New York, lạ mà quen.

NewYork, thành phố mà ai cũng từng mong ước một lần được ghé đến, cho dù bạn ở nơi đâu trên thế giới. Ngay cả những người dân bản xứ chúng tôi quen biết cũng nghĩ thế, họ ước mong có cơ hội được đến thăm. Và cơ hội đã đến với chúng tôi vào một thời điểm thuận lợi, chúng tôi đã bay đến New York vào một buổi chiều thứ năm. Thành phố New York thì chẳng lạ gì với chúng tôi, tin tức về nó xuất hiện thường xuyên trên truyền hình và thời lượng bao giờ cũng chiếm nhiều hơn những thành phố khác. Nhưng, những hình ảnh trên truyền hình so với hình ảnh chúng tôi đang thấy tận mắt thì cảm giác có khác nhau nhiều. Từ phi trường LGA chúng tôi đón Taxi về quận Manhattan, đoạn đường không xa nhưng phải mất nhiều thời gian vì kẹt xe liên tục, cứ có chỗ trống phía trước thì bác tài chen vào, dù phải cắt ngang đầu xe bên lane ấy, dấu hiệu xin phép signal không sử dụng kịp cho việc luồn lách liên tục này. Có lẽ các bác tài ở New York đã hiểu ý nhau, chấp nhận sự thể là như thế, nên tránh được những cú va chạm. Hình ảnh chạy xe kiểu này vừa lạ vừa quen. Quen, vì cứ ngỡ mình như đang ở ngoài đường phố Việt Nam. Lạ, vì nếu ở bang Texas chạy như thế có lẽ đã xảy ra tai nạn, hoặc sẽ bị ăn đạn bởi những chàng cowboy bẳn tính. Anh chàng tài xế người Trung Đông ôm tay lái kiên nhẫn vừa nhìn bản đồ chỉ đường trên ipad gài sẵn trên xe, vừa trả lời các cuộc gọi tới, lại vừa lái xe len lỏi trong dòng xe dày đặt, nhìn cách ăn mặc lịch sự, chải chuốc và chiếc xe mới, tôi đoán bác tài trẻ này có lẽ là một nhân viên văn phòng làm thêm việc lúc hết giờ, vì đây là dạng xe Uber Taxi.

Sáng sớm nhân lúc mọi người còn ngủ ngái, tôi xuống cầu thang, rời khỏi khách sạn đi dạo một vòng. Khung cảnh buổi sáng trên đường phố thật là tấp nập, đông nghịt những người và người giống như đang kéo nhau đi xem lễ hội, tôi hơi ngạc nhiên không hiểu họ đi đâu lắm thế. À nhớ ra, hôm nay là sáng thứ sáu, vẫn còn là ngày làm việc. Họ chen nhau và vội vàng nhanh bước. Điểm khác biệt so với các thành phố khác đập vào mắt tôi là phong cách ăn vận của họ. Đàn ông đồ complet đen hay sậm màu với một cup cà phê giấy trên tay, dây nối từ earphone ở hai bên tai, thòng xuống chiếc cellphone nằm trong túi quần, vừa đi vừa nói. Phụ nữ cũng vậy, ly cà phê nóng trên tay và tay kia cầm cell phone áp vào tai, họ sải bước nhanh trên đường phố. Một chút khác biệt nữa ít thấy nơi các thành phố khác là những thanh niên nam nữ rong chơi thong thả trên đường phố vận đồ rất “mốt”, những trang phục chỉ thường bắt gặp ở các cửa hàng thời trang trong Mall, nơi người ta mặc cho các con “ma nơ canh” đứng để làm mẫu. Điều này làm tôi ý thức rằng, mình đang trên đường phố New York, thành phố của fashion (thời trang) trên đất Mỹ và Thế giới.

Sáu giờ sáng, trời còn lạnh. Tôi lang thang băng qua mấy ngã tư, lui xa về những đoạn thưa vắng. Ô kìa, những con phố sao mà thấy thân quen quá. Lòng đường không rộng, cao ốc hai bên kiến trúc kiểu xưa, màu cũ nhạt và không cao lắm, vỉa hè trông sạch sẽ. Những ngã tư đường, tập trung nhiều hàng quán cà phê, khách bên trong ngồi nhấm nháp ly cà phê buổi sáng nhìn người qua lại bên ngoài cửa kiếng. Ở góc đường kế tiếp, có cả quán cà phê còn tràn ra chiếm cả nửa vỉa hè. Tôi cảm giác như mình đang đi trên đường phố Sài Gòn, đang qua Kim Sơn đường Lê Lợi, hay tạt ngang Thanh Thế góc Nguyễn Trung Trực hay đang đến Brodard trên đường Tự Do vào những năm đầu thời thập niên bảy mươi. Tôi có chút ngỡ ngàng về sự thân quen này. Có điều những quán cà phê ở đây không chỉ là cà phê kiểu Pháp, mà còn có những kiểu quán cà phê khác với hương vị và cách pha chế khác, của người Ý, người Thổ Nhĩ Kỳ, và dĩ nhiên không thể thiếu của Mỹ mà Starbucks là phổ biến nhất. Người dân bản xứ thường vào quán cà phê dùng bánh ngọt như bánh donuts chẳng hạn, rồi dùng phê nóng pha đậm hay loãng. Không như người Việt, thích ăn bánh Paté chaud, hay bánh bao “ông cả cần”, rồi dùng cà phê sữa đá hay đen đá. Và điểm khác biệt nữa là không có khói thuốc lá trong quán cà phê.

Trên con đường số 52 tôi đi dọc tiếp nữa đến đoạn cuối phía đông thì gặp bờ sông East, nhánh phía đông của sông Hudson, con sông bọc quanh quận Manhattan, trung tâm tài chính và thương mại của New York. Buối sáng lạnh. Ngồi trên ghế đá dọc bờ sông, nhìn qua mặt sông rộng, xa xa phía bên kia là quận Queen của New York, mặt sông mờ chút sương mù, quanh hàng ghế dựa dài, rải rác có vài người như tôi đang lặng lẽ nhìn về khoảng bao la phía trước. Tôi mông lung nhìn dòng chảy mênh mông, vài chiếc tàu du lịch nước chạy qua…. tôi chợt nhớ đến bờ sông Sài Gòn, tôi cũng đã từng ngồi trên hàng ghế đá như thế, và nhìn qua bên kia bến phà Thủ Thiêm. Nhưng dòng sông ở đây rộng lớn hơn gấp bội và nước chảy xiết chứ không lững lờ trôi như ở quê nhà. Tôi bấm máy quay cảnh bao la và buồn của dòng sông. Trời âm u, hơi gió lạnh thấm vào người. Tôi quay về lại khách sạn, đi theo con đường khác, để muốn khám phá thêm New York. Tôi không ngại bị lạc đường.

Thật ra ở Manhattan, New York, khó mà bị lạc đường, thành phố cổ xưa có quy hoạch từ trước, những con phố dài, thiết kế chạy dọc và ngang theo hướng đông-tây nam-bắc, thẳng tắp như trên bàn cờ và chúng được đặt tên bằng những con số từ nhỏ đến lớn, rất dễ nhớ, không sợ bị nhầm lẫn. Chúng tôi từ góc đường số 52 ngang và số 3 dọc, băng qua mấy block đến đường số 47 ngang, điểm cắt với đường số 7 dọc là khu Times Square (Quảng trường Thời đại). Khoảng giao lộ thông thoáng thật là hiếm có đó, ở một mà nơi bao quanh là những building cao tua tủa từ trên nhìn xuống như một rừng lông nhím, được đặt tên là quảng trường, chứ không phải hiểu theo nghĩa là một quảng trường thật sự, một khoảng đất rộng như kiểu quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Tuy nhỏ hẹp nhưng Quảng trường Thời đại lại nổi tiếng khắp thế giới. Tôi leo lên hàng ghế cao cuối cùng của cái khán đài nhỏ đặt giữa Quảng trường, nhìn xuống cả khoảng không gian bao quát ấy. Times Square, nơi mà người dân New York hằng năm đến đón mừng năm mới vào phút giao thừa. Họ đứng từng hàng từng hàng, vào những giờ phút giá lạnh cuối năm, nhìn đồng hồ đếm ngược và chờ đợi quả cầu từ độ cao bốn mươi mét rơi xuống, cầu nguyện và đón chào năm mới. Một hình ảnh quen thuộc mà mọi người khắp thế giới được chứng kiến hằng năm qua vệ tinh truyền hình. Times Square là biểu tượng của thành phố New York. Những con đường dẫn đến Times Square rải rác có những kiosque (quầy bán hàng) bán sách báo tạp chí, hay bán bánh mì hotdog với nước ngọt đóng chai nhựa hay hộp giấy, thỉnh thoảng là những chiếc xe đẩy tay lưu động, bán chuỗi hột trang sức đeo tay hay chất đầy những túi xách tay hàng nhá, nhằm vào đối tượng là khách nữ. Cảnh tượng ấy khá quen thuộc như khi ta đi trên vỉa hè phố Lê Lợi hay Công Lý ở Sài Gòn. Tôi đưa Camcorder xoay một vòng, chung quanh nhiều khách du lịch đến tham quan giống như chúng tôi. Ở xa xa trước mặt tôi là building cao, nơi sẽ đặt đồng hồ đếm ngược và quả cầu bóng đèn treo vào cuối năm, sau lưng tôi là đường số 47, bên trái là đường số 7, bên phải là một con đường xéo cắt ngang số 7, một con đường xéo lạc loài được đặt tên bằng chữ, không phải bằng số, con đường mà tên tuổi của nó đã đi vào văn học nước Mỹ: Đường Broadway, con đường kịch nghệ, trung tâm của ngành công nghiệp rạp hát Mỹ.

Sân khấu kịch nghệ Broadway tôi đã được nghe và biết đến nó từ thuở còn đi học, và sau đó biết nó nhiều qua ấn phẩm sách báo… Broadway được biết đến là một sân khấu danh giá nhất, nơi quy tụ những tinh hoa và tài năng của nghệ thuật và đồng thời được coi là nôi văn hóa của New York và nước Mỹ. Rất nhiều diễn viên và ca sĩ hy vọng được đứng trên sân khấu Broadway và coi cơ hội này như một đỉnh cao sự nghiệp của họ. Broadway không phải là một nhà hát đơn độc mà là một hệ thống gồm 40 nhà hát chuyên nghiệp, đa số nằm ở quanh các giao lộ mà con đường Broadway chạy cắt ngang qua, chỉ có bốn nhà hát là thực sự nằm ngay trên con đường Broadway này. Chúng tôi đã đăng kí mua vé từ hơn cả tháng, bởi đa số vé thường bán sạch trước cả tuần, hoặc vài tuần, mặc dù ngày nào cũng có xuất diễn và diễn liên tục suốt cả nhiều năm. Như vở The Phantom of the Opera, đã trình diễn trên sân khấu ở đây suốt mấy chục năm qua, kể từ năm 1988 cho tận đến bây giờ, và chưa biết khi nào sẽ kết thúc, khi mà khán giả còn muốn xem, và vé còn bán chạy. Sợ trễ giờ thay vì đi bộ đến, chúng tôi đón taxi cho nhanh. Nhưng gần đến nơi thì kẹt xe, không thể chờ đợi, chúng tôi phải bỏ xe để đi bộ mới hi vọng kịp giờ. Khi vào trong rạp nhìn quanh thì hơn ngàn người ngồi chờ sẵn. Có lẽ chúng tôi là người đến trễ nhất, chỉ bảy phút sau, đèn tắt, cả rạp im lặng và màn nhung sân khấu từ từ mở. Tôi xem đồng trên tay, cây kim chỉ đúng tám giờ. Tận mắt thấy sự khai diễn đúng giờ, và khán giả đến sớm ngồi chờ đợi sẵn, khi màn nhung mở ra thì hơn một ngàn hai trăm con người trong rạp, từ tầng trên lầu hay bên dưới sàn, đều im phăng phắc. Tôi thực sự cảm thấy ngưỡng mộ phong cách văn hoá và tinh thần hâm mộ nghệ thuật của khán giả. Tôi cũng có cảm giác mình và cả nhóm của mình tự hào dự phần vào không khí văn minh lịch sự này. Vở ca vũ nhạc kịch Mamma Mia! bắt đầu. Mamma Mia! là câu chuyện kể về cô gái trẻ trước khi kết hôn muốn biết cha ruột mình là ai trong ba người bạn trai cũ của mẹ, do cô tình cờ đọc được qua quyển nhật kí của người mẹ đơn thân. Vở kịch diễn với sự kết hợp với một loạt những bản nhạc nổi tiếng của ban ABBA, như Money, Money, Money, Mamma Mia. Dancing Queen, Gimme! Gimme! Gimme!, Voulez-Vouz, Take a chance on Me… Tất cả khoảng mười bảy bài. Nhìn cách trình bày bối cảnh quán rượu, bãi biển, hay con tàu, khá ước lệ nhưng có tính mỹ thuật cao. Các diễn viên đã dẫn người xem nhập vào câu chuyện tình cảm của bà chủ quán trọ trên đảo nhỏ với đứa con gái và ba người tình cũ. Vở ca kịch này thật ra tôi đã xem qua phim rồi, với vai diễn rất hay của nữ tài tử lừng danh Meryl Streep đóng vai bà chủ quán. Tôi cứ ngỡ vở kịch sẽ lập lại những gì đã thấy trên phim. Nhưng không, tôi thật bất ngờ, nó hoàn toàn lôi cuốn hơn nhiều. Vở kịch trình diễn hấp dẫn giống như là ta đang xem một tổng hợp của kịch Kim Cương-Vân Hùng kết hợp với vũ đoàn Lưu Hồng của Hoàng Thi Thơ và âm nhạc là những bài hát của ban Phượng Hoàng. Chúng tôi và toàn khán giả của rạp như lạc vào thế giới khác, say đắm từ giây phút đầu tiên đến giây phút cuối cùng, vui buồn theo tình tiết vở kịch. Khán giả ban tặng không tiếc những tràng pháo tay khi nghệ sĩ tạo tiếng cười bất ngờ kịch tính, hoặc khi hát diễn ca khúc quá hay. Đúng là những nghệ sĩ có nhiều tài năng thực sự, họ buồn vui cười khóc khi diễn xuất, họ cất tiếng hát lên là một ca sĩ thực sự, họ nhảy múa thì nhịp nhàng không kém những vũ công phụ hoạ. Cuối màn, các nghệ sĩ vận y phục màu mè kiểu ABBA thập niên 80 ra sân khấu trình diễn các ca khúc hot của ban ABBA. Nhìn họ chơi sống động tôi cứ ngỡ là ban nhạc ABBA tái xuất giang hồ! Có người hâm mộ nói rằng “Đến với Broadway một lần để nhớ trong suốt đời còn lại”. Tôi nghĩ cũng chẳng sai chút nào. Rời khỏi Broadway thì đã gần mười một giờ khuya, chúng tôi tìm quán ăn cơm chiều. Chúng tôi, cũng giống như dân New York … không kể giờ giấc, đến quán BCD Tofu House, quán cơm Korea nổi tiếng ở đây, lại phải sắp hàng chờ khá lâu mới có chỗ ngồi. Xong, có người muốn vô các của hàng để mua sắm chút ít. Cả nhóm đi theo, còn tôi ra khỏi của hàng, lang thang dạo phố. Đồng hồ lúc này đã quá một giờ khuya, đường phố vẫn đông đúc, thanh niên nam nữ qua lại nườm nượp. Các cửa hàng mua sắm và các quán ăn ở chung quanh đây ghi trên bản hiệu giờ mở cửa là 24/24. Nhìn vào thấy khách ghé đến và khách rời đi tấp nập. Bây giờ tôi mới cảm nhận được thế nào là New York, thành phố của những người trẻ, thành phố không ngủ.

Đêm quá khuya, đã hai giờ kém, chúng tôi khá mệt mỏi, kéo lê đôi chân rã rời đến ga xe điện ngầm. Chúng tôi xuống xe điện ngầm trở về, để chuẩn bị ngày mai thăm viếng nhà anh bạn học ở New Jersey. Anh là bạn học cũ của bà xã tôi thời đại học nhà anh ở phía bên kia sông Hudson. Sáng sớm như đã hẹn trước, anh bạn lái xe đến đón chúng tôi. Trên đường đi anh chở chúng tôi đến tham quan bảo tàng The Cloisters xây kiểu lâu đài và pháo đài thời trung cổ nằm trên ngọn đồi, ở kề vùng Bronx. Khung cảnh đẹp. Đỉnh đồi là lâu đài, triền dốc là rừng cây và vườn hoa, chân đồi là bờ thành, bên dưới bờ thành đá là dòng sông Hudson nên thơ, trông rất lãng mạn. Chúng tôi cũng gặp nhiều người đến tham quan vào sáng sớm, có cả phái đoàn học sinh đông đảo. Sau đó anh bạn tiếp tục chạy xe băng qua cầu Washington sang địa phận New Jersey bên kia sông. Chỉ vài mươi phút là đến nhà anh. Căn nhà xinh xắn nằm trên đồi đốc, chung quanh anh trồng hoa nở đủ màu sắc, trông giống những căn biệt thự ở Đà Lạt, thơ mộng vô cùng. Từ ngoài đường nhìn vô tôi thấy hình bản đồ Việt Nam màu vàng nổi lên trên khung cửa sổ kính lớn. Đến gần mới biết thì ra anh lấy những bông hoa mai giấy ghép lại dán lên kính thành hình ảnh chữ S. Bên cạnh có hình một chiếc nón lá. Và anh tự hào đã bỏ công để làm điều này. Vào bên trong nhà thì thấy những đồ vật dụng toàn là made in VN, cách trang trí trưng bày cũng theo kiểu VN. Tôi hơi xúc động tấm lòng của anh, đúng là “ở nơi nào cũng nhớ về quê hương…”. Vợ chồng anh tiếp đón rất nồng hậu, anh cho biết người Việt ở New York không nhiều, vì một căn hộ (Apartment) nhỏ ở khu Manhattan cũng cỡ bạc triệu và đời sống quá đắt đỏ. Anh cũng cho biết, không như nhiều thành phố khác, tiệm Nails đa số là của Việt, còn ở đây hầu hết là của người Korea. Quán ăn của người Việt ở New York thì hơi tệ (điều này chúng tôi đã chứng thực, và không dám hẹn tái ngộ). Ngay cả nhà hàng Tàu ở khu China Town cũng thế, không hơn gì (cũng không dám tái ngộ nữa). Anh lại kéo chúng tôi đến nhà hàng Korea, cũng là BCD tofu House một chi nhánh khác ở New Jersey.

Chúng tôi đi thăm viếng nhiều nơi ở Manhattan, New York. Hầu như ngày nào cũng thế, rời khỏi nhà với khí thế phám khá hừng hực dựa trên đôi chân, ra về uể oải trên ghế tàu điện ngầm dưới lòng thành phố. Có lúc chúng tôi vượt qua một đoạn đường mà nếu biết trước sẽ rất nản chí, không dám đi, chúng tôi đến tham quan khu kỉ niệm 911, đi tiếp đến khu China Town, tiếp nữa đến cầu Brooklyn, cây cầu treo già tuổi nhất thế giới được xây năm 1883, nối liền hai quận Manhattan và Brooklyn. Và leo lên giữa cầu cao cùng dân bản xứ đứng hóng gió và ngắm hoàng hôn xuống. Địa điểm này cách nơi cư ngụ đến chừng tám cây số. Cuộc trường chinh chúng tôi có lẽ dài hơn thế, bởi đường tham quan quanh co tấp ghé nhiều nơi, các khớp xương đầu gối của tôi muốn rã rời ra. Cả một tuần đi tham quan nhiều nơi, tôi ý thức, tại sao New York lại thân quen với tôi như thế. Suy nghĩ thêm một chút thì chợt nhớ ra rằng, ngoài những con đường, những khu phố, những quán xá mà cảnh tượng giống kiểu Sài Gòn xa xưa. Còn có những cái tên đọc lên nó nhắc nhở tôi thời tuổi trẻ, như: Broadway, Brooklyn,vùng Bronx, cầu Washington, khu Harlem, Rockefeller, đường số 5 …Những địa danh này tôi đã quen thuộc trên từng trang sách trong tác phẩm Bố già (Godfather) của nhà văn Mario Puzo, mà chúng tôi đã từng ngấu nghiến đọc thời xa xưa vào những năm bảy hai, bảy ba. Chúng tôi từng say mê tác phẩm dịch này với giọng văn đậm chất dân anh chị dao búa giang hồ ở Miền Nam vào những năm sáu bảy mươi của Ngọc Thứ Lang. Nói tới New York là tôi liền nghĩ tới những địa danh ấy và thế giới ngầm băng đảng của thành phố thời thập niên năm mươi trong tác phẩm này. New York lạ mà quen …là thế!

* Cà phê lề đường

* Nhóm nghệ sĩ vở ” Mamma Mia ” trình diễn nhạc ABBA

* Một góc phố thân quen

*Nữ cảnh sát tuần tra bằng ngựa tại Times Square

{jcomments on}

Leave a Reply

Your email address will not be published.