Tác giả: Vũ Đăng Khuê
Ngày 5 tháng 8 /2014, cả Nhật Bản đã bàng hoàng khi được tin một khoa học gia danh tiếng của Nhật đã tự kết liễu đời mình tại nơi làm việc. Người ta phát hiện thi thể ông lúc 9 giờ sáng trong tư thế treo cổ giữa chân cầu thang của lầu 4 và lầu 5 thuộc tòa nhà CDB (Center For Developmental Biology – Trung Tâm Phát Triển Sinh Học RIKEN) tại Kobe, bên cạnh là đôi giày và cái cặp có đựng 3 di thư để lại cho những người trách nhiệm, ngoài ra cảnh sát còn tìm thấy 1 di thư cho người thư ký để trên bàn làm việc của ông ở lầu 2 cũng cùng tòa nhà.
Ông tên Sasai Yoshiki, 52 tuổi, tốt nghiệp bác sĩ tại đại học y khoa Kyoto năm 1986. Năm 36 tuổi, ông là một người trẻ nhất trở thành giáo sư thực thụ (professor) của đại học nổi tiếng nhất nhì Nhật Bản này, và là một trong những nhà nghiên cứu và chuyên gia về tế bào gốc hàng đầu của Nhật. Ông đã có nhiều công trình nghiên cứu được kỳ vọng vì có thể thay thế các tế bào trong thân thể con người bị hư hại, nhất là về những ứng dụng việc nuôi dưỡng tế bào gốc đa năng ES, IPS thành các tế bào như mô mắt, não bộ. Trách vụ cuối cùng là phó giám đốc trung tâm phát triển sinh học Riken (CDB).
Sự ra đi của ông gây ảnh hưởng nặng nề không những đến công trình nghiên cứu sinh hóa, y khoa của Nhật mà còn lan sang các lãnh vực khác như kinh tế. Ông là người có khả năng thành lập những kế hoạch to lớn để “chiêu mời” tài chánh từ chính phủ và tư nhân bằng những dự án mà ông đang nghiên cứu. Đã có rất nhiều công ty lớn nhỏ tập trung tại thành phố Kobe bỏ vốn đầu tư vào các ứng dụng công trình nghiên cứu của ông..
Chánh văn phòng nội các Suga đã ngậm ngùi tuyên bố chỉ vài giờ khi nghe tin: cái chết của giáo sư Sasai thật vô cùng đáng tiếc vì ông là một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực y tế và là khuôn mặt của Nhật Bản.
Giới khoa học khắp nơi và ngay cả Trung Quốc và Hàn Quốc đều nhắc đến ông một cách rất trân trọng và cho đây là một mất mát lớn lao cho Nhật Bản và thế giới.
Những luận văn của giáo sư Sasai đăng trên tạp chí Nature
Ông được mọi người đặc biệt chú ý không chỉ ông là người tài giỏi mà còn là người trách nhiệm chỉ đạo cho một một nhóm khoa học gia đã có một phát minh có thể thay đổi hoàn toàn cuộc sống con người, nhưng chỉ sau vài tháng “sự nghiệp” này đã trở thành “xì căng đan” khoa học và một số nghi vấn đã theo ông xuống tuyền đài. Để quí vị nắm vững vấn đề xin đọc lại phần tóm tắt dưới đây:
Quí vị có thể xem chi tiết trong bài viết đã được đăng trên diễn đàn này
Tản mạng phù tang/Tháng 7 mưa ngâu-Có hay không có
Phát minh không tiền khoáng hậu!
Cô Obokata – giáo sư Sasai – giáo sư Wakayama trong ngày công bố.
Ngày 29 tháng 1 vừa qua, các hệ thống truyền thông Nhật Bản đã liên tiếp giới thiệu sự thành công của một nhóm khoa học gia trong việc chế tạo tế bào gốc thành tế bào gốc đa năng, được đặt tên là STAP cells (Stimulus-triggered acquisition of pluripotency cells – tế bào đa năng tạo bởi sự kích thích) có khả năng tái tạo và thay thế những tế bào hư hao trong người.
Việc chế tạo và nuôi dưỡng tế bào gốc như tế bào ES và tế bào IPS của giáo sư Yamanaka được giải Nobel 2012, đã và đang được nghiên cứu khắp nơi trên thế giới nhưng rất phức tạp, còn STAP thì rất đơn giản được tạo ra bằng cách lấy các tế bào bạch huyết (lympocyte) của chuột sinh được 7 ngày ngâm vào dung dịch acid loãng (độ pH thấp) với nhiệt độ của cơ thể con người trong vòng 25 phút, sau đó nuôi dưỡng khoảng 1 tuần sẽ trở thành tế bào gốc mang tính đa năng, cấy tế bào này trở lại vào chuột, các tế bào sẽ chuyển đổi thành các tế bào mô não, da, cơ, mỡ, tủy xương, phổi và gan…Việc áp dụng từ người sang chuột chỉ là vấn đề thời gian.
Ý tưởng này bắt đầu từ một nữ khoa học gia trẻ tên Obokata Haruko, năm nay 30 tuổi. Cô bắt đầu nghiên cứu về STAP từ năm 2008 cùng với các khoa học gia tại Đại học Harvard Hoa Kỳ. Tháng 8 năm 2009 thì tạm coi là hoàn thành và mùa xuân năm 2010 cô đã gửi cho tạp chí Nature nhưng không được đăng tải và còn bị “chê” là làm chuyện không tưởng.
Năm 2011, trong lúc trở về Nhật thăm nhà thì cô đã gặp lại giáo sư Wakayama Teruhiko đang là trưởng nhóm nghiên cứu Vật Lý-Hóa Học của RIKEN (Trung tâm Nghiên cứu Vật lý & Hóa học), người đầu tiên đã thành công trong việc cho ra đời chuột bằng clone. Dịp này cô ngỏ ý muốn giáo sư Wakayama hợp tác trong công trình nghiên cứu tế bào STAP đang còn dang dở và ông đã nhận lời.
Sau nhiều lần thất bại, mãi đến cuối năm 2011, thì cô và giáo sư Wakayama đã thành công trong việc chế tạo tế bào STAP. Năm 2012, hai người đã điều chỉnh lại luận văn về STAP gửi đến tờ Nature nhưng vẫn bị từ chối với lý do là quá đơn giản và cách trình bày không mang tính thuyết phục.
Cuối năm 2012 thì giáo sư Sasai xuất hiện với trách nhiệm trưởng nhóm để hoàn chỉnh lại luận văn về STAP. Được biết giáo sư Sasai là người đã có nhiều luận văn đăng trên Nature và là bậc thầy trong cách trình bày hướng dẫn luận văn. Sau hơn 1 năm điều qua chỉnh lại, ngày 29/1, 2 luận văn về STAP đã được đăng trên tạp chí khoa học nổi tiếng Nature của Anh số 505, ra ngày 30.01.2014.
Nhưng….
Chỉ 1 tháng sau, từ nhiều phía trong giới khoa học đã dấy lên những nghi ngờ vì các chuyên gia, khoa học gia ngành sinh hóa phát hiện ra luận văn chế tạo tế bào STAP của nhóm Obokata đăng trên Nature có nhiều điểm nghi vấn.
Ngày 10 tháng 3, giáo sư Wakayama đã lên tiếng đề nghị rút lại luận văn để làm lại từ đầu, ông cũng cho biết là không thể nào tự chế tạo được tế bào gốc STAP theo hướng dẫn của luận văn. Ngoài ra, cũng có nhiều nhóm nghiên cứu trên thế giới than phiền là dù đã làm đúng theo cách chỉ dẫn của bản luận văn đăng trên Nature nhưng chưa lần nào chế tạo được tế bào STAP thành công cả.
Phân minh
Ngày 14/3 và ngày 1/4, Ủy Ban Điều Tra và hội đồng quản trị của RIKEN đã họp báo để công bố “nghi vấn” này. Và kết luận có 2 trong 6 điểm nghi ngờ đã được xác nhận và
cô Obokata là người “chủ trương” những cải sửa và ngụy tạo này, còn 2 người cùng nhóm là giáo sư Wakayama và Sasai không bị kết tội bất chính nhưng bị kết tội là đã không quản lý chặt chẽ dữ liệu chính xác trước khi “công bố”, trách nhiệm cũng rất nặng nề.
Phản luận
Ngày 1 tháng 4, Obokata đã lên tiếng phản luận lại những kết tội của “Ủy Ban Điều Tra” và RIKEN. Cô giải thích:
Đây chỉ là việc cắt dán cho…. hình dễ nhìn, nếu dùng hình nguyên thủy thì kết quả cũng không thay đổi. Còn việc dùng hình cũ thì chỉ là sự nhầm lẫn trong việc sử dụng hình và đã điều chỉnh với RIKEN và tờ NATURE ngày 9 tháng 3.
Tại một cuộc họp báo vào ngày 9 tháng 4 trong nước mắt đầm đìa, cô xin lỗi tất cả mọi người liên quan vì cách làm quá “chủ quan chỉ có mình …biết” đã làm phiền nhiễu nhiều người. Ngoài những phản luận như đã trình bày ở trên, cô khẳng định như đinh đóng cột:
– “có tế bào STAP”
– “đã thí nghiệm thành công 200 lần,
– …..
Cuối cùng cô yêu cầu:
– Mở lại cuộc điều tra vì cô cho là không đầy đủ
*Ngày 16/4, xếp trực tiếp của nhóm cô là giáo sư Sasai Yoshiki (52 tuổi), đã có buổi họp báo giải thích về lý do có mặt của ông trong nhóm. Ông cho biết việc hình thành luận văn STAP trải qua 4 giai đoạn:
1/ Phát hiện ý tưởng
2/ Thực hiện – Thí nghiệm ý tưởng
3/ Sắp xếp dữ kiện
4/ Viết và hoàn chỉnh luận văn
Ông Sasai cho biết ông “nhập cuộc” vào giai đoạn thứ 4 là giai đoạn viết và hoàn chỉnh luận văn dựa trên những kết quả có được từ các quá trình thí nghiệm bởi ông Wakayama và cô Obokata của giai đoạn 2 và 3, ông giải thích việc ông không xem xét lại các dữ kiện vì tin tưởng “Wakayama là người của thế giới” đã cùng với Obokata thí nghiệm thì làm sao mà sai trật”?
Tuy nhiên, ông nhận trách nhiệm là đã không giữ đúng vai trò của người chỉ đạo.
*Ngày 8 tháng 5, Ủy Ban điều tra cũng của RIKEN sau khi thay đổi một vài nhân sự đã họp báo cho biết là: RIKEN không mở lại cuộc điều tra vì những chứng cớ “cải sửa”, “ngụy tạo” quá rõ ràng. Một Ủy Ban đã lập ra để chờ ngày…. xử tội cô.
Tuy nhiên khi trả lời câu hỏi của báo chí: “STAP có hay không có? Ủy Ban điều tra RIKEN vẫn né tránh: chuyện ngụy tạo luận văn và chuyện tế bào STAP có hiện hữu hay không là hai chuyện khác nhau. Nhiệm vụ của chúng tôi chỉ là xem xét luận văn,
*Ngày 13 tháng 6, một Ủy Ban điều tra độc lập không dính dáng gì với RIKEN đã họp báo và thẳng thừng đề nghị:
– Giải tán trung tâm sinh học phát triển (CDB)
– Phạt thật nặng những người liên quan như Obokata, Sasai, Takeichi (xếp của 2 người này).
– Ủy Ban độc lập đề nghị cho Obokata gia nhập nhóm nghiên cứu xem STAP có tồn tại hay không.
Thế thì “có hay “không có”?
Thế nhưng câu hỏi mọi người muốn biết nhất: “thế thì STAP có hay không có?” vẫn chưa có câu trả lời. Có tin cho rằng sở dĩ RIKEN phải “lao vào cuộc” một phần cũng là vì áp lực của dư luận, một phần nghe chính 3 khoa học gia thuộc loại hàng đầu của Nhật vốn là người trong cuộc là các ông Sasai Yoshiki, Wakayama Teruhiko, Niwa Hitoshi dù chủ trương phải rút luận văn và bắt đầu làm lại từ số 0….tâm sự.
Giáo sư nói: “hãy coi chuyện tế bào STAP là giả thuyết nên làm lại từ đầu, tuy nhiên sự tồn tại của nó rất cao vì vẫn chưa có phản chứng nào cho ra hồn để kết luận đó là chuyện giả dối, và nếu không đặt tiền đề là có tế bào STAP thì không thể nào giải thích được những hiện tượng sinh ra khi thực nghiệm về STAP
Giáo sư Wakayama nói: có nhiều “hiện tượng” kỳ lạ về STAP mà tôi không thể giải thích, vì thế chưa có chứng cớ nào để kết luận: tế bào STAP không tồn tại.
Giáo sư Niwa nói: Chính mắt tôi thấy là khoảng 2 hay 3 lần Obokata đã chế tạo được tế bào STAP mà!
Thực hư thế nào thì chả ai mà biết được. Cũng có dư luận cho rằng Obokata dùng “xảo thuật”.
Sau mấy tháng loay hoay cuối cùng RIKEN đã đồng ý tạm quên chuyện “xử tội” Obokata về vấn đề ngụy tạo luận văn và đề nghị cho cô 5 tháng để chính cô chế tạo lại STAP nhưng với những điều kiện thí nghiệm thật nghiêm khắc.
Vì muốn tham gia vào việc truy tìm STAP, Obokata đã đồng ý rút luận văn đã đăng trên NATURE để làm lại từ đầu, dù trước đây cô nhất định không chịu và Nature đã rút lại luận văn của nhóm cô hôm 3 tháng 7.
Ngày 2 tháng 7, sau 3 tháng vắng mặt cô đã trở lại RIKEN để bắt đầu công việc mà cô cho là đi tìm lại đứa con đã bị “định mệnh” bắt buộc rời xa.
Câu chuyện tưởng là đã tạm gác sang một bên chỉ còn chờ kết quả nhưng nửa chừng lại rẽ sang một hướng hoàn toàn khác qua cái chết của giáo sư Sasai.
—————–
Sau đây là những sự kiện được những người cùng làm việc với ông cho biết từ lúc “xì căng đan STAP” xảy ra cho đến lúc ông kết liễu cuộc đời.
1/ Khoảng giữa tháng 2 sau khi luận văn STAP bị nêu lên những nghi vấn, lúc đó ông còn rất bình tĩnh đùa với bạn bè: “Chuyện đâu còn có đó, khi nào dư luận tạm lắng xuống mình sẽ phản luận từ từ”. Nhưng sau đó, những nghi vấn này lại là những nghi vấn có “cơ sở” , điều này đã khiến ông shock và phải nhập viện gần 1 tháng vì chứng Tâm thần phân liệt.
2/ Tuy vẫn đến phòng nghiên cứu đều đặn nhưng ông đã làm công việc hàng ngày trong một tinh thần thật hoảng loạn vì là một đối tượng bị Ủy Ban điều tra kết tội là “phải chịu trách nhiệm nặng nề”, trong lúc đang chờ hình phạt ông đã xin từ chức phó giám đốc CDB nhưng không được chấp nhận.
3/ Trước ngày tự sát khoảng 1 tháng, ông đã mất hẳn sự tinh anh thường lệ, trong những buổi hội luận khoa học, đôi khi ông có những phát biểu mà không ai hiểu ông muốn nói gì và thường những buổi hội luận có ông lại không đưa đến một đúc kết gì.
4/ Khi được tin Ủy Ban Điều Tra Đặc Biệt không liên quan đến RIKEN đưa những đề nghị nghiêm khắc như giải tán Trung Tâm Nghiên Cứu mà ông đang là Phó, và phạt thật nặng những người trách nhiệm, ông đã chán nản khuyên những người làm việc cùng phòng đi tìm công việc mới. Theo những nguồn tin dựa trên di thư ông viết cho vợ và anh trai thì đây có thể là nguyên nhân chính khiến ông mất tinh thần.
5/ Tinh thần ông lại xuống hơn nữa, khi giữa tháng 6, RIKEN lại quyết định cho điều tra lại chi tiết về những nghi ngờ của luận văn STAP mà cuộc điều tra tưởng đã chấm dứt trước đó vào tháng 4 và ông là 1 trong người sẽ bị “hỏi cung” nhiều nhất vì được cho là người nắm vững nhất.
6/ Trong những di ngôn ông để lại gửi cho người thư ký, trưởng phòng nghiên cứu, cô Obokata ông đều viết: “Tinh thần-tâm thân tôi đãhoàn toàn kiệt sức, vượt quá giới hạn”
Đặc biệt, trong di thư gửi cô Obokata ông đã viết:
“Tôi đã để Obokata ở lại phải chiến đấu một mình”
“Thật là một điều đáng tiếc vì tình huống đã xảy ra như thế này..
“Việc tôi bỏ đi trước, là lỗi vì sự yếu đuối của tôi chứ không phải là lỗi của cô”
“Xin đừng tự trách mình”
“Nhất định phải tái hiện cho bằng được tế bào STAP nhé”
“Sau khi hoàn thành, hãy bước từng bước một đi tới trong cuộc đời mới”
“Xin tha thứ cho tôi”
Điều này chứng tỏ ông vẫn tin vào là có tế bào STAP và giữ lập trường bênh vực cô Obokata Haruko đến phút cuối, người mà ông cho rằng đang gặp khó khăn nhiều nhất vì phải chịu áp lực từ nhiều phía.
Giáo sư Sasai và cô Obokata
Obokata đã sốc khi nghe tin về cái chết của ông Sasai và lúc nào cũng có 2 người bên cạnh thay phiên trông nom hầu tránh một trường hợp cô quẫn trí và chuyện không may sẽ xảy ra.
Việc thực nghiệm xác nhận STAP có hay không vẫn được tiến hành như thường theo lời RIKEN, nhưng những “uẩn khúc” chung quanh luận văn STAP sẽ khó mà có thể “giải mã”.
Đứng về phía người dân thường, thì chuyện “giải mã” những nghi vấn về luận văn STAP sẽ chẳng mang ý nghĩa gì quan trọng, họ chỉ muốn biết là tế bào STAP có hiện hữu hay không, vì có hay không có, đời sống con người sẽ hoàn toàn khác.
Cầu chúc hương hồn ông thong dong nơi cõi ấy và luôn hướng dẫn cho cô Obokata tái hiện lại được những điều mà chính ông và người dân thường chúng tôi đang mong đợi.
Vĩnh biệt ông.
———————————-
Vũ Đăng Khuê
Một câu chuyện thật đắng lòng!