Những lời cám ơn: Anh bạn người Chăm. (3)
phiêu lưu
Một hôm Thành Phần rủ tôi đi Cần Thơ chơi, tôi cũng chưa có dịp đi ra
khỏi phạm vi đô thành Sài Gòn nên tôi nhận lời ngay, cũng vừa hổ trợ
Phần giúp các cô gái trong làng từ Phan Rang đi Cần Thơ thi Đại học.
Tôi thích phiêu lưu và cũng muốn để hiểu biết thêm những điều mới lạ
với chuyến đi này. Chuyến xe đò chở chúng tôi chạy trên con đường
thẳng tắp, mà chung quanh chỉ thấy cả một một màu xanh cỏ cây tươi
tốt, mút tầm mắt nhìn. Khác với đồng khô cỏ cháy quê tôi bị che chắn
chung quanh là núi lớn, núi nhỏ. Dọc đường bọn tôi chục mua ổi qua của
sổ xe, người bán giao mười tám cái, cả bọn tưởng nhầm họ làm phép đếm
sai, dư những sáu trái, bởi vì quê tôi lúc đó, tính một chục là mười
hai. Khi xe chạy ngang qua Vĩnh Long, chiếc xe của chúng tôi phải leo
lên chiếc phà lớn,(nhiều người gọi phà là “ bắc”, theo âm tiếng Pháp
“bac”, có nghĩa là đò ngang) giống như phà Thủ Thiêm ở Sài gòn, nhưng
to hơn, chứa được cả hai chiếc xe khách loại lớn, chúng tôi ngồi trên
xe mà không cần phải đi xuống, đây là lần đầu tiên tôi đi Phà trên
sông, ngay cả ở Sài Gòn tôi cũng chưa từng bước xuống con đò Thủ
Thiêm. Chiếc Phà từ từ chạy qua con sông rộng, hình như đó là sông
Hậu, dài hơn cả cây số. Khi Phà cập bến xe đò tiếp tục leo lên bờ và
chạy thẳng đến Cần Thơ.
Cần Thơ lúc đó cũng na ná dáng dấp như thị xã Qui Nhơn nhưng không sầm
uất bằng. Tôi, Thành Phần và hai cô gái đến thẳng trường Đại Học nào
đó mà tôi không còn nhớ tên, tìm hiểu và lấy tin tức kiểm tra lại ngày
giờ thi…rồi đến một trường Đại Học khác nữa. Chúng tôi mệt nhoài trở
về khách sạn, loại khách sạn tương đối rẻ tiền, trong phòng chỉ có một
chiếc giường caoutchouc mousse rộng, trên có gắn quạt trần, ngoài ra
có một cái bàn gỗ và hai ghế nhỏ. Chúng tôi uể oải ngồi rải rác , kẻ
trên giường, người trên ghế. Thành Phần rất sốt sắng trong việc giúp
đỡ các cô gái này, Phần nói: Tôi ghé đến trường gần đây hỏi tin tức
rồi ghé mua đồ ăn về phòng luôn, nếu đi chung nữa rất mệt và tốn tiền
xe. Rồi khép cửa ra đi.
Bởi vì để tiết kiệm chúng tôi thuê chỉ một phòng trong khách sạn, hai
thanh niên và hai cô gái trong một phòng, bây giờ Phần đi rồi chỉ còn
lại một mình tôi cùng với hai cô chiêm nữ. hai cô đang ngồi trên
giường loay hoay với cái túi xách tay của mình. Tôi cảm thấy mỏi lưng
nên rời chiếc bàn và cầm theo tờ báo, đến chiếc giường rộng ngồi dựa
vào tường, cong chân co gối lên tiếp tục đọc báo. Nhưng đầu óc tôi bây
giờ khác lúc có bạn Thành Phần cùng ở trong phòng. Tôi đăm đăm nhìn
vào tờ báo, những con chữ hiện ra trong mắt tôi, rất rõ, rõ từng chữ
một, nhưng sao tôi không hiểu nó muốn nói gì? Tôi nhìn lên trần nhà,
cánh quạt máy phập phồng xoay tít, nhìn xuống chân thấy hình ảnh lờ mờ
hai cô gái đang ngồi cuối mặt …mệt mỏi tôi thiếp đi. Không biết bao
lâu, tôi giật mình tỉnh giấc, tôi thấy mình vẫn còn ngồi tay bó gối,
nhưng tờ báo đã rơi xuống sàn nhà, cánh quạt máy trên trần nhà vẫn
quay phành phạch, hai cô chiêm nữ phủ phục thiếp đi dưới chân tôi, hai
cô gái tuổi mười tám, mười chín mặc y phục chăm, đang co người nằm bên
cạnh sát chân tôi.
Hai cô gái trẻ trung, bạn biết đấy trẻ thường đi đôi với khoẻ và đẹp,
người ta nói ‘vừa trẻ, vừa đẹp’ chứ không ai bảo ‘vừa già, vừa …’
bao giờ. Hai cô gái có nước da hơi ngăm ngăm, khuôn mặt mỗi người một
vẻ, nhưng đều toát lên vẻ đẹp và sức sống của lứa tuổi thanh xuân.
Trong căn phòng vắng lặng chỉ nghe tiếng xào xạt của gió thổi, tiếng
thở nhẹ nhàng của hai cô gái, thỉnh thoảng tiếng lật phật của tờ báo
dưới sàn nhà…không khí cảm thấy dễ chịu, nhìn hai chiêm nữ phủ phục
dưới chân, tôi mơ màng…tôi tưởng rằng mình đang ngồi trên chiếc ngai
vàng trong cung điện vua Chiêm, tôi tưởng mình là ông vua anh hùng họ
Chế (không phải Chế Linh đâu), mà là Chế Bồng Nga oai danh lừng lẫy
…và bầy cung nữ đang cuối đầu dưới chân đón chờ thánh ý ban ơn… vũ
điệu nghê thường của Chiêm Quốc, tiếng nhạc dìu dặt vang lên đâu đây.
Nhưng có lẽ tôi không biết nhạc cung đình xứ Chiêm, nên bê nguyên xi
lời hát của người bạn vào trong cái đầu đang tưởng tượng của mình…
Hởi em! Chiêm nữ em ơi…nhìn chi chân trời …lòng buồn thương nhớ …xa vời.
Đâu còn …những cánh tháp xưa.
Đâu còn…di tích Chàm xưa …em hởi em, đừng mong, đừng chờ…
Mây giăng phủ cả lối về…
Đường đi, vách đá cheo leo….Qua bao núi đèo hiểm nghèo.
…
Chiêm nữ u buồn, muôn tình thở than..
Cảnh đẹp huy hoàng…
Tôi đang mơ màng đắm chìm trong lầu xanh gát tía, với xiêm y tha
thướt, và mùi trầm hương thoang thoảng vây quanh. Cái mũi ách xì lên,
tôi nhận ra một mùi thơm phức xông vào, không phải trầm hương mà là
mùi bánh mì nóng pate gan thịt mỡ. Một tiếng lách cách, cửa bung ra,
Thành Phần xuất hiện ôm trong tay năm ổ bánh mì thịt và mấy bịch nước
mía, bước vào. Cả nhóm tỉnh hẳn người ra, và vây quanh mấy ổ bánh mì.
Thôi tàn rồi… giấc mộng bá đồ vương!
Chiều tắt nắng …
Tối lên đèn …
Đêm đã khuya …
Các cô gái không còn ôn tập cho buổi thi ngày mai nữa. Hai cô chiêm nữ
lục tục thu xếp đồ đạt rồi ngự lên long sàn nằm duỗi chân, duỗi tay,
chờ đợi …giấc ngủ kéo đến. Còn Hai vua Chiêm Quốc, tôi và Phần, nhìn
các nàng đã yên vị xong. Hai ông vua làm cái việc, mà ai trong trường
hợp đó cũng phải làm như vậy thôi: Cầm tờ báo, phủi lên sàn xi măng
phành phạch, rồi ngã đùng xuống một phát tới sáng, cho tới …khi các
cung nữ kêu dậy dắt đi ăn sáng và dẫn đi thi.
Sáng dậy, hai Vua hơi ê ẩm cái lưng, cũng vì ưu ái các cung nữ mà ra
nông nổi thê thảm thế này. Thành Phần kì này hại chết tôi rồi, tôi ốm
o gầy mòn nên: xương cấn xi măng đau quá. Thành Phần thì hình như cũng
không khá gì hơn tôi, anh mệt nhọc lê lết tấm thân tàn cùng tôi kéo
bầy chiêm nữ đi ăn sáng .
Buổi thi bắt đầu, khi các cô gái đang xôi kinh nấu sử, hai vua Chiêm
lê la xuống bến Ninh Kiều. Ngày hôm đó trời âm u, mưa sương lắc rắc.
Bọn tôi dễ dàng tìm một cái quán cafe vừa ý trong hàng hà sa số quán
càfe hủ tiếu bia bọt nằm dọc bờ con sông, sông gì tôi không biết tên,
nhưng kêu là sông Cửu Long hay Mê Kông thì không sai chút nào, bọn tôi
ngồi chờ đợi.
Con sông lớn quá, ở quê tôi chưa từng biết có con sông nào rộng, mà
đầu này nhìn đầu kia thấy mút tầm mắt như thế, dòng sông đục ngầu gợn
sóng nhỏ lăn tăn, quán sá dọc bờ trông rất lôm côm, cái được, cái xiêu
vẹo, có lẽ trận mưa đêm qua làm cho bờ sông thêm nhếch nhác. Một cặp
tình nhân hay đôi bạn già: một nam, một nữ, tóc bạc lưng còng, miệng
móm, ngồi nửa bó gói nửa chồm hổm nhìn ra dòng sông mênh mang, lai rai
với chai đế trắng vài cái ớt với bát nước xúp. Tôi chưa từng thấy cảnh
như thế ở quê tôi, như thế đối với tôi trông rất kì dị, và bây giờ thì
tôi mới biết thế nào là …nhậu, mà từ trước tới giờ tôi chỉ biết đi
ra quán uống càfe mà thôi. Nói tóm lại, chuyến đi này đã cho tôi học
hỏi được nhiều điều mới mẻ mà một gã thanh niên lớn lên ở thôn quê
miền trung chưa từng biết đến.
nhạc trẻ
Thời gian là vào năm bảy tư, tôi không nhớ chính xác ngày tháng nào,
nhưng chắc là cuối năm. Chúng tôi nghe quảng cáo có một Đại Hội Nhạc
Trẻ tổ chức rất lớn ở Thảo Cầm Viên, tức là Sở Thú Sài Gòn. Dĩ nhiên
bọn tôi rất háo hức, không thể bỏ sót sự kiện này, chúng tôi đến rất
sớm, với thói quen giữ chỗ trước, bọn tôi chọn ngay chỗ gần khán đài,
và cứ ngồi chờ đợi như thế giữa cái nắng nóng gay gắt cho đến khi ban
nhạc đầu tiên ra trình diễn.
Với số người xem khoảng vài chục ngàn, lại chen chúc trong sân cỏ nhỏ
ở sở thú, làm không khí đã ồn ào trở nên chật chội ngột ngạt hơn, âm
thanh kích động cực lớn của hàng chục ban nhạc rock thay nhau trình
diễn từng giờ từng phút càng trở nên cuồng nhiệt. Một số người xem bị
ngất xỉu đươc mọi người chuyền tay đưa ra ngoài cổng. Bọn tôi bị dồn
ép đến ngạt thở, rồi bị xé lẻ tan tác, dạt đi mỗi người một nơi, không
biết họ đứng ở đâu, còn tôi đang đứng sát cặp loa to đùng, cường độ âm
thanh quá lớn, chát chúa, lồng ngực muốn bung ra, tôi khó có khả năng
thưởng thức được nữa, hai tay bịt tai thật chặt cản bớt âm lượng và
nhìn lên sân khấu.
Trên sân khấu, các ban nhạc lần lượt ra biểu diễn, hầu hết là nhạc
ngoại quốc. Nhiều tay trống múa cặp dùi chơi rất đẹp, cứ như là có keo
dính trên tay. Giống như những tên cao bồi miền viễn tây múa khẩu ru
lô. Và họ biểu diễn những đường solo trông sướng mắt, nghe khoái nhĩ.
Nhưng lạ lùng nhất là các tay guitar, không những họ đeo ngược cây
electric guitar ra sau lưng rồi với tay để gảy, mà họ còn ngồi xuống,
bưng cây guitar lên, dùng răng cắn vào sợi dây đàn chứ không khảy bằng
tay. Điểm rất lạ đối với tôi lúc ấy.
Hầu hết các Rocker đầu tóc dài thậm thượt, rũ rợi, họ gào thét và lắc
lư theo điệu nhạc, giống như đang lên đồng. Chẳng ai hiểu họ hát tiếng
Mĩ hay tiếng Miên, nhưng điều đó chẳng có hề chi, nghe hay là được. Âm
nhạc và hội hoạ thì không biên giới mà, cần sự cảm nhận hơn là phân
tích chi li. Một bức tranh vẽ cảnh tuyết rơi trên bầu trời Châu Âu, ta
ở vùng khô cằn nhiệt đới, không hề biết tuyết là gì, nhưng với ‘tri
thức’ ta ‘cảm nhận’ được cái đẹp, cái hay của nó, âm nhạc cũng vậy
thôi. Cả đám đông thanh niên như bị thôi miên bởi các tay Rocker này,
họ cũng nhún nhảy lắc lư theo điệu nhạc.
Nhiều ban nhạc đi-đến-diễn-lui rồi cứ thế tiếp tục, tôi không nhớ hết,
và không còn biết họ hay hay dở chỗ nào, chỉ còn đọng lại sau khi ra
về là Elvis Phương với ban nhạc Phượng Hoàng (Ng Trung Can, Lê Hựu Hà,
E.Phương), và Thái Thanh với ban Thăng Long( T.Thanh, T.Hằng, Hoài
Trung, Hoài Bắc). Tôi còn nhớ đến lời tự giới thiệu của Thái Thanh rất
đặc biệt: Chúng tôi là ban nhạc sồn sồn…duy nhất tham gia đại hội
nhạc trẻ hôm nay. Còn Elvis Phương cũng có nét đặc biệt hôm đó: Anh là
giọng hát hay nhất, là ca sĩ chính của hai ban nhạc, nên anh đã ra sân
khấu diễn hai lần.{jcomments on}