Từ Một Bài Thơ( 3)

Tác giả: Lão Bà Bà

Đa Tình là bệnh của trượng phu, ở thi sĩ bệnh nầy được tăng cấp nhiều lần, Thi nhân vốn nghèo từ thuở ban sơ nên quà tặng của họ cũng hơi khác đời: đơn sơ là Thơ  và chỉ là Thơ . Đương nhiên trong các người đi qua đời tôi(1) người ở lại là người được thi nhân trân trọng nhất, tặng Thơ nhiều nhất, hãy xem một bài thơ của Quan Dương viết về Bà Xã của mình để cảm nhận tình yêu của tác giả với người bạn đời.


Không chỉ Toán học mới có phương trình mà văn chương trong phạm trù của mình cũng có những số đã cho, ẩn số, để đưa về một dạng phương trình đặc biệt:
y = a x + b
Trong đó:
y = bài thơ
a = số lần[ quy ước a ≠ 0 ]
x = cảm hứng
b = đối tác [vạn vật]
Một bài thơ hình thành phải bắt nguồn từ cảm hứng và đối tác. Nếu chỉ có đối tác mà không có cảm hứng thì cũng không hoàn thành bài thơ, nếu chỉ có nguồn cảm hứng mà thiếu đối tác thì bài thơ nầy có chào đời cũng là bài thơ dở, ít người đọc. .
Càng nhiều đối tác thì bài thơ có điều kiện thành bài thơ hay .
Bài BÀ XÃ là một ví dụ điển hình :
Bài thơ của Quan Dương rất nhiều đối tác được sắp xếp tỷ mỹ liên đới với nhau trôi theo những con chữ làm người đọc cảm thấy rất thích thú
Đối tác: nước mắm, xoài xanh, gió bấc, nắng hồng, bông lục bình, chiếc thuyền , giông bão, vòi nước, nước mắt( đôi khi biến tấu thành giọt lệ ) lá bùa
Đọc đoạn đầu bài thơ đã thấy sự liên kết đối tác của Quan Dương rất phong phú :

Một chén mắm đường dầm ớt
+ một trái xoài xanh
Chia đều hai tiếng : hít hà
Số thành: bà xã

Tiếp đến tam đoạn luận nhểu nước miếng nầy Quan Dương cho đáp số Bà Xã ngon ơ :

Ngọt + chua + cay + hít hà = môi em đỏ
Đâu cần phải tô son
Bà xã là người đẹp nhất trần gian
( Chưa có gã nào dám nói điều ngược lại )

Bà xã là người đẹp nhất trần gian. Đâu có mới mẻ gì điều nầy, Ronsard(1) đã nêu chân lý nầy từ thời Phục Hưng, và từ đó đến nay các soái ca luôn miệng ca cẩm nhiều lần rồi thi sĩ nhà ta ơi!

Khổ thơ tiếp theo các đối tác ngoại cảnh xuất hiện:
gió bấc, nắng hồng —-> là đi đến kết luận đôi môi, đôi má của bà xã ( khôn khủng khiếp chưa?)
Các đối tác còn được nhân cách thêm: con ngựa, cánh lục bình, chiếc thuyền toàn là những thứ lênh đênh, mỏng manh không ổn định để tăng giá trị an toàn cho—>Bà Xã
Bài toán cọng bằng thơ gần cuối thật dễ thương dù có lập lại đôi mắt nhưng một đôi mắt trải suốt hành trình tình nghĩa vợ chồng, một đôi mắt hoen lệ vì gian truân, vì những ngọt bùi trong cuộc sống, vì những cay đắng bởi những mũi gai đời, ở khổ thơ nầy bà xã không còn giữ vai trò thuần túy là vợ mà còn kiêm nhiệm thêm chức hồng nhan tri kỷ biết thông cảm, biết chia sẻ nỗi cô đơn, cùng khóc trước sự thất bại của người bạn đời thì tần số lập lại của đôi mắt quá khiêm tốn, nhỏ nhoi để đi đến kết luận tôn vinh Bà Xã. Thiệt đã.
.
Có đi qua đôi mắt trong xin nhớ đi khe khẻ
Kẻo đánh thức tim em vốn rất khù khờ

Hai chữ “khù khờ” vừa có duyên vừa hiệu nghiệm cho bài thơ nịnh vợ. Từ đôi mắt là cửa ngõ tâm hồn tác giả đã lấn sân tịnh tiến vào trái tim người đẹp để thể hiện chủ quyền tình yêu. Hết biết.

Cho dù anh gom cả triệu lời thơ
Vẫn không đủ những gì anh muốn nịnh

Hai câu nầy có chút ít cải lương nhưng không sao phụ nữ thích được dỗ dành, kiểu quy nạp cổ điển đưa nàng lên mây xanh muôn thuở đều có kết quả ngọt như mía lùi.

Bởi vì em là lá bùa hộ mệnh
Cho anh lận lưng trong những lúc xao lòng

Anh chàng nầy dụng binh như thần, lời thú tội trước bình minh mà cũng là lời hăm dọa bà xã ” Liệu hồn mà giữ anh đây nhé, anh không phải dạng vừa đâu?”

Thông thường phương trình cuộc sống luôn đủ bốn phép cộng, trừ, nhân, chia mới ra số thành hoàn hảo dù rằng số thành thường đủ mùi vị:  ngọt, bùi, cay, đắng nhưng ở bài thơ nầy Quan Dương chỉ dùng toàn phép cộng và chia  không phải ngẫu nhiên mà đó là dụng ý lém lĩnh của nhà thơ: thương yêu là phép cọng, đau khổ, thất bại là chia đều cho cả hai để vế thương yêu tăng lên và vế đau khổ giảm xuống
Bài thơ nầy có thể được làm ra trong khoảng thời gian ngắn ngủi, nhưng khoảng ngắn ấy là tích tụ cảm xúc lâu dài bền bĩ của tình nghĩa vợ chồng dài đăng đẳng, do ảnh hưởng thời cuộc nên mối lương duyên yến oanh nầy nếm những gian nan mà lẽ ra họ không đáng bị như vậy nhưng cũng nhờ đó vai trò bà xã càng rạng rỡ trong mái ấm gia đình.Và nhờ vậy nên y ( bài thơ) đã vươn lên tầm cao nghệ thuật, bài thơ không còn là bài thơ bình thường mà là một bài thơ Hay. Đúng như vậy.

1) Tên một nhạc phẩm Phạm Đình Chương phổ từ bài thơ” Thơ Cũ Của Nàng”của thi sĩ Trần Dạ Từ.
1)Pierre de Ronsard (1524 –1585) là nhà thơ Pháp thời Phục hưng, chủ soái của nhóm thơThất tinh, tác giả câu nói: “Trước con mắt của người yêu, không có người đàn bà nào xấu cả”

Bà Xã
Thơ: Quan Dương
Tiếng Sáo Thiên Thai
Nhạc Phạm Duy
Trình Tấu: Various Artist

Leave a Reply

Your email address will not be published.