ĐÔI TÌNH NHÂN
Truyện ngắn của Liam Óflaherty.
Trần Ngọc Phương dịch
*Liam Óflaherty (1896-1984),Nhà văn Ailen, sinh quần
đảo Aran. Lúc nhỏ học trường dòng để làm linh mục,
nhưng sớm thấy không có thiên hướng tôn giáo, ông
từ bỏ, vào học đại học ở Dublin. Tham gia vào cuộc nội
chiến ở Ailen 1922, sợ bị bắt ông bỏ sang Anh, ở đó
ông bắt đầu viết văn, với tác phẩm The Informer làm ông
nổi tiếng, và được quay thành phim cũng rất nổi tiếng ở
Hollywood. Ông viết khoảng mười bốn tiểu thuyết và khá
nhiều truyện ngắn như Skerrett (1932) famine (1937)The
Sniper ..Ông sống nhiều ở Mỹ, Anh, pháp,và từng sang
Liên Xô.
Trời thật là nóng bức. Lão già Micheal Doyle đi đến cửa tiệm
mua một lạng thuốc lá. Bây giờ, lão thấy khó khăn để về nhà.
Lão nặng nề chống gậy, chậm chạp đi dưới mái che của bức
tường cao, chạy dọc theo con đường.
– Hà, rất tiếc -lão lầm bầm- mình đã không sai một đứa nhỏ
để mua về.
Vào khoảng một lát sau. Lão dừng chân lại, rướn thẳng người
và thêm vào.
– Nhưng có thể chúng sẽ giữ tiền. Ừ! thật là khủng khiếp, cái ngữ bọn
chúng thường đối xử với mình, ngay trong nhà của mình. Hừm! tốt hơn là
mình ngồi xuống đây, rít một hơi thuốc. Trời đất! Sao mà nóng quá vậy?
Lão đã bảy mươi bảy tuổi. Lão từng là một người to con cao lớn, nhưng
bây giờ lão chỉ còn là một đống nhăn nheo co rúm vụng về. Như thể,
toàn bộ chân tay lão bị gẫy rời ra, rồi ngẫu nhiên khâu vá lại. Mũi
lão một cục, môi dưới lão túm lại, làm thành một cái bánh bao. Đôi mắt
mờ đục của lão do chảy nước liên tục, tạo thành đường rãnh xuống gò
má. Áo quần lão được chắp vá theo kiểu kì lạ, chúng không vừa. Rõ ràng
là đồ phế thải của con hoặc cháu lão. Một trong những đứa cháu của lão
cũng đã ba mươi.
Lão ngồi xuống rất khó khăn, dưới mái che của bức tường. Lão duỗi chân
rồi vắt chéo lại. Bóng râm bức tường chỉ phủ đến nửa đùi lão. Thế là
tốt rồi. Phần thân trên lão khá mát mẻ. Lão thở dài một hơi ra vẻ hài
lòng.
– Chà! -Lão nói- Thật là khủng khiếp, khi bao nhiêu sức lực rời bỏ
con người.
Lão sờ vào túi tìm cái điếu tẩu. Ống tẩu bị vướng vào chiếc khăn nhét
trong túi, rốt cuộc, nó cũng lòi ra với tất cả mọi thứ. Lão đánh rớt
chiếc khăn lên đám cỏ mọc dưới chân tường, bên cạnh lão. Sau đó, lão
rút ra một con dao từ túi khác của áo ghi-lê. Lão mất hơn hai phút để
mở nó ra, bằng cách đặt sống dao tì vào cạnh của hòn đá trên bức
tường.
– Hừm! -Lão vui vẻ nói- Mình chưa chết, không phải là đã giỏi lắm sao?
Rồi lão bắt đầu lau chùi điếu tẩu. Lão thổi ống tẩu rít lên, nó sạch
hơn. Lão đặt ống tẩu xuống đám cỏ bên cạnh và sờ túi tìm lạng thuốc
vừa mua. Không thấy nó đâu. Lão gỡ mũ xuống, nhìn vào bên trong, rồi
sờ giải đai và mò nắn khắp chỗ. Cũng chẳng thấy. Lão banh áo ghi-lê,
rồi cả áo sơ-mi, lão lục lọi tứ tung ở ngực, cũng không thấy gói thuốc
ở đâu. Lão trở nên tức tối, bắt đầu mò đến chân và la lên giận dữ.
– Cái quân ăn cướp, nó không đưa cho mình. Nó lấy tiền rồi giữ luôn
lạng thuốc.
Lão chống tay đứng dậy, tay lão chạm phải chiếc khăn bị đánh rơi. Có
một gói cứng ở bên dưới. Lão reo lên.
– Ha! Nó đây rồi. Ai có dè nó ở đây?
Thế là, lão ngồi xuống. Nhưng khi ráng sức, lão làm văng gói thuốc và
ngồi chồng lên. Khi lão coi lại chiếc khăn. Không có vật gì ở trong
đó.
– Ô! lạ thật! -Lão nói- có ma quỉ ở chỗ này.
Lão gãi gãi đầu, rồi lại bắt đầu tìm kiếm gói thuốc trở lại. Lão dùng
gậy thọc vào đám cỏ, và lấy tay cào bới.
Một bà già tên gọi là Mary Kane, đi ngược lại, dừng chân đứng nhìn
lão. Bà đã bảy mươi tuổi nhưng trông còn rắn rỏi. Mặt bà héo hắt như
quả táo khô, nhưng vẫn còn giữ chút dấu vết xưa. Bà đi giầy cao gót,
điều đó hiển nhiên, bà đã từng có cặp giò đẹp, và dáng đi của bà cũng
đã từng là dáng đi của một người đàn bà đẹp. Bà mang chiếc khăn len
choàng vai nó thòng xuống lưng, gần chạm đất, tạo thành một tam giác
có đỉnh ở gót chân. Mặt dù trời nóng bức, bà quấn khăn quanh đầu, che
gần hết mặt.
Bà dừng lại trước mặt lão. Sau đó, nhận ra lão. Bà hất cái khăn ra sau
và khoát tay ra vẻ điệu bộ.
– Chao ôi! – bà nói – Chẳng phải là ông Micheal Doyle đó sao? A!
Musha. Mạnh giỏi không người anh em?
Lão chậm chạp che mắt ngước nhìn lên và nói:
– Chúa và Đức Mẹ ở cùng bà. Bà ở làng nào tới?
– Úi chà! Ông không nhận ra tôi sao? – Bà nói.
– Xì! Lão đáp – Độ rày tôi chẳng biết ai là ai nữa. Họ thường chế diễu
tôi mà. Bà nói làng nào?
– Ông có ý muốn nói, ông không biết Mary Kane chứ gì?
– Ô hô! – Lão nói – Người bà nói đó là ai? Thôi được! Người của bà
mạnh khoẻ chứ?
– Liệu Ông có phải là con người quỷ quyệt không? – Bà nói – Ông
không nhớ rõ là tôi sống một mình, tôi không có ai cả sao?
– Ô hô! Thật lòng, tôi không biết bà chút nào.
– Ồ! – Bà già khoát tay, nói – Ông mưu mẹo lắm. Này cho tôi hỏi, ông
đang tìm cái gì vậy?
– Hả? Tôi đang tìm cái gì?
– Tôi thấy ông cào cào, bới bới trên đám cỏ.
– Bà chị, những kẻ lạ thì hay tò mò. Còn bà thì rình mò tôi cái gì?
– Ông là con quỉ già cáu bẳn, ông Micheal Doyle.
– Sao không cáu được. Tôi vừa đánh mất gói thuốc lá.
– Hừm! Bà nói trong khi hai tay ôm ghì lấy hông và người rung rung dữ
dội – Tôi biết chắc chắn ông mất một cái gì đó rồi. Cho nên ông mới
quơ quào tìm lung tung, như một đứa con nít mới sinh. Chúa giúp ông.
Ngược lại, ông thì sắp đi về với ông bà ông vải. Ông, kẻ đã từng là
niềm hảnh diện của làng.
– Bà chị, cho dù bà chị là ai, bà có tài bẻm mép đấy. Nhưng dẫu sao
cũng lạ. Một phút trước, nó còn nằm trong tay. Bây giờ, ma quỉ đã nuốt
mất nó đi rồi.
– Để tôi tìm cho – Bà nói.
– Tìm đằng xa ấy – Lão nói – bà chắc không thấy mảy may nào đâu.
Bà già nhìn quanh quẩn trên đám cỏ.
– Cái gì đây? – Bà nói và nhặt cái hột nút áo lên – Có phải từ cái áo
ghi-lê của ông rơi xuống không?
Lão nheo mắt nhìn.
– Đấy là cái hột nút áo – Lão nói – Tôi thấy, tôi giữ lại cho một ông
bạn nhỏ. Chúng nó rất thích những hột nút áo. Tôi giữ nó để đem cho lũ
trẻ, chúng sẽ làm những việc tôi nhờ. Cách này thì rẻ hơn cho xu.
– Chẳng thấy ở đâu cả – Bà nói – Tôi dám cá, ông đang ngồi lên nó. Hãy
xích cái thân già ông ra.
Bà đẩy lão sang một bên và tìm thấy lạng thuốc lá bị lão vùi một nửa
dưới đám cỏ. Bà cầm lên, đưa nó ra trước mặt lão vẻ đắt thắng. Lão
chộp lấy gói thuốc trong tay bà, không một lời cảm ơn. Lão tìm con dao
và bắt đầu xén một ít thuốc trong lòng bàn tay. Bà khuỵ ngồi xuống bên
cạnh. Lão tiếp tục nhồi thuốc vào tẩu, chẳng màng để ý đến. Bà quan
sát lão thật chăm chú, môi bà trề ra, mắt bà nheo lại, theo cái kiểu
của người có thói quen hay nhìn ra ngoài biển xa. Sau đó, bà nói:
– Nào bây giờ hãy nói về ông đi. Ông Micheal. Ông không nhận ra tôi sao?
Lão nhìn bà khó chịu và nói:
– Bà chị, bà là người giỏi lý sự. Quả đúng thế.
– Tôi dám chắc, ông ấy không nhận ra tôi – Bà nói buồn bã – Ôi! cuộc
đời này chẳng phải tàn ác lắm sao? Chỉ mới năm năm, từ lúc tôi gặp ông
lần cuối. Ông Micheal, lúc đó ông còn biết tôi. Dù rằng, khi đi ngang
qua tôi, ông chỉ gật đầu chào chua chát. Ông luôn luôn như thế từ lúc
tôi lấy chồng, ngay cả khi tôi chịu những điều bất hạnh, ông vẫn không
mềm lòng. Bây giờ, trí nhớ ông đã hoàn toàn lú lẫn, như cây cỏ trong
cánh đồng ngập nước, nó bị vùi chôn theo năm tháng. A! nhìn thấy ông
như vầy, tôi hẳn phải héo hắt đau lòng. Tôi còn nhớ, ngày đó, ông có
mái tóc quăn vàng, có đôi mắt sáng rực như biển tràn đầy ánh nắng. Úi
chà! cái chết nên đến sớm với con người bất hạnh, người ta thật dại
dột mới khóc trên xác chết non. Vì, cái cảnh của ông thật là ghê gớm.
Ông đã hỏng hết rồi, ông không còn nhận ra tôi.
Chẳng màng lưu ý, lão đánh que diêm và bập điếu tẩu. Mỗi lần đôi má
cóp của lão phùng ra là tạo nên một tiếng rít lớn. Khói phun ra từ ống
tẩu, nó cháy đã đượm. Lão ném que diêm, khạc nước bọt, rồi quệt miệng
vào tay áo. Mọi động tác của lão không lấy gì làm đẹp đẽ. Tuy vậy, bà
nhìn lão với lòng khao khát kì lạ trong đôi mắt héo mờ.
– Bà già, bà có câu chuyện hơi lạ – Lão nói một cách u ám – Dẫu sao,
bà là ai? Tôi nghĩ, bà ở làng xa lạ nào tới.
Bà vấn khăn quanh đầu lần nữa và khụt khịt. Bà đưa tạp dề lên chậm
mắt. Lão lấy tẩu khỏi miệng, nhìn bà chằm chằm. Lão khạc nước bọt, nói
lầm bầm điều gì, rồi kéo sụp mũ xuống che mắt. Bà bắt đầu rung nhẹ.
– Không như ông – Bà nói – Càng già trí nhớ tôi càng bén hơn. Như sợi
dây thần kinh đau, nó hành hạ tôi, lúc tôi hầu như không còn mong đợi,
tôi buồn rầu vơ vẩn suốt nhiều năm. Chắc hẳn, ngày đầu tiên đó, trông
ông cũng chả đẹp gì với tôi như bóng đen của bức tường ấy. Tôi đang
vắt sữa bò, vào một buổi chiều. Khi ấy ông cởi ngựa đi ngang qua, ông
chúc phúc tôi, tôi ngước nhìn lên, ông dừng ngựa lại và rồi chúng mình
bắt đầu trò chuyện, tôi cho ông bình sữa nóng. Musha! Lúc đó tôi đã
thuộc về ông. Ông không còn nhớ buổi chiều hôm đó sao?
– Ô hô! – Lão nói – bà đang nói về buổi chiều nào?
– Musha. Ông không còn nhớ, cái cách mà mình thường gặp nhau ở trên
ngọn đồi, phía trên nhà cha tôi sao?
– Úi chà! – Người đàn ông nhỏ bé nói – Có cái gì khá giông giống như
vậy, trong cái trí nhớ quỉ quái của tôi. Này nhỉ, chắc hẳn, hiếm khi
tôi ra khỏi nhà. Tôi mà chờ đợi bà!
– Chắc chắn, tôi đang nói chuyện, không phải bữa nay hay hôm qua – Bà
nói – Mà từ, năm mươi bốn năm trước. Tôi nhớ nó rất rõ. Lúc tôi mười
sáu, ông vừa quá hăm ba. Cái con người tội nghiệp. Ông uống rượu suốt,
đánh nhau suốt, nên nó đã đưa ông đi đến tình trạng lụn bại như thế
này.
– Úi chà! Bà nói nghe sao dễ? – Lão nói – Tôi đã uống say gì nào? Một
vài xị thỉnh thoảng, ly whisky lẻ…
– Chúa tha tội cho ông – Bà nói – Ông bị ở tù bốn lần, chưa nói đến
lần ông đi với những người bà con, đến cướp tôi khỏi nhà bằng sức
mạnh. Ông đã nện cho Ned Kane một trận bằng gậy như thế nào, làm y mất
ba tháng nằm nhà thương, còn ông mất sáu tháng trong tù.
– Ai? Tôi? – Lão lấy tẩu ra khỏi miệng, chăm chăm nhìn bà nói – Tôi
trong tù? Để làm gì?
– Vì gần như ông đã giết chết Ned Kane bằng gậy vào đêm
đó, cái đêm ông dẫn tôi đi.
Gương mặt lão đột nhiên loé lên một tia trí nhớ. Miệng lão
há hốc ra. Lão vỗ mạnh tay lên đầu gối.
– A! – Lão nhấn giọng – Ned Kane .Tôi nhớ ra rồi, cái tên
bẩn thỉu đê tiện ấy. Ha! Quỉ tha ma bắt hắn đi. Một khi tôi đập hắn,
có nghĩa hắn xứng đáng được như thế. Một tên hèn hạ bẩn thỉu từ đầu
đến chân. Bà già này, tôi đập hắn và tôi đã đập ra trò.
Lão mò tìm cây gậy, nắm chặt nó trong tay và nói giọng sôi nổi.
– Một mình tôi! Tôi không cần ai nghe, nhưng tôi vẫn nói thế này: Đã
có một ngày, với hai bàn tay không, tôi có thể đập bất cứ ai trong
làng, và khi tôi đã đập, kẻ đó chỉ còn đường húp cháo.
– Nhưng ông không nhớ cái đêm hôm ấy, cái đêm ông đến nhà tôi sao?
– Hử? – Lão nói.
Lão gãi đầu, vẫn nhìn bà chăm chú bằng đôi mắt kèm nhèm. Nhưng dần
dần, mặt lão ngây ra. Lão nói.
– Thôi chịu! Bà làm tôi rối tung cái đầu, chẳng còn nhớ gì hết. Nề!
Tôi bắt đầu quay cuồng với cái nóng này. Người ta thường chế diễu tôi
về điều ấy. Tôi đặt cái mũ xuống. Sau một lát, tôi dám tuyên bố rằng
tôi không thể tìm ra nó.
– A! Chúa giúp ông, con người tội nghiệp – Bà nói vẻ mệt mỏi chán nản
– Nhưng đúng ra, chính tôi phải là người đáng tội nghiệp hơn. Có lẽ,
nếu tôi sống với ông lúc trẻ, bây giờ đâu phải như thế này. Có đám trẻ
chăm sóc cũng an ủi lúc tuổi già. Đúng vậy. Mọi chút còn rõ trong tôi
như một vết bỏng. Lúc đó, ông cùng chú ông và hai người nữa từ làng
đến xin hỏi cưới tôi. Cha tôi từ chối và nói – Một thằng hám rượu,
không có lấy một chiếc khố trên lưng mà đòi tôi phải gả con gái? Nhà
tôi có bốn con bò sữa, nhà tôi giàu và ai cũng biết tôi có ba mươi mẫu
đất, có kho hàng và hai trăm đồng tiền vàng về phần hồi môn của tôi.
Đó, cái cách như thế đó. Chính Ned Kane là người cha tôi muốn gả, và
chính Ned là người tôi đã kết hôn, mặc cho mọi thứ.
– Cân một lạng – Lão nói cáu kỉnh – Tẩu tôi hết thuốc rồi.
– Để mặc nó – Bà già nói – Nghe tôi nói đây. Dù ông không
nhớ, hay ông giả vờ, đằng nào cũng mặc. Bây giờ, tôi muốn nói thực với
ông. Vì đây là cơ hội đầu tiên của tôi trong suốt nhiều năm qua. Khi
họ ép gả tôi cho Kane. Tôi đến báo ông, ông nói ông sẽ chiếm lấy tôi,
cho dù quỉ sứ có ngăn cản. Mà quả đúng thế. Ned Kane đến cùng gia
đình, họ ở trong nhà bàn bạc chuyện hôn nhân. Bất thình lình, có tiếng
vó ngựa ở bên ngoài và tiếng ông gọi lớn. Lúc đó đúng nửa đêm. Ra đây
Ned Kane – Ông nói – Nếu không mày sẽ đi ra với một cái xác chết. Rồi
chú ông Peter Timoney, cả Simon Grealish, Hugh Rody và thêm nhiều
người nữa phá tung cửa vào, đè bẹp bất cứ cái gì có ở đó và người ta
chưa từng nghe thấy tiếng la hét om sòm như thế bao giờ. Ông xông vào
phòng tôi, có mẹ tôi và nhiều người đàn bà khác đang ở đó. Mẹ tôi làm
dấu với cái kẹp. Nhưng không một điều gì ngăn cản được ông đêm đó. Tôi
mừng rỡ đi theo ông, ông mang tôi sau lưng ngựa. Nhưng cha linh mục –
được đánh thức lúc sáng sớm – đã từ chối làm phép cưới cho chúng ta.
Sau đó cảnh sát đến. Chúng ta trốn trong nhà chú của ông, và rồi tất
cả mọi người đều bị bắt. Tôi bị mang trở về. Ôi! cái đêm như thế đó.
Ông Micheal Doule, ông có ý muốn nói với tôi, ông không nhớ phải
không?
Lão ngừng que diêm đang cháy, ngước lên nhìn bà và không
nói năng gi. Sau đó lão đưa tẩu châm thuốc và vứt que diêm đi.
– Người ta nói nhiều về chuyện đánh nhau của tôi – Lão nói
– Họ trách móc tôi hoài về việc đó. Nhưng tôi dám nói, tôi không xấu
hơn những kẻ khác.
Lão bắt đầu càu nhàu, trong khi bà già vẫn tiếp tục câu chuyện.
– Lúc ông còn ở trong tù – Bà nói – Và khi Ned Kane đã ra
khỏi nhà thương, chúng tôi kết hôn với nhau. Tôi nào có thể làm gì
khác? Tôi chắc chắn không có nhúng tay hay dính dáng gì vào việc đó.
Tôi muốn đi với ông với bất cứ nơi nào. Tôi đã khóc sưng mắt lúc đó,
nhưng nào làm gì được. Chúa tha tội cho ông. Ông đã đổ lỗi cho chính
tôi. Tôi sống một cuộc đời dài, cô đơn và khốn khổ với Kane, còn Kane
say sưa và đánh đập tôi với bất cứ cái gì y có trong tay, cho tới khi
y chết vì đau ốm. Không có một đứa trẻ nào được ban đến cho tôi, và
hầu như không một người nào đến ở với tôi. Đó, cái kiểu như thế đó. Cả
ông nữa, ông cũng bỏ rơi tôi. Chẳng có gì ngoài những kỉ niệm buồn,
thật buồn, về một tình yêu bị bóp nghẹt từ thuở ban đầu.
Bà rung người khóc thổn thức, và nhìn chiếc khăn choàng
qua đôi mắt xa xăm. Lão đi đi lại lại bồn chồn, thỉnh thoảng nhìn vào
bà tự lầm bầm một mình, cuối cùng lão nói:
– Bà già, bà có nỗi đau đớn thật tội nghiệp.
– Ái dà! – Bà nói – Đó là gánh nặng tôi mang canh cánh bên
lòng, buổi nói chuyện này đã làm cho nó nặng nề hơn. Ước gì, …tôi
quên được ông?
Bà dợm chân, rung rung người, và vuốt chiếc khăn. Bà chằm
chặm lau khô nước mắt bằng cái tạp dề. Sau đó bà hất cái khăn ra sau
lưng, nhìn thẳng mặt lão. Mắt bà đỏ hoe, môi bà mím chặt.
– Ông không nói một lời gì tử tế với tôi, trước khi tôi đi
sao? – Bà nói.
Lão ngây người nhìn bà.
– Chúa ban phúc lành cho bà – Lão nói.
– Còn ông, ông Micheal – Bà đáp – Chúc ông được an bình.
Bà quay đi khỏi, chiếc khăn vai buông thõng hình tam giác, đôi giầy
gót cao vỗ nhanh trên đường. Lão đứng trông theo và từ từ rút ống tẩu
ra khỏi miệng. Gương mặt héo hắt của lão dường như mất tất cả dấu vết
ý thức của con người, nó giống mặt khỉ. Đôi mắt kèm nhèm của lão cau
lại như mắt con vượn người, không có một chút sáng sủa ở trong đó.
– Chà! – Một lúc sau lão nói – Bà già tội nghiệp đó nói cái gì vậy
cà?! Lão ngồi thêm vài phút nữa, miệng há ra, dường như cố nhớ điều
gì. Nhưng đầu óc lão hoàn toàn trống rỗng. Sau đó, lão cố lê chân về
nhà, lão bước đi mệt nhọc trên đám cỏ, cạnh bức tường, dưới bóng râm.
*Trần Ngọc Phương dịch{jcomments on}
– Chà! – Một lúc sau lão nói – Bà già tội nghiệp đó nói cái gì vậy
cà?! Lão ngồi thêm vài phút nữa, miệng há ra, dường như cố nhớ điều
gì. Nhưng đầu óc lão hoàn toàn trống rỗng. Sau đó, lão cố lê chân về
nhà, lão bước đi mệt nhọc trên đám cỏ, cạnh bức tường, dưới bóng râm.
Có đôi lúc cũng nên quên, quên để khỏi ray rứt đau khổ khi nhớ về quá khứ, tội nghiệp bà Mary Kane quá Phương hỉ?
Nếu hai người cùng bị Bệnh Alzheimer thì câu chuyện đở khắc khoải hơn.
Cái tội nhớ dai của phụ nữ chỉ làm khổ mình thôi không lợi gì cả ?
Câu này của Tuệ Mình là hay nhất đó
, nhưng trời sinh ra họ như vậy biết làm sao bây giờ !
Kết thúc một mối tình bi thảm như vậy đó.
Câu chuyện rất độc đáo.
Vậy là phụ nữ bao giờ cũng nhớ dai hơn nam giới.
Cám ơn anh Phương đã dịch một câu chuyện thú vị.
Phụ nữ có trí nhớ tốt hơn đàn ông nên khổ phải không anh Phương ?
Chào anh Trần Ngọc Phương
câu chuyện thật xúc động , lúc đầu thì khoua đọc thoáng qua , nhưng sau đó cảm thấy tò mò đọc kỹ hơn và đọc xong không ngăn được tiếng thở dài…tất cả thật phù phàng cho một kiếp người. Vì con người có trái tim biết yêu thương nên càng ray rức , thời gian qua đi dày xéo và làm phai phôi tất cả chỉ còn lại nỗi đau vẫn nguyên màu
bagiakhoua nói hay lắm, rất nỗi niềm.
Cám ơn các bạn ghé thăm, đúng như các bạn nhận xét. Đọc lần đầu: Hình như chuyện hài. Đọc lần hai: Câu chuyện có cả bi lẫn hài. Đọc lần ba: Là cả tiếng thở dài. Với người đàn ông: …cũng rồi một kiếp nhân sinh…với người đàn bà: … tình là cái chi chi.