Cỏ Tranh Săn


Ai ở nông thôn đều biết cây tranh săng. Lên mạng tìm sẽ thấy:

 

BẠCH MÂU CĂN ( tên khoa học IMPERATA  CYLINDRICA )
Tên cây : Cỏ tranh, cỏ tranh săng, bạch mao, nhá cá (Thái), gan (Dao).
Mô tả : Cây cỏ, sống lâu năm, cao 0,60 – 1,50m. Thân rễ chắc, dai, ăn sâu xuống đất. Thân có lông cứng. Lá hẹp, dài, gân chính to, ráp ở mặt trên, mép lá sắc. Cụm hoa màu trắng bạc gồm nhiều bông nhỏ có lông tơ mịn.
Phân bố : Cây mọc hoang ở miền núi, trên các đồi khô trống trải, rất khó trừ diệt.
Bộ phận dùng : Thân rễ. Thu hái quanh năm, tốt nhất vào mùa thu, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô.
Thành phần hóa học : Thân rễ chứa glucosa, fructosa, acid hữu cơ.
Công dụng : Chữa đái buốt, đái dắt, đái ra máu, sốt nóng. Ngày 10 – 40g dưới dạng thuốc sắc. Phối hợp với râu ngô, tác dụng lợi tiểu càng mạnh hơn

 

Cỏ tranh có thể giúp giảm đau đầu: đó là kết luận của các nhà khoa học thuộc Đại học Griffith (Úc), theo hãng tin New Kerala. Nhóm nghiên cứu cho biết cỏ tranh có công dụng như aspirin trong việc điều trị chứng đau đầu.
“Chứng đau đầu và đau nửa đầu có thể gây ra những hoạt động bất thường trong cơ thể như làm thay đổi hàm lượng serotonin và cản trở chức năng của tiểu huyết cầu”, chuyên gia Darren Grice thuộc Đại học Griffith nói. Các tiểu huyết cầu kết hợp lại sẽ giúp làm lành vết thương nhưng chúng cũng có thể tạo thành các cục máu vón nguy hiểm, làm giảm nguồn cung cấp khí ôxy lên não và gây đột quỵ. Hợp chất eugenol trong cỏ tranh có tác dụng ngăn không cho các tiểu huyết cầu kết hợp lại và sản sinh chất serotonin – vốn có công dụng điều hòa trạng thái, sự ngon miệng, giấc ngủ, chức năng nhận thức… Song Anh (New Kerala, 3/2010)

Phơi rễ cỏ tranh làm nước sâm lạnh là thức uống được chế biến từ nhiều loại thảo dược, trong đó có rễ cỏ tranh. Từ lâu, người dân đã biết dùng lá cỏ tranh non làm thức ăn cho trâu, bò, ngựa và lá già lợp nhà. Riêng rễ cỏ tranh có nhiều đốt như đốt mía và vị ngọt; có công dụng giải nhiệt, giải khát, thông tiểu, tẩy độc nên trở thành một loại thảo dược quý.

Ít ai ngờ, cỏ tranh từng bị xem là “kẻ thù” của nhà nông nay lại trở thành “ân nhân” của biết bao nhiêu người lao động nghèo. (theo Báo SGGP)

Xuân Phong với tranh săng:

Ở nơi thâm sơn cùng cốc thiếu muối ăn người ta đốt tranh săng ra tro để thay muối (có lẽ tro tranh săng có chứa clorua natri), con heo rừng rất thích ăn cỏ tranh săng, chúng đào moi tận gốc rễ, nhưng trong vườn nhà tôi dù có nuôi heo rừng tôi không thể thả chúng để diệt tranh săng vì chúng cũng sẽ đào bới làm hư hỏng các loại cây trồng khác.

Tranh săng phơi khô đánh tấm để lợp mái nhà. Nhà mái tranh, mái rạ, mái lá là hình ảnh quê hương Việt Nam, đặc biệt nhà mái tranh rất bền, có thể sử dụng năm đến mười năm mới phải thay mới. Bây giờ thời thế thay đổi, ai dám nói ở nhà tranh là nhà nghèo. Các khu du lịch trong nước bây giờ cũng thường làm nhà lều (bungalow) mái tranh phục vụ du khách nên tranh săng rất được giá. Khách sạn 5 sao Life Resort Quy Nhơn có phòng VIP giá đến 800 USD ngày đêm, lợp mái bằng tranh săng (tấm tranh ở đây đánh rất dày và chắc chắn, kết bằng sợi polime, khung mái bằng kim loại và tre).

Hồi nhỏ tôi ở nhà tranh, những buổi trưa hè nóng nực mà trong nhà vẫn mát mẻ cũng như những đêm đông lạnh giá mà trong nhà vẫn ấm áp. Trong căn nhà đơn sơ mái tranh vách lá, cả nhà quây quần chung quanh một đống lửa củi ở giữa, củi do ba tôi chẻ, má tôi chụm, gia đình sum họp không thiếu một ai, vừa nhai bắp nướng hay cốm rang vừa nói chuyện thời tiết, tết tư… Một kỹ sư người Đức nghiên cứu về nhà ở người Việt xưa và hết sức ngưỡng mộ. Ông gọi đó là ngôi nhà thân thiện môi trường bậc nhất ở vùng nhiệt đới châu Á. Trời mưa gió nằm trong nhà nghe tiếng giọt nước tranh nhỏ tí tách bên mái hiên nhà dễ khiến ta trở nên nao lòng với một nỗi buồn man mác.

“Đêm nghe giọt nước mái nhà

Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn”.

Kể cũng lạ, cái giống tranh săng này hay lựa vùng đất cằn khô để sống. Nơi nào tranh săng mọc thì các loài cỏ khác bị tiêu diệt. Tôi trồng cỏ voi, cỏ Stylo (cỏ Úc) cho súc vật ăn và quan sát thấy hai loại cỏ này không ngán tranh săng, chỗ mày mày mọc chỗ tao tao mọc, có khi thằng Stylo còn mọc xen lẫn với thằng tranh săng trong cùng một bụi. Người ta nói tranh săng kỵ rau lang, muốn khử tranh săng thì vun giồng trồng rau lang, tôi đã thử làm : tranh săng có bớt đi do công cuốc đất vun giồng nhưng rau lang lên không nổi vì đất quá xấu do tranh săng ăn hết chất đất.

Tôi là người làm vườn, đã sống chung với cỏ tranh săng nhiều năm, nói thật với các bạn tôi không thích cây tranh săng chút nào. Bởi vì nó mọc vùng đất nào thì các loài cây nơi ấy trở nên cằn cỗi, chỉ có nó là tươi tốt. Nó là giống “độc tài” không cho các loài cây cỏ khác sống chung (sinh vật học gọi là giống ưu sinh hay giống xâm thực gì đó tỉ như cây mai dương nhập ngoại về tàn phá đồng ruộng nước ta lâu nay). Làm vườn mà gặp tranh săng kể như thua. Trồng cau, chuối, đu đủ, mãng cầu …trên đất có tranh săng đều bị tranh săng lấn chết, nếu sống thì lên còi cọc, ẻo ợt. Bón phân thì tranh săng hút hết, cuốc đất làm cỏ rồi tranh săng vẫn hồi sinh vì rễ nó ăn sâu và rất mạnh. Không cho nó sống chung hòa bình kiểu ông trời đó, tôi bèn mua thuốc đặc chủng phun lên các đám cỏ tranh thế là chúng từ từ chết rũ trong vòng mươi ngày. Rồi tôi mới đánh vồng trồng rau lang. Rồi tôi mới bón phân. BRAVO! Ha, ha, thắng mày rồi đó, (Bravo là tên của một loại thuốc trừ cỏ tranh, cỏ gấu đặc chủng).

Cỏ tranh, cỏ Mỹ tôi đều không “ngán”, chỉ ngán một thứ cỏ “càm ràm” mọc cạnh nhà tui mà không thuốc gì trừ được.

{jcomments on}

Leave a Reply

Your email address will not be published.