Mùa Trăng Cũ của Vương Hoài Uyên

Các bạn thân mến,

  1. Diễn Đàn Nhất C xin hân hạnh giới thiệu bài viết của của Nguyên Lương ” Mùa Trăng Cũ của Vương Hoài Uyên” cũng như giới thiệu thêm 4 bài thơ của Vương Hoài Uyên: Chia Tay Học Trò (2003), Mùa Lá Rụng Sân Trường( 2002), Quy Nhơn (1968) và Mùa Trăng Cũ (1995). Nguyên Lương Là một nhà thơ, và đồng thời cũng là nhà khoa học,đã viết nhiều bài bình luận cũng như bình về thơ, văn rất xuất sắc đăng nhiều trên các báo xuất bản ở Mỹ. Anh đã có nhiều thơ, truyện đã xuất bản, cũng như tập thơ “Tình Đông Phương ” do nhạc sĩ Võ Tá Hân phổ nhạc và đặc biệt là cuốn “Con Đường Trước Mặt “của anh đã gây xôn xao dư luận một thời.
  2. Thân ái và hân hạnh giới thiệu đến các bạn. Lê Công Dzũng



 

Mùa Trăng Cũ của Vương Hoài Uyên

 

Nguyên Lương

 

 

Nhận được tập thơ Mùa Trăng Cũ của Vương Hoài Uyên từ tháng 5, tôi say sưa đọc đi đọc lại tập thơ của Chị hai ba lần. Càng đọc, càng yêu thích và thấm thía cái buồn man mác, mông lung đầy nữ tính của cô giáo văn đã trót yêu văn chương từ thuở còn là học trò. Tôi không biết Chị, nhưng qua những người bạn học của Chị từ các lớp ban C trường Cường Đễ Qui Nhơn, tôi như đã quen Chị từ lâu rồi. Tháng 3, nhận được bài hát Mùa Trăng Cũ anh Ngọc Tân phổ thơ Chị, tôi đã bị ám ảnh bởi những câu:

Hồn đắng nghẹn trước những điều dâu bể

Ngẩn ngơ tìm một nửa mảnh trăng xưa

Nợ Chị món qùa văn nghệ từ phương xa, tôi viết chút cảm nghĩ về tập thơ. Và cũng như Chị, khi nhận được tập thơ trên tay, tôi thơ thẩn đi tìm mảnh trăng xưa trong 51 bài thơ Chị chọn lọc cho in trong tuyển tập. Chủ đề là Trăng, nhưng không nhiều bài Chị viết về đề tài mà ông vua thơ tình Xuân Diệu đã khẳng định: “Trăng vú mộng của muôn đời thi sĩ”. Trăng trong thơ Chị không lả lơi như của Hàn Mặc Tử, không đa tình như trăng Bích Khê, lại càng không đớn đau như trăng Đinh Hùng. Nhưng nó nhẹ nhàng, êm ả như trăng của Tế Hanh:

Đêm nay trăng lạc với mình

Trăng thơ bát ngát, trăng tình chơi vơi

Suốt đêm trăng sáng em ơi!

Tưởng như trăng sáng suốt đời của anh

Trăng của Vương Hoài Uyên trong tập thơ, có lúc là hình ảnh người yêu cũ:

Trăng vẫn đến – muộn màng – treo nửa mảnh

Vẫn trong ngần như trăng thuở ấy – bên anh

Có lúc là một khoảng trời quê hương trong kỷ niệm:

Nơi một khoảng trời khuất nẻo của hồn em

Vẫn còn sáng mãi một vầng trăng

Và có khi trăng là chính mình:

Em trở về cùng năm tháng đã đi qua

Chợt hốt hoảng khi trăng đời đã xế

Từ những năm 16, 17 tuổi, Vương Hoài Uyên đã có thơ đăng trên Thời Nay, Khởi Hành, Tuổi Ngọc…Sau này ra Huế học và ra trường đỗ thủ Khoa trường Văn khoa. Bao nhiêu năm, Uyên sáng tác đều đặn. Điều rất lạ là trong hơn 40 năm làm thơ, tâm hồn và xúc cảm trong thơ của Uyên không đổi, hay nói khác hơn là thơ Chị rất gìa khi tuổi đời còn trẻ, và vui trẻ lại khi “trăng đời đã xế”. Bằng chứng là trong bài thơ đầu tiên trong tập, bài Trở Về sáng tác năm 16 tuổi, Chị đã có những câu chữ không phải của lứa tuổi hái hoa bắt bướm:

Suối lang thang chảy quanh đồi

Nhện giăng nỗi nhớ ngậm ngùi tháng năm

Ta thử phân tích: bình thường thì suối chảy ra sông, sông chảy biển nhưng suối của cô Uyên học trò lại cứ mãi lang thang quanh đồi, chưa muốn ra khơi. Một cảm gíac dùng dằng, không dức khoác, rất lãng mạng. Rồi “ngậm ngùi tháng năm”, 15, 16 tuổi mà đã có bao tháng năm để ngậm ngùi nỗi nhớ. Nhưng đến bài thơ cuối tập, bài Những Cánh Cữa, viết năm 2005:

Con sâu nào nấp bên kẽ lá

Bỗng chui mình vào qủa chín cô đơn

Mới đọc qua ai cũng nghĩ con sâu ở đây là kẻ đã làm hỏng qủa chín đời Uyên. Nhưng những chữ “quả chín cô đơn” cho ta thấy từ lâu Uyên vẫn nghĩ mình là con sâu nhỏ, mong tìm được qủa chín để làm chỗ trú bình yên trước khi hóa bướm. Chỉ tiếc đó là một qủa chín cô đơn.  Thế nên từ bài thơ đầu đến bài thơ cuối, nỗi cô đơn của Uyên cứ đến rồi đi, như mặt trăng khi tỏ, khi mờ. Nỗi cô đơn đó đã vận vào người thi sĩ nên trong suốt hành trình thơ, cô đơn là Uyên, Uyên là vầng trăng cô đơn, là cả hai tuy hiện hữu nhưng cách biệt. Đọc những bài thơ trong Mùa Trăng Cũ ta không tìm thấy một chữ nào diễn tả hạnh phúc êm đềm, của bình yên, của mãn nguyện… Tất cả đều là xót xa:

Với tay tìm chút êm đềm

Cát trôi qua kẽ tay mềm xót xa

(Qui Nhơn)

Cát mịn mềm, hạnh phúc cũng mịn mềm, nhưng bàn tay của Uyên không kín nên chẳng giữ được gì. Một lối diễn tả rất hay khi chính mình không cầm nắm được hạnh phúc đời mình.

Năm 19 tuổi, tôi đoán, trong bài thơ Ru Tôi, Uyên viết:

Nhớ rừng khắc khoải chim kêu

Thân cô đơn cũng mòn theo tuổi đời

Mòn ở đây là mòn mỏi, hay hao mòn. Dù là nghĩa gì, cả hai đều nói lên được nỗi cô đơn qúa lớn với người con gái đang tuổi thanh xuân, nhưng cũng chưa đau bằng:

Mưa đủ ướt một thời con gái

Mai ta về đốt lửa chờ xuân

Trời làm mưa ướt, Uyên đốt lửa hong khô, nhưng sao lại “đốt lửa chờ xuân”. Thật ra, sau bao nhiêu mất mác, nhà thơ vẫn còn chút hy vọng:

Em ngửa bàn tay dưới lá xanh

Chiều xuân thiên lý thoảng trên cành

Có nghe hương nhớ về trong gió

Man mát trong mùa xuân nắng hanh

(Tự khúc mùa xuân)

Không biết “hương nhớ về trong gió” có làm mát được lòng Uyên bao lâu nhưng rồi buồn trở lại buồn:

Và từ đó sông buồn neo sóng nhớ

Bờ hoang thôi đành sóng vỡ mòn hao

Em đứng đó khi mùa qua biển động

Nghe thủy triều ru nỗi nhớ lên cao

(Bờ sóng vỗ)

Trong suốt 21 bài thơ viết từ năm 66-80 của Tự Khúc 1, người đọc chỉ thấy toàn những nỗi buồn, cô đơn và mất mác. Tác gỉa khéo léo biết dùng ẩn dụ và ngoại cảnh để chuyên chở nổi lòng của mình một cách thầm kín và sâu sắc. Buồn mà không thảm, sầu mà không bi. Đọc thơ như có cảm giác tê tê ở môi, cay cay ở mắt.

Qua đến Tự Khúc 2, thơ viết từ năm 81-09, liệu ta có tìm thấy chút gì vui và hạnh phúc hơn không? Bài đầu tiên trong phần này viết năm 81 (bài Cuối Năm Về Thăm Nhà) có lẽ là bài thơ viết về xúc cảm trong dịp Tết về Quảng Ngãi thăm nhà sau 6 năm xa cách. Đọc đến 4 câu cuối bài thơ, với tâm trạng của kẻ xa quê hương hơn 37 năm, tôi đã không cầm được nước mắt:

Vườn không còn mai nở

Ngọn nêu buồn đong đưa

Con ngồi bên bếp lửa

Mơ ngày xưa….ngày xưa

Hai chữ ngày xưa …ngày xưa lập lại đọc lên như tiếng kinh kệ, như tiếng chuông chùa xa, nghe mà tan nát cõi lòng. Ngày xưa nào đây? Ngày xưa ở Quảng Ngãi bên giòng sông Trà Khúc êm đềm, cát trắng. Ngày xưa ở Qui Nhơn với đầm Thị Nại và bờ biển dài sóng vỗ ì ầm. Ngày xưa ở Huế với giòng sông Hương nắng đục mưa trong thơ mộng hay ngày xưa ở Đà Nẵng với phố cổ Hội An và con Sông Hàn lênh láng nước. Thi sĩ họ Vương là cô gái miền Trung. Lớn lên với gió Lào mùa hạ, giông bão mùa đông, với biển, với sông….và với hy vọng tìm được vầng trăng của đời mình:

Đi đâu cũng thấy vầng trăng thời mới lớn

(Mùa Trăng Cũ)

Nhưng vầng trăng của Uyên, trong Tự Khúc 1, đã bắt đầu hiện ra, nhưng chưa thật rõ nét:

Cho ta ngủ đêm nầy

Hỡi trăng và hỡi gió

Đừng lay hoài tóc mai

Đừng len vào tiếng thở

(Buổi mai nào thức dậy)

Đó là bài thơ làm năm 72, trăng đang vờn bên Uyên chứ chưa là của riêng Uyên. Hai mươi bốn năm sau, vầng trăng non mà Uyên đã sợ “len vào tiếng thở” đêm năm nào giờ đã là trăng khuyết:

Tuổi học trò cùng với những bài thơ

Đêm thức trắng bên một vầng trăng khuyết

Trăn trở nghe cành đâm chồi lộc biếc

Nơi góc vườn thơm một đóa quỳnh hương

(Trở lại trường xưa)

Rất khó tìm trong thơ của Uyên có những chữ nhuốm màu hy vọng (đâm chồi lộc biếc), mãn nguyện (một đóa quỳnh hương), và thật sự hạnh phúc như câu thơ trên. Có lúc ta bắt gặp cô Uyên bi quan sầu muộn ấy lang thang trong khu vườn xanh với hoa dú dẻ thơm lừng:

Vườn vẫn xanh như một thời trẻ dại

Mỗi hoàng hôn hoa dú dẻ thơm lừng

Cánh hoa nhỏ như mối tình câm lặng

Núp im lìm dưới lá thoảng đưa hương

(Vườn xưa đã khép)

Tôi nghĩ Vương Hoài Uyên làm rất nhiều thơ trong suốt hơn 40 năm buồn vui với chữ nghĩa. Trong tập Mùa Trăng cũ cô chỉ chọn lọc một số bài để chia xẻ với bạn đọc. Vốn đã biết đem suy tư sầu mộng đời mình lên thơ và chia xẻ với đời từ lúc còn là học trò, khi dạy văn, cô giáo Uyên nhắn nhủ đàn em mình:

Mai mốt cô về gởi lại chút bâng khuâng

Trang giáo án khép một thời qúa khứ

Bài giảng xưa bây giờ em có giữ

Một chút cho đời – và một chút cho em

(Chia tay học trò)

“Và một chút cho em” – chút gì đây? Độc gỉa chắc cũng có thắc mắc như tôi rằng cô giáo, nhà thơ khuyên học trò dành chút gì cho riêng mình. Hãy lắng nghe cô bảo:

Em trở về miền ký ức xa xôi

Mưa đẫm ướt nửa trang đời phiêu bạt

Biển vẫn nhớ nên muôn đời biển hát

Dòng sông trôi ai tắm được hai lần!

(Phôi pha)

Thì ra cô giáo Uyên muốn dùng lời của triết gia Heraclite “Không ai tắm hai lần trên một giòng sông” để nhắn nhủ học trò đừng bỏ lỡ cơ hội. Cơ hội đây là cơ hội tình yêu. Từ đây ta lần ra được Vương Hoài Uyên đã dành hết tập thơ này để nuối tiếc những lỡ làng, khóc cho tan vỡ và mơ, chỉ dám mơ thôi, một hạnh phúc lứa đôi có thật:

Ôi mảnh vườn anh đến một lần thôi

Xa xôi qúa mùa hè xưa rực rỡ

Hạnh phúc đến như loài hoa chợt nở…

Thật ngỡ ngàng sau những ngày mưa

(Vườn xưa đã khép)

Hoa nở rồi hoa tàn, nhưng sao lại ví hạnh phúc như loài hoa chợt nở, để rồi tàn nhanh. Đọc thơ Uyên ta thấy như cả đời nhà thơ bi lụy về một mối tình không trọn. Đi đâu, làm gì cô cũng tiếc nuối hạnh phúc cũ, con người xưa, và ghì ôm kỷ niệm qúa khứ như lẽ sống đời mình. Tôi ích kỷ tự hỏi, nếu đời Uyên bình thản và phẳng lặng như bao cô gái cùng thời, liệu chúng ta có được thưởng thức những bài thơ về thân phận, đời người hay đến thế.

Khi đối mặt với đám học trò bằng tuổi hái hoa, bắt bướm của mình ngày xưa, nhà thơ thấy cả một trời thương trở lại. Nhìn những đứa học trò đang tuổi mộng mơ, tuổi của ngày xưa sầu muộn, mơ mộng yêu đương, cô giáo thấy mình trẻ lại. Cô giảng Truyện Kiều mà như là đang nói về chuyện đời mình:

Muộn màng biết mấy chàng Kim

Mười lăm năm mới đi tìm cố nhân!

Biết Kiều trôi dạt phong trần

Mà sao người vẫn đàn cầm nỉ non

(Đọc Kiều)

Cô trách Kim Trọng, hay cô trách người xưa:

Từ phía giòng sông đêm nay trăng sẽ mọc

Em đi qua lòng rất đỗi tình cờ

Có phải ánh trăng mười lăm năm trước

Đến bây giờ còn sáng mãi trong thơ

(Gặp lại vầng trăng)

Đúng là 15 năm Kim Trọng đi tìm Thúy Kiều và cũng 15 năm “chàng trăng” của Uyên đã sáng lại một lần và Uyên vẫn mở lòng chờ đợi:

Ừ! vẫn thế, hồn em như cữa gió

(Gặp lại vầng trăng)

“Cữa gió”, một chữ tượng hình rất hay. Cữa nào mà giữ được khi gió thổi, nhất là ngọn gió tình xưa đang ồ ạt thổi về. Cữa đã không đóng mà mời gọi, mở toang ra đợi chờ….gió thổi. Trong bài thơ Đêm Trăng Trên Vịnh Hạ Long, tôi viết:

Nụ cười tươi như cánh cữa nhà quen

Có người con gái đọc câu thơ thích thú và bảo là môi mới mấp máy mà anh đã tưởng như cánh cữa mời mọc mở ra. Đúng là làm thơ phải có trí tưởng tượng thật dồi dào thì câu thơ mới có hồn. Hôm nay đọc câu thơ này của Uyên: “hồn em như cữa gió”, hay qúa! Thêm nữa, chữ Ừ trước câu lộ sự sẵn sàng cho lời mời. Còn chữ Ừ trong thơ Phạm Thiên Thư sau đây lại lộ vẻ chần chừ, dung dằng nửa muốn nửa không:

Ừ! thì mình ngại mưa mau

Cũng đưa em đến bên cầu nước xuôi

Thế mới biết từ một chữ rất thường, biết dùng đúng chỗ, đã làm nên một tuyệt tác.

Qui Nhơn, nơi tôi sinh ra và lớn lên, cũng là vùng đất tốt cho nhà thơ trẻ Vương Hoài Uyên ươm mầm những tác phẩm rất hay khi bắt đầu đi vào nghiệp dĩ văn chương. Nối nghiệp những Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Xuân Diệu… nhà thơ nữ họ Vương đã có những bước đi thật vững. Cái hay nhất trong thơ của Vương Hoài Uyên là cái thật. Trừng trải qua bề dày cuộc sống qúa đầy, Chị không cần tưởng tượng đến cái đau, cái mất mác của ai để viết nên những câu thơ làm rơi nước mắt người đọc. Thơ là đời Chị, Chị là hồn thơ. Đọc thơ Chị ta cảm thấy rất gần với người bạn đang thỏ thẻ kể chuyện đời mình cho ta nghe. Những câu thơ thật nhẹ mà thấm lâu, thấm đến đau điếng cõi lòng. Bao năm đi xa, có ngày trở lại thăm phố biển Qui Nhơn, Chị viết:

Bãi cát dài hàng liễu rủ lê thê

Thành phố vọng âm vang chiều chủ nhật

Ta mãi đi tìm thời đã mất

Có còn không… bè bạn cũ đâu rồi ?

(Nửa đời ngoảnh lại)

Bạn bè cũ vẫn còn đâu đây, kẻ chân trời, người góc biển, “nẫu” vẫn còn tìm nhau qua thơ nhạc trong ngôn ngữ Việt. Bài thơ Mùa Trăng Cũ của Uyên, Anh Ngọc Tân đi đâu cũng nghêu ngao hát để nhớ lại người bạn ngày nào chung trường, chung lớp:

Trường cũ xa rồi từ thuở ra đi

Bỏ lại sau lưng một khoảng trời thơ dại

Ta trở về đây nửa đời ngoảnh lại

Chỉ thấy cuối chân trời một khoảng tím mênh mang

(Nửa đời nghoảnh lại)

Những buổi chiều hoàng hôn nhìn về phía trời tây, quê hương mình ở đấy, tôi cũng không thấy gì ngoài một khoảng tím mênh mang. Dù vẫn còn sống trên quê hương, nhưng khi có dịp về thăm trường cũ, Uyên đã trở thành người xa lạ ngay trên đất nước mình:

Trường cũ xa rồi bạn bè cũ ra đi

Mỗi đứa dạt một phương trời xa lắc

(Nửa đời bỗng nhớ)

Không biết giờ này ở Saigon chị Uyên đang làm gì, nhớ ai? Không biết đêm nay trăng có về chiếu sáng hay trăng đã mờ dưới ánh điện của phố thị văn minh. Dẫu sao, vầng trăng cũ của Uyên vẫn sáng hoài trong kỷ niệm, và bây giờ trong lòng bè bạn ở xa . Trước khi gác bút, tôi chép tặng Chị hai câu thơ của mình:

Chờ trăng sáng, chờ trăng lên

Uyên ơi! Trăng đã về bên ấy rồi.

 

Nguyên Lương

(Horsham, Pennsylvania tháng 7, mùa không trăng, năm thứ 37 xa nhà){jcomments on}

0 thoughts on “Mùa Trăng Cũ của Vương Hoài Uyên

  1. Trần Lê

    Thơ hay mà lời bình rất sâu sắc , cám ơn nhà thơ , cám
    ơn nhà bình luận và cám ơn người giới thiệu .

    Reply
    1. Vương Hoài Uyên

      Cảm ơn Nguyên Lương , cảm ơn Dũng ,
      VHU không ngờ các bạn – nhất là Nguyên Lương -lại hiểu
      thơ mình đến thế .Nội cái câu ” cả tập thơ VHU là để
      khóc cho 1 mối tình không trọn vẹn ‘, đủ để nói lên
      người đọc đã hiểu được nội tâm người viết như tế nào .
      Có ai đó đã nói ” đọc là sáng tạo lại tác phẩm 1 lần nữa ” , trong trường hợp nầy Nguyên Lương đã thể hiện rất rõ
      trong từng cảm nhận .NL là 1 nhà khoa học , vì thế đã
      có những nhận xét rất thông minh về văn học .Điều nầy
      thì mình đã từng biết trong hơn 30 năm đứng lớp : những
      học sinh ở những lớp chuyên toán thường giỏi văn hơn ở
      những lớp chuyên Văn . Thực tế là như vậy ! Nên nếu để
      cho mình được chọn học sinh ở lớp chuyên toán đi thi Văn
      thì mình sẽ chọn ngay .Nhưng rất tiếc là những em đó
      thường rất xuất sắc về môn toán , nên các em đã ở trong
      đội tuyển Toán cả rồi .Mình cũng đã nghe nói NL còn là
      1 nhà thơ ,vì thế bạn đã có 2 câu thơ kết thúc bài viết
      rất hay . Một lần nữa, cảm ơn Nguyên Lương nhiều .Thân mến .

      Reply
  2. Huỳnh ngọc Tín

    Những dòng thơ chị Uyên làm đã hay mà qua lời bình của anh Nguyên Lương làm cho thơ hay lên gấp bội.

    Reply
    1. Quốc Tuyên

      [quote name=”Huỳnh ngọc Tín”]Những dòng thơ chị Uyên làm đã hay mà qua lời bình của anh Nguyên Lương làm cho thơ hay lên gấp bội.[/quote]
      Mình cũng thấy giống Tín đó , hay quá !

      Reply
      1. Huỳnh ngọc Tín

        Hai chị em mình giống nhau phải không chị?Lúc này Tín thấy Chị chịu xuất hiện rồi đó!Lại còn đi ngắm trăng nữa chớ!Tín chúc chị vui nhiều nghen!

        Reply
    1. nguyentiet

      Thơ của chị VHU đã hay và lời bình của nhà thơ Nguyên Lương lại chắp thêm đôi cánh cho thơ VHU.Lời bình hay quá sâu sắc quá!Lời bình của nhà thơ Nguyên lương đã giúp cho người đọc hiểu biết thêm về thơ.Cám ơn nhà thơ VHU, nhà thơ Nguyên lương .

      Reply
  3. Kim Chi Hoàng

    Mình rất đồng ý với nhận xét của Trần Lê:
    “Thơ hay mà lời bình rất sâu sắc , cám ơn nhà thơ , cám
    ơn nhà bình luận và cám ơn người giới thiệu .”

    Reply
  4. Nguyên Lương

    Các bạn ơi! Nguyên Lương đây,
    Ở xa, đọc thơ, thư các bạn nhất là những phản hồi dễ thương ở cuối bài, mình thích lắm. Các bạn nên “vòi” cho bằng được tập thơ chị Uyên để đọc, bảo đảm các bạn sẽ thấy mình chưa nói hết cái hay nhất của tác phẩm này. Vì bài viết giới hạn nên không thể viết hết những gì mình nghĩ. Lúc đầu viết gấp đôi số trang, sau đó chỉnh sửa lại, vì thấy dài qúa sợ người đọc chán nên cắt bớt cho gọn. Mới thư cho chị Kim Huê ở Atlanta, nói với chị là thơ của Uyên dễ đi vào lòng người, đọc đi dọc lại vài lần, khi nó ngấm rồi thì tuôn ra như nước “Sông Côn Mùa Lũ” tràn bờ không ngăn được. Mình cũng nói với chị Uyên là sáng tác một bài thơ như là phát minh ra một cái gì mới cho khoa học, qúa trình thai nghén, ngẫm nghĩ và nhẩm tới, nhẩm lui là nó thành. Ai đó đã bảo, đỉnh cao qúi và tột cùng nhất của Khoa Học là Triết Học. Dân làm khoa học vốn dĩ khô khan nên đọc thơ, làm thơ là cách giảm stress. Làm Thơ với dân học Văn là sáng tác, với dân học Toán là thí nghiệm, nhưng cả hai, khi đọc được bài thơ hay thì mê mẩn tâm hồn như nhau. Thích qúa đi chứ! phải không các bạn.
    Nguyên Lương

    Reply
  5. Hương Xưa

    Chào Nguyên Lương
    Sao đăng có một bài thơ trên Hương Xưa rồi biến mất tiêu .
    Trong sổ nợ Hương Xưa Nguyên Lương và Lê Công Dzũng
    xếp hàng đầu ở môn Xù

    Reply
  6. Thu Thủy

    TT cầm trên tay cuốn mùa Trăng Cũ , đã đọc rồi ,
    nhưng khi đọc lời bình của anh Nguyên Lương mới thấy
    mình còn non nớt nhiều quá …
    Cám ơn Tác giả và người bình thơ .

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.