O’ Henry (1862-1910) tên thật là William Sydney Porter sinh tại Bắc
Carolina. Cha là bác sĩ, mẹ mất sớm, ông ở với bà nội. 1882 ông chuyển
đến sống trong một trang trại chăn nuôi ở Texas với hi vọng vượt qua
cơn bệnh. Ít lâu sau, ông viết những truyện ngắn đầu tiên cho các tờ
nhật báo ở đây. Ông làm nhiều nghề khác nhau, phụ việc, bán hàng, viết
báo, ca hát, diễn kịch, nhân viên kế toán… Năm 1992 ông chuyển tới
New York và từ đó báo chí ở đây tràn ngập những truyện ngắn tuyệt vời
kí tên O’ Henry. Truyện của ông nổi bật những đặc điểm như bố cục giản
dị, văn ngắn gọn, cách dùng từ táo bạo, và kết thúc bất ngờ.
*
Xin bạn hãy vả vào mặt tên thi sĩ khi hắn sắp lên tiếng ca tụng với
bạn về tháng Năm (1) – Tháng xuân nhất trong những tháng xuân. Tháng
của bọn tiên, bọn tục, bọn yêu tinh, lùng sục và lảng vảng khắp nơi,
từ thành thị đến thôn quê, đến cả núi rừng.
Thiên nhiên tháng Năm giơ tay cảnh cáo và bảo chúng ta hãy nhớ: Chúng
ta không phải là thần thánh, mà chỉ là những thành viên tự cao tự phụ
trong đại gia đình riêng của nó. Nó nhắc nhở rằng: Tất cả chúng ta đều
là anh em với con lừa, cả con sò trong số kiếp sò hầm của nó. Chúng ta
cùng dòng dõi với cây păng-xê, với con vượn rừng. Chúng ta có dây mơ
rễ má với con bồ câu gù, con vịt cạp, với các chị hầu phòng, với các
anh cảnh sát ở bên ngoài công viên.
Thần tình ái tháng Năm đã tung ra hoả mù: Nhà triệu phú đi cưới cô thư
kí. Những giáo sư uyên bác đi cầu hôn với các cô -mang tạp dề trắng,
miệng nhai chewing-gum- bên quầy các quán ăn nhanh. Các chàng trai vác
chiếc thang lén lút vượt qua đám cỏ, ở đó, có nàng Juliet đang chờ bên
trong cửa sổ lưới mắt cáo với bọc ống nhòm. Các cặp thanh niên nam nữ
vừa đi dạo chơi bên ngoài, lúc về thì đã cưới nhau. Lão già bán rong,
mang ghệt vào giày đi dạo chơi quanh trường học. Ngay cả những gã có
vợ cũng trở nên đa cảm dịu dàng hiếm có, vỗ nhẹ lên lưng vợ thủ thỉ:
“Thế nào em yêu?”.
Tháng Năm mùa xuân, không phải là nữ thần, mà chính là mụ phù thuỷ
Circe (2) cải dạng, tham dự buổi vũ hội chào mừng cô tiểu thư mùa hạ
sắp bước vào đời. Mụ sẽ nện gậy vào đầu chúng ta, sẽ làm tất cả chúng
ta rồ dại lên.
Lão già Coulson hơi rên rỉ, ngồi thẳng dậy trong chiếc ghế của người
bệnh. Lão có bệnh sưng khớp ở chân. Lão có căn nhà gần công viên
Gramercy, có nửa triệu đô la. Có cô con gái, và có một bà quản gia. Sự
thật và tên tuổi của lão ta xứng đáng được kể ra như vậy.
Khi bị tháng Năm – tháng xuân nhất của mùa xuân – thúc giục, lão trở
thành anh em với con chim cu gáy. Bên của sổ, gần nơi lão ngồi, là
những chậu hoa kiểng -hoa trường thọ vàng, hoa dạ lan xanh, hoa phong
lữ đỏ, và hoa tương tư tim tím- toả ra thơm ngát.
Khi cơn gió nhẹ lôi chúng vào phòng. Lập tức, một cuộc thi tài thú vị
diễn ra giữa làn hương thoảng và làn hôi nồng… nặc từ lọ thuốc xoa
bóp. Mùi lọ dầu thuốc thắng thế dễ dàng. Nhưng, chỉ sau khi mùi thơm
của hương hoa đã thốc vào mũi của lão Coulson. Thế là công việc chết
người của tháng Năm lạnh lùng dối trá đã làm xong.
Băng qua công viên chui vào khứu giác của lão Coulson còn có mùi khác
nữa, mang đặc tính không thể lầm lẫn được, đó là bản-quyền-mùi của mùa
xuân trong thành-phố-lớn-trên-đường-ống-
của hang động dưới đất, của ga cống rãnh, của cây hoắc hương, của
thuốc lá, của dầu hôi, của vỏ cam và của mực in giấy báo… hoà nhập
kín đáo vào hương thơm của thiên nhiên, len lỏi trong tiếng hót líu lo
của đàn chim sẻ bay lượn trên không. – Đừng bao giờ tin vào tháng Năm!
Lão Coulson xoe xoe bộ ria mép, nguyền rủa đôi chân, và nện vào cái
chuông trên bàn bên cạnh lão.
Bà Widdup bước vào, bà ta sáng sủa dễ coi, có nét sinh động của lứa
tuổi gần năm mươi, và hơi… cáo.
– Higgins không có ở nhà, thưa ông – Bà ta nói và nhoẻn miệng cười vẻ
mơn trớn – Anh ta đi bỏ thư rồi, tôi có thể giúp gì được không, thưa
ông?
– Tới giờ dùng thuốc aconite (4) của tôi rồi – Lão Coulson nói – Hãy
nhỏ giọt dùm tôi… cái chai đằng kia… ba giọt… trong nước. Thật
là… cái thằng Higgins chết tiệt! Nếu tôi chết ở đây, trong cái ghế
này, cả nhà cũng chẳng ai để tâm đến.
– Đừng nói thế thưa ông – Bà Widdup nói và tỏ ra thông cảm sâu sắc –
Họ sẽ chăm sóc ông chu đáo hơn bất cứ ai. Ông bảo… mười ba giọt,
phải không?
– Ba thôi – Lão Coulson đáp.
Lão đỡ lấy liều thuốc, rồi nắm luôn lấy tay của bà Widdup, nó có thể
xảy ra lắm chứ, chỉ cần bình tĩnh một chút và kéo màn xuống.
– Bà Widdup này, – Lão Coulson nói – Mùa xuân chan chứa trong ta…
– Ừ! Không đúng sao? – Bà Widdup nói – Khí trời thật là ấm áp… có
các bản hiệu bia bốc mọc lên ở mọi góc đường, lại có cả hoa ve..èng,
đỏ, tím, xanh ở ngoài công viên… Tôi cũng có những cơn đau nhức ở
chân và trong người như thế.
– Vào mùa xuân – Lão Coulson vê vê bộ ria mép, trích dẫn thêm… Đồng
ý. Thật ra… người đàn ông… đôi khi, cũng thường có một chút tơ
tưởng… quay về tình cảm yêu đương…
– Thi..iệt hả! – Bà Widdup la lên – không đúng sao? Hình như có lẽ…
nó ở… quanh quẩn đâu đây.
-Vào mùa xuân – Lão Coulson tiếp tục – …Ánh nắng vui tươi, sống
động, và êm ái… toả lan… lên ‘cô bồ câu xinh xắn’…
– Ờ! Dân Ái Nhĩ Le..en ấy. Họ thật là sống động vui tươi. – Bà Widdup
tỏ vẻ buồn buồn.
– Bà Widdup này – Lão Coulson nói, hơi nhăn mặt vì cơn đau nhức ở chân
– Nếu không có bà, căn nhà này sẽ lạnh lẽo quạnh hiu… Tôi thì…
thật ra, tôi già rồi, nhưng tôi có phần sung túc về tiền bạc. Nếu giá
trị của nửa triệu đô la trong kho bạc nhà nước và tình cảm chân thật
của con tim – dù rằng, không còn đập sôi nổi như thời trai trẻ – vẫn
còn rộn rã với…
Một tiếng động lớn của chiếc ghế đổ ở phòng bên cạnh gần màn treo cửa
ra vào, đã cắt ngang lời nói của một nạn nhân đáng tôn kính và chắc
chắn là không ngờ của tháng Năm – tháng xuân nhất trong những tháng
xuân.
Cô Van Meeker Constantia Coulson bước vào. Cô V.M. Constantia Coulson
cao lớn, xương xẩu, mũi thẳng, tuổi ba mươi lăm, tốt giống, và lạnh
lùng. Bạn hữu với nhóm người ngoài công viên. Cô nhìn qua cặp kính cầm
tay, bà Widdup vội vàng khom người sửa soạn băng bó chân ông Coulson.
– Con tưởng là Higgins với ba. – Cô nói.
– Higgins đi vắng – Cha cô giải thích – và bà Widdup vừa nghe tiếng
chuông đã chạy vào… bây giờ thì đã đỡ hơn nhiều. Bà Widdup, cảm ơn
bà… không, tôi không cần gì nữa.
Bà quản gia rút lui, đàng sau là cặp mắt ngờ vực lạnh lùng của cô Coulson.
– Thời tiết mùa này đáng yêu quá, phải không con gái? – Lão Coulson
phát biểu một cách cố tình, có ý thức.
– Chỉ với nó thôi – Cô M.Constantia Coulson đáp lại, có chút hơi khó
hiểu – Khi nào bà Widdup bắt đầu nghỉ phép hả ba?
– Ba tin rằng, bà ta sẽ nói một tuần nữa kể từ ngày hôm nay.
Cô Van Meeker Constantia Coulson đứng trong giây phút bên của sổ, nhìn
chăm chăm về phía công viên nhỏ tràn ngập ánh nắng êm dịu của buổi
chiều.
Với cặp mắt nhà thực vật học, cô ta quan sát những bông hoa – vũ khí
lợi hại nhất của tháng năm quỉ quyệt. Với cảm xúc lạnh lẽo như các
trinh nữ thành Cologne, cô chịu đựng sự tấn công của cái êm dịu ấm áp
và lâng lâng. Tia nắng chiều ấm áp đã phải dội ngược lại trước lớp bọc
băng giá của cái tâm hồn lạnh lẽo đóng băng của cô. Mùi hương thơm cây
cỏ đã không lay động được cảm xúc yêu đương trong trái tim đang ngủ –
và chưa in dấu chân người khai phá – của cô. Tiếng hót líu lo của bầy
chim sẻ làm cô khó chịu. Cô nhạo báng tháng Năm, tháng xuân nhất của
mùa xuân.
Nhưng mặc dù cô Coulson đã chống cự được thời tiết quyến rũ của mùa
xuân, cô cũng cảm thấy thấm thía nhận thức được quyền lực của nó. Cô
biết rằng, có những người đàn ông sắp già và những mụ sồn sồn nhảy
tưng tưng lên như những con bọ chét được dạy dỗ thuần thục trong bầu
đoàn nhố nhăng của tháng Năm – tháng bỡn cợt vui vẻ nhất trong mọi
tháng. Trước kia, cô đã từng nghe về những lão già quí phái khờ khạo
đi cưới bà quản gia. Xét cho cùng, thật là xấu hổ cái mà người ta gọi
là tình yêu.
Sáng hôm sau, lúc 8 giờ, một gã bán nước đá được mời gọi đến, người
đầu bếp bảo gã rằng cô chủ Coulson muốn gặp gã ở tầng hầm nhà.
– Ô! Tôi không phải là Olcott hay Depew (5), không cần xưng tên tuổi
chút nào chăng? – Gã bán nước đá nói, vẻ tự thán phục mình.
Rồi như một sự nhân nhượng, gã rũ tay áo xuống, móc caí khoèo nước đá
lên cây, rồi bước đi theo. Khi cô Coulson tiếp chuyện, gã gỡ mũ xuống.
– Có cổng sau dẫn đến tầng hầm này – Cô Coulson nói – bằng lối ấy, có
thể lái xe tới lô đất trống cạnh cửa ra vào, nơi người ta đang đào hố
để xây cất. Tôi muốn anh mang đến cho tôi trong hai giờ, nửa tấn nước
đá. Anh có thể mang theo một, hai người để phụ với anh. Tôi sẽ chỉ cho
anh chỗ tôi muốn đặt. Tôi muốn anh mang tới liên tục trong bốn ngày
liền, mỗi ngày nửa tấn nước đá. Tôi sẽ thanh toán tiền bạc đầy đủ. Và
đây, công khó của anh.
Cô Coulson chìa ra tờ giấy bạc mười đô la. Gã bán đá vội nghiêng mình
cuối đầu, giữ mũ bằng hai tay ở sau lưng và nói:
– Bây giờ, cho tôi xin lỗi cô. Thật sẽ là điều sung sướng được làm bất
cứ việc gì theo ý muốn sắp đặt của cô.
Ôi, Tháng Xuân!
Vào khoảng buổi chiều, lão Coulson la hét Higgins, cùng một lúc, lão
hất văng cái ly trên bàn và đập phá cái chuông báo.
– Hãy mang cái rìu ra đây – Lão hạ lệnh, và mỉa mai chua chát – hay
đem ra đây một chai acid cyanhydric. Hoặc kêu cảnh sát đến bắn tôi đi,
tôi còn thích hơn để cái lạnh làm tôi chết cóng thế này.
– Thời tiết dường như lạnh hơn, thưa ông – Higgins nói – tôi không để
ý nó trước đây. Tôi sẽ đóng cửa sổ lại, thưa ông.
– Ừ! Đóng đi. – Lão Coulson nói – Trời như vầy mà gọi là xuân, nếu
thời tiết cứ tiếp tục lạnh lẽo như thế này có lẽ tôi sẽ về bãi biển
Palm. Căn nhà cứ như là nhà ướp xác ấy.
Một lát sau, cô Coulson vào, tỏ vẻ ngoan ngoãn, lễ phép hỏi thăm bệnh
tình của lão xem đỡ chưa.
– Constantia – Lão già nói – Bên ngoài, trời như thế nào?
– Sáng sủa – Cô Coulson trả lời – nhưng lạnh lẽo.
– Với ba, ba cảm thấy dường như là đang giữa mùa đông – Lão Coulson nói.
– Một cá biệt – Cô Coulson nói và nhìn lơ đãng ra ngoài cửa sổ – ‘…
của mùa đông rơi rớt giữa lòng mùa xuân’. Mặc dù điều ví von này chẳng
phải là điều tinh tế hay ho lắm.
Sau đó, cô ta xuống nhà ra ngoài, băng ngang qua công viên, hướng về
phía tây đến khu Broadway (6), để hoàn thành sứ mạng mua sắm đồ linh
tinh vặt vãnh của cô ta.
Cùng sau đó một chút, khi cô Coulson vừa rời khỏi, bà Widdup liền bước
vào phòng người bệnh.
– Ông gọi tôi phải không, thưa ông? – Bà ta hỏi với vẻ e dè – tôi đã
nhờ ông Higgins đến hiệu thuốc… Tôi tưởng, tôi đã nghe chuông gọi
của ông.
– Tôi không gọi – Lão Coulson đáp cộc lốc.
– Tôi e rằng – bà Widdup – Tôi đã làm …cách …queẽng câu chuyện của
ông hôm qua, khi ông sắp nói về điều gì đó…
– Thế nào? – Lão nói vẻ nghiêm trang – rằng …tôi thấy trời lạnh quá
ở trong nhà này phải không?
– Lạnh hả, thưa ông – Bà quản gia nói – Ừ, tại sao… bây giờ nghe ông
nói, tôi cảm thấy trong phòng này lạnh thiê..ệt. Nhưng mà ở bên ngoài
cửa, thời tiết vẫn đẹp và ấm như tháng sáu… Thưa ông, mùa này như
thế nào ấy, cứ như trái tim nhảy ra khỏi lồng ngực. Thưa ông … và dây
thường xuân bỏ mặc ngoài hiên… và người ta chơi đàn phong cầm… và
lũ trẻ nhảy nhót nô đùa ngoài hè phố – đây là lúc tuyệt vời để thốt ra
những gì từ trong con tim. Ông có nói như thế hôm qua, thưa ông.
– Cái mụ này! – Lão Coulson gầm lên – mụ là con mẹ ngu xuẩn, tôi trả
lương cho mụ để chăm sóc cái nhà này. Tôi đang lạnh muốn chết trong
căn phòng này. Mụ lại đến nói nhăng nói cuội với tôi về cây thường
xuân, về đàn đại phong cầm, về… về… Đi lấy cho tôi cái áo lạnh mau
lên… Xem xét cửa nẻo bên dưới đóng hết chưa. Mụ già mập, thiếu tinh
thần trách nhiệm, cứ huyên thuyên bá láp về mùa xuân, mùa đông! Khi
nào Higgins về, bảo hắn mang cho tôi một ít rượu punch nóng(7). Còn
bây giờ xéo đi!
Nhưng ai có khả năng làm xấu mặt tháng Năm? Dù rằng mụ đểu cáng, là kẻ
hay quấy nhiễu đàn ông vui vẻ đàng hoàng. Tính ma lanh mưu mẹo láu cá
của cô trinh nữ khôn ngoan và với cả cái kho đá ướp lạnh, cũng không
bắt mụ ta cúi đầu khuất phục trong thời điểm rực rỡ nhất của tháng
xuân.
Ồ. Vâng, câu chuyện chưa phải là hoàn toàn chấm dứt.
Qua một đêm, vào buổi sáng, Higgins giúp lão Coulson đến ngồi lên
chiếc ghế của lão cạnh của sổ. Cái lạnh trong căn phòng không còn nữa.
Hương thơm êm dịu tuyệt vời của thiên nhiên lại đến.
Bà Widdup vội vã, đến đứng sát bên cạnh chiếc ghế lão ta. Lão Coulson
đưa bàn tay xương xẩu ra và nắm chặt lấy bàn tay tròn trĩnh múp míp
của bà.
– Bà Widdup này – Lão ta nói – Cái nhà này sẽ quạnh hiu lạnh lẽo nếu
không có bà. Tôi có nửa triệu đô la. Nếu số tiền đó và tình cảm chân
thật của con tim – dù rằng nó không còn trong thời trai trẻ nữa –
nhưng nó không nguội lạnh…vẫn còn có thể…
– Tôi đã khám phá ra cái gì làm cho nó lạnh rồi – Bà Widdup nói và dựa
sát vào ghế của lão. – Đó là nước đá! Cả tấn – ở tầng hầm, ở phòng lò
sưởi, ở khắp nơi…Tôi đã đóng các cửa thông gió không cho nó dẫn đến
phòng ông. Ông Coulson tội nghiệp! … và bây giờ, tháng Năm mùa xuân đã
trở lại.
– Ôi. Một trái tim chân thật! – Lão Coulson nối tiếp như trong mê sảng
– mùa xuân đã quay về cuộc sống của tôi… À! Mà này, bà Widdup. Tôi
sẽ ăn nói ra sao với con gái của tôi đây?!
– Ồ. Ông đừng sợ! – Bà Widdup hoan hỉ nói – cô Coulson đã trốn theo gã
bán nước đá tối hôm qua rồi.
1) Mùa xuân Bắc Mĩ thường bắt đầu từ cuối tháng Ba, tháng Năm là giữa
xuân, khí lạnh giảm nhiều, thời tiết chuyển sang ấm áp, con người trở
nên yêu đời hơn.
2) Circle: Mụ phù thuỷ dùng gậy biến người thành súc vật trong tác
phẩm Odyssey của Homer (Hy lạp)
3) Ám chỉ New York.
4) Aconite: Loại thuốc trích từ rễ cây phụ tử. Mục đích giảm phong
hàn, thông kinh lạc. Bổ hoả trợ dương.
5)Tên của một nghệ sĩ và đại tư sản nổi tiếng thời đó.
6) Broadway: Khu thương mại và giải trí, nổi tiếng về sân khấu kịch
nghệ của New York.
7) Loại rượu mạnh pha đường sữa chanh…{jcomments on}
…………………………..