Những lời cám ơn: Anh bạn Xích lô (7)

quái khách trong quán cafe

Như thế đó, quán cafe ABC trước cổng trường là nơi tụ họp quần hùng cà
chớn, những sinh viên cá biệt, còn những sinh viên gương mẫu của lớp
‘mười ba’ thì đang ngồi ôn bài trong giảng đường hay trong thư viện.
Bọn tôi thường đến sớm vào buổi sáng để thưởng thức cafe trước khi vào
lớp. Cũng có thể là giờ giải lao chạy ra thư giãn, hoặc bỏ tiết học mà
ra ngồi nhâm nhi bàn tán chuyện tương lai, chuyện trên trời dưới đất.
Một hôm tôi và Thanh – lúc nào cũng vậy, tôi và Thanh xôxíchle cũng kè
kè bên nhau – ngồi uống từng ngụm cafe dõi mắt hướng vào cổng trường ở
phía bên kia con đường, nhìn bâng quơ chờ đợi tiết học kế tiếp sắp
đến. Bỗng nghe sau lưng có tiếng nói lầm bầm, lúc nhẹ nhàng, lúc gắt
gỏng, tôi quay lại nhìn. Ồ, một quái khách, một Hồng Thất Công, một
bang chủ cái bang hiện đại, đang ngồi bên cạnh lúc nào mà chúng tôi
không hề để ý đến.

Quái khách nhỏ thó, trạc năm lăm sáu mươi – cũng không chắc lắm, khó
đoán được tuổi tác – tóc bạc, má hóp, da nhăn, mặc đồ đại cái bang
đang cầm điếu thuốc, đôi mắt sâu hoắm ngước nhìn lên không trung,
miệng liên tục lẩm bẩm như tự nói hay phân trần với ai đó một điều gì.
Hình ảnh đập vào mắt tôi lúc đó là quái khách có đôi mắt khác thường,
nhìn thấy sâu hun hút, không phải tỉnh, không phải điên, tôi để ý quan
sát nhưng vẫn giả bộ ngó lơ. Bỗng có người nào đó đi ngang qua nói:
Ôi, Bùi Giáng ngồi uống cafe kia kìa. Tôi giật mình sửng sốt. A! Thì
ra là Bùi Giáng, chính danh đích thị là Bùi Báng Dùi, Trung niên thi
sĩ Bùi Đười Ươi đây sao? Thời ở Văn Khoa tôi đã đọc nhiều sách của ‘sư
phụ’ nào là Cõi người ta, Khung cửa hẹp, Kẻ vô luân, Hoà âm điền dã,
Hamlet, Hoàng tử bé…sinh viên mỗi lần nhắc đến tên sư phụ đều thán
phục, bây giờ sư phụ đang ngồi trước mặt tôi, và hình như không màng
thế sự đổi thay, đang lầm bầm đọc chú đây sao?

Từ đó, mỗi khi sư phụ vi hành qua, bọn tôi đều thỉnh cầu ngồi xuống
đối ẩm vài chén trà, điếu thuốc lá và ly cafe nóng. Sư phụ hay ăn nói
kiểu không như người phàm, xuất khẩu ra toàn là ‘tục ngữ’ và ‘ngữ’ rất
là ‘tục’, nên bọn tôi không dám gợi ý nhiều, chỉ ngồi chiêm ngưỡng
ngài, bang chủ đại cái bang hút thuốc lá liên tục, và nhìn trời xa xăm
với ánh mắt suy tư vô hồn.

Có lần tôi gạ chuyện, Phạm Công Thiện ở nước ngoài mới về, đang tìm
ông để thăm kìa. Thi sĩ Bùi Báng Dùi đang mơ màng chộp hỏi liền, nó
đâu, nó đâu, sao chưa gặp tao, thằng đó, thằng đó mặt nó như …một
loạt câu nói xổ ra không sạch sẽ lắm, nhưng có chút trách móc. Tôi
ngồi đó ngượng ngùng, ráng tìm câu gì đó đánh trống lảng. Nhưng cũng
có lần sư phụ như tỉnh trí, khi đề cập đến thơ văn lục bát. Như gặp
đúng chỗ ngứa, ngài bang chủ cái bang huơ chân múa tay, nói phun cả
nước bọt, đôi mắt sáng quắt dị thường. Tôi còn nhớ hôm đó sư phụ nói:
Nguyễn Du đã nâng thể thơ lục bát từ bình dân trở thành bác học, còn
tao đã mở ra một chân trời mới cho thể thơ lục bác của Việt Nam, tao
nâng lục bát lên một tầm cao siêu tuyệt. Và gì gì nữa, tôi không thể
nhớ hết lời sư phụ phán. Đại khái tạm hiểu rằng, Việt Nam có hai vua
lục bát. Một mở đầu là cụ Nguyễn Du. Người thứ hai nâng lên tầm cao
siêu tuyệt chính là sư phụ, cụ Bùi Báng Dùi đang diễn thuyết trước mặt
tôi. Lạy cụ, cụ nói sao em nghe vậy, nhưng cụ nói bậy là em dong. Em
‘dù dì ‘ cũng còn là con ních, thiên hạ bu quanh ngó em, em mắc cỡ
lắm, em chẩu thì cụ phải trả tiền cafe à nghen.

Mười lăm năm sau, tôi đang ngồi quán cafe trên đường Trần Quang Diệu,
gần hội thánh Tin lành, sư phụ vi hành ngang qua (sư phụ thường lang
bạt kì hồ: Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi/ Đi lên đi xuống đã đời du côn),
tôi lại mời sư phụ tạm dừng gót ngọc, và giống như ngày xưa, tôi gọi
ly cafe đen nóng theo ý muốn của sư phụ và châm mồi thuốc lá cho ngài.
Sư phụ lúc này yếu lắm rồi, người hom hem, nhưng mắt vẫn sáng quắc,
không nói hùng hổ nữa, nhưng vẫn nói lời thì thầm của gió, của mây,
liên miên… Tôi hỏi thử sư phụ có thể làm ngay cho tôi một bài thơ
hay không. Trên vỏ bao thuốc lá, sư phụ vừa lầm bầm viết xuống vài
câu, rồi lầm bầm lại viết thêm vài câu, dừng lại suy nghĩ, tự sửa câu
trong đầu, rồi lại viết liền một mạch kết thúc bài thơ khoảng gần chục
câu. Chuyện Bùi sư phụ xuất khẩu thành ‘tục ngữ’ và dùng ngữ ‘rất tục’
thì ai cũng biết, ai cũng thấy, và ai cũng đã từng nghe, nhưng xuất
khẩu thành thơ viết ngay xuống giấy đây là lần đầu tiên tôi chứng
kiến. Thật bái phục sư phụ.

Củ Chi chiều tà

Một đợt thực tập cuối cùng của năm học chót, cũng là đợt kiểm tra cuối
cùng để xem xét cấp bằng tốt nghiệp. Nhà trường tổ chức đi thực tập ở
Củ Chi, cách trung tâm Sài Gòn chừng ba bốn mươi cây số, cả lớp nam nữ
khoảng một trăm hai mươi lăm sinh viên, mang vác ba lô túi xách lên
xe, khởi hành buổi sáng, đến huyện Củ Chi thì tập kết đóng quân ở một
ngôi đình làng gần trường học và trung tâm huyện, đại bản doanh đóng
tại đình làng, còn đa số sinh viên chia nhỏ sống cùng với các mấy chục
hộ dân ở quanh đó.

Người dân Củ Chi có gốc miền Trung di dân đến và sống ở đây đã lâu, họ
chiêu đãi sinh viên bọn tôi với món ăn mà lần đầu tôi biết, một đặc
sản ở đây. Khoai mì nấu chín, quết cho nát nhuyễn, quệt vào miếng bánh
tráng, rắc lên trên với đậu phộng rang dã mịn trộn chút muối đường,
món ăn thật là lạ miệng. Khi chúng tôi vác cuốc xẻng đi đào một đoạn
kênh phụ giúp dân địa phương, chúng tôi thấy có những cái ao lớn hình
chóp, giống chiếc nón đặt ngửa, độ sâu cỡ ngập đầu hai người đứng
chồng lên nhau, độ rộng bằng một ngôi nhà nhỏ ở trong làng, nằm rải
rác sắp thành hàng dài. Có ao khô ráo, có ao chứa nước, có ao đang
nuôi cá, hỏi ra mới biết đó là bom tấn của máy bay Mĩ rải thảm, nhằm
phá địa đạo nằm sâu trong lòng đất.

Sau những buổi thực tập, chúng tôi được sắp xếp dẫn đi tham quan địa
đạo dưới lòng đất. Người hướng dẫn dẫn chúng tôi đến khu vườn lớn bao
quanh một căn nhà và thách đố chúng tôi tìm ra địa đạo ở chỗ nào, cả
nhóm đi tìm nhưng không ai biết ở đâu. Đâu ngờ miệng địa dạo nằm ngay
dưới chân bọn tôi đang đứng, miệng hầm chỉ bằng hai viên gạch lớn, đủ
cho người bình thường thòng chân rồi thả người rơi xuống, bên trên phủ
cỏ và lá cây. Tôi và bạn Thanh xíchlô lần lượt xuống khảo sát, đi bằng
cách bò, hoặc cuối lom khom, bởi chiều cao của đường hầm khoảng một
mét rưỡi, không khí ngột ngạt khó thở, đặc biệt là người hướng dẫn
khuyên chúng tôi nên đi từng cặp nam nữ bên nhau để bớt ngộp thở hơn.
Ống thông khí chính cho đường địa đạo ngầm này là từ một lỗ nhỏ bên
hông của giếng nước sâu dẫn đến…Trải nghiệm cảm giác chui, bò, trườn
trong những đoạn hầm ẩm thấp, chịu đựng cảnh tối tăm khó thở này chúng
tôi có một cảm xúc rất lạ, thấy cảnh sống trên mặt đất mới thật thần
tiên. Sau khi tham quan địa dạo, chúng tôi thật là thán phục sức lực
của con người, với niềm tin mãnh liệt con người đã làm nên điều rất
thần kì thật khó tưởng tượng được.

Việc thực tập vẫn diễn tiến đều đặn. Vào một buổi chiều tà, chập mặt
trời sắp lặn, mảnh trăng non vừa lên, cảnh vật im ắng có chút ảm đạm
nhưng đẹp như tranh vẽ. Sau cả ngày dài bận rộn, chúng tôi tụ tập trên
nền sân xi măng, quanh đống thuốc lá đang phơi khô của dân địa phương,
ngồi ăn món cơm chiên thập cẩm mà Thanh xôxíchle xào nấu (nồi cơm
nguội của bà chủ nhà hào phóng trở thành món đặc sản cao cấp dưới bàn
tay khéo léo của Văn Thanh), uống cafe nói chuyện tán gẫu.

Cũng là đám bá quan văn võ, nhóm bạn Cafe Vườn Chuối, bổ sung thêm một
số bạn khác nữa, ngồi cùng nhả khói phì phà, nhưng chỉ duy nhất có một
ca cafe để uống chung. Đây là ca nhôm cafe duy nhất còn lại của tôi
mang đến, bởi hiếm hoi nên VănThanh bỏ rất ít hoặc hầu như không có
đường, để có thể nhấm nháp được lâu. Tôi ngồi nhìn quanh các bạn và
hỏi lên rằng, có ai đối được câu này không vậy: Gái Củ Chi đêm trắng
chỉ…, bị bất ngờ chẳng ai phải biết câu đối lại phải ra sao, các bạn
phớt lờ. Có bạn ngồi ngửa mặt nhìn trăng lên, gảy đàn guitar hát lẩm
bẩm, có vài bạn đang tranh luận nhau điều gì đấy, có bạn chăm chú vào
cách vấn lá làm thành một điếu thuốc từ cả một núi lá thuốc rê đang
nằm trước mặt, giữa sân. Các bạn tôi thường như thế đấy, thích ngồi tụ
họp lại với nhau, nhưng khi ngồi tụ họp lại với nhau thì lại nói
chuyện riêng, thật là điều lạ lùng, nhưng cũng nói lên tình trạng kiêu
ngạo không thích ai làm thủ lãnh của mình ngoài chính mình. Không ai
trả lời câu đối nhưng khi tôi nói lên tên một địa danh gần Sài Gòn thì
các bạn đều hiểu câu đối ấy ra sao: Hóc Môn.

Bạn Quốc Hùng không phải là dân đồng đạo cafe thuốc lá, đi họp đoàn
đội về ghé lại thăm tôi và, dĩ nhiên gặp đủ mặt Thanh xôxíchle, Nguyễn
Nam, Thanh sử gia, Viêm Phương, Đắc Điền, Đại Huynh, Trung Đoàn…
thành phần những sinh viên cá biệt của lớp. Tôi mời Hùng nhấm chút
cafe, một ca cafe nhỏ cho bảy tám anh em nhâm nhi uống cả buổi chưa
chắc đã hết. Hùng cầm ca tưởng rằng cafe sẽ ngọt như ở hàng quán, anh
ực một phát hết ráo. Vừa qua khỏi cổ, anh gào lên đắng quá, phun ra
hết, và cào cào cái cổ nhăn nhó, các bạn chung quanh cười sặc sụa, có
bạn lại khó chịu. Hùng quê quá nói đi tìm nước uống, rồi dong tuốt,
một đi không trở lại. Tôi không quên được nét mặt nhăn nhó của Quốc
Hùng khi ấy, vì cái đắng nghét của ngụm cafe đậm đặc không đường,
trông rất thảm thương và buồn cười, giống khỉ ăn phải ớt hiểm.

Nửa tháng trời trôi qua rồi cũng kết thúc chúng tôi về trường, nhà
trường đánh giá học tập, công bố danh sách ai đậu ai rớt. Và chúng tôi
chia tay nhau bằng những buổi tiệc nhậu nho nhỏ trong những nhóm bằng
hữu năm ba người. Tôi với bạn Thanh lúc nào cũng là một cặp, dù tham
dự chia tay của nhóm này hay của nhóm khác. Bởi vì ai cũng biết tôi và
bạn là một cặp bài trùng trong lớp, do đó khi rủ họ kêu cả hai. Bọn
tôi trong những ngày ấy say sưa cả ngày. Đến bây giờ khó nhớ lại mình
đã đi với nhóm nào và không đi với nhóm nào trong lớp.

kết

Các bạn học của tôi ơi, tôi cảm ơn tất cả các bạn, đặt biệt nhóm bạn
Cafe Vườn Chuối, Bàn Cờ. Những người bạn tuổi chưa trẻ đã già, chưa
làm đã nổ, khoác lác một tất đến giời, coi trời bằng vung này, cà chớn
một cách rất đáng yêu. Các bạn đã đồng hành cùng tôi những năm tháng
dùi mài kinh sử, đi qua những ngày tháng êm đềm buổi đầu đại học, cũng
như những năm tháng sau đó trong giai đoạn khó khăn chung của đất
nước. Tôi thích tất cả các bạn, tôi thích ngồi quán cafe với Đại
Huynh, thích ngồi quán rượu với Viêm Phương, thích ngồi trên bãi cỏ
ngắm trời xanh với Quốc Hùng…Riêng với bạn Thanh xíchlô, dù sau khi
ra trường bạn không còn hành nghề nữa mà vẫn chết danh xưng này, bạn
là một phần tâm hồn của tôi, ngược lại cũng vậy đối với bạn, và thật
khó nói lời cảm ơn với bản thân mình, nhưng tôi vẫn phải nói, tôi cảm
ơn bạn rất nhiều, nhiều hơn là bạn có thể nghĩ ra được, cảm ơn bạn đã
cùng tôi trải qua một đoạn đường đời của thời thanh xuân nhiều mơ
mộng, và lại còn trải qua những những năm tháng về sau nữa. Chúng ta
lúc trước là bạn, sau này cũng là bạn, và sẽ mãi mãi là bạn, phải
không Huỳnh Văn Thanh, anh bạn xôxíchle ?

Phương

*

 


* Đôi bạn

 

 
*Lời thêm.

Có một điều đặc biệt đáng nói là ngày cuối cùng của năm cuối cùng của
lớp học, tôi đang đi thơ thẩn dưới hành lang tầng trệt, chuẩn bị ra
khỏi sân trường, bỗng cảm giác thấy lòng bâng khuâng, mình sẽ không
còn đến đây nữa, chỉ ngày mai thôi nơi đây trở thành xa lạ, sẽ không
còn bạn bè. Nỗi trống vắng dâng lên, tôi dừng bước và ngồi xuống thành
ghế đá dọc hành lang, nhìn ra sân xem sinh viên các lớp khác đang lũ
lượt ra vể. Bỗng có tiếng hỏi thăm, Phương chưa về hả? Tôi quay lại,
cô bạn Lương Hoa ngồi bên cạnh lúc nào tôi không hay biết. Bạn Lương
Hoa nói, Phương có nhớ ở Văn Khoa mình đã từng có gặp nhau không?
Thoáng ngạc nhiên, tôi khựng một chút rồi đáp, nhớ, có nhớ.

Đó là những lúc các bạn bè của tôi đến trễ, tôi ra ngoài hành lang
mong ngóng và gặp một cô gái da trắng như tuyết, gương mặt bầu bĩnh,
khi cô ta nhìn xuống trông rất đáng yêu, nhưng khi ngước mắt nhìn lên,
thì hình như thấy mi mắt hơi nặng, nhờ nước da trắng và láng mịn nên
dễ nổi bật trong đám sinh viên, tôi đến nói vài câu xã giao. Tôi quen
tính cách tự nhiên với phái nữ, coi họ như người thân, như anh chị em
hay bạn bè quen cũ, tôi hỏi thăm vài câu. Lần khác cũng gặp lại và
cũng hỏi bâng quơ ít câu, nhưng thấy cô ta không hào hứng tiếp chuyện,
làm tôi cũng cụt hứng. Những chuyện loại này xảy ra thường với tôi,
nên dễ đi vào quên lãng, chỉ vì năm sau là chúng tôi gặp lại nhau nên
tôi còn nhớ.

Lương Hoa tiếp tục, lúc ấy Phương coi …cũng được lắm, nhưng Hoa nghe
giọng nói miền Trung nên Hoa không thích. Úi chà! hèn gì khi tôi thấy
hơi là lạ suốt ba năm qua hình như Hoa không được tự nhiên với tôi
lắm, trước khi kết thân với một người bạn nam trong lớp có giọng nói
Bắc kì nghe rất du dương.

Tôi quay hỏi lại, còn bây giờ thế nào? Lương Hoa cười trả lời rằng,
nghe có lẽ quen không còn như lúc mới bắt đầu. Tôi nhìn Hoa cười ruồi,
Hoa ngồi im lặng cũng chẳng nói gì thêm. Tôi nhìn ra sân trường, sinh
viên dắt xe ra về thưa dần… Hoa sẽ nghĩ sao nếu khi ở Văn Khoa tôi
nói với Hoa bằng giọng Bắc nhỉ?

Cám ơn Lương Hoa đã sút trái bóng vào giây phút cuối cùng, làm cho
Phương khó quên được bạn.{jcomments on}

0 thoughts on “Những lời cám ơn: Anh bạn Xích lô (7)

  1. Quốc Tuyên

    Ái chà, Phương đào hoa ghê á, đến ngày ra trường rồi mà vẫn còn bóng hồng lưu luyến, bịn rịn khi chia tay!

    Reply
  2. Dạ Lan

    ” Cám ơn Lương Hoa đã sút trái bóng vào giây phút cuối cùng, làm cho Phương khó quên được bạn.”
    Anh Phương xuống giọng thật tình tứ và khôn ngoan.

    Reply
  3. Bích Vân

    Đó là những lúc các bạn bè của tôi đến trễ, tôi ra ngoài hành lang
    mong ngóng và gặp một cô gái da trắng như tuyết, gương mặt bầu bĩnh,khi cô ta nhìn xuống trông rất đáng yêu, nhưng khi ngước mắt nhìn lên,thì hình như thấy mi mắt hơi nặng, nhờ nước da trắng và láng mịn nên dễ nổi bật trong đám sinh viên, tôi đến nói vài câu xã giao. Tôi quen tính cách tự nhiên với phái nữ, coi họ như người thân, như anh chị em hay bạn bè quen cũ, tôi hỏi thăm vài câu. Lần khác cũng gặp lại và cũng hỏi bâng quơ ít câu, nhưng thấy cô ta không hào hứng tiếp chuyện, làm tôi cũng cụt hứng. Những chuyện loại này xảy ra thường với tôi, nên dễ đi vào quên lãng, chỉ vì năm sau là chúng tôi gặp lại nhau nên tôi còn nhớ.
    Anh Phương kinh nghiệm đầy mình hé .

    Reply
  4. Kiều Thanh

    Đúng đó TNP , Bùi Giáng là sư phụ về thơ lục bát
    Thử đọc bài thơ sau coi có ngất ngây không?

    ÁO XANH

    Lên mù sương, xuống mù sương
    Bước xa bờ cỏ xa đường thương yêu
    Tuổi thơ em có buồn nhiều
    Thì xin cứ để bóng chiều đi qua
    Biển dâu sực tỉnh giang hà
    Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh

    Reply
  5. Đặng Danh

    Lại gặp bài viết đầy kỉ niệm nữa?
    Huynh biết không tui tâm đắc với câu :
    “giọng nói Bắc kì nghe rất du dương”Bà huyện của tui là Bắc kì 100% đấy.

    Reply
  6. Phuong

    Phượng: Chỉ có một chút để nhớ và kể ra, còn thì quá nhiều chút đã quên rồi người bà con quơi.
    Tuệ Minh: kể thêm chút kỉ niệm cho Tuệ Minh tè luôn.
    Kim Phụng còn nhớ (trước bảy lăm)Phuong phone khuyến khích bạn hát song ca (Phuong sử dụng guitar)bản nhạc của Lê Uyên Phương, như hoa đem tin ngày buồn…, bạn trả lời hát được, nhưng nhát ,không dám hát trước đám đông? Hoàng Việt, bạn đến nhà tớ chơi đường Bùi Thị Xuân, bạn còn nhớ bạn đã nói, cô ấy là của tao đó, tao chấm trước rồi đó nghen, bạn người thấp nhưng chí cao, bạn đeo đuổi và thành công, thật bái phục, Phuong nể bạn đó. Quốc Hùng bạn bơi dở tệ, tớ phải dìu bạn vào bờ ở hồ Yết Kiêu? Và bạn còn ráng nói Tuyết Lê đuối sức ra dìu vào, nhớ không? Tuyết Lê bạn còn nhớ Phương bơi song song giữa hồ hổ trợ đưa bạn vào, nhưng bạn cũng cố gắng bơi đến đích cuối hồ, và hình như bạn bị sự cố với cái quần sì ở giữa hồ này thì phải?
    Thanh Nga: Chảng khạo chẳng khôn, Ẻm khờ khôn chẳng rõ. Nhưng nhìn ảnh trong email của Tam đại mĩ nhân xưa qua T Đoàn và Q Hùng gởi cho, mới biết Tam đại(không có lão) mĩ nhân mấy cổ có chút phôi pha theo thời gian nhưng (nguyễn y vân) nhận ra ngay, thế Phương đã không nhận lầm mấy cổ.

    Reply
  7. HN Tin

    Phần kết câu chuyện hay quá!Thật mủi lòng!Ra trường, mỗi người một ngả, nhưng những kỷ niệm một thời là hành trang quý giá cho mỗi người mang theo trong suốt cuộc đời còn lại của mình.Tình bạn!Vâng tình bạn mãi đẹp và không bao giờ nhạc phai trong ký ức!

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.