Tác giả: Trần Ngọc Phương
Thuở ấy, tôi học lớp đệ tứ, trường học nằm bên cạnh đường quốc lộ cũng không xa nhà lắm, hằng ngày phải cuốc bộ đến trường, nếu có vài đồng rủng rỉnh trong túi thì tôi xài sang gọi xe lôi (xe Sachs hay Goebel kéo rờ mọc hai bánh) đi cho đỡ mỏi chân, nếu gặp hên thì quá giang theo xe GMC quân đội chở học sinh con cái sĩ quan cùng khu phố về nhà. Trên con đường quốc lộ một từ nhà đến trường cũng có một số học sinh lội bộ như tôi. Trong ấy có cô gái luôn mặc áo dài lụa trắng, thường ôm cặp vở đi riêng lẻ, nhà trường không qui định cách ăn mặc nên hầu phần nhiều học sinh mặc thường phục, nên cô gái mặc áo dài trắng quần đen bóng đi trên đường lộ hằng ngày nổi bật lên gây tôi sự chú ý, nghe bạn gọi cô tên Trúc, và tôi biết thêm là cô học đệ ngũ, kém tôi một lớp.
Trên đường đi hay về Trúc thường giữ ý đi cách khoảng với tôi. Khi tôi đi trước, thì tôi biết rằng nàng sau tôi cách khoảng xa chục bước, có cô gái nhỏ đi đằng sau nên thằng tôi đi đứng không bình thường, tôi ưỡn ngực thẳng lưng, đầu ngẩng cao, và đều bước giống như duyệt binh vậy, bởi nghĩ mình lớp lớn mà, mọi thứ phải nghiêm chỉnh cho phải phép. Còn khi tôi đi sau, thì khoảng cách ấy gần hơn chút xíu, nhưng không gần quá, bởi biết rằng nếu tôi bước gần bên sau, thì cô tăng tốc để nới ra khoảng cách, có lẽ cô sợ bạn bè chế diễu chăng? Tuy vậy đôi lúc cả hai cũng phải đứng gần kể, như để chờ xe GMC, thỉnh thoảng hỏi nhau bâng quơ như xe tới chưa nhỉ? hay chắc xe đã qua rồi, thôi đi bộ về thôi, cô gật đầu tỏ đồng tình. Đôi khi trên đường tôi hỏi trổng vài câu, coi chừng có đoàn xe convoy (Mỹ) chạy đằng sau, đi xích vô đi, cô cũng trả lời trổng, ừm, sát bờ lề rồi. Cô nói năng lịch sự, khe khẽ, tỏ vẻ tôn trọng tôi là anh chàng học đệ tứ lớp đàn anh, và tôi cũng tự cảm thấy mình là đúng thế, phải chứng tỏ đạo mạo chững chạc của lớp đàn anh. Qua cung cách ấy tôi đánh giá cao cô, đó là một cô gái đoan trang dịu dàng và nhu mì.
Khi nào tan học, trên đường đi về thấy vắng cô, tôi thấy cái gì ấy hơi thiếu thiếu một chút, thiếu chiếc bóng áo dài bên cạnh, thiếu một tà lụa trắng lặng lẽ ôm cặp đi phía trước hoặc sau tôi. Tôi cố tình đi chậm với hi vọng cô bắt kịp vì đôi khi cô lớp ra muộn. Trúc có gương mặt dễ thương, vóc dáng cân đối thon thả, kết hợp với tà áo dài trắng và chiếc quần mỹ a đen, trông rất duyên, rất tiểu thư. Có lẽ cô xuất thân từ gia đình thế gia vọng tộc như tôi, nên hằng ngày đến trường cũng cuốc bộ như tôi, chứ hiếm khi thấy cô vẫy xe lôi. Tôi muốn tiến xa hơn về tình cảm với cô, nên hằng ngày trên đường đi, tôi tìm cơ hội gạ nói vài câu để cô chú ý đến mình, thông thường nàng chỉ trả lời ậm ừ. Tôi an ủi, cùng đi chung đường rồi thỉnh thoảng nói với nhau vài câu như thế là tạm được rồi. Lâu dần, lâu dần, thế nào tôi cũng sẽ trở thành bạn… tốt của cô. Tôi chờ đợi, chờ đợi lúc nào đó tôi sẽ đi cặp bên cô tự nhiên như hai người bạn thân và có thể chuyện trò cùng nhau trên đường dài. Mưa lâu thấm đất mà. Nhưng có lẽ đất đá cứng quá, ngày tháng trôi qua, mưa lâu chẳng mà chẳng thấy thấm đâu, nước dường như trôi tuột nơi nào.
Cho đến một hôm, từ trong lớp học tôi nhìn ra sân, bên ngoài cổng trường có một đám đông học sinh lố nhố ồn ào, hình như có chuyện cãi vã hay đánh lộn nhau bên ngoài. Chuông reng vừa hết tiết học, tôi ôm tập vở ra về, vừa bước ra khỏi cổng thì thấy Trúc. Trúc mặt giận dữ, mắt loé sòng sọc, đang dằn co kéo bung nút áo ngực một anh chàng cởi chiếc xe yamaha xanh không cho anh ta đi. Anh chàng vẻ mặt xấu hổ, năn nỉ Trúc thả áo ra cho anh ta đi…..Tôi biết anh này học cùng lớp với Trúc, anh bộ dạng đậm người, thấp và đen, tôi nghĩ, học dưới lớp mà già chát không thua mấy tên bạn già háp trong lớp mình. Anh chàng tỏ vẻ hơi quê với bạn bè, năn nỉ van nài Trúc buông áo để anh ta đi. Chỉ nháy mắt trong vài phút là tôi hiểu đầu đuôi nguyên do câu chuyện. Anh chàng cặp bồ với cô Trúc, lại ve một cô khác trong lớp, vừa lại có một cô ở quê mà cha mẹ vừa đi dặm hỏi. Trúc biết được trở nên ghen tuông, quyết làm ra lẽ, buộc chàng bỏ cuộc hứa hôn kia đi. Trúc nổi cơn ghen, không còn giữ thể diện, la hét om sòm. Tôi đứng đó nhìn hỡi ôi. Một cô gái đoan trang dịu dàng nhu mì bỗng chốc lát bỗng biến thành một chằng tinh. Tôi sững người, thế mà từ bấy lâu nay tôi tưởng em chưa để ý đến ai, và có cảm tình với tôi chút chút. Tôi, “tôi ngỡ em còn thơ như lòng tôi ước mơ nên thầm… tưởng nhớ chút chút … và nguyện sẽ tôn thờ, đâu ngờ…” đâu ngờ, lại như thế. Đâu ngờ, nhọc nhằn trong mộng tưởng mà chẳng nên cơm cháo gì. Để khỏi đau lòng và quê độ cho mình. Tôi vội bước đi về, bỏ mặc bên sau tiếng kêu gào la của Trúc sau lưng.
Nhiều ngày sau, trên đường về chỉ mình tôi, một mình một bóng, tôi không để ý Trúc có đi cùng hay không. Bởi trong đầu tôi bâng khuâng những câu hỏi. Tại sao mình học cao hơn anh chàng đó, mình không lùn thấp như anh chàng đó, mặt mày không đen hầm hì như anh chàng đó. Nói chung mình bảnh hơn anh chàng đó gấp bội mà Trúc lại không hướng tình cảm về mình, dù biết Trúc có dành chút tình cảm qua vài câu nói dịu dàng, nhưng con tim lại đặt sai cho anh chàng họ Sở củ súng này. Nghĩ đi nghĩ lại nát óc không tìm được câu trả lời. Con đường đi về hằng ngày bây giờ bỗng trở nên vô vị… bỗng thấy dài hơn.
Rồi một hôm chợt thấy đầu óc mình bỗng thông minh ra. Chà, anh chàng này chắc phải có cái gì hơn mình rồi đây nên Trúc mới cảm mến anh ta như thế. Đấy là ý niệm chịu thua đầu tiên loé lên trong tôi. Nhưng anh chàng này cái gì so với mình cũng thua mà. Thật khó hiểu. Ồ đúng rồi. Phải rồi. Anh chàng này có nụ cười đặc biệt. Mỗi khi anh cười thì ai cũng phải nhìn anh ta thán phục. Anh ta có nụ cười toả nắng. Nụ cười của anh lóng lánh toả sáng thực sự, theo đúng nghĩa đen. Bởi trên hàm răng trên của anh ta có gắn hai cái răng vàng sáng lấp lánh.
Ở cái thị trấn nhỏ bé này ai mà bọc răng vàng thì cứ được gọi là người sang, giàu có. Mỗi khi nói cười thì cái răng vàng loé lên rạng ngời, góp phần tăng giá trị bản thân chủ nhân, tăng độ thuyết phục của câu nói, bởi chủ nhân có thể là người giàu sang, giàu thì chưa chắc, nhưng sang và chịu chơi là cái chắc. Anh chàng củ sún này lại trang điểm có tới hai cái răng vàng nơi cửa hàm trên là nhất đời, cả trường theo tôi biết chẳng có đứa học sinh nào chịu chơi như anh ta. Mình lép vế không thể sánh được. Xin tiền mẹ mà bọc răng vàng có mà ăn no đòn. Thôi chịu thua vậy.
Nhưng người hiền hay gặp lành, bỗng dưng cái răng trên tôi nhức nhối, dò lưỡi thì thấy lỗ răng sâu. Trung tâm thị trấn có phòng chữa răng, ông nha công nói đã ông đã lấy con sâu ra và trám bít lại rồi, nhưng muốn dùng bền phải bọc thiếc lại, và gợi ý bọc vàng sẽ bền đẹp hơn, vì nó đang là ‘môđen’ thời thượng. Một cơ hội vàng, tôi thuyết phục được mẹ cho bọc răng là chính, còn màu vàng sẽ giải thích sau. Thế là một tuần sau tôi có cái răng vàng khoét hình trái tim đằng trước, nhưng rất tiếc nó nằm ở bên cạnh răng nanh trái, nên cười phải nhếch mép trái mới thấy nó được. Có còn hơn không. Tôi sẽ chờ cho Trúc về chung và tôi sẽ mạnh dạn tiếp cận trò chuyện với nàng, sẽ cười nhếch mép cho nàng thấy cái răng vàng của mình, cho nàng quên cái anh chàng củ sún kia đi.
Tôi chờ, chờ hoài mấy ngày liền, rồi cả tuần cũng không thấy Trúc ra về chung. Nghĩ rằng có lẽ Trúc bị bệnh, tôi hỏi thăm bạn trong lớp, mới biết nàng đã chuyển trường, có lẽ gia đình họ chuyền đi nơi khác. Thời ly loạn, việc chuyển trường chuyển nhà là thường xuyên, nên không ai hỏi rõ họ đi đâu. Còn phần tôi với cái răng vàng cô độc tồn tại được vài tuần thì sưng tấy lên, và phải gỡ bỏ sau đó cái răng cũng phải nhổ bỏ luôn. Thế là xong. Thế là hết chuyện cái răng vàng và cô nàng có tên Trúc. Nhưng hình ảnh cô gái với tà áo dài trắng ôm cặp vở cuối đầu khoan thai bước trước mặt tôi thì vẫn còn nguyên.
“Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy. Nghìn năm hồ dễ đã ai quên? ” Bởi rứa cho nên vẫn cứ mãi còn hoài trong tâm tưởng.
Chuyện ngày xưa vui vui và dễ thương quá Phương ơi!
Hôm về quê, ra ngồi quán cà phê với Thịnh Đặng, lớp đệ tứ xưa, ôn chuyện cũ, rồi hỏi có nhớ chuyện cô nàng tên Trúc nổi cơn ghen lùm sùm trước cổng trường không? Thịnh Đặng trả lời là hôm ấy có mặt của hắn. Đã mấy chục năm trời Phương cố nhớ tên anh chàng củ sún có bọc hai răng vàng kia mà nhớ không ra, Thịnh Đặng đáp: tên hắn là Ẩn. Đúng rồi Phương nhớ ngay cái tên này, nhưng hình như bộ nhớ của cái đầu mình muốn xoá tên ấy nên từ lâu và cố tình không nhớ ra tên anh chàng ấy…À, mà… thì ra anh chàng Thịnh Đặng này cũng có ấn tượng với cô nàng Trúc này nữa, nên mới nhớ dai đến thế……không phải sao? (và rất có thể có nhiều bạn trong lớp cũng nhớ “tà áo dài” này nữa không chừng).
Mỗi “chiếc áo dài” đi vào “cõi nhớ” miên man của mỗi chàng trai theo mỗi cách khác nhau. Đây là lần đầu Phương thấy cái hay quyến rủ yểu điệu của chiếc áo dài. Cám ơn Q Tuyên đã thích câu chuyện xưa.
Anh Phương ơi! cái răng vàng có còn không? nhớ chụp hình cho thấy cái răng vàng diễm lệ ” môđen”thời ấy.
Bây giờ mà còn răng vàng túng tiền gỡ bán chắc cũng được giá lắm đó. 🙂 Không biết tại sao ngày xưa có “mốt” lạ thế. Thời ấy Phương có đi xem phim Soleil Rouge (Mặt Trời Đỏ) ở rạp Lê Lợi, Alain Delon đóng vai tướng cướp (nhà quê) có bọc hai cái răng vàng sáng chói, Phương bèn thông cảm ngay với anh ta, biết rằng anh ta đang ve vãn một nàng nào đó trong vùng thôn dã, và tin anh sẽ chắc thắng đối thủ cạnh tranh (Charles Bronson) của mình, và đúng thế, cô Christina (trong phim) đã mê mệt với anh ta. Sau mốt răng vàng là mốt xâm trên cánh tay hay bả vai mấy dòng chữ điệu nghệ: Yêu quê hương nhớ mẹ hiền. Hận kẻ bạc tình. Hận đời đen bạc. Kiếp giang hồ tìm bạn bốn phương… và may quá… 🙂 Cám ơn Sơn Ca ghé qua và đưa lời đề nghị selfie ‘ác ôn’. 🙂
Đệ tứ, mộng tưởng mông lung thì đời thêm đẹp. Còn mới có đệ ngũ (lớp 8) đã dặm hỏi vợ, mà còn bồ bịch tứ tung thì thiệt là nhứt Học Trò, nhì Quỉ, thứ ba Ma rồi.
Bài viết vừa nhẹ vừa vui!
Đình. Lớp 8 thời chiến tranh thì tuổi cũng đã lớn rồi đấy. Tôi còn nhớ khi chúng ta học lớp nhì (lớp 4), Phu, Phúc và P ngồi cùng bàn. Bên kia có cô bé Huệ khá xinh, tên Phúc hay quay nhìn về phía ấy. Một hôm lính đi càng (gọi là tảo thanh) cô bé bị lạc đạn. Phúc, khi giờ ra chơi, khóc rươm rươm mắt cả mấy ngày, tôi hỏi, hắn mới nói tôi mới biết, Huệ mất rồi trong trận càn vừa qua. Tôi thắc mắc tự hỏi, nhỏ xíu mà tình cảm sâu đậm thế sao, cũng lạ thật. Chuyện này làm tôi nhớ mãi. Không biết bạn Ẩn năm ấy có lấy vợ không, chứ anh bạn ngồi trong lớp tôi, năm ấy, đã ‘tân hôn- vu qui’ đình đám ở quê, cũng mang vở đi học hằng ngày như thường, cũng xuống QN học chung lớp với tôi nữa. Về quê lần đầu có gặp lại anh ấy. Cám ơn lời com của bạn.
Áo dài trắng, quần đen bóng hihi. Có thật không vậy anh Phương và xin hỏi chủ xị QT?Sao Thảo thấy áo dài trắng là đi với quần trắng không hà… Chạy… Chưa bao giờ thấy kiểu mặc “quá nổi” như thế “Ớn” haha.Chúc cả nhà vui tết
Ngày xưa phụ nữ thường mặc áo dài (màu) với quần (mỹ a) đen. Ở QN, học sinh Nữ Trung Học và Cường Đễ ngày thứ hai đầu tuần, nhà trường bắt buộc phải mặc áo dài trắng quần trắng, hay sơ mi trắng quần tây trắng để làm lễ chào cờ. Nên thứ hai đầu tuần cả thành phố có mấy ngàn học sinh nam nữ (trường công) mặc đồ trắng toả ra khắp đường phố như bướm trắng trông rất đẹp mắt. Như thế áo dài đi với quần đen là chính, quần trắng là hiếm.
Thời ấy, P có đọc trên tờ báo kể chuyện vui về chiếc áo dài quốc phục Việt Nam này. Một anh chàng lính Mỹ thấy con gái Việt mặc áo dài trắng quá đẹp và quá sang trọng, anh bèn lấy số đo của vợ ở bên nhà rồi đặt may chiếc áo dài gởi về cho vợ, coi là quà tặng ngày sinh nhật. Hôm ngày sinh nhật người vợ mời bạn bè đến dự và mặc chiếc áo chồng gởi về làm quà cho các bạn bè xem. Người vợ gởi thư qua nói. Chiếc áo anh gởi về trông rất vừa, ôm chặt thân hình em, trông rất đẹp, bạn bè ai cũng khen hết. Họ còn ca tụng phụ nữ Việt Nam có gu thời trang, nhưng chiếc áo quá gợi cảm, quá sexy. Anh chàng Mỹ bây giờ mới lấy mấy tấm hình cô nàng chụp với bạn bè ra xem. Ồ thì ra anh quên gởi kèm theo chiếc quần dài để mặc chung với chiếc áo dài. …………..Không biết có khi nào phe ta quên mặc như thế không nhi? …Hả Hiếu Thảo, chúc vui.
Thanks anh Phương đã trả lời và giải thích. Áo dài màu quần đen, hay quần trắng là quá có xảy ra nhiều, em thấy và biết, còn áo dài trắng quần trắng là cũng rất nhiều- như đàn buớm trắng luợn lờ, nhưng áo dài trắng quần trắng với em thì hơi lạ. Biết thì nói không biết dựa cột mà nghe nhưng với HT, và nhất là ở Mỹ có quyền tự do đặt ra câu hỏi. Không thể nuốt chữ mà không hiểu, mà ráng chấp nhận như áp lực, cũng như lai lịch nó. Vài lời chia sẻ cùng anh. Vì em hay viết văn nên có những cái cần có tư liệu chính xác. Duy tư, khám phá, sáng tạo nhưng vẫn đòi hỏi lai lịch và chính xác cách ăn mặc mỗi thời… It’s very good for me.
Một lần nữa xin :thank you very much!