Mua Láng Giềng Gần

Tác Giả: Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Khi nói: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần” thì các cụ ta có ý ám chỉ tính cách quan trọng trong tình nghĩa thuận hòa lối xóm, ngày ngày đi về thấy nhau, tháng năm gần gũi với nhau.

Trong Kinh Thánh cũng ghi một câu tương tự: “Far better a neighbor that is near than a brother far off.”

Trong khi đó thì Giám đốc Stephen Glaude của Hiệp Hội Hàng Xóm Quốc Gia tại Thủ đô Washington, Hoa Kỳ, lại thực tế hơn: “Hàng xóm là một loại bảo hiểm có giá trị tương đương với bảo hiểm tài sản, hỏa hoạn hoặc sức khỏe”.

Và theo hiền triết Khổng Tử: “Lý nhân vi mỹ. Trạch bất xử nhân, yên đăc trí”. Xóm có nhân hậu là xóm tốt. Người chọn chỗ ở mà chẳng chọn xóm nhân hậu thì làm sao gọi là trí được

Thực vậy, hài hòa hàng xóm láng giềng không những cần thiết mà còn có lợi cho sức khỏe. Cơ quan Y tế Thế giới định nghĩa sức khỏe tốt là sự vẹn toàn về thể xác, tinh thần vài hài hòa xã hội, trong đó có hòa nhập với những người sống trong cùng khu phố.

Các nhà chuyên môn y khoa học cũng đồng ý là hàng xóm tốt giúp đời sống an bình hơn. Có nghiên cứu cho hay nơi nào dân chúng sống hòa hoãn với nhau thì bệnh tim cũng ít. Họ không bị ảnh hưởng của những căng thẳng trong giao tế giữa những người lân cận.

Thử tượng tượng sống cạnh một gia đình mà họ thường xuyên “hàng thịt nguýt hàng cá”, dòm ngó nhà mình, bình phẩm điều này, chê bai điều kia, vặn nhạc ồn ào, xe đậu bừa bãi thì làm sao mà đời sống của mình thoải mái, ăn ngon ngủ yên cho được.

Ngược lại, khi nấu bát canh chua, thiếu quả cà to mát mà lối xóm sẵn sàng “có đây”,tiếp tế. Cần nhờ để mắt coi chừng nhà khi đi nghỉ hè mà họ sẵn sàng nhận lời. Cần thợ sửa xe kinh nghiệm mà họ ân cần giới thiệu một nơi…thì đời sống chắc là nhẹ nhàng dễ chịu hơn…

Tại Hoa Kỳ, sự quan trọng của tình nghĩa hàng xóm láng giềng đã được quốc hội biểu quyết và các Tổng Thống  Nixon, Ford và Carter ký ban tuyên cáo Ngày Quốc Gia Hàng Xóm Tốt “National Good Neighbor Day” vào năm 1978. Đó là ngày Chủ Nhật thứ tư của tháng 9. Tới năm 2003, Thượng viện Hoa kỳ đổi sang ngày 28 tháng 9 hàng năm.

 

Mà muốn trở nên hàng xóm tốt với nhau cũng không phải là khó thực hiện. Có những điều làm vui lòng nhau thì cũng có nhiều việc mang lại cảnh “bằng mặt mà không bằng lòng”, bất bình lối xóm.

        Làm vui lòng nhau:

-Trước khi dọn vào tố ấm mới, ghé qua mấy nhà kế cận thân thiện tự giới thiệu, hỏi han vài điều về lối xóm, xã giao “vườn nhà ông bà chăm sóc giản dị mà đẹp đấy nhỉ!” hoặc tôi thích mầu sơn phía trước nhà ông bà, rất “bắt mắt”

-Khi dọn tới rồi thì lần lượt “hello” từng nhà, làm quen. Vì không gì dễ dàng để giải quyết khó khăn có thể xảy ra sau này là nếu ta đã biết qua về họ và họ cũng biết ta ra sao. Đôi khi tìm ra được người có cùng ngành nghề, sở thích thì cũng vui hơn.

–Cởi mở trò chuyện với lối xóm, giúp đỡ họ khi thấy cần, nhất là với người tuổi cao hoặc cháu bé. Gửi bà hàng xóm một thiệp chúc mừng mới sanh baby. Giúp bác cao tuổi lấy báo mỗi sáng. Nếu lối xóm có tập tục Block Party thì vui vẻ tham gia hoặc tạo ra thói quen hữu ích này để có cơ hội gặp nhau.

-Để ý tới lối xóm, canh chừng có sự việc bất thường xảy ra. Một người lạ khênh vật quý từ một ngôi nhà mà chủ nhân đi nghì mát. Một lão nhân mọi ngày vẫn ra nhặt báo, đột nhiên vắng mặt hai, ba ngày?  Mình để ý tới hàng xóm thì họ cũng trông chừng cho mình.

-Giữ vườn tược nhà cửa tươm tất, sạch sẽ. Nhặt bỏ lon nước, giấy quảng cáo, báo cũ, đậu xe vào lối đi nhà mình, đóng cửa nhà xe khi không cần mở.

-Thấy một gia đình mới dọn tới, sẵn sàng tiếp tay dỡ bốc vật dụng, bàn ghế, mang biếu một bữa cơm mà họ chưa kịp nấu.

-Nếu có ý định làm một hàng rào giữa hai nhà thì cũng cho lối  xóm hay trước và đề nghị thay phiên gìn giữ sơn phết của chung. Cho đẹp mắt mọi người.

-Mượn nhau cái kìm, cái búa, bơm bánh xe đạp thì nhớ mang trả càng sớm càng tốt với lời cám ơn. Thay thế vật hư hao hoặc lau chùi sạch sẽ trước khi trao hoàn cố chủ

-Định liên hoan họp mặt đông người, nên cho lối xóm hay, xin sự thông cảm vì nhiều xe đậu cản lối đi, người ra vào tấp nập, con trẻ chạy loăng quăng la hét. Cho lối xóm số điện thoại của mình để kêu khi có xe cản lối ra vào hoặc có điều muốn nói. Hãy để họ kêu mình trước khi họ kêu cảnh sát. Họ than phiền thì giải quyết ngay.

-Nuôi vài con chó con mèo làm bạn thì cũng đừng để chạy rông nhà này nhà khác, moi móc thùng rác, sủa cắn om sòm nửa đêm, về sáng.

Đưa chó dạo chơi, chạy bộ với dây dắt chó, thánh toán “của thừa” do chó thải ra trên bãi cỏ đường đi để người khác đừng dẵm phải.

-Hàng xóm tốt làm cuộc sống của mình dễ chịu hơn, nhưng đừng quên đó là con đường hai chiều, có qua có lại mới toại lòng nhau. Vả lại, đã là hàng xóm thường thì phải phụ thuộc với nhau dù khác chủng tộc, tôn giáo, nghề nghiệp. Nhớ giao hữu nhưng vẫn tôn trọng tính cách riêng tư lối xóm.

-Anh hàng xóm có cái xe cũ rích nằm cạnh nhà cả mấy năm chuột bọ làm tổ, rác rưởi tung tóe, thì thay vì kêu cảnh sát, nhẹ nhàng góp ý là tôi sẽ giúp ông kéo nó đi, để lâu e rỉ xét, vừa kém mỹ quan vừa đưa tới rủi ro cho sức khỏe các cháu

Và mích lòng nhau:

-Lái xe ra vào ào ào nhanh như gió.

-Thùng rác lăn lóc trước cửa cả tuần lễ không mang vào

-Sớm tinh sương, tối 9, 10 giờ máy cắt cỏ chạy ầm ầm.

-Đậu xe lấn nát sân cỏ đẹp nhà người.

-Con trẻ chơi nhạc quá to, party quá trễ.

-Chơi đêm về khuya, rượu say lái xe lạng quạng, đóng cửa xe cửa nhà rầm rầm, la hét người phối ngẫu, bầy con om sòm…

        Kết luận

Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau.

Hàng xóm tốt đôi khi không được tán thưởng nhưng luôn luôn được để ý. Tâm lý con người thường có thói quen truyền miệng rỉ tai, “buôn lê” về người hàng xóm xấu chứ ít khi nói tới  người hàng xóm tốt.

Và một mẩu đối thoại hy vọng chẳng bao giờ xảy ra ở khu phố nhà mình:

Hai người láng giềng trò chuyện, một người nói:

-“Tôi rất tiếc là mấy con gà nhà tôi đã ăn hết những hạt hoa vừa gieo bên vườn nhà bác”.

– Ôi, chuyện nhỏ thôi mà bác ơi. Nhân tiện cũng xin bác thứ lỗi cho, con Vện nhà tôi đã cắn chết mấy con gà ấy rồi.

– Không sao, tối qua xe hơi bà nhà tôi đã lỡ chẹt chết con chó nhà bác.

– Tôi biết rồi, vì thế lúc tôi cưa cây tôi cũng đã cưa thủng lốp xe của bà nhà.

– Vậy à! Nhân tiện tôi xin hỏi nhà bác mua bảo hiểm hỏa hoạn chưa đấy?

Rõ thực là “ăn miếng, trả miếng”.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

www.bsnguyenyduc.com

2 thoughts on “Mua Láng Giềng Gần

  1. Thu Thủy

    Cám ơn Bác Sĩ , bài viết quá hay rất thích nhận định của Giám đốc Stephen Glaude của Hiệp Hội Hàng Xóm Quốc Gia tại Thủ đô Washington, Hoa Kỳ: “Hàng xóm là một loại bảo hiểm có giá trị tương đương với bảo hiểm tài sản, hỏa hoạn hoặc sức khỏe”.

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.