bốn …
Nếu ai đó hỏi bạn rằng, thầy cô nào gây ấn tượng với bạn nhất? Thầy cô nào bạn mến thích nhất? Bạn sẽ trả lời là ai? Với câu hỏi đầu tiên, tôi chắc trăm phần trăm cả lớp chúng ta sẽ đưa tay trả lời ngay là thầy Huỳnh Hữu Dụng dạy môn sử. Thầy có lối dạy thu hút học sinh ngay khi bước chân vào lớp, đặt xấp giấy lên bàn và ngồi vào ghế, thầy lôi cuốn học sinh bằng lối kể chuyện hấp dẫn sinh động của mình. Hiếm học sinh nào bỏ giờ thầy, mà đôi khi lớp còn tăng sĩ số bất thường vì học sinh lớp khác đến dự. Còn thầy cô nào bạn mến thích nhất ? Tôi không biết câu trả lời của bạn, nhưng bạn sẽ đồng ý với tôi ngay, nếu tôi nói là cô hướng dẫn lớp của chúng ta: Cô Vương Thuý Nga. Cô có lối giảng bài rành mạch, cư xử dịu dàng, ít khi rầy la mà chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo, cô rất đáng mến, lúc đó cô còn khá trẻ, ở lứa tuổi ba mươi. Tiết học lý hoá của cô, đối với tôi, rất dễ chịu …
Nhưng còn có một người đặc biệt -với phần cảm nhận riêng của tôi- người mà tôi không thích, cũng không ghét, và cũng không có ấn tượng nhiều, lại là người giúp ích cho tôi nhất về sau này, đó là thầy dạy văn: Thầy Trần Quốc Sủng. Tôi không có ấn tượng với giờ văn của thầy, giọng thầy giảng bài thiếu âm sắc, gương mặt lạnh lùng không biểu cảm, có những buổi trưa giọng đều đều của thầy làm tôi rất ư là buồn ngủ. Nếu có ấn tượng thì chính đó là sự chán ngán. Còn tại sao không thích? Làm thế nào thích một bộ môn khi mà bạn cố gắng hết sức, nhưng chỉ đạt được điểm con số mười trung bình lè phè, và làm gì có chuyện học sinh thích người dạy bộ môn đáng chán đó. Thế thì tại sao nói rằng nó rất hữu ích đối với tôi ? Nếu bạn chú ý lắng nghe trong lời giảng đều đều của thầy, mới thấy có sự khác biệt. Thầy mở rộng tầm nhìn cho chúng ta, nhưng chúng ta bấy giờ khối óc còn non nớt quá, không ra khỏi bốn bức tường của lớp, chỉ mong làm bài đạt điểm cao thôi. Tuy giọng thầy đều đều hơi chán nhưng thầy đã cho chúng ta biết về đời sống văn hoá bên ngoài. Thầy giới thiệu chúng ta nền văn học hiện đại. Đề cập đến phong trào Triết Học Hiện Sinh với những thủ lĩnh hàng đầu: Jean Paul Satre, Albert Camus…, kể về tác phẩm đang gây bàn cãi nhiều lúc bấy giờ là bộ Nhận Định của Nguyễn Văn Trung…, nói về triết lý ‘Cái Đình’ của linh mục Kim Định…, phê bình về giọng hát liêu trai Thanh Thuý, giọng nhựa ma tuý của Khánh Ly… Những điều thầy giới thiệu sau này khi vào đại học tôi đã đọc, tìm hiểu, và nó đã mở ra một chân trời mới cho tôi.
Nhưng lúc ấy tôi chán ngán và rầu rĩ. Tôi sợ nhất là giờ tập làm văn, mỗi khi thầy kêu lớp lấy giấy bút ra làm bài, thế là trong bụng tôi vội vã đánh lô tô. Bỡi vì y như rằng, tôi phải cắn bút cho đến hết nửa thời gian đầu để tìm ý, và nửa thời gian còn lại mới bắt đầu lo cặm cụi viết. Chỉ còn hơn một nửa giờ đồng hồ làm sao viết cho kịp đầy đủ một bài văn. Do đó, bài luận của tôi thường xảy ra: Đầu bài tốt, thân bài tạm được, nhưng kết luận quá vội vàng. Thành ra đầu voi đuôi chuột, thậm chí có khi, đầu voi đuôi …con kiến. Làm bài luận mà điểm mười, là không tệ lắm rồi, còn đa số bạn xung quanh đang bò lổn ngổn trong điểm, tám, chín, nhưng với tôi điểm mười là đáng chán. Khác với môn toán, vài điểm hơn kém là chuyện thường, bài tập hôm sau có thể lấy lại điểm cao hơn. Nhưng làm văn thì không, hơn nhau nửa điểm là …cảm thấy hảnh diện hơn nhiều. Bởi vì lần sau không chắc là làm khá hơn lần trước. Tôi bỏ công rất nhiều mà nhận được chẳng bao nhiêu. Làm bài luận chỉ trong hơn một giờ mà tôi đổ mồ hôi hột, giống như đã cày qua ba sào ruộng. … Xuân Nông, anh bạn ngồi bên, học rất giỏi, cuối năm được xếp hạng… chỉ dưới một người mà đứng trên vạn người, ..xin lỗi, hơi quá, trên năm mươi tám người. Thế cũng là quá giỏi rồi phải không, nhưng bài văn của bạn ấy cũng chỉ bình bình, lè phè chừng ấy thôi, không cao hơn tôi. Quốc Tuyên giỏi văn đáng kể đến. Nhưng phải nói, môn làm văn xuất sắc nhất lớp bấy giờ là anh bạn ngồi kế tôi, ngọn núi thái sơn của tôi, bạn Xuân Dư. Bạn được thầy Sủng sủng ái, bài luận thường đạt điểm mười hai, mười ba. Một lần duy nhất Xuân Dư đạt điểm mười bốn, thầy Sủng trích ra vài đoạn đọc trước lớp bình luận, rồi khen cách viết khá độc đáo của bạn. Khiến chàng mặt mày rạng rỡ cứ như là trăng rằm. Mà đúng, khuôn mặt của Dư tròn giống trăng mười sáu …. Dư có một bộ vó rất ư là dễ nhớ, người rất thấp, nhưng không bé, mà tròn trịa, kể cả khuôn mặt cũng tròn, nói giọng miền Bồng Sơn đặc sệt, lại rè rè như chuông bể, thế mà viết văn làm luận lại rất đáng nể, rất ấn tượng. Tánh bạn hiền lành, tôi đôi lúc nói đùa hơi đi quá xa nhưng bạn cũng ít giận, chỉ dùng lời lẽ để khuyên nhủ hay phản bác . Một hôm thầy Sủng phát trả lại bài luận đã chấm cho học sinh, thầy chê một số bài viết dở, dĩ nhiên không nêu tên tác giả đó ra, rồi khen vài bài luận có cách viết hay. Xong, thầy yêu cầu học sinh tự giác hô lớn số điểm của mình, để thầy ghi vào sổ. Đến vần P thầy kêu to tên tôi. Tôi trả lời lí nhí nhưng đủ để nghe: Mười Một. Khựng một chút, thầy hỏi lại, Ngọc Phương lập lại bao nhiêu? Tôi trả lời: Mười . Thầy im lặng trong giây lát, rồi tiếp tục kêu tên học sinh khác…Lúc đó tôi mắt cỡ và quê quá, muốn độn thổ, nhưng giả bộ lơ đểnh, vô tư, đang chăm chú đọc lại bài văn của mình. Coi như mình chưa từng hô con số Mười Một.
Xin lỗi thầy, em xin lỗi thầy em đã gian dối. Lúc ấy cả lớp đang hỏi thăm nhau về số điểm của mình, phòng học hơi ồn một chút, nên tôi không rõ thầy có nhận ra sự gian dối của tôi hay không. _ Thầy không nghe rõ nên đã hỏi lại, thầy không nhận ra sự gian dối? Rất có thể là thầy không biết, có thể thầy không nghe rõ thực sự. _ Nhưng … hay là, thầy đã nhận biết và yêu cầu tôi hô lại, thầy muốn cho tôi một cơ hội sửa sai?. Tôi không có câu trả lời chính xác lúc ấy…. Nếu chỉ quay cóp bài nhau thì chỉ là chuyện thường ngày của học sinh. Nhưng đây là chuyện khác, nếu thầy giận và xỉ vả tôi ngay trước lớp thì sao?. Tôi luôn nhớ đến lớp học đông đúc ngày hôm ấy, nhớ tình cảnh sượng sùng của mình, nhớ cái nhíu mày của thầy Sủng, trong lòng tôi cảm giác khó chịu. Tại sao tôi lại nhớ mãi điều này? Có lẽ hình như…hình như có một nhân cách mới đang hình thành trong tôi, nhân cách của buổi đầu đời . Sau này tôi biết rằng, không thể học sinh nào qua mặt đươc thầy cô, chỉ là thầy cô bỏ qua cho mà thôi. Xin lỗi thầy, em xin lỗi thầy. Em hiểu rằng khi đó thầy đã tha cho em, cho em cơ hội sửa sai, đó là điều may mắn cho em. Em rất cảm ơn tấm lòng độ lượng của thầy và những lời dạy bảo của thầy. Về phần tôi, tôi không hiểu tại sao mình làm như thế, tôi biết chắc chắn số điểm cuối tháng hay cuối năm của tôi sẽ rất cao, tôi đâu cần một điểm gian dối. Điểm tổng kết cuối năm ấy thật sự tôi vượt xa anh bạn thân học giỏi của tôi. Đây là sự gian dối xấu hổ trong đời học sinh cho đến bây giờ tôi không hiểu tại sao tôi làm thế. Có lẽ do chút ganh đua, ganh tỵ của tuổi mới lớn?. Muốn chứng tỏ với Xuân Dư rằng bạn mười hai rưỡi tôi cũng mười một, tôi không cách biệt bạn nhiều?
Phương
Lời nói thêm
Từ dạo đó, tôi suy nghĩ về cách làm một bài văn, cố gắng làm bài luận trong khuôn khổ gói gọn đúng giờ và đầy đủ ba phần. Không còn cảnh đầu voi đuôi chuột, hay đầu voi đuôi con kiến …cụt đuôi. Hoặc là dài dòng viết lang mang, viết lang thang không tìm được lối về, mà khi đọc lại bài cũng không hiểu mình đang nói gì. (…Hiểu chết liền !). Kết quả dường như rất khả quan, cuối năm làm bài đỡ căng thẳng hơn, đỡ căng hơn nhưng điểm số cũng không khá hơn. Bạn tôi giỏi văn, bụng chứa đầy chữ, khi viết tuôn trào ra như là thác đổ những lời hay ý đẹp, đạt điểm cao là lẽ đương nhiên. Còn tôi, trong bụng chẳng có gì, ngoài nước tương và rau muống, nên khi viết, rặn hoài cũng chỉ ra rau muống luộc và xì dầu, cố ráng lắm …để cho đầy trang giấy mà thôi. Các thầy cô khi chấm bài nhiều quá, mờ mắt, mệt mỏi, nên thảy đại con số mười cho tôi. Cái đó gọi là tôi lấy công làm lời. Bài làm không tăng điểm, nhưng năng suất làm bài của tôi đã cải thiện rõ rệt, sự mệt nhọc hình như chỉ còn là …cày một sào ruộng. Qua năm sau, tuy tôi làm bài luận không còn toát mồ hôi nữa, nhưng giờ văn, không, bây giờ phải gọi là giờ học triết mới đúng, lại càng thêm ủ rũ, tôi đã chán rồi lại còn thêm ngán nữa . Thầy dạy tôi môn triết, là hiệu trưởng, lúc đó là đã nhà văn có chút tiếng tăm (bây giờ thì tiếng nổi như cồn), thích viết văn. Văn của thầy thì rất đáng đọc, nhưng giờ học của thầy thì rất đáng chán. Suốt cả buổi học … giọng thầy vang lên đều đều như lời cầu kinh, mắt thầy đã cận, lại nheo nheo nhìn lên trời như để tìm ý diễn tả. Thầy đâu có biết tôi đang ngồi ở bên dưới đau khổ, chịu đựng,… và nước mắt tôi ứa ra …vì ngáp!
{jcomments on}
Chào buổi sáng
Những Lời Xin Lỗi Muộn Màng [4] hay ghê. Hoan hô Trần Ngọc Phương!
“Từ dạo đó, tôi suy nghĩ về cách làm một bài văn, cố gắng làm bài luận trong khuôn khổ gói gọn đúng giờ và đầy đủ ba phần. Không còn cảnh đầu voi đuôi chuột, hay đầu voi đuôi con kiến …cụt đuôi. Hoặc là dài dòng viết lang mang, viết lang thang không tìm được lối về, mà khi đọc lại bài cũng không hiểu mình đang nói gì. (…Hiểu chết liền !). Kết quả dường như rất khả quan, cuối năm làm bài đỡ căng thẳng hơn, đỡ căng hơn nhưng điểm số cũng không khá hơn. Bạn tôi giỏi văn, bụng chứa đầy chữ, khi viết tuôn trào ra như là thác đổ những lời hay ý đẹp, đạt điểm cao là lẽ đương nhiên. Còn tôi, trong bụng chẳng có gì, ngoài nước tương và rau muống, nên khi viết, rặn hoài cũng chỉ ra rau muống luộc và xì dầu, cố ráng lắm …để cho đầy trang giấy mà thôi. Các thầy cô khi chấm bài nhiều quá, mờ mắt, mệt mỏi, nên thảy đại con số mười cho tôi. Cái đó gọi là tôi lấy công làm lời. Bài làm không tăng điểm, nhưng năng suất làm bài của tôi đã cải thiện rõ rệt, sự mệt nhọc hình như chỉ còn là …cày một sào ruộng.”
Anh Phương trong văn dí dỏm duyên dáng vô cùng còn ở ngoài đời thì sao ?
Người dốt văn hồi xưa sao bây giờ viết văn hay vậy ta?
Ừ hí ! mình cũng thấy như Bích Vân , một thời hoa mộng được diễn tả hết sức lôi cuốn …Anh Phương học cùng lớp với chị Quốc Tuyên và gặp nhau ở đây vui hí .
Yên Khê hồi xưa làm văn cũng dở kinh khủng.
May là con gái được người khác tán tỉnh mới có chồng nếu là nam chắc ế vợ suốt đời .
Hồi lớp 10 nguyentiet cũng học môn Lý Hóa do cô Vương Thúy Nga dạy ở trường Nữ Trung Học Ngô Chi Lan và sau này NT cũng có một kỷ niệm với cô mà không thể nào quên!
Anh Phương viết văn hay và dí dỏm lắm!
Phương ơi, chuyện ni Tuyên không biết nơi. Mà Phương có thêm mắm thêm muối không hở chứ hồi đó Tuyên đâu có nghe Phương bị nêu tên mô nà, Phương lúc nào học cũng giỏi mờ.
Phương khiêm tốn quá đi thôi, chứ bây giờ Phương viết hay, dí dỏm, rất duyên chứ bộ.
Người bà con viết văn hay quá .Phượng được bà con với văn sĩ rồi !
cho lây hơi bay bướm với .
Những lời xin lỗi chưa muộn màng đâu ?
Còn biết xin lỗi là chưa bao giờ muộn cả .
WHWH: Hoan hô bạn WHWH Bạn đã làm tôi leo lên mây và ngồi trên đó cả ngày.
Kiều Thanh: khó tự phê quá, nhưng …xin xem hồi sau sẽ rõ.
Bích Vân: Vậy sao? Cám ơn. Dốt đi đôi với …dở. Nhưng có một thứ ai cũng thích dốt …mới ngon! Kí rì dzậy Bích Vân?
Tôn Nữ Yên Khê: .đùa tí chơi .. ,người … lắm mối, tối nằm… chèo queo. Sao Khiêm nhường quá cỡ thợ mộc dzậy Khờ ê ..khê.
Nguyentiet: Lớp Phương, cô Thuý Nga chỉ còn nhớ đến hai học sinh mà thôi.
Quôc Tuyên: Tuyên ơi, chuyện này có giảm mắm muối chứ không thêm. -Thầy Sủng nói: Tôi muốn đưa các em ra khỏi bốn bức tường của lớp. Phương đã chôm chữ này của thầy. – Ngô Xuân Nông, đang ở Phù cát .Phương đã đưa học bạ của mình cho Tuyên để chứng minh rồi.Dư chắc còn quanh quẩn ở qn hi vọng ngày nào đó hắn xuất đầu lộ diện. Tuyên ơi Phương cảm thấy run sợ, nếu hôm ấy Phuong vẫn lập lại con số 11. Thầy Sủng có biết Phương (trước đó mấy hôm P đóng tiền học phí, đi ngang phòng GV nghe thầy nhắc đến tên…với các gv khác), thế thì khi hô điểm thầy biết P gian dối điểm ngay, mấy ngày sau đó P mới có câu giải đáp là thầy kêu hô lại tức là cảnh cáo mình.
HOANGKIMCHI: …lại đẩy lên mây nữa rồi, không dám không dám ..
Phượng: bà con mà nở hại nhau sao? .. …í quên xin lỗi không được chửi thề trong lớp học. 😛
Khảo Anh: ..hi vọng là thế ..thầy nay chắc đã già lắm rồi …
bagiadeua: …có vui thì có nhưng không có…hí nhen.
Dư ở Quy Nhơn lâu rồi Tuyên có gặp ở lớp bồi dưỡng hè nhưng chắc hồi đó Dư thì ngờ ngợ, còn Tuyên thì ngài ngại nên chỉ nhìn nhau mỉm cười xã giao mờ chẳng nói câu nào, để hôm nào T hỏi thăm bạn bè thử xem nha.
Ước gì mỗi tuần được đọc lời xin lỗi muộn màng để có đồng minh .
Thời đi học Dạ Lan nhiều tội lỗi lắm .
Từ khi anh Phương xuất hiện Thủy được đọc lời xin lỗi liên miên cứ coi như anh xin lỗi với Thủy vậy hì hì .
Quôc Tuyên: Nếu tìm thêm được bạn cũ thì vui lắm, có gặp Dư nhắn Phương không bao giờ quên hắn đâu.
Dạ lan: Ôi dzà mừng quá có đồng minh rồi, mà đồng minh còn có vô số tội nữa. Thôi tự thú trước bình minh đi, còn Phương sắp mòn răng rồi nè( nói theo kiểu Thanh Nga). 🙁
Thu Thuỷ: Xin lỗi Thuỷ đừng có mà ham! í quên lại trúng kế rồi. đính chính: Sorry Thuỷ đừng có mà mơ! 😆
Hồi đi học HT cũng giống anh Phương đó làm văn cứ ráng viết cho thật dài, viết xong đọc lại thấy lủng củng dễ sợ nhưng vẫn hy vọng thầy cô nghĩ lại công viết cho mình điểm trung bình anh Phương há?
Í quên, HT rất thích đọc những lời xin lỗi muộn màng, dễ thương lắm.
Chào các Anh Chị !
Cho em xin lỗi vì đã xen vào câu chuyện của các anh chị. Những gì mà em đọc được ở đây là những gì mà bao lâu nay em tìm kiếm, vô giá đối với em. Người Thầy không mấy ấn tượng của các Anh Chị chính là người Cha của em – Người mà em tôn kính nhất trong đời mình. Còn nhiều lời xin lỗi với Cha mà bây giờ không còn cơ hội cho em.
Xin phép các anh chị cho em được sao lưu lại câu chuyện này như là kỷ niệm về người cha, để đọc lại khi chỉ có một mình.
Cảm ơn Anh Phương và các Anh Chị rất nhiều.
Chào Lãng Ba rất vui khi thấy bạn ghé thăm HX, đọc lời comment của bạn nhưng mình chưa rõ lắm xin bạn cho biết thêm thông tin về thầy, cám ơn bạn rất nhiều.
Chào Anh Tuyên !
Cho em xin lỗi vì vội vàng nên thông tin về bản thân chưa rõ. Gia đình em có 6 anh em, em là con thứ 3 và hiện đang sống ở Sài Gòn. Sau 1975, Ba em và gia đình về sống tại Phú Phong- Tây Sơn.
Ba của em mất cách đây 18 năm. Khoảng thời gian Ba em đi dạy là lúc em còn nhỏ nên ký ức chưa ghi nhận gì nhiều. Mỗi lần nhớ là mỗi lần cố lục tìm những gì về cuộc đời của Ba mình.
Anh Phương viết rất hay, rất xúc động, em vô cùng trân trọng tình cảm của các anh chị dành cho Ba của em.
Cảm ơn các anh chị đã cho em phần nào ký ức đẹp về Ba mình.
Trần Quốc Lãng Ba: …Bàng hoàng khi nghe tin thầy đã không còn nữa, lời xin lỗi muộn màng đã quá muộn màng!… Bài viết xem như là nén hương duyên ngộ tưởng nhớ đến Thầy, người Thầy đáng kính của chúng tôi.
Lãng Ba: Chị Tuyên và anh Phương là bạn học, Lãng Ba xem lại bài số 3 sẽ rõ
Chào Anh Phương và Chị Tuyên !
Em xin lỗi Chị Tuyên do thấy tên Chị có chữ Quốc (giống em) nên mới gọi chị là anh. Đọc Những lời xin lỗi muộn màng [3] thì mới biết Chị là “em”.
Em năm nay 45 tuổi, không biết gọi anh chị xưng em có phải phép không, có gì bỏ qua cho em!
Mong rằng sẽ học hỏi được nhiều từ những lời xin lỗi muộn màng tiếp theo của anh Phương.
Cảm ơn anh chị !
Chào Lãng Ba, gọi anh Phương là đúng rồi còn mình thì theo vai vế bà con mình phải gọi LB bằng anh đó, quê ngoại mình ở Phú Phong và từ lâu lúc còn đi học mạ mình có bảo lên chào cậu và nhìn bà con nhưng mình mắc cỡ lắm thành thôi, do hồi đó ít qua lại và quan hệ bà con cũng hơi xa nên không biết nhau, chừ thì rất vui vì bà con mình gặp nhau ở đây LB hỉ?