ĐÔI MẮT
Truyện ngắn của K.T Mohammed
Chuyển ngữ: Trần Ngọc Phương
K.T Mohammed (1927-2008), nhà văn Ấn, sinh ở Manjeri bang Kerala. Từng làm thư kí ở sở bưu điện. Kịch và truyện ngắn là hai thể loại viết chủ yếu của ông. Truyện “Đôi Mắt” đã đoạt giải nhất của cuộc thi truyện ngắn quốc tế do tờ New York Herald Tribune khởi xướng và được tổ chức tại Ấn Độ vào năm 1952. Câu chuyện này trở nên phổ biến ở Ấn và nó cũng đã được dịch ra nhiều thứ tiếng.
*
Tất cả những ai có mắt đều cười khi nhìn thấy tôi. Một số bật cười lớn như không thể nén được. Họ có khá nhiều chuyện buồn cười kể về tôi. Tôi biết họ nói điều gì, và điều gì làm cho họ cười như những con lừa. Một lý do tại sao họ cười là vì rằng, tôi, cũng có người yêu. Hơn nữa tôi đã cưới cô ta. Làm thế nào tôi thành người tình, thành người chồng. Câu chuyện họ coi như là một điều kỳ lạ, và điều này làm họ cười nôn ruột. Nếu bạn muốn biết điều kì lạ buồn cười này, họ sẽ yêu cầu bạn hãy thử nhìn thẳng vào tôi. Nào, tôi đứng yên trước mặt bạn. Có cái gì khá đặc biệt nơi tôi? Xét cho cùng, tôi là một con người mà.
Tôi là một người đàn ông lùn và đen như than, tay chân thiếu cân xứng. Cái đầu bự chảng là đỉnh cao nhất của sự dị dạng cũng như sự xấu xí. Trên khuôn mặt, một đôi mắt hõm sâu, một cái mũi tẹt hếch, một cái miệng quai chảo, một cái trán hẹp giữa đôi tai quá cỡ. Thêm vào những bớt đốm rỗ mà bệnh đậu mùa đã tấn công đục khoét vào năm tôi mười hai tuổi. Một cú ngã thời niên thiếu đã để lại tôi một chân phải bị què. Vâng, tôi thực sự là cả một núi xấu xí.
Người ta bảo rằng, thoạt nhìn tôi người ta có ấn tượng là một con khỉ đen. Nhưng người ta không cần thiết phải cười khi nhìn một con khỉ. Cái cười chỉ được bật lên khi họ nhận ra rằng, con vật giống khỉ đó lại là một gã người thực sự. Khi đi đường, có lần tôi nghe một người nói với bạn đồng hành rằng – gã này nhắc tôi nhớ đến thằng gù trong nhà thờ Đức Bà Paris. Mặc dù tôi không gù lưng, tôi cũng chẳng hề ngừng lại để phản kháng. Xét cho cùng, tôi không quyết định được điều gì hoặc nhắc nhở người ta nghĩ đến ai. Dẫu sao, cái cười của họ đã dạy tôi rất nhiều điều về bản thân mình.
Tôi tự thu mình lại như cây cỏ khi thấy những phụ nữ trẻ mặc áo quần sặc sỡ đi trên đường. Bởi vì họ sẽ quay mặt đi bất ngờ, như những người Bà la môn thấy con chim cú. Khi họ kiêu kì từ chối nhìn tôi như một con người, họ không tôn trọng tình cảm tôi như của một thằng người – Chính lúc ấy tôi nhận ra cảnh ngộ thê lương của mình. Được trời phú cho – giống như bất ai trong các bạn – khả năng thưởng thức cái đẹp, tôi cũng thích ngắm nhìn cái đẹp lắm. Nhưng dường như người ta cho đó là một tội lỗi không thể tha thứ được với tôi. Nói tóm lại, trên cõi đời này rõ ràng người ta tuyên bố không muốn tôi có quyền được sống và tôi cũng biết vậy.
Cha tôi mất trước khi ký ức hé lộ trong tôi, vì thế mẹ tôi là tất cả, tôi sống trong một gia đình đơn chiếc như thế. Ảnh hưởng của tính di truyền giải thích đến chừng mực nào? Ai chịu trách nhiệm cho cái dị dạng xấu xí đáng thương của tôi? Cha tôi ư? Mẹ tôi ư? Không, tôi không thể đổ lỗi cho họ. Tại sao lại đổ lỗi cho họ? Tôi được sinh ra, có lẽ họ không mong muốn hay kì vọng là tôi phải được sinh. Và hiện giờ chúng tôi cố duy trì bộ khung của gia đình – Tôi, kẻ chưa tàn, và mẹ tôi, kẻ chưa đổ. Liệu cây gia phả này không nảy sinh những cành mới và tiếp tục tồn tại được sao? Ý thức về gia đình của con người – một sinh vật xã hội – bắt đầu tự biểu lộ qua người mẹ ngây thơ chân thật của tôi. Bà hỏi tôi:
– Này con, con không mang về gia đình một cô dâu sao?
Câu hỏi của mẹ không làm tôi ngạc nhiên. Tự kiềm chế trái tim nặng trĩu đau buồn, tôi trả lời:
– Ô vâng, thưa mẹ, rồi sẽ theo đúng bài bản mà!
Bà bắt đầu thăm dò những người láng diềng tóc bạc của bà. Sự tham khảo kéo dài trong vài ba hôm. Ngày này qua ngày nọ, bà trở về với vẻ đau đớn trên gương mặt, và nó trở thành vấn đề đối với tôi. Tôi hỏi: “Có chuyện gì thế, mẹ?”. Và bà trả lời: “Ô, không có gì”. Dưới cái ‘không có gì’ trái tim của mẹ tôi đập lạc lõng, bơ vơ đầy tuyệt vọng.
Hai tuần trôi qua. Mẹ tôi ngừng đi ra ngoài. Những kẻ đó, những kẻ trước kia không cười bây giờ bắt đầu cười tôi. Một người già đã bình luận với vẻ cảm thông:
– Cái thằng thật là tội nghiệp. Mẹ nó thật khó tìm vợ cho nó quá. Ôi lạy thượng đế, tại sao ngài lại tạo ra một con người như thế!
Một cách bí mật, tôi bắt đầu thử dùng mĩ phẩm. Tôi cố thử mặc áo quần đẹp, nhưng những cố gắng của tôi chỉ làm cho mọi ngưởi cười lớn hơn. Tôi trở nên xấu xí hơn chăng? Tôi cũng nhận ra rằng, việc tắm rửa cũng không thể biến đổi con quạ thành con thiên nga.
Xin tiếp tục câu chuyện đời của tôi. Cuối cùng tôi cũng tìm ra một người tình! Mong bạn hãy kiên nhẫn nghe câu chuyện người tình của tôi. Câu chuyện về bản chất con người của tôi. Tôi mong muốn yêu và được yêu. Liệu điều đó là không tự nhiên sao? Câu chuyện tình của tôi là một câu chuyện kì diệu thật sự – gồm một thiếu nữ trẻ, yêu tôi và sau đó lấy tôi, hoàn toàn không đếm xỉa gì đến cái vẻ bề ngoài của tôi. Cái vẻ mà mọi cặp mắt đều quay đi và mọi cái đầu đều ghê tởm.
Cuộc đấu tranh của mẹ tôi để tìm một cô con dâu cuối cùng thất bại. Không một người đàn bà nào muốn trở thành vợ của một thằng người khỉ. Buồn rầu dưới gánh nặng của thất bại này, mẹ tôi trở thành nạn nhân những đau ốm tự nhiên của tuổi già. Từ lúc này, bà không bao giờ bình phục lại được. Mẹ tôi, người thường xoa dịu trái tim nóng bỏng của tôi với làn gió mát tình cảm của bà. Người mẹ yêu quí của tôi, người kết tôi với thế giới không tình yêu này bằng sợi chỉ vàng tình yêu của bà. Mẹ tôi, người là đời sống chính của tôi, người đã tìm thấy một cái đẹp nào đó trong cái xấu xí kinh khiếp của tôi – Bà đã chết, bỏ lại tôi đơn độc. Bây giờ tôi không khóc cho điều này, vì bà không đủ sức để chịu đựng hơn nữa.
Và rồi điều ấy đã xảy ra. Có tiếng gậy gõ gõ kèm theo những bước đi và sau đó giọng một cô gái nói:
– Xin rủ lòng bố thí cho kẻ ăn mày này, thưa quí ngài – Đó là một cô gái ăn xin – Tôi mù loà không nhìn thấy được gì – Cô ta tiếp tục.
Tôi nhìn cô ta và rồi nhìn vào mắt cô ta. Một cảnh tượng đáng thương. Quên cả bản thân mình, tôi nghĩ, cô gái thật là đáng thương – cô gái trẻ bị mù. Cuộc sống chỉ còn có thể nghe và sờ mó đơn độc. Cô gái không đẹp nhưng thân hình cân đối, có nét duyên dáng quyến rủ của tuổi trẻ. Thật tội nghiệp! Trái tim tôi tràn đầy thương cảm.
– Cô có thể đi vào và ngồi xuống đây. – Tôi lịch sự mời cô ta.
Cô gái bắt đầu lần dò đến cửa. Tôi đứng dậy đưa tay dẫn cô ta đi. Đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc đụng chạm với một phụ nữ trẻ với trái tim phiền muộn đè nén xúc động. Lần nữa, tôi nhìn vào mặt cô ta. Mặc dù đôi mắt mù loà, tuổi trẻ đã giữ cho cô một gương mặt xinh xắn. Bộ ngực cao căn phồng không cách xa tôi mấy. Tôi rùng mình, lành lạnh. Tôi cảm thấy môi mình khô nẻ, chân tay tôi lóng ngóng biến đổi kỳ lạ, hơi thở tôi dồn dập.
– Cô có thể ngồi ở đây – Tôi dẫn cô ta đến chỗ ngồi ở cuối hiên nhà.
Liệu cô có nhận biết bàn tay tôi đang run không? Tôi mang ra cho cô ta một ít đồ ăn và kèm theo một rupee (*).
Cô ta cho biết tên mình là Leela. Cô và bà mẹ già sống ở trong một túp lều lá, gần một xưởng lớn trong thành phố. Khi cô ta sắp rời đi, tôi có mời cô đến lần nữa.
Leela bắt đầu đến thường xuyên. Rồi điều đó trở thành một thói quen. Chúng tôi nói chuyện với nhau về đủ mọi thứ trên đời. Tôi cảm thấy có một chút nào đó giảm nhẹ gánh nặng của trái tim tôi và của cuộc đời tôi. Những chốc lát đó của cuộc đời bắt đầu có sức hấp dẫn lôi cuốn tôi. Đôi mắt Leela! Nếu sáng, chúng sẽ làm tăng thêm vẻ đẹp của cô. Cái liếc nhìn của người đàn bà đã chẳng thể làm phát điên người đàn ông đó sao? Dù học được điều này chỉ từ kinh nghiệm của người khác, tôi có thể nhận ra ý nghĩa của nó. Trái tim khô cằn của tôi cũng vậy, có những khao khát của nó. Giá mà Leela có đôi mắt sáng! Không, tôi không biết ngu xuẩn đến mức nào mới mơ ước đến điều này. Nếu cô ta có đôi mắt sáng, có lẽ cô ta sẽ không phải ăn xin. Ngay cho dù là như thế, cô ta sẽ không nhận từ tôi bất cứ cái gì nói chi đến chuyện bố thí. Không, đôi mắt của cô ta không cho phép cô đến với tôi, trò chuyện với tôi hằng ngày.
Tôi suy nghĩ một cách vô ý thức như thế, bởi tôi tình cờ giống như một người khác. Đó có phải là lỗi của tôi?
Người ta chú ý đến những cuộc gặp gỡ của chúng tôi, nhưng không ai ganh tỵ với chúng tôi. Với hiện tại là một “người – khỉ” tôi đã là cái đích diễu cợt bông đùa của họ. Bây giờ chuyện tình của tôi với cô gái mù loà cho họ một điều gì hơn là để cười. Họ giải trí tiêu khiển ở sự liên minh giữa cái dị hình và cái đui mù. Ngộ nghĩnh phải không?
Một hôm tôi hỏi Leela:
– Leela, cô nghĩ gì về tôi?
Nụ cười bẽn lẽn của cô làm cho tôi hết sức thích thú.
– Nói đi Leela – Tôi gằn giọng.
– Em có nói anh là người xấu đâu? – Cô ta trả lời dịu dàng.
Tôi cảm thấy câu trả lời của cô rất chân thật – Tôi hảnh diện. Mặc dù tôi không có ý định, bất ngờ tôi hỏi cô – trong cơn cảm kích – Cô có thích tôi không, Leela? Cô ta e lệ cuối đầu không nói. Tôi có cảm giác rằng tất cả sức quyến rủ của cuộc sống nằm lớp ở cảnh này.
Leela rời đi sớm sau đó. “Leela!” Cuối cùng tôi cũng có một cái tên, tôi có thể thốt lên với tất cả tình yêu thương trong cái thế giới mênh mông hoang vắng này. Một người mà tôi có thể chờ đợi với cả tấm lòng háo hức. Cuộc đời tưởng những ruồng bỏ tôi, bây giờ trở nên ngọt ngào và thú vị. Không phải là vận may của tôi sao!
Người ta, những kẻ cười tôi là kẻ thù của tôi. Giả sử họ đặt vào đầu óc Leela những ý nghĩ về sự xấu xí của tôi. Họ đã làm như thế rồi chăng? Ai mà biết được! Nhưng làm thế nào cô ta phân biệt được cái đẹp hấp dẫn với cái xấu xí ghê tởm trong khi không thể phân biệt được ngày và đêm? Cô ta đã nói với tôi là cô ta bị mù bẩm sinh. Tôi không thể nói rằng, cái mù bẩm sinh hiện có của cô là điều may mắn của tôi. Nhưng đó không phải là điều không may của cô sao!
Leela lại đến nữa ngày hôm sau. Tôi nghĩ về cuộc hôn nhân của chúng tôi – làm thế nào để thực hiện nó! Sẽ không có người đại diện cho thượng đế để đứng ra làm nhân chứng cho sự liên kết giữa người đàn ông và người đàn bà? Không có tu sĩ nào sẵn lòng hành lễ ở cuộc hôn nhân của chúng tôi. Việc này có lý do. Những đại diện đó của thượng đế có quan điểm trần tục, cái mà họ gọi là “linh hồn”: Leela và tôi có tôn giáo khác nhau và xung khắc nhau. Họ không muốn giúp chúng tôi. Tuy nhiên nó có lẽ được tuyên bố ầm ĩ rằng, ở trên đời này đàn bà thì nhiều hơn đàn ông, nhưng không một người đàn bà nào ngoại trừ Leela muốn kết hôn với tôi. Đúng là chỉ ở điểm này, các tu sĩ, những kẻ đại diện cho thượng đế dưới nhiều danh nghĩa khác nhau, có sự nhất trí giữa họ với nhau. Có lẽ bạn chưa biết sự thật, tôi là một người đạo Hồi còn Leela thuộc Ấn giáo. Nhưng xét cho cùng, có phải thực như thế không? Sau khi suy nghĩ, tôi hỏi cô ta:
– Leela, em có muốn kết hôn với anh không?
Tôi thấy cô ngạc nhiên sửng sốt. Sự thật về cái đạo Hồi giáo hiện tại của tôi chắc có lẽ làm cho cô ngập ngừng và suy nghĩ. “Anh nói gì thế?” Cô gái mù ăn xin này có thể cảm thấy một giới hạn trong tình cảm.
– Leela, thật là quá đủ, nếu em nhận ra rằng anh là một con người. Thượng đế đã gởi em đến anh. Tín ngưỡng và đẳng cấp chỉ là sự sáng tạo riêng của con người – với giọng van xin, tôi nhìn đôi môi run rẩy của cô. Tôi cảm thấy hình như một kẻ giết người đang chờ đợi lời phán quyết của quan toà. Vâng chính cô quyết định cho tôi sống hoặc chết. Leela im lặng. Chẳng lẽ không có ý nghĩa gì sao? Tôi tiếp tục: Nói đi Leela, anh muốn bảo vệ em. Hứa làm cho em hạnh phúc.
– Em bằng lòng – Cuối cùng nàng đáp – Em có nghe người ta nói khá nhiều điều về em một cách khinh bỉ – khi em đi ngang qua họ nói: “Tình nhân của người khỉ đó”. Theo họ, anh không có đẹp.
– Em nghĩ như thế nào Leela?
– Em không biết cái đẹp mà họ nói cả việc không thấy con khỉ. Vì lẽ đó em không quan tâm đến điều họ nói. Có gì khác biệt nếu họ nói anh là người đẹp trai nhất trên đời? Em nhìn thế giới với chính trái tim mình. Anh là người Hồi giáo và em là người Ấn giáo. Nếu anh không phản đối thì em cũng không. Em nghĩ, chẳng có ai trên đời này yêu em chân thành. Nhưng…
– Này, tại sao lại “nhưng” – Tôi lo lắng hỏi.
– Vâng, có chữ nhưng lớn đằng sau cái nghề ăn xin này. Em không còn trinh trắng để dâng hiến cho anh. Dù mù loà em vẫn muốn có tình yêu. Nhưng cái bát cơm ăn xin của em – trống không ngay cả sau trọn một ngày đi – đã cười độc ác cái bụng trống rổng của mẹ và của chính em. Em phải chịu nhượng bộ để những kẻ dâm dật gạ gẫm qua đêm khủng khiếp. Anh có căm phẫn cũng chẳng ích gì. Không có người đàn ông nào đặt cái gì đó vào bát ăn xin của cô gái trẻ mà nhân danh vì lòng từ thiện cả. Hãy tha thứ cho em. Nhưng em hôm nay không kính trọng ai ngoài anh ra, với tư cách là một con người.
Tôi sửng sốt choáng váng trong chất lát và im lặng trong một vài phút.
– Leela – Sau cùng tôi nói – đó là tính ích kỉ của đàn ông. Anh sẽ chẳng nghĩ đến nó chút nào nữa.
Leela im lặng.
Sau đó một vài ngày, một biến cố xảy ra gây náo động dư luận trong làng của tôi. Không có một đại diện nào của đấng chí tôn làm nhân chứng. Không có chờ đợi sự giới thiệu của bất cứ ai. Nàng và tôi – Leela và Abdulla – đứng chung với nhau trong im lặng và cùng thề nguyền trở thành vợ chồng với nhau trong đời.
Cái cười của mọi người chung quanh chúng tôi trở nên lớn hơn. Có tiếng cười hô hố, khi Leela và mẹ nàng đến chung sống với tôi. Những kẻ tự nhận canh giữ xã hội nhìn chúng tôi nghi ngờ. Người ta đã không nhận ra rằng hai trái tim nóng bỏng đang vào giai đoạn cuối của tình yêu và hôn nhân. Tôi cố gắng cổ vũ Leela: “Leela, cứ để cho họ cười. Họ chắc điên”.
Chúng tôi bắt đầu sống. Tôi không thể nói rằng cuộc sống của chúng tôi là hôn nhân hạnh phúc. Đạo đức xã hội và những định ước tôn giáo tỏ ra thù hằn khủng khiếp xung quanh chúng tôi. Chúng tôi không được một sự giúp đỡ hay hợp tác nào. Chúng tôi không ảo tưởng chúng tôi có thể sống một cách hạnh phúc. Nhưng chúng tôi muốn sống và chuẩn bị đối đầu với những khó khăn.
Và rồi nó đã xảy đến. Leela sắp sửa làm mẹ. Cái ‘người – khỉ’ của tôi và cái ‘mù loà’ của Leela không cản trở việc này. Chúng tôi phớt lờ làm ra vẻ không biết đến chuyện ngồi lê đôi mách và những lời chế nhạo. Niềm vui sướng mà tôi chưa từng mong đợi trong đời đã đến với tôi. Tôi trở thành một người yêu, một người chồng, và bây giờ sắp là một người cha! Tôi cảm ơn Thượng Đế. Thượng Đế thật vĩ đại! Tán dương Thượng Đế về cái mù loà của Leela!
Nhưng Leela đã ngã bệnh hai tháng trước khi sanh. Tôi gọi một bác sĩ. Ông ta đến xét nghiệm. Tôi van ông cứu giúp nàng. Bác sĩ nói:
– Cái này không có gì nghiêm trọng, tôi sẽ chữa khỏi – Một lúc sau ông ta hỏi – Có phải cô ta bị mù lúc sinh ra không?
Khi tôi đáp – Vâng. Ông ta khám xét lại đôi mắt nàng và thận trọng nhận xét:
– Tôi có thể phục hồi lại đôi mắt sáng bằng phẩu thuật. Nhưng bây giờ thì chưa thể được. Để cô ta hồi sức lại sau khi sanh nở xong.
Những lời bác sĩ làm rung động trái tim tôi, tuổi trẻ của tôi, và cuộc đời của tôi! Ông ta nói ông ta có thể đem lại ánh sáng cho đôi mắt của Leela. Khi nàng nhìn thấy được, liệu nàng có rùng mình khi nhìn thấy tôi, kẻ mà nàng biết như một con người có trái tim đáng yêu? Trong giây phút nàng bắt đầu nhìn thấy đó, nàng có còn yêu và kính trọng tôi không? Tôi phải nói sao với bác sĩ? Có nên thét to lên “Không, mắt nàng không cần có ánh sáng”. Nhưng điều tôi nói lại là:
– Leela, bác sĩ nói đôi mắt em có thể chữa khỏi được!
Tôi lập lại một cách máy móc những điều nàng đã nghe rồi. Làm sao có thể cắt nghĩa được với nàng rằng, sự phục hồi ánh sáng cho đôi mắt của nàng có thể cắt tận gốc rễ cuộc đời tôi. Làm thế nào để bác sĩ không để mắt tới? Liệu không phải là một đại may mắn cho bất kỳ ai được chữa khỏi bệnh mù bẩm sinh sao! Leela, kẻ hiểu rõ trái tim tôi đã không biết phần mặt trần tục của tôi. Nàng nói:
– Nếu em có thể lấy lại được ánh sáng. Anh không cảm thấy hạnh phúc sao? Nếu em có thể nhìn thấy anh, em biết, anh sẽ yêu em nhiều hơn nữa.
Gương mặt nàng biểu lộ sự thoã mãn ngay cả trong tình trạng đang đau yếu. Có phải bởi một cuộc đời mới đang nhú lên?
Bác sĩ trao tôi toa thuốc và dẫn giải tôi cách dùng. Ông nói:
– Hãy đến với tôi khi sức khoẻ cô ấy hồi phục sau khi sinh xong. Lúc ấy tôi sẽ nói với anh rõ hơn về phẩu thuật.
Leela bình tĩnh, nhưng lòng tôi thì nổi lên cơn bão tố. Đầu óc tôi bừng lên với những ý nghĩ mãnh liệt. Tôi đi đến cuối hiên nhà và ngồi xuống. Đúng là chỉ trong túp lều nhỏ này của tôi, tôi mới có chút bình yên. Nhưng ngay cả điều này cũng sắp tan vỡ thế giới nhỏ bé của tôi. “Không, không bao giờ! Ông sẽ không khôi phục lại ánh sáng cho đôi mắt của Leela. Ồ, bác sĩ! Ông đã chung sức với nhưng kẻ đáng khinh bỉ để giết tôi. Nhưng tôi muốn giết ông trước. Tại sao ông ném mồi lửa vào cuộc sống của chúng tôi? Không, ông không có lỗi gì. Ông phải chiến đấu chống lại bệnh tật, ông không thể thờ ơ với nó. Ông phải đem lại ánh sáng cho nàng. Ông không biết gì về cuộc đời tôi. Có lẽ Leela có khả năng được thấy. Cầu mong thượng đế ban phúc cho nàng về điều đó, điều mà mọi con người đang sống phải có! Nhưng tôi phải trở thành cát bụi với trước điều ấy. Trước việc nàng có thể hiểu ra ý nghĩa từ ‘người – khỉ’! Rồi tôi sẽ sống trong kí ức của nàng với tư cách là một con người giàu lòng yêu thương. Liệu tình yêu hiện tại của nàng với tôi và vẻ đẹp nàng thấy nơi tôi có kéo dài mãi? Tim tôi đang gào khóc.
Leela đã sinh một đứa con trai. Xã hội bị lúng túng trước việc sinh ra một đứa trẻ bất hợp pháp. Một số cười lớn giống những con lừa. Chẳng có gì phải buồn cười lắm. Đứa trẻ đó sinh ra từ một người cha xấu xí và một người mẹ đui mù không tội tình. Nó thừa hưởng cái dáng của mẹ và đôi mắt của tôi. Nó là sự may mắn tốt lành của ai?
Leela đã phục hồi lại sức khoẻ. Nàng nhắc tôi cái điều mà tính ích kỉ của tôi cố dằn nén lại:
– Chúng ta sẽ đi gặp bác sĩ bây giờ chứ?
Nàng không biết rằng nàng đã tạo ra một trận bão trong tâm hồn tôi. Tôi nói:
– Vâng, anh quên mất! Anh sẽ đi tìm ông ta ngay hôm nay.
Tôi biết tôi đang nói dối. Tôi cảm thấy mình như đang chao đảo giữa đại dương. Tôi đi ra ngoài, vài giờ sau tôi trở lại và nói:
– Bác sĩ chết rồi!
Đó là tất cả những gì tôi nói. Tôi tưởng rằng tôi có lẽ sẽ không nói được như thế. Tôi không bày tỏ nỗi đau buồn của người chồng trước cái chết của một bác sĩ tốt, kẻ hứa giúp cứu chữa đôi mắt của vợ mình. Tôi phải bí mật đè nén con tim đau khổ bởi tính ích kỉ tàn ác. Thật là một gánh nặng quá sức chịu đựng. Việc tôi làm cho sự an toàn của mình đã phá hoại tâm hồn yên tĩnh của tôi.
Những ngày nóng bỏng đó trôi đi.
Một hôm khi quay về nhà, tôi chợt chứng kiến cảnh đau lòng. Mẹ Leela không dọn cái chậu bằng đồng lớn đi khỏi phòng. Leela khi lao đến cái nôi đứa bé đang khóc, không có gậy, đã vấp chân ngã đập đầu vào trụ cửa. Máu tuôn ra. Tôi chạy đến vực nàng dậy và mang nhanh đến bệnh viện.
Những cuộc đời đang bị thiêu đốt, bây giờ bạn thấy còn muốn cười không? Tôi không còn gì phàn nàn nữa. Ai để ý đến những lời phàn nàn của tôi!
Leela, cuộc đời tôi, thế giới của tôi. Một bác sĩ gọi tôi lại và nói:
– Chắc hẳn là một cú ngã khủng khiếp. Tổn thương rất nghiêm trọng.
Tôi đi đến chỗ Leela. Nàng quằn quại trong đau đớn. Tôi gọi tên nàng. Nàng khóc thổn thức:
– Anh đấy hả? Em chắc không hy vọng sống. Ước gì em có thể nhìn thấy anh một lần.
Ước muốn cuối cùng của Leela đối với tôi dường như là một thử thách của khả năng chịu đựng. Nàng có đau buồn việc bác sĩ đã chết không. Nàng chỉ im lặng.
– Leela – Tôi nói – để thấy anh bằng đôi mắt, xét cho cùng không là điều quan trọng. Em đã chẳng thấy anh bằng trái tim cởi mở và trong sạch của em sao? Anh biết rằng trên cõi đời này, chỉ một mình em nhìn anh đúng đắn. Người ta có thể nhìn thấy nhau không chỉ bằng đôi mắt. Và như thế em yêu, hãy yên lòng. Em sẽ sớm được bình phục.
Leela lắng nghe tôi nói. Sau đó thời gian như ngưng lại. Ánh sáng mặt trời đã dịu xuống. Leela bắt đầu khóc. Tôi đau đớn. Cái bí mật tàn nhẫn như đang cố bùng vỡ ra. Tôi không thể đứng đó lâu hơn được nữa. Mẹ Leela đến và đặt đứa bé bên cạnh nàng. Sinh vật nhỏ xíu này bắt đầu gào thét, có lẽ nó thấy nghẹt thở trong cái bầu không khí bi thương này. Mẹ Leela cũng bắt đầu khóc. Tôi cảm thấy bơ vơ.
Linh hồn tinh khiết của Leela đã nhẹ nhàng trút khỏi. Tôi không nhớ tôi đã làm gì. Nhịp đập của một con tim đã ngừng. Những con tim khác thì bùng vỡ.
Mặt trời bây giờ đã lặn hẳn. Bóng tối dày đặt bao trùm.
Người ta – những kẻ thiếu hiểu biết – qua câu chuyện tình kì lạ của tôi và cái xấu xí kinh tởm của tôi, vẫn cười khi họ nhìn thấy tôi. Đôi khi tôi tự hỏi: Câu chuyện của tôi sẽ như thế nào, nếu tôi cũng bị mù!
*
(*) Rupee: Đơn vị tiền của Ấn Độ.
Câu chuyện cảm động quá, người chồng không sai.SC
Sẽ ra sao nếu ta là người thanh niên có số phận bi thảm tội nghiệp kia? Điều này làm ta càng quí trọng cuộc sống hiện tại (mà ta thường than vãn) đang có của mình. Cám ơn nhận xét của Sơn Ca.
Một câu chuyện buồn, rất thương hoàn cảnh trái ngang của đôi vợ chồng trẻ. Cám ơn Phương đã cho đọc một câu chuyện thật xúc động.
Truyện ngắn ra đời trong bối cảnh cuộc xung đột thảm sát tôn giáo kinh hoàng giữa đạo Hindu và Hồi giáo khi Pakistan tách ra khỏi đế quốc Ấn và trở thành quốc gia riêng của người Hồi giáo. Trong câu chuyện bi thương, vẫn thấy toát lên tấm lòng nhân hậu yêu thương giữa người và người, những con người gọi là bần cùng tận đáy xã hội. Cảm ơn Quốc Tuyên.
Văn phong của anh TNP dịch khá hay. Đọc có thể ám ảnh câu văn và hình tượng…Văn nước ngoài đa phần như vậy. Mới đọc nghe nó khô khan… (Mà cũng tuỳ theo trào lưu và tác giả) Vì trường phái đó họ khai thác tâm hồn. Bên trong tâm hồn mâu thuẫn… éo le, dậy sóng… cảnh trí kết họp. Họ chỉ 5% tả cảnh thiên nhiên để diễn đạt mối tương quan…
Nhưng nhìn chung tư tưởng… và chủ đề tac phẩm rất nâng cao… Thanks anh Thảo đã đọc hết. Cũng thích lối văn như vậy lắm… Hơn là sáo rỗng, viết liên thiêng… kể lễ, ghi chép. mà không có gì đặc biệt. (hiện của các nhà văn được phong, được gọi là lớn của XHCHVN hiên nay!
Lời cuối chúc mừng sức khỏe…
Viết sai một chữ H là N trước VN nhé, Sorry! Thiệt tình nói số dỏm” Đại trà” cho biết. Tuy nhiên cũng có một vài nhà văn hay, và có nhiều phim coi cũng giá trị…
Đọc lời com là biết ngay của Hiếu Thảo, một lối com rất đặt trưng, làm điên đầu kẻ mới biết nhưng làm thú vị người quen xưa, cảm ơn H T nhé.