nơi ấy có “anh” của cô đang quay quắt với  dòng đời và hỏi rằng nơi ấy trời đang mưa thì anh có nhớ đến em không. Xin bảo đảm với quý vị rằng cô và người ấy đã từng đội mưa mà đi biết bao lần rồi trong quá khứ:

Nơi ấy trời mưa có lạnh không
Có nhớ đến em phút chạnh lòng
Cơm áo dòng đời anh quay quắt
Nơi này vẫn có một người trông!

(Mưa Quy Nhơn-NT)

Không những chỉ có mưa Quy Nhơn mà có lẽ mưa ở đâu cũng thế,  là nguồn cảm hứng bất tận trong thơ cô. Ta hãy nghe một vài câu trong bài “Tình Khúc Mưa Khuya” để thấy Mưa đã thấm vào hồn cô như thế nào:

Từng giọt rơi mau
Tình chưa thấm mặn
Giọt  rớt mắt sâu
Lòng nghe đăng đắng

Cũng may mà có cơn mưa khuya đến đúng lúc nên đã che dấu đi cho cô những giọt nước mắt đang rơi và lòng nghe đăng đắng. Để rồi cô lại trách móc, chỉ nhẹ nhàng thôi, sao mưa để làm cho tình trần ướt vai và cung đàn lỡ nhịp:

Giọt rơi dai dẳng
Tình trần ướt vai
Cung lỡ nhịp sai
Tình ru lạc loài

Rồi cuối cùng chỉ còn một mình cô giáo đếm bước trong mưa khuya với những ngọn đèn chơi vơi hai bên phố vắng:

Người ơi có hay
Đêm mưa hạt dày
Thênh thang phố dài
Ngọn đèn chơi vơi

(Tình khúc Mưa Khuya-NT)

Rồi còn những giọt mưa thu nữa, có lẽ cũng là đồng hội đồng thuyền với những giọt mưa thu của Đặng Thế Phong chăng? Khi người đã xa người rồi thì những giọt mưa thu cũng buồn như hơi thở, và lá lìa cành thì lá cũng thấy lòng đau:

Lá lìa cành, lá thấy lòng đau
Người xa người, rối nhàu nỗi nhớ
Giọt mưa thu, buồn như hơi thở
Rớt ven sông, bên lỡ bên bồi…

(Mưa Thu-NT)

hoặc như trong bài “Mưa Cuối Mùa”, nghe mưa mà bỗng nhớ về quê hương, nhớ những con đường nhỏ buồn tênh ở quê mình:

Có giọt mưa nào rơi không lạ
Giữ hộ em –  Giọt nhớ quê mình!
Nơi này, con đường nhỏ buồn tênh
Hàng cây lặng, nghiêng nghe mưa rớt

(Mưa Cuối Mùa-NT)

Bây giờ tôi xin nói về Những Đoản Khúc Bất Chợt. Đọc thơ cô,  tôi thích rất nhiều bài  . Kể từ những bài thơ đầu tiên vào mùa Lễ Tình Yêu 2011 cho đến hôm nay, thơ cô đã vượt qua một chặng đường thật dài. Càng về sau thì giòng thơ của cô càng mặn mà hơn, mang nhiều chiều sâu hơn. Về chủ đề cũng thế, từ Những Đoản Khúc Bất Chợt đầu tiên (20-7-2012) cho đến Những Đoản Khúc Bất Chợt 4, (11-3-2013), chỉ trong vòng gần một năm mà những giòng thơ bất chợt về sau đã mang một sắc thái đặc biệt và sâu sắc hơn nhiều so với Những Đoản Khúc Bất Chợt đầu tiên. Nếu trong Những Đoản Khúc Bất Chợt 1 và 2 chúng ta chỉ thấy những câu thơ ngũ ngôn tứ tuyệt : Hoàng Hôn Hồng, Nhớ , Tắm Biển, Cần (NĐKBC1) hoặc Tình Thu, Mưa Thu và Sắc Không (NĐKBC2) không gây nhiều ấn tượng cho lắm. Nhưng qua đến hai Đoản Khúc Bất Chợt 3 và 4,  những vần thơ của cô đã trở nên thật óng ả, mượt mà và sâu lắng:

Chiều buông mấy sợi muộn vàng
Em gom nhặt vội về đan võng tình
Bấc lùa sợi mỏng  rung rinh
Làm sao giữ được tình mình không rơi!

hoặc những câu thơ tả cảnh tả tình thật vô cùng sâu thẳm:

Em  vừa ướt một cơn mê
Mới hay cái lạnh dầm dề dưới mưa
Em vừa mua món chợ trưa
Mới hay cái kết đong đưa đùa tình
Gió bay  tà áo hớ hênh
Mới hay cái nghĩa nhân tình uốn quanh.

(NĐKBC3)

Đoản Khúc Bất Chợt 4 gồm 2 đoản khúc 1 và 2. Đoản khúc 1 là những câu thơ lục bát buồn và thật dễ thương. Ta nghe như đâu đây tiếng gió thổi đìu hiu, tiếng sóng vỗ mênh mông và một vầng trăng buồn:

sóng buồn sóng vỗ mênh mông
lời buồn rơi giữa thinh không bao chiều
gió buồn thổi cánh đìu  hiu
thơ buồn gieo những liêu xiêu điệu vần

trăng buồn thi sĩ bâng khuâng
em buồn ôm bóng tần ngần nhớ ai.

(Những Đoản Khúc Bất Chợt 4-NT- HX 11-03-13)

Qua đoản khúc hai, tác giả đã chuyển đổi thể thơ thành thơ ngũ ngôn chuyển từ “mặt trời”, đến “mặt trăng”, đến “tình”, đến “em”, đến “biển”, dồn dập hơn, tha thiết hơn và tạo người đọc nhiều rung cảm hơn, nghe như tiếng sóng biển cứ vỗ dồn dập vào bờ. Chúng ta hãy nghe:

mặt trời soi – chân bước
bóng trăng tràn – đêm mơ
tình
giữa hai bờ hư – thực
đến, đi như tình cờ

tình có là quả đắng
tình có là chiêm bao
tình có là  táo mọng
in dấu răng ngọt ngào?

em, chập chờn câu hỏi
biển- khi nào buồn vui
một ngày không tiếng sóng
lòng biển có ngậm ngùi!

(NĐKBC 4-NT)

Những vần thơ Lục Bát ngọt ngào, óng mượt

Trong 45 bài thơ của cô giáo Nguyễn Tiết đã có 16 bài là thơ lục bát. Như nhiều nhà phê bình đã đồng ý thơ lục bát là một thể thơ đi vào lòng dân gian. Rất dễ làm nhưng có được những vần thơ lục bát hay không phải ai cũng viết được. Ở đây cô giáo viết những câu thơ lục bát rất dễ dàng và chưa một lần tôi đọc thơ lục bát của cô mà nghe như một câu vè dân gian cả, mà là những câu thơ lục bát rất hay, rất nhẹ nhàng và đầy tình tự.

Đôi lúc tác giả hỏi ai, hay tự hỏi mình những câu hỏi mập mờ đầy ảo mộng về những ẩn dấu sau một giấc chiêm bao:

Dấu gì dưới đáy chiêm bao

Hay mảnh trăng khuyết hôm nào rơi ngang

Hay là  những hạt sương trong hoàng hôn  tình cờ làm ướt tóc ai:

Hoàng hôn rớt mấy giọt sương

Tình cờ ướt tóc nên vương chút tình

Thật là những câu thơ lãng mạn và tình tứ biết bao!

Trong “Những Đoản Khúc Lục Bát” chúng ta lại tìm được những câu thơ lục bát thật hay:

Nghiêng vai rớt gánh đời tình

Chỏng chơ từng mảnh  đổ kềnh hợp tan

Tác giả đã hình tượng hoá một cuộc tình đã vỡ với “chỏng chơ”, “đổ kềnh” làm cho chúng ta liên tưởng đến một cuộc tình đã vỡ như một điều gì đó thật cụ thể, thật hiện thực. Hay là những giọt mưa ngâu đã được cô thi vị hóa thật linh động:

Thu rưng rức mấy giọt ngâu

Giọt rơi lấp lánh giọt sầu trăm năm

Giọt rơi đáy  giếng mù tăm

Giọt nào rơi giữa mắt đăm đắm tìm

Đôi lúc trí tưởng tượng của cô thi sĩ thật phong phú khi “nhặt được một nụ duyên”:

Tình cờ nhặt được nụ duyên

Đem về đóng một du thuyền dạo sông

( Du Thuyền-NT)

Khi thì cô cảm nhận về một sự muộn màng với  lời trách móc buổi chiều đời người thật dễ thương và thoáng một chút buồn tủi cho thân phận mình:

Vội vàng chi lắm chiều ơi

Đợi em tô lại son môi muộn màng

Trên sông lắm chuyến đò ngang

Có còn chuyến chở bẽ bàng qua sông?

Khi thì một câu hỏi “cớ sao” nghe thật thơ ngây, cô hỏi nhưng có lẽ ta không cần nghe câu trả lời nữa rồi, bởi lẽ cô đã tìm ra câu trả lời:

Đưa tay nắm một bàn tay

Cớ sao hơi ấm chảy đầy vào tim

Cớ sao chỉ nụ hôn mềm

Mà đêm ngầy ngật bên thềm tương tư.

( Cớ Sao-NT)

Hoặc đôi lúc là sự tưởng tượng kết hợp với tâm hồn lãng mạn đến bất ngờ:

Ô kìa trăng rụng trên sông
Em lội giữa dòng vớt ủ vào gương
Đêm đêm trăng chiếu lên tường
Thấy đôi bóng ngã dọc đường vô ưu!

(Đôi Bóng-NT)

Rồi  bỗng một hôm nào đó cô một mình lang thang trên bờ biển vắng để tìm lại những dấu chân của một thời kỷ niệm:

Ta về đây đếm dấu chân
dấu quen dấu lạ rất gần bên nhau
Này là những dấu nông sâu
dấu nào cất giữ tình đau phận người

(Tự Tình  Đêm-NT)

Nhưng rồi cuối cùng cô chỉ còn giữ được chút hương muộn tàn của những ngày tháng cũ cùng với  những nụ cười đa đoan và những võ vàng của  dấu chân xưa:

Cát rời tay bụi còn vương
ừ, thôi ta giữ chút hương muộn tàn
Tự tình cùng nụ đa đoan
cát ơi giữ nhé võ vàng dấu xưa.

(Tự  Tình  Đêm-NT)

Ôi nghe phảng phất một nỗi buồn thật xa vắng của một hoài niệm xưa đã xa khuất như những dấu chân đã mờ phai trên cát!

Quê hương – tuổi thơ và kỷ niệm

Quê hương là một nỗi  vấn vương, một nỗi nhớ khôn nguôi trong thơ cô. Tiếng dế tình tự đêm hè hay là những hương vị ngọt ngào của giòng sông quê hương đã gây những ấn tượng sâu sắc trong thơ cô:

Quê hương

Bao vấn vương

Ẩn trong tiếng dế

Gọi nhau tình tự suốt đêm hè

Ta ngất ngây say!

Tự do hơn mây ngàn, gió núi

Vẫy vùng trần trụi

Nước mát – dòng sông

Hương vị quê hương

Thấm đẫm mặn nồng

( Gặp Lại Trên Quê Hương-NT)

Thử một ngày nào đó sau bao tháng ngày xa quê, bạn về lại và được “vẫy vùng trần trụi” trong giòng sông tuổi thơ trên quê hương mình, bạn sẽ thấy hạnh phúc biết bao!

Những ký ức tuổi thơ từ đó mà theo nhau ùa về trong tâm trí  của bạn, không những thế, nó còn chạy ngược vào tim và gây cho bạn những xuyến xao lạ kỳ. Nhớ những buổi tan trường với những tà áo trắng thướt tha trong gió chắc hẳn sẽ làm lòng bạn ngẩn ngơ. Cả những gói muối ớt, hay những chùm me non, quả xoài, quả cốc cũng lục đục theo nhau trở về trong tâm tưởng. Chao ôi, quê huơng là một điều gì đó quá đỗi diệu kỳ. Những kỷ niệm nho nhỏ của ngày xưa của tuổi học trò cũng làm cho bạn xao xuyến bâng khuâng:
Ký ức quay về

Chảy ngược vào tim

 

Giữa lòng phố êm

 

Buổi tan trường

 

Tung bay bao tà áo trắng

 

Lữ khách ngẩn ngơ

 

Hồn say đắm

 

Tha thướt dáng em về

 

Góc phố cũng xôn xao !

…………….

Trãi lòng – trang lưu bút

Gói muối ớt

 

Chùm me non

 

Quả xoài , quả cóc

 

Náo nức chờ giờ chơi…

( Ký Ức Tuổi Xanh-NT)

Rồi ta thấy cô lại tìm về với những rung động đầu đời:

Ta về tìm lại những bước chân

Xưa qua ngõ ấy bỗng ngập ngừng

 

Chiếc cặp ôm nghiêng chừng sắp rớt

 

Bồi hồi – Má ửng – Tuổi bâng khuâng!

 

 

Ta về tìm lại phố tuổi thơ

 

Hàng phượng xinh – tiếng sóng vỗ bờ

 

Tan trường hai phố cùng hợp lối

 

Áo trắng ơi! Một đời ngẩn ngơ…

(Ta Về Tìm Lại Dấu Xưa- NT/HX09-10-2011)

Chắc hẳn cô đã từng cảm nhận những giọt mưa như những “giọt nhớ quê mình” trong những tháng ngày xa quê. Hay những tháng năm lưu lạc tha phương khi một buổi chiều nào đó, nhìn mưa rơi và cô đã cảm thấy mưa như những giọt buồn, giọt nhớ quê hương với những con đường làng thật nhỏ, có đôi tình nhân đếm bước. Rồi cô bỗng mơ, hay cô nhớ lại cái  ngày xưa cô đã từng đi trong mưa với  người tình và bây giờ đã xa vời vợi. Chúng ta hãy nghe  nỗi lòng của cô hay  cũng chính là  nỗi lòng của chúng ta khi nhìn những giọt mưa rơi và bao hình bóng ngày xưa lại trở về trong bài “Mưa Cuối Mùa”, xin trích dẫn một vài câu:

Có giọt mưa nào rơi không lạ
Giữ hộ em –  Giọt nhớ quê mình!
Nơi này, con đường nhỏ buồn tênh
Hàng cây lặng, nghiêng  nghe mưa rớt
Đôi tình nhân dìu nhau đếm bước
Em chợt thèm hơi ấm một bàn tay
Muốn gởi cho anh nỗi nhớ vun đầy
Em gom lại khi gió rung cành lá

(Mưa Cuối Mùa-NT)

Rồi lối về quê trên con đường xưa sao nghe thật buồn, cùng với bao nỗi nhớ, tại sao? Bởi vì bây giờ mình em đang đứng đợi một bóng hình nào đó đã xa mờ ở một phương trời xa ngái như tác giả đã diễn tả trong những vần thơ “Chiều Về Lối Cũ”sau đây:

Lối  về  quê, ngày ấy mình  có nhau
Gió quấn  vòng tay,  cuộn tròn  hơi ấm
Mây, nắng hờn  ghen giữa trời  gió  lộng
Con đường xưa, sao giờ bỗng u hoài

Cuối nẻo về, mình em ngóng đợi ai
Hoàng hôn  thấp, cánh cò chưa biết mỏi
Bay về đâu, về phương trời xa ngái
Rớt lại  nỗi buồn , nỗi nhớ  mênh mông.

(Chiều Về Lối Cũ NT/HX10-4-12)

Đọc câu thơ cuối, chúng ta có cảm giác như nỗi buồn đang rớt xuống rồi tỏa ra thành những nỗi nhớ mênh mông. Câu thơ thật hay, thật cô đọng.

Những Vu Vơ Dễ Thương Trong Đời Thường

Có những khoảnh khắc nào đó trong cuộc sống, bỗng dưng chúng ta lại đặt ra những câu hỏi vu vơ, trời trăng mây nước. Những cái vu vơ thật dễ thương, rất đổi đời thường. Những câu hỏi đặt ra không ai trả lời được mà ngay chính người đặt ra những câu hỏi cũng chẳng cần câu trả lời:

Hỏi em, mắt ướt còn mong ?
Vẫn ! Hoàng hôn tím chạnh lòng gió đông
Hỏi em, đôi má còn hồng ?
Còn ! Khi anh khẻ lặng thầm nhìn em .

Rồi hỏi em về mái tóc, về sương khuya, về gió bụi về cuộc đời em có hanh hao? Trong cuộc sống thật của đời thường chắc hẳn rằng ai trong chúng ta cũng có những câu hỏi vẩn vơ và dễ thương như thế, và chính những điều đó làm nên cuộc sống thật và con người thật của chúng ta:Tiếc nuối tuổi xuân!
Hỏi em, mái tóc còn đen ?
– Sương khuya, gió bụi, mây chen lối vào.
Hỏi em, đời có hanh hao ,
Mảnh mai dáng ngọc thuở nào còn không ?

(Hỏi Em-NT)

Bài Thơ Giọng Nẫu

Cho đến đây, chúng ta đã cảm nhận thơ cô giáo Nguyễn Tiết buồn nhiều hơn vui,  thế nên đọc thơ cô nghe nhiều nỗi ngậm ngùi, thổn thức thấm vào hồn. Mà thôi, tôi xin tạm dừng những giòng thơ buồn nơi đây. Tôi muốn nói đến một chuyện vui, rất vui khi tôi đọc đến một bài thơ đặc biệt của cô. Tôi giật mình, hay là mình in ra sai? Tôi không tin vào mắt mình nữa. Tôi đọc đi đọc lại mấy lần. Thế này là nghĩa gì, tôi không hiểu được: “Lợ Tương Tư”. Tôi đọc lại lần nữa, Hương Xưa in sai rồi, làm gì có chuyện “Lợ Tương Tư”. Rồi tôi đọc xuống thêm hai câu tiếp nữa.

Đến đây thì tôi như tỉnh mộng, vỗ đùi đánh  “bộp” và la lên như Archimède tìm ra định lý vật nổi trong nước: “Ta đã tìm ra rầu!”. Trời ơi là trời, làm thơ giọng “nẫu”, cái giọng nẫu quái ác đã làm cho tôi súyt nữa thì đứng tim vì bí hiểm của ngôn ngữ. Xin thưa đó là bài thơ “Lệ Tương Tư” mà Nguyễn Tiết viết là “Lợ Tương Tư”!

Xin các bạn đọc tiếp nhé:

Xin anh đừng nhắc chiện Cầu Đâu  ( Xin anh đừng nhắc chuyện Cầu Đôi)

Đừng đở tim em rớt lợ sầu                (Đừng để tim em rớt lệ sầu)

Đừng khơi đâu bóng in dòng nước    (Đừng khơi đôi bóng in dòng nước)

Đừng nhắc chiều xưa bên Tháp Đâu (Đừng nhắc chiều xưa bên Tháp Đôi)

Chỗ ấy khi xưa ta vẫn ngầu                (Chỗ ấy khi xưa ta vẫn ngồi)
Giờ còn lẻ bóng mình em thâu            ( Giờ còn lẻ  bóng mình em thôi)
Nơi phương trời ấy anh có biết           (Nơi phương trời ấy anh có biết)
Cầu Đâu – mà mình không có đâu!     ( Cầu Đôi mà mình không có đôi!)

(Lợ Tương Tư-NT)

Một bài thơ cô đã sử dụng giọng “nẫu” của người Bình Định thật dễ thương, nhuần nhuyễn và đầy thú vị. Mỗi câu thơ đều có một từ viết theo giọng “nẫu”, chỉ trừ một câu không có. Bây giờ thì tôi có thể nói một câu rặt giọng nẫu sau khi đọc bài thơ Lợ Tương Tư: “Thâu, thật tậu nẫu, lợ nàng ướt đẫm Cầu Đâu rầu!Tậu!”

Tình Yêu Thủy Chung

Từ trong sâu thẳm của tâm hồn, cô luôn giữ một tình yêu son sắt, thủy chung, vẫn đợi vẫn chờ anh ở một phương trời xa xôi nào đó. Ôi tình yêu  sâu thẳm làm sao khi bồi hồi đếm từng nhịp thở,  hay khi hồn khắc khoải dưới trăng khuya:

Em vẫn đợi chờ – đợi mãi thôi

Đếm từng nhịp thở – đếm bồi hồi

Trăng khuya khắc khoải , hồn đơn lẻ

Tận cuối trời xa – Anh đơn côi !

Ngày đêm cô đếm từng con sóng ôm bờ cát trắng và cứ mơ rằng những con sống sẽ cuộn tròn hai con tim yêu đương lại đừng bao giờ nhạt nhòa:

Em vẫn đợi chờ – đợi chờ nhau

Vạt nắng chiều hôm sắp nhạt màu

Nỗi nhớ vẫn đong đầy trong mắt

Dù tháng ngày vội vã qua mau.

Bài thơ “Tình Em” đã diễn tả một cách trọn vẹn tình yêu thủy chung thật đẹp, thật lãng mạn, dịu hiền như một giòng suối trong lành, thắm tình Cây-Đất và hóa thân thành những câu thơ lục bát để đi vào hồn người. Ôi những vần thơ thật nồng nàn và say đắm. Nếu tôi là “anh” trong những vần thơ của cô thì không hiểu tôi sẽ có cảm giác ngây ngất đến dường nào. Một bài thơ ca ngợi tình yêu thủy chung son sắt thật tuyệt vời mà tôi đã phải trích dẫn hết 3 khổ thơ trong bài “Tình Em”:

Tình em – Dòng suối ngọt lành
Thắm tình Cây – Đất bỗng thành ca dao
Tình em –“Điệp khúc” dạt dào
Theo câu lục bát đi vào đời anh.

(Tình Em- NT)

Thay Cho Lời Kết

Có lẽ tôi đã đưa quí bạn đọc đi qua một đoạn đường khá dài về những vần thơ của  cô giáo Nguyễn Tiết. Những vần thơ đầy những thổn thức, dằn vặt của một cuộc tình tan vỡ. Những ray rứt của nỗi nhớ, những hoài niệm về tuổi thơ, về những vùng quê hương trong tâm tưởng. Rồi những câu thơ hay đến khắc khoải của “dấu lặng thầm” mãi  dõi theo một hình bóng đã  xa khuất: Những khát khao đang chờ anh phía trước.Phía sau anh, Em – Một dấu lặng thầm !Ngửa hai bàn tay  hứng những giọt mưa nửa đục nửa trong. Rơi nhẹ thôi mà sao nghe rát bỏng ! Tim  vẫn nóng. Nhưng tiếng mưa dội vào hồn em bỗng thấy cô đơn”(Dấu Lặng Thầm –NT)

Những vần thơ  trăn trở  về  cuộc đời và  thân phận con người, về tình yêu đậm đà, sâu sắc dành cho cha mẹ.  Cho đến những đoản khúc bất chợt, về những cơn mưa, về biển, về anh, về người tình. Rồi những vần thơ lục bát mượt mà và ngào ngạt hương thơm. Chúng ta cũng đã đi qua những vùng quê hương, tuổi thơ và kỷ niệm đã chôn dấu tận trong sâu thẳm của tâm hồn qua bao ngày tháng tha phương, lưu lạc. Và cũng đã ngạc nhiên về “bài thơ giọng nẫu” thật dễ thương mang nặng tình yêu của quê hương Bình Định trong tâm tưởng. Và chắc hẳn rằng chúng ta đã trân trọng với những vần thơ của một tình yêu son sắt thủy chung của cô. Bài nào cũng hay, nhẹ nhàng. Càng đọc càng nghe thấy những vần thơ cô thấm dần vào trong từng mạch máu, trong từng thớ thịt, thấm vào tim. Chủ đề nào cô cũng lột tả hết được những uẩn khúc sâu thẳm nội tại để thoát ra thành những vần thơ hay bay bỗng.  Một người bạn nói với tôi sao thơ cô giáo buồn quá! Tôi đồng ý. Nỗi buồn đã đọng lại trên khóe mắt cô, và hình như những niềm vui không bao giờ trọn vẹn. Nhìn cô từ bề ngoài thấy cô đẹp, dễ thương, an nhiên tự tại lắm. Đôi lúc chúng ta khó tìm được một nỗi buồn trên khuôn mặt xinh đẹp đó. Nhưng đọc thơ cô, tôi đã tìm ra những nỗi buồn sâu thẳm đã được giấu kín vào một góc thật sâu của tâm hồn. Có lẽ chỉ khi nào ngồi buồn cô làm thơ mới thấy nỗi buồn ló dạng và đọng lại trên từng trang giấy. Cái buồn nó không dày xéo lòng cô, không làm cho hồn cô tan nát mà nó lơ mơ, nó phảng phất đó đây trong thơ. Tôi gọi những nỗi buồn đó là những nỗi buồn lãng mạn, những nỗi buồn thơ mộng, những nỗi buồn để trang sức cho những vần thơ nhè nhẹ như khói như sương, rồi bay đi theo mây theo gió và cuối cùng đọng lại thành những giọt mưa đêm thấm đẫm hồn cô! Tôi không biết đã có những lần nào đó khi đứng trú mưa bên hàng hiên có cây trứng cá, cô đã khóc khi nhìn những hạt mưa rơi và cảm thấy một chút gì đó buồn buồn, thương thương, nhớ nhớ về một kỷ niệm êm đềm từ trong ký ức quay về? Những ước mơ chưa tròn và những hoài bão chưa trọn, một người tình đang ở một nơi nào đó thật xa, ở một phương trời nào đó xa khuất. Không biết đã quên hay còn nhớ về một tình yêu đã chìm sâu trong dĩ vãng, tôi cũng không hiểu nữa! Nhưng hình như đã có những giọt nước mắt nhỏ xuống vội vàng và cô vội bước ra khỏi hàng hiên đi trong mưa để cho mưa xóa nhòa đi bao giọt lệ đang âm thầm nhỏ xuống:

Người ơi có hay
Đêm mưa hạt dày
Thênh thang phố dài
Ngọn đèn chơi vơi…

lêtrọngminhkha

USA, những ngày cuối hạ 2014

(*)Đây là một trong những bài thơ ngẫu hứng khi cô bình thơ cho các thân hữu Hương Xưa, một bài  thơ  thật hay, thật sâu lắng, nhiều cảm xúc.  Bài thơ nằm trong phần phản hồi, cô không viết tựa đề, nên tôi xin phép cô giáo được đặt tạm một cái tựa đề:

MẢNH TRĂNG MỀM

“vẫy tay thôi một chút gì để nhớ”
Sóng rì rào ru mộ một tình thơ
Trăng vẫn sáng vẫn vàng , trăng muôn thuở
Tình về đâu sao chiều bỗng thẩn thờ

Hàn Mặc hỡi nỗi đau tim buốt lạnh
Nhân gian buồn đưa tiễn một người đi
Biển vẫn xanh hàng dương vẫn rù rì
Mộ bia đó ngàn năm xanh cõi mộng

Thi nhân ơi có nghe lòng dậy sóng
Một chiều thu se sắt nhớ thương người
Chân bước nhẹ gió bay vờn mái tóc
Ta một mình thương từng chiếc lá rơi!

Nếu một mai ta cũng về với đất
Người có cùng nghe biển hát về đêm
Khúc ca buồn lặng trầm trong khoảnh khắc
Hồn thơ treo cùng một mảnh trăng mềm!

NGUYỄN TIẾT
(Họa bài thơ Một Chiều Thu của Mộng Cầm)

* Bài Đăng HX:

Một Tôi Với Chiều

Xin…

Tình khúc mưa khuya

Những Đoản Khúc Lục Bát

Lãng Đãng Cùng Thu

Những Khúc Thơ Lục Bát

Những Đoản Khúc Bất Chợt 4

Những Đoản Khúc Bất Chợt 3

Những Đoản Khúc Bất Chợt [ 2]

Những Đoản Khúc Bất Chợt…

Mưa Quy Nhơn

* Trăng tương tư …

Thử Bán Mảnh Tình

Sắc Màu Nắng Hạ

Chiều Về Lối Cũ

Tản Mạn Tuổi Ta Về…

Mưa Cuối Mùa

Ta Về Tìm Lại Dấu Xưa

Cảm Xúc Thu Về

Nhớ đêm trăng cũ

Tình khúc buồn

Vô Thường

Mắt Xưa

Hạ Nhớ

Duyên muộn

Tình

Hỏi Em

Sóng Chiều

Nhớ Người

Bước Lãng Du

Hạnh Phúc Người Lái Đò

Duyên Tình

Ước Gì

      {jcomments on}

Leave a Reply

Your email address will not be published.