hồn nhiên chưởng pháp- Tập 3

Tác giả: Nguyễn Thị Tuyết Đào

CHƯƠNG BA

NGƯỜI ĐẸP! NÀNG TỪ ĐÂU ĐẾN

* * * * * * *

Nhắc lại sau khi bất hiếu nữ bỏ chạy theo tình lang, Hôn Nhân lão quái bèn ca xàng xê một hồi sau đó nhảy loi choi như gà mắc kinh phong và nằm bất tỉnh. Phàn Quyến và Vũ Tuấn vì có bệnh số mũi nên luôn luôn oa trữ trong mình hai hộp dầu cù là Mac Phsu, vội vàng lấy ra xoa lia lịa cho ông già. Giây lâu Hôn Nhân lão quái hồi tỉnh bèn ngã đầu vào vai Vũ Tuấn mà thút thít:

– Nhị vị hiền tế! Dẫu con gái lão cãi lịnh cha nhưng lão đây vẫn nhất nhất coi nhị vị hiền tế là rể quí và chỉ nhị vị hiền tế mà thôi. Bi giờ nhị vị hiền tế cùng lão và tên rể hụt kia lo chỉnh đốn trang trại, trau dồi võ công để rằm tháng tám cùng nhau đến sa mạc Gô Bi tham dự Gô Bi Luận Kiếm mà luận võ công với anh hào. Với tài ba của các hiền tế lão phu thể nào cũng hy vọng đoạt chức “Thiên hạ đệ nhất võ lâm”.

Vũ Tuấn vốn có máu xí xọn trong người, bèn nắm ngay cơ hội mà cáo từ:

– Đa ta nhạc gia nhưng cánh chim giang hồ chưa mỏi, trót sinh ra phải có cái chi chi, chả lẽ ngồi đây chờ vợ ăn năn hối cải quay về hồi chánh. Xin nhạc gia cho tiểu nhi cất bước đăng trình cho thoả mộng bình sinh luôn tiện tìm hiền thê yêu dấu đem về trung tâm chỉnh huấn.

Lệ rơi như mưa nhưng chính tà đã rõ, Hôn Nhân lão quái bèn gạt lệ hăng hái tiễn đưa hai tên rể quí. Vũ Tuấn và Phàn Quyến cúi đầu rất lịch sự:

– Xin nhạc gia bảo trọng mình vàng đón chờ ngày đồ nhi tung cánh chim tìm về tổ ấm.

Haì chàng ra khỏi Hôn Nhân trang viện thì trời đã chập choạng tối, cả hai nhìn nhau đồng thanh tương ứng:

– Đi đâu bi giờ?

Phàn Quyến đề nghị:

-Nghe nói ở Tân Thủ Đô dạo này có mở nhiều lớp cua em gái, ta thử đến đó ghi tên để gieo cầu tuyển thê đi!

Mục tiêu hấp dẫn nên hai kẻ hăng hái tiến bước. Đến Tân Thủ Đô thì gặp lúc trời quang mây tạnh, gió thổi đùng đùng nên cả hai phải vào quán bên đường xực ngay hai tô hủ tiếu dòn cộng thêm mấy cái mìn báo rồi đi kinh lý quanh vùng. Gặp mùa thi cử, các lớp hè mở đông như kiến. Hai chàng vốn dĩ là dân hào hoa nên bèn lựa ba lớp hè có đông con gái nhất ghi tên vào rồi sau đó mới tìm quán trọ.

Sáng hôm sau, hai chàng mới thơ thẩn quanh vùng lòng chạnh nghĩ đến sư phụ và các tiểu huynh đệ ở trang viện không biết bây giờ ra sao, có bị Hôn nhân giáo phái quấy phá không. Mãi nghĩ miên man, hai chàng đã đến Thảo Cầm Viên lúc nào chả biết, buồn tình cả hai bèn phi thân vào coi cọp. Lửng lơ Phàn Quyến vô tình tỳ tay lên cành cây Mai, dù đã nửa mùa hè mà hoa Mai vẫn nở rộ, màu sắc rực rỡ quá chừng. Nhưng mà lạ lùng chưa Phàn Quyến vừa chạm đến cành Mai thì tựa như có cuồng phong thổi hoa Mai bay lả tả khắp vùng. Y hệt như chuyện Bích Câu Kỳ Ngộ, từ gốc cây bỗng bước ra một nữ nhân tuổi vừa đôi tám tóc mịn hơn tóc Sylvie Vartan, mặt còn đẹp hơn Juliet, linh động còn hơn Ali McGraw, giọng nói êm ả còn hơn Francois Hardy trong bản tình ca Les Feuilles Mortes bất hủ.

Phàn Quyến ngây ngây, ngỡ mình là công tử Trần Tú Uyên thuở nọ bèn ngâm khe khẽ:

Người đâu gặp gỡ làm chi,

Trăm năm biết có duyên gì hay không?

Tiếng ngâm vừa dứt thì chàng ta lịch sự làm quen:

– Dám hỏi cô nương tên họ là chi, liên hệ ra sao với cây Mai rực rỡ này, tại hạ nghe đồn Mai chỉ nở vào mùa xuân, cớ sao nay đã cuối hạ mà hoa Mai vẫn còn khoe sắc thắm?

Mỹ nhân cất giọng oanh vàng thỏ thẻ:

– Chắc các hạ là người phương xa mới đến nên không biết loại Mai tứ quí đã lừng danh khắp một vùng Giang nam sao?

Vũ Tuấn chen vào:

– Nghe nói ở Giang nam chỉ nổi tiếng về loại Mẫu đơn bị Vũ Tắc Thiên hoàng đế lưu đày cơ mà!

Phàn Quyến bèn dở ngón galant còn hơn Tây đen nhà đèn chính hiệu:

– Tam sư huynh không tâm lý ái tình chi cả, Mẫu đơn là giống mán mường, lâu lâu được vào vườn thượng uyển thì đâm ra kiêu ngạo, mới gây một màn xì-căng-đan mong hoàng đế để ý mà lancer cho thiên hạ biết mặt khỏi sống đời quên lãng, bì sao được với hoa Mai vừa thanh nhã lại vừa xinh, vừa duyên dáng lại thêm tính ngoan hiền đáng mến, nhất là loại hoa Mai tứ quí. Cuộc thi hoa hậu thế giới năm 1972 tổ chức tại Los Angeles đã bầu hoa Mai là vương hậu các loại hoa đó.

Mỹ nhân tán thưởng Phàn Quyến:

– Các hạ thụ giáo môn phái nào mà kiến thức phổ thông rộng rãi quá, càng nói càng thêm duyên.

Vũ Tuấn cướp lời:

– Tại hạ và Ngũ đệ đều là giáo đồ của Hồn Nhiên giáo phái ở chân núi Thất sơn. Vũ Tuấn và Phàn Quyến là tên họ. Còn cô nương xin cho biết quí danh để tiện đường thân mật.

Mỹ nhân bèn chọc quê hai gã:

–  Tiện nữ chính tên là Tiểu Mai, môn đồ dấu yêu của Tương Tư phái, cũng có bà con với Hồn Nhiên giáo phái rất gần. Luận về vai vế thì các hạ phải kêu tiện nữ là cô cô sư tỷ mới đúng cách, nhưng mà bất chấp mọi thứ với tình bạn mình gọi là đại huynh, tiểu muội cho vui vẻ cả làng.

Phàn Quyến tiếp tục chia verbe galanter:

– Chao ôi! Tương Tư phái quả xứng đáng như danh hiệu. Mới gặp nhau chưa đầy nửa khắc mà tiểu huynh đã cảm thấy tương tư từ ngàn năm trước. Tương Tư phái cứ sản xuất những môn đồ cỡ Mai muội thì bảo sao giáo phái không rỡ ràng tăm tiếng.

Vũ Tuấn đi đường thăm dò:

– Chẳng hay Mai muội là con độc nhất trong gia đình hay còn sư tỷ sư muội sắp lớp? Xin giới thiệu để tiểu huynh săn sóc bảo vệ khi cần!

Tiểu Mai cười hóm hỉnh:

– Đạ tạ đại huynh có lòng lo lắng cho tiểu muội. Sư tỷ của tiểu muội đã yên bề gia thất, còn cô em thì mới học y tờ. Nếu Vũ đại ca có lòng lo xa giữ chỗ thì nên bỏ gạo để lập phòng tuyến bảo vệ ngay lúc này là đắc sách.

Vũ Tuấn bèn tính nhẩm:

– Chao ôi! Gạo củi lúc này leo thang tàn nhẫn, thân ta đói no chưa biết lúc nào mà tiền đâu mua gạo để nuôi mèo cho mau lớn.

Nghĩ như vậy Vũ Tuấn đành đứng yên không dám dở trò lộn xộn nữa.

Tiểu Mai đổi hướng câu chuyện:

– Rằm tháng tám năm nay có cuộc tranh tài cao thủ, không biết Hồn Nhiên giáo phái có tham dự?

Phàn Quyến cười tình:

– Tương Tư với Hồn Nhiên tuy bà con mà không bà con, tuy không bà con mà là bà con thành thử nếu Tương Tư tham dự thì Hồn Nhiên cũng có mặt.

Tiểu Mai trố mắt:

– Bộ nói khơi khơi rồi tham dự được sao?

Nói rồi Tiểu Mai chỉ cho hai gã thấy thiên hạ hai bên đường người nào cũng cắm cúi đi như là vội vã lắm. Có kẻ đói bụng mà chả dám ngừng lại để ăn, tay bốc nắm cơm khô trong túi rồi vừa đi vừa nhai trông buồn cười vô cùng.

– Họ đi đâu vậy hiền muội?

Tiểu Mai giảng giải:

– Năm nay tại sa mạc Gô Bi, cuộc tranh tài võ lâm do Bội Bạc phái tổ chức lấy tên là Gô Bi Luận Kiếm. Bội Bạc phái được giữ việc tổ chức vì họ đã thắng cuộc đấu thầu niên khóa 72-73. Chả hiểu Bội Bạc phái có manh tâm gì không mà lề lối làm việc năm nay rắc rối quá chừng đi. Ai muốn tham dự mỗi người phải có một cành hoa Bội Bạc làm lệnh bài mới được vào ba vòng đai thép của hội trường Gô Bi mà tham dự. Hoa Bội Bạc là giống hoa hiếm, chỉ độc nhất mọc ở Bạc Tình sơn của giáo phái Bội Bạc mà thôi, ngoài ra không nơi đâu có được.

Vũ Tuấn trầm ngâm:

– Yêu sách quá nhiều chắc Bội Bạc phái muốn làm nhiều chặng đường để giết bớt anh tài của võ lâm đấy.

Quả vậy, trải bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, chỉ mình Bội Bạc phái là còn đủ thực lực nhân tài hơn các giáo phái khác. Nhờ địa thế của Bội Bạc lão nhân ở vào một vị trí hiểm trở sơn lam chướng khí đầy rẫy, động vật, thực vật cũng tùy cấu tạo địa hình mà có sắc thái độc đáo hơn các nơi khác. Năm nay theo sự dự đoán võ lâm, chắc Bội Bạc lão nhân sẽ chiếm chức Thiên hạ đệ nhất võ công nếu không kể hai vị nhân tài khác về tham dự là Bâng Khuâng tiên nữ và Ân Cần lão gia.

Phàn Quyến xen vào:

– Nghe đồn hai vị ấy đã gác kiếm rửa tay tu nhân hơn mười lăm năm trời rồi mà.

Tiểu Mai lo âu:

– Giang hồ còn lắm chuyện biết đâu mà lường, vật đổi sao dời nhị vị đại huynh có biết không. Lạ một điều là sau khi gian khổ mới tới được Bạc Tình sơn thì cả rừng hoa Bội bạc đã khô queo chết tiệt tự bao giờ không còn một cành. Trong lúc đó thì có một vị anh tài dựng cơ nghiệp ở Thâm Trầm sơn, dựng lên giáo phái Thâm Trầm. Ai gia nhập vào được tặng một cành hoa Bội Bạc để tham dự đại hội Gô Bi Luận Kiếm vào ngày rằm tháng tám tới.

Vũ Tuấn thắc mắc:

– Ngu huynh e rằng giữa Thâm Trầm và Bội Bạc phái có liên hệ chi đây?

Tiểu Mai gật đầu đồng tình:

– Sư phụ tiện nữ cũng nghĩ như vậy, nhưng mà…

Tiểu Mai lo sợ ngập ngừng không nói hết câu. Phàn Quyến thắc mắc định hỏi thì Vũ Tuấn bấm tay Phàn Quyến ra hiệu im. Cùng lúc đó bên dường có một Trung niên văn sĩ vận đồ lục đang dựa lưng vào gốc dương trừng mắt ngó ba người. Thoáng thấy y, mặt Tiểu Mai xanh như tàu lá chuối, cô run sợ cáo từ:

– Nhị vị đại huynh! Không có việc gì gấp xin cáo từ và hẹn gặp nhau ở sa mạc Gô Bi rằm tháng tám.

Phàn Quyến và Vũ Tuấn ngơ ngác hỏi:

-Tiểu Mai hiền muội có việc gì mà gấp vậy, không cùng đến Thâm Trầm sơn sao Trung niên văn sĩ ấy là ai vậy.

Ánh mắt Trung niên văn sĩ nọ rực lửa nhìn hai người làm cả hai chợt thấy ngây ngây. Chừng tỉnh táo lại thì Trung niên văn sĩ cũng biến mất và Tiểu Mai cũng biệt tăm. Chỗ người đẹp đứng còn thoang thoảng một làn hương, cây Mai nọ mỉm cười trước gió. Phàn Quyến sững sờ như người mất trí, giây lâu gã ôm ngực thảng thốt:

– Tiểu Mai! Tương tư đại huynh ơi! Tiểu đệ bị ma ái tình hành hạ làm sao bi giờ?

Vũ Tuấn thương hại an ủi:

– Hay ta thử đến Thâm Trầm sơn xem sao, biết đâu chả gặpTiểu Mai hiền muội.

Phàn Quyến nổi máu hiệp sĩ:

– Đại huynh! Tiểu đệ nghĩ Mai muội bị áp lực của ai đó, với lại sự xuất hiện cũng như sự chia tay của Mai muội có nhiều điều bí ẩn lắm. Tiểu đệ phải điều tra có phải tên Trung niên văn sĩ nọ áp chế nàng không?

Vũ Tuấn không trả lời, bâng khuâng nhìn trời:

– Giang hồ sao lắm chuyện, võ lâm sắp gây cảnh đổ máu tương tàn, bã danh lợi cầu người thèm phú quí. Đường công danh của thiếu niên chưa mở ngõ đã gặp ma ái tình làm kỳ đà cản mũi, trong khi sư phụ ta vẫn hồn nhiên không để ý sự nứt rạn của giáo phái mình.

Phàn Quyến nói như mơ:

Em chợt đến, chợt đi anh vẫn biết,

Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu.

Vũ Tuấn lay vai bạn:

– Này! Có đến Thâm Trầm sơn không thì bảo.

Phàn Quyến lắc đầu:

– Tiểu đệ đang muốn đầu quân Tương Tư phái đây, đại huynh còn hỏi đi đâu nữa!

Vũ Tuấn dặn dò:

– Thôi! Cứ ở đây mà điều tra lý lịch, mồng mười tháng tám gặp nhau ở Động Đình hồ rồi cùng nhau đến Gô Bi nghe không.

Hai người chia tay nhau.

( CÒN TIẾP )

.

Leave a Reply

Your email address will not be published.