Một Nơi Thú Vị

Truyện ngắn của E. Hemingway

Chuyển ngữ: Trần Ngọc Phương

Ernest Hemingway (1899-1961), nhà văn Mĩ, sinh ở Oak Pank, Illions,
một vùng ngoại ô của Chicago. Học xong phổ thông, ông làm phóng viên.
Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, ông tham gia trong đội cứu thương
ở mặt trận Ý. Sau chiến tranh, ông sống ở Paris và bắt đầu viết văn.
Ông tham gia với tư cách thông tín viên mặt trận trong cuộc nội chiến
Tây Ban Nha và trong chiến tranh thế giới lần thứ hai. Sau đó ông tiếp
tục sáng tác, nhận giải thưởng Pulitzer 1953 và đoạt giải Nobel văn
học 1954. Ông nghiện rượu nặng và mất (tự vẫn) ở Idaho 1961.

Nhiều tác phẩm danh tiếng của E. Hemingway đã được dịch sang tiếng
Việt như: Chuông Gọi Hồn Ai, Ngư Ông và Biển Cả, Giã Từ Vũ Khí, Tuyết
Trên Đỉnh Kikimanjaro…Ông là nhà văn Mĩ được giới thiệu rộng rãi
nhất ở Việt Nam.

………………………….

Đêm về khuya, mọi người rời khỏi quán rượu, chỉ còn một lão già ngồi
dưới bóng tàn cây ngược ánh đèn đường. Ban ngày con đường đầy bụi
nhưng về đêm, sương đã làm bụi lắng xuống. Lão già thích ngồi muộn,
lão bị điếc. Bây giờ đêm đã hoàn toàn yên tĩnh, nên lão cảm thấy có
chút gì khang khác. Hai gã bồi ở bên trong quán biết lão hơi say, và
mặc dù lão là một khách hàng tốt, nhưng họ biết, nếu lão say quá lão
sẽ bỏ đi mà không trả tiền, thế nên họ phải canh chừng lão.

– Tuần trước lão cố tự vẫn – Một gã bồi nói.

– Tại sao?

– Lão tuyệt vọng.

– Về điều gì?

– Chẳng về điều gì.

– Làm sao anh biết là chẳng về điều gì.

– Lão có nhiều tiền.

Họ ngồi trên cái bàn đặt sát tường, cạnh cửa ra vào và nhìn ra ngoài
sân hiên. Mọi bàn ghế đều trống rỗng chỉ trừ còn lão già, lão ngồi
dưới bóng tàn cây đang lay động nhè nhẹ trong gió. Một cô gái và một
anh lính đi qua, đèn đường chiếu sáng lên con số bằng đồng trên cổ áo
anh lính. Cô gái không trùm đầu vội vã đi bên cạnh.

– Cảnh vệ sẽ tóm lấy anh ta – Một gã bồi nói.

– Có hề gì, nếu hắn đạt được cái điều hắn có sau đó?

– Tốt hơn là anh ta nên rời khỏi con đường ngay bây giờ. Nếu không,
cảnh vệ sẽ tóm cổ. Họ vừa đi ngang qua cách đây năm phút.

Lão già ngồi dưới bóng cây lấy ly gõ vào đĩa. Gã bồi trẻ đi đến.

– Ông gọi gì?

Lão nhìn gã.

– Một ly nữa – Lão nói.

– Ông sắp say rồi – Gã bồi nói. Lão nhìn gã chằm chằm, gã bỏ đi.

– Lão sẽ ở lại đây suốt đêm – Gã nói với bạn đồng nghiệp – Bây giờ tôi
buồn ngủ quá, tôi chưa bao giờ được lên giường trước ba giờ sáng. Lão
chết quách đi hôm tự vẫn tuần trước, thì có hay hơn không.

Gã bồi lấy chai rượu và một cái đĩa khác từ trong quầy mang ra cho
lão. Gã đặt đĩa xuống bàn và rót rượu vào ly.

– Ông nên chết đi vào tuần trước thì tốt hơn – Gã nói với người điếc.
Lão già dùng ngón tay ra hiệu – Thêm chút nữa – Lão nói. Gã bồi rót
rượu vào đầy tràn đến nỗi chảy xuống chân ly thành vũng trên mặt đĩa –
Cảm ơn – Lão nói. Gã bồi mang chai rượu vào quán. Gã ngồi trở lại vào
bàn với bạn đồng nghiệp.

– Lão say rồi – Gã nói.

– Lão say mọi đêm.

– Tại sao lão muốn tự vẫn.

– Làm sao tôi biết được.

– Lão làm thế nào?

– Lão treo cổ bằng một sợi dây.

– Ai hạ lão xuống.

– Cháu gái lão.

– Tại sao họ làm điều đó?

– Sợ cho linh hồn của lão.

– Lão có bao nhiêu tiền?

– Lão có nhiều.

– Chắc lão phải tám mươi tuổi.

– Tôi chắc là lão tám chục.

– Ước gì lão về nhà. Tôi chưa bao giờ được ngủ trước ba giờ. Chừng nào
mới đi ngủ đây?

– Lão thức khuya vì lão thích thế.

– Lão cô đơn. Tôi không cô đơn. Tôi có vợ đang chờ trên giường.

– Lão cũng đã một lần có vợ.

– Một người vợ có lẽ chẳng tốt bây giờ cho lão.

– Ai mà biết được. Biết đâu có người vợ, lão sẽ tốt hơn.

– Cháu gái lão chăm sóc lão. Anh nói cô ta mang lão xuống.

– Tôi biết.

– Tôi không muốn có cái già như thế. Một người già là một cái gì bẩn thỉu.

– Không hẳn thế. Lão già này sạch sẽ. Lão uống mà không làm đổ nước.
Ngay cả bây giờ, đang say. Hãy nhìn kìa.

– Tôi không cần phải nhìn lão. Tôi muốn lão đi về. Lão không để ý đến
những người phải làm việc.

Lão già nhìn ra quảng trường qua ly rượu, rồi quay về phía những gã bồi.

– Một ly nữa – Lão nói và trỏ tay vào ly.

Gã bồi, kẻ-vội-vã, đi đến.

– Hết rồi – Gã nói, lời nói thiếu cú pháp của người đần độn dùng khi
nói với kẻ say rượu hay người ngoại quốc – Tối nay, không còn nữa.
Đóng cửa bây giờ.

– Ly nữa – Lão già nói.

– Không. Hết rồi – Gã lắc đầu và rút khăn lau bàn.

Lão già đứng dậy, chầm chậm đếm số đĩa, rồi rút chiếc ví da trong túi
ra trả tiền và để lại nửa Peseta(1) tiền trà nước.

Gã bồi nhìn lão đi xuống con đường. Một người rất già đang đi lảo đảo
nhưng đường hoàng chững chạc.

– Tại sao anh không để lão ở lại uống – Gã-bồi-không-vội-vã hỏi. Họ
đang bắt đầu đóng cửa quán – Chưa tới hai rưỡi mà.

– Tôi muốn về nhà đi ngủ.

– Giờ giấc có nghĩa gì nào?

– Có nghĩa với tôi hơn với lão.

– Giờ gì cũng thế.

– Anh nói như chính anh là một lão già. Nhưng, lão có thể mua một chai
rượu và uống ở nhà.

– Nó không giống như vậy.

– Vâng, nó không giống – Gã bồi-có-vợ đồng ý. Gã không muốn trái lẽ.
Gã chỉ phải vội vã .

– Và anh. Anh không sợ về nhà trước giờ thường lệ?

– Anh chực lăng mạ tôi?

– Không, anh bạn. Tôi chỉ đùa.

– Không – Gã-bồi-vội-vã nói và đứng dậy sau khi kéo cánh cửa lá xếp
xuống – Tôi có sự tự tin, tôi hoàn toàn tự tin.

– Anh có tuổi trẻ, sự tin tưởng, và công việc. Gã bồi già hơn nói –
Anh có tất cả mọi thứ.

– Còn anh, anh thiếu thứ gì?

– Tất cả, trừ công việc.

– Anh có mọi thứ như tôi.

– Không. Tôi chưa bao giờ có sự tự tin và tôi không còn trẻ.

– Nào ngưng nói bậy. Thôi đóng cửa lại.

– Tôi thuộc những kẻ thích ở lại muộn trong quán rượu – Gã bồi già hơn
nói – Với những kẻ đó họ không muốn đi ngủ. Và những kẻ đó họ cần ánh
sáng trong đêm.

– Tôi thì muốn về nhà và leo lên giường.

– Chúng ta thuộc hai loại người khác nhau – Gã bồi già hơn nói. Và bây
giờ gã thay quần áo để về nhà – Không phải chỉ là vấn đề tuổi trẻ hay
sự tin tưởng, mặc dù những cái này thì rất đẹp. Mỗi đêm tôi phải miễn
cưỡng đóng cửa. Bởi vì, có lẽ, có một kẻ nào đó cần đến quán rượu.

– Có những cửa hàng rượu mở cửa suốt đêm. Ông bạn ạ.

– Anh không hiểu. Đây là một quán rượu sạch sẽ và thú vị. Nó sáng sủa.
Ánh sáng khá đủ. Hơn nữa, này, có bóng râm của tàn cây.

– Tạm biệt nhé – Gã bồi trẻ nói.

– Tạm biệt – Gã bồi già hơn đáp. Gã tắt đèn và tiếp tục chuyện trò với
chính mình – Có ánh sáng. Dĩ nhiên, nhưng điều cần thiết phải là nơi
sạch sẽ và thú vị. Người ta không cần âm nhạc. Chắc hẳn, người ta
không cần âm nhạc. Và kể cả cũng không cần đứng trước quầy rượu với
thái độ chững chạc, mặc dù tất cả là điều cần có cho những lúc đó. Gã
sợ gì? Không phải sợ hay kinh hãi. Gã biết rất rõ nó thì không gì. Tất
cả thì không có gì và con người cũng không là gì. Chỉ có thế. Và ánh
sáng là tất cả. Nó cần thiết phải có, chắc chắn thêm một chút sạch sẽ
và ngăn nắp. Một số người sống ở đó, nhưng họ chưa bao giờ cảm thấy.
Riêng gã, gã biết nó, tất cả là không có gì, và tốt, không gì và chẳng
gì, và tốt chẳng có gì. … Không gì của chúng ta ở trong không gì.
Không gì nguyện danh không gì cả sáng. Vương quốc không gì trị đến.
Không gì thể hiện ở chỗ không gì, cũng như trong không gì. Xin cho
chúng ta hôm nay cái không gì hằng ngày. Và tha thứ không gì cho chúng
ta, cũng như chúng ta tha cho kẻ không gì với chúng ta. Xin chớ để
chúng ta sa vào cái không gì; tốt, không gì.(2)..Kính mừng không gì
đầy ơn không gì, không gì ở cùng ngươi…. Gã mỉm cười đứng trước quầy
rượu cạnh cái máy pha cafe bằng áp suất hơi nước bóng loáng.

– Ông dùng gì? – Người phục vụ quầy rượu hỏi.

– Nada* (không gì)

– Otro loco mas* (điên khùng) – Người phục vụ nói và quay đi.

– Một ly nhỏ – Gã bồi già nói.

Người phục vụ rót rượu cho gã.

– Ánh sáng thì khá sáng sủa và dễ chịu. Nhưng quán rượu thì không tao
nhã – Gã nói.

Người phục vụ nhìn gã, không trả lời. Đêm đã quá muộn để có thể trò chuyện.

– Ông cần một ly nữa? – Người phục vụ hỏi.

– Không, cảm ơn – Gã nói và đi ra. Gã không thích những của hàng rượu,
những tiệm rượu. Một quán rượu sạch sẽ và sáng sủa lại là vấn đề hoàn
toàn khác. Bây giờ không nghĩ ngợi gì xa hơn. Gã sẽ về nhà vào phòng
của gã. Gã sẽ nằm trên giường và sau cùng, lúc tảng sáng, gã sẽ ngủ.
Cuối cùng, gã tự nhủ, có lẽ chỉ là chứng mất ngủ mà nhiều người thường
hay mắc phải. Chắc có lẽ vậy.

*

1) Peseta: Tiền Tây ban nha, 100 Centimos tương đương 1 Peseta.

2) Nhại lời ‘Kinh Lạy Cha’ , và phần đầu ‘Kinh Kính Mừng’ trong Ki Tô Giáo.

* Tiếng Tây Ban Nha.{jcomments on}

Leave a Reply

Your email address will not be published.