Dinh dưỡng phòng ngừa bệnh loãng xương

Loãng xương hiện nay đang là một trong những căn bệnh thường gặp ở người cao tuổi, nhất là phụ nữ. Hậu quả gãy xương hoặc gãy lún cột sống… do loãng xương thường khá nặng nề với sức khỏe người cao tuổi vì xương rất lâu liền, điều trị tốn kém, người bệnh phải nằm lâu ngày nên dễ bị bội nhiễm (viêm phổi, viêm đường tiết niệu, loét mục…), là gánh nặng cho người bệnh, gia đình và cả xã hội. Nhưng nhiều người không để ý đến một điều rất quan trọng để phòng ngừa loãng xương, đó là chế độ dinh dưỡng đảm bảo cho một bộ xương chắc khoẻ ngày từ những năm đầu đời.


 

“Kẻ cắp thầm lặng”

Theo tổng kết của Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM, loãng xương là nguyên nhân của hơn 90% trường hợp người cao tuổi bị gãy xương sau những cú ngã nhẹ. Hiện tại Việt Nam, ước tính có 2,5 triệu người bị loãng xương và trên 150.000 trường hợp gãy xương do loãng xương.

Xương chắc khoẻ nhất ở thời kỳ đầu trưởng thành. Hàm lượng chất khoáng trong xương cao nhất ở tuổi 25, sau đó giảm xuống ở nữ vào tuổi mãn kinh và nam khoảng 52 tuổi. Tỷ lệ khối lượng giảm hàng năm thay đổi từ 0,5 đến 2% tùy theo từng người. Những người có chế độ dinh dưỡng cân đối và thói quen tập thể dục từ khi còn trẻ thì có ít nguy cơ bị bệnh này hơn vì xương vẫn duy trì khoẻ mạnh khi được vận động.

Hình ảnh xương bình thường và xương loãng do thiếu canxi.

Loãng xương là một căn bệnh diễn biến từ từ và không có triệu chứng rõ rệt, khiến người bị loãng xương thường không biết mình bị bệnh. Căn bệnh này được ví như “một kẻ cắp thầm lặng”, từng chút một, đánh cắp đi các khoáng chất trong ngân hàng xương của cơ thể. Khi xương bị loãng, cơ thể sẽ mất đi một số lượng lớn tổ chức xương trong toàn bộ thể tích xương, làm độ đặc của tổ chức xương giảm đi. Các yếu tố có ảnh hưởng tới độ đặc của xương bao gồm: Thiếu oestrogen (xuất hiện ở phụ nữ tuổi mãn kinh); thiếu hoạt động; hút thuốc lá; uống rượu; chế độ dinh dưỡng thấp, nhất là nghèo canxi.

Bệnh loãng xương gây gãy xương sau những va chạm rất nhẹ ở người cao tuổi, khi  xương bị gãy sẽ rất khó và rất lâu liền trở lại. Người bệnh phải nằm một chỗ, điều trị dài ngày trong bệnh viện, tốn kém nhiều thời gian, tiền bạc và công sức của người nhà. Nguy hiểm hơn, khi phải nằm lâu để điều trị sẽ kéo theo nhiều biến chứng bất lợi như bội nhiễm đường hô hấp, đường tiết niệu, loét mục ở các nơi tì, đè… có thể gây tàn phế suốt đời và giảm tuổi thọ của người bệnh.

Vai trò của dinh dưỡng phòng ngừa loãng xương

Việc điều trị bệnh loãng xương khó khăn và tốn kém nên chúng ta cần biện pháp phòng ngừa bằng cách xây dựng chế độ dinh dưỡng đảm bảo cho xương chắc khỏe bằng cách bổ sung lượng canxi và vitamin D phù hợp trong suốt tuổi ấu thơ, tuổi dậy thì và trưởng thành.

Canxi: Canxi cần cho tim, cơ bắp, và thần kinh để hoạt động bình thường và giúp máu đông. Thiếu canxi là nguyên nhân chính gây ra loãng xương. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, chế độ ăn ít canxi có liên quan đến khối xương thấp và tỷ lệ gãy xương cao. Do đó cần xây dựng những bữa ăn giàu canxi. Thực phẩm giàu canxi bao gồm: sữa và các chế phẩm từ sữa, tôm, cua, tép (nhất là tôm, cua đồng), ốc, lòng đỏ trứng, rau dền, rau đay, rau mồng tơi, rau ngót, đậu nành, vừng,… Ngoài ra cần chú ý lượng protein (chất đạm) trong khẩu phần nên vừa phải, vì chế độ ăn nhiều đạm làm tăng bài xuất canxi theo nước tiểu.

Nếu không ăn đủ canxi trong chế độ ăn, cần bổ sung thêm canxi. Lượng canxi bổ sung tùy thuộc vào lượng canxi hấp thu được từ thức ăn. Tất cả các dạng canxi đều được hấp thu như nhau khi dùng chung với thức ăn trừ khi người bệnh có vấn đề về đường tiêu hóa. Thuốc bổ sung canxi được hấp thu tốt hơn ở liều nhỏ (<=500mg) nhiều lần trong ngày.

Vitamin D: Cơ thể cần vitamin D để hấp thu canxi. Thiếu vitamin D sẽ không thể tạo đủ hormone calcitriol (dạng vitamin D có hoạt tính), dẫn đến không hấp thu đủ canxi từ thức ăn. Trong trường hợp này, cơ thể sẽ lấy canxi từ nơi dự trữ là xương, làm cho xương bị yếu đi và ngăn chặn việc tạo xương mới.

Có 3 cách thu nhận vitamin D: qua da, từ thức ăn và từ thuốc. Vitamin D được hình thành một cách tự nhiên bởi cơ thể sau khi phơi nắng. Phơi nắng trực tiếp 15 phút vài lần trong tuần là đủ để tạo được lượng vitamin D cần thiết. Các chuyên gia y tế khuyến cáo dùng mỗi ngày 400 – 600 IU vitamin D, từ thuốc hay thực phẩm giàu vitamin D như: lòng đỏ trứng, cá biển, gan và sữa bổ sung vitamin D.

Loãng xương hiện nay đang là một trong những căn bệnh thường gặp ở người cao tuổi, nhất là phụ nữ. Hậu quả gãy xương hoặc gãy lún cột sống… do loãng xương thường khá nặng nề với sức khỏe người cao tuổi vì xương rất lâu liền, điều trị tốn kém, người bệnh phải nằm lâu ngày nên dễ bị bội nhiễm (viêm phổi, viêm đường tiết niệu, loét mục…), là gánh nặng cho người bệnh, gia đình và cả xã hội. Nhưng nhiều người không để ý đến một điều rất quan trọng để phòng ngừa loãng xương, đó là chế độ dinh dưỡng đảm bảo cho một bộ xương chắc khoẻ ngày từ những năm đầu đời.

Leave a Reply

Your email address will not be published.