Tác giả: LS Trần Công Ly Tao
THĂM LẠI TRƯỜNG CŨ
Ls.Trần Công Ly Tao
Cựu Giáo sư Trường Trung học Cường Để- Quy Nhơn (Trường Quốc học Quy Nhơn)
Gần 45 năm trước, đang tập sự luật sư tại Quy Nhơn, tôi được tuyển dụng làm giáo sư dạy giờ môn Công dân giáo dục tại trường Trung học Cường Để, Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Do thời cuộc đổi thay, cuối tháng 3 năm 1975 tôi rời Quy Nhơn trở lại Sài Gòn sinh sống. Nhân dịp tổ chức lễ kỷ niệm 95 năm thành lập trường, thầy Trần Xuân Bình – Hiệu trưởng Trường Quốc học Quy Nhơn (lúc tôi dạy học tại đây, Trường có tên Trung học Cường Để) gởi thư mời các thầy cô từng dạy ở trường, trong đó có tôi về dự kỷ niệm 95 năm thành lập trường (1921 – 2016).
Tuy tuổi đã cao, đường sá xa xôi, tôi thu xếp thời gian về với trường. Ngày 05.8.2016, tôi đáp máy bay từ sân bay Tân Sơn Nhất qua sân bay Phù Cát rồi đi xe buýt từ Phù Cát vào Tp.Quy Nhơn. Vừa tới trạm hàng không Quy Nhơn, tôi gọi điện thoại cho em Thái Ngọc Bích – nguyên Chủ tịch UBND Tp.Quy Nhơn, là học sinh lớp 9 lúc tôi dạy ở trường Cường Để. Em Bích đến đón tôi về nghỉ tại khách sạn Én Việt (số 54 An Dương Vương, Tp.Quy Nhơn) bên bãi biển Quy Nhơn xinh đẹp.
Lúc 7 giờ sáng hôm sau (ngày 06.8.2016), sau khi thức giấc, tôi đón xe taxi đi ăn sáng ở quán bún cá Ngọc Liên (số 379A-B Nguyễn Huệ, Tp.Quy Nhơn) rồi gọi xe taxi thẳng tới Trường Quốc học dự lễ. Các thầy cô cựu giáo chức chúng tôi được Ban lễ tân nhà trường trao tặng phẩm (sách kỷ yếu, báo Bình Định, trà, hiện kim) và hướng dẫn an tọa. Cuộc hội ngộ thú vị với các đồng nghiệp cũ: Thầy Nguyễn Văn Độ, Thầy Nguyễn Văn Hùng, Thầy Nguyễn Kim Ba, Thầy Võ Thăng… tôi rộn lên niềm vui khó tả. Tôi rất mừng nhận thấy các đồng nghiệp năm xưa nay tuy đã luống tuổi mà vẫn tráng kiện! Thầy Độ đã 85 tuổi, Thầy Thăng cũng đã vào độ tuổi xưa nay hiếm vẫn còn dạy luyện thi “tú tài” nhằm giữ cho đầu óc minh mẫn, tạo ra thu nhập để trang trải cuộc sống!
Ngẫm nghĩ về quá khứ “vang bóng một thời” lòng tôi xao xuyến biết bao nỗi niềm dĩ vãng. Cả ngàn người về trường dự lễ hội, Ban tổ chức có phần bị động trong việc đón tiếp đại biểu. Giá mà chương trình có mục “gặp gỡ thầy trò” đề cập danh tánh, công ơn thầy cô, đại diện lớp học sinh ngày trước gặp gỡ, thăm hỏi thầy cô giáo cũ không khí lễ hội sẽ tăng thêm sự ấm áp, long trọng.
Tôi trân trọng tình cảm mà em Thái Ngọc Bích, học trò cũ của tôi đã dành cho tôi sự quan tâm đặc biệt, từ việc tìm nơi nghỉ ngơi, tiệc tùng đến giao tiếp với thân hữu. Gần nửa thế kỷ, thầy trò chúng tôi mới có dịp tái ngộ, bao kỷ niệm đẹp không thể nào phai mờ theo năm tháng không thể nào quên hiện về!.
Vào đầu thập niên 70 thế kỷ 20, thầy trò chúng tôi gắn bó: là người thầy, tôi coi học sinh của mình như “con em trong nhà” hết lòng truyền đạt tri thức cho các em học sinh, giúp các em vận dụng sự hiểu biết thiết thực vào đời sống. Các thầy cô giáo chúng tôi kỳ vọng các học sinh của mình sẽ trở thành người hữu dụng: “ngày nay học tập, ngày sau giúp đời”. Cuộc chiến trên quê hương ngày càng khốc liệt, tính mạng, tài sản người dân luôn bị đe dọa. Tôi tin lòng yêu nước của lớp người trẻ. Tôi đưa các em học sinh đi dự các phiên xử án ở tòa án tỉnh Bình Định, nhằm giúp các em nhận thức về những bất công xã hội đang diễn ra. Tôi phổ biến bản Cáo trạng số 1 của Linh mục Trần Hữu Thanh – Chánh xứ nhà thờ Tân Sa Châu (đường Trương Minh Ký quận Tân Bình – Đô thành Sài Gòn). Một số thầy cô giáo chơi thân với tôi cho rằng quan điểm “khuynh tả” của tôi về thời thế chưa thích hợp, họ khuyên tôi nên dè dặt, thận trọng. Thời cuộc thay đổi nhanh chóng, lúc bấy giờ tình hình ở Tp.Quy Nhơn đã có dấu hiệu lộn xộn trước ngày giải phòng, tôi rời đất “người về” sum họp với người thân tại Sài Gòn. Ít lâu sau, ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi về thăm trường Cường Để, gặp lại một số bạn bè, người quen cũ, khi tiếp xúc với tôi họ e ngại, tôi băn khoăn nên sớm quay trở lại Sài Gòn.
Vẫn biết hoàn cảnh mỗi người khác nhau, tôi tâm đắc khi gặp lại các đồng nghiệp ngày xưa “tay bắt mặt mừng”. Ngồi quay quần bên một số thầy, cô thân thiết cũ, tôi chợt nhớ tới cô td (cô td bây giờ ở huyện Phù Cát). Những năm tháng dạy học ở trường Cường Để, cô td thuộc nhóm bạn thân với tôi. Nghe nói ngày 20.11.2015 cô có về trường dự lễ Ngày Nhà Giáo. Nhưng hôm nay không thấy bóng dáng cô! Thầy Nguyễn Kim Ba biết tôi thắc mắc về sự vắng mặt của cô, sốt sắng nói với tôi thầy sẽ cho tôi biết số điện thoại cô td để tôi tiện liên lạc. Tôi cũng nhớ tới thầy Lê Đại Đồng và tình sử thời thanh xuân của thầy với một đồng nghiệp cũ rồi cũng là thoáng mây bay trong khung trời kỷ niệm, còn một bóng hồng xinh đẹp ngày xưa là cô Quang, sau 75 được gặp cô ở Sài Gòn với nụ cười làm xao xuyến biết bao người , vẫn nhớ kỷ niệm nơi nhà cô và hồ cá cảnh, tôi vụng về giỡn cá bị chú cá lia thia cắn tay một tuần sau chưa bớt…ôi! cô Quang…
Sau 2 ngày lưu tại Tp.Quy Nhơn thăm trường cũ, chúng tôi (tôi, thầy Nguyễn Kim Ba, thầy Trần Quốc Ưng) được em Thái Ngọc Bích mời dự các bửa tiệc thịnh soạn. Sáng ngày 07.8.2016, tạm biệt thầy cô giáo và học trò thành phố “người về” tôi trở lại Sài Gòn tiếp tục công việc thường nhật của mình. Chuyến về dự lễ kỷ niệm 95 năm thành lập trường Quốc học Quy Nhơn đầy ấp nghĩa tình. Tuổi thanh xuân của tôi một thời gắn bó với Tp.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Người Bình Định rất đổi tự hào về vị anh hùng kiệt xuất Nguyễn Huệ – Vua Quang Trung đã dẹp tan quân xâm lược phương Bắc, giành độc lập cho nòi giống Lạc Hồng: “Mà nay áo vải cờ đào – Đem thân dựng nước biết bao công trình” (Ai tư vãn – Ngọc Hân Công Chúa)!
Chuyến về dự lễ kỷ niệm 95 năm thành lập trường Quốc học Quy Nhơn đầy ấp nghĩa tình. Tuổi thanh xuân của tôi một thời gắn bó với Tp.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Người Bình Định rất đổi tự hào về vị anh hùng kiệt xuất Nguyễn Huệ – Vua Quang Trung đã dẹp tan quân xâm lược phương Bắc, giành độc lập cho nòi giống Lạc Hồng: “Mà nay áo vải cờ đào – Đem thân dựng nước biết bao công trình” (Ai tư vãn – Ngọc Hân Công Chúa)!
Bài viết dạt dào cảm xúc, cám ơn Luật sư Trần Công Ly Tao.
Chào LS Trần Công Ly Tao ! Thật bất ngờ lại gặp anh nơi này ! Cũng hơn 10 năm rồi chưa gặp lại nhau … có lẽ cũng do bôn ba trong cuộc sống riêng…
Đọc bài viết về chuyến về thăm QN nhân dịp họp mặt kỷ niệm của trường Cường Đễ tràn đầy cảm xúc rất hay TKL cũng vui lây với tâm trạng của người về thăm chốn cũ! Chúc anh luôn vui khỏe& hạnh phúc thật nhiều.( chắc anh cũng không biết là Loan nào xin nhắc để nhớ là LOANvợ anh NGHỊ cháu cô HẠC thường gọi anh là Chú Tao đó)