Viết bởi Lão Bà Bà
Đền thờ Lý Thường Kiệt tại Bắc Ninh
1.- Quê Quán
Ông tên thật là Ngô Tuấn làng An Xá, huyện Quảng Đức (Cơ Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội ngày nay).
2.-Gia Đình
Là con của Sùng Tiết tướng quân Ngô An Ngữ, cháu 5 đời của Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập–hoàng tử trưởng của Ngô Quyền, Cha ông làm Thái úy đời Lý Thái Tông, được vua ban quốc tính, [mang họ vua] vì thế mới có tên là Lý Thường Kiệt.
Năm 1041, Lý Thường Kiệt còn ít tuổi, vì vẻ mặt tươi đẹp được sung chức thái giám theo hầu Lý Thái Tông. Năm 1053, ông được thăng dần đến chức Nội thị sảnh đô tri khi 35 tuổi.
Năm 1054, dưới triều Lý Thánh Tông phong ông chức Bổng hành quân hiệu uý. Ông thường ngày ở cạnh vua, thường can gián. Vì có công lao, ông được thăng làm Kiểm hiệu thái bảo.
Năm 1061, người Mường ở biên giới quấy rối. Lý Thánh Tông sai ông làm Kinh phỏng sứ vào thanh tra vùng Thanh Hóa, Nghệ An, được toàn quyền hành sự. Ông phủ dụ dân chúng, lấy được lòng người. Tất cả 5 châu 6 huyện, 3 nguồn, 24 động đều quy phục.
Năm 1069, ông theo vua Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành. Lý Thường Kiệt làm tiên phong đi đầu, truy bắt được vua Chiêm là Chế Củ. Cuối cùng Chế Củ phải chịu hàng, dâng 3 châu để được tha về nước.
Năm 1072, Lý Thánh Tông qua đời. Thái tử Càn Đức mới bảy tuổi lên ngôi, sử gọi là Lý Nhân Tông. Lý Thường Kiệt khi đó làm Thái uý. Khi Ỷ Lan được tôn làm Hoàng thái hậu. Lý Thường Kiệt giữ vai trò phụ chính trong triều đình nhà Lý.
3.- Sự Nghiệp
a] Chiến dịch đánh Tống, 1075-1076
Năm 1075, Vương An Thạch cầm quyền chính nhà Tống, tâu với vua Tống là Đại Việt bị Chiêm Thành đánh phá, quân còn sót lại không đầy vạn người, có thể dùng kế chiếm lấy được. Vua Tống sai Thẩm Khởi, và Lưu Di làm tri Quế Châu ngầm dấy binh người Man động, đóng thuyền bè, tập thủy chiến, cấm các châu huyện không được mua bán với Đại Việt.
Vua Lý Nhân Tông sai ông và Tôn Đản đem hơn 100.000 quân đi đánh. Quân bộ gồm 60.000 người do các tướng Tôn Đản, Thân Cảnh Phúc[8], Lưu Kỷ, Hoàng Kim Mãn, Vi Thủ An chỉ huy, tổng chỉ huy là Tôn Đản. Bộ binh tập trung ngay ở các châu Quảng Nguyên, Môn (Đông Khê), Quang Lang, Tô Mậu rồi tràn sang đánh các trại Vĩnh Bình, Thái Bình, Hoành Sơn, châu Tây Bình, Lộc Châu. Một cánh quân khác đóng gần biên giới Khâm châu cũng kéo tới đánh các trại Như Hồng, Như Tích và Đề Trạo, Lý Thường Kiệt chỉ huy 40.000 quân thủy cùng voi chiến đi đường biển từ châu Vĩnh An (Quảng Ninh) đổ bộ lên đánh các châu Khâm, Liêm; Tông Đản vây châu Ung. Ngày 30 tháng 12 năm 1075, quân Nam tiến chiếm thành Khâm Châu, bắt toàn bộ quan quân nhà Tống mà không phải giao chiến một trận nào. Ba ngày sau, 2 tháng 1 năm 1076, Liêm Châu cũng thất thủ. Vua Tống cách chức Lưu Di và sai Thạch Giám thay coi Quế Châu và làm kinh lược sứ Quảng Tây. Lý Thường Kiệt cho đạo quân ở Khâm và Liêm Châu tiến lên phía Bắc. Đạo đổ bộ ở Khâm Châu kéo thẳng lên Ung Châu, còn đạo đổ bộ ở Liêm Châu tiến sang phía đông bắc, chiếm lấy Bạch Châu. cùng vây hảm Ung Châu. Quân Đại Việt đánh đến hơn 40 ngày. dùng hỏa công mới phá trận. Lý Thường Kiệt làm cỏ xong thành Ung, lại lấy đá lấp sông ngăn cứu viện rồi đem quân lên phía Bắc lấy Tân Châu. Lý Thường Kiệt bắt sống người ba châu ấy đem về nước. Nhà Lý cho những người phương bắc đó vào khai phá vùng Hoan – Ái (Thanh – Nghệ).
*Trận Như Nguyệt và Phòng tuyến sông Như Nguyệt
Tháng 3 năm 1076, nhà Tống sai tuyên phủ sứ Quảng Nam là Quách Quỳ làm chiêu thảo sứ, Triệu Tiết làm phó, đem quân 9 tướng, sang xâm lấn Đại Việt, Lý Thường Kiệt dựa vào sông núi, các đèo hiểm trở, các sông rộng và sâu để đối phó, lập chiến lũy sông Như Nguyệt để chặn quân Tống. Để cản quân Tống qua sông, Lý Thường Kiệt sai đắp đê nam ngạc cao như bức thành. Trên thành, đóng tre làm giậu, dày đến mấy từng. Quân Tống có kỵ binh mở đường tiến công quyết liệt, có lúc đã chọc thủng chiến tuyến quân Nam tràn qua sông Như Nguyệt, nhưng quân Nam đều kịp thời phản kích, đẩy lùi quân Tống. Lý Thường Kiệt còn dùng chiến tranh tâm lý để khích lệ tinh thần quân Nam chiến đấu. “Đang đêm, nghe tiếng vang trong đền đọc bài thơ ấy, quân ta đều phấn khởi. Quân Tống sợ, táng đảm, không đánh đã tan” Xử dụng bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” Quân Tống 10 phần chết đến 6, 7 phần. Lý Thường Kiệt biết tình thế quân Tống đã lâm vào thế bí, mà người Nam bị chiến tranh liên miên cũng nhiều tổn thất, nên sai sứ sang xin “nghị hoà” để quân Tống rút về. Quách Quỳ vội chấp nhận giảng hòa và rút quân.
b] Chiến tranh Việt-Chiêm 1069
Dưới thời Lý Thánh Tông, Lý Thường Kiệt đã tham gia cuộc tấn công Chiêm Thành năm 1069. Ông cầm quân truy đuổi và bắt được vua Chiêm là Chế Củ. Chế Củ dâng 3 châu: Địa Lý , Ma Limh và Bố Chính.
Dưới thời Lý Nhân Tông, ngoài việc cầm quân đánh Tống, ông còn tiến công Chiêm Thành vào vào năm 1075 nhưng không thu được thắng lợi.
Những năm cuối đời, ông còn cầm quân đi đánh Lý Giác ở Diễn Châu (1103). Năm 1104, vua Chiêm Thành là Chế Ma Na đem quân đánh và lấy lại 3 châu Địa Lý v.v. mà vua Chế Củ đã cắt cho Đại Việt. Đến đây, Lý Thường Kiệt một lần nữa kéo quân đi đánh, phá tan quân Chiêm, Chế Ma Na lại nộp đất ấy cho Đại Việt.
Tháng 6 năm Ất Dậu (1105), Thái úy Lý Thường Kiệt mất, thọ 87 tuổi. Lý Nhân Tông ban cho ông chức Nhập nội điện đô tri kiểm hiệu thái úy bình chương quân quốc trọng sự, tước Việt quốc công, thực ấp một vạn hộ, cho người em là Lý Thường Hiến được kế phong tước hầu.
4.- Tác phẩm:
-Hịch Phạt Tống lộ bố văn (bài văn công bố đánh giặc Tống).
Bài Nam Quốc Sơn Hà: được coi như bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam và tác giả là Lý Thường Kiệt.
Nguyên Văn:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên dĩ định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
Bản Dịch của Hoa Bằng:
Sông núi nước Nam vua Nam coi
Rành rành phân định ở sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Bay sẽ tan tành chết sạch toi.
Bài thơ nầy có nhiều giả thuyết :
*Theo Việt điện u linh (Lý Tế Xuyên đời Trần) Ngô Sĩ Liên tác giả Đại Việt sử ký toàn thư, thì bài thơ gắn cho cuộc chiến năm 1076 của Lý Thường Kiệt. Các tác giả khác như Trần Trọng Kim (trong Việt Nam sử lược), Hoàng Xuân Hãn (trong Lý Thường Kiệt), Nguyễn Đổng Chi (trong Việt Nam cổ văn học sử), Dương Quảng Hàm (trong Việt Nam văn học sử yếu), Đinh Gia Khánh (trong Lịch sử văn học Việt Nam), Văn Tân (trong Tổng tập văn học Việt Nam, tập 1), Bùi Văn Nguyên (trong Văn học Việt Nam…) cho rằng Lý Thường Kiệt là tác giả bài thơ.
*Theo Lĩnh Nam trích quái (Trần Thế Pháp đời Trần) bài thơ gắn cho cuộc chiến năm 981 của Lê Đai Hành. Các tác giả khác Ngô Tất Tố (trong Văn học đời Lý), Hoa Bằng (trong Thử viết Việt Nam văn học sử), Nguyễn Văn Tố (trong Đọc sách Việt Nam văn học) v.v…và Trần Nghĩa (trong Thử xác lập văn bản bài thơ Nam quốc sơn hà), Trần Thị Băng Thanh (trong Văn hiến Thăng Long) dựa vào tài liệu nầy phủ nhận Lý Thường Kiệt là tác giả bài thơ.
* Một số tu sĩ Phật giáo thì cho rằng tác giả bài NQSH là của Thiền Sư Pháp Thuận- thời Lê Đại Hành [Thích Trí Siêu – Lê Mạnh Thát] hay blog Phật giáo Viên Như cho là của Không Lộ Thiền Sư – nhà thơ cùng thời với Lý Thường Kiệt.
*Theo thiển ý của người sưu tầm tư liệu
Bài thơ cách đây đã hơn 1000 năm, Việt Điện U Linh và Lĩnh Nam Trích Quái đều được viết bởi hai tác giả trong cùng một thời kỳ, hai quan niệm đối lập nhau có lẽ vì Lý Thường Kiệt xuất thân là một vị Hoạn Quan mà Hoạn quan ngày xưa thì ít được trọng vọng [trường hợp Tư Mã Thiên] nên khi một tác giả nghiêng về vị Hoạn quan đó thì bên kia vì thành kiến bẻ cong lịch sử lại chăng ?
Nếu cho Lý Thường Kiệt không tự mình sáng tác bài thơ, nhưng bài thơ đã được Lý Thường Kiệt cho rao truyền trong chiến tranh tâm lý lợi hại, khiến quân Tống chưa bị đánh đã tan hàng thì nói tác giả là Lý Thường Kiệt là không sai. Phải là Lý Thường Kiệt đứng tên, bài thơ ấy mới có được sức mạnh mãnh liệt, và bài thơ theo đúng truyền thống yêu nước của người Việt Nam, đã đem lại trang sử vẻ vang cho dân tộc. Đó là bài thơ khẳng định chủ quyền của Việt Nam của một nhà quân sự tài ba đồng tác giả với bài hịch Phạt Tống lộ bố văn.
5.- Tài Đức
Tinh thần gia tộc cao độ. Lúc 13 tuổi, cha mất, người chú họ tên là Tạ Đức hỏi chí hướng, ông nói sở nguyện của ông là muốn trở thành một tướng tài, “xông pha vạn dậm để lập công, lấy ấn phong hầu, làm vẻ vang dòng giống.”
Lòng yêu nước, tự hào dân tộc.
Bằng bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” Lý Thường Kiệt đã biểu dương cả một cuộc chiến thắng giữa hai ý thức hệ: ý thức hệ tâm linh dân tộc của nhân dân Việt Nam chống với ý thức hệ xã hội khống chế của chủ nghĩa kinh tế chính trị của Vương An Thạch. …” (NĐT) – “Từ đây người Tầu không dám coi thường chúng ta.” (Ngô Thời Sĩ, Việt Sử Tiêu Án).
Là nhà quân sự tài ba “Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân ra trước, chặn thế mạnh của giặc”. Chiến tranh tâm lý, nghệ thuật mới trong chiến tranh giữ nước, Bằng bài hịch Phạt Tống Lộ Bố Văn Lý Thường Kiệt kể tội các quan nhà Tống mưu xâm chiếm Giao Chỉ nên nhà Lý phải mang quân đánh. Mặt khác, ông lợi dụng mâu thuẫn giữa hai phe bảo thủ (Tư Mã Quang đứng đầu) và cách tân (Vương An Thạch đứng đầu) trong triều đình nhà Tống nhằm chia rẽ địch; ông bài xích những chính sách “thanh miêu”, “trợ dịch” của nhà Tống để kích động sự oán hận của dân Tống và ông đã dành cảm tình của dân Trung Hoa ngay trên đất nước của họ.
*Đền thờ Lý Thường Kiệt tại Thanh Hóa
Ngôi đền thờ tượng Lý Thường Kiệt thuộc xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung (Thanh Hóa). Là một trong những ngôi đền cổ ở Thanh Hóa, dù trải qua hàng trăm năm nhưng đến nay vẫn còn giữ được vẻ nguyên sơ với nhiều chứng tích lịch sử, văn hóa lớn. Ngôi đền mang tên Báo Ân được người dân Thanh Hóa lập lên để tưởng nhớ công lao cai quản và xây dựng, giữ gìn an bình cho dân chúng trong suốt 19 năm (1082 – 1101).
Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%BD_Th%C6%B0%E1%BB%9Dng_Ki%E1%BB%87t
https://dongmynghe.com.vn/tuong-ly-thuong-kiet-bang-dong-ton-vinh-nguoi-anh-hung-dan-toc
Lý Thường Kiệt – Người viết bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam