Tác giả: Trần Ngọc Phương
Những người nào hoặc những ai đó đã từng lớn lên và trưởng thành trong giai đoạn chiến tranh vào những năm 60, 70, ở vào cái thuở ‘nhìn đời bằng ánh mắt ân tình sáng long lanh’, thì thế nào cũng có vấn vương hay là gắn bó với một vài bản Boléro kỉ niệm nào đó trong đời. Bởi vì ai lớn lên mà ‘không từng hẹn hò không từng yêu thương’. Và chuyện yêu thương thì thường chông chênh lắm, trên con đường tình yêu ở thời chiến tranh thường chỉ ‘trăm lần vui’, nhưng có đến ‘vạn lần buồn’. Con đường mấp mô kể thế, vạn lần buồn còn đỡ, chứ đột ngột ‘Bỗng một hôm thiệp hồng báo tin vui. Tin em lấy chồng…’ thì coi như đã ‘tan thành khói sương’. Như thế thì phim đứt bóng, hạ màn. Và để rồi, đêm từng đêm, phải ngồi ‘chong đèn nhìn khói thuốc bay’. Ngồi để nhớ nhung về ’em của ngày hôm qua’ mà thì thầm “Chuyện tình của tôi, tan vỡ từ lâu rồi…” (Đôi mắt người xưa, NG), hoặc “Thôi nhắc nhở để mà chi, quay về xưa làm gì / Giờ hai lối mộng hai hướng đi…”(Hai lối mộng, TP), cho dịu cõi lòng, cho vơi bớt tâm sự.
Boléro là như thế đó, một thể loại nhạc dễ làm xao xuyến con tim của người nghe ngay từ vài câu đầu. Trong lúc tâm trạng con người không qúa vui, không quá buồn, trong lúc dìu dịu, mênh mang là thời điểm tốt nhất để giai điệu Boléro xâm nhập vào “nội tạng” của người nghe. Bởi lúc ấy, con tim dễ cảm thông với những câu chuyện tâm tình thủ thỉ bên tai. Mà boléro lại là “vua” trong chuyện kể lể nỉ non tha thiết…
Bolero là một thể loại nhạc (genre music) sinh ra ở Cuba vào thế kỷ 19. Dù cái tên Boléro có xuất xứ đầu tiên từ Tây Ban Nha, nhưng nó đã cải biến và phát triển mạnh mẽ ở Châu Mỹ La tinh, Boléro biến đổi nhiều, và trở nên khác biệt với nơi gốc gác của nó. Sự khác biệt là từ nhịp 3/4 chuyển sang 2/4 rồi trở thành nhịp 4/4. Nhưng sự khác biệt rõ nhất là tác động của nhịp điệu Châu Phi vào nền tảng của Boléro, tạo ra thể loại Boléro – latin.
Các nhà nghiên cứu âm nhạc đều đồng ý cho rằng, bản nhạc Boléro đầu tiên là bản Tristezas (Nỗi buồn) xuất hiện vào năm 1885, được viết bởi một nhạc sĩ người Cuba tên là Jose “Pepe” Sanchez. Bản nhạc này đã phổ biến rộng rãi và nó được chấp nhận như là tác phẩm chính thức cho phong cách boléro cổ điển (nghĩa là đi cùng chiếc guitar và bộ gõ) (But what most agrees with, is that the first Bolero was written by Cuban Jose “Pepe” Sanchez in Santiago de Cuba in 1885, or around that time, and it was called Tristezas. Some historians don’t agree at all and it still creates a lot of controversy, but it is probably the first more widely known Bolero, so it is accepted that this piece gave the formal origin to this genre, it is classical style, which means accompanied by guitar and percussion. Theo Bolero History, hipsonfirevillage.com). Cũng chính vì ý kiến đồng thuận đó, cho nên vào năm 1985 ở Miami, Florida, Viện bảo tàng Văn hoá và Nghệ thuật Cuba đã tổ chức lễ kỉ niệm 100 năm sự ra đời của thể loại nhạc Boléro.
Boléro du nhập sang Việt Nam thời gian nào không rõ rệt. Nhiều nhạc sĩ cho là vào đầu những năm 50, có người nói là cuối những năm 40. Không một mốc thời gian nhất định. Nhưng có điều chắc chắn là nhịp điệu Boléro đã bám rễ, và phát triển mạnh ở miền Nam vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Như đã nói, Boléro-Latin mang âm hưởng của nhịp điệu Châu Phi từ những di dân nô lệ được mang sang làm việc cho các ông chủ Châu Âu ở vùng Châu Mỹ. Giai điệu mang nỗi niềm tâm sự của lưu dân, những người có cuộc sống khốn cùng, chia lìa hay tan vỡ. Boléro thường tải đi một câu chuyện buồn theo nhịp điệu trầm bỗng nối tiếp. Nhịp trầm bỗng này dễ hoà điệu với nhịp thao tác lao động của lưu dân hằng ngày và tiết tấu của nó cũng có thể biến đổi nhanh hay chậm dễ dàng tuỳ theo tâm trạng của người hát. Khi Boléro du nhập vào Việt Nam một thời gian vừa đủ bám rễ, thì sau đó, đất nước lại rơi vào giai đoạn chiến tranh qui mô khốc liệt ở miền Nam. Trong cuộc chiến tranh dữ dội và đau thương ấy, người dân đã phải gánh chịu mọi hậu quả. Họ thống khổ trước cảnh mất mát chia ly hay chết chóc, và sự đói nghèo. Sầu khổ và than thân là tâm trạng chung của con người trong nghịch cảnh. Những nhạc sĩ có tài mang tâm trạng ấy vào tác phẩm âm nhạc bằng giai điệu Boléro chậm buồn. Khi bài hát được cất lên, những nỗi buồn, những tâm sự trùng trùng, chứa đầy trong tim can của họ như được cảm thông, và họ cảm thấy như được vuốt ve, an ủi. Hoá ra cái giai điệu Boléro – latin với âm hưởng của di dân nô lệ Châu Phi lại phù hợp với hoàn cảnh xã hội đau thương của người Việt. Boléro như là nhịp cầu để tỏ bày tâm tư tình cảm. Có sự cảm thông giữa nhịp điệu và tâm tình của con người cho nên Boléro dễ dàng phát triển mạnh ở trong giai đoạn này.
Ngoài hoàn cảnh xã hội, nhịp điệu Boléro lại phù hợp với những thể thơ có vần, như lục bát, hoặc hát vè, là những thể điệu quen thuộc của người bình dân đại chúng. Boléro trở nên dễ hát và dễ đi vào lòng người nghe. Chỉ cần đọc lời nhạc của một bản Boléro lên là thấy không khác gì một bài thơ với vần điệu hẳn hoi. Lấy thử một bản Boléro bất chợt như bài “Con đường xưa em đi” chẳng hạn, để thấy chất “vần” của nó: Con đường xưa em ‘đi’ / thời gian có quên ‘gì’ / đá mòn kia vẫn ‘ghi’ / Ghi một đêm trăng ‘thanh’ / quán bên đương vắng ‘tanh’ / chỉ còn em với ‘anh’. Lời bản nhạc đi hết vần “i” rồi tới vần “anh” chỉ hát lên một lần là mọi người thuộc ngay, dễ nhớ. Boléro phổ biến và quảng bá là thế. Và một bản nhạc đã quen thuộc, thì thường hay được người ta ngân nga hát hò ở mọi lúc mọi nơi. Và đôi khi được người ta biến cải hát tếu táo như thế này: Con đường xưa em… đi / Người ta kéo dây… chì / Thế là em hết… đi. / Em chạy su zu … ki. / Phóng qua cầu chữ… Y. / Đụng nhằm xe tắc … xi! Có thể lấy thêm vài bản nữa, để chứng minh cho tính vần điệu như thơ trong thể loại nhạc Boléro như:
Một ngày nào trên bến cô ‘liêu’
Xóm bên sông tiêu ‘điều’
Buồn hắt hiu mây ‘chiều’…(Đò chiều, TP)
hay:
Đợi hai ba năm ‘nữa’, quê mình thôi khói ‘lửa’
mời xuân đến với ‘tôi’, giờ này còn nổi ‘trôi’,
riêng tôi xin từ ‘chối’…. (Tôi chưa có mùa xuân, CK)
Boléro chẳng những hợp với thơ – vè, mà còn nữa, Boléro lại hợp với dân ca Nam bộ. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 từng nói “phần đông ca sĩ, nhạc sĩ là người miền Nam, nên hát và viết bài hát mang chất dân ca người Nam. Các nhạc sĩ lại thường viết Boléro theo giai điệu thứ, với nhịp 4/4, khi hát với điệu Boléro, nó đúng cái nhịp của người miền Nam”. Như thế, có thể nói là lối hát dân ca của người miền Nam rất hợp với nhịp nhạc Boléro.
Ngoài dân ca, nhịp Boléro cũng phù hợp với lối hát vọng cổ. Cũng bởi lẽ đó, các nghệ sĩ cổ nhạc đã sáng tạo ra lối hát gọi là ‘tân cổ giao duyên’ trong thể loại Cải lương. Nghệ sĩ cổ nhạc bắt đầu hát bằng một ca khúc tân nhạc với nhịp Boléro, xong, thì chuyển ngay qua phần hát cổ nhạc. Và khi xuống câu vọng cổ xong là lại chuyển tiếp qua phần tân nhạc bằng tiết tấu Boléro rất ngọt. Một sự kết hợp thật hài hoà. Soạn giả Viễn Châu cũng đã từng nói “lối hát vọng cổ khớp với Boléro, vọng cổ có thể hát và đàn theo nhịp điệu Boléro được”.
Chẳng những gì dân ca, vọng cổ miền Nam, mà theo tôi, lối hát bài chòi truyền thống của dải miền Trung, từ Quảng Nam, Quảng Ngãi cho đến Bình Định, Phú Yên, còn hợp với tiết tấu của Boléro hơn nữa. Ba nhịp cuối lời hô của anh “Hiệu” được giữ nhịp với thanh tre gõ vào nhau, cắt-cắt-cắt, trùng khớp với ba nhịp cuối của Boléro (hay Rumba), bùm-bùm-bum. Lời hô của anh “Hiệu” ngân nga theo nhịp, không khác gì ca sĩ khi ngân nga hát bản Boléro. Những điều kể ra này được xem là lý do để hiểu tại sao điệu Boléro phát triển và lan toả cả miền Nam lẫn miền Trung.
Boléro không chỉ hợp với dân ca, vọng cổ, thể thơ có vận. Mà hầu như, bất cứ thể thơ nào có mang chất tự sự, kể chuyện tâm tình, cũng rất thích hợp với nhịp điệu Boléro. Có thể lấy ví dụ từ bài thơ “Màu tím hoa sim” của nhà thơ Hữu Loan làm điển hình. Bài thơ này không vận, giống như một bài văn xuôi, nhưng nó mang đầy tính tự sự, kể lể, tâm tình. Dựa vào ý của bài thơ này mà các nhạc sĩ phổ thành bốn nhạc phẩm: Dzũng Chinh với “Những đồi hoa sim”, Phạm Duy với “Áo anh sức chỉ đường tà”, Anh Bằng với “Chuyện hoa sim”, Duy Khánh & Trọng Khương với “Màu tím hoa sim”. Bốn bản nhạc được viết bằng hai thể loại Slow và Boléro. Kết quả quá rõ ràng, điệu Boléro vẫn là thể loại được ưa thích hơn. Tác phẩm của Dzũng Chinh và của Anh Bằng được ưa chuộng hơn. Trường hợp tương tự với bài thơ “Tha la xóm đạo”của Vũ Anh Khanh cũng sáng tác thời kháng chiến. Dzũng Chinh phổ nhạc với tựa cùng tên, Sơn Thảo với “Hận Tha la”, Anh Tuyền với “Vĩnh biệt Tha la”. Cùng thể loại Boléro, nhưng có lẽ Dzũng Chinh vẫn cho thấy nét nổi bật và tài hoa hơn.
Nói tóm lại, loại nhạc Bolero-latin sang đến Việt Nam gặp hoàn cảnh thuận lợi, cả về “thiên thời, địa lợi, và nhân hoà” nên nhanh chóng phát triển mạnh và lan tỏa ra như nấm gặp mưa. Nếu Cuba được xem là nơi phát xuất Boléro-latin, thì chính Mexico mới là nơi phát triển và thăng hoa nhịp điệu đẹp lộng lẫy này. Khi Boléro truyền sang đến các nước Châu Á, thì ở Việt Nam thể loại Boléro đã bám rễ và có lẽ cũng có vai trò thăng hoa như thế, so với các quốc gia lâng bang khác. Đến nỗi nhà nghiên cứu âm nhạc người Mỹ Jason Gibbs viết hẳn một đề tài với tựa là: Điệu Rumba trên dòng Cửu Long: Bolero – Dạng ca khúc phổ thông của người Việt (Rumba on the Mekong: Bolero as a Vietnamese Popular Song Form). Để lý giải về sự phổ biến của nhịp điệu Boléro ở Việt Nam.
Ngoài nhịp điệu buồn, tiết tấu chậm. Boléro cũng rất phong phú ở phần ca từ. Có nhiều bài Boléro trong giai đoạn này có ca từ đẹp, nên thơ như :
Qua bến… nước xưa… lá hoa về chiều
Lạnh lùng… mềm đưa… trong nắng lưa thưa ( Nắng chiều, LTN)
Suốt canh tàn, một mình ta dưới ánh trăng vàng.
Đàn trầm rung khúc mơ màng (Trăng sơn cước, VP)
Hay lãng mạn:
Chiều nao, tiễn nhau đi khi bóng ngả xế tà
Hoàng hôn… đến đâu đây màu tím dâng trong hồn ta
Muốn không gian đừng tan, níu đôi chân thời gian
Ngừng trôi cho giây phút chia ly này kéo dài… (Chuyến tàu hoàng hôn, MK & HL)
Tha thiết:
Tôi dìu em về, đường về nhà em mưa lất phất mưa bay.
Con đường mòn hun hút mắt em sâu…” (Mùa mưa đi qua, DU)
Hay thâm trầm ẩn dụ:
Chiều chủ nhật buồn
Nằm trong căn gác đìu hiu
Ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều. (Lời buồn thánh, TCS)
Nhưng phần nhiều những bản nhạc Boléro là những lời mơ ước, những than thở chuyện tình chia ly tan vỡ hay trách móc thói đời đen bạc với lời lẽ đời thường:
Hồn lỡ sa vào đôi mắt em
Chiều nao xõa tóc ngồi bên rèm
Thầm ước nhưng nào đâu dám nói… (Về đâu mái tóc người thương, HL)
Hay những lời nói từ trên đầu môi nhân thế:
Người ơi, khi cố quên là khi lòng nhớ thêm
Dòng đời là chuỗi tiếc nhớ.
…………….
Từ lâu tôi biết câu thời gian là thuốc tiên
Đời việc gì đến sẽ đến. (Sầu lẻ bóng, AB)
Hoặc tỏ ý chua chát:
Đường thương đau đày ải nhân gian
Ai chưa qua chưa phải là người ! (Thói đời, TP)
(Bài bản này các chiến hữu lưu linh lúc cụng ly, vô mấy ve, là thường gõ nhịp đồng ca mỗi người mỗi bè: Đường, tương, chao, tàu hũ dưa leo/ ai chưa qua (hay chưa ăn) chưa phải là người (hay thầy chùa)… Ngoài những ca từ mộc mạc dung dị như thế. Còn lại là có quá nhiều bản Boléro có những ca từ hơi quá ư là ngây ngô thô thiển:
Không phải tại em …cũng không phải tại anh
Tại Trời xui khiến… nên chúng mình yêu nhau
………………
Không phải tại em… cũng không phải tại anh
Tại đời đen tối… nên chúng mình xa nhau. (Không phải tại chúng mình)
Chỉ cần đọc lên là thấy buồn cười. Giống như hai đứa trẻ hô lên trước khi chơi nẻ: Oánh tù tì…có cái này…là cái gì. Oánh tù tì…có cái gì…là cái này. Bởi có rất nhiều bài hát với lời lẽ quá “chân thật, chân thành, và tình thương mến thương” kiểu ấy, nên bản nhạc điệu Boléro được một số người phong cho cái tên mĩ miều là nhạc “sến”. Thử nghe vài câu hát của bản Boléro ‘Cho vừa lòng em’:
Anh về… góp lại thư em, cả nghìn trang giấy mỏng xanh màu.
Gom cả… áo lạnh ngày xưa, anh đem ra đốt thành tro tàn.
………….
“Tui” thề “tui” chẳng yêu ai vì người ta cứ phụ tôi “quoài”
“Tui” giận “tui” đã ngây thơ, đem tình yêu hiến dâng người hết.
Nên giờ “tui” chẳng còn chi, khi người “quoảnh” mặt mà đi.
Nghe thật là … sến! Sến thật. Sến tàn bạo hết biết. Sến, nhưng mà hay. Hay, nhưng mà… Nhưng mà… đôi khi ta không phải cần cứng nhắc hay nghiêm túc quá đến thế chứ. Cứ thả lỏng cho tâm hồn lang thang nơi cõi sến mênh mang một chút. Đời chỉ tăng thêm thú vị hơn chứ không giảm. Những bản nhạc ấy, có lời lẽ đơn giản, nhưng giai điệu thì trầm bỗng du dương hấp dẫn. Lời nhạc có thể không hợp với người này, nhưng có lẽ nó khá hợp với tâm trạng người khác, ví như tâm trạng người tình phụ khác với người phụ tình. Những bản nhạc như thế, chúng đã qua thử thách dài cả nửa thế kỷ mà vẫn còn được ưa chuộng, thì nó có lý do. Mỗi giai đoạn lịch sử sản sinh ra một kiểu nhạc riêng. Mỗi tầng lớp trong xã hội thích một loại nhạc riêng. Và mỗi người có cảm nhận một giai điệu riêng. Ta không thể đánh giá hay bình phẩm một người qua sở thích, qua “gu” âm nhạc được. Nếu dựa vào một thể loại nhạc, hoặc ca từ trong bản nhạc mà đánh giá, phẩm bình người nghe, thì có lẽ không đúng lắm, và không chính xác.
Thật ra nhạc thì có bản này bản nọ, có bài lời hay có bài lời chưa đạt lắm. Nhưng dân ta trọng chữ, chuộng lời, nên một bản nhạc có lời bóng bẩy, dù giai điệu nghèo nàn, vẫn chuộng hơn là một bản nhạc có giai điệu đẹp với lời bình dị. Điều này hình như ngược với phương Tây, người ta qúi trọng giai điệu nhạc (bởi âm nhạc là nhạc chứ không phải là văn thơ), nên nhiều bản nhạc không có lời, hay không cần lời. Nhưng nếu lời hay thì quá tốt, chẳng hạn như bản “Le beau Danube blue”” (Dòng sông xanh) của Johann Strauss II lúc đầu là nhạc không lời, sau đó Josef Weyl cho thêm lời trong buổi biểu diễn bị khán giả Áo phản đối la ó tơi bời, bởi ở đây người ta quen với lối chơi không lời. Cho đến khi bản nhạc đem trình diễn với lời hát đầy đủ ở Pháp, lần đầu tiên, trong Hội chợ quốc tế Paris, thì bản nhạc được hoan nghênh và đã trở thành một trong những bản nhạc bất hủ của thế giới sau này.
Một bản Boléro có thể hát nhanh một chút hay hát chậm một chút, sẽ cho ra một cảm giác khác biệt. Hát lối chân phương hay hát lối than thở buồn rầu thì sẽ cho ta cảm giác khác nhau. Chẳng hạn cũng bản Boléro “Lạnh trọn đêm mưa” hay “Phiên khúc chiều mưa”, với giọng Elvis Phương cho người nghe cảm giác khác với lối diễn tả của Chế Linh. Cũng khác với một ca sĩ nữ trẻ khác, đã cố tình rên rỉ cho thêm vẻ sầu đời, thêm bi đát. Một bản nhạc cho ba cảm giác khác nhau: Buồn da diết, buồn than vãn, buồn rên rỉ, tuỳ theo chất giọng và cách trình bày luyến láy của từng ca sĩ. Nhưng bản nhạc Boléro vẫn là bản nhạc điệu Boléro. Cho rằng ca sĩ này hát nghe hay hơn ca sĩ khác là tuỳ cảm nhận, và theo khẩu vị người nghe.
Mà khẩu vị âm nhạc thì tuỳ thuộc vào sự trải nghiệm về cuộc sống, trải nghiệm của con tim, và cộng thêm một chút hiểu biết về âm luật. Giống như trong hàng trăm món ăn Buffet. Người cho món beefsteak hay roasted chicken của dân thành thị là ngon. Người cho món cá sống, hàu sống, tôm sống ăn kiểu dân chài là ngon. Nếu là người dày dạn từng trải, có lẽ đối với họ không phân biệt món ăn thành thị hay dân dã, chỉ có món ăn ngon hay dở. Có lần trả lời một câu hỏi về các dòng nhạc xưa, nay, sang, sến. Tuấn Ngọc nói chỉ có hai loại nhạc, hay và không hay. Hỏi thế nào là nhạc hay. Anh trả lời, đối với anh, một bản nhạc anh nghe cảm thấy hay, thì đó là một bản nhạc hay, thế thôi. Tôi cũng cùng ý như anh. Một bản nhạc tôi nghe cảm thấy hay, thì đó là bản nhạc hay… Một bản nhạc có lời hai lúa như “Hồn lỡ sa vào đôi mắt em”, hay lời bí hiểm như “Vết lăn, vết lăn trầm” tôi đều cảm nhận thích thú.
Như thế đấy, âm nhạc cũng như hội hoạ và tình yêu, đi vào lòng người bằng cảm nhận chứ không phải vì ngôn ngữ, vì nguồn gốc xuất xứ, vì phân tích, hay vì đẳng cấp. Bản nhạc nghe hay, hợp với lòng ta, thì đấy là bản nhạc hay. Ta không thể mượn cái hay của người khác làm cái hay của mình. Ta cũng chẳng nên tự nhốt mình trong một dòng nhạc nào đó, hay tránh né một thể loại nào đó theo thành kiến, là tự giới hạn cảm xúc của mình, là tự đóng kín cửa phòng của mình trong bầu trời âm nhạc bao la. Bởi thế nên tôi thích thú với tất cả các thể loại nhạc, các dòng nhạc Âu, Á. Tôi thích dòng nhạc Việt xưa, lẫn cả dòng nhạc trẻ hiện nay. Nhiều bản nhạc hiện nay mà các ca sĩ trẻ tự sáng tác và tự biểu diễn có giai điệu rất lạ, rất lôi cuốn, và phải nói là hay. Có khá nhiều bản nhạc hiện đại hay không kể xiết. Nhưng ở nhiều bài hát, họ chú trọng về nhịp tiết tấu mà chưa chú trọng lắm về lời. Và nhiều khi chỉ nghe được nhạc điệu trầm bỗng của bài hát, mà chẳng rõ được ca từ. Có lẽ ảnh hưởng từ nhạc nước ngoài chăng? Họ chú trọng tiết tấu hơn là lời ca, rất nhiều câu trong bản nhạc mới, có lời thì cưỡng từ, có từ thì cưỡng vần bằng trắc thông thường. Có bản nhạc tôi cố lắng nghe nhưng cũng chỉ rõ được vài lời: (Là? Là? Là?)… là em của ngày hôm qua/ Úh … Uh, Úh… Úh/ Úh … Uh, Úh … Ùh. (Là? Là? Là?)… là em của ngày hôm qua/ Úh … Uh, Úh… Úh/ Úh … Uh, Úh … Ùh. Tôi không rõ bản nhạc muốn nói lên điều gì, vì không nghe được hết lời. Nhưng cứ nghe Úh … Uh, Úh … Ùh, là cái chân tôi nhịp theo, cái đầu tôi gục gặt theo nhịp điệu. Cứ thế theo dõi lắng nghe cho đến khi hết bản nhạc (Em của ngày hôm qua, Sơn Tùng). Phải nhìn nhận nhịp điệu (rhythm) và giai điệu (melody) của bản nhạc này khá hay, rất lôi cuốn, cọng thêm phần hát bè nhấn nhá đúng lúc, nên không lạ gì nó đã làm mê mẩn lớp trẻ. Còn có những bản nhạc khác mà tiết tấu khá nhanh, hát mà nghe như nói, hay đọc báo nhật trình:
Anh đúng hay là em? Em đúng hay là anh?
Đừng nói nữa… mỗi người một lý do,
Giờ em muốn sao…tuỳ em,
Em muốn chia ly… cũng tuỳ em, (100% mình đúng, Cs Quang Hà)
Cứ ‘Em đúng hay là anh,’ rồi ‘Anh đúng hay là em’…nghe tới nghe lui muốn rối cả lên, không biết giữa hai người, ai đúng, và ai không đúng. Anh sai hay là em sai. Chờ hoài cho đến cuối bài hát cũng thấy được câu trả lời là: “Ai cũng đúng, … bởi ông trời sai.” Ồ yé. Phải thế chứ! Phải có câu trả lời chứ. Thời hiện đại phải suy nghĩ hiện đại. Phải chủ động tích cực, chứ không như thời chúng tôi, tiêu cực bị động. Cứ lo đổ lỗi, đổ thừa, là do tại ông Trời (Tại Trời xui khiến… nên chúng mình yêu nhau) hay tại Đời (Tại đời đen tối… nên chúng mình xa nhau) hay là tại “tui” (Tại anh đó nên duyên mình dở dang).
Những bản nhạc trẻ hiện đại này nghe tươi tắn, hay, và vui. Mà có hay, có vui, thì đời bớt khổ. Người nghe nhạc hay mà không thấy hay là tâm tình có vấn đề, hay cái đầu đã lão hoá. Người nghe nhạc vui, mà không vui, thì đúng đời là bể khổ. Để rồi phải than thở đời đáng chán hay không đáng chán, nhấp chén quỳnh…ta nhậu tới bến, cho quên đời. Nghe nhạc trẻ hiện đại, tôi thấy thích thú, phần nhịp điệu tiết tấu và giai điệu khá hấp dẫn. Lời nhạc đã không theo lối mòn xưa cũ (cũ như một bản Boléro xưa), mà mới mẻ, phù hợp và đáp ứng được nhu cầu giới trẻ. Nhưng mà, nói cho cùng – một anh bạn tôi nhận xét – nhạc mới, rằng hay thì thật là hay, nghe qua nghe lại thì … thấy không đã. Với anh chỉ có thể như thế này (làm theo một anh bạn trên net). Ngồi vào chiếc bàn cóc, giữa không gian tỉnh mịch, lấy chiếc muổng, rung đùi, gõ nhịp, mà gào lớn một bản Boléro xưa: “Tôi với nàng (cóc, cóc, cóc, cóc.) hai đứa (cóc, cóc, cóc, cóc.) nguyện yêu nhau (cóc, cóc, cóc, cóc.). Tha thiết từ đây (cọc, cọc, cọc, cọc.) cho đến (cọc, cọc, cọc, cọc.) ngày bạc đầu (cọc, cọc, cọc, cọc.)… ”… cạch! Thế mới… thật là đã.{jcomments on}
Cám ơn anh Phương , nhờ đọc bài nầy mà Sơn Ca bớt xấu hổ , bạn bè cùng lớp Sơn Ca thường thích dòng nhạc sang của Hồng Nhung , Nguyên Thảo chỉ riêng Sơn Ca cứ thích mấy bài nhạc sến , nên lúc nào bàn chuyện văn nghệ là im như cái nhíp.
Cảm ơn Sơn Ca đã giải bày nỗi lòng. Thường người nghe nhạc chọn bản nhạc có lời hay, có ý nghĩa bóng bẩy, nếu lời bình thường thì loại bỏ, họ thưởng thức bản nhạc có nghĩa là đang thưởng thức ca từ của nó, họ là mẫu người trọng thơ văn. Đây là những người nghe nhạc theo lý trí, theo sự phê phán của khối óc. Còn có người nghe nhạc, thấy hay thì nghe, không hay thì bỏ, đơn giản thế thôi, họ nghe cả tổng thể bản nhạc, không phân tích tại sao. Đây là những người nghe theo cảm xúc của con tim. Sơn Ca chắc ở dạng thứ hai. Như thế Sơn ca lên “net” nghe bản bolero: And I Love Her của The Beatles, thử xem có cảm giác da diết như Elvis Phương ca Phiên khúc chiều mưa không? Hay bản rumba Falling into You (trong Album Falling into You) với giọng hát Céline Dion (đây là Album bán chạy nhất trong lịch sử âm nhạc, 32 triệu bản trong đợt phát hành đầu tiên) xem cảm giác buồn bã như Khánh ly hát bản bolero Chiều cuối tuần không? Hay bản bolero nhanh Gao Shan Qing (Ngọn Núi Xanh) Đặng Lệ Quân hát có cảm xúc giống Trăng Sơn Cước Thanh Lan ca không? Tôi nghĩ Sơn Ca cảm nhận được. Còn những người nghe nhạc theo phân tích ý nghĩa lời nhạc, thì chắc là không xong rồi, họ phải biết ngoại ngữ tiếng Hoa và tiếng Anh. Dù có biết, thì với nhạc giao hưởng họ cũng không nghe được vì nhạc giao hưởng đâu có ca từ.
Bích Vân rất thích bài ” những đồi hoa sim ” vừa buồn vừa hay .Chắc Bolero đã nhập nội tạng của BV nhờ bài hát nầy .
Lâu lắm mới gặp lại Bích Vân. Vâng, Phuong cùng ý, và cho rằng bản NĐHS của Dzũng Chinh hay hơn bản CHS của Anh Bằng. Xin nói thêm là trong các giai điệu ta thường thấy thì….. thể loại Slow thường mang nét sầu thảm, Valse thì tươi vui, Tango thì điệu đà, Twist cuồng nhiệt, Cha cha đỏng đảnh, Rock gào thét, mỗi thể loại có hương vị riêng. Riêng Boléro thì có hương vị tổng hợp, một chút buồn, một chút vui, một chút điệu đà, đỏng đảnh. Bolero lại cho thêm những biến thể khác nhau. Chơi nhịp nhanh một chút gọi là Rumba (Rumba 104-128 beats per minute, Boléro từ 96-104), nhanh và rộn ràng hơn một tí nữa gọi là Bolero – mambo, gọi tắt là điệu Mambo, chơi nhanh thêm nữa là Bolero – cha cha, gọi tắt là điệu Cha Cha. Trong khiêu vũ quốc tế điệu Bolero khác với Rumba, nhưng ở VN khi chơi Bolero hay Rumba thì cũng chỉ nhảy điệu Rumba mà thôi, và chỉ là bước đi nhanh hay chậm. Cảm ơn Bích Vân ghé qua.
Đúng là: “Nếu Cuba được xem là nơi phát xuất Boléro-latin, thì chính Mexico mới là nơi phát triển và thăng hoa nhịp điệu đẹp lộng lẫy này.”
Bolero nổi tiếng từ Mễ Tây Cơ có bài “Hitoria De Un Amor” của Carlos Eleta Almaran.
https://www.youtube.com/watch?v=Jj98v3ZCgy8
https://www.youtube.com/watch?v=zsNnF4z4jJg&index=3&list=RDu5g6AExjoUM
và bài Besame Mucho của Consuelo Velazquez. Mời nghe Ray Conniff biến chế Bolero:
https://www.youtube.com/watch?v=umGe9bTLEos
Một bài viết hay, một tài liệu về Bolero .
Cảm ơn bạn Trần Ngọc Phương!
HT nhạc gì cũng yêu. Nhưng yêu nhất là nhạc -sến. Đặc biệt là mình thích hát nhạc:Bolero- sến mới ác chứ! nhất là bàihihi .Vì nó mỹ miều và đơn giản nhưng lãng mạn… và dễ thương nữa hihi.Thanks bài viết đọc khá thú vị…
TTHT
Nhưng mà, nói cho cùng – một anh bạn tôi nhận xét – nhạc mới, rằng hay thì thật là hay, nghe qua nghe lại thì … thấy không đã. Với anh chỉ có thể như thế này (làm theo một anh bạn trên net). Ngồi vào chiếc bàn cóc, giữa không gian tỉnh mịch, lấy chiếc muổng, rung đùi, gõ nhịp, mà gào lớn một bản Boléro xưa: “Tôi với nàng (cóc, cóc, cóc, cóc.) hai đứa (cóc, cóc, cóc, cóc.) nguyện yêu nhau (cóc, cóc, cóc, cóc.). Tha thiết từ đây (cọc, cọc, cọc, cọc.) cho đến (cọc, cọc, cọc, cọc.) ngày bạc đầu (cọc, cọc, cọc, cọc.)… ”… cạch! Thế mới… thật là đã.
Dzui quá!!!
Bài viết rất hay, không biết hát nên nhạc chi cũng thích mà giai điệu bolero chắc dễ hát nên thỉnh thoảng Tuyên cũng ngân nga vài câu cho vui đó Phương ui!
Bạn mình đủ mọi tài nhỉ! Bây giờ lại lấn sân sang lãnh vực âm nhạc nữa chứ. Ở V. N, bẵng đi một thời gian dài, bây giờ mới thấy dòng nhạc Bolero xuất hiện. Cứ mỗi lần xem xong một chương trình solo cùng Bolero là Vi thích lắm! Cảm ơn Phương nhé.
Rất tiếc Phuong không được xem chương trình bolero đó như thế nào. Uổng nhỉ. Nói đến Bolero thì phải nói tới Thanh Thuý, Trúc Phương. Nhưng hãy thử nghe một bài bolero của Phạm Duy xem sao (Ngày em hai mươi tuổi, cũng Thanh Thuý hát)
Tình cờ xem vài tập video “Tình Bolero 2016” của đài truyền hình Vĩnh Long tôi hỡi ôi với chương trình này. Thí sinh hát tếu quá, đúng là để góp vui giải trí. Miễn bàn. Nhưng nhạc thì hơi lạ lùng… giống như liên khúc nhạc “chơi chạy” theo nhịp bolero. Chẳng hạn bài Duyên Kiếp (Lam Phương, 1961) nhịp 4/4 tác giả ghi ‘chậm, buồn’ nghĩa là muốn dùng điệu gì tuỳ ý, nhưng đã ‘chết’ với điệu slowrock, và bản nhạc này đã thành danh, đã nổi tiếng và sống trong lòng mọi người. Bây giờ cưỡng lại đổi thành điệu bolero thấy khó nuốt trôi. Còn tệ hơn nữa, bản Ngày xưa Hoàng Thị (Phạm Duy, Phạm Thiên Thư), tác giả ghi nhịp ¾, với ý ngầm ai cũng hiểu là theo điệu valve (với ¾ chỉ có thể là valse hay boston), nhưng chương trình lại ép cho bằng được vào bolero. Nghe qua thì …ngậm đắng nuốt cay thế nào…
Ngày xưa nhạc sĩ thường hay ghi trên đầu bản nhạc của mình chơi theo thể loại gì theo ý muốn của họ, và cũng có nhiều nhạc sĩ để mở, chơi tuỳ ý tự chọn. Trong bối cảnh âm nhạc miền nam lúc ấy, dù không ghi thể loại, nhưng mọi người đều ngầm hiểu phải chơi, phải hát, bài hát theo thể loại gì theo nhịp bài hát đã phân chia. Và khi bản nhạc đã thành danh thì, nhịp ấy thường chết theo với bản nhạc đó.
Nói rằng với nhịp nào ¼, 2/4, ¾, 4/4 cũng có thể chơi theo nhịp bolero được thì cũng phải. Cứ phá bỏ cái khung sườn của nó thì xếp vào thể loại nào cũng được, giống như loại nhạc New Wave thời thập niên 80 ở hải ngoại. Cứ kiểu này, đài truyền hình Vĩnh Long có thể sẽ ra liên tiếp chương trình nhạc Rock, Cha cha, Mambo, Tango…cũng vẫn chỉ những bản nhạc mà thí sinh đã hát thi trong chương trình “Tình Bolero”, nhưng bây giời sẽ có tên mới là chương trình “Tình Rock and roll” hoặc “ Tình Pasodoble” “Tình Disco” hoặc “Tình Slow surf”… :))
Bạn một chấm đã nói hộ cho nhiều người, nghe giai điệu biến thể bolero tui muốn chết luôn giống như khi nghe Mỹ Linh rền rỉ bản Quốc Ca tui đang ăn cháo mà bỗng nghẹn nuốt không nỗi , tui sợ sự sáng tạo của các bác , các chú, các cô quá rồi!!!
Vì lý do ‘kỉ thuật’ của bàn phím (kết nối không dây, pin chập chờn) nên cái tên Phuong trở thành một chấm. Xin thông cảm.
‘Một chấm’ cũng có nghe Mỹ Linh hát bản Quốc ca và sự sáng tạo của cô ca sĩ không thành công, Một chấm đồng cảm với suy nghĩ của Hai chấm về điểm này. Một chấm và Hai chấm nên đề nghị ê-kíp làm “Tình Bolero” TH Vĩnh Long lấy bài “Tiến Quân Ca” cho vào chương trình, ‘bẻ lái’ hoà âm theo điệu bolero, rồi cho thí sinh hát. Lúc ấy thì ta có thể ra sân … nhảy đầm với bài Tiến Quân Ca được rồi.
……
( Nhưng Hai chấm ơi, suy nghĩ cho cùng, cũng bởi vì những bài bolero hay nhất, nghe “da diết” nhất, là những bài bolero nói về tâm tình người lính xa nhà, đóng ở tiền đồn xa xôi, họ nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ người yêu. Mà những bài như thế thì không được phép sử dụng, nhóm e-kíp bí quá, họ lấy đại những bài Valse hay Tango nghe hay bỏ vào, nên đã biến thành một ‘tình bolero’ hổ lốn. ….)
Cảm ơn bạn Phương, qua bài viết mình mới hiều thế nào là dóng nhạc Bolero. Mình ko biết gì về nhạc nhưng cũng thích hát cho vui, bạn mình hỏi : cậu hát thể loại gì vậy, bây giờ người ta hay hát thể loại bolero, hay loại nhạc vàng, nhạc tím, nhạc trữ tình … Nghe bạn hỏi mình thấy ngây ngô và kiên quyết phải biết thế nào là bolero. Thế nên khi gặp bài viết này là mình xem ngay cho biết.
Cảm ơn bạn lần nữa nhé
Giai điệu… “Con đường xưa Hương đi” đã ĐƯỢC cấm. Xin chia buồn cùng Hương xưa. Đúng là “một lũ…” không biết nghệ thuật là cái éu gì! Cảm ơn tác giả bài viết đã cho thưởng thức “Giai điệu Boléro”.
‘Qui Nhơn Đôi Mắt Người Xưa’ by Vũ Thanh. RB nghĩ cũng sẽ ĐƯỢC cấm. Và sẽ BỊ đổi lại (giai điệu.. lẫn) tên bài là:
TÂY SƠN Cặp Mắt NGƯỜI NAY
https://youtu.be/YtH35W7saME
Hope so ?
Watch “5 CA KHÚC BỊ CẤM LƯU HÀNH TỪ THÁNG 3-2017 (5 SONGS BANNED IN VIETNAM )” on YouTube
https://youtu.be/mj3ZpBodOcY
Chỉ có “mấy thằng điên” mới cấm. RB xin tạm biệt một thời gian và sẽ gặp lại. Love you HuongXua. Thank you so much đã cho RB học hỏi văn thơ… tuyệt vời ở đây.
Xin tái bút: Đúng là ‘Kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa’. Con xin lạy quý ngài. Quốc doanh mô phật! Bái bai ?
Mấy cậu ngồi không buồn nên cấm cho vui vài hôm lại cho hát ấy mà!
TBút#1: Anh Ba đoán như thần hỉ. Xin cảm ơn anh “Cầu Đôi”. Cho RB gởi lời thăm chị “Tháp Đâu”.
Tháp Đâu nằm cạnh Cầu Đôi
Cầu xa Tháp nhớ đôi đâu ngóng chờ
Tình Mây Gió
https://youtu.be/bOCaYJ6fnSM
Tình thân!
Chọc Rêu rồi lại thân Rêu
Giờ cù Hiếu Thảo chắc chiều lại thân
Khéo cho con tạo xoay vần!