Tác giả: Hồng Vân Thanh
TRƯỜNG DÒNG THÁNH GIUSE KIM-CHÂU BÌNH-ĐỊNH
Con người có duyên số! Với cái tuổi non nớt lúc đó làm sao có thể biết được nơi nào tốt xấu? Mẹ bệnh tật, ba là người Hoa, anh Hai làm ăn xa, còn ông anh kề “lùng khùng” chẳng có ai có thể hướng dẫn cho tôi cả. Chúng tôi như đàn cừu không người chăn, cứ đi đại, hên xui. Nhà tôi cách trường gần 4km. Thức dậy sớm nấu cơm ăn và giở cơm theo bằng cà-mèn cho buổi trưa ở lại tại trường. Nhà tôi quá nghèo. May mà anh Hai tôi đi làm ăn xa bỏ lại chiếc xe đạp trành: không đèn, không thắng, không gạt chắn bùn. Ngôi trường mà tôi học phải nói là nó quá sức tuyệt vời. Bỡi vì nó đáp ứng rất đầy đủ những nhu cầu mà bản thân tôi đang muốn. Một đội ngũ giáo sư rất nghiêm túc. Một sân bóng rổ. Một sân bóng chuyền. Một sân nhảy cao, nhảy xa, nhảy sào. Và một sân bóng đá.
Ngoài số thầy tu Dòng của nhà trường làm giáo sư, nhà trường cũng có mời một số giáo sư ở ngoài vào dạy cho chúng tôi. Nói chung các thầy dù trong hay ngoài chúng tôi đều kính mến như nhau. Riêng tôi, tôi khoái nhất là thầy Bùi-ngọc-Ái, dạy Việt-Văn cho lớp chúng tôi. Kiến thức và phong cách của thầy làm tôi thích thú lắm. Một kỷ niệm mãi tới giờ vẫn không sao quên. Có một buổi trưa, giữa năm Đệ-Lục, mọi người đang yên nghỉ. Sân trường vắng chói chang. Chỉ mỗi mình tôi và vài thằng nhóc đang thơ thẩn dưới bóng mát cây chay, bên chiếc xe bán chè giải khát của bà hàng quen thuộc. Bỗng tôi nghe tiếng ai gọi: Hồng-vân-Thanh! Hồng-vân-Thanh! Tôi quay lại và thấy thầy Bùi-ngọc-Ái đang giơ tay ngoắc tôi. Thầy đang đứng trước cửa phòng của thầy. Tôi chạy vội đến thầy và vòng tay thưa: Thầy gọi em? Thầy ừ và đi vào phòng rồi ra với một quyển sách trên tay. Thầy nói: Thầy đưa em mượn tập này về đọc xem sao! Tôi dạ và nhận tập sách. Chào thầy rồi tôi vừa đi vừa dán mắt vào cái bìa sách rất dày mà tôi chưa từng gặp. Với nhan đề “MƯA NGUỒN thơ Bùi-Giáng” bằng chữ nổi mạ vàng. Lật qua xem gáy và bìa sau, những dòng chữ quảng cáo. Ôi, không thể nào tả được sự ngưỡng mộ ! Nó đẹp và cao sang biết bao! Giữa năm Đệ Thất tôi đã làm quen CÔ GÁI QUÊ của Hàn-mặc-Tử, LỬA THIÊNG, ĐIÊU TÀN của Chế-lan-Viên. Qua năm Đệ Lục tôi thuộc luôn THƠ THƠ, GỬI HƯƠNG CHO GIÓ của Xuân-Diệu. Nhưng cái tên Bùi-Giáng thì mới tinh. Và tôi dè rằng ông nội này chắc hẳn là nhà giàu lắm đây, nên in ấn rất đẹp và giá trị như vầy!
Về nhà không thèm đi chơi, tôi đọc ngay tập thơ. Tôi có tật khi đọc một tác phẩm mới không bao giờ xem ngay tiểu sử tác giả và lời Bạt hay Lời Giới Thiệu mà luôn luôn đọc ngay vào nội dung. Tôi đọc đến hai lần. Lần nào cũng thích thú, chẳng bỏ bài nào. Cái quái dị là đọc thơ Bùi-Giáng tôi rất thích thú. Phải nói là mê ngay! Nhưng tôi chẳng hiểu ông nói cái gì. Chỉ có sự cảm nhận sung sướng mà thôi. Trước khi gặp MƯA NGUỒN tôi đã gặp tập thơ ĐIÊN của Hàn-mặc-Tử và ĐIÊU TÀN của Chế-lan-Viên. Mặc dù ngôn ngữ thơ ở hai tập này gây rất nhiều khó khăn cho độc giả thời đó, nhất là với lứa tuổi học trò của chúng tôi, nhưng tôi vẫn có thể thâm cảm và chìm đắm trong cái thế giới điên loạn của Hàn và ma quái của họ Chế.
Ôm tập thơ vào người mà lòng bái phục khôn ngui. Rồi nghĩ đến Bùi-ngọc-Ái, thầy dạy Việt-Văn cho chúng tôi mà bỗng tức cười trong bụng. Trừ hai tháng đầu của năm Đệ Thất, tôi nhớ không chắc, còn lại cho hết Đệ Lục thì điểm Văn của tôi không khi nào ở vị thứ hai. Thầy hiểu tôi mà tôi cũng hiểu thầy lắm. Thầy dạy không theo lối mòn cứng ngắt. Thầy luôn tạo sự sống động cho lớp học và gợi ý cho chúng tôi có những ý tưởng khác lạ để viết mà sách giáo khoa chưa hề nói tới. Cảm ơn thầy nhiều, nhiều lắm! Tôi đã từng nghĩ: Nếu hai năm đầu tiên của Trung-Học Đệ Nhất Cấp mà không gặp thầy Bùi-ngọc-Ái thì chưa chắc có một Hồng-vân-Thanh như sau nầy. Một Hồng-vân-Thanh được rất nhiều bạn bè cùng lớp và lớp đàn em mến mộ.
Khi tôi lên Đệ Ngũ thì giờ Việt-Văn là một thầy khác. Cả năm, điểm Văn của tôi chưa hề ở vị thứ hai. Thầy này không phải là dở, nhưng không cho tôi một ấn tượng gì về môn học cả.
Hết năm, như bao bạn cùng lớp, tôi lên Đệ Tứ. Thú vị không phải là tháng nào cũng đầu bảng môn Văn, mà là thầy dạy môn Văn. Thầy là một Frère, một sư huynh tu Dòng. Không sốc nổi, hào hứng nhưng đẹp trai và nói bài có duyên. Chúng tôi thường gọi thầy là sư huynh Bertin. Thích thầy không phải vì thầy dạy môn Văn mà vì tính thầy rất dễ mến.
Thầy còn trẻ nên chúng tôi dễ gần. Có lẽ thầy giữ nhiệm vụ Thể Thao Thể Dục nên thầy luôn có mặt để chăm sóc bọn tôi. Thầy dẫn bóng trên sân cỏ điêu luyện, mà nhồi bóng trong bóng Rổ cũng rất điệu. Trang lứa cùng với nhau thì tôi là thằng làm đẹp mắt nhất dưới sân cỏ. Bóng Rổ là môn mới tập nên tôi không phải là loại ghê gớm, chỉ vừa đủ xài thôi. Nhảy cao, nhảy xa, nhảy sào tôi cũng làm đẹp mắt cho thầy và các bạn. Riêng bóng bàn tôi không thấy thầy chơi. Cái môn này chắc chắn là trang lứa chẳng có ai giỏi và đánh đẹp bằng tôi. Những bạn ở xa và chưa biết có thể sẽ không tin và cho là thằng cha này bốc phét. Nhưng sự thật đúng là vậy! Và cũng nhờ có nhiều cái tài vặt nên tôi và thầy rất thích nhau.
Tôi nhớ có một hôm đẹp trời, đang chơi với lũ bạn, em gái gọi tôi về vì có người tìm. Về nhà, thì ra là thầy Bertin tìm tôi. Mời thầy vào nhà ngồi nói chuyện. Thầy nhìn cây đàn treo trên vách. Thầy hỏi: Em chơi đàn này? Tôi dạ. Thầy hỏi: Sao đàn cổ nhạc mà 6 dây? Tôi thưa: Hết năm Đệ Lục, Hè em học cổ nhạc. Hết năm Đệ Ngũ em đã biết chơi Sáu Câu Vọng Cổ và đàn cho các bạn hát chưa bao giờ rớt nhịp. Sau đó em thấy hai anh em Long, Hổ ở gần nhà chơi Tân nhạc cũng hay hay. Em mua thêm dây số 6 bỏ lên, rồi nhờ họ viết mấy nốt nhạc trên gấy và dán lên cần đàn. Em “mò”! Thầy cười nhìn tôi: Em giỏi lắm! Tôi cười cười với thầy. Thầy tặng tôi bài thơ:
NGỌC SƯƠNG
Từ loa gọi khắp không gian.
Là giờ tận thế thiên thần vỗ tay.
Cánh chim phiêu bạt ngừng bay.
Một con chó đói nhìn mây biến hình.
Chừ tôi rao bán niềm tin.
Dành làm lộ phí đi tìm ngọc sương.
Thầy không đề tên tác giả. Tôi hỏi: Của thầy? Nhưng lòng thì nghi là thầy viết. Thầy gật đầu. Tôi rất vui thích. Những năm tháng đó mà viết lục bát như vầy thì quá đã. Với tôi, viết được như thế thì đáng danh tài tử! Kế đó thầy ngỏ ý nhờ tôi dẫn đường đi tìm ngọc sương. Người làm thơ thường nói mé mé, không rõ lắm, ẩn dụ thì mới tinh tế và chinh phục được người đọc. Với lại thầy đang tu Dòng thì phải giữ khẽ. Tôi rất biết “ngọc sương” này là sương gì rồi. Và thích thú tác giả đã không viết hoa chữ “ngọc sương” (chữ lớn). Thế là hai thầy trò đạp xe qua cầu Đập-Đá, rồi qua khỏi cầu Cẩm-Văn, quẹo phải theo hương lộ. Đoạn này thuộc thôn Chánh-Thạnh, xã Nhơn-Hưng. Quẹo qua quẹo lại mấy lần thì đến nhà. Chủ đã đi vắng! Thế là về. Thầy trò tôi không có duyên với người ngọc. Tôi chắc bài thơ thứ hai của thầy vẫn nằm trong túi áo chùm thâm.
THẦN TƯỢNG SỤP ĐỔ
Sau khi thi lấy bằng Trung-Học Đệ-Nhất Cấp, không cao, tôi vẫn chưa có tư tưởng rời bỏ mái trường nhà Dòng này. Bỡi vì như đã nói với các bạn: Nó đáp ứng rất đầy đủ những nhu cầu mà bản thân tôi đang muốn. Nếu thằng bạn rất thân của tôi, Lý-thoại-Phê, không gặp và bảo tôi đi lấy tiền Học Bỗng.
Ba tôi bị khánh kiệt từ những năm tôi còn ở bậc tiểu học. Qua năm Đệ Thất tôi nghĩ chắc là phải thôi học. Con người có cái số! Rất may là ông Cậu tôi rất giàu nhưng không muốn mất tiền cho tôi đi học, nên đã vận động nhà trường cho tôi Học Bỗng. Hồ sơ xin Học Bỗng tôi nhờ anh Thừa viết giúp. Anh trên tôi mấy lớp, ưa đá góc trái, nhà ở xóm Sân Banh, gần góc dưới của sân.
Ngoài thầy Hiệu-trưởng tôi cho rằng có sự tác động của thầy Bùi-ngọc-Ái và thầy Bertin. Cho nên suốt 3 năm: Lục, Ngũ, Tứ tôi không phải đóng học phí. Thật tình tôi không biết và cũng không quan tâm đến số tiền mà Bộ cho. Nhưng Lý-thoại-Phê xúi quá nên nghe theo. Thế là hai đứa đạp xe vô trường. Việc này do thầy quản lý Louis Mary giải quyết. Gặp thầy và sau khi trình bày nội dung yêu cầu của tôi. Thầy Louis Mary nói: Đúng là hằng năm Bộ có cho Học Bỗng các em nhà quá nghèo, hạnh kiểm tốt và học giỏi. Bộ cho về Tỉnh, Tỉnh chia về Huyện, Huyện đưa về Trường thì không được bao nhiêu cả. Thầy Hiệu-trưởng đã họp với các sư huynh và bàn bạc. Cuối cùng quyết định là: Vì nhà trường nhiều em nghèo mà Bộ cho mỗi trường chỉ có vài em. Nếu phát cho em thì cũng chỉ ăn quà chơi vui chứ không làm được gì. Trong khi đó còn nhiều em nghèo cần học. Cho nên nhà trường giữ tiền của các em được Học Bỗng để trả học phí cho các em nghèo khác được đi học. Tôi nghe lời giải thích của thầy quản lý mà bàng hoàng. Không phải vì không được tiền mà vì cái hình ảnh của các Frères nó quá cao đẹp bao năm nay bị sụp đổ. Mặc dù còn nhỏ, mới xong lớp Đệ Tứ nhưng tôi dư biết để lý luận với cái nghĩ và làm việc quái gở của nhà trường. Hai anh em lòng nặng trĩu ra về. Thế là mấy hôm sau tôi rút hồ sơ để nộp trường khác.
ĐỔI TRƯỜNG
Anh Hai tôi làm nghề tại Pleiku nên tôi đã nộp hồ sơ vào trường Trung-Học Pleiku. Ban B. Không ngoài mục đích là nhờ anh Hai bảo bọc. Học gần một tháng thì Lý-thoại-Phê điện tín lên nói “Trường Trung-Học Cường-Để Qui-Nhơn mở lớp Đệ Tam C (Ban Văn-chương). Còn nhận hôm nay. Ngày mai hết hạng nộp đơn. Hồ sơ để đâu chỉ tao lấy đi nộp. Mầy về sau. Vài hôm nữa thi.” Thế là hôm sau tôi về. Và sau đó tôi trở thành dân Trung-Học Cường-Để Qui-Nhơn.
Thật là một bước ngoặc rất lớn trong đời học sinh của tôi. Trường Trung-Học Cường-Để Qui-Nhơn có nhiều phòng, một trệt và một tầng nhưng sự bề thế cũng không hơn GuiSe Kim-Châu Bình-Định là bao nhiêu. Trung-Học Cường-Để Qui-Nhơn thua sự uy nghiêm và cổ kính của Trung-Học Thánh GuiSe Kim-Châu Bình-Định. Điều làm cho bốn năm thằng con trai GuiSe chúng tôi thấy khó day trở là trong lớp có trên mười mấy đứa con gái. Tôi là thằng “bạo phổi” về chuyện con gái mà cũng ớn sự chung đụng nầy. Phải gần cuối năm học sự có mặt của họ chúng tôi mới quen dần.
NÀNG
Chuyện gì đến thì nó sẽ đến! Trong lớp có một em, sau một thời gian, được mọi người phong “Đẹp nhất trường”, rồi “Đẹp nhất các trường”. Tôi không có nhiều thời gian để điều tra nhưng chắc chắn là Nàng “Đẹp nhất trường”!
Năm đầu, Đệ Tam C, do thầy Thậm dạy Việt-Văn. Thầy giọng Huế, giảng bài rất hấp dẫn. Phong cách gần giống như thầy Bùi-ngọc-Ái. Nhưng tội cái là không đẹp trai. Chính xác phải nói là thầy bị xấu trai.
Có một lần thầy nói về Ca Dao, Tục Ngữ và thơ văn dân gian, với suy nghĩ và nhận xét mới thầy làm chúng tôi rất hứng thú. Thầy ngừng một lúc rồi bảo chúng tôi ai biết ngâm thơ và hát thì lên cho cả lớp nghe. Cái mục bất ngờ này làm cả lớp ồn ào vui vẻ. Kim-Bồng được bạn bè yêu cầu lên ngâm thơ. Kim-Bồng ngâm hay nên cả lớp vỗ tay tán thưởng. Rồi thì cả lớp bắt Nàng phải lên hát. Và tôi thì đàn. Nàng không phải là Kim-Bồng có cái tài ngâm thơ, hát xướng. Với tôi thì không sao. Vì lúc này tôi đã là một danh thủ ở cái thị trấn nhà quê của tôi rồi. Nhưng với Nàng thì thật là tội nghiệp. Nàng chưa biết hát. Tôi phải dìu Nàng. Thực sự thì hầu hết bọn học trò muốn hát được cũng phải có người tập luyện. Nhưng tôi được an ủi là lúc về chỗ ngồi, thằng bạn thân Hứa-tấn-Mỹ đã khen: Ở dưới này nhìn lên thấy hai đứa bay đẹp lắm!
Sáng hôm đó không biết tại sao hai đứa chúng tôi đến lớp sớm nhất. Trong lớp và trên hành lang vắng tanh. Chúng tôi dựa vào lan can nói chuyện. Mấy ngày trước tôi cho Nàng mượn tập Hoa Thiên Lý của Duyên-Anh. Tôi hỏi Nàng đọc thấy thích không? Nàng nói Duyên-Anh viết hay quá và cảm động lắm. Tôi bảo mình nhiều sách, đủ loại nhưng Hoa Thiên Lý là sách gối đầu giường đó! Nàng vào Ban C mà vốn liếng văn chương không bao nhiêu. Khi nghe nói về những tác phẩm danh giá, những chuyện tình lãng mạn mắt Nàng đăm đăm, mơ màng về dãy núi bên kia trại lính Mỹ và phi trường. Lúc này còn quá sớm, chưa có ai trên dãy hành lang. Chúng tôi đã đứng sát bên nhau rất lâu. Nhìn vào đôi mắt xa xăm trên khuôn mặt thanh tú với những sợi tóc mây bay bay, tôi muốn hôn nhẹ lên cái má đáng yêu ấy. Nàng đã đớp hồn tôi! Hai đứa chỉ yên lặng, không nói. Nhưng chắc chắn là đã hiểu lòng nhau!
Một hôm giờ Việt-Văn, thầy trả bài đã chấm cho chúng tôi. Tôi ngồi bàn thứ 3 và sau lưng Nàng. Tôi bảo đưa bài cho tôi xem. Quá ngạc nhiên vì ô điểm của Nàng ghi 15/20. Maximum! Kỳ này tôi bị dưới nàng 1 điểm. Học đã hơn nửa năm nên tôi biết rõ ai là người có năng khiếu. Từ xa nhìn Nàng, ai cũng nghĩ Nàng đẹp nhưng kiêu kỳ, khó tiếp cận. Tôi cũng vậy! Nhưng sau vài lần nói chuyện với nhau mới biết Nàng rất đáng yêu. Nàng đẹp một cách vừa quý phái vừa thơ ngây và rất cởi mở. Tôi ngạc nhiên về số điểm của Nàng nên đọc xem bài viết. Đó không phải là một bài Luận văn, hay Phê bình chi cả, mà là một Dàn bài tóm tắt, tóm lượt (Résumer). Ở trên bàn thầy có thể thấy tôi lấy bài của Nàng và đang đọc. Đi qua đi lại trên bục thầy nói như có ý phân trần. Đại ý thầy nói “Với tôi làm văn không nhất thiết các bạn phải làm đầy đủ như bình thường: Nhập đề, Thân bài và Kết luận, và mỗi phần phải nói nhiều chi tiết vv… Các bạn cũng có thể chia bài ra làm 3 phần và ở mỗi phần chỉ cần ghi ra những chi tiết nhỏ gọn gàng là được rồi. Khi chấm tôi thấy các bạn như vậy là cũng đã nắm được dàn bài. Tôi vẫn cho điểm.” Thầy nói nhưng chẳng nhìn vào đứa nào. Ở dưới này tôi đang tức cười. Vì tôi hiểu tại sao, nhưng không có ý coi thường thầy. Tôi thông cảm lòng thầy!
Hầu như bọn con trai Ban B chúng mê Nàng lắm. Chúng rất thường lên quanh quẩn trên hành lang lớp tôi. Tôi không ganh tị việc này nhưng chúng ồn quá và làm Nàng xấu hổ.
Lần đó, sau khi ăn Tết xong chúng tôi lại tựu trường. Vừa đến lớp thì thấy ngoài chúng tôi còn có bọn con trai Ban B và Ban A. Đông đảo bàn tán xôn xao. Chúng kháo nhau là thầy về Huế ăn Tết. Thầy đã tìm hiểu ngày về Qui-Nhơn của Nàng nên đã cố tình nán lại để được cùng chuyến với Nàng. Nhưng không gặp được Nàng. Tôi không chắc có đúng vậy không, nhưng việc ấy có thể xảy ra. Bọn nó bàn tán ổm tỏi mà trên mặt đứa nào cũng ra vẻ thích thú. Tự nhiên tôi thấy tội cho thầy quá! Trong lòng tôi biết chắc là thầy không thể nào “bắn” được con nhạn này đâu. Vì xung quanh Nàng biết bao nhiêu là chàng, là thầy giáo đẹp trai … và còn các anh sĩ quan nữa. Thời khắc này Nàng giống như vầng trăng sáng trên bầu trời đầy sao rực rở.
THẦY NGUYỄN-MỘNG-GIÁC
Năm Đệ Nhị, lớp C của chúng tôi do thầy Giám-học Nguyễn-mộng-Giác dạy. Thầy tầm người trung bình, chững chạc, hiền hòa với đôi mắt luôn nằm sau đôi kính cận. Ai cũng mến thầy. Khi học Văn đến chương trình nghiên cứu về thời kỳ Tân-học, thầy cho chúng tôi tự lập nhóm 4, 5 người, bàn bạc nhau và soạn thảo bài để thuyết trình những tác phẩm của Tự-lực Văn-Đoàn. Mấy thằng nhóm tôi đùn đẩy để tôi làm một mình. Cũng phải thôi! Vì tụi nó có chịu đọc sách đâu mà biết đường mò. Đàng nào tôi cũng phải ẳm một mình. Nhóm tôi có nhiệm vụ phải soạn bài để thuyết trình với đề tài: Phân tích, nhận xét tác phẩm Đoạn-Tuyệt của Nhất-Linh có đúng là một tiểu thuyết Luận-đề hay không? Và hai nhân vật Dũng và Loan trong tác phẩm Đoạn-Tuyệt của Nhất-Linh có thực hiện được thành công vai trò, trách nhiệm làm cách mạng xã hội mà tác giả đã giao phó hay không? Làm biếng! Tôi đã làm cái đề tài trên chỉ có một trang giấy học trò bằng cách ghi cái sườn tóm tắt giống như Nàng đã làm bài Luận văn cho thầy Thậm. Khi đến phiên nhóm chúng tôi, tôi lên bảng. Tôi chào thầy và cử tọa. Xong, tôi viết đề tài trên bảng rồi thao thao bất tuyệt. Thỉnh thoảng tôi ngừng lại để yêu cầu cử tọa lật số trang của tác phẩm khi cần dẫn chứng, trích dẫn. Có lẽ tôi trình bày gần tiếng đồng hồ. Sau khi tôi về chỗ ngồi, thầy mới nhận xét. Thầy không hài lòng về cách thuyết trình của tôi. Thầy nói không ai, người thuyết trình lại bắt cử tọa lật từng trang sách để trích dẫn, chứng minh điều mình đã nói ở trên. Như vậy là khiếm nhã! Tôi bị quê nên sau đó thầy cho bao nhiêu điểm tôi cũng không để ý. Tôi biết mình sai, hiếu thắng và muốn thể hiện. Cái dở của tôi là sau đó không đi xin lỗi thầy.
Một lần tôi còn nhớ giờ Văn bữa trước tôi bị bịnh nên không đi học. Hôm đi học lại, Nguyễn-xuân-Bình, bạn thân cũng là anh bà con, bảo tôi: Thầy Giác nói nếu ông đi học thì lên văn-phòng gặp Ổng. Tôi bước đi mà lòng lo âu. Bọn học trò mà bị gọi lên văn-phòng hầu hết đều là tội nhân. Tôi suy nghĩ, nhớ lại thử mình đã làm gì sai chăng. Nhưng không sao nhớ được. Vào văn-phòng, thầy đang ngồi viết ở bàn giấy. Tôi chào thầy và vòng tay đứng bên chờ. Sau khi viết xong, thầy quay sang đưa bài làm của tôi rồi rầy la. Thầy bảo đừng làm theo cái kiểu này và hãy làm gọn gàng.Thi người ta không chấm đâu! Tôi dạ, cuối đầu và ra khỏi văn-phòng. Vừa đi lên lớp vừa xem bài chấm. Thầy gạt lung tung, đánh những dấu ngoặc dài đầy hết và ghi những lời phê đầy cả 2 tờ giấy manh của tôi (8 trang).Trong lòng tôi nghĩ chắc tiêu rồi! Nhưng khi liếc nhìn vào ô điểm thì con số 16/20 làm tôi quá ngạc nhiên. Thầy đã gạt gạt, đánh dấu đầy cả bài viết, phê đầy cả 4 tờ giấy đôi, còn la rầy tôi nữa. Thế mà ở ô điểm thầy cho tới 16/20. Thông thường các thầy cho bài Luận-văn tối đa là 15/20, còn 5 điểm nữa là cho 5 câu hỏi giáo-khoa. Thế mà bây giờ thầy cho tới 16 điểm. Tôi vừa đi về lớp vừa vui thích vừa cười trong lòng với ý nghĩ: Thầy la rầy bảo không được làm cái kiểu như vậy, thế mà thầy cho tới 16 điểm thì em làm sao đây?!
Suốt thời gian học ở Qui-Nhơn tôi tự thân vận động. Năm đầu tiên anh Hai tôi có gởi cho 600đ để ăn cơm. Cơm bình dân người ta nấu 1.000đ/1 tháng. Tôi phải ăn theo cách của tôi. Tháng thứ hai không thấy anh gởi tiền. Tôi không hỏi vì nghĩ chắc anh kẹt. Tôi không muốn làm phiền bất cứ ai vì ba tôi không có tiền. Đã nói: Con người có duyên số! Mấy bạn học cùng lớp, rồi ông anh kết nghĩa đã giới thiệu tôi dạy kèm các em nhỏ. Tôi không nhận dạy nhiều, vừa đủ trả tiền cơm, dư chút đỉnh để mua sách là tôi hài lòng rồi. Sách của tôi mua phần đông bạn bè không thèm rờ vào. Ngoài việc thanh toán bài vở của nhà trường, thời gian cho vào đọc sách, đàn và làm thơ. Thơ cho Nàng nhiều nhất, nhưng chỉ đưa bạn thân đọc. Nàng thì chưa được đọc lần nào.
Tôi ngồi Cường-Để ba năm trời, thay đổi chỗ ở sáu lần. Nhiều người nói thằng này giỏi thật. Chỗ ở thay đổi lia chia mà vẫn học được. Thật tình thì tôi có học gì đâu. Chưa bao giờ tôi biết tháng này tôi vị thứ mấy. Sở dĩ tôi biết điểm những bài Văn của tôi là vì nó quá dễ biết. Một lần thi Tú-Tài I xong, khi có dán bảng, bọn con trai đi xem về báo không có tên tôi. Tụi con gái nói ông nầy không muốn đậu! Tôi cười trong lòng. Không phải muốn hay không muốn. Mà tôi không có cái ý thức đi thi giống như bạn bè tôi…
XA TRƯỜNG VÀ NHỮNG NGƯỜI YÊU THƯƠNG
Gì gì rồi cũng phải bị động viên. Tôi bất phục tùng bị bắt ba, bốn lần. Bị nhốt, đưa ra lính. Rồi trốn về. Nhân đơn vị anh tôi ở Pleiku, cần người thành lập toán văn nghệ, anh về bắt tôi mang bộ trống (Drums) của tôi đi Pleiku. Ban nhạc chẳng có ai, tôi phải hướng dẫn cho một thằng lính bạn chơi “Guitar accord”, còn tôi cầm cây “Guitar solo” kiêm luôn “Bass”. Mấy tháng sau có một thằng vào nữa, tôi đỡ vất vả. Làm ở đây, phải nói là quá sướng và an toàn. Chỉ có điều là lương thằng lính deuxièm-cùi-bắp như tôi chỉ vừa đủ tém vào miệng. Tôi phải mở Lớp Nhạc, dạy đàn và hát để kiếm tiền cà phê. Một lần về Qui-Nhơn ghé vô trường để mượn cái máy quay Ronéo, in một số giấy cho có khuông nhạc để phát cho học trò. Vào khỏi cổng trường một chút thì dáng thầy Nguyễn-mộng-Giác vừa ra khỏi văn phòng. Thầy trò gặp nhau giữa sân trường. Thầy trò vui mừng lắm! Thầy hỏi ngay: Sao, lâu nay em làm gì và ở đâu? Có viết được gì, cho thầy xem với? Tôi ngượng nghịu trả lời: Dạ không viết gì cả thầy à! Thầy hỏi: Thế hôm nay về thăm trường hay có gì không? Tôi nói rõ ý mình làm thầy ngạc nhiên. Thầy thốt: Ủa, chứ em chơi nhạc hồi nào mà thầy không biết?! Tôi thưa: Dạ, em chơi nhạc từ lâu nhưng ở quê xuống dưới nầy, bạn lạ hết không biết, nên trường cũng không biết! Thầy cười hiền hòa rồi nói: Đúng là trường có cái máy Ronéo, nhưng hồi em còn học nó đã hư rồi. Em thấy nó ở trên đầu tủ phải không? Tôi dạ. Thầy nói: Đấy đấy, bỏ nó lên từ hồi đó cho rộng chỗ, chứ để ở dưới chật mà có dùng được đâu! Biết thầy đang bận, tôi cũng phải đi. Thầy trò chia tay trong niềm luyến tiếc.
Bước đi mà lòng thương thầy quá! Câu hỏi của thầy khiến tôi ngượng ngùng và như đã có lỗi với thầy nhiều lắm. “Sao, lâu nay em làm gì và ở đâu? Có viết được gì, cho thầy xem với”? Có thể câu hỏi của thầy rất bình thường nhưng cũng có thể là niềm sâu kín trong lòng thầy bao lâu nay đối với chúng tôi.
Yên-Kha
Pleiku, ngày 22/4/2017
Anh Yên Kha tài hoa từ thuở còn đi học, rất ngưỡng mộ anh!
Cũng vẫn là em. Quốc-Tuyên, người “comment” đầu tiên! Cảm ơn QT đã đọc những gì anh viết ai cũng đều có. Chúc vui nhiều nhé!
Một thời đã qua, hay lắm!
Cảm ơn Xanh đã đồng cảm! Chúc vui!
YK
Yen Kha,
Bài viết rất súc tich ghi lại một thời đã qua của tuổi học trò, đã khiến mình nhớ lại hinh ảnh rõ nét của người bạn hiền HVT và một số bạn cùng lớp, cùng trường! Chúc bạn vui manh như ý…
Mến nhiều.
PN
Phan huynh mến,
Cảm ơn huynh đã khen! Chúc anh vui, khỏe! Khi nào về Tây-Sơn nhớ báo anh em gặp nhau nhé!
YK/HVT