Tiểu sử:( Nguồn https://giacngo.vn/nu-si-tam-tan-tu-tran-thuong-tho-100-tuoi-post52372.html )
Nữ sĩ Tâm Tấn sinh năm Tân Dậu (1921), nhũ danh Nguyễn Thị Nuôi, nguyên quán tỉnh Quảng Nam. Tâm Tấn là pháp danh, bà sáng tác thi ca với nhiều bút hiệu: Trinh Nữ, Trinh Tiên, Tâm Tấn, Lan Xuân, Diễm Bút, Tần Ngọc…
Sự nghiệp sáng tác của nữ sĩ Phật tử Tâm Tấn khá nhiều, có thể kể đến một số tuyển tập, như: Tình Thơ (in chung,1944); Hương Đạo hạnh (1974), Cuối đời lọc những tinh sương (2004); Thơ văn đăng Trong Khuê Phòng, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Đàn Bà, Tam Bảo, Giác Ngộ, Liên Hoa, Tự Do, Tiếng Dội…
Thơ của bà cũng đã được tuyển chọn vào Hương Bình thi phẩm, Tuyển tập thi ca Việt Nam: Từ thế kỷ thứ mười một đến thế kỷ thứ hai mươi, Nữ sĩ Việt Nam…
Nữ sĩ Tâm Tấn là thân mẫu của nhà văn Tâm Không Vĩnh Hữu, cư sĩ Vĩnh Hảo là cộng tác viên có nhiều tác phẩm, bài viết đăng trên các ấn phẩm của Báo Giác Ngộ cũng như nhiều trang thông tin điện tử Phật giáo trong và ngoài nước.
***HAI NGƯỜI CON CỦA NỮ SĨ CÙNG VIẾT VỀ MẸ
1)Cư sĩ Vĩnh Hảo
(Thay lời giới thiệu cho thi phẩm “Cuối Đời Lọc Những Tinh Sương”
của Nữ sĩ Tâm Tấn – xuất bản tại Hoa Kỳ, tháng 8 năm 2005)
Ðối với con cái, mẹ là thi sĩ, là nguồn hứng cảm của thi ca, là kho vô tận của tình cảm… Ðứa con nào cũng thấy mẹ mình là đẹp nhất, thơ mộng nhất trên đời. Anh chị em chúng tôi cũng không ngoại lệ. Nhưng chúng tôi có thể tự hào, hãnh diện mà nói rằng, Mẹ chúng tôi (chữ Mẹ viết hoa), đích thực là một thi sĩ, trong cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng—tôi vẫn mạnh miệng nói thế dù có thể bị người ngoài dị nghị (cho rằng ‘mẹ hát con vỗ tay’).
Mẹ tôi là nữ sĩ thời danh từ cuối thập niên 1930, khi bà hãy còn là một thiếu nữ 14 tuổi, với bút hiệu Trinh Nữ; sau đó là Trinh Tiên với những bài thơ tình diễm lệ, những bài thơ nói về thế thái nhân tình, về thế sự, chiến sự, về nỗi đau của người dân yêu nước, và cuối cùng là Tâm Tấn với những bài thơ thấm nhuần Phật Pháp qua thi phẩm Hương Ðạo Hạnh. Ðiều dị thường là bà chưa từng cặp sách đến trường, nhưng những bài phiếm luận, xã luận, cũng như thơ phú của bà đăng trên những tạp chí, nhật báo, tuần báo, nguyệt san… (từ thời tiền chiến cho đến những năm cuối cùng của chế độ Cộng hòa trước 1975) đã tạo một vị thế đáng kể trong báo giới cũng như đã gây được niềm quí trọng đặc biệt của những thức giả đương thời.
Ðó là nói về nghĩa đen của người mẹ thi sĩ. Bây giờ hãy nói về nghĩa bóng: người mẹ thi sĩ của chúng tôi đẹp, hiền lành, nhân ái, quả cảm, tận tụy một đời chăm sóc chồng con; vất vả trăm chiều sinh và dưỡng bầy trẻ 14 đứa. Thân Mẹ gầy hao theo năm tháng, nhưng dáng vẻ đài các thanh cao tuồng như ở mãi với bà. Cái dáng ấy, vẻ đẹp ấy, chỉ ngắm nhìn thôi, cũng đủ để thấy cuộc đời như một bài thơ. Mẹ đẹp thật. Không phải vì chúng tôi là con nên khen Mẹ đẹp; mà mọi người đều khen Mẹ như thế. Cuộc đời Mẹ, từ những con chữ trên trang giấy cho đến những hạt gạo, miếng vải, mồ hôi nước mắt, lời ru giọng hát, tiếng khen thưởng con ngoan, hay tiếng la trách con hư… đều toát lên cái ý vị phong nhiêu diệu vợi của thơ, và của tình.
Anh chị em chúng tôi được thừa hưởng vẻ thơ, vẻ mộng, vẻ nhân hòa… nơi Mẹ dấu yêu của mình, từ lúc còn co mình trong bụng người, cho đến bây giờ, khi đứa em út trong nhà cũng đã phất phơ trên đầu những sợi bạc.
Vào đời, bầy con của Mẹ đứa nào như đứa nấy, đường ngay lối thẳng mà đi, không như người tranh tìm chữ Phú chữ Quý; học hành thi cử thăng tiến như ai, nhưng vẫn cứ một đời chập chững con đường Mẹ dạy:
“Vui tìm điển tích hiền nhân
Dạy con chữ Nhẫn, chữ Chân làm người”
(thơ Tâm Tấn)
Có thể về cuộc sống vật chất, chúng tôi không là những kẻ thành công. Nhưng chúng tôi không bao giờ hối tiếc sự chọn lựa của Mẹ, cũng như sự chọn lựa của chính chúng tôi. Chúng tôi có cả một kho vô tận của tình Mẹ, và của Thơ. Vậy thì quá đủ. Không phải chỉ đủ, mà là quá sung túc để có thể ngẩng mặt lên, với niềm hãnh diện có một người mẹ như thế.
Mẹ nay đã yếu, không thể đi đâu xa. Mỗi năm con cái tụ về, lúc có đứa này, lúc có đứa kia, không làm sao có một cuộc sum vầy đông đủ. Trong số đó, bản thân tôi là đứa xa Mẹ lâu nhất. Xa từ lúc còn bé, vài năm thăm Mẹ một lần; sau này, ra hải ngoại, Mẹ-con còn xa cách cả nghìn trùng. Mẹ không thể đi xa, tôi không thể về nước. Tưởng chừng không còn cơ hội nào để gặp lại. Nhưng đúng vào dịp Vu Lan năm nay, Mẹ bỗng hạ quyết tâm làm một chuyến đi xa, tạo cơ hội cho tôi được gặp. Hơn 17 năm qua, tôi chưa được may mắn nhìn Mẹ, ôm hôn Mẹ; nhưng nhìn tóc bạc trên đầu mình, tôi đoán biết Mẹ tôi đã già yếu lắm rồi. Có thể sự quyết tâm của Mẹ lần này không phải chỉ là sự biểu lộ nỗi nhớ mong những đứa con xa nhà, xa quê hương, mà còn là dấu hiệu của một cuộc chia tay dài lâu hơn.
Tập thơ này, do Vĩnh Thanh Bình, đứa em út của chúng tôi, gom góp lại từ xấp bản thảo thơ phú của Mẹ; cũng có vài bài đã thấy đăng trong thi phẩm Hương Ðạo Hạnh (xuất bản năm 1970). Mẹ nói không cần phải in làm gì. Nhiều bạn bè thúc giục, Mẹ trả lời cho qua “thôi thì để khi tôi nằm xuống, các con các cháu muốn in gì đó thì in.” Tôi cũng muốn mời anh chị em 14 người cùng tham gia viết về Mẹ để đăng trong thi phẩm cuối đời của Mẹ. Nhưng để thực hiện điều này một cách đầy đủ, có lẽ còn phải chờ lâu lắm. Thôi thì nhân chuyến đi thăm Mẹ ở một đất nước láng giềng của quê hương, tôi mạo muội thực hiện thi phẩm này một cách đơn giản, để dâng tặng Mẹ nhân dịp Vu Lan, cũng là để kỷ niệm dịp gặp lại Mẹ sau hơn 17 năm lưu vong.
Ðơn thân thực hiện tập thơ này, tôi biết là hãy còn nhiều thiếu sót, vì nhiều năm nay, Mẹ vẫn tiếp tục sáng tác, mà tôi ở xa không làm sao sưu tập đủ; mong rằng sẽ được anh chị em khác bổ túc sau. Các bài thơ trong thi tập này không được sắp theo thứ tự thời gian hoặc phân thành thể loại, mà được xếp theo vần mẫu tự để tiện cho việc bổ túc ấy.
Nơi đây, như một bản phác thảo, tôi tự trích một câu trong hai câu lục-bát của Mẹ để làm tựa cho thi phẩm:
“Cuối đời lọc những tinh sương…”
Tuy nói dài dòng về Mẹ như thế, tôi hy vọng bạn đọc sẽ không cho rằng thi phẩm này chỉ dành riêng cho bầy con cháu chúng tôi. Khi sinh dưỡng con, mẹ nào lại chẳng muốn con góp mặt với đời. Thi phẩm này cũng thế, thay mặt Mẹ, xin gửi đến những người yêu thơ khắp nơi.
Mùa Vu Lan năm 2004 – Phật lịch 2548
Băng-cốc, Thái-lan, những ngày bên Mẹ…
Vĩnh Hảo
2) Cư sĩ Vĩnh Hữu
NHỮNG GIỌT HUYẾT NGÀ
Mãn Ðường Hồng
Ba Me tôi hạ sinh được mười bốn người con, vừa tròn một câu lục bát:
“Trang Diễm Duyên Hồng
Hợp Hiền
Hậu Thuần Hiếu Hảo Hữu Yên
Khuê Bình”
Thật đúng là… thơ! Mười bốn chữ của câu thơ ngắn gọn nhưng lại to lớn hơn cả mọi công trình xây dựng trên thế gian này, đến hôm nay vẫn còn đầy đủ nguyên vẹn, từ chữ đầu năm nay đã được sáu mươi ba tuổi, cho đến chữ cuối cùng đã ba mươi chín tuổi, tất cả đều nên người, đều ít nhiều biết làm thơ, biết vẽ tranh, viết văn, đàn ca hát xướng, và tất cả đều thường quen gọi người mẹ vĩ đại của mình bằng một tiếng nhẹ nhàng nhưng đầy tôn kính và thân thương: Me.
Me tôi năm nay đã tám mươi tư tuổi, thật hạnh phúc cho anh chị em chúng tôi là Me vẫn còn hiện hữu trên trần gian này với một vóc dáng mình hạc xương mai nhưng lại là một cái bóng lồng lộng che ngang giữa bầu trời mà anh chị em chúng tôi hàng ngày hàng đêm ngước cổ lên ngắm nhìn bằng sự chiêm bái. Lặng lẽ thờ chồng nuôi con, lặng lẽ làm thơ và kinh kệ khuya sớm, và lặng lẽ lo lắng cho từng đứa con đang ở xa cũng như ở gần, cho dù đứa con nào của Me cũng đều đã “già đầu” khôn lớn… Sự lo lắng, quan tâm đến con cháu của Me được trải đều, nhưng tùy hoàn cảnh của mỗi đứa con mà Me xử sự.
Tám mươi tư tuổi, Me vẫn còn hàng ngày lo nghĩ đến chị Cả tôi, không biết công việc viết sách và giảng dạy tại trường đại học ở Thái Lan của chị ấy có được thông suốt hay không? Tám mươi tư tuổi, Me vẫn còn lo lắng cho chị Hai tôi đang ở Sài Gòn, nghe chị ấy vừa nghỉ hưu phải xa rời bục giảng học đường, cuộc sống chắc sẽ buồn lắm, nhiều thay đổi lo toan lắm. Tám mươi tư tuổi, Me vẫn còn lo ngay ngáy trông tin tức của anh Ba tôi, nghe dạo này anh ấy đau lưng đứng đi khó khăn nặng nhọc, mà phải hì hục cắm cúi chạy đây chạy đó để trình bày minh họa cho vài tờ tạp chí. Tám mươi tư tuổi, Me vẫn trầm ngâm nghĩ ngợi vừa mừng vừa phập phồng cho duyên mới của chị Tư tôi, cầu Trời cầu Phật cho con thuyền tình duyên muộn màng của chị ấy cập được một bến bờ an vui ấm áp. Tám mươi tư tuổi, Me hàng ngày ngồi ngóng thư từ tin tức của chị Năm tôi đang lưu lạc bất định rày đây mai đó với đứa con trai duy nhất, không biết hai mẹ con đã có chỗ nương náu ổn định hay chưa? Tám mươi tư tuổi, Me vẫn hàng tuần đi xích-lô đến thăm hỏi vợ chồng anh Sáu tôi, khi thì ngó chừng thùng gạo, lúc thì hỏi thăm túi tiền, rồi khẽ khàng dúi vào tay anh ấy mấy tờ giấy bạc mà Me dành dụm được trong tháng qua. Me còn phải lo nghĩ đến gia đình anh Bảy tôi, nợ nần không hiểu đã trả được hết chưa, có buôn bán được không, và mấy đứa cháu nội đi làm có gặp gì khó khăn hay không? Rồi còn chị Tám tôi đang làm tại tòa soạn báo ở Sài Gòn, công việc căng thẳng, thân thể ngày càng xanh xao xương xẩu, không rõ chị ấy có chịu ăn uống bồi bổ nhiều vào như lời Me dặn trong thư hay không? Me đang lo nghĩ đến anh Chín tôi mới vừa chân ướt chân ráo sang ở nước Mỹ xa xăm, chưa có việc làm, phải bù đầu mà học tiếng Anh, học lái xe, thì lấy gì mà sống cho no đủ? Rồi còn anh Mười tôi đang ở cách xa nửa vòng trái đất, hết nghề chọn lại chọn theo nghiệp viết văn làm thơ của Ba Me, vừa làm thợ sắp chữ nhà in thức đêm thức hôm hụt hao sinh lực. Tám mươi tư tuổi, Me còn lo lắng cho thằng Mười Dư là tôi – không rõ mùa báo Tết vừa rồi nó có được đăng bài nhiều hay không, để có tiền mà lo cho vợ con, trang trải nợ nần. Me còn phải lo lắng cho ngay cả con Mười Hai mặc dù chính nó đang ngày đêm kề cạnh để hầu hạ chăm sóc cho Me, cứ nơm nớp sợ nó bệnh, hay sợ nó gặp chuyện gì đó buồn phiền nên không chịu cười cho Me nhìn thấy. Me lại phải nhăn trán nhíu mày để lo nghĩ đến con Mười Ba lao đao lận đận, buôn bán lúc nắng lúc mưa, tiền lời kiếm được bao nhiêu trong ngày đều phải dốc hết ra mà lo cho hai đứa con gái đi học. Và còn thằng Út nữa, Me cũng lo lắng nhiều, mất ngủ nhiều đêm, trăn trở lắm buổi khi nó vừa quyết định bước qua ngưỡng cửa hôn nhân đại sự ở cái tuổi sắp tứ tuần với một người con gái ở phương trời xa lắc… Ai đã yên bề gia thất thì Me mừng, ai có cuộc sống ấm no dư dả thì Me vui, ai đang gặp chuyện trắc trở thì Me khuyên lơn động viên an ủi, ai đang lâm cảnh khó khăn túng bấn thì Me âm thầm chia sẻ san sớt… Dường như niềm vui của Me lúc tuổi đã bóng xế chiều tà là vẫn còn lo lắng được, vẫn còn khuyên dạy được, vẫn còn chu cấp vật chất lẫn tinh thần được cho con cháu của mình. Cứ như vậy, bao nhiêu năm qua với cái dáng thẳng lưng nhẹ bước thong dong thư thả, Me vẫn cận kề một bên hết thảy con cháu của mình để tỏa hơi ấm tình thương mà người đời thường ca tụng là bao la như biển Thái Bình.
Mười bốn chữ trong câu lục bát tuyệt tác của Ba Me – hỏi ai không một lần ngâm nga nghiền ngẫm thi phẩm “Những giọt huyết ngà” của những năm 40 – 50 mà lúc sinh tiền nhà thơ Quách Tấn đã từng ca tụng trên báo tỉnh nhà là “một trong những bài thơ bất hủ trên đất Khánh Hòa”:
Ðây dòng sữa Me nấu bằng hơi thở
Truyền từ nguồn huyết thống, suối
thương yêu
Huyết Me khô cho phần sữa
thêm nhiều
Me vâng lĩnh ý trời, ban con đó!
Con uốn hai vành môi son
thắm đỏ
Dòng huyết ngà tuôn theo nhịp
vành môi
Huyết thân Me, nhưng phép lạ
tay trời
Pha dịu ngọt trong đôi dòng
sữa ấm
Mỗi tia sữa là mỗi luồng điện sống,
Bú đi con! Hứng nhận cả
lòng say…
Con nghĩ gì trong bộ óc thơ ngây,
Mà mơn trớn như nâng vàng
hứng ngọc?
Me yêu quá, giọng cười và
tiếng khóc
Ai bày con tôi nói tiếng chim đây?
Dễ thương chưa? Da sữa thắm
hây hây
Ai ướp cả muôn hương vào
thớ thịt?
Thương chẳng có chỗ cùng,
thương tuyệt đích
Me thương con thắm thiết lắm,
con ơi!
Cao như non? Cao sánh vút
chân trời,
Rộng như biển? Rộng lan trùm
trái đất
Con là tất cả ý niềm vui sống!
Bài thơ này của nữ sĩ Trinh Tiên, về sau làm thơ Ðạo – nữ thi sĩ của Phật giáo – lấy bút hiệu là Tâm Tấn (cũng là pháp danh), chính là Me của tôi đó! Anh chị em chúng tôi thật diễm phúc khi được hưởng những giọt huyết ngà của Me mà khôn lớn nên người. Cho dù cuộc đời có lắm trái ngang, hay có lắm khổ buồn, thì những đứa con của Me vẫn đứng thẳng lên được để mà đi nhờ đã tiếp nhận vào tận máu xương, tận tâm hồn mình cái nguồn suối “thương chẳng có chỗ cùng, thương tuyệt đích” mà Me đã ban cho.
Me sống thật thâm trầm. Me không thích được ai nói về mình, không thích được ca tụng, không thích được khen ngợi hay tôn vinh gì hết, mặc dù bạn văn chương thi phú thâm giao của Me và của Ba toàn là những tên tuổi vang lừng trên văn thi đàn nước nhà… Khi biết tôi có ý định viết một bài ngắn về Me để gởi đăng trên một tờ nội san của một chùa hoặc một tờ báo chuyên đề về phụ nữ nào đó nhân mùa Vu lan đến, Me có vẻ như không đồng tình, rồi làm thinh. Me càng phản đối hơn khi nghe tôi định gởi một ảnh của Me kèm theo bài viết. Không dám làm phật ý Me, tôi đành cất tấm ảnh chân dung của Me vào lại album với lòng đầy tiếc nuối. Ðó là bức ảnh của Me mà tất cả “mười bốn chữ trong câu lục bát” đều được Me trao tặng. Trong ảnh, Me thật là đẹp, đẹp như tiên. Và ngoài đời, đối với anh chị em chúng tôi, Me bao giờ cũng đẹp, cái đẹp vĩnh cửu vĩnh hằng không một tuyệt đích nghệ thuật nào diễn tả nổi!
Viết về Me, có lẽ viết bao nhiêu cũng không đủ, có viết dài lê thê thậm thượt cách mấy cũng trở thành ngắn ngủn sơ sài. Nếu hết thảy mười bốn anh chị em chúng tôi cùng ngồi lại với nhau để cùng viết mấy pho sách về Me cũng không thể viết hết chuyện, không thể kể hết lời, không thể diễn tả hết những gì Me – cũng như Ba – đã để lại cho con cái. Nhưng tôi chắc chắn một điều: những giọt huyết ngà của Me vẫn luôn chảy miên man, tuôn tươm bất tận vô cùng vào trong huyết quản, trong từng mạch máu, trong từng hơi thở và thấm đẫm trong tâm tưởng anh chị em chúng tôi cho dù một ngày nào đó – theo lẽ vô thường sinh trụ hoại diệt mà Me từng bình thản giảng dạy cho con cái nghe – bóng dáng mảnh mai mà lồng lộng của Me khuất hẳn khỏi cõi trần gian bụi bặm như một vầng trăng tròn vằng vặc chìm sau dãy núi xa xa…
Source: Báo Giác Ngộ 238 Số đặc biệt Vu Lan Báo Hiếu PL2548 ra ngày 26-8-2004
Chân dung nữ sĩ Phật tử Tâm Tấn, 1951 – Ảnh: Tôn Thất Dung