Những lời cám ơn: Anh bạn Xích lô (5)

cơ sở mới

Vì có thêm một số đông sĩ tử ở các nơi như đại học Đà Lạt, đại học Vạn
Hạnh, đại học Cao Đài ở Tây Ninh, đại học Phật Giáo Hoà Hảo ở Long
Xuyên, ngay cả một số sĩ tử từ đại học Huế cũng nhập vào…và nhập
theo luật lệ qui tắc nào tôi không biết, chỉ biết là làm cho số sinh
viên tăng vọt lên. Bộ giáo dục mới dùng trường đại học Vạn Hạnh cũ làm
cơ sở học tập chính của trường Sư Phạm. Trong các trường tư, đại học
Vạn Hạnh nổi danh nhất về tiếng tăm. Đây là viện đại học tư thục đầu
tiên ở miền Nam thành lập vào năm 1964, Hòa thượng Thích Minh Châu giữ
chức vụ viện trưởng cho đến năm bảy lăm. Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng
là một trong những người thành lập Viện, thành lập nhà xuất bản Lá
Bối, và cũng đã dạy môn Phật học ở đây. Viện qui tụ rất nhiều nhân tài
về phục vụ cho công việc giảng dạy bất kể về bằng cấp. Chẳng hạn như
Phạm Công Thiện chưa đi thi tú tài bao giờ và chỉ mới mười tám tuổi đã
giữ chức giảng viên môn Triết học của viện Đại Học Vạn Hạnh. Tính đến
năm bảy ba, tổng số ghi danh của trường là một con số khá lớn trên ba
ngàn sáu trăm sinh viên. Về cơ sở qui mô và trang bị của viện khá hiện
đại, bây giờ đã trở thành cơ sở thứ hai của trường ĐHSP.

Các phân khoa Sư Phạm nằm ở đường Cộng Hoà đều chuyển qua học tập ở
bên cơ sở mới đường Trương Minh Giảng, quận ba. Lớp tôi tự động tăng
lên hơn một trăm ba mươi người, những năm sau này rơi rụng bớt còn
khoảng một trăm hai. Tất cả bọn tôi đều là bạn bè, nhưng sĩ số ba mươi
chín sinh viên cũ, cảm giác có gắn bó hơn, vì họ đã cùng trải qua một
cuộc tuyển chọn gắt gao từ các nguồn khác nhau. Dĩ nhiên phải đậu ngay
đợt đầu, trong hai kỳ thi ở Văn Khoa, mới có cơ hội nộp đơn đúng lúc
ngành sư phạm tuyển chọn, đậu xong còn phải vượt qua cuộc thi vấn đáp
trực tiếp mới coi là một sinh viên chính thức. Nói chung cuộc vượt vũ
môn rất nhiêu khê, nên bạn nào cũng ngầm tự hào về mình và các bạn
mình. Cho đến bây giờ tình bạn vẫn thân thiết hơn với các bạn khác đến
sau. Tiêu chuẩn ngành giáo dục tuyển mỗi năm bốn mươi sinh viên cho
mỗi bộ môn, nhưng tại sao trong lớp học buổi đầu tiên của chúng tôi
chỉ có ba mươi chín sinh viên, có lý do của nó.

Sau khi ra trường, mấy năm sau tôi có đến khu ngã ba Ông Tạ để mua cây
đàn guitar, anh thanh niên bán đàn tên Quang trắng trẻo có hàm râu
quai nón nhưng cạo sát, nói chuyện với tôi về âm nhạc rất hợp gu, trò
chuyện dần đến chỗ thân tình, anh bật mí cho biết là đã thi đậu vào
ĐHSP học được mấy hôm rồi bỏ, vì anh cũng vừa trúng tuyển ngành tâm lý
chiến trong quân đội, với mức lương cao, được hậu đãi nhiều, lại được
đi ca hát đúng sở thích, anh đã lưỡng lự cả tuần rồi chọn ngành tâm lý
chiến. Anh nhờ còn giữ được hồ sơ là sinh viên trường sư phạm nên đã
thoát khỏi cảnh phải ‘lên non tìm động hoa vàng trồng khoai’. Quang
chính là người bạn thứ bốn mươi của chúng tôi, chỉ có Thanh xôxíchle
biết, tôi chưa có dịp kể cho các bạn khác biết điều này, bây giờ thì
các bạn đã rõ.

chim xanh

Một buổi chiều, nằm trên gác gỗ ‘đìu hiu’ ở nhà Văn Thanh trong khu
Bàn Cờ, tôi vừa nhấm nháp cafe vừa đọc sách, tủ sách của bạn cũng có
một số sách có tựa đề tôi đã có, nhưng cũng có nhiều quyển tôi chưa
dịp đọc đến, bạn tôi rất thích văn học Trung Quốc, tôi đang cầm trên
tay quyển Nghệ Thuật Sống của Lâm Ngữ Đường. Văn Thanh ngồi đó, trầm
ngâm như đang nghĩ ngợi điều gì, thuốc lá rít liên tục, cuối cùng anh
thổ lộ, hỏi tôi làm sao cho đối tượng biết mình có cảm tình với cô ta.

A, chuyện này coi bộ hấp dẫn à nghen, Văn Thanh làm như tôi là chuyên
gia gỡ rối tình yêu không bằng. Nhưng có hỏi thì phải có đáp, tôi làm
sao có thể đọc sách tiếp, bèn ngồi dậy. Người ta nói, chuyện mình thì
quáng chuyện người thì sáng, và tôi trả lời là chuyện nhỏ, quá dễ. Tôi
nhíu mày nhìn thẳng vào bạn rồi hỏi, nếu là tôi, tôi muốn cho cô gái
biết tấm lòng của mình thì tôi phải làm sao. Thanh nói ngay, thì viết
thư tỏ tình. Đúng rồi, còn phải hỏi. Bạn tôi nhoẻn miệng cười cầu tài,
tỏ ra đồng ý với cách giải quyết này.

Nói là làm liền, bạn tôi cầm cây bút và tờ giấy quay mặt qua chỗ khác
ngồi viết, tôi nhìn bạn ngồi xếp bằng, còng lưng cuối xuống, cái gối
đặt trong lòng, trên chiếc gối là một tập giấy trắng. Tôi tưởng tượng
đó là một thiền sư đang ghi công án thiền hơn là một sinh viên đang
viết thư tỏ tình.

Thời gian trôi qua, có lẽ công án quá khó nên thiền sư ngồi trầm ngâm
bất động khá lâu, cuối cùng nhà sư quay qua tôi than thở, tớ không
biết phải nói gì đây, không biết phải mở đầu như thế nào. Đây là lúc
tôi phải dùng tài năng gỡ rối tơ lòng thòng của mình, tôi nào có ân
oán giang hồ với cô gái ấy đâu mà tôi sợ, tôi cứ thoải mái phăng ra
một mạch lâm ly nhưng không bi đát. Chuyện viết thư tình dùm cho người
khác này xưa cũ rồi, tôi đã từng được nghe các bậc tiền bối kể nhiều
rồi, nhưng vẫn bán tín bán nghi không biết thật hay phịa, bây giờ
chính tôi lại vướng phải.

Sinh viên năm thứ ba đại học viết thư tình, mà để cho bàn dân thiên hạ
đọc văn bịt mũi kêu sến là chuyện không hề xảy ra. Tôi khoác lác và tự
tin đến mức cuồng tín như thế, cũng làm bạn tôi an tâm phần nào. Bởi
vì anh cứ nhắc nhở tôi mùi mẫn vừa phải, vừa đủ đô thôi, đừng sến quá
mắc cỡ lắm. Làm dùm cho người khác dễ hơn làm thiệt cho mình. Nếu đúng
là trường hợp của tôi, có lẽ tôi cũng để giấy trắng như bạn Thanh,
hoặc có lẽ là viết những dòng chữ ngô nghê, ‘ai cũng hiểu chỉ có một
người không hiểu, nên có một gã khùng nghệch ngoạc … nắn vần thơ’,
và nếu như thế thì coi như bù. Cô gái đó sẽ cầm bức thư tình của tôi,
xem tới, xem lui, cứ tưởng rằng gã thanh niên đã cho mình một lá bùa
về dỗ con nít khỏi khóc đêm.

Tôi phăng liền một mạch rồi đưa cho bạn mình đọc, bạn Thanh gật đầu
khen hay. Hay chứ, không hay sao được. Đó là lời trong “Những bức thư
tình hay nhất thế giới, Thuật yêu đương, Thư gởi người đàn bà không
quen biết, Thuật nói trước công chúng, Tâm lý bạn gái …” tổng hợp,
chắc lọc, dồn nén, cô đọng, chỉ còn lại mấy giọt, không phải, chừng
một gang tay chữ viết, thì còn phải nói. Bạn tôi ngồi cắm cúi chép
lại, một thoáng là xong.

Bạn ngồi ngắm nghía tờ giấy rồi nói, chữ tôi xấu quá như cua bò, chữ
ông đẹp hơn viết dùm tôi đi. Đúng là bạn thân của tôi, tôi ngu toàn
tập thì hắn cũng ngố toàn tập. Hôm nay chữ tôi viết, hôm sau chữ bạn
viết, cái điệu này không ổn. Cô gái sẽ nghĩ chàng thanh niên này là
một tài năng mới, thuận tay nào viết tay đó, lúc thì dùng tay trái,
lúc thì dùng tay phải. Chắc là có lúc viết lá thư bằng cả hai tay một
lượt. Không xạo được, thôi bạn đành tự gò lưng nắn nót viết lại cho
đẹp, nhưng đừng có vẽ thêm hình trái tim và mũi tên xuyên qua đấy nhé,
tôi chọc quê, bạn tôi cười ruồi và ngồi nghiêm túc viết lại búc thư.

Bước kế tiếp là làm cách nào để tiếp cận và trao thư. Tôi hỏi bạn tôi
người ấy ở đâu, làm gì, tôi có thể biết chút ít gì được không. Bạn tôi
lúng túng, biết rằng không thể dấu tên quân sư quạt mo này được, đành
‘tự thú trước bình minh’ rằng nàng là cô hàng xóm tên Yến, ở căn nhà
đối diện mà anh để ý từ lâu. A, thì ra là cô gái hàng xóm này, đó chắc
là lý do chính bạn tôi suốt ngày ôm cây đàn guitar đen thui cũ rích
hát hoài bản nhạc của Hoàng Quý:…Cô láng giềng ơi, không biết cô còn
nhớ đến tôi, giây phút êm đềm … Đúng ra, thay vì bạn hát còn nhớ đến
tôi, nên hát có biết đến tôi… thì hợp hơn. Bởi bạn chưa tiếp cận,
chưa nói chuyện với cô ta bao giờ, làm sao cô ta biết đến, rồi nhớ đến
bạn được. Tôi đến nhà bạn chơi thương xuyên nên biết cô hàng xóm xinh
xắn đáy thắt lưng ong này, cô gái trạc tuổi bọn tôi, chị cả trong nhà
đông chị em, hoàn cảnh giống như bạn tôi, nhưng cô ta bỏ dở chuyện học
hành sau khi kết thúc trung học, tự mưu sinh và trở thành cô hàng quán
cafe sinh tố ngoài đầu hẻm.

Tôi và Thanh ngồi uống nước, tôi không còn nhớ rõ là mình uống cafe
hay sinh tố, nhưng tôi lại nhớ rất rõ hình ảnh người bạn thân thiết
của mình. Anh ngồi cựa quậy lúng ta lúng túng không yên trên ghế cả
nửa giờ, mà không rút nổi lá thư từ trong túi áo ra để trao cho cô chủ
quán. Bí quá, anh rút đại lá thư từ túi áo trao cho tôi rồi nói, thôi
ông cầm đưa dùm tôi đi. Trời hỡi! Trời sinh Du nỡ sinh Lượng, trời
sinh tôi sao nỡ sinh hắn. Tôi đã ngố anh ta còn ngốc hơn tôi. Tôi cầm
thư trao cho cô ta, có nghĩa là tôi tỏ tình trực tiếp với cô ta chứ
không phải là ông, bởi vì bức thư đâu có kí tên ông đâu? nếu có kí
tên, người ta cũng tưởng tôi tên Văn Thanh thì sao? Nghe tôi nói thế,
bạn ta hoảng hồn chộp lại, cầm bức thư suy nghĩ một chút, rồi đứng lên
quay qua cô gái, mắt nhìn thẳng vào cô (tôi thấy hình như nhìn thẳng
vào búi tóc trên đầu cô thì đúng hơn), chìa tay đưa cho cô gái bức
thư, và nói được hai chữ: Đọc đi. Xong, kéo tay tôi đứng lên, đi
thẳng, không quay đầu lại, như tráng sĩ Kinh Kha giã biệt sang Tần.
May quá, tôi đã trả tiền nước trước rồi, nếu không cô chủ quán kêu
cảnh sát chặn bắt hai kẻ ăn quịt.

* Cơ Sở 2 DHSP

(Lời cảm khái: Ông bạn thân mến

Đọc tới đây chắc ông bạn suy gẫm mà .. ngậm ngùi nhớ lại:

Ba mươi sáu năm xưa,

Một ‘chiều tà’ không gió, cũng không mưa.

Dưới ngọn đèn ‘neon’, trong khu hẻm nhỏ,

Hai mái đầu xanh kề nhau than thở:

Thôi mày đưa dùm tao… cho đặng.

Chớ tao đây cảm thấy, thật là…quá nặng.

Hay!… mày nói mới bạc làm sao chớ!

Mày không đặng, còn tao… ắt đặng?

Chi cho bằng sớm liệu mà trao ra.

……..

Trao rồi…

Hai thằng bỏ chạy… như …gặp ma!

Có chút gì để nhớ để quên là ông bạn may mắn đó. Một bạn khác nói với
tôi rằng – Ngày xưa tớ sợ đi lính thấy bà, lo học chết mẹ, dám nào suy
nghĩ viễn vông, giờ chẳng có ‘miếng’ kỉ niệm để đời, phòng khi trái
gió trở trời ….mà sầu theo!

Nếu là tôi là Thanh bây giờ tôi sẽ nói rằng:

Cảm ơn em vì em (từng) mang đến cho trái tim tôi những rung động xao
xuyến ngọt ngào khi thức dậy.

Cảm ơn em vì em (từng) mang đến cho tôi những nhớ nhung, những buồn
khổ khi đêm về.

Cảm ơn em vì ‘chút tình’, không chỉ riêng mình tôi biết, mà còn có em.
Đó là niềm hạnh phúc tuyệt vời tôi có được với em.

Mấy năm sau, ông bạn lại đến với tôi, tôi thành ông cố vấn lần nữa.
Bây giờ chẳng phải một mà là hai. ‘Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng
nước, nên chọn một dòng hay để nước trôi’. Bạn quả là người may mắn.
Tôi nhìn ánh mắt kể chuyện của bạn. Bạn kể về dòng nước một, ánh mắt
bạn sáng lên niềm kiêu hãnh. Bạn kể về dòng nước hai, ánh mắt toả ra
bóng trìu mến dịu dàng. Tôi mòn răng giảng giải hai dòng, rồi một cú
hích nhẹ nhàng bạn lọt vào dòng nước hai. Từ dạo đó tới giờ, bạn ngụp
lặn trong dòng nước thứ hai, tôi không biết bây giờ bạn cảm ơn tôi hay
bạn rủa thầm tôi, hay là cả hai hả bạn?! )
{jcomments on}

0 thoughts on “Những lời cám ơn: Anh bạn Xích lô (5)

  1. Quốc Tuyên

    Ái chà, bữa ni lại biết thêm Phương có tài làm cố vấn tình yêu nữa nha, sao mà nhiều tài dzữ rứa hè, phục quá!

    Reply
  2. Dạ Lan

    Anh Phương viết văn dễ thương quá , nếu Dạ Lan là cô láng giềng sẽ cua luôn hai chàng cho bỏ ghét

    Reply
  3. Kiều Thanh

    Có một cô láng giềng mà một chàng đắm say còn chàng kia thì làm cố vấn chắc quân sư có trái tim sắt thép.

    Reply
  4. Đặng Danh

    Anh chàng khờ lại vơ đến hai vợ đúng là hết khờ mới trổ tài hay ” mèo mù vớ cá rán đây “

    Reply
  5. Giáng Hương

    Người bạn nào của anh Phương cũng rất đặc biệt nếu GH là bạn của anh Phương thì từ tầm thường có thành đặc biệt không ? ?

    Reply
  6. Bích Vân

    Từ hồi Anh Phương án ngữ trang nầy mình rất thích anh đúng là một người hoàn hảo nhất là có cặp chân dài… hi… hi… chạy…

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.