Lan Man Niềm Nhớ

Tác giả: Hồng Vân Thanh

 

Lâu lâu về quê gặp lại năm ba người bạn cũ, hay tình cờ ở đâu đó, chúng ta hay nhắc lại những kỷ niệm của thời thơ ấu. Những lúc này tâm trí của chúng ta quả đúng thật là lan man!
Tôi không thể nhớ được hết những thầy, cô và các bạn bè cùng lớp từ Tiểu-Học cho đến Tú-Tài. Nhưng tất cả các thầy cô, trường học và bạn bè tôi đều yêu quý và mãi nằm ở trong ký ức tôi.

XÓM ĐẬP
Ông Nội tôi gốc Ba Tàu, chạy đói qua VN trú ngụ tại Đồng-Phó, thuộc hữu giang sông Côn, Tây-Sơn. Sau khi ông Nội mất, Tây nó kéo lính chiếm An-Khê rồi đặt Mọt Chê (Pháo; Canon) tại đèo “giã” xuống Đồng-Phó. Ba tôi phải bầu cọ gia đình chạy xuống tá túc nhà Ngoại tại xóm Đập, Đập-Đá, An-Nhơn, Bình-Định. Rồi sau đó tôi được sinh ra ở đây. Song sinh, nhưng mẹ bị bệnh không có sữa, em trai tôi bị mất. Thời nầy chúng tôi đang sống với Việt-Minh. Xóm Đập chúng tôi rất nghèo. Nhưng, với sự cần cù thương yêu của ba, hiền hòa của hàng xóm và tiếng đập chảy hằng đêm êm đềm ru tôi vào giấc ngủ. Cứ vậy mà tôi khôn lớn.
Trên quốc lộ A1, từ thị trấn Bình-Định hướng về Bắc. Khi qua khỏi cầu Đập-Đá (cầu cũ) là thị trấn Đập-Đá . Cách cầu độ 30m, có một quẹo trái vào một hương lộ. Trên dãy nhà đối diện với hương lộ, ngay ngã ba, có một cái giếng mà bên kia giếng là nhà của Nguyễn-thái-Dương, một người em nhỏ. Hai bên hương lộ là hai dãy nhà dài độ 150m. Đi hết đoạn này là bắt đầu lên cái dốc nhỏ. Đây là con đê ngăn lụt. Đê dài độ 100-150m. Bên trái là sông Đập-Đá, tên chữ là Thạch-Yển, bên phải là sân Vận-Động (đá banh, bóng đá). Lò đúc tuyển thủ đá banh. Hết con đê là Xóm Đập. Xóm Đập chúng tôi còn được gọi là Xóm Cống. Vì cả xóm ở quây quần hai bên con mương, được nối liền bằng một cái cống. Qua khỏi cái cống một đoạn là thuộc Xóm Dệt và Chợ Ty.

TÔI ĐI HỌC
Lúc còn bé ba cho tôi học với thầy Sa trên Xóm Dệt. Con nhà giàu thì học dưới phố với thầy Mười Chương. Nhà thầy Chương cũng ở Xóm Cống gần nhà chúng tôi, trên lối ra Đập. Không biết bà con bên mẹ như thế nào, người lớn bảo tôi gọi thầy Chương bằng Cậu.
Tôi không nhớ rõ đã phải Vỡ lòng bao lâu.Thường là hai năm. Có anh học tới ba năm. Cho nó chắc! Ở Vỡ lòng tôi đã biết viết chính tả, làm toán cộng, trừ. Nhân, chia thì chưa. Anh Hai tôi chơi thân với một anh bạn là Hiệu-trưởng một trường, đã nhờ anh này làm hồ sơ cho tôi thi vào lớp Tư trường Hương-Trường Phương-Danh. Trường này có tính như trường làng, nên chỉ có ba lớp: Lớp Năm, Lớp Tư và Lớp Ba . Khi thi hình như chỉ có Chính tả và Toán. Cái oái ăm là ở chỗ này. Toán, người ta cho làm chỉ có mấy bài cộng, trừ. Nên có lẽ điểm của tôi bị hơi cao. Không biết sao các anh Lớp Ba lại không đủ sĩ số nên nhà trường bắt một số bọn tôi lên ngồi Lớp Ba. Đến khi học vài tháng chi đó, thầy lại dạy toán Đố. “Tổ bà nó”! Thầy dạy lớp tôi là thầy Cảnh. Nhà thầy ở thôn Bả Canh. Thầy rất thân với ba tôi. Tôi chưa học cách để làm toán Nhân, Chia mà thầy bắt làm toán Đố. Kết quả là tôi ngồi Lớp Ba 3 năm liền. Cái năm thứ 3 của tôi, các bạn cùng lớp có nhiều anh chị lớn hơn tôi 4, 5 tuổi cũng nhiều. Lúc ấy mặc dù “đúp” 3 năm Lớp Ba nhưng tôi chẳng thấy xấu hổ . Có biết quái gì đâu! Chỉ đến lớp giống như đến nhà thầy Sa vậy thôi. Cuối năm đứa nào đủ điểm thì được lên lớp, do nhà trường ấn định. Lên Lớp Nhì là chuyển xuống trường Tiểu-Học Công-Lập Đập-Đá. Trường này là trường danh giá của xã. Mỗi xã chỉ có một trường thôi. Trường có 5 lớp: : Lớp Năm, Lớp Tư, Lớp Ba, hai Lớp Nhì và Lớp Nhất. Ở Lớp Nhì tôi rất mến cô Quách-Mộng-Hoa. Hình như bọn chúng tôi đều yêu cô ấy. Cô nhỏ con, thon gọn. Không đẹp nhưng rất dễ thương. Là con trai nhưng chữ viết của tôi rất giống của con gái, nên cô bảo tôi làm sổ điểm cho lớp. Hết niên khóa tôi lên Lớp Nhất học thầy Võ, là Hiệu trưởng của trường. Hình như thầy người Đà-Nẵng. Tính thầy cũng dễ thương, không nghiêm khắc lắm. Nhưng có một lần thầy bảo bọn tôi làm Thủ- công. Đan cái quạt lửa hay làm cái gì đó tôi quên rồi. Tôi không làm được. Mấy đứa ở nhà quê may ra có đứa làm được. Còn phần đông, nhất là bọn ở phố dọc hai bên quốc lộ và vùng ven phố như bọn chúng tôi đều phải nhờ người lớn. Khi thầy gọi tên mình, mình phải hô số điểm mà thầy đã chấm cho mình để ghi vào sổ điểm. Khi thầy gọi đến tên tôi. Tôi hô: Zéro! Thầy hỏi tại sao? Với giọng bực dọc, tôi đứng lên trả lời: Em không biết làm! Thầy giận dữ la tôi vô giáo dục. Sáng hôm sau tôi bị bắt đứng dưới cột cờ để nghe lời kết tội của thầy và thầy tuyên bố đuổi học. Thầy bảo phải có phụ huynh đến xin lỗi mới cho học. Tôi không phục! Nhưng bấm bụng nhờ ba tôi nói lời xin lỗi với thầy để được học. Sự việc này là một vết hằn khắc sâu trong tâm hồn non trẻ của tôi. Tôi đã không phục với cách cư xử của thầy. Thầy đã không dạy bọn tôi làm thủ công mà bắt học trò bọn tôi phải làm. Không làm được thì chịu điểm không đã là phi lý rồi, thế mà còn bị đuổi học? Một kỷ niệm không lành mạnh trong lòng tôi.
Hết bậc tiểu học chúng tôi như những con chim non lạc bầy. Một số anh chị em lớn tuổi đã bỏ học để học nghề hoặc ở nhà phụ giúp công việc cho cha mẹ. Số rất ít đậu trường công thì học ở Công-Lập An-Nhơn, số còn lại thì vào Bán-Công An-Nhơn hay vào Tư-Thục Thánh Gui-Se Kim-Châu Bình-Định. Tôi đã vào trường Dòng này.

(Còn tiếp…)

11 thoughts on “Lan Man Niềm Nhớ

  1. minh triết

    Bà viết của anh gợi cho tôi ký ức tuổi thơ nơi quê hương yêu dấu.Con đường từ Đại Bình ( sát Bàu Sấu )xuống Đập Đá in dấu chân hai anh em tôi suốt 5 năm tiểu hoc.Tôi viết văn thì luộm thuộm nên chia sẻ bài thơ . Thơ viết khi cùng người bạn về quê :

    Em về Bình Định quê tôi
    Trời chiều ngã bóng , bồi hồi thuở xưa
    Tháng năm vất vả sớm trưa
    Miền quê nghèo khó nắng mưa đi, về

    Em về gợi lại tuổi thơ
    Để lòng thanh thản bình yên vãng chùa
    Thiên Hưng, Thập Tháp an vui
    Đồ Bàn Chăm cổ ngậm ngùi rêu phong

    Em về trang trải nỗi lòng
    Qui Nhơn , Đập Đá thong dong cuộc đời
    Quên đi ngày tháng rong chơi
    Cùng nhau hội tụ bến bờ yêu thương.

    Reply
    1. Yên-Kha

      Cảm ơn Minh-Triết đã đọc câu chuyện thời tuổi nhỏ và đồng cảm. Có dịp anh em uống cà phê nói dóc cho vui!

      YK

      Reply
    1. Yên-Kha

      Cô em bé nhỏ của HƯƠNG XƯA ơi! cảm ơn QT đã đọc! Rất tiếc lâu lâu quý bạn lên PK nhưng lại không duyên gặp nhau cho vui. Tối đó Minh-Triết gọi nhưng mình không biết. Sau QT gọi mời uống cà phê, mình nhận lời thì quý Bà lại thay đổi lịch ngắm Dã Quỳ. Hẹn lần sau vậy! Chúc khỏe, vui nhé!

      YK

      Reply
  2. Đình

    Thôn Bả Canh hay Bá Canh? Trường Dòng Giu se này có nhiều kỷ niệm, nhất là còn suối chảy phía sau trường, nay nhìn hình thấy bò gặm cỏ hoang mọc tứ tung, trường không còn mái, vách thì loang lổ, cữa khong còn khung, từ bên này nhìn thấy cả bên kia . “nền cũ lâu đài bóng tịch dương”
    Cảm ơn anh Thanh!

    Reply
    1. Yên-Kha

      Phải Hồ-sĩ-Đình không? Nhớ em lắm! Dân phần đông gọi là Bả-Canh. Còn Bá-Canh chắc là đọc trại. Em có học trường Dòng Giu-Se Kim-Châu Bình-Định sao? Sau 75 quá nhiều việc tang thương, nếu cứ để ý đến chắc dễ bị “tẩu hỏa nhập ma” lắm Đình ơi! Em có chơi Facebook không? Face của anh: yenkhahong. Số điện thoại của anh: 01633711587. Gõ số đ/thoại là nhanh nhất. Nếu em có Face thì anh em mình ngày nào cũng có thể gặp nhau. Chúc tụi em khỏe và hạnh phúc!

      Yên-Kha/Hồng-vân-Thanh

      Reply
  3. Phuong

    Câu chuyện kể chân chất của tác giả Hồng Vân Thanh đã gợi lên một nỗi nhớ xa xưa “Lâu lâu về quê gặp lại năm ba người bạn cũ, hay tình cờ ở đâu đó, chúng ta hay nhắc lại những kỷ niệm của thời thơ ấu. Những lúc này tâm trí của chúng ta quả đúng thật là lan man!” Tôi cũng thế, đồng bệnh tương lân. Cảm ơn Hồng Vân Thanh và mong phần tiếp của tác giả.

    Reply
    1. Yên-Kha

      Phương ơi, bạn ở đâu vậy? Cảm ơn bạn đã đọc chuyện của mình và “đồng bệnh tương lân”. Chắc bạn sẽ được đọc tiếp LAN MAN NIỀM NHỚ, nay mai thôi. Chúc bạn vui nhé!

      Yên-Kha.

      Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.