Những cảm xúc bất chợt cuối năm

Bây giờ đang là giữa của những ngày lễ hội, ngày Giáng Sinh, ngày Lễ Tết. Người người đôn đáo tìm kiếm hàng giá rẻ ở các khu Shopping, các gia đình hay bạn bè thân thuộc quây quần bên nhau, các cặp tình nhân thì tìm những địa điểm trử tình trong nhà hàng, trong Mall, hay trong các rạp cinema vui nhộn. Tôi rong xe ngoài đường muốn xem sinh hoạt bên ngoài trong ngày nghỉ lễ, chứ cứ hàng ngày đi làm xong, về, thì ra sau vườn nhìn trời xanh mây xám và chờ mặt trời lặn, khi bầu trời tỗi sẫm, thì lại vào nhà chuẩn bị cho bữa đi làm hôm sau. Tôi vừa lái xe vừa suy nghĩ lan man, rồi chợt nhớ ra, mình cần một vài tài liệu mà đã không thể tìm trên net. Tôi rẽ xe chạy vào khuôn viên thư viện thành phố.

Cứ ngỡ bãi đậu xe trống vắng, nào ngờ thấy cũng không đến nỗi tệ, một số xe không nhiều nhưng đậu rải rác, làm khuôn viên thư viện không đến nỗi quạnh hiu. Tôi vào thang máy lên tầng hai, nơi có khoảng sáu bảy chục computer đặt trong căn phòng lớn, để khách vào sử dụng miễn phí, nơi tôi đã thường đến. Tôi giật mình với chút ngạc nhiên, sao lại có nhiều người ngồi ở đây đến thế, trong ngày sôi động này. Tôi đứng im nhìn quanh quan sát. Đa số là người châu Á, nhìn mặt thì biết là thanh niên gốc Ấn độ hay Pakistan, người Trung Quốc, hay Korea… Họ là những người trẻ, lứa tuổi đôi mươi, đang ghi ghi chép chép trong im lặng. Những người trẻ tuổi ở đây chắc là những sinh viên du học xa nhà.

Tôi nhìn họ mà chợt nhớ đến thời tuổi trẻ của mình, thời đại học của mấy chục năm về trước, trước bảy lăm. Thời học Văn Khoa, tôi và nhóm bạn thân thường xuyên đóng đô ở thư viện Quốc Gia, còn gọi là thư viện Gia Long ở Sài Gòn. Tuy là thư viện lớn và đẹp nhất miền nam thời ấy, nhưng số sinh viên đến quá đông từ các trường Văn Khoa, Luật, Nông Lâm gần đó… nên hiếm khi có được chiếc ghế trống, bọn tôi phải ngồi lăn lê bên ngoài hành lang, có nhóm còn chui ngồi núp bên dưới cầu thang hoặc những hóc kẹt lõm dưới chân tường, giống như dưới nhà sàn của người dân tộc, để mà học cho yên tĩnh. Thư viện đông người nhưng im ắng, bỡi những qui củ nghiêm nhặt, mọi người lịch sự trao đổi với nhau bằng động tác hơn bằng lời, họ chăm chú vào sách vở hoặc chỉ còn nghe tiếng viết lách sột soạt. Có một chuyện buồn cười “khó nghe” xảy thời ấy. Các bạn sinh viên từng đến đây vào năm bảy ba chắc còn nhớ câu chuyện ầm ĩ này. Đó là có chuyện một cặp tình nhân sinh viên lên cơn yêu, dám làm chuyện “người lớn” ngay góc khuất của hành lang thư viện. Họ đã bị bắt gặp và bị đuổi. Thật ra, hai bạn sinh viên này khỏi cần người ta tống cổ ra khỏi thư viện, thì sau “cơn vật vã” ấy là sự thức tỉnh quê độ ê chề, họ cũng lo mà chạy trốn khỏi đám đông, vì đám đông đang nhìn mình với đôi mắt chữ O và cái miệng chữ A. Khi ấy chúng tôi là những thanh niên đầy nhiệt huyết, ngoài việc tìm chỗ ngồi yên lặng học hành chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới, chúng tôi còn muốn thu lượm thêm kiến thức, để tìm con đường riêng sau hậu đại học, với mong đóng góp một điều gì đó cho xã hội bằng kiến thức học hỏi được của mình. Nhưng thời cuộc biến đổi, đời không như ước mơ, mà lòng người thì mau …tịt. Tuy thế, vẫn còn một bạn đã may mắn đi trọn được mơ ước của mình, bây giờ anh như con tằm nhả tơ, đang cống hiến hết khả năng cả mình cho cộng đồng, cho xã hội.

Không khí yên ắng của phòng computer bao quanh làm tôi chùn người lại, một chút hoài niệm về quá khứ xa xôi, của mấy mươi năm trước. Tôi tiếp tục lên lầu ba, nơi kho sách với hàng hàng lớp lớp các dãy sách, có nhiều phòng rộng dành cho người đến đọc tạp chí, hay ngồi thư giãn, với ghế nệm êm, và có thể ngồi lâu suốt ngày thoải mái. Tôi nhìn quanh, vài người lớn tuổi đang chăm chú vào tạp chí, vài người khác đang lục tìm gì đó trong các dãy sách. Tôi nhìn vào các hàng kệ sách thấp quanh chỗ ngồi. Một dãy sách tiếng Kampuchia, một dãy tiếng Urdu (tiếng Ấn), tiếng Việt, tiếng Spanish (Tây ban Nha)… Với khoảng không gian rộng rãi, với cái không khí tĩnh mịch, với cử động chậm rãi khoan thai của người già, tôi cứ ngỡ mình đang lạc vào xứ sở của phim câm đang quay chậm. Thời gian như ngừng lại. Cảm xúc con người cũng thay đổi theo môi trường. Tôi tìm kiếm thứ tôi muốn tìm, nhưng không thấy nó ở đây. Tôi không vội vàng rời đi, mà ngồi thừ người trên ghế nệm êm ái. Nghĩ đến bên ngoài kia, bên ngoài khuôn viên thư viện là một thế giới khác, một thế giới sôi động, một thế giới vui nhộn và hào hứng của ngày lễ tết. Một thế giới của tranh đua và bon chen.

Đây là thư viện công cộng gần nhà tôi. Những năm trước, thời internet chưa phát triển, tôi hay thường đến để mượn phim (dạng video tape) và nhạc xưa về xem và nghe. Rồi có một thời thất nghiệp, tôi phải thường xuyên đến sử dụng computer ở đây để tìm kiếm việc làm. Do thường xuyên lui tới, lại rảnh rỗi, tôi đăng kí làm volunteer (làm tình nguyện) cho thư viện. Làm volunteer cũng không dễ dàng, phải đăng kí, chờ xem thư viện nào cần, vì có thư viện đã đủ người. Đến thư viện, hẹn ngày phỏng vấn. Tôi được bà Mỹ đứng tuổi hỏi tại sao ông lại muốn làm volunteer, rồi hỏi khả năng tôi có thể làm được những việc gì, hỏi ngày, giờ có thể giúp việc, nếu thấy không đáp ứng được nhu cầu, họ có thể từ chối. Vì nếu thật cần nhân lực, họ sẽ tuyển thêm người đã kinh qua chương trình huấn luyện hẳn hoi. Tôi được giao công việc nhận sách từ băng truyền tải kết nối từ bên ngoài cửa thư viện đổ vào. Tôi làm vào cuối tuần nên sách trả từ bên ngoài được tải vào dồn dập nhất là vào buổi chiều. Lấy sách từ băng chuyền chất lên xe đẩy (Cart) theo thứ tự kích cỡ sách, từ đó có người chuyển đến bỏ đúng ngay kệ sách, theo con mã số đã ghi ngoài bìa. Có khi tôi ngồi đóng mộc (stamp) ngày tháng lên tấm thẻ (card), hoặc làm thủ công cắt dán lắp ráp bìa sách, tape, hoặc phân loại tạp chí để vào kệ hằng ngày. Người bạn volunteer khác thì ra ngoài hướng dẫn khách vào khu vực muốn tìm, hoặc phụ giữ phone nhắc nhở khách hàng đem trả sách nếu không muốn bị phạt tiền… Bạn volunteer với tôi có đủ thành phần, nhưng đa số là những người Mỹ lớn tuổi. Khi rảnh, chúng tôi cũng có vài câu trò chuyện với nhau. Họ cho biết, họ đã về hưu, làm thiện nguyện là để được giao tiếp với mọi người, không muốn cô đơn ngồi trong nhà, và dể thấy rằng mình sống hữu dụng, có đóng góp cho xã hội, để khỏi cảm giác là người dư thừa sống ngoài lề xã hội. Tôi có khác họ một chút, là sẵn dịp một công hai ba chuyện, vừa sử dụng computer tìm việc, vừa giúp đỡ cộng đồng, vừa có dịp trau dồi ngoại ngữ.

Khác với những tầng bên dưới, tầng tham khảo sách bên trên này vắng vẻ thưa người. Người trực ban để giúp đỡ khách đưa mắt nhìn tôi xem có cần giúp gì không? Tôi cười, tỏ ý cảm ơn không cần.

Năm cùng tháng tận, những ngày cuối này dễ gây xúc cảm cho những người lớn tuổi. Thời gian trôi nhanh, bao nhiêu nước chảy qua cầu. Nhưng những hình ảnh thời trai trẻ vẫn còn lưu giữ mãi trong tâm họ, không phai nhoà. Những người bạn thời thanh xuân, giờ thành những ông nội bà ngoại, với bộ mặt đầy ngõ hẻm, trang điểm thêm đóm đồi mồi, kèm theo mái tóc muối, bạc phơ theo năm tháng. “Nếu chẳng quen lung, đố nhìn ra được” bạn mình. Có cô bạn cũ thời trung học ở quê nhà xa xưa, gởi qua email cho tôi tấm ảnh có hình nhiều bà ngoại đứng ngồi, và hỏi trong đám xuân “xanh” ấy, hãy chỉ ra xem cô là ai trong số đó. Đã hơn bốn mươi năm qua, kể từ ngày cùng chung lớp, mà cho đến nay chưa gặp lại lần nào. Làm sao tôi nhận ra được, dù rằng hình ảnh cô vẫn còn rõ nét trong tôi, bởi cô là người trong mộng của bạn tôi, người bạn thân thiết thời trung học của tôi. Tôi phải dùng hết tất cả phương pháp như: diễn dịch, qui nạp và loại suy, theo bài bản, mà ngày ấy tôi đã học được trong môn triết học và luận lý hoc. Nhưng cũng rất ngại ngùng, bạn bè quen thân như thế mà nhìn hình đoán trật thì là… Tôi email trả lời với tất cả sự rụt rè, hi vong mong manh chỉ có mấy chục phần trăm là trúng. Không ngờ trúng thật. Bà ngoại tóc cước ấy chính là cô. Còn có người bạn cũ thời ấy, nhưng thỉnh thoảng có gặp lại, nên không thấy thay nhiều, chỉ thêm vết nhăn trên mặt hoặc bệ vệ nặng hơn một chút thôi. Ngoài ra không gì khác biệt.

Câu chuyện về bạn bè trải qua năm tháng, mà nếu như từ dạo đó, không gặp lại nhau, thì hình ảnh xưa không mất đi, họ vẫn trẻ mãi với tuổi thanh xuân trong tâm tưởng. Tôi lại nhớ đến một chuyện phim đã lâu, nhưng câu nói của nhân vật nữ trong phim còn vương vấn mãi nơi tôi. Câu chuyện tình cảm trong phim Nhất Đại Tôn Sư (Lương Triều Vĩ và Chương Tử Di) thật là man mác buồn. Hai đại tôn sư võ học quen biết nhau thời trẻ, cảm mến nhau vì tài năng, thời gian dài sau đó mỗi người mỗi ngã. Hơn chục năm sau gặp lại, cả hai đã trải qua thăng trầm trong cuộc sống. Câu nói chia tay của người nữ với người nam, sau khi gởi trả lại chiếc cúc áo kỉ niêm: Gặp được anh vào thời điểm tốt nhất là vận may của tôi rồi. Với câu nói này của Cung Nhị đã tỏ rõ cả tấm lòng chịu đựng và bao dung của mình. Một sự lượng cả tri túc. Tôi cũng đã thường nghĩ về những bạn xưa tương tự như vậy: gặp được và kết bạn được với bạn vào thời điểm thanh xuân là điều may mắn của tôi. Một sự biết đủ, không tham lam đòi hỏi thêm. Quen biết nhau thời ấy, nhớ lại, đủ vui rồi. Và câu sau Cung Nhị càng nao lòng: Nghĩ lại, nói đời người không hối hận là câu nói dối lòng, đời người nếu không hối hận chắc là vô vị lắm …Diệp tiên sinh, trong lòng tôi đã từng có anh.

Ôi một tâm hồn đẹp, bao dung. Phim xem đã lâu, nhưng câu nói vẫn còn lưu lại trong tôi. Một người bạn từ tiểu bang khác, cuối tuần qua gọi phone chuyện vãn, tình cờ nói chuyện về phim và nhắc đến tên cuốn phim ấy, tôi lại nhắc lại đúng nguyên văn câu nói ấy. Ngày xưa, thời bảy mươi tư, phim Love Story chiếu ở rạp Eden Sài Gòn, cuối phim cũng có một câu nói cuối cùng bất hủ của nam diễn viên mà giới trẻ thời ấy thường hay nhắc đến: Love, love means never having to say you’re sorry. Yêu là không bao giờ nói lời nuối tiếc. Sau khi Jenny chết, người cha giàu có nói lời xin lỗi hối tiếc về cách đối xử không phải với con trai mình, Oliver cắt ngang và nhắc lại lời người vợ đã nói trước đó. Love means never having to say you’re sorry. Đây cũng là lời thoại cuối cùng trong phim. Tôi nhớ câu mãi này vì được bạn bè nhắc nhiều và thấy hay chứ không phải vì mình thích và xúc động bởi phim, dù rằng phim được đánh giá hay, hợp thời, được mọi người chuộng.

Tôi không còn ngồi ghế dựa mà đứng nhìn chằm chằm ra của sổ bên ngoài. Mùa đông không nắng, bầu trời ảm đạm, đáng chán, chỉ thấy những nhánh cây cổ thụ đong đưa trong gió. Bà quản thủ thư viên đi ngang qua, tưởng tôi khó khăn trong việc tìm kiếm tài liệu, chợt dừng lại hỏi. Ông không tìm ra được cái ông cần tìm à? Tôi nói không tìm được. Bà không nói rằng, quay lại quầy tấm card trắng yêu cầu tôi ghi tên tạp chí muốn tìm, và lưu lại số phone, để bà có thể phone lại cho biết nếu được tìm thấy.

Bà quản lý đã làm tốt công việc của bà, nhưng bà không biết đã cắt đứt cảm xúc và dòng suy nghĩ của tôi. Không còn việc gì trong cái phòng tham khảo sách này, tôi rời nó, không dùng thang máy nữa mà mở cửa hông cuốc bộ bằng cầu thang xuống bên dưới. Rời thư viện, ra đến bãi đỗ xe, trời vẫn không ánh nắng, và gió vẫn giật từng hồi. Mấy chục phút khoảnh khắc trong thư viện mà tôi có cảm tưởng như là đã trải qua thời gian dài. Lại lên xe, lại ra đường phố. Tôi hoà lẫn trong dòng xe hối hả của những người đi mua sắm hay đi hẹn hò vui chơi trong ngày lễ tết cuối năm.
{jcomments on}

 

9 thoughts on “Những cảm xúc bất chợt cuối năm

  1. Tường Vi

    Bài viết sâu lắng lắm Phương ạ! Đọc xong cảm thấy lòng buồn màn mác.Người ta bảo:” Thời gian là liều thuốc bổ. Thời gian là liều thuốc hồi sinh….” Nhưng Vi thấy nó cũng không kém phần khắc nghiệt. Cảm ơn Phương đã trải lòng với những cảm xúc rất thực chẳng những của riêng Phương mà còn cua nhiều người khác nữa trong đó có Vi .

    Reply
  2. Phuong

    Ui! chào cô bạn bốn mấy năm xưa (nhưng trời không gió cũng không mưa). Cô giáo ra trò chơi “đố vui để học” làm em suy nghĩ hói cả trán bạc cả đầu, nếu bạn xưa nào cũng chơi trò đố vui này chắc mình sẽ thành Bạch mi Ưng Vương quá. Cám ơn Vi đã vi hành qua đây và cùng ngồi đếm thời gian.

    Reply
  3. Quốc Tuyên.

    “Bạn bè trải qua năm tháng, mà nếu như từ dạo đó, không gặp lại nhau, thì hình ảnh xưa không mất đi, họ vẫn trẻ mãi với tuổi thanh xuân trong tâm tưởng.” nhưng nếu được được gặp lại nhau, trò chuyện cùng nhau thì hạnh phúc biết bao Phương và Vi nhỉ, cám ơn những người bạn thân thiết của Tuyên rất nhiều.

    Reply
    1. Phuong

      Hi vọng một ngày nào đó bạn bè sẽ gặp lại nhau, cùng ngồi đếm thời gian, và cùng hát… mình mấy đứa hôm nay gặp nhau, nâng ly cà phê, ngát mùi hương ngạt ngào … Cám ơn Tuyên.

      Reply
    1. Phuong

      Biết là vậy, nhưng trên bảo dưới không nghe, cái đầu thì nghĩ thế nhưng cái lòng thì không thế. Lòng buồn dạt dào nhớ hôm nào… khi chúng ta còn trẻ. Cảm ơn thuydukhuc đã “chọc vui” nhiều!

      Reply
  4. Võ Như Vũ

    Cảm xúc thật hay! Làm mình cũng bất chợt nhớ lại thời đi học . Hai thư viện mình thường đóng đô là thư viện Vạn Hạnh và Quốc Gia Hành Chánh.
    Cảm ơn TN Phương!

    Reply
    1. Võ Như Vũ

      Phương thân mến,
      Mò tới QGHC rất dễ dàng vì chỉ băng qua bên kia đường là tới . Còn Vạn Hạnh thì có quán café cóc ngon tuyệt vời trong con hẻm Trương Minh Gảng gần trường. Vạn Hạnh thời đó đã “tân tiến”, có nhiều lớp học mà giảng sư là 1 cái TV bự .
      Phương lại làm tui bất chợt nhớ lại chuyện xưa: Café cóc hẻm TMGiảng, lọc cọc đạp xe trên Kỳ Đồng qua Ký Túc Xá Yên Đỗ, hì hộc leo giốc cầu TM Giảng …

      Reply
  5. Phuong

    Những nơi ông nhắc đến như quán cóc hẻm, ông thầy TV, con đường Kỳ Đồng, con dốc á thở… Tôi cũng đã đi qua như ông và chúng trở thành những ký ức kỉ niệm đẹp của ngày ta hai mươi. Cảm ơn Võ Như Vũ.

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.