https://www.youtube.com/watch?v=xgOF1TJ3Nio
Tác Giả : Mộc Miên Thảo
Hoài Cảm
Nhạc Cung Tiến
Saxophone Lê Tấn Quốc
Hình Ảnh Internet
“Hôm nay thức dậy: cười một cái
Bởi lẽ hôm qua khóc thật rồi”
(Duy Phạm)
*
Tuy chỉ đọc trong chừng mực một số bài tiêu biểu tôi có, biết… nhưng chừng như vậy, tôi đủ tìm cho mình một sự đồng cảm lớn ở anh. Những con chữ, câu thơ anh cứ luôn chất chứa một nỗi buồn thấm đẫm, sự cô đơn khôn cùng, những ao ước, luyến lưu, hoài niệm, khắc khoải triền miên về triết lý nhân sinh.
Đào sâu hơn trong lớp cấu trúc phong phú, theo “nhiều giai tầng khác nhau của thi pháp” Duy Phạm, tôi có thể tạm cắt ra thành bốn mảng chính: tiếng lòng, sự cô đơn, khắc khoải nhân sinh và, sự tỉnh thức.
1) TIẾNG LÒNG:
Thử đến với một trong những lớp cắt đầu tiên, những buồn-vui, khóc-cười… mà tôi tạm gọi “tiếng lòng” rót lại qua ngôn ngữ thi ca. Anh viết:
Mới vừa hát khúc đồng dao.
Chớp đôi mắt đã hư hao kiếp người.
Sao phải khóc, sao lại cười?
Bởi trong hạnh-ngộ ẩn lời biệt ly.
(“Khóc Cười”)
Thơ anh cứ buồn là vậy. Là niềm đau, là giọt lệ sầu trong đêm khuya thanh vắng:
“Đêm dài… vọng tiếng à ơi
Giọt rơi giọt rớt, giọt rời rã mơ
Đêm dài… vọng một bâng quơ
Nghe chơ vơ nhớ
Nghe đờ đẫn đau…
Đêm dài… nghe tiếng kinh cầu
Nghe phiêu diêu lệ nằm sâu đáy lòng”…
(“Tiếng Vọng Đêm”)
Những con chữ, câu thơ như tiếng lòng, nỗi đoạn trường rót lại đó cứ xoáy sâu vào trong những buồn vui, cay đắng, ngọt bùi mà hiếm thấy lắm, trong một lần tìm về bên chén rượu, khề khà giọt tỉnh giọt say:
Ngày vui bưng chén rượu mừng
Uống rồi uống nữa… lừng-khừng tỉnh say
Ngày buồn nốc chén rượu cay
Nuốt không trôi giọt đọa-đày phù-sinh
(“Giọt Phù Sinh”)
2) SỰ CÔ ĐƠN:
Tại sao lại chất chứa cả một niềm cô đơn lớn trong mảng thơ? Phải chăng sự cô đơn chỉ là để “cô đơn” như thường thấy, nghe… trong thơ, hầu mong đồng cảm? Không. Tôi nhận thấy ở đây, sự cô đơn riêng, khác! Sự cô đơn gần như tột cùng của cung bậc:
Tìm hoài sao chẳng ai quen
Ta cô đơn giữa đông đen loài người
(“Con Đường Cái Quan”)
Hay:
Vầng trăng treo giữa giang hà
Trần ai chật chội
Riêng ta
Một mình…
(“Cô Đơn”)
Qua một cảm nhận tinh tế khác, dưới giọt nắng chiều rơi nghiêng, trong sâu thẳm của tịch mịch, lặng yên, trầm mặc đối diện với nỗi hiu quạnh, cô đơn rờn lạnh, khôn cùng. Tác giả “ngồi câu bóng mình”:
Chiều nghiêng giọt nắng chìm sâu
Ta ngồi câu cá hay câu bóng mình?
Bốn bề vắng ngắt lặng thinh
Vô thanh động nỗi cô tình riêng ta…!
(“Tịch Lặng”)
Câu thơ độc đáo gói trọn hết nỗi niềm cô đơn “không thành tiếng” qua bút pháp điêu luyện, hiếm thấy.
3) NHỮNG KHẮC KHOẢI NHÂN SINH:
Trong chút nào đó có đồng, Lý Bạch bừng giấc Xuân mà thốt lên rằng: “Xử thế nhược đại mộng/Hồ vi lao kỳ sinh!” (“Đã biết kiếp người là mộng lớn/Sao còn lận đận mãi chưa thôi!”). Anh – người đi sau – thấm đẫm khắc khoải của triết lý nhân sinh đó, tự đặt ra cho mình, cho đời những câu hỏi… cơ hồ chỉ để hỏi, những câu trả lời, cơ hồ cũng chỉ để… thả lơ lửng trong tuyệt nhiên, khôn cùng của hư vô, khắc khoải…
Ngàn năm – mấy cuộc bể dâu?
Biết đâu là khóc, biết đâu là cười?
Trăm năm – một khúc dạo chơi
An nhiên vác thập giá đời… mà đi!
(“Chùm Lục Bát”)
Hay, trong “Thời Gian”, anh viết:
Sớm mai nằm khóc trên nôi
Chiều nay đã thấy… da mồi tóc sương.
Trăm năm, một giấc miên trường
Ngàn năm, khoảnh khắc mộng thường sát na
Du miên mấy chốn thiên hà
Giấc mơ hồ điệp tỉnh ra… thằng Người.
Mọi sự trên cõi trần đều là phù vân, hư ảo mà “trăm năm” cũng chỉ là một “giấc miên trường”, “ngàn năm” cũng chỉ là “khoảnh khắc mộng thường sát na” vậy. Và, khi ta mơ hồ nhận thấy, chiêm nghiệm được nỗi vô thường đó thì…
4) PHÍA XA XA LÀ… SỰ TỈNH THỨC:
Chừng như, thấp thoáng ở phía xa xa, ẩn đằng sau lớp chữ, những câu thơ siêu nhiên, ngồn ngộn tính triết, đầy thiền vị đó, là sự tỉnh thức, bừng tỉnh, đốn ngộ… khi đã trải qua trong tận cùng nỗi đau đời mà hốt nhiên có được:
…Giật mình mặc khải hư vô
Thức nhiên đỉnh ngộ tội đồ trần gian
Bước đầu êm ái nhẹ nhàng
Bước sau nặng nhọc mà đàng còn xa
Trời cao sương đổ la đà
Nhân gian ướt áo ta bà nở sen.
(trong “Trời Cao Sương Đổ”)
Khi những chấp mê, sân si là bản chất cố hữu thì một lần “nhặt lá bồ đề” trong một đêm rằm trăng, đã làm cho tác giả chợt “tỉnh ra”, giác ngộ:
Quét sân phơi lá bồ đề
Phơi bao mùa nắng chấp mê vẫn còn
Sân si đi mỏi lối mòn
Một đêm chỉ ánh trăng tròn… tỉnh ra..
(“Ba Lần Nhặt Lá Bồ Đề”)
…
Những câu thơ như thế cứ rơi đều như tiếng lòng, xoáy vào sự cô đơn khôn cùng, những đau đáu, khắc khoải triền miên về kiếp nhân sinh phù du, tạm bợ, ẩn mật đâu đó là hương thơm thiền vị bùng vỡ trong sự tỉnh thức nhất định nào đó. “Đóa sen” chợt “bùng nở giữa cõi ta bà” hay giây phút bất chợt “giật mình tỉnh ngộ dưới một rằm trăng” là những tiêu biểu. Những ai yêu thơ nói riêng, yêu dòng lục bát nói chung, hẳn sẽ đều có cùng cảm nhận: dòng thơ Duy Phạm dễ mang lại sự đồng cảm cao cho bất kỳ độc giả nào dù khó tính, với thi pháp rất riêng mà độc đáo là vậy!
MỘC MIÊN THẢO – 8/10/2015{jcomments on}