Tác giả: Hải Tâm
1.Chùa sát mặt lộ 51 đi Vũng Tàu, suốt ngày xe cộ chạy nườm nượp như mắc cửi. Trời chiều cuối năm, mới gần sáu giờ đã nhá nhem tối. Sư thắp nén nhang, tự tay mang ra cắm trên lư hương trước cổng chùa.
Trong làn khói hương mở tỏ, sư thấy trước chùa cổng chùa có bóng người đàn ông đang đứng như chờ ai. Ông ta đứng đó cũng đã khá lâu, bóng dáng tiều tuỵ, liêu xiêu trong vạt nắng chiều. Rất nhiều xe chạy tạt qua nhưng cái bóng chỉ xiêu vẹo đi mà xem ra chẳng hề hấn gì. Sư chợt hiểu ra bèn chậm rãi bước tới, cất tiếng:
“A Di Đà Phật, dám hỏi thí chủ đang chờ ai chăng”.
Bóng người đàn ông quay lại nhìn sư. Trên khuôn mặt xanh xao là những giòng máu đỏ đang chảy loang xuống chiếc áo trắng. Thân người ông ta biến dạng, rúm ró một cách kỳ lạ như hình ảnh của nạn nhân của một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Trong gió có tiếng trả lời, như vọng tới từ đâu đó xa lắm; lạnh lẽo, khô khốc:
“Đang chờ một người”
“Dám hỏi thí chủ từ đâu tới, sao không vào chùa dùng chén trà nhạt?
Người đàn ông chỉ về gốc cổ thụ mé bên kia đường, cánh tay ông ta khẳng khiu như một cành cây khô:
“Sư ở chùa này lâu rồi mà không biết nhà ta đó ư. Hơn mười năm rồi, ta vẫn ở nơi ấy. Chỉ để chờ một người”.
Bên kia đường, cây cổ thụ đứng chơ vơ, gió chiều về trên những tàn cây, lá lao xao như tay vẫy. Sư từ tốn: “À, thì ra là vậy, chắc người mà thí chủ chờ không phải là kẻ tâm giao thì cũng là người có duyên nợ lớn, trước đây”
Tiếng trả lời ùng ục như phát ra từ trong cuống họng nhưng sắc lạnh tợ tiếng dao mài trên đá:
-Chẳng tâm giao mà cũng chẳng phải nhân duyên, là một món nợ mà hắn ta cần phải trả.
-Nợ ư?
-Ừ, nợ! Mà là nợ máu.
Sư cúi đầu niệm Phật: “Vậy điều gì đã xảy ra trước đây làm thí chủ còn bận tâm đến vậy”.
Tiếng cười lại vang lên khô khốc: “Sư thật lòng muốn biết ư”.
Nhà sư bất chợt nhìn xuống chân người đàn ông đứng trước mặt. Máu từ trên chiếc áo trắng đã chảy xuống hai bàn chân ông ta và từ từ loang ra mặt đất. Cảnh tượng thật hãi hùng với những ai yếu bóng vía nhưng với sư thì không. Ông đã từng thấy nhiều vong hồn như vậy, đứng ngồi hoặc lang thang trước sân chùa trong bóng chiều chập choạng vào những ngày sóc vọng.
Tiếng nói lại cất lên: “Chẳng giấu gì sư, ta đang chờ một người đụng vào xe tôi cách đây 10 năm, ngay tại chỗ này. Ta bị té xuống và gần như chết ngay lập tức, còn hắn thì lại bỏ chạy ngay sau đó. Thật khốn nạn! Vì vậy mà hôm nay, khi biết hắn sẽ chạy xe qua đây, vào giờ này, ta ra nơi này chờ hắn để làm cho hắn lạc tay lái, đền lại tội lỗi đã gây ra”.
– A Di Đà Phật. Dẫu biết là vậy nhưng lão trộm nghĩ chuyện xảy ra đã lâu. Đã 10 năm nay mà nỗi oán chưa nguôi ngoai, hỏi lòng thí chủ lấy gì yên ổn.
Tiếng trả lời như rít qua kẻ răng: “Ân đền oán trả là chuyện bình thường. Nếu gặp phải vậy, chắc sư cũng như tôi thôi. Vì hắn mà ta ra nông nỗi này. Không nhà không cửa, ngủ trên ngọn cây, lang thang đói khát suốt hơn chục năm nay”.
Mãi chuyện thì trời đã tối mịt. Đúng lúc đó một chiếc xe hơi lướt qua khá nhanh nhưng cũng đủ để người qua đường nhìn thấy người ngồi trước vô lăng là một gã đàn ông đứng tuổi có gương mặt đểu cáng bên cạnh là cô gái trẻ măng đang nói cười ngặt nghẽo với hắn. Như chợt nhớ ra điều gì, oan hồn quay phắt lại nhưng đã quá trễ. Chiếc xe đã mất hút trong màn đêm. Có tiếng rít lên: “Trời ơi! Sư làm ta mất cơ hội báo thù rồi”
Hồn ma ôm đầu ngồi sụp xuống đất, đôi vai rung lên, cơn gió lạnh hất qua mái tóc để lộ một mảng xương sọ trắng hếu.
Oán khí ngút trời.
Sư ôn tồn: “Thí chủ chờ đợi đã bao năm. Dầm nắng mưa chịu đói rét, nuôi lòng thù hận. Nhưng trộm nghĩ hận thù càng chất chồng chắc gìn lòng ấy hẳn đã vui! Hay là quên kẻ đó đi vì phàm người làm ác sẽ gặp ác. Thiện ác đáo đầu chung hữu báo! Cứ theo ta vào chùa, no đói có nhau có hơn không”
Oan hồn nghiêng đầu nghe sư nói. Khuôn mặt nhoà máu và nước mắt đó trông thật kinh hoàng nhưng oán khí chừng như đã vơi đi một nửa. Gương mặt méo mó chợt trầm ngâm, máu đã thôi chảy, chỉ còn những giọt nước mắt lăn ra trôi xuống hai gò má xanh xao. Oan hồn chợt cất tiếng:
-Sư thật lòng muốn nhận ta sao. Một oan hồn uổng tử đang xiêu lạc nơi đầu đường xó chợ?
-A Di Đà Phật, cửa chùa vốn rộng và lão nạp này cũng không dám ngoa ngôn nguỵ ngữ. Hay là thí chủ thử vào chốn thiền môn này lánh tạm ít hôm. Thích thì ở cầm bằng không ưng bụng thì ra đi cũng chẳng muộn. Hãy ghé vào đây cùng ta dùng lưng chén trà, nghe nửa câu kinh. Đêm nay có trăng. Nơi này có hoa. Còn gì thú bằng.
-Ta tự do quen rồi. Sư rủ ta vào chùa ư, thử hỏi trong chùa của sư có gì làm ta vui?
– Ở nơi không còn sự oán ghét và lòng thù hận thì chốn ấy sẽ vui. Như khu vườn, khi đầy hoa trái thì cỏ dại lấy chỗ đâu mà mọc?
-Ta không thích mấy ông Phật trong đó. Trái tim của họ lúc nào cũng sáng rực. Còn lòng ta lại nặng trĩu oán hờn, liệu họ có nhận ra ta không?
– Hãy bỏ lại ngoài sân lòng thù hận kia. Phật và ông chỉ cách nhau gang tấc: Khi nghĩ thiện là Phật, khi nghĩ ác là ma. Không ai cản hồn ma muốn thành Phật. Ngược lại, chỉ cần lạc một niệm, Phật cũng có thể biến thành ma.
-Sư không thấy ta thân tàn ma dại, chẳng còn gì cả hay sao!
-Có đấy! Nhìn xuống ngực mình một lần đi. Vẫn còn một trái tim. Một trái tim nguyên vẹn. Vậy hãy bước vào chùa bằng trái tim của ông. Chỉ thế thôi là đã đủ.
-Nhưng ta đã chết, trái tim không còn đập nữa.
-Không đập nhưng trái tim của ông vẫn còn nguyên vẹn khi dám rủ bỏ hận thù. Ông hãy nhìn quanh đi: Rất nhiều người đang sống, tim vẫn đập nhưng đó chỉ là những trái tim không còn nguyên vẹn. Chúng bị lòng thù hận, sự tham ác, tính cay nghiệt, chấp trước làm cho rữa nát dần. Ông biết đấy, con người sống với trái tim không vẹn nguyên thì khác gì cầm thú bởi họ sẵn sàng ăn thịt cả đồng loại. Họ còn sống, có nhiều cơ hội hơn ông nhưng lại vô duyên. Phật không thể độ người vô duyên!
Cuộc song thoại giữa hai sinh linh ở hai cảnh giới khác nhau cứ thế kéo dài không biết bao lâu sau đó. Chợt một tiếng chuông ngân lên. Oan hồn như chợt tỉnh và lặng lẽ đưa bàn tay trơ xương cho sư dắt vào chùa.
Trời đêm thấm lạnh, sư nắm lấy bàn tay buốt như ướp đá mà lòng lại cảm thấy thật ấm áp. Mấy cội mai ngoài sân đã lác đác đơm hoa, chỉ còn mấy hôm nữa là một năm mới lại về.
2.Mồng năm Tết, có vị khách hành hương ghé vào chùa lễ Phật, vấn an sư và nhắc chuyện cũ. Nâng chén trà nóng trên tay, sư từ tốn: “Ý thí chủ muốn nhắc tới đệ tử Liễu Vãng của lão nạp này ư. Giờ đã nương nhờ cửa Phật gia mấy năm nay rồi:
Rồi sư cười. Nụ cười thật ung dung.
Lần theo tay sư chỉ, khách thấy trên chánh điện một bóng áo chàm đang quỳ cùng đạo tràng nghe kinh. Gương mặt nhuộm đầy máu buổi tối năm nào đã biến mất, thay vào đó là dáng vẻ một người đàn ông đượm nét phong trần nhưng nét mặt an ổn và tuyệt nhiên không còn chút oán khí.
Một cơn gió thổi từ ngoài sân vào trong chánh điện, vạt áo chàm của Liễu Vãng bay lên. Thân hình người đàn ông đó trong suốt đến mức khách có thể thấy rất rõ trong lồng ngực một trái tim đỏ hỏn.
Chỉ có điều, trái tim ấy không còn thoi thóp đập , chỉ treo trong lặng yên.
“– Ở nơi không còn sự oán ghét và lòng thù hận thì chốn ấy sẽ vui. Như khu vườn, khi đầy hoa trái thì cỏ dại lấy chỗ đâu mà mọc?”
Mừng cho Trải Tim Treo đã nượng tựa được chốn bình yên!
Bài viết hay quá!
cảm ơn bạn Quốc Tuyên đã đọc.
Thật tuyêt!
cảm ơn bạn Nẫu Nè nhiều!
Đã đọc hết, anh ạ. Cảm ơn anh thật nhiều.
An vui luôn, anh nhé!
Kính,
MMT
Cảm ơn em Mộc Miên Thảo đã đọc. Chúc em luôn vui
Anh Hải Tâm thân kính.
Một bài viết mang tư tưởng và thông điệp không mới nhưng thực sự cần thiết cho thời nhiễu nhương mạt pháp.
Chỉ có lòng từ tám mới xua tan nghiệp chướng và cái vòng lẩn quẩn trầm luân .
Ước gì hồn ma đau khổ này gặp nhà sư khai thị sớm hơn.
Rất thích hình ảnh TRÁI TIM TREO ở kết bài.
Đã đến bờ giác , đã quay lại là bờ và hốt nhiên đốn ngộ thì trái tim sẽ không thường trụ nên nó không là trái tim treo nữa.
TREO ở đây là một tiếng chuông cần thiết gióng lên và ngân vang vào sâu thẳm của mê muội, tối tăm…
Chúc anh an mạnh.
Cảm nhận của bạn Duy Phạm cũng là ý tưởng của bài viết và lời tác giả muốn nói. Cảm ơn bạn đã đọc và đồng cảm cùng Hải Tâm