Từ Đàm Quê Hương Tôi – Tình Em Biển Rộng Sông Dài *

Nhạc Sĩ Văn Giảng/Thông Đạt – Photo chị LaiHồng chuyển

Tác giả: Bạch Xuân Phẻ
Viết để tưởng nhớ người anh trong GĐPT và nhạc sỹ Văn Giảng (Thông Đạt)

Tuần trước nhà văn và hoạ sỹ Trần Thị Lai Hồng có chuyển tin về nhạc sỹ Văn Giảng (Thông Đạt) tác giả bài hát bất hủ Ai Về Sông Tương vừa qua đời bên Úc, từ tấm bé chúng tôi có nghe bài này rất nhiều lần.  Rồi chị cả Tâm Minh Vương Thuý Nga cho biết nhạc sỹ Văn Giảng và vợ cũng đã từng sinh hoạt trong tổ chức GĐPT (trong đoàn của chị Hoàng Thị Kim Cúc) và có pháp danh Nguyên Thông để viết nhạc. Nhưng mãi khi đọc lời chia buồn của anh Trần Trung Đạo trên facebook, mới biết nhạc sĩ Văn Giảng cũng là tác giả bài nhạc Từ Đàm Quê Hương Tôi, một bài hát mà chúng tôi những người huynh trưởng hoặc đoàn sinh GĐPT ai cũng biết.

Từ Đàm Quê Hương Tôi
Tác giả: Nguyên Thông

Quê hương tôi miền Trung
Sớm hôm chuông chùa nhẹ rung
Tiếng muôn đời hồn tổ tiên kiêu hùng
Ôi uy nghiêm bóng chùa Từ Đàm
Nơi yêu thương phát nguồn đạo vàng
Qua bao dông tố chùa Từ Đàm tôi vẫn còn

Quê hương tôi là đây
Sớm hôm hương trầm nhẹ bay
Vấn vương lời kinh chiều nay vơi đầy
Ôi thân yêu bóng chùa Từ Đàm
Nơi Bắc Nam nối liền một nhà
Tay trong tay quyết vì loài người đời lầm than

Bóng ai, từng đêm, đêm về
Còn nhớ thuở nào đây
Câu thề cùng ước nguyện cứu đời

Tiếng ai, chiều nay u hoài
Trầm lắng vọng về theo
Câu thề nguyện hiến mình cho đời

Ai đi qua miền Trung
Khoan khoan ơi người dừng chân
Lắng nghe về đây hồn ai u hoài
Ôi anh linh bóng chùa Từ Đàm
Ôi nơi đây nắng chiều dịu dàng
Ai hy sinh cứu đời phũ phàng, Từ Đàm ơi!

Hãy lắng nghe nhà thơ Trần Trung Đạo tâm sự:

“Tôi có một ước mơ nho nhỏ. Mai mốt khi trở về, tôi sẽ đi thăm chùa Từ Đàm. Tôi sẽ ngồi trong yên lặng trên thềm chùa, để lắng nghe từ trong lời kinh, từ trong tiếng chuông ngân, từ trong lòng đất, những lời nhắc nhở, những lời dặn dò, những tiếng chân của bao bậc tôn sư và các anh chị trưởng đang vang vọng lại trong tâm hồn tôi.

Tương tự, tôi cũng tin sẽ có một ngày, các em, các cháu đoàn viên Gia Đình Phật Tử, vừa mới sinh ra, sẽ sinh ra và lớn lên trên nước Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Úc …. cũng trở về. Các em lại như tôi, ngồi bên bậc thềm chùa Từ Đàm và nói với nhau bằng tiếng Việt Nam không dấu ‘Tại đây, chính từ nơi này, một trăm năm trước, hai trăm năm trước, ba trăm năm trước, có những người huynh trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam với những chiếc áo lam giống như chúng ta và phương châm Bi Trí Dũng giống như chúng ta, đã bắt đầu hành trình đào tạo Thanh, Thiếu, Ðồng Niên trở thành những Phật Tử chân chánh và góp phần vào việc cải tạo xã hội theo tinh thần Phật Giáo, nhờ thế mà có chúng ta.’ Và trong số các em, thế nào chẳng có em sẽ khe khẻ hát Quê hương tôi là đây….”.

Nghe và hát Từ Đàm Quê Hương Tôi nhưng tôi chưa bao giờ thắc mắc hay đi tìm hỏi tác giả Nguyên Thông của bài hát là ai, mãi đến hôm nay, khi tác giả qua đời. Người viết bản nhạc là nhạc sĩ Văn Giảng. Ông cũng là tác giả của tình ca nỗi tiếng Ai Về Sông Tương viết vào năm 1949.

Ai có về bên bến sông Tương
Nhắn người duyên dáng tôi thương
Bao ngày ôm mối tơ vương
Tháng với ngày mơ nhuốm đau thương
Tâm hồn mơ bóng em luôn
Mong vài lời em ngập hương…

Và một bài hát mà không một người nào mà không biết, đó là bài Lục Quân Việt Nam.

Đường trường xa muôn vó câu bay dập dồn
Đoàn hùng binh trong sương lướt gió reo vang
Đi đi đi, lời thề nguyền, tung gươm thiêng, thi gan trai
Đời hùng cường quyết chiến đấu đoàn quân ra đi…”

Thêm vào đó, đọc bài ‘Giấc mơ ở hai đầu biển rộng’ của anh Uyên Nguyên mới biết, nhạc sỹ cũng là tác giả một bài hát bất hủ khác: “Tình Em Biển Rộng Sông Dài” mà chúng tôi đã nghe không biết bao nhiêu lần từ khi còn nhỏ cho mãi đến bây giờ.

Hãy nghe Uyên Nguyên kể:

“Ðêm choàng trở giấc mơ ở hai đầu biển rộng, tôi thấy sông và cây cầu tương tư trong nhạc của Văn Giảng chỉ là một, là nỗi khát khao Việt Nam hòa bình, giục dã, ngân dài:”

Hòa bình ơi,
Tình yêu em như sông biển rộng.
Tình yêu em như lúa ngoài đồng.
Tình yêu em tát cạn biển đông.

Hòa Bình ơi, ơi hòa bình ơi
Sao em nỡ lòng kẻ đợi người trông.
Sao em nỡ lòng lúa khô ngoài đồng.
Sao em nỡ lòng.

Người về đây xin may áo cuới
Tặng người yêu vui trong lúa mới.
Tôi đón em đi về. Tôi đón em đi về.
Xây dựng lại tình quê.

Hòa bình ơi, chờ trông nhau như con chờ mẹ
Chờ trông nhau như gió mùa hè
Chờ trông nhau nắng đẹp tình quê
Hòa bình ơi, ơi hòa bình ơi
Ba muơi tuổi đời thoát từ vành nôi
Ba muơi năm truờng khổ đau nhiều rồi.
Về đây hỡi người ơi! Về đây hỡi người ơi…!

(Thông Ðạt, tức Nhạc sĩ Văn Giảng – Tình Em Biển Rộng Sông Dài)

Vì mến mộ những bài nhạc trên của nhạc sỹ, nên hôm nay viết bài thơ ngắn này để tưởng đưa một người anh trong tổ chức GĐPT, một nhạc sỹ tài hoa và khiêm tốn của quê hương Việt Nam.

Tiễn nhạc sỹ NGUYÊN THÔNG – Văn Giảng
Tác giả bài Từ Đàm – Quê Hương Tôi

Nguyên Bồ Đề tâm toả
Thông kinh điển mây bay
Ngô gia tề phước lộc
Văn Tư Tu đong đầy
Giảng cứu trầm luân khổ

Người thăm Tịnh Độ Ta Bà
Yêu thương để lại về nhà Như Lai

Có thể nói sự nghiệp âm nhạc của nhạc sỹ Văn Giảng (Nguyên Thông, Thông Đạt) rất đa dạng, trầm mặc, lờ lững và khắc khoải tựa sông Hương, thanh tao và sâu sắc như biểu tượng Hoa sen trong Phật giáo. Xin cúi đầu thành kính đưa tiễn Giác linh Người và xin chân thành phân ưu cùng tang gia hiếu quyến của nhạc sỹ Ngô Văn Giảng .

Sacramento, May 14th, 2013.
* Tên của hai bài nhạc bất hủ nhạc sỹ Văn Giảng mà người viết rất đam mê từ nhỏ.

 

{jcomments on}

Leave a Reply

Your email address will not be published.