Tranh Của Thầy Tôi

Tác Giả: Tống Văn Thụy

Thầy là giáo sư Lê Khắc Phò( 1928-1997), dạy chúng tôi môn địa lý ở Trường Đại Học Sư Phạm Huế (1969-1973). Một  ngày cuối đông sương mù giăng kín sông Hương, tự nhiên tôi nhớ  đến thầy cũ, ngôi nhà số 4 Đinh Công Tráng, Thành Nội, phòng khách ấm cúng điểm xuyết những bức tranh…

Tranh thầy dẫn dắt rong chơi. Màu sắc, hoa lá, tĩnh vật, phố và thuyền, những khuôn mặt thân quen trong gia đình…thay cho bài học địa lý thuở nào. Phòng tranh trong trí tưởng khai mạc…Bức tranh đầu tiên trong catalogue( vựng tập) là góc phố Montpellier, nơi thầy đã sống thời trẻ nằm phía Nam nước Pháp, nhìn ra Địa Trung Hải. Phố  bình yên, cột đèn, con đường nhỏ, mảng tường vàng…Thời gian ngừng trôi. Đông-Tây gặp nhau nơi cuối đường. Không gian sinh viên của thầy phảng phất nét thân quen khiến tôi nhớ quá Bến Ngự và con đường lên dốc, vừa đi vừa ngước nhìn…

Thời tôi đi học, có hai người thầy” retour de France”, du học Pháp trở về, họ để lại một dấu ấn khó quên, đó là thầy qua nhân cách,con người và tranh. Người thứ hai là nhà thơ Nguyên Sa dạy Triết qua những bài giảng  và thơ.

Tranh thầy vẽ nơi xứ người, có bức “Vũ công”, khá lạ lẫm. Tranh đứng riêng một góc phòng, cô đơn trong “cõi người ta”, người nữ không đẹp như  thiên thần, da thịt măng tơ như những vũ công của Degas. Cô ta “ngồi xuống chiếc ghế nghỉ ngơi”( TCS) cuối ngày khi ánh đèn sân khấu đã tắt. Limelight.Son phấn nhạt nhòa, “vai em gầy guộc nhỏ” ( TCS), tôi liên tưởng những nhân vật chèo phía sau hậu trường trong tranh Bùi Xuân Phái.”Phố Phái” thì xuất thần mà “tranh chèo” Phái mang nỗi ngậm ngùi.

Bút pháp của thầy gần với trường phái ấn tượng. Một trong những chủ đề của tranh ấn tượng là những khuôn mặt thân quen trong gia đình. “Cây cọ vẽ ấn tượng nhất trong đám ấn tượng phản kháng”, người nữ vẽ tranh Berthe Morisot thường vẽ cảnh đầm ấm trong gia đình với con gái, chồng, người cháu gái…Tranh thầy không đi ngoài vòng tay thân ái ấy.

Tôi lặng lẽ lướt qua  chân dung người thân trong gia đình thầy. Hoài niệm.Nhớ những lần đến thăm thầy, mùa giêng hai rét mướt Huế, “ Mùa xuân còn gì thưa em/ Sáu dây rét mướt chưa mềm trăng khơi” ( Hoàng Trúc Ly) ,  Tranh vẽ cô Liên, nét Huế nền nã, chân dung những người con,  Lê Khắc Hãn, ba anh chị em chơi domino, cô Mai sương khói  như Alissa trong truyện của A.Gide…Xem tranh, tôi bỗng nhớ chiếc khăn quàng màu rượu chát của thầy, mái tóc bồng bềnh, chiếc áo veste rất đúng điệu và giờ địa lý trong căn phòng kín cửa trường ĐHSP Huế. Căn phòng mà có lần tôi đã thi vị hóa khi so sánh với quán cà phê đèn mờ trong khi bạn tôi Lê Thí thì than” Chao ơi!Nóng ơi là nóng!”

Trong dòng tranh tĩnh vật của thầy có bức tranh vẽ chiếc bàn tròn phủ khăn màu xanh thẫm. Chai bia, chiếc cốc đang uống dở dang,gói thuốc, cái gạt tàn còn vơi. Nói theo giọng Huế:” Tranh buồn chi lạ!”.Tưởng tượng thầy tôi, người nghệ sỹ cô đơn những năm tháng ấy sống vò võ trong căn nhà rộng thênh thang. Hình như bức tĩnh vật cùng thời với  tranh “ Nhà máy vôi Long Thọ” tuyệt không một bóng người của Bửu Chỉ trên trang bìa tờ Sông Hương. Thuở ấy, Trần Vàng Sao viết bài thơ “ Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về đời mình”.

Ngày tháng lêu bêu ấy, từ Đà Nẵng, …đáp tàu chợ ra Huế, tôi loay hoay kiếm xe đò về quê, miệt Bảng Lãng. Xe thì thi thoảng mới có mà mẹ chị thì đã gồng gánh nêm đầy xe Tôi đành đi bộ về quê, khoảng mươi cây số, vừa đi vừa tưởng tượng làng quê nghèo của mình là Từ Lâm trong bài giảng văn thuở nhỏ…” Tôi đến một nơi gọi là Từ Lâm…” (Nhất Linh).

Thuở ấy, ghé thăm thầy, tôi thường được thầy “đãi” đi uống cà phê Sửu chỗ ngã ba Phan Bội Châu cũ, bây giờ là Phan Đăng Lưu. Ở đây “ hoài cố nhân”, nhiều khi gặp lại thầy Trương Ngọc Phú, dạy Sử.

Rồi thầy cũng…đành bỏ Huế mà đi. Đâu đó khoảng năm 1993, sau khi  xuất bản cuốn “ Khí hậu đồng bằng khu vực Huế” và sau lần triển lãm tranh duy nhất ở Hội Mỹ Thuật. Như một lời tạ từ Huế…

Vào thăm thầy tận Gò Vấp, Tôn Thất Cẩm Đăng chở tôi trên chiếc Vespa Super màu xanh da trời. Vacances Romaines từ thuở Rock Hudson Cẩm Đăng còn là sinh viên năm thứ nhất,” cậu ấm đẹp trai, con nhà giàu học giỏi”. Qua bao dâu bể, xe vẫn chạy tốt, lòng vòng năm bảy cái sur/hẽm thì đến nhà thầy. Thầy trò gặp nhau, “hồ hỡi, phấn khởi”…

Tôi mạn phép gọi tên tranh thầy thời kỳ nầy là “nắng phương Nam”. Nắng rực rỡ trên hoa lá tĩnh vật, trên góc phố cổ Hội An. Hình như, tranh  phố và thuyền Hội An còn dang dở…Dù vậy, tôi  yêu bức tranh nầy. Khác với nhiều họa sỹ tìm về Hội An vì…rêu, thầy tôi không bị ám ảnh vì rêu phong cổ kính, thầy trầm mặc quá lâu bên đền đài miếu mạo, bên dòng sông tuyệt đẹp nhưng mưa nắng thất thường…

Rồi mùa xuân không về, mùa thu cũng ra đi”(TCS)

Thầy tôi qua đời ngày 12/3/1997 ở Sài Gòn.

Bao nhiêu năm học với thầy, tôi biết thầy là người ngại xê dịch, vậy mà lặn lội xách giá vẽ, cọ, màu lỉnh kỉnh ra Hội An vẽ…Phải “yêu đời, yêu người” ghê gớm lắm. Hay nhờ nắng phương Nam.

Góc phố Hội An của thầy, nhiều người đã vẽ trong đó có bạn tôi, Hứa Lạc Thành, một người con của Hội An xa xứ. Thầy không nhìn Hội An như di tích, càng không là di sản, chỉ là một nơi trở về, rong chơi, dừng chân ghé bến ngồi uống ly cà phê …

Từ ly cà phê  buổi sáng Huế mù sương đến tách cà phê espresso Hội An thời mở cửa khách thương tấp nập, từ sông Hương đến sông Hoài, thêm một thoáng sông Sài Gòn…dòng sông nào thầy tôi đã xuôi đi. Nước non ngàn dặm…

TỐNG VĂN THỤY

4 thoughts on “Tranh Của Thầy Tôi

  1. Quốc Tuyên.

    Trong dòng tranh tĩnh vật của thầy có bức tranh vẽ chiếc bàn tròn phủ khăn màu xanh thẫm. Chai bia, chiếc cốc đang uống dở dang,gói thuốc, cái gạt tàn còn vơi. Nói theo giọng Huế:” Tranh buồn chi lạ!”.Tưởng tượng thầy tôi, người nghệ sỹ cô đơn những năm tháng ấy sống vò võ trong căn nhà rộng thênh thang. Hình như bức tĩnh vật cùng thời với tranh “ Nhà máy vôi Long Thọ” tuyệt không một bóng người của Bửu Chỉ trên trang bìa tờ Sông Hương. Thuở ấy, Trần Vàng Sao viết bài thơ “ Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về đời mình”.

    Bài viết dạt dào cảm xúc, qua từng lời cảm nhận những bức tranh của thấy Lê Khắc Phò đã thấy được anh kính trọng và yêu mến thấy vô vàn.

    Reply
  2. Kiều Thanh

    Đọc bài viết, thấy ngưỡng mộ người Thầy qua ngòi bút lãng đãng của một học trò. Cuộc sống mỏng manh, còn ngắn ngủi hơn hơn bức tranh “Tĩnh vật” người đã vẽ. Cám ơn những thước phim kí ức về tình Thầy Trò quá bùi ngùi, cảm động.

    Reply
  3. Sơn Ca

    Sơn Ca không biết vẽ mà rất ái mộ các họa sĩ.Ước gì mình biết vẽ nhỉ!!!

    Reply
  4. Thu Thủy

    Những bức tranh thật đẹp nhưng sao buồn và lặng lẽ quá , anh Thụy .Qua bài viết của anh , Thủy hình dung một người Thầy trang trọng , đáng kính và rất nghệ sĩ.

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.