Truyện ngắn của Arthur Schnitzler
Người dịch : Trần Ngọc Phương
Arthur Schnitzler (1862-1931) nhà văn Đức, bậc thầy trong thể loại kịch và truyện ngắn của nền văn học Đức đầu thế kỷ XX -con của một thầy thuốc danh tiếng. Ban đầu học ngành y và hành nghề bác sĩ trong vài năm. Sau đó tự hiến mình vào lãnh vực văn chương. Ông thành công cả về kịch lẫn truyện ngắn và còn là một nhà phê bình uyên bác. Ông là nhà văn Đức được ưa thích và được biết rộng rãi nhất ở các quốc gia nói tiếng Anh.
Cái chết của người độc thân (Bacherlor’s death ), một cốt chuyện rất thật độc đáo, ba nhân vật: Một nhà văn, một thương gia, và một bác sĩ biết được một ”sự thật” qua chúc thư của người bạn vừa qua đời. Tuỳ theo hoàn cảnh sống của mỗi người, tác giả diễn tả tâm trạng mỗi nhân vật một khác nhau đối với người yêu quí thân thiết nhất của mình.
*
Tiếng gõ cửa nghe rất nghẹ, nhưng bác sĩ đã thức giấc ngay, ông bật đèn lên và ra khỏi phòng. Ông liếc nhìn vợ, bà vẫn tiếp tục ngủ thanh thản. Ông thọc nhanh vào chiếc áo khoác và đi ra phòng tiền sảnh. Ông không nhận ra ngay được người đàn bà già với chiếc khăn choàng xám vấn quanh đầu đang đứng ở đó.
– Thưa ngài bác sĩ. Ông chủ chúng tôi ngã ốm bất thình lình – Bà nói – Xin ngài vui lòng đến ngay.
Bây giờ, bác sĩ đã nhận ra giọng nói. Người đàn bà đó là quản gia của bạn ông -Một người độc thân. Ý nghĩ đầu tiên của bác sĩ là: Bạn mình đã năm mươi lăm, tim đang bất ổn qua hai năm nay, có lẽ đó là một điều gì khá nghiêm trọng.
– Tôi sẽ đến ngay lập tức – Ông nói – Bà có phiền chờ một chút không?
– Xin tha lỗi, thưa bác sĩ. Nhưng tôi phải đánh xe tìm hai quí tôn ông khác ngay bây giờ -Bà đề cập đến tên của hai người. Một thương gia và một nhà văn.
– Tại sao bà phải tìm đến họ?
– Ông chủ muốn gặp họ một lần nữa.
– Gặp họ một lần nữa?
– Vâng, thưa ngài.
Ông ta cho đi nhắn mời bạn đến – Bác sĩ nghĩ – Chắc là ông ấy cảm thấy cái chết đã gần kề – Bác sĩ hỏi lớn – Có ai ở bên ông chủ không?
– Dĩ nhiên, thưa bác sĩ – Người đàn bà già trả lời – Johann túc trực ngay bên cạnh ông ấy. Rồi sau đó bà ta rời khỏi.
Bác sĩ đi về phòng ngủ. Ông mặc áo quần hết sức nhanh và gọn, một cảm giác cay sè dâng lên trong lòng ông. Nỗi buồn phiền chẳng bao lâu ông sắp mất đi một bạn thân tốt, không hơn được cảm giác đau đớn rằng, tất cả bọn họ đang đi đến gần điều đó, tất cả họ, những người vẫn còn trẻ chỉ vài năm trước đây.
Trên chiếc xe ngựa mui trần, bác sĩ đi trong đêm xuân ấm áp đến vùng ngoại ô, nơi sống của người bạn độc thân. Ông nhìn lên cửa sổ phòng ngủ, cánh cửa mở rộng, toả ra ánh sáng lờ mờ nhè nhẹ trong đêm.
Bác sĩ bước đi lên cầu thang. Người hầu mở cửa ra chào một cách trang nghiêm và buồn rầu, để cánh tay trái thõng xuống.
-Thế có nghĩa thế nào? – Bác sĩ nín hơi hỏi – Tôi đã đến quá trễ?
– Vâng, Thưa ngài. – Người hầu trả lời – Ông chủ đã chết mười lăm phút trước đây.
Bác sĩ hít một hơi dài rồi bước vô phòng. Người bạn ông nằm chết trên giường, môi mỏng xanh xao hé mở, tay duỗi dài trên chiếc mềm trắng, bộ râu để nhếch nhác, vài bệch tóc hoa râm rũ loà xoà trên cái trán nhợt nhạt ẩm ướt. Dưới ánh sáng óng ánh của bóng đèn điện, một cái bóng màu nâu đỏ trải dài trên tấm đệm, Bác sĩ đang xem xét người chết. Lần cuối cùng ông ấy ở nhà mình là khi nào nhỉ? Bác sĩ ngẫm nghĩ – mình nhớ buổi chiều hôm đó, trời đang có tuyết. Thế chắc là phải mùa đông vừa rồi. Chúng ta quả thực có gặp nhau một chút cách đây không lâu.
Bên ngoài có tiếng chân ngựa gõ trên mặt đường. Bác sĩ rời khỏi thi hài và nhìn ra ngoài cửa sổ, những nhánh cây lưa thưa kẻ rung động trong gió nhẹ ban đêm. Gã hầu đi vào, bác sĩ hỏi mọi việc đã xảy đến ra sao.
Người hầu kể lại thật rõ ràng. Đó là một kiểu quen thuộc, thình lình buồn nôn, thở nặng nhọc, rời khỏi giường, đi đi lại lại trong phòng, đổ xô tới bàn, rồi lảo đảo trở lại giường, khát nước và rên rỉ, cuối cùng đứng dậy bất thần và ngã rũ xuống nệm. Bác sĩ lắng nghe, gật đầu rồi đưa tay sờ nhẹ lên chân mày người chết.
Chiếc xe ngựa chạy đến gần, bác sĩ bước đến cửa sổ, ông thấy vị thương gia ra khỏi xe và ném cái nhìn dọ hỏi lên ông. Vô tình, bác sĩ buông thõng cánh tay xuống như gã hầu đã từng làm khi trước. Vị thương gia qua ngoắt đầu lại như thể không bằng lòng tin vào điều đó. Bác sĩ nhún vai rời cửa sổ, ông bỗng cảm thấy mệt mỏi và ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh chân giường người chết.
Vị thương gia bước vào phòng, mặc áo khoác màu nâu, không cài khuy. Ông đặt mũ xuống cái bàn nhỏ gần cửa ra vào, và bắt tay bác sĩ.
– Thật khủng khiếp – Ông ta nói – Nó đã xảy ra như thế nào? Và ông ta nhìn thi hài tỏ vẻ e sợ.
Bác sĩ kể lại những điều ông biết và nói thêm:
– Ngay cả nếu tôi đến kịp lúc, tôi cũng không thể cứu giúp được.
– Cứ nghĩ – Thương gia nói – Chỉ có một tuần, từ lúc tôi nói chuyện lần cuối với ông ấy trong rạp hát. Tôi muốn đi ăn cơm với ông ấy, nhưng ông ấy đã có một cái hẹn khác trong những cái hẹn khá bí ẩn của mình.
– Ông ấy vẫn còn có những kiểu hẹn đó sao? – Bác sĩ hỏi lại với nụ cười uể oải.
Một chiếc xe ngựa nữa ngừng lại. Thương gia đi đến của sổ, và nhìn thấy nhà văn xuống xe. Ông ta đi giật lùi lại. Ông không muốn mình là người truyền đạt tin buồn, ngay cả bằng một cái nhìn.
Bác sĩ rút ra một điếu thuốc từ cái hộp thuốc lá và đùa nghịch nó với vẻ bối rối – Đó là thói quen cũ của tôi từ những ngày ở bệnh viện – Ông nói với vẻ biện hộ – Vào ban đêm khi tôi rời khỏi phòng bệnh, và ngay khi đã ra ngoài, việc đầu tiên tôi thường làm là châm ngay một điếu thuốc lá, dù tôi vừa chứng thực cái chết hay nhiễm móc phin cũng không có gì quan trọng.
– Ông có biết bao lâu rồi tôi mới thấy một xác chết không? – Thương gia nói – Mười bốn năm. Từ khi cha tôi nằm trong quan tài.
– Còn …vợ ông?
– Tôi đoán chừng, tôi thấy vợ tôi trong vài phút cuối cùng, nhưng sau đó thì không.
Nhà văn bước vào. Ông bắt tay từng người, mắt liếc nhìn cái giường hơi khó chịu. Sau đó ông kiên quyết bước đến gần thi hài và xem xét một cách nghiêm trang, nhưng với đôi môi hơi mím nhẹ, khinh khỉnh. Thế, chính là hắn – Nhà văn nghĩ. Vì ông thường đùa với vấn đề – giữa những người quen thân – Ai sẽ là người đầu tiên đi đến con đường cuối cùng.
Bà quản gia đi vào, nước mắt đầm đìa, bà quì xuống bên cạnh giường thổn thức, hai tay siết chặt lại. Nhà văn nhẹ nhàng đặt tay lên vai bà tỏ vẻ an ủi.
Thương gia và bác sĩ đứng bên cửa sổ. Ngọn gió đêm xuân lướt nhẹ qua mặt họ.
– Thật là kì lạ – Thương gia nói – Ông ấy đã nhắn mời tất cả chúng ta, ông ấy muốn thấy tất cả chúng ta tụ tập quanh giường. Chắc ông ấy có điều gì quan trọng muốn nói?
– Đối với tôi – Bác sĩ mỉn cười, nói – Chuyện đó chẳng có gì lạ lùng từ khi tôi là một bác sĩ. Với ông bạn, có lẽ ông bạn thỉnh thoảng trao đổi công việc hay lời khuyên với ông ấy, có lẽ ông ấy ghi nhớ đến một số vấn đề chúc thư và muốn giải bày tâm sự riêng với ông.
– Điều đó rất có thể – Thương gia nói.
Bà quản gia rời khỏi lần nữa. Người ta có thể nghe thấy tiếng bà đang nói chuyện với gã hầu ở phòng ngoài. Nhà Văn vẫn đứng bên cạnh giường,và tiếp tục cuôc đối thoại khó hiểu với người chết.
– Ông nhà văn gần đây gặp ông ấy nhiều hơn cả hai chúng ta – Thương gia nói với bác sĩ – Có lẽ ông ấy có thể cho hai chúng ta biết, tại sao chúng ta được gọi đến.
Nhà văn vẫn tiếp tục đứng bất động, mắt dõi nhìn đôi mắt khép kín của người chết, hai tay bắt chéo ở sau lưng và nắm giữ chiếc mũ phớt xám. Hai người còn lại bắt đầu dần dần thiếu kiên nhẫn. Thương gia bước đến gần nhà văn và đằng hắng giọng.
– Ba ngày trước – Nhà văn nói – Tôi đã đi dạo bộ với ông ấy trong hai giờ liền ngoài vườn nho. Các bạn có biết ông ấy nói về điều gì không? Ông ấy nói về dự định làm cuộc hành trình đến Thuỵ Điển vào mùa hè này; Về tài liệu mới của Rembrandt (1) mà nhà xuất bản Watson đã in ở London ; Về Santos- Dumont (2). Ông ấy giảng giải dài dòng với tôi về quả khí cầu mới điều khiển được. Nói thật, tôi không thể tiếp thu được hết tất cả vào đầu. Có một điều chắc chắn là ông ấy không nghĩ tới cái chết. Và tôi cho rằng, có lẽ ở vào một cái tuổi nào đó, lần nữa người ta ngừng suy nghĩ về cái chết.
Bác sĩ đã đến phòng bên cạnh. Ở đây, ông cảm thấy có thể dám hút thuốc. Bất thình lình ông lưu ý đến những tàn thuốc trong cái gạt tàn thuốc lá bằng đồng ở trên bàn. Cái cảnh tượng đó có nét đặc biệt tác động khó hiểu đến ông – Tại sao ta lại ở đây? – ông suy nghĩ khi ngồi xuống chiếc ghế bành đặt trước bàn – Mình thực sự cảm thấy tự do là người đầu tiên rời khỏi, từ lúc mình hiển nhiên được gọi đến chỉ với tư cách là một bác sĩ hơn là tình bạn. Ở vào tuổi mình, vào hạng người như mình, có lẽ, khó có thể có được nữa, là bạn thực sự của một ai đó, không nghề nghiệp, chưa hề có một nghề nghiệp. Ông ấy đã phải làm nghề gì nếu ông ấy không giàu có? Có lẽ ông ấy thích viết lách – ông ấy khá tài giỏi. Và bác sĩ nhớ khá nhiều lời nhận xét châm chọc hiểm độc mà người độc thân phát biểu, đặc biệt về những tác phẩm của nhà văn, bạn họ.
Nhà văn và thương gia đi vào. Nhà văn khép cánh cửa phía sau lưng và khoác vẻ mặt khó chịu khi thấy bác sĩ đang ngồi một mình ở bàn giấy với điếu thuốc lá ở trong tay, mặc dù nó vẫn chưa đốt.
– Ông bạn có ý kiến gì không? – Thương gia hỏi.
– Về cái gì? – Nhà văn hỏi lại lơ đãng.
– Điều gì thúc đẩy ông ấy nhắn mời chúng ta đến…đặc biệt.
Nhà văn thấy không có một điểm lý do nào đặc biệt để tìm kiếm.
– Có lẽ ông bạn chúng ta cảm thấy cái chết đến gần – và mặc dù sống trong cảnh tương đối cô đơn, ít nhất là gần đây – ở một lúc như thế, con người có khuynh hướng cơ bản là thích giao du, có lẽ, cảm thấy có nhu cầu phải gặp gỡ ở quanh mình, những kẻ gần gũi với mình.
– Nhưng ông ấy đã có tình nhân ông biết chứ? – Thương gia bình luận.
– Tình nhân! – Nhà văn thốt lên, nhướng mắt khinh miệt.
Bác sĩ bây giờ để ý đến cái ngăn kéo ở giữa hộc bàn hé mở.
– Tôi không biết chúc thư của ông ấy có ở đây không? – Ông ta nói.
– Điều đó có liên quan gì đến chúng ta – Thương gia chỉ trích.
Người hầu bàn đi vào. Gã nhờ bọn họ chỉ dẫn về việc sắp đặt tang lễ, về cáo phó và vân vân – Gã nói – Theo những gì gã biết, di chúc ông chủ được luật sư riêng chăm sóc. Nhưng gã nghi ngờ di chúc có chứa đựng lời chỉ dẫn gì đó cho việc này.
Nhà văn nghĩ không khí trong phòng ngột ngạt nhạt nhẽo, ông vén màn cửa sổ màu đỏ qua một bên và mở hai cánh cửa ra . Đêm xuân tràn vào một màu xanh thẩm. Bác sĩ hỏi gã hầu có thể biết lý do họ được mời tới đây không, ông nghĩ đến điều đó, vì đã không được nhắn gọi đến nhà này với tư cách nghề nghiệp trong nhiều năm.
Gã hầu tiếp nhận vấn đề ân cần như thể gã đang chờ đợi. Gã rút ra một cái ví to quá khổ trong túi áo choàng và lấy ra mảnh giấy. Gã báo cho họ biết, bảy năm trước đây, chủ gã viết tên những người bạn mà ông mong muốn họ tụ tập quanh giường trước khi ông chết. Vì lẽ ấy – gã nói – mặc dù chủ gã không còn tỉnh táo nữa, gã phải tự nhận lấy trách nhiệm cho nhắn mời quí tôn ông đến.
Bác sĩ nhận lấy tờ giấy từ tay gã hầu và nhìn thấy danh sách có ghi tên của năm người. Ngoài ba người hiện đang có mặt, còn có thêm tên hai người nữa, một người là bạn chung của họ đã chết hai năm trước và một người nữa mà trong số họ không ai biết. Gã hầu giải thích rằng, người này là chủ xí nghiệp, mà nhà của ông ta thường được người độc thân lui tới thăm viếng khoảng chín hay mười năm trước đây, nhưng địa chỉ bây giờ đã mất.
Ba người nhìn nhau ngạc nhiên và hoang mang ngơ ngác.
– Điều đó có nghĩa có nghĩa là thế nào? – Thương gia hỏi – Ông ấy định đọc diễn văn vào giờ phút cuối cuộc đời?
– Có thể là bài thuyết giáo tang lễ riêng của ông ấy -Nhà văn thêm vào.
Bác sĩ nhìn vào cái ngăn kéo hé mở ở hộc bàn. Bất ngờ ông nhận thấy ba chữ trong khối đống thư lớn, ông nhìn kĩ lên mặt phong bì: ”Gởi các bạn tôi”
– Ồ! – Bác sĩ kêu lên và nhặt lấy phong thư có ba chữ đó. Ông giơ cao nó lên cho những người khác trông thấy – Cái này cho chúng ta đây – ông nói và quay sang gã hầu gật đầu, như ngụ ý sự có mặt của gã là không cần thiết. Gã hầu rời khỏi phòng.
– Cho chúng ta? – Nhà văn thốt lên, mắt mở lớn.
– Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta có quyền bóc phong thư này. – Bác sĩ ra phán quyết.
– Chúng ta buộc phải như thế. – Thương gia nói và cài nút áo khoác lại.
Bác sĩ lấy con dao rọc giấy và mở phong bì. Ông rút lá thư ra, đặt nó xuống và sửa lại kính mắt. Nhà văn lợi dụng lúc tạm ngừng đó, vội chiếm lấy tờ giấy và mở ra. – Vì nó là cho tất cả chúng ta – ông nhẹ nhàng nhận xét và chồm người về phía cái bàn cốt để ánh sáng chùm đèn treo rơi thẳng vào lá thư. Thương gia tự động đến đứng bên cạnh. Bác sĩ vẫn giữ nguyên chỗ ngồi của ông – Tại sao không đọc lớn lên – Thương gia nói. Nhà văn bắt đầu đọc.
“Gởi các bạn của tôi” -Nhà văn ngưng lại mỉm cười- Vâng, Quí ngài. Những chữ được lập lại đúng nguyên văn. Rồi sau đó với tính lãnh đạm thờ ơ cố hữu, ông đọc tiếp: “Khoảng mười lăm phút trước đây, tôi trút hơi thở cuối cùng. Các bạn tụ tập bên giường tôi và đang sửa soạn đọc chung lá thư này – Nghĩa là, tôi xin được nói thêm – nếu nó vẫn còn đang trong giờ phút lâm chung của tôi. Rất có thể, tôi sẽ cảm thấy bừng lên một cơn dễ chịu”
– Cái gì thế? -Bác sĩ hỏi.
– “Bừng lên một cơn dễ chịu” -Nhà văn lập lại và tiếp tuc: “ Và điều đó, tôi có thể huỷ bỏ lá thư này. Bởi vì nó không đem lại cho tôi điều mong muốn đáng kể, và có thể gây ra cho các bạn, ít nhất, một vài giờ khó chịu, hoặc quả thực, có lẽ sẽ đầu độc cuộc đời của người này hay người nọ trong số các bạn”.
– Đầu độc cuộc đời? – Bác sĩ lập lại vẻ dọ hỏi và lau mắt kính.
– Nhanh lên. – Thương gia nói giọng khản đặc.
Nhà văn đọc tiếp: “Và tôi tự hỏi, điều gì khiến tôi nảy ra ý thích lạ lùng đi đến bàn giấy hôm nay và viết lên những giòng chữ – mà tác động của nó, xét cho cùng – sẽ chẳng bao giờ có thể đọc trước mặt các bạn. Và dù có thể đi nữa, sự toại ý cũng sẽ quá bé nhỏ, không biện hộ được việc làm tày đình mà bây giờ tôi đang ghi chép hết sức vui thích”
– Ồ! -Bác sĩ kêu lên, không nhận ra được giọng nói của chính mình.
Nhà văn ném cái nhìn giận dữ về phía ông rồi đọc tiếp, giọng nhanh và yếu hơn trước: “Vâng, đó là ý thích chợt nảy ra, không gì hơn. Xét cho cùng, tôi không có điều gì để chống đối ai trong số các bạn. Tóm lại, tôi thích tất cả các bạn theo kiểu riêng của tôi, cũng như, các bạn thích tôi theo kiểu riêng của các bạn. Tôi hết sức kính trọng các bạn, mặc dù tôi thường chế diễu các bạn. Không, ngay cả – trên thực tế, ít nhất là – trong phút giây này, phút giây mà nó sẽ gợi lên ngay lập tức những hình ảnh sâu sắc và đau đớn trong tâm trí tất cả các bạn. Rồi, cái nguồn gốc của ý thích chợt nảy ra đó là gì? Có lẽ, nó đã nảy sinh từ sự thôi thúc sâu thẳm và cơ bản tử tế, là không muốn để lại trên cõi đời với quá nhiều dối trá trong lương tâm tôi. Vì thế, tôi ắt phải suy xét xem, tôi có bao giờ cảm thấy – dù chỉ chốc lát – dính dáng tới cái điều mà người ta gọi là hối tiếc không”
– Lạy chúa, đọc hết đi. -Bác sĩ hạ lệnh bằng giọng mới của ông.
Thương gia giật lấy lá thư khỏi nhà văn – kẻ cảm thấy dường như bị một loại bệnh tê liệt đang bò trên ngón tay – một cách khiếm nhã. Thương gia đảo mắt lướt nhanh trên trang giấy và đọc dòng chữ:
“ Đó là định mệnh! Các bạn của tôi ơi, tôi không thể thay đổi nó được. Tôi đã ngủ với tất cả vợ của các bạn. Tất cả họ.”{jcomments on}
Một truyện ngắn rất hay của nhà văn nổi tiếng Schnitzler, truyện lôi cuốn người đọc, phải đọc cho bằng hết đến cuối truyện, không thể bỏ lửng hoặc dừng lại, cốt truyện rất vui,lột tả mặt trái của con người. Cám ơn Anh TNP dịch rất hay.
Một lá thư để lại của người độc thân thật bất ngờ!Ôi, cuộc sống!
Viết thật độc đáo .Hay.
Anh chàng độc thân ác quá, đáng lẽ phải mang bí mật theo xuống mồ chứ phải không Phương?
Anh TNP luôn lựa những cốt truyện độc đáo để dịch, kỳ khôi thiệt.
Hú vía ! Đây là bức thư của người độc thân nam.
Sao người độc thân quá tàn nhẫn, chết là hết chuyện rồi còn làm đau khổ người còn lại nhất người đó là bạn mình .
Truyện ngắn ngoại quốc có kết cuộc bất ngờ giống chuyện của Lữ Vân.
Đáng lẽ người độc thân nên chết sớm hơn chết trước khi viết thư.
Ôi người độc thân sao quá tàn nhẫn & ác độc !!!
Qúa hay và sâu sắc.
Mấy người độc thân im ỉm mà ghê. .
Anh chàng độc thân nầy đúng là sư đểu.
Kết thúc hay nhưng không có hậu .