Cái chữ này gợi lên trong bạn điều gì? Chức năng của khứu giác? Hương
thơm của bông hoa? Vẻ du dương của bản nhạc lãng mạn? Hay nét diễm
tình trong quyển tiểu thuyết lâm ly? Với tôi, chỉ đơn giản là một cái
tên. Nhưng cái tên đó nói lên đủ thứ điều nó muốn nói. Đó là tên gọi
của một người con gái. Và người con gái ấy có tuổi tượng trưng bằng
một con vật dễ thương trong mười hai con giáp như tên đã gọi. Và cá
tính của người con gái ấy cũng giống như cái tên của mình, rất mùi,
rất lãng mạn. Tôi không biết bắt đầu từ đâu, vì câu chuyện của tôi
không có một cái bắt đầu rõ ràng để tôi có thể nhớ ra và cũng như
không có một cái kết thúc để tôi xác định lúc nào, nó lơ lửng không
đầu và không đuôi, một dạng mơ hồ phiêu lãng.
Hằng ngày tôi vẫn đến trường đi học đều đặn, xong cũng về nhà đều đặn,
ngày nào cũng thế, một ngày như mọi ngày, và mọi ngày như một ngày.
Bạn sẽ nói ngay ai cũng vậy chứ riêng gì ông? đúng rồi, khỏi bàn cãi,
nhưng có khác nhau chút chút đó. Đó là giờ ra chơi, bạn có giống tôi
không, lớp học tôi ở lầu ba, giờ ra chơi tôi thường ra ngoài hành lang
giải lao, đứng trông vời xa xăm, dõi mắt lên trời nhìn chim bay, đăm
chiêu xuống đất coi kiến chạy. Nhưng thường là đi nhiều hơn là đứng,
đi cho giãn gân cốt, như bạn cũng biết đó cứ trống trước mặt là tôi đi
tới, hành lang nhà trường chính là lộ trình kinh lý hằng ngày cửa
thằng tôi,
Một hôm trong hành lang lầu hai, tôi đang đi bỗng nghe tiếng ai đó xầm
xì và cười khúc khích ở phía sau, lưng tôi thấy nhột. Lưng nhột làm
cái đầu tôi cũng nhột, tôi quay lại thì vừa bắt gặp một ánh mắt vừa
quay đi, tôi chưa kịp nhận dạng khuôn mặt ra sao tôi cũng quay đi. Mọi
sự việc xảy ra hằng ngày, hằng bữa cũng trôi qua, nhưng ánh mắt tròn
xoe đó thì ở lại…trong trí nhớ. Xong, hết chuyện của ngày hôm đó,
chuyện thường tình có thế thôi. Hôm đó không chuyện gì để có thể nói
tiếp được với bạn. Hôm sau mới có chuyện đáng để nói ra.
Bổn cũ soạn lại, tôi vẫn kinh lý đúng giờ giấc giải lao, và cũng qua
đoạn đường đó đúng lúc, tôi thấy đôi mắt tròn xoe như đôi mắt con chim
bồ câu, đứng đó. Tôi từ từ bước tới đôi mắt hỏi bâng quơ, Còn tiết học
sau nữa phải không? Có lẽ đây là câu hỏi vô duyên nhất trong các câu
làm quen hơi có duyên của tôi. Nhưng nó lại là câu bắt chuyện tự nhiên
nhất, khỏi cần gãi gáy ấp úng lập cà lập cập. Câu mở đầu như thế, cứ
như là chúng tôi đã quen biết nhau từ lâu, gặp lại hỏi thăm tình hình
gia cảnh sức khoẻ cha mẹ họ hàng anh em của nhau.
Tôi đã đọc biết bao nhiêu sách vở về cách làm quen với con gái, nhất
là quyển Thuật Yêu Đương của cụ Nguyễn Duy Cần cả một quyển sách dày
cộm, tôi đọc một lèo mờ mắt bở hơi tai, chỉ còn nhớ được duy nhất có
chi tiếc này – muốn biết thêm ít chiêu nữa thì không đào đâu ra, bởi
vì xem xong quyển sách là tôi bán ngược lại cho hàng sách cũ, rồi mua
loại sách khác có như thế mới đọc được nhiều và ít hao tài hơn nếu giữ
lại làm của – Cứ tự nhiên như người Hà Nội, tỉnh queo như người Ăng
Lê, thêm chút lịch sự có thừa của Phú Lang Sa là ăn tiền. Cô nàng hình
như cũng đọc đúng cùng quyển sách tôi đã đọc hay sao ấy, cô biết rõ
điều gì sắp xảy ra khi một anh chàng bước đến hỏi thăm một vài câu vớ
vẩn, và cô dự đoán phần xảy ra kế tiếp sẽ là gì. Nên tôi có cảm giác
hình như cô cũng coi tôi là người thân của cô, ánh mắt vui vẻ thiếu
điều muốn vỗ vai tôi nói, này anh bạn lâu ngày gặp lại tướng tá không
đến nỗi te tua lắm coi cũng tàm tạm còn đủ tay chân, mặt mũi chưa có
vết sẹo của kẻ hận đời đen bạc.
Cô sinh viên có đôi môi cong tươi cười, xoe tròn mắt nhìn chằm chằm
vào tôi rồi thốt lên hỏi: Ngày nào cũng đi dạo lòng vòng hoài không
mỏi chân sao? À há, thôi đích thị thứ dữ rồi, cô ta không những không
e ngại vì sự đường đột chào hỏi trực tiếp của tôi, mà móc ngoéo lại
một câu chọc quê tôi. Tôi ngạc nhiên vì đòn phủ đầu này. Từ thế chủ
động biến thành thế bị động. Tôi bị bất ngờ nên bí, trở tay không kịp
không nhanh mồm nhanh miệng như cô ta được, chỉ đứng đơ người ú ớ như
mếu. Thật là quê độ! Tôi đứng sững như Từ Hải bị chém. Có lẽ sách cô
đọc kĩ hơn tôi, nên cô vận dụng nhuần nhuyễn hơn, biết mình sẽ phải
làm gì kế tiếp khi đối phương bị đơ người, đứng thộn mặt ra như vậy.
Cô rùn vai mỉm cười rồi quay bước tới bờ thành hành lang chờ đợi, như
gợi ý muốn tôi cùng đến đó đứng chung. Tôi gượng gạo bước đến. Rồi cả
hai không nói gì, cả hai chỉ đứng nhìn trời nhìn đất, tôi nhìn ra xa
xa. Bây giờ tôi chẳng thấy chim bay, cũng chẳng thấy kiến chạy, mà
thấy hơi vui vui hơi ngài ngại hơi ngường ngượng. Lớp học anh ở lầu ba
phải không? Tôi gật đầu. Sau đấy là những câu hỏi giống như mật thám
điều tra tội phạm. Tôi chỉ phải trả lời hoặc là có, hoặc là không mà
thôi, không cần dài dòng giải thích, vì hình như cô đã biết tôi từ
lâu. Tiếng chuông reng báo hiệu hết giờ giải lao. Chuông reng thế là
hết, giải tán, mạnh ai nấy về chỗ cũ, cô nàng cười thêm một phát rồi
nói, thôi ta về lớp. Tôi vừa nói chuyện với ai vậy cà? Một cô nàng học
năm thứ ba cùng bộ môn, tôi đoán thế, cô ta tên gì? tôi không biết,
tôi đã không hỏi tên. Bắt đầu câu chuyện ‘bạn bè’ của tôi như thế kể
cũng lạ.
Cũng không biết chúng tôi đã hẹn hò nhau lúc đầu tiên ở đâu, và từ khi
nào. Tôi chỉ nhớ mỗi buổi chiều tối Mùi đến nhà nhấn chuông – A, nàng
tên là Mùi sau này tôi mới biết, nhưng nàng tự nói ra, bởi vì khi gặp
nàng thì tôi quên hết mọi dự tính – tôi ra đón và cùng nhau đi lang
thang khắp các con đường ở quận Ba Sài Gòn, quanh Trường Nguyễn Thị
Minh Khai, chùa Xá Lợi kề bên. Rồi dần dần đi dọc đường Đoàn Thị Điểm,
Bà Huyện Thanh Quan. Những con đường vắng vẻ thơ mộng.
Thời gian cứ như thế trôi đi. Chúng tôi thường đi dạo chơi vào những
buổi chiều cuối tuần. Những buổi chiều sau đó…Một hôm gặp nhau. Mùi
nói tặng cho tôi cái này, nàng mở tập ra lấy vài chiếc lá cây màu đỏ
sậm, trên đó có viết những chữ bằng mực tím đậm. Nàng chận lại không
cho tôi đọc ngay, mà bảo về nhà rồi hãy mở, rồi nàng đặt vào tập vở
của tôi, khép tập lại, và nhìn tôi nhoẻn miệng cười.
Những lúc đó, tôi nhìn em kinh ngạc,
Hồn mất dần trong cặp mắt lưu ly…(Kỳ nữ, Đinh Hùng)
Coi như xong chuyện, chúng tôi tiếp tục thượng lộ như mọi khi. Vào
thời tiểu học, tôi và lũ bạn cũng thường hái lá ép vào tập vở, để cho
khô, khô lắm, chiếc lá chỉ còn là những sớ gân đan chen như mạng nhện
màu nâu sẫm trông đẹp mắt, rồi tặng nhau rất vô tư, với mong muốn học
bài cho mau thuộc, nhưng:
Tặng nhau chiếc lá thuộc bài,
Ép vào tập vở, học hoài thuộc đâu?(Trầm Tưởng-NCM)
Chuyện viết thư trên lá cây gởi nhau, tôi tưởng chỉ có trong tiểu
thuyết, bây giờ tôi lại nhận được, tôi thấy hơi làm sao ấy, hơi ngồ
ngộ, nhưng mà cũng vui vui. Vào thời ấy không hiểu sao đầu óc tôi lại
thuộc nhiều thơ, thấy vật gì trước mắt là sẽ có vần thơ hiện ra ngay.
Lúc nhận mấy chiếc lá trong tôi nghĩ ngay đến mấy câu thơ tôi đã thuộc
nằm lòng khi xưa đó:
Ai trao gửi lời thề trên xác lá,
Để vầng trăng tìm mãi dấu chân xưa?…(Cánh chim dĩ vãng, Đinh Hùng)
Những câu thơ này vương vấn tôi suốt thời trung học, bây giờ tôi lại
được trải nghiệm với lời thư trên xác lá. Hình như đây là lá non đỏ
của cây trạng nguyên được ép lại, loại lá cây ‘nhất phẩm hồng’ này là
tượng trưng cho sự thánh thiện, sức mạnh, hy vọng và lạc quan trong
cuộc sống. Và có lẽ lá héo nên có màu tím bầm, nghĩ thế nhưng tôi
không chắc lắm. Trong mối ‘bạn bè’ này tôi hoàn toàn ngơ ngác với kiểu
ứng xử lạ lùng của Mùi, nàng đã dẫn tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc
nhiên khác, mỗi khi cô nàng có làm một hành động gì đó thì hầu như
đoán được phản ứng sẽ xảy ra kế tiếp của tôi.
Tôi kết bạn với nàng với lý do đơn giản là thằng con trai thấy đứa con
gái dễ coi, mà nàng thì đẹp. Nhưng tôi tự hỏi mình có điểm gì đặc biệt
để Mùi chú ý, để được lọt vào mắt xanh của nàng, vì vẻ ngoài thì chẳng
gây ấn tượng chút nào. Loại như tôi chỉ một cái với tay là hốt cả
đống, hoặc nắm đầu thằng tôi thảy vào đám đông, một phút sau lẫn mất
tiêu tìm đâu cho thấy. Nghĩa là mặt mũi tầm tầm, về lanh lẹ thì chưa
thấy ai khen, về vụng về thì có khen chút chút, về ngờ ngệch thì
…đích thị là đúng là nó rồi, một tên ngờ nghệch, nhưng chưa chắc, ai
lại thích một tên ngờ nghệch. Hay là Mùi chú ý là những tài vặt của
tôi, nhưng tôi đâu có cơ hội thi thố, và tôi cũng chưa hề có ý định
dỏm như thế bao giờ, tôi chịu thua không nghĩ ra. Hay là có lẽ tôi
thường luôn cười ruồi, chẳng bao giờ phản kháng ý kiến hay lời đề nghị
của nàng, mà nàng thì chỉ cần một ông phỗng như thế. Chắc là vậy rồi,
nàng chỉ cần đến một bức tượng biết cười và biết đi. Những lời gì cụ
thể viết bằng mực tím trên lá ép, tôi không còn nhớ rõ, nhưng chắc
chắn có chữ ‘nhớ’ và có tên tôi, tôi nhớ là nàng viết chữ rất đẹp, rất
có hoa tay. Trong khoảng thời gian ngắn mà tôi nhận đến mười mấy lá
thư “lá cây” như thế, hình như nàng viết trên lá để thoả mãn sở thích,
để có dịp thể hiện nét chữ đẹp, bày tỏ tình cảm với lá cây trạng
nguyên hơn là với tôi, bởi vì chẳng bao giờ hỏi lại tôi đã đọc nó
chưa. Chẳng bao giờ nói nàng rằng…
Đây bài thơ cuối cùng em viết cho anh.
Em viết cho anh bài thơ mộng ước.
…chứa chan u buồn,
….Xót xa những giờ, đã đem theo vào… hồn thơ.(Bài thơ cuối cùng,
Hoàng Thi Thơ)
Nhiều thứ bảy chủ nhật kế tiếp, mấy tháng sau không còn đường nào gần
đó không đi nữa, chúng tôi tiến đến thám hiểm vùng xa hơn, những con
đường có tăm tiếng. Con đường nào tôi đi? Tôi và Mùi đi qua những con
đường, nói đúng hơn là Mùi đưa tôi đi qua những con đường mà thời
trung học ở nơi tỉnh lẻ tôi được biết qua các bản nhạc trữ tình, hay
được miêu tả trong các truyện ngắn đăng trên các nhật báo hay tạp chí
thời ấy. Con đường Duy Tân cây dài bóng mát.(Trả lại em yêu, Phạm Duy)
Đúng là cứ độ chiều tà, con đường Duy Tân nối dài từ đoạn bắt đầu Hiền
Vương chạy ngang trường Luật, qua Hồ Con Rùa thẳng tắp đến sau lưng
nhà thờ Đức Bà, với hàng cây cao dọc hai bên che rợp bóng mát rất đẹp.
Đoạn đường này trước kia tôi vẫn chạy xe ngang qua vẫn thấy đẹp nhưng
bây giờ lại thấy ý nghĩa hơn khi cùng đi với Mùi. Mà hình như ông nhạc
sĩ của bài hát ấy, mấy năm về trước có dẫn bạn gái qua đây hay sao mà
ông diễn tả đúng như tôi thấy quá. Con đường Duy Tân cây dài bóng mát,
ai cũng biết và ai cũng nói được như thế. Nhưng ‘buổi chiều khuôn viên
mây trời xanh ngát’ thì sao? Nhạc sĩ có ngồi trong khuôn viên Hồ Con
Rùa giữa lòng thành phố rồi nhìn lên trời, mới thấy bầu trời xanh
ngát. Chắc ổng cũng như tôi, ‘bị’ bạn gái dẫn đi mới có thì giờ để
nhìn quanh, nhìn quất, nhìn nghiêng ngửa, nhìn xuống, rồi nhìn lên,
mới thấy có một bầu trời màu xanh ở trên đầu. Còn nếu ổng chủ động dẫn
đi, có lẽ đang hì hục tìm cái đích nào đó, một điểm đến nào đó để chui
vào. Hay hiền lành hơn thì có thể là một quán nước nào đó để cho nàng
nhấp môi với ly chanh đường. Thế làm gì mà biết đến có bầu trời xanh
bên trên?
Con đường nào ta đi, với bàn chân nhỏ bé
Con đường chiều thủ đô, con đường bụi mờ
Bóng người dài trên hè, con đường tình ta đi
Con đường trời mưa êm, chiếc dù che mầu tím
Con đường về ban trưa, tới nhà hay vào lớp
Con đường của đôi mình, ôi chuyện tình thư sinh.(Con đường tình ta đi, Phạm Duy)
Ông nhạc sĩ có nói đến con đường buổi chiều, buổi trưa, trời nắng,
trời mưa…có đủ. Nhưng nhạc sĩ quên mất tả con đường tình vào buổi
tối, mà tôi và Mùi, không phải nói lại, Mùi và tôi lại thường xuyên đi
buổi chiều chạng vạng khi phố bắt đầu lên đèn, và khi giáp vòng quay
về thì trời đã khuya. Những cuộc hẹn hò tôi không nhớ ở nơi quán nước,
khi nhớ ra là nhớ đến chữ đi. Gặp nhau là đi, chậm chậm mà đi, không
vội vã mà đi, tôi thì chỉ thích ngồi và nhìn trời, mà Mùi thì lại
thích đi và nhìn đất, tôi không hiểu trong dưới mái tóc, nơi khuôn mặt
xinh đẹp kia đang nghĩ ngợi gì. Ai mà không thích đi chung với người
đẹp, nhưng đi hoài đi mãi không điểm dừng kiểu này tôi hơi chút phiền
não quá, tôi không hiểu Mùi muốn gì trong cuộc marathon vạn lý trường
chinh này, chuyện này tôi mù tịt. Mùi thì không mập lắm đi để tập cho
bớt mỡ, Mùi thì không ốm lắm để vừa đi vừa thở như tôi. Tôi bước đi dù
chậm thì cũng bằng Mùi bước đến bước rưỡi mới xong nhưng lại tỏ ra
nhanh nhẹn hơn tôi.
Bắt đầu từ đường Nguyễn Thông qua Yên Đỗ rẽ phải qua Trương Minh Giảng
đoạn này có hàng cây cao bóng mát thật đẹp kết thúc ở ngã ba Trần Quí
Cáp, bọn tôi rẽ trái trên con đường có lá me bay này. Nếu đường Sương
nguyệt Ánh và Bùi Thị Xuân là hai dãy cây sao đứng thẳng tắp cao vút
lên trời, tạo cho ta cảm giác nhỏ bé khi đi dưới hàng cây, thì con
đường Trần Quí cáp hai bên là các cây me cổ thụ, tàn cây khẳng khiu
toả rộng tứ phía tán lá nhỏ lưa thưa như ôm ấp người đi. Chầm chậm
chúng tôi băng ngang qua nhiều con đường khác tiến thẳng đến đường Duy
Tân, mà ngã tư chính là vòng xoay Hồ Con Rùa, chúng tôi đánh lòng vòng
tạm dừng chân nơi ghế đá, ‘buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát’ …
lúc này trời sẫm tối.
Ngồi ghế đá nhìn chung quanh phố đã lên đèn, nhìn lên năm cột trụ xi
măng cao tẻ ra hình giống như năm bàn tay xòe ra đón đỡ… giống như
các cánh hoa đón đỡ một nhụy hoa. Khoảng không gian bên trên thấy hun
hút một màu xanh mờ với vài lọn mây xám thẫm. Chẳng mấy chốc bầu trời
sụp tối hẳn nhanh chóng, màu xanh bên trên biến thành một màu đen âm
u.
Chúng tôi tiếp tục trên đường Duy Tân về hướng nhà thờ Đức Bà rồi qua
Continental, Nhà Hát Lớn, Caravelle cuối đường là khách sạn Majestic,
trước mặt là sông Sài Gòn. Hết lối. Chẳng lẽ phải vượt sông sao, chẳng
lẽ buộc phải cho đúng lời bài nhạc: Con đường mình đi sao chông gai…
Phương trời mình đi xa thêm xa (Tình Lỡ, Hoàng Nguyên). Như người mộng
du, Mùi rảo bước dọc ngược bờ sông, tôi không có ý kiến, được cho phép
làm cái đuôi rồi mà còn bày đặt ý kiến ý rận thì dễ bị khai trừ cho ra
rìa lắm. Công viên Công Trường Mê Linh trước mặt, bức tượng Đức Thánh
Trần Hưng Đạo đứng quay về hướng sông một tay tì vào gươm ở bên hông,
một tay chỉ xuống dòng sông, trông rất hùng dũng ngạo nghễ. Như muốn
nói với chúng tôi rằng, bọn bay mà đi tiếp nữa coi chừng lọt xuống
sông chết không kịp ngáp đó nghen. Có lẽ cảm nhận được lời răn đe của
Đức Thánh Trần, hay có lẽ đã mỏi gối chồn chân nên Mùi tạm bước dừng
chân giang hồ nàng chỉ tay vào ghế đá sát cạnh bệ bức tượng, chúng tôi
ngồi đó.
Mùi vẫn ngồi im lặng và giữ khoảng cách vừa phải với tôi, nếu có ai đó
ngồi chen vào giữa cũng đủ chỗ mà thoải mái. Tôi nhìn cảnh vật chung
quanh. Bồn binh công viên không lớn lắm. Ánh đèn trên cao không sáng
lắm. Xe chạy vòng quanh không nhiều lắm. Bầu trời sâu thẳm trên cao
cũng chưa đến nỗi khuya lắm. Những cặp tình nhân ngồi chung quanh cũng
không nhiều lắm. Nhưng chúng tôi có phải là tình nhân không? là tình
nhân tại sao không ngồi tựa má kề vai sát bên nhau? là tình nhân sao
không nói lời thề nguyền hẹn ước với nhau? là tình nhân sao không nhìn
đắm đuối vào đôi mắt của nhau?… Nhưng nếu không phải sao chúng tôi
lại ngồi đây, hay có lẽ một cặp khùng trong công viên ? một cặp điên
trong thành phố? một cặp gàn dở hơi…Tôi và Mùi cùng nhìn về một
hướng. Phải, ít ra là phải thế chứ, mà chắc chắn là phải thế rồi, vì
đâu còn hướng nào khác, vì phía sau là bệ đá, trên đầu có ngài tổ dòng
họ đã chỉ tay ra về hướng phía đó rồi. Chúng tôi nhìn xa xa bên kia
dòng sông, dòng nước loáng thoáng lăn tăn… Ánh đèn bên Thủ Thiêm
chập chờn lấp lánh… Và trên bầu trời có sao khuya nhảy múa nhấp
nháy… Những câu nói, những câu hỏi nhau vu vơ về chuyện gì tôi không
còn nhớ. Chỉ nhớ bầu trời buổi tối tất cả mọi thứ đều lung linh mờ ảo
trước mắt tôi…
Trong công viên, dưới ánh đèn vàng, dưới chân bệ bức tượng đức thánh
Trần chúng tôi ngồi nhìn xa xăm và nói chuyện vu vơ như thường lệ, hôm
đó không hiểu tại sao tôi quay lại nhìn gương mặt nghiêng của nàng
dưới ánh đèn đường rất đẹp, không cưỡng được tôi liều mạng chồm tới
hôn phớt lên chiếc má bầu bĩnh kia, vừa rút người lại thì, bốp, một
cái tát toé khói vào mặt. Mùi giận dữ đúng dậy, tức giận nói không
được làm thế, và gằn giọng nói không được chạm vào nàng nếu chưa cho
phép. Tôi mắc cỡ quê độ đứng đó như trời trồng, tôi chưa bị người bạn
gái nào tát vào mặt một cú trời giáng như thế. Bởi lẽ tôi chưa từng
làm như thế với ai, đây là lần đầu, và cũng là lần đầu ăn tát… lần
đầu ta ghé môi hôn, ta hôn em hôn em lần đầu
Lần đầu ta ghé môi hôn
Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang.(Trần Dạ Từ)
Câu thơ trên bây giờ nên đổi thành: Lần đầu ta ghé môi hôn, nhận lấy
cái tát hết hồn ta luôn. Tôi khựng người chốc lát, rồi nói lời xin
lỗi, tỏ vẻ hối lỗi. Cũng chừng dăm ba phút sau, Mùi mới có vẻ hết giận
trở lại bình thường, nhưng không nói gì… chúng tôi đi về giữa khuya
như thường lệ. Trên đường cả hai cũng im lặng, tôi vẩn vơ với những ý
nghĩ. Có lẽ cô nàng đã rành rẽ chuyện bạn trai hôn lên má lắm hay sao
lại phản ứng nhanh như thế, phản ứng chứng tỏ một cô nàng thạo đời
biết việc. Giá như là một cô gái ngây thơ, có lẽ sẽ phải giật mình ấp
úng, hay bẽn lẽn mới phải. Cũng có thể Mùi cũng chỉ gà mờ, chỉ vì bản
tính lãng mạn, cũng như đọc tiểu thuyết tình cảm quá nhiều mà điều này
thường xảy ra trong các câu chuyện tình nên có phản xạ như thế. Nhưng
thạo việc hay gà mờ điều đó không quan trọng, quan trọng là làm sao
cho nàng biết đó là cái hôn chân thật, là cái hôn đầu tiên của một
thằng thanh niên mới lớn.
Lần đầu ta ghé môi hôn
ta hôn em..hôn em
ta hôn em lần đầu
…
Tiếng cười đâu đó giòn tan
nụ hôn ngày đó miên man một đời. (Nụ hôn đầu, Phạm Duy)
Phải như thế mới đúng. Tôi muốn giải thích, tôi muốn nói những lời
…như trong thơ văn như thế, nhưng không sao mở miệng được, chỉ ấp a
ấp úng không thành lời. Những cuộc đi dạo với nàng vào buổi chiều, tôi
thường có chút tự hào, tên con trai nào đi cặp kè bên người đẹp cũng
thế. Nhưng đến buổi tối khuya thì niềm vui thích giảm đi, chỉ còn lại
sự lo lắng cho sự an toàn. Còn bây giờ thì tôi lo lắng bồn chồn đi bên
cạnh nàng, muốn nói nhưng không nên lời rằng tôi không có ý suồng sã
xúc phạm nàng, làm sao có thể thú nhận rằng mình là tên ngố ..lần đầu
tôi ghé môi hôn!
Đêm đã khuya, chúng tôi ra về, xe cộ chạy lưa thưa. Những con đường
khuya vắng lặng, đường Trần Quí Cáp dài dằng dặc không bóng người. Có
lẽ Mùi là người quá lãng mạn, tìm những con đường đẹp mà đi, có lẽ Mùi
đọc sách tiểu thuyết khá nhiều nên muốn có bạn trai đi bên cạnh trên
những con đường mà các nhà văn thường mô tả trong những tiểu thuyết
diễm tình. Mùi muốn được như những nhân vật nữ được chiều chuộng trong
các trang sách. Trên con đường dài vắng vẻ, một cặp nam nữ hình như là
tình nhân đi song song bên nhau, mỗi người một tâm sự, không nói với
nhau lời nào. ‘con đường có lá me bay, chiều chiều ta lại cầm tay nhau
về’ (Diệp Minh Tuyền) nghe thơ mộng. Nhưng với tôi thì có chút ác
mộng, trời đã khuya, đã hơn mười một giờ, qui định của Mùi là phải về
nhà không được qúa mười hai giờ đêm. Chúng tôi dắt xe đi bộ dưới lòng
đường, tôi nhìn con đường vắng lặng, hai bên lề là hàng me già xù xì,
sần sùi, từ từ lui dần ra sau lưng, ánh đèn đường tương đối khá sáng,
nhưng tôi vẫn lo ngại.
Nếu tôi đi một mình trên đường vắng và với vài ba tên trấn lột giữa
khuya cũng không đáng ngại lắm, tôi có chút ít kungfu tập tành đủ sức
chạy biến mất trước khi bọn chúng chạm đến tôi. Nhưng đi chung với Mùi
thì có khác, đó là cả vấn đề, tôi không đủ sức cõng Mùi rồi hai tay ôm
hai xe chạy vùn vụt được, chỉ còn cách đối đầu trực diện thôi. Người
ta nói cách phòng thủ tốt nhất là tấn công, hay trong binh pháp tôn tử
tôi từng nghiền ngẫm là tiên hạ thủ vi cường. Trong tay tôi chẳng có
vũ khí, tôi vừa đi vừa đảo mắt nhìn chung quanh, nhìn hai bên lề đường
để xác định những vật thể lạ nào đó có thể giúp tôi trong cuộc chiến
đấu này, như là cục đá, cành cây hay viên gạch…Trong khi tôi lo âu
như thế, Mùi vẫn bình thản vui vẻ bên cạnh, thỉnh thoảng nói hay trao
đổi với tôi những câu gì đó mà tôi không còn nhớ, chỉ nhớ thông thường
những con đường ở Sài Gòn hàng ngày thấy bẩn, nhưng ban đêm sao sạch
sẽ quá, muốn tìm cục gạch, viên đá hay khúc cây cũng tìm hoài không
thấy.
Mùi dường như nghĩ rằng đi bên cạnh tôi thì yên tâm, tôi giống như là
hộ vệ của nàng, một hộ vệ với tiêu chuẩn quốc tế có thể đương đầu mọi
thứ để bảo vệ được yếu nhân là nàng. Mùi đi bên cạnh tôi thì nàng nghĩ
không còn sợ ai, còn tôi đi bên Mùi tôi nghĩ tôi sợ nàng, tôi sợ cho
cái đầu óc lãng mạng của Mùi, dẫn đi kiểu này …người ta nói đi đêm
có ngày gặp ma …cô. Đôi lúc tôi suy nghĩ lại, tại sao Mùi không sợ
ngay chính bản thân tôi? giữa đêm khuya? Hay …Có lẽ cô nàng vì đọc
thuộc sách nên đã đoán biết hết, đã bắt bài tôi mọi chuyện, biết điều
gì sẽ xảy ra, sắp xảy ra và sẽ không bao giờ xảy ra với một tên hơi ôm
ốm, hơi cao cao, hơi chút xíu ngờ nghệch, tạm gọi là bạn bè như thế.
Hay có lẽ vì đọc sách tiểu thuyết lãng mạn qúa nhiều, lậm vào người
không còn biết trời trăng để ý thức những hiểm nguy rình rập trong
việc đi dạo giữa đêm khuya? Hay là vì nàng quá ngây thơ, và ngây ngô
cũng như tôi, kẻ này dựa dẫm vào người kia giống như hai tên rổng túi
ăn mặt lịch sự vào quán tên này tưởng tên kia có tiền trong túi nên
yên chí lớn ngồi gọi món. Tôi không nắm chắc, nhưng tôi cảm nhận một
điều là Mùi là người con gái có lý trí, có bản lãnh rất đáng phục. Đi
và đi hoài cũng về đến Yên Đỗ, Nguyễn Thông. Từ đây chúng tôi chia tay
nhau, Mùi vào nhà chắc vừa đúng mười hai giờ khuya.
Câu chuyện của tôi không có một cái bắt đầu rõ ràng để tôi có thể nhớ
ra và cũng như không có một cái kết thúc để tôi xác định lúc nào, nó
lơ lửng không đầu và không đuôi, một dạng mơ hồ phiêu lãng. Một người
nào đó đã nhận định rằng, có lẽ món nợ lớn nhất của đời người…đàn
ông là cuộc tình đã lỡ với người con gái đã đi qua đời mình (mà không
thể trả được). Điều mâu thuẫn là phụ nữ sẵn lòng cho mắc nợ dài hạn
…suốt đời, nếu người tình cũ vẫn giữ món nợ ấy trong lòng. Nhưng nếu
(nghĩ rằng) anh ta không muốn… nhớ thì họ trả thù hoặc tìm công đạo
lấy lại cho bằng được. Chúng tôi không nợ nần gì nhau, không tặng nhau
vết thương đau, từ khi vào cuộc không nói lời yêu lừa dối, để rồi khi
xa nhau, xác thân phải đau rã rời.
Mùi, một cái tên có nhiều điều đáng nhớ: Cô bạn gái nhỏ tuổi nhất tôi
quen. Cô bạn gái duy nhất đã cho tôi một bạt tai không nhẹ, đủ để nhớ
hoài về cô. Cô bạn gái làm tôi lo sợ mỗi khi đưa cô về nhà vào giữa
đêm khuya. Cám ơn cô bạn nhỏ đã để tôi vào mắt xanh. Cám ơn những bức
thư lá cây với mực tím. Cám ơn con đường Duy Tân cây dài bóng mát. Cám
ơn con đường Trần Quí Cáp có hàng lá me bay. Những phút riêng tư, suy
ngẫm cuộc đời, lùi lại con đường thiên lý mình đã qua trong trí tưởng,
một chút êm dịu ngập tràn, một chút ấm áp quanh quẩn đâu đây, và một
nụ cười hé nở trên môi. ‘Người vừa tặng ta chút yêu thương ngọt-ngào.
Chẳng nợ nần gì nhau, hãy để hồn ta bay cao, và ta cám ơn tình nhân đã
cùng ta… đi trên… một đoạn đường’.
{jcomments on}
Một đoạn đường cũng làm nên một mối tình .Cô Mùi chắc xinh cỡ TRANKIMLOAN.
Uyển Diễm cũng rất thích bài ” Con đường tình ta đi “đó anh Phương.
Một bài viết quá lãng mạn. Anh Phương đã dắt người đọc đi theo những con đường tình của thời sinh viên , những con đường có lá me bay, được nghe anh đọc những câu thơ tình,được nghe những lời hát của thuở nào mà thấy lòng bỗng nhẹ nhàng trở về lối xưa…
Theo mình thì Từ Hải chưa bao giờ bị chém. Coi chừng cụ Nguyễn buồn bạn bây giờ.
Đoạn kết âm ỉ trong lòng người âm ỉ mãi khôn nguôi …
Ui chao, sao bạn mình đào hoa quá, thời sinh viên có rất nhiều bóng hồng yêu mến, cô nào cũng đẹp, cũng xinh thật là thích, mà Tuyên đoán chắc Mùi là cô bạn không thể quên vì để lại trong Phương dấu ấn rất… , rất là dễ thương phải hông nà?
Mùi bây giờ về đâu? về dâu…
Bi giờ mờ đi lang thang trong đim dí bạn gái nguy hiểm lém.
Đặng Danh: chắc là như thế, đàn ông có người này người nọ, nhưng phụ nữ thì luôn luôn xinh, mà hai cô đều là phụ nữ (tam đoạn luận này coi bộ chắc ăn).
Uyển Diễm: nhưng bạn thích “con đường…ta đi” này không?
Con đường nào ta đi cũng đào lên đào xuống.
Con đường chiều thành đô, con đường bụi mịt mù…
Con đường giờ tan ca, công trình che bít lối
Xe kẹt dài lên hè – con đường nào ta đi?
Nguyentiet: bạn khá đa cảm, cảm ơn bạn.
vudinhhuy: bạn nói đúng, nhưng Phuong có ý nói Từ Hải không chuẩn bị trước, sa cơ thất thế, tả xông hữu đột, bị đâm chém chết đứng giữa trận tiền.
Đang khi bất ý chẳng ngờ
Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn
Tử sinh liều giữa trận tiền
Dạn dày cho biết gan liền tướng quân
Khí thiêng khi đã về thần
Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng
Dạ Lan: Đoạn kết cũng giống như bao nhiêu đoạn kết của cuối con đường: bù.
Quốc Tuyên: chuyện vui thôi, cận thị nhìn ai chẳng thấy hay, câu chuyện này là để trả lời cho tròn câu hỏi của Tuyên trong bài viết về anh bạn Chăm đó. À, TP nói hai cô kể trong truyện hiện ở Phan Rang.
Kiều Thanh: hẹn qua năm sau sẽ trả lời câu của bạn về chim bói cá và ánh trăng ngà.
Thu Thủy: [Thu Thủy 2012-06-11 20:32 “Còn Thủy thì ngồi trong lớp ngó ra coi thử mấy người qua lại trên hành lang có ai ngó mình không ?”] Do câu com. ngộ nghĩnh có ấn tượng này gợi ý, thế nên mới có câu chuyện kể này đó b Thuỷ. Cám ơn b Thuỷ nhiều lắm.
Trần Đăng Linh: cũng phải đi, nếu không thì Đăng Linh chỉ còn hoặc ngồi hoặc nằm thôi, Đăng Linh chọn cái nào?.
Nụ hôn đầu ăn cái tát thật xinh đáng để nhớ đời.
Cô Mùi tạo cơ hội cho anh Phương tiến tới mà anh khờ quá , uổng ghê .
Hiệp sĩ Trần Ngọc Phương oách thiệt đi đêm mà không gặp ma .
Giáng Hương: Ui cha, gặp GH chắc là ôm đầu máu …chạy!
Bích Vân: chỉ biết nói lời xin lỗi.
Yên Khê: thời bo bo khoai mì, có lẽ có gặp đấy, nhưng khi nhìn thấy…họ tưởng là đồng bọn phe ta.
Có bao nhiêu mối tình trong một đời người .Có bao nhiêu con đường ta đã đi qua.
Tuệ Minh: Một chuyện không vui được tếu hoá. Cám ơn lời cảm khái của bạn.
Kiều Thanh: Mùi, Phần vĩ thanh:
– Hu hu hu…
– Sao H.A khóc.
– Em thi rớt.
– Thôi, đành chờ thi lại.
– Không, rớt ba môn nên phải ở lại lớp…hu hu hu…
– Thôi nín đi, đừng khóc nữa, năm tới ráng học lại.
– Chắc em phải về quê quá.
– Quê ở đâu?
– Tây Ninh, em phải về quê vì gia đình không đủ tiền trả chi phí sinh hoạt ở trên này.
– Giải thích cho ba mẹ biết cố ráng lên chứ bỏ mấy năm đại học uổng lắm.
– Anh chở dùm em ra phố mua chút đồ…..
– Ủa, xe em đâu?
– Bị hư rồi.
– Khi nào đi ?
– Dạ, mai, thứ bảy.
– Ưm…chạy đến chỗ nào?
– ……anh quen chị Mùi lớp em phải không?
– Ừm, sao em biết?
– Cả lớp em biết hết chứ đâu phải mình em?
– Sao lại cả lớp?
– Vì chị ấy đẹp, học giỏi, lại lớn tuổi hơn bọn em, chỉ không để mắt đến bọn con trai trong lớp, chỉ làm gì cũng bị bọn họ để ý, rồi kháo nhau.
– Ồ! Thật vậy sao?
Nhiều năm sau.
– Anh cặp kè với H.A ?
– Không.
– H.A thi rớt khóc anh an ủi?
– Ừm.
– Anh dạo chơi phố với H.A?
– Không.
– Sao H.A nói anh chở cô ấy đi dạo phố chơi?
– Ồ. Chỉ là chở đi mua đồ… H.A nói vậy sao?
– H.A nói anh cặp với cô ấy và chở cô ấy đi chơi. Cô ấy nói với mọi người ai cũng biết.
– Ồ! Thật vậy sao?
Nhiều năm sau nữa.
– Chú vừa đến đúng lúc, anh Tư ra ngoài kiếm thêm bia rồi. Đây là mấy thanh niên hàng xóm giúp chị dựng căn nhà, vào ngồi nhậu chung cho vui. Giới thiệu mấy chú đây là người mấy chú vừa nhắc chuyện và muốn biết mặt đó.
– Chuyện gì vậy chị Phượng? ….Đừng nhìn thế mấy anh, làm tui nhột nghen.
– A, tối qua cô Mùi xuất hiện trong chương trình người tốt việc tốt trên đài Truyền hình, cô Đoàn Thị Mùi là giáo viên xuất sắc nhất của trường…trong thành phố. Mấy ông thanh niên ngồi ở đây đang nhắc lại chuyện xưa khi cổ còn ở khu này, chỗ kia nè.
– Có dính dáng đến em đâu chị?
– Anh à, anh không biết chứ cô Mùi nổi tiếng khu xóm này của bọn tui lắm anh à. Chuyện cô Mùi với anh sinh viên cùng trường cả xóm ai cũng biết!
– Cô ấy nói ra?
– ………
– Anh à, trong nhóm của bọn này có mấy cây si của cổ đó. Nhất cử nhất động của cô Mùi không thoát khỏi mắt bọn họ đâu anh.
– Ồ! Vậy sao? (cười méo xẹo)
Đó là lần cuối cùng tôi biết tin về Mùi.
Mùi mang bụi đỏ đi đâu mất rồi.
Người bà con có nhiều kỉ niệm thời sinh viên hoa mộng làm Phượng ganh tỵ quá .
Tú Nhân: …………..
Bao nhiêu là ngày theo nhau đường dài
Trưa trưa, chiều chiều Thu Đông chẳng nhiều
……………..
Hôm nay đường này, cây cao hàng gầy
Đi quanh tìm hoài, ai mang bụi đỏ đi rồi. Thắng kiu Tú Nhân.
Phượng: cảm ơn người bà con ghé thăm. Chỉ là chuyện thường ngày ai cũng có, chọn nhặt ra, phủi bụi thời gian, rồi nghía với con mắt tươi, thế là có câu chuyện góp vui được rồi.
em đã thấy một SG thật thơ mộng và đẹp quá trong kỷ niệm của anh. Và em thích cách anh kể chuyện, nó tự nhiên, hồn nhiên, dễ thương trong sáng và nghịch ngợm làm sao. Em tin đây là kỷ niệm thật và ngưỡng mộ quá khi anh vẫn nhớ về nó rất chi tiết sau bao năm tháng cuộc đời.
Ngocthuy: cám ơn về lời com của bạn.