Các bài đăng của tác giả Tiểu Tử.



Ðá Mòn Nhưng Dạ Chẳng Mòn

Tác Giả: Tiểu Tử

Vợ chồng tôi dọn về ở trong cái làng nhỏ này đã hơn ba tháng. Mấy đứa con của chúng tôi nói: “Ba má già rồi mà ở trong Paris đâu có tốt. Nội cái không khí ô nhiễm cũng đủ làm cho ba má bịnh lên bịnh xuống hoài.” Vậy là chúng nó kiếm mua một cái nhà ở xa Paris…

Nhà có đất chung quanh, có mấy cây pomme, mấy cây cherry. Hồi dọn về là đầu mùa Xuân, mấy cây đó trổ bông màu hường màu trắng đầy cành. Ở mấy nhà hàng xóm cũng vậy, hoa nở rộ hầu như cùng một lúc, nên trông thật là đẹp mắt.

Biết là mùa Xuân nhờ hoa nở và chồi non, chớ thật ra thời tiết ở Pháp mấy năm gần đây đi… trật lất. Mùa Xuân mà cứ tưởng như mùa Thu, cứ mưa lất phất rồi hết mưa là trời đổ sương mù. Cứ như vậy kéo dài đến bây giờ, theo trong lịch, là đã đầu mùa Hè mà vẫn còn nghe lành lạnh! Continue reading

Made in Việtnam

Lẽ ra bữa nay bác sĩ Lê không nhận bịnh nhân vì là ngày nghỉ trong tuần của ông. Nhưng hôm qua, trong điện thoại, nghe giọng cầu khẩn của người bịnh ông không nỡ từ chối.
Người đó – ông đoán là một cô gái còn trẻ – nói chuyện với ông bằng tiếng Mỹ. Cô ta hỏi ông nhiều lần:
– Có phải ông là bác sĩ Lee không?
Tên ông là Lê. Cái tên Việt Nam đó ở xứ Mỹ này người ta viết là “Lee”, nên ông được gọi là ” ông Lee ” (Li).
Ông ôn tồn trả lời nhiều lần :
– Thưa cô, phải. Tôi là bác sĩ Lee đây. Continue reading

Thằng chó đẻ của má

 

Má ơi ! Bữa nay là ngày 23 tháng chạp, ngày đưa ông Táo. Không biết
những người Việt lưu vong như tụi con có còn giữ phong tục hằng năm
cúng đưa ông Táo về Trời hay không, chớ vợ của con năm nào đến ngày
này cũng mua hoa quả bánh ngọt cúng đưa ông Táo, cũng thành khẩn như
ngày xưa, hồi còn ở bên nhà.

Continue reading

Bài Ca Vọng Cổ

Tôi  định cư ở Pháp. Năm đó tôi  mới có  49 tuổi, vậy mà đi tìm việc
làm đến đâu người ta cũng chê là tôi già! Vì vậy, một hôm, khi chải
tóc, tôi nhìn kỹ tôi trong gương. Tôi bỗng thấy ở đó có một người có
vẻ như quen nhưng thật ra thì rất lạ: mắt sâu, má hóp, mặt đầy nếp
nhăn trên trán, ở đuôi mắt, ở khoé môi, mái tóc đã ngà bạc cắt tỉa thô
sơ như tự tay cắt lấy. Từ bao lâu nay tôi không để ý, bây giờ soi
gương vì bị chê già, tôi mới thấy rằng tôi của hồi trước năm 1975 và
tôi của bây giờ – nghĩa là chỉ sau có mấy năm
– thật không giống nhau chút nào hết. Tôi già thiệt, già
trước tuổi. Cho nên, tôi nhìn tôi không ra. Từ đó, mỗi ngày tôi
….tập nhìn tôi một lần, nhìn kỹ, cho quen mắt!

Một người bạn làm việc lâu năm ở Côte d’ivoire (Phi Châu) hay tin tôi
đã qua Pháp và vẫn còn thất nghiệp, bèn giới thiệu tôi cho Công ty
Đường Mía của quốc gia. Không biết anh ta nói thế nào mà họ nhận tôi
ngay, còn gởi cho tôi vé máy bay nữa! Continue reading

Những Chuyện Nho Nhỏ…

Những Chuyện Nho Nhỏ…

Trong đời tôi, tôi đã nghe kể lại hay chính tôi đã mục kích rất nhiều
chuyện nho nhỏ, những chuyện tầm thường không có gì “éo le gút mắt”
hết, những chuyện mà tôi cho là có nghe qua hay thấy qua rồi bỏ cũng
không sao.
Vì vậy, tôi coi thường những chuyện nho nhỏ.
Gần đây, một chuyện nho nhỏ xảy đến cho tôi đã làm tôi suy nghĩ. Thì
ra chuyện nho nhỏ có khi chứa đựng một bài học lớn mà con người không
để ý,
Vì chỉ quen nhìn những chuyện lớn, những chuyện “đập vào mắt”, xưa nay…
Rồi tôi tẳn mẳn ngồi nhớ lại từng chuyện nho nhỏ, để thấy mỗi chuyện
là một nét chấm phá của cuộc đời, có chuyện còn mang vài ẩn dụ để con
người suy gẫm. Continue reading

Những hình ảnh đẹp

Anh tôi nằm bịnh viện Saint Camille đã được mười bữa. Chiều hôm qua,
ảnh gọi điện thoại về nhà, nói: «Thằng tây nằm chung phòng ra nhà
thương rồi, ngày mai chủ nhựt, mầy vô đây anh em mình nói chuyện
chơi». Nghe giọng ảnh “có thần” nên tôi vui vẻ trả lời: «Dạ! Mai em
vô. Vợ con em đi Mỹ, chớ không thì em cũng chở tụi nó vô thăm anh».
Tôi nghe ảnh cười khịt:  «Một mình mầy cũng đủ cho tao vui rồi…».

Phòng anh tôi là loại phòng hai giường ở lầu ba. Ông già người Pháp cỡ
hơn tám mươi tuổi nằm chung phòng với anh tôi rất khó tánh. Ổng không
thích có nhiều ánh sáng vào phòng nên volet cửa sổ lúc nào cũng chỉ hé
lên một chút thôi. Thấy ổng quá già lại hay gắt gỏng nên mấy cô y tá
cũng nhân nhượng, chỉ kéo volet lên cao trước giờ bác sĩ trưởng đi
thăm bịnh nhân, rồi lại hạ thấp xuống, sau đó! Mỗi lần tôi vào thăm
anh tôi, mặc dầu chúng tôi nói chuyện nho nhỏ với nhau, ổng cũng lăn
qua trở lại thở dài. Có khi còn lấy gối bịt lỗ tai nữa!

Continue reading

Chiếc Khăn Mu-Soa

Hôm đó, tôi nhận được một CD gởi từ Bruxelles ( nước Bỉ
) trên CD thấy đề : ” À Monsieur Tiêu Tu “. Chữ viết bằng bút feutre
rõ nét, nói lên người viết có trình độ. Tuy viết “Tiểu Tử” không có
dấu, người gởi viết tên của mình lại có dấu đầy đủ: “Exp : Nguyễn
Thị Sương!”  Vừa ngạc nhiên vừa thích thú, tôi vội vã đặt dĩa vào
máy, nghe. Đó là giọng một người con gái miền Nam, trong trẻo, phát âm
rõ ràng. Những gì cô ta nói đã làm tôi xúc động, có lúc tôi ứa nước
mắt ! Tôi đã nghe nhiều lần và cố gắng ghi chép lại đây. Dĩ nhiên là
tôi đã viết để đọc cho suông sẻ chớ cô gái nói còn nhiều chỗ nghe
sượng hay dùng từ chưa chính xác … Continue reading

Chuyện chẳng có gì hết

Thật vậy, chuyện chẳng có gì hết. Nhưng sao nó cứ đeo theo
ám ảnh tôi từ mấy hôm nay. Tôi cứ nghĩ đến nó, nhớ rõ từng chi tiết,
hình ảnh, từng xúc động trong lòng mình lúc đó. Để rồi trăn trở băn
khoăn, không biết những người khác – những người Việt Nam cũng lưu
vong như tôi – có cùng một tâm trạng như tôi hay không, nếu họ chứng
kiến câu chuyện chẳng có gì hết này. Đó là lý do tôi muốn kể lại những
gì tôi đã nghe thấy cách đây mấy hôm. Và tôi nghĩ : kể lại, chắc sẽ
làm nhẹ bớt những gì từ bao lâu nay tôi chất chứa trong lòng… Continue reading

Con Rạch Nhỏ Quê Mình

Mầy còn nhớ không ? Hồi tụi mình còn nhỏ, thời tiểu học, có
ngày nào mà tụi mình không đùng xuống con rạch trước nhà để tắm. Mầy
còn nhớ con rạch đó không? Nó có cái tên cục mịch và quê mùa : rạch “
Cồn Cỏ “. Người ta gọi như vậy bởi vì ở phía sông cái có một cái cồn
khá lớn – gần như là một cái cù lao – làm tách con rạch ra làm hai
nhánh. Có lẽ hồi xưa, trên cồn chỉ có cỏ nên họ gọi là ” Cồn Cỏ “, chớ
hồi thời tụi mình, trên đó thấy đầy cây cối mà một số là cây ổi ” chim
ăn ” và cây xoài hột. Mầy bỏ xứ ra đi lâu quá, không biết còn nhớ ” ổi
chim ăn ” và xoài hột không ? “Ổi chim ăn” là loại ổi nhỏ bằng trứng
chim cút, bên trong toàn hột là hột nên không có ai trồng. Chim hay mổ
ăn mấy trái chín, còn tha đi chỗ này chỗ nọ. Hột ổi rớt mọc lên cây,
nhà vườn chặt bỏ để lấy đất trồng thứ khác. Còn ” xoài hột ” thì như
tên của nó nói : trái nhỏ bằng nắm tay con nít, bên trong chỉ có cái
hột lớn với chút xỉu cơm ! Người ta cũng gọi là ” xoài mút ” bởi vì
muốn ăn loại xoài đó phải lựa trái chín muồi, lột võ rồi mút cái hột
với lớp cơm mỏng dánh dính chung quanh. Người lớn không ai thèm ăn bởi
vì ăn không đã miệng mà mút xong một trái là hai bàn tay dơ hầy ! Chỉ
có con nít là khoái ! Cho nên vào mùa xoài – cũng là mùa mưa – khi
thấy trời nổi gió, trẻ con thường lội qua cồn để lượm xoài, được trái
nào là đứng ngay dưới cây xoài mút lia mút lịa. Tao nhớ có lần mầy với
tao cởi quần đội lên đầu rồi lội qua cồn cỏ lượm xoài. Mầy nhớ không ?

Continue reading

Viết một chuyện tình

Mấy lúc gần đây, không hiểu sao, tôi bỗng thèm viết một chuyện tình !
Từ ngày tập tễnh viết văn, nhớ lại, tôi chưa từng viết chuyện tình nào
cả. Điều này làm tôi cũng ngạc nhiên, bởi vì, chuyện tình là chất liệu
mà các nhà văn khai thác thừơng nhứt và nhiều nhứt. Từ những ngòi bút
măng non của tuổi học trò qua những nhà văn ” tài tử ” hay đã thành
danh… có ai không từng viết chuyện tình ? Chỉ có tôi là chưa. Lạ thật
!

Vậy mà bây giờ tôi bỗng thèm viết một chuyện tình. Ở cái tuổi về chiều
của tôi, ” thèm ” như vậy không biết có phải là triệu chứng của sự hồi
xuân hay không ? Người ta nói mấy ông già ở tuổi hồi xuân ” ghê ” lắm
, ” mắc dịch ” lắm. Vì vậy, khi về già, tôi hay bị ám ảnh bởi cái tuổi
hồi xuân đó, và không biết lúc nào ” nó ” bùng ra để biến tôi thành
ông già ” mắc dịch ” ! Cho nên khi cảm thấy thèm viết chuyện tình, tôi
tự hỏi : ” Có phải là nó đến đó không ? “. Hỏi mấy ông bạn già – già
hơn tôi để có nhiều kinh nghiệm – thì người nào cũng cười cười : ” Nó
đó !”. Nếu thật là ” nó” thì cái sự hồi xuân của tôi không đến nỗi nào
” ghê ” lắm. Trái lại, nó có vẻ nhẹ nhàng tao nhã nữa. Bởi vì tôi chỉ
có thèm viết chuyện tình thôi !

Continue reading