Các bài đăng của tác giả Tống Văn Thụy.



Tháng Tư Cao Nguyên

Tác giả: Tống Văn Thuỵ

Tây Nguyên tháng tư, bướm vờn bay muôn nẻo. Những cánh bướm vàng mơ chập chờn nơi hàng cây, khóm lá. Ve kêu râm ran trên tán cây long não cổng vào Bảo Tàng Dân Tộc Học Buôn Mê Thuột. Một cảm giác bình yên thanh thản chợt đến sau khi vượt qua đèo Lò Xo, đến Dakglei, Kontum trong cơn mưa rừng đầu mùa. Mưa xối xả quất vào người. Mưa, bùn nhão, nhất là hình ảnh cơ cực của những bản làng Ba Na, Rơ Ngao dọc sông Dakbla làm mềm lòng, chân bước như chậm lại.

Buôn Mê Thuột trời khô. Buổi tối lang thang phố núi, gió hơi se lạnh. Chiếc xe tăng bằng xi măng ở Ngã Sáu lạc lõng giữa những con đường đan xen, những khách sạn sáng trưng và dòng người rong chơi cuối tháng tư. Trung tâm phố núi Buôn Mê, gió luồn qua kẽ áo, cảnh sắc na ná phố thị miền xuôi. Hàng quán rộn ràng, đèn đóm xanh đỏ. Loanh quanh những góc phố, nỗi nhớ miên man tháng Ba năm nào tưởng ngủ vùi trong ký ức chợt bùng lên như ngọn lửa đốt đồng sau mùa gặt của đồng bào thiểu số Mnong dọc quốc lộ 27. Khói lẩn khuất nơi cuối trời. Continue reading

Những Bài Địa Lý Thuở Ấy.

Tác giả: Tống Văn Thụy

Thuở mới vào đại học, cuốn Atlas là niềm mơ ước của biết bao thế hệ sinh viên ban Sử-Địa. Atlas, người khổng lồ phản kháng thần linh trong thần thoại Hy Lạp bị Zeus, chúa tể các vị thần đày đọa phải oằn mình mang cả trái đất trên đôi vai là tên phổ biến để chỉ cuốn sách kim chỉ nam về bản đồ địa lý một vùng đất, quốc gia hay thế giới. Atlas khổ lớn hay loại bỏ túi vốn rất tiện dụng, năm châu bốn bể gom lại trong cuốn sách nhỏ nhét túi quần jean ngồi cà phê nhìn mưa rơi những ngày sinh viên bãi khóa.

Ngày con gái đi học xa, trong hành trang sách vở mang theo, tôi kín đáo kèm thêm cuốn Atlas de poche. Con gái tần ngần nhìn bố rồi cũng mang đi. Có lẽ, nó thương tính lẩm cẩm của bố hơn là sự cần thiết của sách. Bây giờ, muốn tham khảo  bản đồ đã có Google maps, thế giới nay trong bàn tay.

Từ những bài địa lý thuở ấy, từ cuốn Atlas giấy ố vàng, thế giới và đất nước đổi thay. Đường trần dễ lạc lối và hình ảnh Từ Thức từ cõi tiên lưu lạc trở về trong câu chuyện ngày xưa bỗng trở nên gần gũi. Continue reading

Lá Hoa Duyên

Tác giả: Tống Văn Thụy

Rong ruỗi trên những nẻo đường đất nước, lần đầu tiên, tôi nghe tên hoa dã hương. Từng nhánh dã hương sà thấp, lấm tấm từng chùm hoa nhỏ  màu vàng mơ như hạt kê, hương thoang thoảng trong gió heo may trên con đường 4A nối Cao Bằng-Lạng Sơn.

Khác với những cung đường trên cả nước vừa được phát quang mở rộng, chạy tít tắp, thênh thang, không một bóng cây, đường 4A men theo núi đồi-thung lũng, có lúc uốn khúc qua đèo. Đèo Bông Lau xuôi về Đông Khê, Thất Khê, mở ra Chiến dịch Biên Giới 1950 năm xưa. Cách trung tâm thành phố Cao Bằng chừng 60km, hướng Lạng Sơn, nghĩa trang Liệt sĩ Chiến Dịch Biên Giới trên đồi quy tập mộ phần những chiến sỹ…   Chiều nghĩa trang/Đồi trung du/Bia trắng như bầy cò đậu. ( Quang Dũng.Chiều nghĩa trang). Bia mộ san sát, thẳng hàng, cùng kích cỡ, bia ghi vô danh hay đầy đủ tên tuổi, quê hương, bản quán, dân tộc, nhiều nhất người Tày. Tất cả đặt dấu chấm hết năm 1950 trong chiến dịch Biên Giới. Con người chỉ bình đẳng khi chết. ( Jean d’Ormesson). Ý tưởng trên thoáng qua khi đi thăm các nghĩa trang dọc đường 4A , Điện Biên Phủ, Trường Sơn, Biên Hòa hay xa hơn, dọc bờ biển Normandie, Pháp, nơi quân Đồng Minh đổ bộ cách đây hơn70 năm. Những nấm mộ trắng, thánh giá  trắng, xếp  thẳng hàng trên thảm cỏ xanh, xa xôi ngoài kia đại dương sóng vỗ. Chiến tranh qua đi, còn lại an hòa, bình đẳng. Chỉ khác một điều, trên  đường 4A vẫn  còn lưu dấu binh lửa, hoa dã hương rủ mình trên những nấm mồ. Khi khép lại cổng nghĩa trang hoen rỉ vì thời gian, người quản trang, một chiến binh già chỉ nói vừa đủ nghe : Năm nay, giá rét, dã hương ra hoa muộn . Continue reading

Tranh Của Thầy Tôi

Tác Giả: Tống Văn Thụy

Thầy là giáo sư Lê Khắc Phò( 1928-1997), dạy chúng tôi môn địa lý ở Trường Đại Học Sư Phạm Huế (1969-1973). Một  ngày cuối đông sương mù giăng kín sông Hương, tự nhiên tôi nhớ  đến thầy cũ, ngôi nhà số 4 Đinh Công Tráng, Thành Nội, phòng khách ấm cúng điểm xuyết những bức tranh… Continue reading

Hương Mùi Qua Mấy Nẻo Đường.

Tác giả: Tống Văn Thụy

Ký ức từ những chuyến đi nhiều khi không chỉ đóng khung nơi phong cảnh mình đến, mấy điểm tham quan, những người đã gặp mà còn lan tỏa đến tận cùng mọi giác quan, làm thành dư vị khó quên.

Người bạn quê miền Trung lần đầu tiên đi Sapa trong gió mùa Đông Bắc đang tràn về, anh nhớ mãi cái rét len lỏi qua từng lớp áo, cảnh phụ nữ người Dao đầu quấn khăn đỏ thấp thoáng trong sương , tháp nhà thờ thoắt ẩn, thoắt hiện cùng mây và lạ thay anh cứ vương vấn hoài cái mùi hình như là ẩm mốc của mùa đông dài Sapa. Cái mùi mơ hồ và kỳ lạ ấy thoang thoảng nơi quán ăn Mimosa rất dễ thương nằm khuất bên trong con đường chính đưa vào phố núi. Ngay khách sạn Victoria Sapa, bếp lửa có bập bùng nơi lò sưởi  góc sảnh tiếp tân, các phòng ngủ, từng góc khuất được chăm chút, khử mùi, vẫn như phảng phất cái mùi lưu cửu ấy. Sapa vì thế mà gần với Huế qua cảm nhận từ khứu giác. Vẫn cái mùi vừa lạ vừa thân rất Huế ấy sau những ngày mưa dầm dai dẳng, qua những cơn mưa phùn lâm thâm dùng dằng chờ đón nắng xuân sang.   Continue reading

« Nơi Quán Cà Phê Của Tuổi Trẻ Lạc Lối »

Tác giả: Tống Văn Thụy

Nhân mùa nhà giáo Việt Nam , BBT Hương Xưa thân gởi Thầy Giáo Tống Văn Thụy những bông hoa tươi thắm xinh đẹp nhất . Thân chúc  gia đình Thầy vạn sự lành. HX

Là nhan đề cuốn truyện của Patrick Modiano, nhà văn Pháp, giải Nobel Văn Chương 2014. Vào truyện, tác giả dẫn người đọc vào quán cà phê Le Condé, tả ngạn sông Seine. Theo bước chân Louki, nhân vật nữ  xuyên suốt cuốn truyện và quán cà phê, tôi thấy nàng như chiếc bóng, lặng lẽ lướt vào quán, lướt đi trong  chuyện kể như  hình nhân đang bay trong tranh Chagall. Xa vắng và hoài niệm.Tôi đọc « Nơi quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối », gấp cuốn truyện, mà nhớ một thời tuổi trẻ.

« Về đây khi mái tóc còn xanh xanh ». Tôi về Huế đầu tháng 10 năm 1969 một ngày mưa trắng trời, hơn một năm sau biến cố Mậu Thân. Huế vẫn còn bàng hoàng sau mùa xuân tang tóc. Nhịp cầu xưa đã gãy. Cầu phao tạm bập bềnh nối đôi bờ. Bên nầy sông, trường Văn Khoa, Sư Phạm, cà phê Tổng Hội, Cư Xá sinh viên Xavier. Bên kia sông là…phố. « Bát phố » là sang bên kia sông Hương. « Chiều một mình qua phố »( TCS),  ghé vào rạp ciné Châu Tinh, Tân Tân, đứng xem Lê Vinh vẽ áp phích phim…hay lang thang theo một hình bóng đâu đó ở Thành Nội, Gia Hội.

Thưở ấy, thế giới sinh viên vốn chật hẹp, quanh quẩn có mấy con đường. Đường Lê Lợi nối Viện Đại Học, trường Luật, Văn Khoa và Sư Phạm. Vòng qua Trương Định là cà phê Tổng Hội và lối vào trường Khoa Học. Đi thêm dăm phút là đường Lý Thường Kiệt, cà phê Bưu Điện, Cư Xá sinh viên Xavier, nơi cưu mang tôi bốn năm đại học. Không khí chiến tranh lởn vởn, bất an. Sinh viên thường kè kè trong ví thẻ căn cước, thẻ sinh viên, giấy hoãn dịch… Suốt những năm tháng ấy, chuyến đi chơi xa nhất là theo bạn ra…Quảng Trị dịp sinh viên bãi khóa xuống đường năm 1969.

Continue reading