Những lời cám ơn: Anh bạn Xích lô (3)

huynh đệ

Căn nhà tôi ở đường Bùi Thị Xuân gần trường Nguyễn Bá Tòng là nơi lui
tới của nhiều bạn bè, ngoài Thanh xíchlô (Nam kì), còn có Viêm Phương,
Văn Thanh (Bắc kì), Quốc Hùng, Hoàng Việt, Kim Phụng, Tuyết Lê …và
đặc biệt là Đại Huynh. Có lẽ thuở nhỏ hay đọc truyện tàu của mấy ông
cậu, nên tôi đâm ra rất thích kết bạn, ai có một chút tài nhỏ nào hay
một năng khiếu nào đó thì dễ thu hút sự chú ý của tôi ngay.

Đại Huynh là một trong những người bạn đáng để kết thân, tên bạn nghe
như là một thanh niên vạm vỡ, một lực sĩ đô con nặng kí, cảm thấy ngầu
bao nhiêu, thì hình thức bề ngoài thấy ngược lại bấy nhiêu. Bạn Huynh
có thân hình ốm tong ốm teo, gió tung thổi mạnh chắc là bốc bạn ấy bay
lên trời. Bạn lại mang đôi giầy mô-đen kiểu đầu gồ, đế cao, cao đến
sáu phân. Mỗi khi bạn cầm điếu thuốc lá rít và phà khói, thì ai cũng
nhận thấy ngay đó là tên cao bồi nhãi nhép lucky lucke từ trong truyện
tranh bước ra. Đại Huynh vui tính, nói chuyện có duyên, cư xử rất tốt
với bạn bè dù là mới quen nhau, và hay bao cafe cho những bạn rổng
túi, một kiểu Mạnh Thường Quân hay Xuân Thân Quân thời hiện đại, hợp
với sở thích của tôi nên nhanh chóng kết thành là bạn rượu, ồ không,
bạn cafe cà pháo của tôi. Và gần như hằng ngày đến nhà tôi cù rủ đi
uống cafe bất kể là trưa, chiều, hay sáng sớm, dĩ nhiên bọn tôi thay
phiên nhau chi trả. Bạn thường đến bằng xe honda PC, dù rằng bạn có
chiếc xế họp riêng. Có lẽ tôi rất vô tư về khoảng chơi chi  này, nên
bạn ấy đến rủ  tôi hằng ngày cũng nên.

Bạn ấy cũng thích sách vở như tôi, có điều thích cầm, nhìn, sờ mó hơn
là đọc, nhưng đâu có hề gì, biết quí trọng kẻ sĩ là được, chứ Mạnh
Thường Quân xưa kia đâu có học hành gì, đâu được là sinh viên năm thứ
hai như bạn ấy đâu. Văn Thanh, Quốc Hùng lúc đầu cũng thấy kiểu của
Đại Huynh ra đường trên tay lúc nào cũng ôm mấy cuốn sách bìa cứng dày
cộm đồ sộ giống một đại trí thức, coi không hợp nhãn. Một hôm Văn
Thanh nói móc, ê, Phương coi kìa, Đại Huynh ôm trên tay hai quyển sách
bìa cứng nặng kí, chắc để phòng khi có gió, hắn khỏi lọt xuống mương.
Nhưng ngày càng tiếp xúc qua các buổi sinh hoạt ngoại khoá như đi du
khảo ở vùng đồi núi Biên Hoà, hay đi dã ngoại ở vùng biển Vũng Tàu,
hay tổ chức bán đấu giá sách (lần đầu tiên tôi biết đến và tham gia
vào) làm việc thiện ở trong lớp. Đại Huynh, Hùng đầu bò, Thanh
xôxíchle và tôi thân thiện nhau hơn, còn thân thiết thì chỉ có thể nói
tách riêng ra tôi với từng người một, vì mỗi bạn đến với tôi mỗi cách
khác nhau, Hùng nặng tình cảm, Huynh vui vẻ dễ tính và sòng phẳng,
Thanh tri kỉ. Tôi đâm ra so với nhóm bạn ở Văn Khoa cũng thường đến
nhà tôi chơi. Trong nhóm ấy nổi bật có Cang và Thanh(Trung kì), và hai
bạn này cao lớn, bọn họ có khuôn mặt rất điển trai, nếu có ý nghĩ đi
cua đào thì không nên đi chung với bọn họ, chỉ thua thiệt mà thôi. Tôi
nghĩ bọn họ nên đi đóng phim thì có lý hơn, vì chuyện học hành họ có
vẻ rất là lơ mơ. Ngoài ra phải tính đến bạn Hùng karate tóc dài, và
Hổ, bạn học mười một cũ, là dân sinh viên báo chí, thường rủ tôi đến
Đại Học Vạn Hạnh chơi và bọn tôi có xem buổi biểu diễn văn nghệ đặc
sắc ở đây vào cuối năm bảy tư tại hội trường ở tầng trệt. Lúc đó có
câu nói, học mà không chơi thì uổng đời tuổi trẻ, chơi mà không học
thì phí cả tương lai, đem ứng dụng cho hai nhóm bạn tôi đều hợp lý cả.
Câu đầu nên dành cho sinh viên Sư Phạm, câu hai nên dành cho sinh viên
Văn Khoa và Vạn Hạnh. Còn riêng tôi thì nghĩ thế nào? Tôi không nghĩ
xa xôi như thế, chỉ làm theo quán tính trực giác, cần vượt qua kì thi
tôi nằm dài cả tháng trời trong hóc kẹt thư viện quốc gia đường Gia
Long để học như điên khùng, cần giải trí tôi làm cuộc phiêu lưu với
bạn Thành Phần, đi Cần Thơ hay Phan Rang. Nói chung thấy điều gì hợp
lý thì làm chứ không phải đắn đo nhiều.

đấu khẩu

Cuộc tranh luận về tác phẩm Ngựa Chứng Trong sân Trường giữa nhà văn
Duyên Anh và nhà văn nhà giáo Huỳnh Phan Anh nối tiếp cuộc tranh luận
trên báo chí, cả hai đều đồng ý tổ chức gặp nhau ở tại hội trường
ĐHSP. Tin chấn động này làm hấp dẫn anh em sinh viên của nhiều trường.
Quần hùng khắp nơi từ Văn Khoa, Luật Khoa, Nông Lâm, Báo Chí Vạn
Hạnh…kéo về, nhưng đông nhất vẫn là dân Sư Phạm, và dân Khoa Học kề
bên.

Nhà văn Duyên Anh không còn lạ lùng với bọn sinh viên chúng tôi, khi
bọn chúng tôi còn là học sinh trung học đệ nhất cấp, chẳng ai trong
bọn tôi mà không đọc qua vài ba truyện về thằng Vũ, con Thuý, về cầu
thủ Bồn Lừa của ông (chắc Duyên Anh thích chơi chữ, cũng như Nhật Tiến
chơi chữ đặt tựa cho tác phẩm Vách Đá Cheo Leo của ông thời ấy, và bây
giờ Đoàn Thạch Biền với tựa sách Tôi Thương mà Em Đâu Có Hay) nếu là
thời bây giờ có thể nói tôi là một fan cuồng của ông ấy, tôi rất mê
bất cứ cuốn sách nào có ký tên tác giả là Duyên Anh ghi ngoài bìa.

Khi xuất hiện trên thị trường sách, tác phẩm Ngựa Chứng Trong Sân
Trường đã gây tiếng vang trong giới trẻ và trong ngành giáo dục và đã
nhanh chóng trở thành một quyển tiểu thuyết bán rất chạy lúc ấy. Đến
nỗi trong cuộc biểu tình tại trường Bồ Đề Qui Nhơn cuối niên khoá bảy
mốt, bảy hai. Trong nhóm học sinh biểu tình đứng trên lầu hai và lầu
ba nhìn xuống đường Tăng Bạt Hổ, cảnh sát trang bị dùi cui và khiên
mây đang đứng đầy chuẩn bị đàn áp giải tán, tôi bắt chước anh tôi, và
bạn bè anh tôi hô to: Nhỏ không học lớn làm cảnh sát dã chiến! Nhỏ
không học lớn làm cảnh sát dã chiến! (sau đó lãnh dùi cui, hơi lựu đạn
cay, và phải chạy trối chết trốn vào nhà dân ở xung quanh). Câu nói
này là từ trong quyển tiểu thuyết đó của Duyên Anh. Báo chí liên tiếp
lên tiếng về tác phẩm này, kẻ khen, người chê. Duyên Anh gây ân oán
giang hồ với tác phẩm Ngựa Chứng Trong Sân Trường và cùng với nhà văn
nhà giáo Huỳnh Phan Anh chọn hội trường ĐHSP làm nơi quyết đấu. Có thể
tóm tắt đại khái nội dung cuốn sách như sau:

Định, thầy giáo trẻ mới ra trường, không chịu thoả hiệp trong vụ gian
lận thi cử, bị đẩy đi trường khác xa hơn, anh chọn trường xa xôi nhất
ở một tỉnh miền Tây, dạy lớp đệ nhị b2 nổi tiếng có những thành phần
học sinh cá biệt, những con ngựa chứng trong sân trường. Phong, tên
học sinh cầm đầu nhóm băng nhóm hung hãn, cả nhóm nghênh ngang hút
thuốc, ngồi gác chân lên bàn, thách thức và đe doạ người thầy giáo trẻ
tuổi. Kim Liên, cô học sinh con ông Tỉnh trưởng cảm mến thầy giáo trẻ,
lo lắng, nhờ thế lực cha giúp đỡ, nhưng thầy giáo từ chối. Định nhẫn
nhục, cố dùng lời lẽ để thuyết phục, nhưng bọn ngựa chứng lại càng lớn
lối, và lại càng hiểu lầm thầy khiếp nhược, cả lớp bất bình, vài nam
sinh đứng lên ủng hộ thầy giáo, bị bọn ngựa chứng đánh phủ đầu dằn
mặt. Thầy giáo trẻ vẫn cố gắng nhẫn nhịn dùng đạo lý phải trái khuyên
nhủ. Và chuyện gì đến, phải đến. Bọn ngựa chứng cùng với băng đảng bên
ngoài phục kích trong đêm, chận đánh thầy giáo trẻ một trận đòn khá
nặng, thầy ráng chịu đòn không đánh trả, bọn chúng chúng nghĩ rằng sau
vài tháng nằm viện thầy sẽ phải bỏ đi trường khác theo đúng ý đồ bọn
chúng. Thầy giáo trẻ cố lết về nhà, và lên lớp vào buổi sáng hôm sau
trước sự ngạc nhiên của bọn chúng. Viên tỉnh trưởng được báo tin dẫn
cảnh sát vào lớp, yêu cầu thầy Định xác nhận người hành hung là sẽ
còng đem về giam ngay. Thầy Định không khai ra Phong và đồng bọn, thầy
cũng ngăn cản học sinh không khai ra. Bọn ngựa chứng thoát nạn, đi học
lại. Cả lớp bình yên học tập. Một hôm Định thấy có cuộc đánh lộn ngoài
đường, Định chen vào đám đông và thấy bọn Phong và đám bạn bị nhóm
băng đảng vây đánh, Định ra tay cứu trợ, Định sử dụng võ thuật của
mình đánh dẹp bọn du đảng bên ngoài cứu đám học trò ngựa chứng của
mình. Tâm phục khẩu phục. Ngựa chứng đã được thuần.

Điều đáng nói ở đây là thầy giáo trẻ mới ra trường, biết chơi violon,
một cao thủ võ nghệ, có kiến thức quảng bác, sành sõi phim ảnh, tự nói
không biết hút thuốc nhưng phà khói thành hai vòng tròn có thể xuyên
qua nhau, có sức khoẻ còn hơn Muhammad Ali võ sĩ ba lần vô địch boxing
hạng nặng thế giới, bị gần chục mạng oánh hội đồng, sáng dậy vẫn lên
đứng lớp. Thật là súp pờ! (Nhưng gia cảnh là bần cố nông ba đời, bản
thân có bảy năm thâm niên bán báo dạo ngoài đường thời trung học để có
tiền sinh sống?) Tôi không thể nói gì thêm, xin được trích lại nhận
xét của tôi hôm đó trong ‘Những lời xin lỗi muộn màng …bài năm’:

Hôm ấy Duyên Anh gầy nhỏ, mặc sơ mi ngắn tay, hình con cò con cuốc,
tóc dài chấm vai, trên sân khấu hội trường ngồi bàn bên phải, bên trái
là nhà giáo Huỳnh Phan Anh, áo trắng dài tay với cà vạt nghiêm chỉnh.
Sau hơn một giờ tranh luận, Duyên Anh đuối lý, đại khái Huỳnh Phan Anh
qui kết Duyên Anh viết sách vô trách nhiệm, tạo ra mẫu anh hùng rơm đã
gây ảnh hương xấu cho giới trẻ học sinh, dồn Duyên Anh vào thế bí.
Duyên Anh nổi cáu nói: Sách tôi xuất bản có giấy phép, không phạm
pháp, tôi không trách nhiệm khi nó đã ra ngoài thị trường sách, giống
như một con tinh trùng ( Chú thích: chữ dùng của Duyên Anh) đã ra
ngoài cơ thể, nó có đời sống riêng của nó, sống hay chết do bên ngoài
quyết định, không phải tôi. Tôi là nhà văn chứ không phải nhà giáo dục
hay nhà từ thiện. Thấy Duyên Anh cãi chày cãi cối, tôi bỏ ra ngoài, đi
tìm quán cafe ……….. . Về sau nghe nói, một sinh viên lên tiếng
chưởi cả hai, một bên đạo đức giả, một bên vô trách nhiệm. Cuối cùng
cả hai, nhà văn và nhà giáo cùng lên tiếng phản bác lại tên sinh viên
đó. Cuộc tranh luận kết thúc và họ bắt tay hoà nhau trong hậm
hực.(NLXLMM 5)

Không gặp nhau thì thôi, gặp mặt nhau thì cũng tạm được, nhưng xin
đừng nói. Tôi rất thất vọng cách nói năng ứng xử của nhà văn vô cùng,
viết thì hay, nói thì ngấy. Có lẽ tôi quá đặt nặng tư cách đạo đức
không? Có lẽ tôi cũng đồng tình với những lập luận của nhà văn nhà
giáo Huỳnh Phan Anh? Với tôi, và nhất là với Văn Thanh, khó chấp nhận
tư tưởng như vậy, vào ngôi trường sư phạm, ngôi trường khuôn khổ đạo
đức mà nói thế, nếu không bị đục là may lắm, mà có lẽ biết đâu, khi
biết rằng không thể bị đục ở nơi được coi là tôn nghiêm này nên mới
phát ngôn như thế? Tôi và Văn Thanh bỏ dở cuộc đấu khẩu, ra ngoài đi
uống cafe tiếp tục cuộc tranh luận riêng của mình, cuộc tranh luận nhẹ
nhàng không nổi gân xanh, đỏ mặt, tía tai, như giữa hai kiếm khách
cùng mang tên Anh ở bên trong, cố ra chiêu phân định ai sẽ thắng ai
thua, ai sẽ là người chính danh. Đó là tất cả những suy nghĩ của bọn
tôi vào thời điểm đó.

* Bìa sách

{jcomments on}

0 thoughts on “Những lời cám ơn: Anh bạn Xích lô (3)

  1. Quốc Tuyên

    Hồi đó QT cũng thích đọc truyện của Duyên Anh thích nhất là tác phẩm ” Hoa thiên lý” và “Ngày xưa còn bé”.
    Phương hay ghê kết huynh đệ thật nhiều mờ còn nhớ cả vóc dáng, tính tình của từng bạn, phục quá hà.

    Reply
  2. Phuong

    Quốc Tuyên: D A lúc ấy nhìn thấy khá trẻ nhưng tuổi gần gấp đôi bọn P, sinh viên nhiều người phản đối cũng bỏ ra ngoài giống P và T, đến nỗi có tên đứng lên giữa hội trường la hét nói nặng lời với ông. Lúc đó là thế, thanh niên mà. Dĩ nhiên bây giờ có khác, P quí trọng D A. Hổ (tên là vậy, nhưng tánh là Thỏ) là bạn chúng ta, Tuyên không nhớ sao? Hổ ngồi sau lưng P gần Ng Ngọc Phương, Văn Phú Tuỳ.

    Reply
  3. lamcamai.

    Cám ơn anh Trần Ngọc Phương đã kể câu chuyện về DA và tác phẩm nỗi tiếng NCTST cùng với kĩ niệm thời học sinh
    Ngày xưa đa phần học sinh đều mê truyện của DA , bây giờ nghe kể chi tiết thật vui.

    Reply
  4. Tôn Nữ Yên Khê

    Anh Phương ơi! Yên Khê ngu đần nhất nước nhưng kỷ niệm đẹp thì không có chỉ toàn kỷ niệm buồn .

    Reply
  5. Tuệ Minh

    TM rất thích DA nhưng nghe nói ông nầy đạo dức bùi nhùi lắm, một người con trai Chu Tử thần tượng ông cuối cùng tự tử vì vỡ mộng.

    Reply
  6. Phuong

    Yên Khê: Kỉ niệm đẹp (tranh đẹp cũng thế) có thể là vui, có thể là buồn. Ngu nhất nước(nhưng có lẽ nhì ở Qui Nhơn!?) =>> như thế bạn đã sở hữu những kỉ niệm đẹp thật lộng lẫy ác liệt! cấp quốc gia. Chúc Mừng, Chúc Mừng!
    Tuệ Minh: Có lẽ giải pháp tốt nhất là …tránh gặp mặt nhà văn mình thích. Và …nên thường xuyên gặp mặt nhà văn mình không ưa…

    Reply
  7. Dạ Lan

    Hình như mỗi bước chân anh Phương đi qua là một rừng kỉ niệm.
    Có kỉ niệm nào đau nhói tim anh đến tận bây giờ .

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.