Tác giả: Vương Hoài Uyên
Cánh chim mỏi, mùa thiên di mải miết
Bay về đâu? Khi gió lạnh sang mùa!
VƯƠNG HOÀI UYÊN
Hai mươi tám tết, trong lúc dọn sạch nhà bếp, tình cờ chị lôi từ trên kệ một hộp trà Chùm ngây. Chợt nhớ hộp trà nầy Thụy mua cho chị một lần hai người vào siêu thị chay của một ngôi chùa lớn. Lần đó Thụy ở Mỹ về, sau khi uống cà phê ở Du Miên, Thụy rủ chị đến thăm ngôi chùa nầy. Chị hỏi tác dụng của loại trà nầy, Thụy nói đạị khái là thức uống bổ dưỡng ( như trên bao bì có ghi ). Thụy còn nói em về tra Google thêm sẽ rõ. Thụy mua linh tinh mấy thứ như gạo lức rang, trà chùm ngây, cà phê chồn… Lúc tính tiền anh hỏi xin thêm một bịch ny lông, cười nói với chị: “Để lát nữa chia của”. Hai người vào chánh điện lễ Phật, đứng ngắm cây Sala trước sân chùa, Miên nói: “ Nhiều người vẫn tin rằng đứng đợi dưới gốc cây nầy, bao giờ hoa Sala rụng, giơ tay hứng lấy về nấu nước uống sẽ khỏi bệnh”. Thụy cười: “Chắc là không có em trong số đó chứ? Coi chừng bệnh không bớt mà lại đau bụng đó.” Đúng là cách nói của bác sỹ – nghề nghiêp của Thụy. Người đàn ông chụp ảnh dạo trước sân chùa nhìn hai người rồi phán một câu: “Hai người nầy chắc bồ nhau từ hồi còn trẻ, nhưng chắc không lấy được nhau, bây giờ gặp lại phải không?”. Thụy cười pha trò: “Tình duyên trắc trở mà anh”. Miên thầm phục con mắt tinh đời của anh chàng phó nhòm: “Anh nên về làm nghề bói quẻ chắc tốt hơn chụp ảnh dạo đó”.
Miên thật không ngờ có ngày chị gặp lại Thụy. Thụy của thời xa xưa lúc Miên còn là một cô bé mười sáu tuổi của mùa hè năm lớp mười. Thụy hồi đó là sinh viên y khoa năm thứ tư, hơn Miên sáu tuổi nên lúc nào cũng lên mặt người lớn – nhất là lối nói của người học ngành Y nhìn đâu cũng thấy vi trùng. Hồi đó hai người đi du lịch đảo Lý Sơn cùng với gia đình, thấy Miên vô tư gặm ổ bánh mì ngọt từ hôm qua còn lại, Thụy vội nói: “Miên, đừng ăn. Đồ ăn để qua đêm có vi khuẩn đấy.” Miên tỉnh bơ: “Vi trùng nó sợ bác sỹ lắm đó, vì anh là bác sỹ nên nó không dám làm gì Miên đâu”. Thụy lắc đầu, nhún vai.
Chỉ có hai lần Miên và Thụy đi chơi riêng. Tỉnh nhỏ thời đó buồn hiu hắt. Thụy chở Miên bằng xe Honda dame, đến Cổ Lũy loanh quanh dưới vườn dừa rộng mênh mông. Thụy nói với Miên những dự định của mình lúc ra trường. Chắc chắn như bao nhiêu sinh viên khác, ra trường là đi vào cùng một chỗ: Quân trường. Anh còn nói, giọng có pha một chút bất mãn: “Thời loạn làm con gái như Miên sướng hơn nhiều. Chỉ có học thôi, chả vướng bận gì”. Miên bĩu môi: “Vậy là anh chưa biết những thiệt thòi của con gái bọn em”.
Chỉ có vậy thôi mà Miên nhớ Thụy suốt đời. Có lẽ vì đó là lần đầu mới biết yêu. Vì sau mùa hè năm ấy ba Thụy đã vận động cho Thụy một suất học bỗng đi du học Mỹ. Với một công chức cao cấp như ba Thụy chắc việc đó ở trong tầm tay ông. Vả lại, ba Thụy cũng không muốn Thụy phải đi vào quân trường nếu còn ở trong nước. Thụy là con trai một mà. Hồi đó là năm 1972, chiến tranh đang hồi khốc liệt với “Mùa hè đỏ lửa”. Miên chỉ biết sau đó thì Miên đã nhớ Thụy rất nhiều. Có nhiều hôm Miên phóng xe xuống vườn dừa Cổ Lũy, đứng một mình nhìn từng tàu lá dừa xao xác trong buổi chiều lộng gió, nhìn dòng sông Thu Xà thấp thoáng trong mưa, chợt ngậm ngùi nhớ mấy câu thơ của Huy Cận:
Nắng đã xế về bên xứ bạn
Chiều mưa trên bãi nước sông đầy
Trông vời bốn phía không nguôi nhớ
Dơi động hoàng hôn thấp thoáng bay.
Từ đó Thụy đi, biền biệt không một lá thư. Miên cũng vì lòng tự trọng, không bao giờ hỏi han gì gia đình Thụy những tin tức về anh. Không biết có nên gọi đó là một mối tình không, chỉ biết thời con gái của Miên đắm chìm trong nỗi nhớ. Đám bạn gái của Miên bực mình:
“Khiếp, người ta đã không đoái hoài đến mình, mà mình lại cứ nhớ người ta. Con cá mất bao giờ cũng là con cá to. Mầy vất cái mối tình bọt bèo ấy đi cho tao nhờ với”. Đã gọi là “mối tình” thì không dễ vất như vất một mảnh giấy lộn vào giỏ rác. Bao nhiêu bài thơ của Miên viết về mối tình mong manh ấy trong suốt thời con gái và cả sau khi lấy chồng. Hơn bốn mươi năm dài như thế, cho đến khi chồng Miên qua đời. Một lần đi Mỹ thăm con gái định cư ở đây, Miên cứ thầm mong biết đâu mình sẽ gặp lại Thụy. Nhưng nước Mỹ rộng mênh mông như thế dễ gì tìm gặp một con người. Cho đến khi Hạnh – bạn Miên đi Mỹ, Miên gửi gắm một lời cầu may: “Mầy qua đấy hỏi giúp tao một người tên là Nguyễn Quang Thụy, người Hà nội di cư vào Nam, trước kia sống ở Quảng Ngãi. Đi du học Mỹ năm 1972. “Hạnh cũng ừ hử cho qua chuyện, không ngờ lại tìm được. Hạnh kể một lần đến chơi nhà Ngọc – một cô bạn ở Cali – cô nầy người Sài gòn, có chồng là Phước, dân Bắc 54, Hạnh đã gặp một người bạn của Phước trong một lần nhà tổ chức ăn uống cuối tuần. Hạnh không khỏi bàng hoàng khi anh chàng nầy hỏi: “Chị sống ở Quảng Ngãi trước 1975 có biết ai tên Miên không? Cô nầy học trường Nữ trung học Quảng Ngãi, thỉnh thoảng có hát ở Đài phát thanh Quảng Ngãi”. Hạnh reo lên: “Ô! đó là Miên bạn thân của Hạnh”. Hạnh hỏi tên anh chàng, thì ra đó là Thụy, bạn thân của Phước – người mà Miên đang nhờ Hạnh tìm. Ở đời có những chuyện ngẫu nhiên đến kỳ lạ.
Lúc Hạnh gọi về Việt Nam báo tin, Miên thấy bàn tay cầm điện thoại của mình run lên. Ngay đêm ấy Thụy gọi về. Thụy nói sơ qua hoàn cảnh anh với hai lần ly dị vợ, không con, hiện đã nghỉ hưu và sống độc thân mười lăm năm nay. Và cuối cùng là một lời hẹn trở về Viêt nam gặp Miên.
Lần trở về Thụy không báo tin để Miên đi đón, anh hẹn Miên ở một quán cà phê. Sáng hôm đó Miên đến gặp một con người mà mình đã hơn bốn mươi năm chờ đợi trong vô vọng với một tâm trạng hồi hộp. Chị chọn cho mình chiếc áo đầm đẹp nhất, trang điểm kỹ hơn ngày thường. Nhất định chị phải đẹp trước mắt Thụy, ít ra cũng là để Thụy không thất vọng. Khi bước vào quán cà phê Miên đã nhận ra Thụy đang ngồi bên một khung cửa sổ. Câu đầu tiên, Thụy hỏi: “Nhận ra anh dễ không?” Miên không trả lời, hỏi lại: “Còn anh, nhận ra em dễ không?” Thật ra, cả hai đều nhận ra nhau dễ dàng nhưng đều thấy ở nhau có quá nhiều thay đổi. Tóc Thụy đã bạc nhiều, khuôn mặt đã có nhiều nếp nhăn, mu bàn tay có những vết đồi mồi nâu đen lốm đốm. Còn Thụy, thấy những thay đổi nào trong mắt anh, khi so sánh cô bé Miên cầm ổ bánh mì nhai hồn nhiên trên hòn đảo Lý Sơn ngày nào, với người đàn bà xấp xỉ lục tuần đang ngồi trước mặt? Hơn bốn mươi năm với biết bao nhiêu dâu bể đổi dời. Miên chợt thấy lòng chùng xuống, để gặp lại nhau cả hai phải đánh đổi hơn nửa cuộc đời, khi đã qua rồi những năm tháng thanh xuân đẹp đẽ. Thụy bây giờ độc thân, Miên đã góa chồng năm năm. Người đời thường hay lý sự để tự đánh lừa mình rằng không có gì gọi là muộn cả, nhưng thực tế có những điều muộn màng không thể phủ nhận.
Miên hỏi: “Về hưu, lại sống một mình, anh làm gì cho hết thời gian?”. Thụy nắm tay Miên, bóp nhẹ bàn tay chị: “Tưởng là vậy thôi, nhưng anh lại thấy mình không đủ thời gian để làm việc. Anh dịch sách cho một vài nhà xuất bản. Khi nào cần giải trí anh lái xe đến những nơi có phong cảnh đẹp để vẽ. Ngoài ra, anh còn nghiên cứu triết lý Phật giáo. Nói gì thì nói, anh tuyệt đối tin vào thuyết nhân quả của nhà Phật. Tuổi anh ở Mỹ có thể làm việc đến ba năm nữa mới về hưu. Nhưng anh muốn nghỉ sớm, vì muốn sống cho mình, ít ra cũng là những năm cuối đời.” Sau nầy Miên mới biết Thụy lý luận về triết lý Phật giáo rất hay. Một hôm thấy Miên đọc cuốn sách “Gõ cửa niết bàn” của một vị thiền sư, Thụy nói: “Rất tiếc là ông nầy chết rồi, nếu ông sư nầy còn sống anh sẽ hỏi ông ấy một câu. Theo anh, niết bàn hay thiên đường làm gì có cửa, một con người đầy đủ phúc đức tất nhiên sẽ vào niết bàn dễ dàng, còn nếu không đủ phúc đức thì có gõ cửa bao nhiêu lần cũng không thể vào được”. Một lần Thụy bị té cầu thang khi về thăm những người bà con ở Hà Nội, chân anh bị trật khớp sưng vì vậy mà đến ngày hẹn vào Sài Gòn với Miên, Thụy vẫn nhúc nhắc đi Sài gòn đúng hẹn. Đón Thụy ở phi trường Sài Gòn, Miên thất kinh khi thấy anh đi nhúc nhắc một cách khó nhọc, kéo theo va ly hành lý và một cái ba lô mang trên vai. Khi Miên dành kéo va ly, Thụy nói anh phải dựa vào cần kéo của va ly mới đi được, nếu không sẽ rất khó đi. Miên dành mang bớt ba lô, Thụy cũng không cho. Về đến khách sạn, chỉ còn một phòng đôi ở tầng trệt, Miên nói: “Phòng hai giường nhưng chỉ ở một người thì hơi rộng”. Cô nhân viên tiếp tân thoáng ngạc nhiên. Thụy nói: “Thôi được, ở tầng trệt cho tiện cái chân đau của anh. Khỏi phải leo lên mấy bật tam cấp để đến thang máy”.
Khi thoa thuốc cho cái chân đau của Thụy, Miên cố ý cầm chai rượu thuốc bằng tay phải, tay trái thoa bóp chân. Chị biết thế nào Thụy cũng nhìn chăm bàn tay mình, chị tự tin hơn vì bàn tay trái của mình đẹp hơn tay phải. Tất nhiên rồi, vì tay trái ít làm việc hơn. Thụy nhìn chăm bàn tay Miên di chuyển trên cổ chân mình, anh nói một câu nửa đùa nửa thật: “Cảm ơn cái chân đau. Dễ gì được một bàn tay đẹp thoa lên chân mình”. Thoa chân xong, Thụy bảo Miên mở va ly tìm cho mình bộ quần áo mặc ở nhà. Nhìn anh nhúc nhắc chân đi vào phòng vệ sinh để thay đồ, Miên thấy lo không biết bao giờ chân anh mới lành. Như đoán được điều lo lắng của Miên, Thụy bảo: “Không sao đâu, anh chỉ bị bong gân thôi mà”. Nói rồi Thụy kéo Miên nằm xuống bên anh, và vòng tay anh ôm chặt chị vào lòng. Một cảm giác xúc động đến nghẹn thở khi Miên -lần đầu tiên -nằm bên người đàn ông mình yêu từ thời con gái xa lơ xa lắc. Chị cứ nghĩ đây phải chăng là một giấc mơ? Thấy trên cổ áo Miên vẫn còn móc chiếc kính râm, Thụy nhẹ nhàng gỡ ra rồi hỏi: “Em có cần gỡ bỏ thứ gì nữa không?”. Miên nguýt Thụy một cái rồi nói: “Hay quá nhỉ”. Thụy cười. Mấyngày sau chân Thụy lành, hai người rủ nhau về Quảng ngãi để thăm lại đảo Lý Sơn, và vùng Cổ Lũy. Hơn bốn mươi năm trở về nhìn sự thay đổi của vùng đất nhiều kỷ niệm, hai người không khỏi ngậm ngùi trước trôi chảy của thời gian.
Bao nhiêu lần Thụy ngỏ ý muốn hợp thức hóa quan hệ giữa hai người nhưng Miên từ chối. Miên nghĩ như thế để làm gì? Đã muộn quá rồi. Thôi thì hãy cứ sống như bây giờ, được lúc nào hay lúc đó. Thụy cũng nhiều lần xin số phôn và địa chỉ của con gái chị bên Mỹ để liên lạc, nhưng Miên cũng không muốn quan hệ của hai người đi xa hơn. Nhưng với Thụy – như anh nói – đó là tất cả ước mơ cuối đời của anh. Có lần hai người cùng xem báo điện tử, tờ báo có đưa tin một cặp ông già, bà lão trên chín mươi tuổi sống trong nhà dưỡng lão của Mỹ kết hôn với nhau. Anh nhìn Miên, nói một câu hờn trách: “Em còn thua cặp nầy nhiều quá phải không Miên?”. Miên cắn môi, thấy mình như người có lỗi. Chị muốn thử thách anh chăng? Thoáng một giây, trong tận cùng đáy lòng chị bỗng bồn chồn một ý nghĩ: Biết đâu rồi sẽ có lúc mình phải thay đổi quyết định của mình.
Cứ như thế, Thụy cứ đi đi, về về giữa Việt Nam và Mỹ như một lời xin lỗi hơn bốn mươi năm dài xa vắng, như một cánh chim đơn lẻ mùa thiên di, một cánh chim chẳng còn trẻ trung gì nhưng vẫn phải bay hoài trên đôi cánh mỏi.
VƯƠNG HOÀI UYÊN
Tác Giả: Vương Hoài Uyên
Serenade
Nhạc: Franz Schubert
Hòa tấu Violin
* Phụ Lục:
Vương Hoài Uyên Với Giọt Nắng Cuối Ngày
Tác Giả: Lê Công Sơn
Hình ảnh : Internet
Một mối tình đẹp và sẽ đẹp mãi nhờ không gian cách trở.
Một chuyện tình đẹp và trọn vẹn hơn nếu cô Miên thay đổi quyết định của mình.