CÁI CHẾT CỦA NGƯỜI ĐỘC THÂN [phần cuối]
*Truyện ngắn của Arthur Schnitzler
*Người dịch : Trần Ngọc Phương
Thương gia dừng lại đột ngột và lật ra sau bức thư.
– Cái gì thế? -Bác sĩ hỏi.
– Bức thư này được viết cách đây chín năm. -Thương gia nói.
– Tiếp tục đi! -Nhà văn thúc giục.
Thương gia đọc tiếp: “Mối quan hệ đi lại, dĩ nhiên khác nhau nhiều. Với một người trong số họ, tôi sống gần như là một hôn nhân trong nhiều tháng. Với một người khác, nó thú vị hơn nhiều, đại thể được gọi là một cuộc phiêu lưu điên khùng. Với người thứ ba, gần như đi tới mức độ rằng chúng tôi chuẩn bị kí kết một hiệp ước tự vẫn. Người thứ tư, tôi quẳng xuống cầu thang, bởi vì đối với tôi, cô ta không trung thành với ai cả. Và một người nữa, là tình nhân của tôi chỉ trong một lần. Có phải mỗi người trong các bạn đang thở dài phải không các bạn thân mến của tôi? Đừng như thế, vì đó có lẽ là giờ phút kì diệu nhất của đời tôi và cô ta. Tất cả là như thế đó, các bạn đã nắm được rồi, các bạn của tôi ơi. Tôi không có gì để nói nữa với các bạn. Bây giờ, tôi sẽ gấp lá thư này và giữ nó trong hộc bàn, ở đó nó có thể chờ đến một tâm trạng nào khác, tôi sẽ hủy nó, hoặc cho tới khi nó được trao cho các bạn, lúc tôi xuôi tay nhắm mắt. “Vĩnh biệt”.
Bác sĩ lấy lá thư khỏi tay thương gia và đọc lại cẩn thận từ đầu đến cuối. Rồi nhìn lên thương gia, kẻ đang đứng khoanh tay quan sát ông với cái vẻ – có lẽ – kẻ cả bề trên, cho dù vợ ông đã chết năm ngoái. Bác sĩ ôn tồn nói : Nó vẫn là sự thật.
Nhà văn đi tới đi lui trong phòng, thỉnh thoảng hất đầu lên như thể ông đang chịu đựng một cơn đau. Bất thình lình ông gầm qua khẻ răng – Đồ chó bẩn thỉu! Và ngước nhìn lên như thể đang xem xét lời chửi rủa hoà tan trong không khí. Ông cố nhớ lại hình ảnh về người vợ trẻ mà ông từng ôm ấp trong tay. Những hình ảnh về những người đàn bà khác hiện ra trong trí, một số thường hay được nhớ đến, một số ông nghĩ rằng đã quên, nhưng ông không thể tập trung được đến người nào ông muốn. Vì vợ ông thân hình đã tàn tạ, và không chút hấp dẫn nào đối với ông bây giờ. Bà đã không còn là người -bạn- tình của ông từ lâu. Nhưng bà đã trở thành một điều gì đó khác hơn, tốt đẹp hơn nữa: Một người bạn, một người đồng hành, đầy hãnh diện trong sự thành công của ông, đồng cảm với những thất vọng của ông, hiểu biết sâu sắc về con người của ông. Dường như đối với ông, người độc thân già trong sự thèm muốn thầm kín và ác tâm của hắn, đã cố tước đi khỏi ông người bạn thân thiết nhất của ông. Xét cho cùng, tất cả những điều khác có nghĩa lý gì? Ông nghĩ về những cuộc phiêu lưu nào đó, gần đây và trong quá khứ xa xăm – vì ông đã trải qua nhiều thăng trầm trong đời của một nghệ sĩ – về cái lối vợ ông đã khóc, đã cười theo những việc xảy ra ấy. Tất cả những cái đó còn lại gì hôm nay? Hay nó đã nhạt phai như phút giây xa cách, khi vợ ông lao vào vòng tay của kẻ đáng khinh, không chủ tâm, không suy xét. Có lẽ, nó cũng phai nhạt, tiêu tan những kí ức về giây phút như thế, trong cái đầu bất động – đang nằm trên cái gối nhăn nhúm bởi sự đau đớn cùng cực cuối cùng – ở phòng bên cạnh. Theo chỗ ông biết. Những gì mà người độc thân viết trong lá thư này có lẽ đúng là một sự nói dối, hành động trả thù của một kẻ tầm thường khốn nạn. Kẻ biết số phận của hắn vĩnh viễn bị lãng quên, kẻ muốn -bằng cách nào đó – gỡ gạc lại một-chút-gì trước cái chết bất lực của hắn. Người ta đã nói nhiều về điều này. Nhưng, mặc dù lá thư nói sự thật. Đó vẫn là một hành động trả thù nhỏ nhen đê tiện và chẳng có hiệu quả gì.
Bác sĩ nhìn chằm chằm vào mảnh giấy, ông nghĩ đến bà vợ già dịu dàng tử tế đang nằm ngủ ở nhà. Ông nghĩ về ba đứa con, đứa lớn nhất đang phục vụ được mười hai tháng trong quân đội. Con gái lớn của họ đã hứa hôn với một luật sư, và đứa con gái út duyên dáng, nó đẹp quyến rủ đến nỗi, trong buổi khiêu vũ mới đây, một họa sĩ danh tiếng xin phép được họa chân dung của nó. Bác sĩ nghĩ về gia đình êm ấm của ông. Tất cả những cảm xúc đập vào ông từ bức thư để lại của người chết, dường như không đúng lắm, cũng như khó hiểu. Nói tóm lại rất không quan trọng.Ông hầu như không thấy được điều gì mới mẻ vào lúc này. Một giai đoạn kì lạ của cuộc đời hiện ra trong trí ông, chắc nó đã mười bốn hay mười lăm năm về trước, khi ông vướng mắc vào những phiền muộn nào đó trong sự nghiệp y học của ông. Đầu tiên là cáu tức, sau cùng cảm thấy bị sỉ nhục đến nỗi không còn suy nghĩ đúng đắn được nữa, ông định rời bỏ thành phố, rời bỏ gia đình vợ con. Vào thời điểm đó, ông bắt đầu trải qua một cuộc sống phóng đãng khinh suất, mà trong đó giống cái cuồng nhiệt kì lạ đã đóng giữ một vai trò …Người đàn bà, sau đó tự vẫn qua một người tình khác. Ông không thể nhớ được nữa, cuộc đời ông dần dần trở lại nếp sống như xưa kia bằng cách nào, nhưng trong suốt cái giai đoạn bẩn thỉu đó, nó đến rồi lại đi, giống như một cơn bệnh. Đó chắc phải là lúc vợ ông đã phản bội ông. Dĩ nhiên, điều đó không còn nghi ngờ gì nữa khi nó xảy ra. Và ông hiểu rất rõ rằng, trong trái tim ông, ông luôn luôn biết, chẳng phải bà đã có một lúc thú nhận chuyện đó với ông sao? Chẳng phải bà đã từng nói bóng gió về điều đó khoảng mười ba, mười bốn năm trước sao? Vào dịp nào?…mùa hè phải không? Trong chuyến đi nghỉ mát…một buổi chiều muộn trên sân thượng khách sạn?…Vô ích, ông không nhớ nổi những câu nói đã bị lãng quên.
Thương gia đứng bên của sổ và nhìn ra ngoài đêm xuân mát dịu. Ông quyết định nhớ đến người vợ đã mất. Nhưng dù căn óc, trước tiên ông vẫn nhìn thấy mình mặc đồ đen, đứng bên khung cửa đã tháo bỏ cánh, trong ánh sáng ảm đạm của buổi sáng, tiếp nhận và đáp trả những cái bắt tay bày tỏ sự thông cảm, mũi ông xông đầy những mùi hoa và thán khí vô vị. Phải một lúc lâu ông mới bắt được hình ảnh của vợ ông. Dầu vậy, đầu tiên chỉ là hình ảnh của hình ảnh. Vì ông chỉ thấy bức chân dung lớn khung vàng, treo bên trên chiếc piano ở phòng khách, bức chân dung của một thiếu phụ khoảng ba mươi, đẹp, kiêu hãnh trong bộ đồ khiêu vũ. Rồi sau đó, nàng tự hiện ra với ông là một cô gái trẻ, bẽn lẽn thẹn thùng, lắng nghe lời cầu hôn của ông cách đây gần một phần tư thế kỉ. Rồi nó hiện ra trong trí ông, ngón tay xinh đẹp của người đàn bà ngồi tôn lên trong lô ngồi ở rạp hát bên cạnh ông, mắt nàng dồn chăm chú trên sân khấu, ông cảm thấy ông xa xăm trong tâm trí của nàng. Rồi ông nhớ đến mặt người vợ dễ cảm, tiếp đón ông nồng nhiệt không ngờ, khi ông trở về sau một chuyến đi dài. Ngay tức thì sau đấy, ông nghĩ về một giống cái nhạy cảm nhiều nước mắt, với đôi mắt xanh thờ thẫn mang nhiều tâm trạng không hài lòng, đã làm đời ông khốn khổ. Rồi lần nữa, ông thấy nàng trong bộ đồ xám buổi sáng, một người mẹ băn khoăn lo lắng canh chừng bên cạnh đứa con đau, một đứa trẻ bắt phải chịu chết. Cuối cùng ông thấy một sinh vật xanh xao vàng vọt, miệng chu lên đau đớn, trán rõ giọt mồ hôi, nằm trong phòng đầy mùi ête trong lúc ông đứng canh chừng với lòng thương xót đau khổ. Ông biết rằng, tất cả những hình ảnh nầy và hàng trăm hình ảnh khác chạy nhanh mau chóng lạ thường qua mắt ông, tiêu biểu cho một người và cùng bản chất – Con người, mà con người đó đã chôn vùi trong nấm mộ hai năm trước. Ông đã than khóc cho nàng, tuy nhiên cái cảm giác được giải thoát sau cái chết của nàng. Dường như đối với ông, từ trong tất cả những hình ảnh ấy, ông phải chọn một để đi đến xác định một cảm xúc nào đó. Vì bây giờ cơn giận dữ và xấu hổ chập chờn dao động đang dò dẫm tìm đối tượng. Trong mối lưỡng lự phân vân, ông chăm chăm nhìn qua những ngôi nhà trong khu vườn ở bên kia con đường, chúng loáng thoáng vàng, nâu, dưới ánh trăng và dường như gồm chỉ những bức tường sơn xanh xao, không gì ngoài sự trống rỗng ở bên trong.
– Chào tạm biệt -Bác sĩ nói và đứng dậy- Tôi không có việc gì nữa để làm, ở đây. Thương gia đang còn loay hoay, nhà văn cầm lấy bức thư – và không ai để ý – ông bỏ vào trong túi. Bấy giờ, ông mở cửa đến phòng kế bên, chầm chậm đi đến giường người chết, và những người khác thấy ông ta đang nhìn xuống thi hài, hai tay siết chặt ở sau lưng. Sau đó họ rời khỏi.
Ở phòng ngoài, vị thương gia nói với gã hầu.
-Về tang lễ. Tờ di chúc nơi luật sư có lẽ đã ghi lời chỉ dẫn.
– Và đừng quên đánh điện cho em gái ông ấy ở London -Bác sĩ thêm vào.
Nhà văn đuổi theo họ kịp ở cầu thang.
– Hai bạn có thể đi quá giang xe tôi – Bác sĩ nói, khi chiếc xe ngựa của ông đang chờ sẵn.
– Cảm ơn – Thương gia nói – Tôi sẽ đi bộ. Ông bắt tay hai người kia và bắt đầu đi về hướng thành phố, để cho đêm xuân dịu mát bao phủ lấy người ông.
Nhà văn lên xe cùng với bác sĩ. Trong vườn chim bắt đầu hót. Chiếc xe ngựa đi ngang qua vị thương gia, cả ba người nhấc mũ chào nhau, mỗi người một vẻ, cùng mỉa mai lịch sự.
– Chúng tôi có thể sớm thấy điều gì của bạn trên sân khấu nữa không? -Bác sĩ hỏi nhà văn với giọng bình thường.
Nhà văn nói về những trở ngại bất thường đứng về mặt trình diễn trong vở kịch gần đây nhất của ông. Mặc dù, dĩ nhiên, ông đã không thừa nhận, ông nói – rằng nó chứa đựng hầu như những công kích ác liệt về những thứ mà người ta gìn giữ thiêng liêng. Bác sĩ gật đầu, và không chú ý. Về vấn đề đó, nhà văn cũng chẳng quan tâm đến điều ông đang nói, những lời lẽ trình bày như thế thường rơi ra từ môi ông như thể ông đã học chúng thuộc lòng.
Trước ngôi nhà của bác sĩ. Hai người đàn ông xuống xe và chiếc xe lăn đi khỏi.
Bác sĩ rung chuông. Cả hai người đàn ông đứng chờ đợi trong im lặng. Khi bước chân của người hầu bàn đến gần, nhà văn nói:
– Chúc ngủ ngon, bác sĩ, ông bạn thân của tôi. -Rồi nhíu mũi và chậm rãi thêm vào- Tôi cũng không kể chuyện của tôi.
Bác sĩ nhìn qua ông mỉm cười dịu dàng. Cánh của đã mở. Họ bắt tay nhau và bác sĩ biến vào phòng tiền sảnh. Cánh cửa đóng lại ở sau lưng ông.
Khi ông ta đi rồi, nhà văn sờ vào trong túi ngực. Vâng, bức thư còn đó …giữ nó kín đáo và cẩn thận, rồi một ngày kia, vợ ông cũng sẽ tìm thấy nó giữa đống giấy tờ sau khi ông chết. Và với khả năng đặc biệt của trí tưởng tượng mà ông có. Ông có thể nghe tiếng nàng thì thầm bên nấm mộ của ông: Anh thật là cao thượng! Anh thật là… tuyệt vời!
Trần Ngọc Phương dịch
(1)Rembrandt (1608-1669) Danh hoạ Pháp nổi tiếng với các tác phẩm Assuérus, Aman, Esther…
(2) Santos – Dumont (1873-1932) người Brazil lái khí cầu danh tiếng đầu thế kỉ XX ở Pháp.
{jcomments on}