Tác giả: Lam Nguyên
Seattle mùa Trăng Thu, nhờ trăng sáng mà tôi nhìn được những chiếc lá rơi, nằm trước sân nhà : có những chiếc lá còn vàng tươi, có chiếc lá nửa vàng nửa úa, có chiếc nằm cong mình… Tựdưng tôi cảm nghe những mảnh hồn thi nhân trải nghiệm vui, buồn trong cuộc đời dệt nên những vần thơ làm rung động lòng người . Đọc tập thơ “Vàng Võ Bên Trời” của Nguyễn Văn Học Xuyên, tôi cũng cảm nghe được một cái gì vừa cay vừa ngọt trong những câu mang đậm kỷ niệm. Giờ ta hãy lắng nghe nhà thơ Nguyễn Văn học Xuyên tâm sự trong bài thơ “Hoa Bướm Ngày Xưa”:
“ Thuở ấy tôi vừa tròn mười bảy
Em còn tóc biếm tuổi thơ ngây
Tan trường hai đứa về chung lối
Tôi lặng nhìn theo áo trắng bay.
Má lúm đồng tiền bên nét môi
Em cười e ấp thẹn nhìn tôi
Hồn tôi như lạc vào cơn mộng
Muốn nói mà không thốt được lời!
Em trước tôi sau trên phố nhỏ
Đường về trời trở gió sang mùa
Phượng hồng đã chớm khoe màu áo
Thơ thẩn tôi về trong nắng trưa.
Rồi buổi tựu trường thu năm đó
Giã từ phố nhỏ tôi xa em
Đường xưa nay chẳng còn chung bước
Lòng ngẩn ngơ buồn khẽ gọi tên.
Từ đó ta không còn gặp nhau
Dòng đời chia hai nhảnh sông sâu
Tôi từ lưu lạc đời chinh chiến
Lòng vẫn còn mang mộng ước đầu…
Rồi một lần về thăm phố cũ
Sân trường tôi trở lại tìm em
Giữa đàn bướm trắng chiều tan lớp
Nhưng biết tìm đâu thấy bóng em!
Là thế, tình tôi thế ấy thôi
Yêu mà đâu dám ngỏ nên lời!
Để khi xa biệt lòng thương tiếc
Hoa bướm ngày xưa lỡ mất rồi…
Những vần thơ mang hồn “tình đơn phương”, tôi đọc mà nghe lòng mình theo từng nốt nhạc hồn nhiên của một thời tuổi trẻ sống lại! Và ta thử nghe bài “TÌNH”:
“ Có phải là em từ vạn cổ
Hay từ thiên địa buổi hoang sơ
Em về ngự trị ngai Tình ái
Cho cõi trần gian bỗng hóa Thơ.
…………………………………………..”
Có người đã bảo nhờ “hình thức trang nhã” mà cảm được “nội dung” câu thơ thấm đậm!
Hay bài “ gởi em bốn mùa”:
“………………………………………………..
Xin gửi tặng em bốn mùa trái đất
Có gió trăng, hoa bướm với mây trời
Hồn ta dẫu trăm năm gỗ đá
Xin được một lần, yêu quá cuộc đời ơi!
………………………………………………………..”
Những vần thơ trên thấm vào lòng người, có cái gì của triết, của Thơ…Nếu tôi nhớ không lầm một triết gia Tây phương từng nói :“ Un pur esprit s’accroyt sous l’écorce des pierres – có nghĩa là –Một tinh thần trong sáng thuần túy sẽ được tăng trưởng dưới lớp vỏ của đá” . Hồn của thi nhân như cây đàn muôn điệu, chỉ “Chiều Qua Quán Xưa” cũng dệt được những vần thơ mang nhiều hoài cảm :
…………………………………………………..
Nhó xưa chiều quán nhỏ
Giàn hoa tím khoe màu
Mắt ai cười đau đáu
Nghe thời gian trôi mau.
………………………………
…………………………………..
Quán xưa giờ hoang vắng
Người xưa biệt phương nào
Chiều nay qua quán vắng
Buồn lên mấy đỉnh cao…
…………………………………..”
Cái nỗi buồn thật sâu lắng của một kỷ niệm không phai!
Trong những thể thơ truyền thống, thể Lục Bát dễ làm mà khó hay và nếu tay thơ yếu sẽ tạo thành những câu vè…! Giờ ta hãy nghe bài thơ Lục Bát “buồn xưa” của nhà thơ Nguyễn Văn Học Xuyên:
“ Bên trời bảng lảng thu phai
Vàng hiu hắt nắng gió cài song thưa
Chập chờn vẳng tiếng gà trưa
Mơ hồ bên gối buồn xưa vọng về
Sầu lên mấy nẻo sơn khê
Người đi bỏ mặc câu thề gió bay
Hương xưa vẫn ngát phương này
Tình xưa giờ chỉ đọa đày lòng nhau
Nếu đời còn chút mai sau
Xin người chiếc áo qua cầu gió bay
Cho nhau trọn cuộc tình này
Dẫu mai đời có đắng cay cũng đành!
Câu thơ “ Xin người chiếc áo qua cầu gió bay”, theo thiển ý của tôi là một trong những câu thơ hay trong văn chương truyền thống . Nó khắc khoải dĩ vãng, nó ôm ấp tình xưa, nó luyến tiếc một di vật tình yêu…Mang sắc thái tình yêu cõi thế nhân và nhân thế !
Tôi xin mượn câu phát biểu về thơ của cố thi sĩ Xuân Diệu để kết thúc bài viết này:“ Muốn cho lời thơ trong sáng, bản thân cần phải suy nghĩ thật chín, phải chiếm lĩnh được nội dung : điều gì nghĩ ngợi được sáng rõ, thì diễn đạt ra sẽ được sáng tỏ…”. Xin mời độc giả khẽ bước vào vườn thơ “Vàng Võ Bên Trời” của Nguyễn Văn Học Xuyên để tìm thêm hương sắc của tình yêu!
Lam Nguyên
Seattle mùa Trăng Thu 2014.
{jcomments on}
Học giả Lam Nguyên chấp bút cho tập thơ VÀNG VÕ BÊN TRỜI của anh Nguyễn Văn Học Xuyên. Tôi liệu có phải là ” Đội khăn đống mặc áo thụng vái nhau ” không? Nhưng không viết lên vài cảm tưởng thì thấy cảm xúc nó buồn buồn như thất tình vậy.
Điểm đầu tiên tôi muốn nói là bài viết của anh Lam Nguyên là một bài phê bình khuôn mẫu, mực thước, tuy còn khá đơn giản ( Vì chỉ với mục đích giới thiệu tác phẩm ). Thế nào là BÌNH và thế nào là PHÊ? Thật khó nói trong lúc ai cũng muốn làm Phê bình gia. Thôi xin bỏ qua vấn đề này.
Một bài bình thơ là chính bài thơ đó gợi mở, làm người đọc tái tạo lại hình ảnh cũng như cảm xúc muôn hình muôn vẻ của thiên nhiên và cuộc sống. Cảm xúc cao nhất có thể được tái tạo ra ngoài nội dung của bài thơ. Đa số các nhà bình luận non tay đã dựa theo nội dung bài thơ, từng câu,từng chữ, rồi tán hươu tán vượn dài dòng văn tự mà chẳng có gì mới và khám phá được cái hồn của ngôn ngữ và bài thơ, vì những câu thơ đã quá rõ ràng, lướt nhanh qua cũng hiểu. Thực sự đó chỉ là những bài” cảm nhận ” đối với bài thơ đó. Có những bài bình làm cho tác giả ngạc nhiên vì những cao kiến của nhà phê bình mà chính tác giả không hề hoặc không thể nghĩ tới. Bài bình của Lam Nguyên không dựa vào những câu thơ để tạo cảm xúc, mà chính cảm xúc rất RIÊNG để tạo cái lạ nói cho thơ. Một bài bình có cả nhận xét và so sánh, biện minh,dẫn chứng thì mới được gọi là một bài phê bình chuẩn mực. Muốn phê bình một tác phẩm đòi hỏi phải có nhiều kiến thức, cũng như cảm xúc vô cùng tế vi, bén nhạy. Có nhiều chiều để hiểu sâu nội tâm cũng như ngoại cảnh mà tác giả gởi gắm trong thơ. Cũng như người phê bình gởi gắm những rung động và suy nghĩ của mình trên tác phẩm. Phát giác ra những điều kỳ diệu mà chỉ có Thơ mới diễn đạt được ( vì thơ luôn “LỆCH CHUẨN” so với Văn xuôi. Một bài bình tuy ngắn gọn mang tính cách giới thiệu tập Thơ nhưng cũng đã đủ điều kiện cho một bài phê bình giá trị. Xin chúc mừng Lam Nguyên và Nguyễn Văn Học Xuyên.
Cám ơn anh Lam Nguyên đã có một bài bình thơ của Nguyễn Văn Học Xuyên rất hay, rất sâu sắc và rất thấm!
Chúc anh sức khoẻ và hạnh phúc.
LêCôngDzũng
Nghệ thuật đồng hóa với tự nhiên, nói cách khác nghệ thuật là chân thật. Lam Nguyên không bình thơ nhưng là nhìn thấu được cái thật mà tác giả Nguyễn Văn Học Xuyên muốn nói. Thơ muôn đời là tiếng nói của những con tim đồng nhịp.
Thơ về kỷ niệm bài nào cũng hay,cũng đẹp.
Cám ơn anh Lam Nguyên đã viết lời bình về tập thơ VÀNG VÕ BÊN TRỜI rất hay, rất tinh tế!
Rồi buổi tựu trường thu năm đó
Giã từ phố nhỏ tôi xa em
Đường xưa nay chẳng còn chung bước
Lòng ngẩn ngơ buồn khẽ gọi tên.
Từ đó ta không còn gặp nhau
Dòng đời chia hai nhảnh sông sâu
Tôi từ lưu lạc đời chinh chiến
Lòng vẫn còn mang mộng ước đầu…
bài thơ dễ thương quá.
Cám ơn anh Lam Nguyên đã giới thiệu một tác phẩm mới, với lời bình tinh tế sâu sắc tơi mọi người,
Cám ơn anh Lam Nguyên đã giới thiệu hồn thơ của Nguyễn văn Học Xuyên đến với mọi người. Lời giới thiệu của anh LN rất tinh tế và đầy quyến rũ. Rất mong được đón đọc tập thơ “Vàng võ bên trời”. Chúc anh LN và NVHX luôn mạnh khỏe.
“Nếu đời còn chút mai sau
Xin người chiếc áo qua cầu gió bay
Cho nhau trọn cuộc tình này
Dẫu mai đời có đắng cay cũng đành!
Câu thơ “ Xin người chiếc áo qua cầu gió bay”, theo thiển ý của tôi là một trong những câu thơ hay trong văn chương truyền thống . Nó khắc khoải dĩ vãng, nó ôm ấp tình xưa, nó luyến tiếc một di vật tình yêu…Mang sắc thái tình yêu cõi thế nhân và nhân thế !
Tôi xin mượn câu phát biểu về thơ của cố thi sĩ Xuân Diệu để kết thúc bài viết này:“ Muốn cho lời thơ trong sáng, bản thân cần phải suy nghĩ thật chín, phải chiếm lĩnh được nội dung : điều gì nghĩ ngợi được sáng rõ, thì diễn đạt ra sẽ được sáng tỏ…”.”
Đọc bài giới thiệu hồn thơ Nguyễn Văn Học Xuyên của anh Lam Nguyên thích quá! Hay và học hỏi được nhiều điều! Cám ơn anh Lam Nguyên.
Lam Nguyên chân thành cám ơn tất cả quý vị đã ghé vào thăm bài viết, và để lại những nhận xét rất ưu ái, đầy khích lệ. Sự chân tình có được dành cho Lam Nguyên là do tất cả chúng ta cùng một niềm đam mê Văn Nghệ nói chung, và một sân chơi đầy hảo ý như Hương Xưa nói riêng. Xin cám ơn tất cả.
Trước hết xin cám ơn anh Lam Nguyên đã dành cho tôi một sự bất ngờ với một bài giới thiệu đến bạn bè Hương Xưa. Sau cũng có lời cám ơn đến các bạn bè gần xa. Đặc biệt là những bạn tôi chưa hề quen biết như: Đặng Danh,Quốc Tuyên,Thu Thủy,Kim Đức, Nguyễn Tiết. Đã ghé đọc và dành cho những thiện cảm ưu ái. Tôi xin ghi nhận, biết ơn và Chào thân ái.
Cảm ơn anh Lam Nguyên đã viết một bài giới thiệu về thơ anh Nguyễn văn Học Xuyên, tuy ngắn gọn nhưng rất hay và súc tích. Nhờ có anh LN, người đọc mới có cơ hội biết thêm những bài thơ hay, lạ và đầy cảm xúc của anh NVHX. Chúc 2 anh luôn vui khỏe và viết nhiều hơn nữa để người yêu thơ thỏa mãn, chào thân ái.