Tác giả: Nguyên Lương
Các thân hữu thân mến,
Khi mở mục Bình Thơ cho HươngXưa thì anh Nguyên Lương là người đầu tiên trong số những người mà BBT gởi thư mời cộng tác qua đọc những lời bình ngắn, hay và súc tích của anh trên Hương Xưa. Hôm nay chúng tôi rất vui và rất hân hạnh giới thiệu đến quí thân hữu bài viết của anh, như anh đã hứa: “Thơ Phan thanh Cương, Bình thường thôi”. Đây là một bài phân tích và bình thơ rất hay, rất sâu sắc, đã đào sâu vào trong từng ngỏ ngách bí hiểm của tâm hồn nhà thơ. Không những thế anh còn khai phá một cái nhìn xuyên suốt và độc đáo về thơ Phan thanh Cương:
“…Nói thơ của Cương hay, chưa đủ. Nói thơ của Cương rất tình cũng chưa nói hết. Nói thơ của Cương lạ, mới, có sức hấp dẫn, mê hoặc người đọc, quyến rũ người nghe và dày vò tâm thức của những người có nhiều cảm xúc mới đúng. Thơ là sản phẩm của xúc cảm, là tiếng vang vọng của tâm tư, là tâm sự, đúng là tâm sự không nói thành lời, mà chở nhờ trong con chữ. Ngôn ngữ thơ của Phan Thanh Cương đến từ một nơi có nhiều hình ảnh, âm thanh, tư tưởng…” (Nguyên Lương)
Mà thôi, tôi đâu có dám làm mất nhiều thì giờ của quí thân hữu. Xin hãy trãi lòng mình ra cùng với bài viết sâu sắc và đầy xúc cảm: “Thơ Phan thanh Cương, Bình thường thôi”của anh Nguyên Lương.
Chân thành cám ơn anh Nguyên Lương và rất mong được sự cộng tác thường xuyên. Thân ái kính chào, lê trọngminhkha
Thơ Phan Thanh Cương,
Bình thường thôi!
Nguyên Lương
Nguyên Lương
“Bình thường thôi”, anh về qua bên núi,
Lá trôi xuôi – đầu suối – những chia lìa.
Anh châm thuốc bên đường, lửa tắt,
Che tay bên này, gió thổi bên kia.” (thơ PTC- Đèo Le 2)
Đọc 4 câu thơ trên của họ Phan viết khi trở về thăm quê cũ Quế Sơn Quảng Nam, nơi có ngọn đèo cao đi được đến đỉnh đèo là le lưỡi thở dốc, các bạn thấy bình thường không? Thật bình thường như lời đầu bài thơ này đã viết. Viết về ngọn đèo thì có núi, lá, suối, gió là bình thường, có người đứng nghỉ mệt bên đèo châm thuốc hút là bình thường, nhưng cái ý chính trong câu “Che tay bên này, gió thổi kia” là không bình thường. Và khi đọc hết những 33 bài thơ của Phan Thanh Cương trên Hương Xưa rồi ngẫm nghĩ, quả thật thơ của chàng Cương không bình thường chút nào. Bài viết này là cảm nhận của riêng tôi về thơ của Phan Thanh Cương, viết về những điều bất thường đấy.
Lần đầu làm quen với thơ của Cương là một ngày giữa tháng 10 năm 2012, khi tôi mới biết đến trang mạng Hương Xưa, hôm đó có đăng bài thơ “Cõng Em”:
“Thương em tôi cõng qua sông
Nước sông vừa đủ đèo bòng chút thôi
Nửa em dính với nửa tôi
Cõng em-em cõng-lưng trời-cõng mây”
Nhớ lại hôm ấy khi đọc bài thơ này tôi khoái chí tử. Biết là từ nay đã gặp một “chàng thơ” bất thường với lối ra thơ rất lạ, cũ mà rất mới, vừa tả chân hóm hỉnh cũng vừa lãng mạn ngút trời. Thơ mới đọc tưởng như đùa vui, nhưng đọc qua đọc lại, không còn cười vui được nữa mà thấy xót xa. Những động từ: cõng, dính, đèo bòng, cõng em, cõng mây, em cõng…rất thường ở ngoài nhưng trong thơ nó đã làm nên chuyện. Bài thơ đã kích động đến cá tính “ngang ngạnh, tưng tửng” của tôi. Thích cái nét ngộ nghĩnh, phá phách. Thích cái ngông nghênh, mộc mạc. Thích cái thong thả, ung dung. Thích cái liều lĩnh, bướng bỉnh. Và thích nhất là cái lối Cương mượn hình ảnh bên ngoài để nói lên sâu thẳm của lòng mình. Và rồi trong thơ, Cương đã vẽ những bức tranh đời mình không nhiều màu sắc, chỉ toàn màu đen, xám xịt, qua câu chữ:
“Cõng em, giờ cõng qua thơ
Thơ như sông cũ chia bờ để trôi (thơ PTC – Cõng Em)
Tết tháng Giêng 2014, hẹn trước với Cương bọn mình sẽ về thăm nhà, muốn gặp Cương. Tối 24 Tết đang ở chơi Đà Lạt lạnh tê người, Cương gọi nói là đã uống hết 1 chai Hennessy với Ngô Tín và chờ mình đến để mở chai thứ hai. Giọng nói người con trai xứ Quảng bao năm sống ở Saigon, thêm chút hơi men, lần đầu nghe làm cho trời Đà Lạt lạnh trở nên ấm lại. Và rồi chúng tôi đã gặp Cương, cùng với ngựa hoang Nguyễn Đăng Trình, Kim Loan, Kim Đức và một số bạn hữu khác tại nhà hàng của gia đình Ngô Tín tối hôm sau. Người cũng như thơ, thoáng một chút ngang tàng, tưng tửng, phá cách nhưng rất ân cần, dễ gần, dễ mến. Mới bắt tay, bắt thật chặt, lần đầu mà như đã quen nhau từ rất lâu. Cương trong mắt vợ chồng tôi hôm ấy là một chàng đẹp trai, hóm hỉnh, thông minh, lanh lẹ, xin xỉn một cách tự nhiên, thật đáng yêu:
“Đêm cứ cạn ngày cứ sâu
Tắc kè phơi nắng gật đầu vì say”(thơ PTC-Đếm Thời Gian Tôi)
Và đêm hôm đó chúng tôi đã say, không phải vì nắng, mà vì tình thi hữu.
Các bạn vẫn chưa thấy cái gì là bất thường ở đây phải không? đọc tiếp nhé.
Có lần nghe chàng Cương tâm sự với tôi trên Hương Xưa: “Năm em 25 tuổi, mất đi người vợ 21 tuổi, chỉ khác Đồi Tím Hoa Sim của nhà thơ Hữu Loan là “người” để lại đứa con chưa đầy 2 tuổi. Từ đó căn nhà còn lại đúng 3 thế hệ: mẹ, PTC và con trai. Cách đây 9 năm đứa con trai cũng đã theo mẹ, và cũng cách đây 7 năm mẹ PTC cũng đã theo cháu nội”
Tiễn 3 người thân nhất qua đời, thơ của Cương trở thành chỗ để người xưa quay về. Thấp thoáng trong mờ mịt của nhang đèn, hương khói đó là bóng hình của Mẹ, Vợ, và Con Trai. Và nhớ đến ngày tiễn người yêu cũ đi lấy chồng, người yêu mà chàng đã chỉ cõng được qua suối, nhưng không cõng theo được suốt cuộc đời chỉ vì:
“Em đi cha mẹ chỉ đường
Tôi đi em chỉ về phương đợi chờ”(thơ PTC-Cõng Em)
Gói những hình ảnh đau thương, buồn tủi đó trong hành trang cùng với quê nhà, chàng Cương xuôi Nam, sống trên đất Saigon xô bồ, làm lại cuộc đời, lâu lâu có dịp ra bờ sông Saigon, nhớ về giòng Thu Bồn, bên người vợ mới, Cương viết:
“Ván thuyền ghép gỗ tình tôi
Mái chèo khua tự lòng người khua ra
Để anh quét dọn phong ba
Giúp nhau khiêng thả bão ra ngoài thuyền
Ngồi ngay ngắn lại tình duyên
Giữ thăng bằng nhé cho thuyền bớt chao
….
Chiếu chăn dành đắp qua hồn
Giũ cho sạch hết những phồn hoa xa
Mai kia ta trở lại nhà…
Dắt theo ngọn sóng làm quà quê xưa” (thơ PTC-Khoan Nhặt Trên Sông”
Tôi đặc biệt rất thích bài thơ này của Cương. Lời thơ nói lên độ trưởng thành chín mùi trong tình cảm Cương dành vun đắp tình vợ chồng nơi đất khách. Mất mát ta có thể tìm lại được, đau xót thời gian có thể làm nguôi đi, buồn thảm sẽ có ngày vui bù lại, biết thế nên trong trang sách mới đời mình, Cương trân trọng viết về những gì rất gần với mình. Tầm thường thôi nhưng rất đẹp. Thơ viết cho vợ đang sống khó hơn nhiều những bài thơ viết cho người yêu cũ. Nhưng Cương viết được, rất thật, rất gần, vì Cương trân qúi những gì mình đang có. Có người để cùng “giúp nhau khiêng thả bão ra ngoài thuyền”. Và Cương đang cố “giữ thăng bằng nhé cho thuyền bớt chao”.
Từ giữa tháng Tư năm 2012 đến nay, Phan Thanh Cương đã cho chúng ta đọc tâm sự của chàng trên 30 bài thơ, không bài nào giống bài nào. Lúc đầu Cương viết nhiều bài thơ với chỉ 5 chữ, 4 câu. Sau đó có bài 6 chữ, 7 chữ, 8 chữ rồi cuối cùng là lục bát. Những bài thơ 5, 6,7, hay 8 chữ này Cương dành viết cho quê cũ, trường xưa. Cho người Mẹ, người Vợ qua đời, cho người tình cũ. Cương viết cho Tháng Tư chìa lìa, cho hoài niệm tuổi thơ, cho những mất mát của một thế hệ chưa lớn đã già.
Khi tả cái cảnh phân chia, chia đôi đất nước hay chia ly tình yêu, Cương tả bằng cảnh “rừng cây khô’, “hồ cạn đáy”. Rồi còn muốn cho rõ hơn, Cương viết:
“Tình đã chuyển dần sang lý
Giữa căn nhà- một vỹ tuyến chia đôi
Trái đất quay nghiêng trốn ánh mặt trời
Đêm càng tối lằn ranh kia càng rõ”(thơ PTC-Vỹ Tuyến)
Đố ai biết ngụ ý của Cương trong bài thơ này nói gì? Mới đọc thấy như nhà thơ nói đến cái cảnh hai người sống trong một căn nhà nhưng không hòa hợp. Nhưng đọc kỹ thì bắt gặp cái ý này:
“Tôi không thể biến không thành có
Tay nhân gian không vẽ nổi thiên đường”(thơ PTC-Vỹ Tuyến)
Cương muốn nói đến hình ảnh của Thiên Đường Mù (DTH) đấy, nhưng khéo léo trong ẩn dụ, Cương ép cong người mình xuống đất, trùm chăn lên tận đầu, như không thấy, không nghe , chờ thời gian qua nhanh:
“Thời gian qua,
Tiếng gọi thời gian như khách gọi phà,
Tôi vẫn giằng tâm bên tờ lịch rớt” (thơ PTC-Suối Reo – Tình Ngược)
“Con buồn xa lạ giữa quê hương” (thơ NL), lòng của tôi năm 90 khi về thăm trường cũ, cũng như tấm lòng của Cương nhớ lại tháng Tư xưa:
“Trường vẫn xưa và người rất mới
Có ai nhìn tôi như khách xa
Tôi lạc vào chính nơi thân thiết nhất
Mình ngồi, mình đứng những phôi pha” (thơ PTC-Về Trường Xưa)
Không như tôi, Cương xa trường, nhưng không xa đất nước, dù Saigon không phải là Quảng Nam, nhưng vẫn còn là đất Việt. Tháng Tư nhà thơ bỏ học, bỏ hết cái cũ, cố học cái mới, nhưng học làm sao được khi chỉ học trong mơ:
“Học cũng trong mơ mẹ ơi có biết
Ngước nhìn trời trách nhẹ một vì sao” (thơ PTC-Tháng Tư Bỏ Học)
Trách nhẹ “Một Vì Sao”, chỉ dám trách nhẹ thế thôi mà từ phương xa đọc đến đây tôi thấy đau điếng đến tê người. Không được tự do để nuốn nói gì thì nói, thơ của Cương không dám “cương” lên được. Không thiếu chữ để dùng, không thiếu từ để tả mà sao nghe như nghèn nghẹn trong lòng. Chịu đựng nhọc nhằn với nắng gió quê nhà, với hạn hán, với mất mùa, người thanh niên nhịn chịu suốt quãng đời thanh niên còi cọc rồi cũng phải lớn lên, không được bằng thân xác thì cũng bằng ý chí:
“Tuổi trẻ băng qua vụ mùa hạn hán,
Cây lúa ngập ngừng rồi cũng lớn theo tôi
….
Xác thân này mẹ nhịn áo cơm cho
Dọ dẫm thời gian trên bãi bờ khô cạn? (thơ PTC-Tháng Tư Bỏ Học)
Đủ lớn để có tình yêu và kỷ niệm, thế hệ của Cương chưa hưởng được bao nhiêu ngày nắng đẹp thì mưa bão tràn về. Cương phải xa trường gần biển, xa người yêu có mái tóc dài như hàng dương, đến vùng rừng núi cao dỡ đất trồng cây:
“Ở rừng xa anh tin mình có được:
Cát trường xưa vàng nỗi nhớ trong nhau,
Con sông Hàn còn biết những xưa sau,
Chắc gì lặng im khi gã nông lâm tìm về nơi mới lớn” (thơ PTC-Tháng Tư)
Chắc từ vùng núi một thời làm gã nông lâm, nhà thơ leo lên, tuột xuống không biết bao nhiêu lần ngọn đèo cao dựng ngược, nên đã dành đến 6 bài thơ 8 chữ viết về Đèo Le, nơi cách biệt biển rừng, nơi xa tầm mắt anh em, nơi đã chia lìa tình yêu tuổi nhỏ. Anh ở trên núi, em ở gần biển, xa mặt nhưng quyết không xa lòng, nhà thơ vẫn ấp ủ hình bóng người yêu sống nơi phố thị, vẫn mong tựa vào nhau:
“Đường bên đèo dựa vào vách núi,
Ta băng đèo ta dựa vào nhau” (thơ PTC-Đèo Le 1)
Nhưng đời thay đổi không như Cương đã nghĩ:
“Em bên đông, anh ở bên tây
Bão bên em tạt qua bên này
Đá bên đường vừa lăn xuống dốc,
Có chút gì vừa rơi qua tay…”(thơ PTC-Đèo Le 2)
Và họ đã mất nhau:
“Đèo quanh co, lòng người cũng vậy
Em có chồng xa mấy dịp qua đèo?
Bên kia, bên này- hai người đi vắng,
Đến bao giờ đèo thôi cheo leo” (thơ PTC-Đèo Le 3)
Đọc hết 6 bài thơ Đèo Le của Cương, tôi nghĩ thời gian này là thời gian mà tình yêu Cương lên đến đỉnh điểm. Với cuồng nhiệt của tuổi thanh niên, thêm hừng hực lửa tình yêu trai gái, dẫu sống xa người yêu nhưng nhà thơ thấy rất gần với hạnh phúc. Nhưng rồi ước vọng một thời đã bỏ lại trên đèo, sau khi “Em có chồng trước, anh có vợ sau”. Ước vọng thời trai trẻ đó là mây, là mây bay giữa trời. Nhưng thực tế cuộc đời là bến đỗ bình yên:
“Hai bên đèo còn mưa, còn nắng,
Mây còn bay, núi vội an bài” (thơ PTC-Đèo Le 4)
Cương đem lời thơ tả tình, tả cảnh, tả nỗi lòng mình khi yêu cũng như khi xót. Thơ gạn lọc từng lời, trau chuốt từng câu, và chở nặng tương tư sầu mộng. Tình yêu nặng như thế mà Cương viết nhẹ hẫng như lông. Cương dấu lòng mình nơi cỏ hoa khi vui, và nơi giông bão khi buồn. Cương đau nhưng không nói, chỉ mượn gió thu, tiếng võng. Mượn hình ảnh hoàng hôn, hoa cúc. Khóc cùng với gió mưa và giòng sông cũ. Không dám trách người, cũng không dám trách cho số phận. Cứ cho đó là chuyện bình thường:
“Đời vẫn là sông, sông cứ chảy
Nước hoàng hôn không trở lại đầu ngày” (thơ PTC-Sóng Thu)
Ừ! Thì cứ cho là bình thường đi vì tình yêu có đến rồi đi, có ngày nắng thì có đêm mưa, nhưng thế gian này có biết bao tình yêu cũ, có mấy ai làm mới lại được bao giờ, mà họ Phan làm được trong thơ. Với Cương thơ là những giòng tâm sự, tâm sự về đời mình, tâm sự về những điều thầm kín. Nhưng quá khéo léo và tài ba qua cách dùng chữ, chuyện có bất thường mấy cũng thành bình thường với nhà thơ, và từ đó thơ của Cương dễ đi vào lòng người, và vào rồi thì ở luôn trong đó. Không cần dùng những từ hoa mỹ, khó tiêu, hay thừa thãi chỉ có âm mà không có nghĩa. Thơ của Cương không thiếu, cũng không thừa. Đọc đến hết là hết. Nhưng cái bất thường ở chỗ là từ cuối bài thơ ta bắt đầu nhẩm lại những chữ đầu đến cuối mới thấy hết cái hay. Có nhiều bài thơ của các tác giả khác chỉ hay một câu, và trong câu đó chỉ một chữ lạ là làm nên bài thơ nhớ đời. Thơ của Cương giàu hơn, không hiểu là vì tác giả chắt lọc hay là vì kho tàng ngôn ngữ thơ của Cương quá phong phú nên tha hồ mà chọn. Chọn được chữ vừa hay ở cái ý nghĩa và hay cả vần điệu. Không o ép, rất vừa vặn, cả từ lẫn tình.
Từ đầu tháng 10 năm 2012, Cương bắt đầu gởi lên HX những bài thơ lục bát. Khác với những bài thơ 5, 6, 7, 8 chữ Cương đã dùng để tả những bực dọc, xót xa, và suy tư thì khi vào với lục bát, thơ của Cương bắt đầu đung đưa nhẹ nhàng. Trong khuôn khổ bằng trắc thật chỉnh chu, thơ của Cương dịu êm theo vần điệu như bài ca dao, như lời ru của mẹ. Lục bát của Cương rất mượt mà, bóng bẩy, nhưng không làm dáng. Bài thơ Ru Em đăng ngày 28 tháng 9 năm này có những câu thơ thật tình:
“Mượn hương hoa cỏ đâu đây
Mượn trăng làm gối mượn mây chỗ nằm
Ru người cùng với xa xăm
Bãi dâu xanh lá con tằm nhả tơ” (thơ PTC-Ru Em)
Nói là ru em nhưng cả bài không nhắc đến em, chỉ nhắc đến người, và người em trong bài thơ là em của mọi người. Còn hình ảnh thì lấy trăng lưỡi liềm làm gối, mây bàng bạc làm giường . Gối đó, giường đây nhưng sự đợi chờ vẫn còn xa lắc. Thi sĩ họ Phan dùng khổ thơ lục bác để viết về những tình cảm nhẹ nhàng, xa xăm, mơ hồ. Lời thơ quần quyện, quấn quít vào nhau như đan xen giữa mộng và thực, giữa hư ảo và hiển hiện. Trong tâm linh sâu thẳm và vô thức, thơ của Cương nổi lên, gõ nhẹ lên bờ mặt của tri thức, rồi từ từ chìm vào tiềm thức. Không ngủ yên trong đó lâu, đọc đến một bài thơ khác thì sóng lòng xưa trỗi dậy. Ba bài thơ: Mắt Em, Môi Em và Tóc Em, mỗi bài viết cách nhau mỗi tháng, nhưng không rời xa nhau như mắt trên môi, bên tóc:
– “Cảm ơn đôi mắt nhìn anh
Nhìn anh giữa những màu xanh đất trời” (thơ PTC-Mắt Em)
– “Gần nhau bóng ngã sông sâu
Bước lên xanh thẳm một màu thời gian” (thơ PTC-Tóc Em)
– “Răng em trắng buổi tương phùng,
Ai đem hạt ngọc lát cùng giữa hoa” (thơ PTC- Môi Em)
Ba bài thơ, ba màu: màu mắt xanh, màu tóc nâu và màu răng trắng. Rất rõ qua cách tả chân nhưng tả qúa chi tiết, tinh tế đến mức thật đáng yêu. Bài đầu thì tả lúc mới quen nhau qua ánh mắt, ánh mắt có “hai nét cọ vẽ đôi lá lành”. Đến lúc gần nhau vuốt tóc để thấy “không âm mà vẫn tình tang với mình”. Gần hơn chút nữa thì việc gì đã xảy ra trong câu “nụ hôn anh chở phù sa đắp bồi”? Diễn biến tình yêu qua ba giai đoạn thời gian, qua ba hình ảnh trên người con gái: cái mắc cỡ ở xa để nhìn, cái gần tình tứ để vuốt ve, và cái cận kề để cho để nhận. Thơ viết được như thế có còn gọi là bình thường không?
Còn nữa, khi tả cảnh vợ chồng, Cương không nhắc tới những lúc vui hạnh phúc, chỉ tả lúc giận buồn, lúc cơm lạnh canh nguội, lúc mà chàng thấy cần nàng nhiều nhất, vì lúc ấy mới thấy hạnh phúc những khi nàng bên chàng như thế nào:
– “Gạo tôi lén trộn thơ tình
Em đi, thơ chín một mình tôi nhai” (thơ PTC-Cơm-Thơ)
– “Tôi vừa viết một cơn mưa
Bốn phương ướt sũng lại chừa nồi canh” (thơ PTC-Quên)
Đọc mấy câu thơ này của mấy ông, tôi nghĩ chắc mấy bà khi giận bỏ nhà đi nhưng “mắt vẫn để lại nhà” vì sợ ở nhà “có thơ mùi khét an lành” hay có đi xa cũng vội quay về. Vừa đi vừa tủm tỉm cười thầm.
Thơ của Cương, khi viết về người nữ, lời thơ trở nên hoa bướm, lả lơi:
“Dáng cong qua đoạn hiểm nghèo,
Anh con ong mật lần theo chốn này
Dáng ngồi ngưng đọng khóm mây
Hình như bàn ghế còn bay hương người” (thơ PTC-Dáng Xuân)
Đọc mấy câu thơ trên của Cương tôi cũng tủm tỉm cười hoài, vì nét độc đáo, lẳng lơ nhưng thanh tao đến vô cùng. Không dám bạo dạn, sỗ sàng vì đây là thơ, nhưng tay chân cũng táy máy, tò mò khi nhìn cái gì cong cong, Cương đành mượn con ong mật đi hành quân thế cho bàn tay mình. Nói thơ của Cương hay, chưa đủ. Nói thơ của Cương rất tình cũng chưa nói hết. Nói thơ của Cương lạ, mới, có sức hấp dẫn, mê hoặc người đọc, quyến rũ người nghe và dày vò tâm thức của những người có nhiều cảm xúc mới đúng. Thơ là sản phẩm của xúc cảm, là tiếng vang vọng của tâm tư, là tâm sự, đúng là tâm sự không nói thành lời, mà chở nhờ trong con chữ. Ngôn ngữ thơ của Phan Thanh Cương đến từ một nơi có nhiều hình ảnh, âm thanh, tư tưởng. Thấy rất thực, nghe rất rõ, nhưng phải cẩn thận đọc đi đọc lại nhiều lần mới thấy hết những cái hay của nó. Tác giả không đánh đố người đọc, nhưng cũng không để lời thơ trần trụi phơi bày. Đọc thơ Cương chịu khó bóc bỏ cái vỏ bọc bên ngoài, để thấy phần hồn, cái tác giả dấu nhưng không diếm bên trong. Bài thơ “Tiễn Người Trong Mưa” đã nói lên những gì như tôi nghĩ:
“Mưa quên tiếng chạm rạc rào
Hạt mưa rơi đúng chỗ nào cần rơi
…..
Dính da là áo em thưa
Dính anh, còn những thiếu thừa tương lai
…..
Nón cùng anh đội tiễn đưa
Tình cùng anh đội khoảng trời mưa giông” (thơ PTC-Tiễn Người Trong Mưa)
Tới đây bạn đọc vẫn chưa thấy điều gì bất thường chứ gì. Thì ta đọc tiếp. Có hai bài thơ viết về Mẹ của Cương đăng trên HX : “Hoàng Hôn Mẹ” và “Trong Gió Xuân” mà tôi cho là hai bài thơ viết cho Mẹ hay nhất từ người con trai mà tôi đã đọc từ trước đến giờ. Như lời tác giả đã tâm sự trên đây, vợ Cương mất sớm để lại đứa con trai nhỏ. Bà Nội thay Mẹ nuôi cháu. Rồi cháu cũng đi và không lâu Bà cũng đi theo. Trong một thời gian ngắn, Cương mất hết người thân.Thơ khóc thay cho nước mắt, Cương dùng những tình cảm đẹp nhất để dành viết trong thơ cho những người đã bỏ anh đi. Cho Mẹ, Cương đã viết:
– “Quanh năm áo mẹ vai sờn
Vết chai thành đá năm hơn tháng dài
…..
Xưa tre lớn bởi đọt măng
Nay con già bởi nhọc nhằn mẹ ơi” (thơ PTC-Trong Gío Xuân)
– “Cuộc đời có mấy vòng xoay
Xoay qua vòng cuối mới hay được mình
Con đi ôm hết bình minh
Để lại mẹ với vô tình – hoàng hôn (thơ PTC-Hoàng Hôn Mẹ”
Cho người vợ trẻ qua đời, người chồng tên Cương viết:
“Ngủ đi đừng đếm sao khuya
Bao nhiêu ngọn lớn đã chia em rồi
Chuông chùa đổ một tràng thôi
Không trong lồng kín tôi nào muốn bay” (thơ PTC-Đếm Thời Gian Tôi)
Và cho đứa con trai mệnh yểu người cha trẻ đã khóc:
“Càn khôn quay trật tòng tong
Măng đi để lại tre ong óng vàng
…..
Kêu không bằng miệng: con ơi
Ba không muốn ép núi đồi phải nghe (thơ PTC-Viết Ngày Sinh Nhật Con)
Viết cho người thân yêu đã khuất, Cương không dùng những từ ngữ than khóc, sầu bi. Thay vào đó tác giả đã dùng: “Thơ là nhang khói bay quanh chốn này”, để chỉ ngậm ngùi: “Lỡ quên bấm một nốt tay. Là tôi thả cánh chim bay về trời”, và để cho cạn lời: “Rượu vơi còn đọng đáy chai nỗi lòng” . Không một câu than thở nhưng nghe như xé ruột bầm gan. Sợ người đọc buồn lây, tác giả dùng những câu chữ hơi tưng tửng: lai rai, tòng tong, ong óng, mở ngực ra khoe, khơi khơi, lững lờ…như để tự an ủi là mình không còn buồn nữa, nhưng ta đọc lên là liền lấy tay quệt nước mắt, rồi sau đó cười khan.
Ngoài những bài thơ rất thơ, Cương còn nhuộm màu hóm hỉnh rất có duyên lên vài bài thơ khác. Thơ tưởng chỉ dùng để trêu ngươi, đùa cợt, nhưng đó chỉ là trên thi ngữ thôi, đọc xong rồi biết:
“ Tôi say gió đẩy về nhà
Thấy mẹ thằng bé tưởng là cố nhân
Sáng ra có một vết bầm
Người xưa đùa giỡn trên phần da tôi” (thơ PTC-Gọi Nhầm)
Đùa giỡn được không? Tôi thấy đau như dao chém chứ không nhẹ như một vết bầm. Viết về nỗi đau, cái mất mà không cho người đọc thấy đau, thấy mất, chỉ thấy tức cười, cười lăn cười bò, cười đến lộn ruột, khi đọc bài thơ Dấu Mông Chiều. Qua bài thơ này, ai cũng thấy cái tài cù lét, chọc cười của Cương thượng thừa đến mức nào. Táo tếu không chịu được:
“Hai vòng cuồn cuộn ngóng trông
Đôi nắp vung ngửa tôi đong trời chiều” (thơ PTC-Dấu Mông Chiều)
Nói thật nếu tác giả không dùng tựa đề như trên, đọc bài thơ này ai mà hiểu được ý nhà thơ muốn tả cái gì. Cuối cùng cũng chỉ muốn nói:
“Người về đứng giữa đổi thay
Nghiêng vung tuông tuột chiều ngày xưa tôi” (thơ PTC-Dấu Mông Chiều)
Không nghiêm túc vì dùng chữ “tuông tuột” ở đây phải không? bình thường thôi. Vậy thì trước khi đọc thơ của họ Phan, ta phải chuẩn bị một cái đầu biết quan sát, một trái tim mở rộng, và phải bỏ hết những kinh nghiệm đọc thơ xưa cũ, để bắt đầu nghe những cái rất mới. Lúc đầu có thể chưa thích, nhưng sau đó đâm ghiền. Không biết tự bao giờ, và do đâu, những nhà thơ đến từ xứ Quảng có lối làm thơ têu tếu mà thâm. Chữ nghĩa đối với họ chỉ để làm vui tai qua cái âm khi đọc lên. Nhưng cái ý nghĩa thì sâu thăm thẳm. Họ không ngần ngại dùng những chữ thật tầm thường, nhưng khi cho vào câu thơ, nó mang một bộ áo mới. Từ Bùi Giáng đến Luân Hoán, từ Phan Khôi nay đến Phan Thanh Cương, cái tưng tửng chết người ấy, dai dẳng đeo theo ta, làm cho ta nhớ mãi. Hình ảnh con người ấy với giọng thơ bất cần ấy không lẫn vào đám đông thi nhân. Nếu muốn đọc thơ một cách nghiêm trang với khuôn mặt một ông thần trong miếu thì đừng đọc thơ những người này.
Khi xưa Trần Tế Xương vì bất mãn với đời mà làm thơ trào phúng, cay cú. Nay Cương cũng có bất mãn, nhưng sống được, chịu được, nhưng không thể nhịn được. Trên đây đã nói, thơ đến từ cảm xúc, nhà thơ là người giàu xúc cảm. Làm sao không viết ra khi thấy nhiều thứ chung quanh làm ta buồn, đau, và có khi hận. Ba bài thơ: Tiền Ca 1, Tiền Ca 2 và Chiếc Cân Ngày Đó tác giả đã dùng để nói lên cái xã hội sống vị vật chất hôm nay. Hãy nghe Cương tả:
– “Theo sông hát cạn ngày hè
Tiền không dùi trống mà nghe xập xình” (thơ PTC-Tiền Ca 1)
– “Trăng trời ẩn nấp ba mươi
Tiền tôi khuất bóng về nơi phía rằm (thơ PTC-Tiền Ca 2)
– “Đêm xa mơ thấy trầu cau
Cố quên người móc lên đầu chiếc cân (thơ PTC-Chiếc Cân Ngày Đó)
Cũng bình thường thôi vì những gì nhà thơ viết ra là điều nhiều người biết. Nhưng chắc chắn cái bất thường ở đây là không ai viết được một cách dí dỏm như vậy. Đem tình cảm nghiêm túc mình ra đùa cợt cũng là cách giúp cho tác giả tự an ủi với đời, với tình yêu như thế này:
“Nhìn tôi em thấy những đâu
Tôi như mấy trắng chuyển màu sang đen
…..
Còn quen cho trái tình cờ
Hết quen đổi quả bất ngờ nhân duyên
…..
Thả em về những câu thơ
“Tình cờ” xưa vơi “bất ngờ” làm vui
Để mai em ngó lên trời
Mây tôi trắng lại thuở người nhuộm đen (thơ PTC-Gió Xa)
Viết một hơi hơn 10 trang giấy mà vẫn chưa nói hết những gì cần nói về cái bất thường trong thơ của Phan Thanh Cương. Viết thêm nữa sợ bạn đọc chán quá vì dài. Bạn đọc cần biết thêm thơ của Cương có những đặc điểm nào nữa không bình thường thì vào đọc những bài thơ cũ Cương đã cho lên Hương Xưa từ trước đến giờ, nhất là đọc những lời phản hồi của bạn đọc, để xem tôi có nói ngoa không. Còn tôi, nhớ lại hôm tháng tư, ngồi ở trời Tây nhớ về trời Đông, đọc bài thơ:
Thoáng Quê
nghé con gập ghềnh tìm mẹ
chắc chi mình nó chạy tìm
người về chạy qua vườn cũ
cỏ cây xa lạ đứng im
cuốc kêu nhát gừng lẻ bạn
chắc chi mình nó gọi bầy
người về vào trong ẩn giọng
tiếng lòng đo được bằng giây
rộn ràng con chim chột dột
cỏ tranh móc ngọn tre quê
cuối chiều vàng theo cái tổ
nhà xưa trắng buổi quay về?
Và tôi đã khóc khi viết phản hồi cho Cương trên Hương Xưa:
Gởi Cương,
Thơ của Cương anh phải đọc đi đọc lại nhiều lần vì không bao giờ đọc hết một lần, vì sợ đọc xong chữ thì hết nhưng lòng cảm chỉ mới bắt đầu. Nếu có ai hỏi anh ngay bây giờ anh đang nghĩ gì, anh sẽ bảo anh đang bị bài thơ của Cương làm nóng rát ruột gan và ràn rụa nước mắt. Đúng đấy, một bài thơ viết không biết tự lúc nào nhưng cho đăng vào thời điểm này thật không còn ý nghĩa nào lớn hơn. Hình ảnh con chim cuốc của em trong thơ anh ngỡ như em đang viết về những người xa quê như anh, kêu hoài cái tiếng kêu não lòng ấy mà có tìm lại qua khứ được đâu! Lời con chim quốc (cuốc) đau lòng : “Anh một mình như chim cuốc lạc đôi” của anh, em đã mượn và đưa vào thơ:
“cuốc kêu nhát gừng lẻ bạn
chắc chi mình nó gọi bầy
người về vào trong ẩn giọng
tiếng lòng đo được bằng giây“…
Năm xưa, anh có đứa em gái bị cho lên rừng:
“Em mót củi nhặt cây khô đun bếp
Nước suối gánh về nấu cháo thay cơm
Nhà phố thị bỏ lên rừng làm rẫy
Thân sậy giữa rừng, đau đớn, rét run”
Ở phương xa, người anh nghe tin chỉ biết nhìn trời mà khóc:
“Cảm ơn ai cho em bài học lớn
Con thú là người chỉ thiếu hai tay”
Người em gái năm ấy, bây giờ là cô giáo dạy Văn, mà đọc những giòng chữ này chắc nó cũng sẽ khóc như anh đang khóc đây. Nhưng bây giờ nước mắt của Anh không còn dành cho riêng nó, cho riêng ai, mà cho những gì rất khác.
Cũng bình thường thôi! phải không Cương.
Nguyên Lương
Horsham tháng 11, 2014{jcomments on}
Bài viết của anh Nguyên Lương dành cho thơ Phan Thanh Cương thật tỉ mỉ, tác giả đã chia thơ PTC theo từng giai đoạn đủ biết tác giả đã tường tận thơ PTC thế nào…..
Hôm nay đọc bài viết này của anh cũng gần như anh đã đọc thơ PTC hộ ….bởi vì dù đã đọc thơ PTC nhiều lần mà hôm nay đọc bài phân tích này của anh mình thấy như mình chưa xuyên qua được những ngóc ngách thơ PTC mà anh dẫn giải
Những lời tác giả bài viết này dành cho thơ PTC nghe thật dễ chịu…. ca mà như không ca, điều này khiến cho người nhận lời khen không phải e dè mà vỡ oà giang tay đón nhận một tâm tình………
KM
Cảm ơn Khảo Mai,
Nhớ hôm Tết lần đầu gặp Cương và Khảo Mai tại nhà Ngô Tín, mới đó mà đã gần 1 năm nữa rồi. Hôm qua đọc bài thơ “cổ” của Khảo Mai anh cứ thứ mắc và tự hỏi cô này có tài thật. Bây giờ mà còn có người viết được một bài thơ về mùa Thu như thời Nguyễn Khuyến với “ao thu lạnh lẽo” giữa đất Saigon không dễ chút nào. Phải là người có tâm hồn lắng đọng lắm mới co bài thơ bình yên đến thế. Cho gởi lời thăm ông xã. Nhớ hôm tối đó hai đứa ngồi nghe Ngô Tín và mấy cô bạn hát, đã tu hết 1 chai Cognac, ngon tuyệt.
Cảm ơn KH với những lời chân thật. Chúc vui,
NL
Anh NL!
Bài viết dài như vậy mà KM đọc một hơi hết trăm trăm luôn không sợ say…..vì nếu mà được say thơ một bửa cho đã cũng không uổng công anh vắt óc cho bài viết này….
Đọc bài viết này KM không hề nghĩ mình đang đọc bài bình thơ gì cả…. mà trên hết là bài viết từ con tim đến con tim, thế thôi……
Đêm nay…. … đọc bài viết này của anh chắc anh PTC cười mà ra nước mắt ……. vì có mấy ai mà hiểu mình đến vậy…..
Chúc anh luôn vui,
KM
Cảm ơn HX đã cho đăng bài viết sáng nay. Ngồi uống cà phê một mình nhớ về Saigon, bây giờ bên ấy đang tối thứ Bảy, chắc Cương đang cùng với Nguyễn Đăng Trình hay Trần Dzạ Lữ ngồi nhâm nhi tại một góc phố nào đó nói chuyện thơ văn với nhau. Mình rất vui mừng vì qua bài viết này, bạn hữu HX có dịp đọc lại những bài thơ của Cương. Những bài thơ như viết chung cho thế hệ chúng ta, ai cũng có một chút hình ảnh và tâm tình trong đó. Đọc thơ Cương ở phương trời xa mình thấy gần lại với quê nhà hơn trong trí nhớ, qua kỷ niệm, rồi từng con hẻm nhỏ, góc phố, con đường cũ hiện về. Rồi người xưa với áo dài trắng hiện về lồng lộng:
“Chôn mộng cũ bên bờ lau sậy mọc
Mắt môi xưa lồng lộng đến bao giờ” (NL)
Cương ơi! anh đang nhớ quê nhà sáng nay. Chúc vui mọi người có những ngày cuối tuần thật đẹp.
NL
Anh Nguyên Lương
Đọc xong bài viết của anh, nửa tin nửa ngờ vào mắt mình, không lẻ chưa ngủ mà đã mơ. 12 giờ đêm làm một ly cà phê, một điếu thuốc, thì ra đây là sự thật. Cái thằng quanh năm ở dưới đất nay bổng bay lên trời bằng đôi cánh Nguyên Lương.
Không lẻ Bá Nha , Tử Kỳ sống lại làm đôi bạn tri âm hiện đại.
Cái gì xô, đẩy, thúc, kéo anh viết: người hay thơ. Người thì anh em gặp nhau nói chuyện chưa đầy 5 phút, còn thơ rải rác trên mạng vài chục bài, đôi khi đọc lại, muốn sửa đôi câu, nhưng không đủ khả năng, vì trạng thái tình cảm mỗi thời, mỗi lúc đã khác.
Không lẻ cái thằng phụ hồ, vài chung rượu với PTC trở thành thiên tài khi nó phán: một ngày nào đó sẽ có người viết về thơ chú.
Vậy thì cần gì 300 năm sau” tam bách dư niên hậu”ND.
Anh có trên đời đâu phải để làm nhà khoa học, mà để viết văn mới đúng. Vóc dáng anh làm thầy thuốc thì tuyệt vời, hiền từ, chơn chất. Thế mà anh đi trồng hoa, nuôi dưỡng hoa, nó sẽ tàn cho anh xem nhé.
Bên trong vẻ hiền từ, ẩn chứa một sự thông minh khủng khiếp, ai phỉnh anh lấy được tiền, người đó sẽ làm CIA được.
Năng khiếu văn, hiền từ bao dung, yêu hoa và thông minh, sâu sắc, của anh thừa viết nhiều quyển sách về thơ thiên hạ. Chỉ ngạc nhiên là anh chọn bình thơ PTC.
Hoài Thanh, Hoài Chân của PTC.
Cương em,
Khá vui biết được những gì em đã viết. Đúng là vui thật vì đời em có nhiều mảng tối thế mà em cứ rọi vào đó những tia sáng, dù mong manh, cũng đủ làm ấm lòng người đọc. Mọi người đọc thơ em cố ý là muốn chia xẻ với em những buồn chuyện đó, nhưng đôi lúc họ không hiểu nổi những ẩn dụ sâu xa nên chỉ đọc phát lờ. Anh thì chịu khó một chút, đào sâu hơn một chút, như những người đào vàng, vì càng sâu càng tìm ra nhiều mảnh vàng lớn qúi.
Anh có người bạn thân, anh gọi là ngâm sĩ Nghĩa, chắc bằng tuổi em. Thời 75-78 bị đưa lên làm thuỷ điện ở Quế Sơn gần Đèo Le nên đã nhiều lần, cùng ai đó, le lưỡi ì ạch lên xuống con đèo dốc ngược này. Giáng Sinh này Nghĩa và vợ về VN chơi. Em muốn anh giới thiệu cho để hai người nói chuyện Đèo Le với nhau nhé. Nghĩa người gốc Huế, lớn lên ở Đà Nẵng, học sau anh 2 lớp tại Dalat, đã ngâm rất nhiều lần thơ em và được mấy nàng ngưỡng mộ lắm. Hôm nay có buổi tiệc anh lại đem hết 33 bài thơ em cho Nghĩa chọn ngâm cho mọi người nghe đây.
Những lời của em cho anh biết mình không đi trật đường bao nhiêu khi tưởng tượng ra con người nhà thơ qua thơ. Anh cũng đã bị hiểu lầm hoài đó là gì. Nhưng hiểu lầm đáng yêu nên cứ để thế, cho đời thêm hoa lá em nhé. Trồng hoa cũng như yêu hoa, yêu thơ, yêu văn hóa Việt như nhau. Nhưng anh yêu qúi nhất là những người bạn chân chất, thật tình, thật lòng. Có gì cứ trải lòng lên chiếu tranh ta ngồi đó khề khà và thế là trái đất ôm ta vào lòng, cây cỏ vì ta mà rung lên, con người cũng vì ta mà thấy yêu đời hơn. Thơ em là những đóa hoa lạ anh đã tìm và trồng ở khu vườn nhà anh đấy.
Chúc vui,
NL
Xin thêm quanh NĂM ở dưới đất. Cảm ơn BBT.
Thân hữu HX kính mến
Cho phép PTC gởi lời cảm ơn BBT, anh Lê Trọng Minh Kha người chủ xướng phong trào bình thơ.
Cảm ơn tác giả “Thơ Phan thanh Cương, Bình thường thôi”. Xin phép anh Nguyên Lương cảm ơn thân hữu: Khảo Mai, anh lê Công Dũng, BX Phẻ, anh Quế Anh, Võ Như Vũ, anh Nguyễn Càn Tử, chị Trần Kim Loan, anh Vũ Thất,anh Ngu Yên, chị TT hiếu Thảo, anh Nguyễn Tấn Lực…
Qua lời bình của anh NL, các comment thân hữu, PTC nghĩ mình phải làm gì với những tình cảm trân trọng không được quên này.
Kính chúc BBT, anh Lê Trọng Minh Kha, anh Nguyên Lương , thân hữu nhiều sức khỏe, chúc HX là căn nhà ấm nhất VN.
Trân trọng
Anh Nguyên Lương,
Rất vui đã được anh gởi trước cho đọc bài viết ” Thơ Phan thanh Cương, Bình thường thôi”. Đây là một bài viết rất hay, rất sâu sắc, đã nhìn vào những góc cạnh thật sâu thẳm “không bình thường” một cách rất bình thường của thơ và tâm hồn nhà thơ Phan thanh Cương!
Một bài bình thơ thật xuất sắc, đọc thấy thấm thía và hiểu thơ PTC nhiều hơn. Cám ơn anh,
Thân mến, LCD
Anh Dzũng,
Cảm ơn Anh đã là người đọc đầu tiên và đã co những cảm nhận từ bài viết này, ngay cả trước khi HX đăng lên. Thơ của Cửa Cương, như bọn mình đã từng in ra rồi đến mấy buổi tiệc đọc, hay có hôm nhờ ngâm sĩ Nghĩa ngâm cho mõi người nghe. Thơ Cương dễ đi vào lòng người dù chỉ đọc qua một lần. Bây giờ gìa rồi nên không còn khả năng nhớ hết bài thơ nào của Cương, nhưng những câu như: “Ngực em còn dính lưng tôi” thì không bao giờ quên được. Đọc lên là thấy mắc cười rồi.
Hẹn gặp anh ngày mai mình nói chuyện thơ văn tiếp anh nhé.
NL
Chào Chú em,
Hôm nay trời bên miền Đông trở lạnh rất bất thường, lạnh qúa nên không ra ngoài mà ngồi trong nhà, lên mạng, để tìm hơi ấm từ thân hữu khắp nơi. Có lần em đã nói khi mới gặp anh là anh rất “thàng”. Bản chất người nông dân đất Bình Định trong anh khó mà tẩy đi được, thế nên anh làm cái gì cũng đến từ tấm lòng rất thật của mình, không màu mè, không tô vẽ.
Cái máu ấy anh tìm thấy ở những người như em, như Cương, như HN Tín…..
Bỡi thế mà chúng ta dễ gần nhau. Em phải săn sóc Mẹ mới về nhà từ bệnh viện, nên chắc bận. Hôm nào rảnh anh sẽ gọi trò chuyện cho vui,
Chúc mọi ngưòi trong nhà vui vẻ.
NL
Chào anh Nguyên Lương ,
Đọc bài viết của anh về thơ Phan Thanh Cương , lời đầu tiên là : ” Hết sảy ” !
Rất thú vị , anh đã dành cho nhà thơ đất Quảng một tấm lòng hết sức quý mến , một cái nhìn sâu cảm bởi ngòi bút nhiều trải nghiệm . Tôi đọc mà cứ nghĩ còn nữa cho đến đoạn cuối cùng và cảm thấy tiếc khi đã hết ! Lời bình tự nhiên và đầy chất thơ , mỗi đoạn mỗi bài thơ đều lồng cả ý tưởng của nhà thơ , của cảnh vật và của lòng mình để trích dẫn thật sống động .
Cho tôi gởi tới anh , nhà thơ Nguyên Lương lời rất quý mến !
Cảm ơn Quế Anh đã coí những lời nhận xét chân tình. Đang lạnh ngoài trời mà thấy lòng ấm áp. Thơ Cương dễ cảm nên dễ viết. Người đọc ai cũng thấy điều đó không riêng mình. Mùa này thì rảnh, viết được dài vì cò nhiều thì giờ.
Chỗ của Quế Anh ở có lạnh không? Năm nay mùa đông đến sớm qúa.
Mong anh được ấm lòng.
NL
Bài viết hay! Cảm ơn Nguyên Lương dẫn tôi đi 1 vòng gần hết thơ của Phan Mạnh Cương . Bà con họ Phạn ai cũng làm thơ hay . Tuy nhiên lòng tôi chùng xuống vì nặng trĩu ngậm ngùi cho thân phận của một người vợ khi đọc đến câu:
“Tôi say gió đẩy về nhà
Thấy mẹ thằng bé tưởng là cố nhân”
Tôi sẽ càng buồn hơn nữa nếu đây là một những “bình thường thôi”
Thân ái
Đọc lời Comment của Võ Như Vũ bỗng giật mình. Tinh thật, với bài cảm nhận dài mà vẫn thấy cái hay và cái chưa. Làm NCT nhớ tới Nguyễn Vỹ làm bài thơ gởi Trương Tửu có câu:
Thời thế bây giờ vẫn thấy khó
Nhà văn An Nam khổ như Chó
Mỗi lần cầm bút nói văn chương
Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương.
Rồi một hôm Tản Đà say rượu Tản Đà trách Nguyễn Vỹ: Sao anh lại ví nhà Văn chúng mình với chó? Anh không sợ xấu hổ à? Nguyễn Vỹ đáp lại, cũng trong lúc say: Tôi ví như thế thì chó xấu hổ, chứ chúng ta xấu hổ nỗi gì?.
Nhà thơ say thì Mẹ cháu bé xấu hổ chứ đâu phải nhà thơ!. Vì vậy say bình, say thơ cứ bay lên trời vi vu nào có ngán ai. Thơ PTC đọc rất cảm, phải công nhận là hay và có phần độc đáo.
Anh Võ Như Vũ,
Anh cảm nhận chỗ này hay lắm, sâu sắc lắm! Nhưng mong anh thông cảm cho chàng Cương lúc này anh ta đã say tuý luý rồi!
Mến, ltmk
Cảm ơn anh lêtrọngminhkha!
Cũng nhờ anh, mình đọc lại vài chữ mình gửi, thấy sai nhiều quá! Cái tên Phan Thanh Cương, quan trọng thế mà tôi cũng sai. Còn nữa cái họ Phan tôi cũng trật thành họ Phạn . Xin thành thật xin lỗi!
Chỉ có vài chữ, dù không say, cũng đã sai túy lúy. Phan Thanh Cương say túy lúy mà chỉ có mỗi một cái nhìn sai.
Hết sức thông cảm và thông cảm!
Đúng như Võ Như Vũ nói, khi mình đọc mấy câu thơ này của Cương, bỗng giật mình vì xót xa. Cái hay của nhà thơ là ở chỗ này. Đau mấy thì đau nhưng cứ làm bộ như không có gì rồi khóc nuốt nước mắt vào lòng. Người đàn ông sống thật nhất là những lúc say này đây. Cương không ngoại lệ. Ta gặp nhau ở mấy câu thơ này.
Cảm ơn VNU.
NL
sáng ngủ dậy đọc một hơi bài viết của anh Nguyên lương & những comment của các bạn mới thấy tuyệt vời làm sao !
Thơ PTC đọc cũng đã nhiều,chỉ cảm nhận đơn giản sâu sắc & rất hay ! nhưng khi đọc bài viết của anh NL thì mới thấy như KM đã viết”gần như anh NL đã đọc thơ PTC hộ…” anh đã chấp cánh cho thơ PTC bay cao & đậu vào lòng người đọc thật sâu sắc!
Cám ơn anh NL, cám ơn PTC ! Mong được đọc tiếp những bài viết của anh về tác giả khác! chúc tất cả an vui…
Hi Kim Loan,
Mới sáng ngủ dậy sao không nhâm nhi cái gì cho chắc bụng mà lại cái món thơ thẩn này, khó tiêu lắm đấy. Nói đùa chứ thứ thơ này của Cương rất dễ đi vào, nhiều khi chưa nhai đã vội nuốt vì ngon qúa. Thời buổi này tìm được một người như Cương và làm thơ như Cương hơi hiếm. Một thời mình rất thích thơ Bùi Chí Vinh, nhưng gần đây BCV ít làm thơ lắm thì phải. Nhưng đâu cần, đã có Chàng Cương bên cạnh rồi tha hồ mà thưởng thức.
Lâu qúa không có được đọc thơ của Kim Loan trên HX. Có gì mới lạ không?
NL
Chào NL,
Rất đạt. Sẽ đưa lên Trang VT sau Hương Xưa đăng 1 tuần
Vũ Thất
Anh Bảy,
Không ngờ ông Anh tác gỉa tiểu thuyết “Đời Thủy Thủ” lại thích những lời bàn Mao Tôn Cương này. Anh mà cho bài này lên trang nhà của anh, bạn hữu xa gần lại có dịp thưởng thức thơ của Cương, mai kia tên tuổi chàng Cương sẽ nổi như cồn cho xem. Cho em gởi lời thăm qúi thân hữu ở Virginia.
NL
Bạn Lương,
Lâu quá mới xuống núi. Đọc thơ PTC với lời bình của bạn khiến tại hạ nhớ lại ngày xưa.
Thuở hoá ra nét chữ lên đàng quẩn quanh.
Quả thật, thơ PTC cho lòng người đọc bình an và dí dỏm yêu đời. Có lẽ tâm tư của Nguyên Lương cũng vậy: Có người tình trẻ đẹp. Có vườn hoa bốn mùa. Có an bình trong bão tố. Hỏi đời còn muốn gì hơn?
Ngu Yên
Gởi Ngu Yên,
Mình vẫn còn nhớ như in tất cả nhũng bài thơ trong Hoá Ra Nét Chữ Lên Đàng Quẩn Quanh của ông. Khi đọc thơ của PTC, có cái gì đó rất gần với lối ra thơ của NY, thích qúa nên phải viết xuống. Đúng là mới đây mà đã gần 35(?) năm lúc đọc bài thơ đầu của Ngu Yên trên Văn Học Nghệ Thuật. Lúc đó 2 anh em tự hỏi không biết có phải là của N Hiền Tiên không. Sau đó khi nói chuyện qua điện thoại ông còn đánh đố bọn này nói Ngu Yên không phải là NHT. Tính hay đùa dai của Ngu Yên thì không ai bằng. Vẫn nhớ lần về Houton thăm vợ chồng, ngồi nghe ông nói chuyện trời đất suốt đêm mà không chán.
Hy vọng lần sau có dịp về lại Houston sẽ được nghe ông nói chuyện đất trời.
Giữ gìn sức khỏe nhé.
NL
Hi anh NL cám ơn anh đã có một bài viết khá công phu và gom toàn bột dòng thơPTC để cho các bạn có dịp đọc thêm Thảo xin chia sẻ HT thích những câu thơPTC
“Bình thường thôi”, anh về qua bên núi,
Lá trôi xuôi – đầu suối – những chia lìa.
Anh châm thuốc bên đường, lửa tắt,
Che tay bên này, gió thổi bên kia.”
Hình ảnh quá đẹp quá thơ và quá thật
Nói chung đọc mấy câu thơ này gợi cảm và xúc độngnghé con gập ghềnh tìm mẹ
chắc chi mình nó chạy tìm
người về chạy qua vườn cũ
cỏ cây xa lạ đứng im
cuốc kêu nhát gừng lẻ bạn
chắc chi mình nó gọi bầy
người về vào trong ẩn giọng
tiếng lòng đo được bằng giây
rộn ràng con chim chột dột
cỏ tranh móc ngọn tre quê ThơPTC
Thơ hay là tự nó nói lên đọc và cảm nhận không bao giờ hết…và vô tận . Nhưng chúng ta là những người yêu thơ giống như thấy một nhan sắc diễm kiều ta cần thảng thốt … Hoặc một người nổi tiếng đi ngang ta trầm trồ …( theo phản xạ tự nhiên) phải không anh NL. Vui chia sẻ cùng anh một ý niệm cuộc sống nhé anh NL chúc anh vui nhiều
Cảm ơn Hiếu Thảo đã đọc bài cảm nghĩ của mình. Đọc mấy lời khen của Thảo chắc chàng Cương thích lắm. Anh chỉ muốn giúp cho đôi cánh thơ của Cương dài thêm để bay xa xa, bay cao hơn một chút. Để thấy bầu trời thêm xanh và biển thêm rộng. Anh muốn rất nhiều yêu thơ ở hải ngoại biết về thơ của Cương. Vì chỉ có người trong cuộc mới thấy và viết ra hết những tâm tình. Đọc thơ Cương hiểu thêm những điều cần hiểu.
Chúc vui và thêm sức để sáng tác dài dài.
NL
Chị Hiếu Thảa thân mến
“Thơ hay là tự nó nói lên đọc và cảm nhận không bao giờ hết…và vô tận” TTHT
Lời nhận-định của chị đúng và hay quá!
Chào anh Nguyên Lương.
Cám ơn anh đã cho đọc một bài bình thật hay thật sâu sắc về thơ PTC,đây cũng là những chia sẻ đáng trân trọng về những riêng tư u buồn mà từ đó phát ra những cung bậc thanh âm trong thơ người em đáng yêu của chúng ta.
Chắc Anh Lực hiểu PTC hơn ai hết. Khi đọc thơ Cương mình tò mò. Càng biết thêm, càng thấm những tâm tình trải qua lời thơ. Đúng là bên trong nghĩ sao bên ngoài nói vậy. Khí phách, ngang tàng và ngông nghênh là bản tính rất cần của người nghệ sĩ trong mọi thời đại.
Cảm ơn Anh Lực đã cảm thông.
NL
Thơ Phan Thanh Cương rất độc đáo và người phân tích trọn vẹn cái độc đáo của thơ lại càng độc đáo hơn, quá tuyệt cả PTC và anh NL.
Nhã Lan,
Chắc tại vì anh em tôi, 2 thằng người của xứ miền Trung nắng gió mưa dầm, thích uống rượu, và thơ thẩn vói nhau nên dễ gần. Gặp người đồng điệu, lại thích thơ anh ta giống như mấy cô mà gặp mấy cậu thích qua nên lựa dịp phải nói ra cho người ta biết là “Em rất qúi Anh”. Nói là qúi nhưng sự thật là yêu, cái ngôn ngữ Việt nó qúi phái và đẹp nhất ở những từ này. Nói thế nên Nhã Lan biết anh em bọn tôi bản tính là dân tưng tửng, thích chọc cho mấy cô cười, mà khi “mấy cô cười thì để lộ mười cái răng sún” nên lại càng thích cù lét người ta thêm ha ha ha.
NL
Anh Nguyên Lương và anh Phan Thanh Cương thân mến,
Bài viết của anh Nguyên Lương hiếm-hoi vì anh không chỉ diễn-giải thơ Phan Thanh Cương cho dài ra mà đưa ra thêm một số nét đẹp mà nhiều người không thấy. Anh cũng đưa ra một số điều về đời song của PTC,không nhiều để làm người thơ khó chịu nhưng lại vưa đủ cho ngươi đọc. Tuyệt!
Hai điều trên quyện vào nhau làm cho người đọc cảm-nhận được nhiều hơn.
Đọc thơ PTC thường không nên chỉ đọc một lần. Đọc lần thứ nhất đã thấy thích. Đọc lần thứ hai, thấy thích hơn. Đọc bài giới-thiệu của NL càng thích nữa.
“Thơ Phan Thanh Cương, bình-thường thôi”. Vâng, anh nói đúng. “Bình-thường” nhưng được xếp loại vào những áng thơ trác-tuyệt.
Phan Thanh Cương lúc nào cũng khiêm-nhượng, không chỉ-trích chê-bai ai, không tự khen thơ mình. Tư-cách anh làm người khác nghiêng mình cảm mến.
Hu-vọng bài giới-thiêu của NL sẽ còn đăng trên các trang mạng khác.
Ông Hòang,
Bọn mình cũng đã cùng nhau, bên những chung rượu khề khà, nói chuyện thơ của người bạn nhỏ tuổi đời nhưng gìa tuổi sống này nhiều lần. Và lần nào cũng không bao giờ đến được điểm dừng. Cũng như thơ của anh, anh dấu rất kỹ, ngay cả người vợ cũng không biết anh làm thơ. Đến khi nhóm của Sông Song ngâm lên, rồi anh Lê Công Dzũng viết lời cảm nhận thế là bây giờ không thể dấu kỹ được nữa, và Chị nhà cũng biết lâu nay ổng âm thầm viết những gì.
Đã bao nhiêu lần mình muốn viết về thơ Cương nhưng chưa có dịp, đến khi HX đề nghị viết về thơ ai đó, mình chọn Chàng Cương. Chọn liền tức khắc giống như mình đặt cọc tiền vậy vì sợ ai xí mất. Từ lúc hứa với Lê Trọng Minh Kha (tháng 9) là sẽ viết và sẽ cho đăng vào tháng 11, nhưng đến tháng 11 rồi mà chưa xong vì đã viết tới viết lui,thấy chưa đạt nên viết lại, và cuối cùng ra được bài này thấy nhẹ dạ. Trả được nợ đã hứa với HX một phần, nhưng trả nợ chính là với thơ của Cương, giống như mình thích ai qúa, đợi dịp để thỏ thẻ vào tai họ một câu :”I really like you”. Nhưng nói thế chưa đủ, phải nói cho người ấy và mọi người biết mình “like” ở chỗ nào. Qúi bà vợ khi nghe chồng mình “tám” với bạn hàng giờ trên phone họ thắc mắc không biết nói với nhau những gì mà lâu thế. Và từ đó họ kháo với nhau, mấy ông cũng nhiều chuyện lắm đấy. Đúng là chúng ta nhiều chuyện trong một vài chuyện, mà nói hoài không hết phải không Anh. Không dừng ở đây đâu sẽ nói nhiều nói mãi đấy.
NL
Anh Nguyên Lương thân mên,
Nhà tôi biết tôi làm thơ nhưng không nhiều dịp đọc. Bà biết nhiều hơn khi anh và anh Trần Đại Nghĩa mang thơ tôi ra trình Làng lúc họp mặt anh chị em. Việc này xẩy ra trước khi có cuốn DVD .
Khi cảm xúc, tôi viết xuốmg. Người ta bảo tôi làm thơ cho chính mình nhiều hơn là cho thiên-hạ đọc . Thêm vào đó, công việc của nhà tôi bề ngoài trông nhàn-nhã nhưng có nhiều áp-lực nên tôi không nỡ bắt vợ mình phải nghe hay đọc những gì không cần thiết .
Đa số thơ tôi được phổ-biến vì anh chị em rủ làm báo hay họ phổ biến dùm. Nhờ vậy thơ mới còn lại.
Dầu sao cũng cám ơn các anh đã giới thiệu thơ tôi .
Lời bình của anh Nguyên Lương thật là trác tuyệt, bình thơ mà như lời tâm sự giữa hai người Tri kỷ.Trên đời này có lẽ chưa ai hiểu và thấm được thơ cũng như con người của Phan Thanh Cương như anh.
Anh thấu hiểu đến tận tường mọi ngóc ngách hồn thơ cũng như con người của Tác giả.Khác với một số Nhà thơ khác, thơ của Phan Thanh Cương là người, nó phản ảnh rất thật tâm tư, tình cảm của Tác giả với mẹ hiền, người thương, gia đình con cái, với thung lũng quê nhà mà nơi đó anh từng đã có người thương.
Trước đây mình chỉ thấy được nhà thơ “Cõng em” có cái gì đó ngồ ngộ, dễ thương, nay qua lời bình của anh Nguyên Lương mình thấy Phan Thanh Cương càng dễ thương hơn, đáng trân trọng hơn dù cuộc đời Tác giả đã trải qua bao thác ghềnh giông tố.
Huỳnh Ngọc Tín này không biết làm thơ, càng không biết bình thơ nhưng thích đọc thơ hay và những lời bình sắc sảo,chân tình.Xin nghiêng mình trước hai người Tri kỷ Lương – Cương tình bạn thơ văn của hai người đã làm tôi xúc động.Không phải ngẫu nhiên mà anh Lương có được những lời bình sâu sắc này, nó là cả quá trình cảm thông và thấu hiểu.
Chú đã bình thơ dược rồi đấy. Nói là bình thơ cho nói oai chứ thật ra là viết về cảm nhận. Cảm nhận thi có cái tôi và cái ta. Cái tôi rõ hơn còn cái ta thì ai biết thì thấy không biết thì thôi. Người ta bảo thơ, văn tức là người. Muốn biết thơ của họ ra sao thì trước hết phải biết những ngõ ngách của cuộc đời họ rồi tán dóc từ đó. Cương bảo anh là con ma xó ở Saigon, là thầy bói mà đoán đâu trúng đó. Hắn sướng không phải vì anh khen thơ chú ấy hay mà sướng vì biết từ nay ở phương trời xa có người hiểu hắn kỹ hơn những người chung quanh. Em cũng là người ở xa và cũng là tri kỷ của Cương rồi đó.
NL
Thơ PTC hay ở mọi mảng đề tài, những bài thơ viết về những người thân đã khuất, bao trùm trong đó là hình ảnh quê hương, MT có rất nhiều cảm xúc với chùm thơ này, nơi đây cũng là nơi chốn sinh ra của MT và người thân cũng nằm lại ở đó rất nhiều, những bài thơ về câu chuyện tình đèo Le để lại trong lòng MT những tình cảm khó tả lắm, cả 6 bài đều hay.
Bài viết của anh Nguyên Lương rất sâu sắc và đậm chất thơ, anh đã tinh tế nhìn ra được cái “không bình thường” trong thơ Phan thanh Cương! Cái không bình thường rất đáng yêu đã chinh phục được tình cảm của rất nhiều người đọc. Đọc bài bình của anh Nguyên Lương thấy rất thấm thía, với cả tấm lòng anh đã xuyên thấu, phân tích tỉ mỉ những nét độc đáo trong thơ và cả giông bão trong cuộc đời Phan Thanh Cương bằng đôi mắt bao dung nhân hậu.
Cám ơn và chúc sức khỏe anh.
Cảm ơn Thu đã đọc và hiểu những gì anh viết về thơ của Cương. Anh có nhiều ý nghĩ về Cương lắm nhưng trong khuôn khổ một bài qúa dài không viết nhiều được. Anh để dành khi nào gặp lại hắn sẽ nói thêm. Thu cùng quê với Cương, cũng xa quê đành đoạn, và chúng ta như con cuốc lẻ bạn gọi bầy. Nhưng bây giờ đó đây chúng ta tìm được nhau, cái nhớ cái thương quê nhà của Thu là của anh, của Cương và của mọi người.
Chúc em khỏe mạnh. viết thêm những bài thơ để anh ở phương trời xa biết là có người đang ở trên quê hương vẫn nhớ quê như anh để anh không mủi lòng khi nghĩ về nơi đó.
NL
Anh NL ui ! Đọc lời cảm nhận của anh về thơ pTC thật hết ý. Phân tích tỉ mỉ sâu sắc trong mọi ngóc gách tâm hồn tác giả .không biết nói gì thêm vì các bạn đã nói hết rồi -tóm lại lời bình của anh NL ‘HẾT SẨY’
Cảm ơn Mộng Cầm,
Thơ của Cương đễ đọc, dễ ghi vào tâm tư nên viết ra rất dễ. Chỉ sợ không nghĩ và viết ra hết thôi. Nhưng không sao, nhiều lúc tác gỉa còn không biết mình là ai thì làm sao mình biết hết được. Đoán mò là cái mình làm được nhưng chính tác gỉa thì không, thế nên đôi lúc tác gỉa cần những gì mình viết như tấm gương soi vào đó và biết mình dưới con mắt mọi người là như thế đó. Hiểu bạn mình qua thơ như thầy bói đoán 50/50 chắc cũng có điều đúng. Cái chắc chắn đúng nhất là cái Cương không dấu được chúng ta: Cương yêu đời, yêu nguời, yêu tha nhân mãnh liệt. Thế là đủ.
NL
” Đây là một bài phân tích và bình thơ rất hay, rất sâu sắc, đã đào sâu vào trong từng ngỏ ngách bí hiểm của tâm hồn nhà thơ. Không những thế anh còn khai phá một cái nhìn xuyên suốt và độc đáo về thơ Phan thanh Cương: “
Cảm ơn Thỏ con,
Chúng ta có một người bạn thơ rất có tài, cho chúng ta những bài thơ hay đung đưa qua ngày tháng. Có những lúc buồn lục thơ của Cương ra đọc thấy như có người đang chia xẻ với mình nội tâm. Dù ở khá xa nhưng thơ của Cương giúp anh gần lại với quê nhà và những hình ảnh như trong bài Chậu Quê khi đọc lên thấy như đang ở trong căn nhà cũ nơi mình đã sống những ngày tuổi thơ hồn nhiên. Bây giờ được nghe ai nhắc đến những hình ảnh đó thấy như được trở về, dù:
“Anh về lại vườn xưa thay chủ mới
Hàng dừa xanh rủ lá khóc tang thương
Lựu, mãng cầu, xoài mít hắt hiu buồn
Cây mù u góc rào chít hoa tang trắng…” (NL)
Chúc vui
NL
Thường thì anh NL hay “khen quá” khi đọc một bài thơ nào thấy thích. Nhưng ở bài viết này lại khác. Anh khen rất thật, phân tích thơ PTC như nói với chính mình.Sự nhạy bén tinh tế khi đọc và cảm thơ PTC rất đáng ngưỡng mộ.NT rất thích đọc thơ PTC và thích những lời anh NL viết “Nói thơ của Cương hay, chưa đủ. Nói thơ của Cương rất tình cũng chưa nói hết. Nói thơ của Cương lạ, mới, có sức hấp dẫn, mê hoặc người đọc, quyến rũ người nghe và dày vò tâm thức của những người có nhiều cảm xúc mới đúng.”. Anh viết hay quá anh NL ơi!
Gởi cô giáo,
Có người nói anh “mổ xẻ” thơ của Cương ra như mổ xẻ một vấn đề. Anh nghĩ người bạn đó nói đúng. Cái tính thích đi tìm cái gốc của mọi vấn đề cho mình tìm hiểu sâu xa hơn những gì người bạn thơ viết. Đọc thơ như nhìn một bông hoa, càng nhìn càng thích. Buổi sáng có sương, buổi trưa có nắng, buổi chiều có gió…và mỗi lúc sắc màu của hoa cũng khác đi cho ta cảm gíac thật thú vị. Đọc thơ mà như “cỡi ngựa xem hoa” thì khó thấy hết những cái hay. Ngày xưa khi trí nhớ còn tồt, bài thơ nào thích là đọc đến thuộc lòng luôn. Bây giờ đầu óc bề bộn, chỉ nhớ được vài câu, cũng đủ cho mình nhớ về bài thơ và tác gỉa của nó. Nếu khi xưa còn trẻ mà được đọc thơ của Cương, lâu lâu có dịp đọc lên nhiều người nghe chắc ngỡ ngàng nhờ cái hay của nó. Năm xưa, khi từ Dalat về trường Nữ Trung Học bán đặc san Đồ Bàn của nhóm SV viện Đại Học Dalat. Anh chỉ dụ mấy cô gái học trò lớp 10, 11, 12 bằng cách đọc lên vài câu thơ trong đặc san, như là:
“Ơi nggười thiếu nữ tuổi mười lăm
Cái tóc em đang thắt bím hồng
Anh thở trong em mùa bão lớn
Cho vừa đôi mắt lạnh thu đông”
Nghe mấy câu thơ mấy cô rú lên, không đầy 10 phút mấy chục cuốn đặc san của mấy anh sinh viên từ xứ lạnh về được mấy cô em gái mua sạch. Có lần gặp một cô, năm 73 đang học lớp 11 ban A của trường Nữ tại Mỹ. Cô đọc lại mấy câu thơ đó cho mình nghe rồi hai anh em cười vui như gặp lại cố nhân.
Thơ là sợi thân tình, nối chúng ta lại với nhau, đúng không.
NL
Anh NL lại càng chứng tỏ tài nghệ siêu phàm khi dấn thân vào lãnh vực thơ PTC, anh Cương sướng nhé có người đã hiểu mình hơn mong đợi, chúc mừng hai anh.
Gởi Bích Vân,
Công của Cương là viết lên những bài thơ hay, mình chỉ có đọc và thưởng thức, và tìm cách cho tác gỉa biết mình yêu qúi những lời thơ đó như thế nào. Nghe Cương kể, nhiều đêm có ý muốn viết một bài thơ, gỉa bộ đi ngủ sớm cho vợ đi ngủ theo. Rồi khi nàng say giấc điệp chàng lò mò lấy giấy bút ra viết, những bài thơ viết từ trong chăn mền của đêm đấy, sáng ra đọc lại thấy sáng rực như ban ngày. Và nhờ trang mạng chỡ thơ đi, vài tuần sau mình đọc được. Nhưng khi đọc đâu có bao giờ nghĩ bài thơ được ra đời trong hoàn cảnh nào. Lạng mạng qúa chừng phải không. Cái mình thắc mắc không biết sau khi viết xong bài thơ tác gỉa có thể ngủ lại được không hay nằm đó mơ màng chờ trời sáng. Thơ giúp cho ta biến thực thành mộng, và thơ ru ta những giấc mơ ngày. Cương có những giấc mơ đó nên chắc có lúc sống với mộng dù cho dù thực là thế nào. Mình cũng thế.
NL
Nguyên Lương là vệt nắng sớm đã xuyên qua ‘cành, lá thơ
sáng tối’ của Phan Thanh Cương.
Thơ đã hay, lời bình càng đáo để!
Chúc mừng cả 2 bạn.
Cảm ơn Anh Định,
Cương làm thơ như đùa, nhưng người đọc thơ Cương thì không dám đùa chút nào. Với những người thừa khả năng viết hay như Cương thì dù chỉ là một viên sỏi bên đường, như lời thơ của Mai Thảo:
“Không như hạt cát sông Hằng đó
Chứa ở trong lòng một đại dương”
Cương có thể đưa ta về đi lại trên những con đường quê xưa. Hình ảnh trong thơ Cương thật đầy.
NL
Mình mới đọc thơ Phan Thanh Cương trên Hương Xưa được một năm và thỉnh thoảng trên Facebook , thấy thơ rất hay , từ cách dùng từ đến ẩn dụ phải đọc nhiều lần mới ngộ được , và nghĩ rằng PTC là nhà thơ có năng khiếu sẵn trời cho nên không lẫn vào đâu được . Nay được đọc bài bình sâu sắc của Nguyên Lương mới thấy hết đươc hình ảnh nhà thơ qua quá trình hình thành những bài thơ hay đến thế . Chỉ gặp ít thôi nhưng hiểu nhau tinh tế , như Bá Nha Tử Kỳ trong truyền thuyết xưa . Cảm ơn Nguyên Lương .
Gởi Anh Kỹ Sư có tấm lòng thơ,
Cương sống sau anh em bọn mình nhưng trừng trải hơn vì nghịch cảnh cuộc đời. Bề dày cuộc sống cho Cương chất liệu phong phú để ra thơ. Bài thơ nào của Cương cũng độc đáo. Những bài thơ Cương viết từ khi bỏ học (1975?) cho tới hôm nay, loay hoay mãi vẫn chưa thoát được những khắc khoải, như nhà thơ To Thùy Yên đã viết năm 1971 trong bài Chuyện Tình Người Lỡ Vận:
“Em làm khôn, còn ta, ta gỉa dại
Ngày bồn chồn ngày, đêm khắc khoải đêm
Ta tủi thân thêm một lần vượt ải
Nghề ngông cuồng tập mãi cũng thành quen…”
Thấp thoáng trong bài thơ trên là hình ảnh của Chàng Cương và cũng là của anh em mình.
Chúc vui,
NL
Phải nói rằng thơ của Phan Thanh Cương và Ngựa hoang Nguyễn Đăng trình đã tạo cho mình nhiều ấn tượng nhất trong những lần gặp gỡ trên FB và ngoài đời .
Hôm về Việt Nam cùng với Nguyên Lương NT có được hân hạnh cùng ngồi với PTC uống hết một chai rượu vừa mới mang từ Mỹ về mà không say .Ngày sau lại cùng uống với Nguyên Lưong , Nguyễn Đăng Trình và Phan Thanh Cuương để nghe Cương đọc những bài thơ trong đó có bài Cõng em với dấu mông chiều . Cả bọn ngồi đàm đạo về thơ văn nhạc họa thật là thú vị .Thật là một đêm đầy thi vị .
Thơ PTC đã tạo cho mình một ấn tuượng rất đặc biệt . Từ ngữ chân quê , mộc mạc rất gần gũi nhưng lại rất mới . Ý tưởng rất mới lạ , những câu thơ con chữ làm người đọc phải tư duy , Mới đọc qua cười oà nhưng sau đó lại ngậm ngùi vì những đau thưong khắc khoải của cuộc đời mà trong thơ PTC muốn gửi gấm .
Bài viết về thơ Phan Thanh Cương của ông Sao sáng Nguyên Lương đã cho mọi người hiểu thơ , yêu thơ biết thêm về một nhà thơ đang tỏa sáng trên bầu trời thi ca Việt Nam
Ngô Tín rất ngưỡng mộ Phan Thanh Cương cũng như người viết về một nhà thơ bình thưong nhưng không phải bình thường .
Hi Ngô Tráng sĩ,
Ông vào muộn nhưng cũng chắc lọc được một số ít điều về con người độc đáo này cho mọi người biết về người bạn của mình. Nhớ hoài đêm hôm ở trên thượng lầu nhà ông, nghe gió thổi vù vù từ giòng sông mà lòng chúng ta phơi phới khi nói chuyện vui về thơ nhạc với nhau. Những người bạn của chúng ta dễ gần nên rất dẽ mở lòng cho nhau. Chuyện mình làm cho Cương giống như món qùa từ phương xa tặng cho người bạn trẻ để cho Cương biết mình trân qúi những bài thơ của Cương như thế nào. Nhạc sĩ họ Ngô tìm xem trong 33 bài thơ của Cương có bài nào đụng dến những thanh âm trong cung bậc của nhạc Ngô Tín không?
Đang chờ để nghe đấy.
NL
Chào anh NL, bằng văn phong mạch lạc, bằng những phân tích thấu đáo, bằng những lời bình sắc xảo anh đã dẫn dắt người đọc đến với thơ PTC rất tận tường và đầy cảm xúc. Anh đã thổi thêm hồn mình vào, làm cho hồn thơ PTC càng bay cao bay xa, để xoa dịu những nỗi đau mất mác quá lớn mà PTC phải hứng chịu. Chỉ có sự chân tình và một tâm hồn lớn mới làm được điều kỳ diệu ấy. Chúc anh và PTC luôn vui khỏe để làm nên điều kỳ diệu mới.
Gởi Anh Khánh Tiến,
Đúng như anh nói, thơ của Cương là những tiếng khóc không âm, và đếm bằng những giọt nước mắt chảy ngược vào trong lòng hằng đêm. Cương thức trong giấc ngủ, và vờ nhắm mắt không thấy khi nhìn những gì không muốn nhìn. Nhưng nhắm mắt hoài sao được khi vây quanh toàn là những điều cần lên tiếng. Qua thơ, Cương khéo léo để không phiền đến ai, nhưng đọc thơ Cương giúp cho những người ở xa như mình thấy rõ nét của quê hương mình hơn, một quê hương còn nhiều hệ lụy.
Chúc anh vui,
NL
Chào anh Nguyễn Lương và anh Phan Thanh Cương.
Đọc bài Thơ Phan Thanh Cương, Bình Thường Thôi! SS thấy “đã” làm sao!
“Đã” vì PTC là người gốc Quảng Nam “SS được thơm lây đồng hương”.
“Dã” vì qua lời bình của anh NL, SS thấu đáo thêm những “ngóc nghách” tâm hồn mà PTC đã gởi gắm vào những bài thơ mà trước đây “khi chưa đọc bài viết này của anh NL. Ông Rùa Đá đã nói SS đọc kĩ thơ của PTC”. SS đã đọc nhưng vẫn còn mù mờ với ý thơ. “Và càng kg hiểu ý của ÔRĐ”
Bây giờ thì “hiểu ý ÔRĐ rồi” thấy rất tuyệt. Bài viết của anh NL..tuyệt. Thơ PTC..tuyệt. Càng đọc càng thấy tuyệt.
Cảm ơn anh NL đã “mở lối” cho SS thấy cái “tuyệt” của người lẫn thơ…PTC!
Cô Sông Song,
Mấy hôm nay chờ hoài không thấy bóng dáng ngâm sĩ đâu hết, nay mới xuất hiện, té ra dành thì giờ nghiền ngẫm rồi mới xuất chiêu. Sông Song làm thơ hay mà còn nói kh6ng hiều thơ của Cương cũng lạ. Nhưng chắc là hiểu theo ý của người nữ nên có lúc thơ của Cương cũng làm cho qúi cô đỏ mặt. Nhiều người bạn của mình đọc thơ Cương mỗi người thích mỗi kiểu, nói chung ai cũng thích. Có được người làm thơ thỏa mãn được nhiều người đọc như Cương không dễ chút nào. Ông rùa đá tuy chậm chạp, có lúc đi ở ẩn, rụt đầu, nhưng nói điều gì cũng đúng.
Chúc vui
Từ lâu, những cái còm nho nhỏ của anh Lương đã hay mùi mẫn rồi nay anh bỏ công để bình thơ cho PTC vừa vinh hạnh cho anh Cương và cho độc giả nữa ,cám ơn anh thiệt là nhiều nghen …không chạy…
Mấy hôm ni bận quá chưa đọc kĩ bài bình thơ nơi anh Nguyên Lương ơi, bây chừ đã đọc rất kĩ và đọc luôn cả những cmt sao mà tuyệt quá, qua lời bình của anh Nguyên Lương thơ của Thanh Cương càng thấm sâu vào lòng người. Xin cám ơn người làm thơ hay và người bình thơ hay, cám ơn anh NLvà PTC nhiều… rất nhiều… 😆
Cảm ơn anh Nguyên Lương đã bằng tất cả con tim…tấm lòng…để viết những tâm tình của hồn thơ Phan Thanh Cương bay xa chạm đến trái tim người đọc, HKC ngưỡng mộ cả hai : thơ đã rất hay và lời bình quá xuất sắc, xin chúc đôi bạn tri kỷ khỏe vui nhé.
Gởi Dạ Lan và Quốc Tuyện,
Hai cô vào chậm, nhưng bài viết vẫn mở cữa chờ. Nói thật nghen, khi viết bài thì một mình vất vả, mệt nhọc vì phải vắc óc vò tai. Nhưng thích nhất là được tâm sự với bạn đọc qua phản hồi. Đây là nét độc đáo nhất của trang mạng HX. Qua phản hồi ta có thể nói thêm những gì trong bài không nói được hết vì không bị giới hạn trong khuôn khổ, và lại được tưng tửng, chọc phá trêu ghẹo nhau mà không sợ ai buồn. Cũng qua những phản hồi biết ai có cá tính gì, qua đây biểu lộ ra hết. Thích lắm
Chúc vui,
NL
Anh NL quý mến!
Phải ở Sài gòn 2 tuần nên bây giờ mới dọc kỹ bài viết của anh. Em không cho là mình vào đọc bài này muộn, bởi đây không phải đơn thuần là một cảm nhận mà đây là còn là một bài bình thơ, nhận định thơ rất kỹ càng, tinh tế . Em thật sự ngưỡng mộ anh vì bài viết của anh như đã khai mở hết nỗi niềm của PTC mà từ lâu nay PTC đã kín đáo gởi gắm vào thơ một cách:”bất thường với lối ra thơ rất lạ, cũ mà rất mới, vừa tả chân hóm hỉnh cũng vừa lãng mạn ngút trời. Thơ mới đọc tưởng như đùa vui, nhưng đọc qua đọc lại, không còn cười vui được nữa mà thấy xót xa…” (NL). Đọc bài viết của anh, có lẽ ai chưa đọc thơ PTC, hoặc đọc nhưng chưa hiểu hết về thơ PTC cũng muốn tìm tòi, khám phá thơ PTC. Anh tài tình thật, một nhà khoa học mà say văn chương, thơ phú đến lạ lùng, anh đã khai thác hết những nét độc đáo qua từng câu chữ trong thơ PTC một cách chi tiết và tinh tế bằng một tấm lòng nhân hậu và đầy trải nghiệm.
Mà thật vậy! thơ PTC có nét rất riêng:” độc đáo, lẳng lơ nhưng thanh tao đến vô cùng” (NL) . Anh NL nhận định thật là chính xác:” Bài thơ đã kích động đến cá tính “ngang ngạnh, tưng tửng” của tôi. Thích cái nét ngộ nghĩnh, phá phách. Thích cái ngông nghênh, mộc mạc. Thích cái thong thả, ung dung. Thích cái liều lĩnh, bướng bỉnh. Và thích nhất là cái lối Cương mượn hình ảnh bên ngoài để nói lên sâu thẳm của lòng mình. Và rồi trong thơ, Cương đã vẽ những bức tranh đời mình không nhiều màu sắc, chỉ toàn màu đen, xám xịt…”(NL).
Những lát cát xung quanh cuộc đời PTC, những mất mác, đau thương …..và nỗi lòng của anh đã đi vào thơ một cách tự nhiên, tạo nên những cảm xúc lắng đọng sâu trong lòng người đọc thơ :”Không thiếu chữ để dùng, không thiếu từ để tả mà sao nghe như nghèn nghẹn trong lòng” (NL). Chính vì vậy mà thơ PTC đã chinh phục được người đọc, nhất là chinh phục được trái tim của nhà khoa học NL, tạo được sự đồng cảm, đồng điệu của PTC với mọi người yêu thơ, yêu Cương.
Cám ơn anh NL đã chia sẻ thơ PTC! cám ơn PTC đã không ngược đãi với đời, dù đời ngược đãi với Cương. Đặc biệt cám ơn người lập ra sân chơi bình thơ ltmk. Chúc tất cả đều vui.
Gởi hai cô bạn Kim Chi, Kim Đức,
Hai người bạn của tôi vào đây hơi muộn với HX nhưng với NL, PTC thì không muộn chút nào. Cương vẫn tiếp tục viết, chúng ta sẽ còn tiếp tục được đọc những bài thơ lạ của Cương. Không lạ cảnh, không lạ người, không lạ tình mà chỉ lạ ở chỗ đùa cợt mà nghiêm túc, vui vẻ mà cay đau, hàn lâm nhưng cũng rất mộc mạc một cách thật nông dân. Đó là những cái lạ mà ít ai làm được như Cương.
Chạy theo chàng này mệt hụt hơi đấy.
Chúc vui hai nàng Kim ở Saigon vui nhé. Cảm ơn
NL
Một bài bình tuyệt vời của tác giả Nguyên Lương cho những câu thơ thật hay mà, theo thi sĩ Phan Thanh Cương thì, tỉ như “Bá Nha – Tử Kỳ thời hiện đại” mới hiểu hết những tâm huyết để nêu ra được cái độc đáo trong thơ Anh. Xin cảm ơn cả 2 tác giả và kính chúc 2 anh an vui, nhiều thi hứng để còn cho ra những sáng tác mới, hay hơn nữa, đóng góp thêm cho trang Hương Xưa nhiều tác phẩm mà bản thân Mộc Miên Thảo là một thành viên rất mới.
Qua sự giới thiệu của Anh Nguyễn Tấn Lực, MMT biết thêm trang nhà mà đọc thêm nhiều bài viết, bài thơ, bài bình… thật hay. Một lần nữa, xin cảm ơn tất cả quý anh/chị và chúc vui luôn ạ.
Mộc Miên Thảo!
Bài viết của anh Nguyên Lương, HX đăng đã hơn 10 ngày, anh NL tưởng không ai comment nữa, nên không xem lại, hơn nữa anh NL còn bận làm ông bầu, tổ chức văn nghệ bên kia.
Trường hợp này giống ở quê anh, người dân thả bẫy, được thú rừng nhưng quên đi thăm, sau đó lại tiếc.
Cho anh đại diện ảnh, cảm ơn em thật nhiều, chúc thành viên mới HX mang theo một cánh hoa thật đẹp.
Anh Phan Thanh Cương luôn là người rất chu đáo! Xin cảm ơn Anh và chúc Anh an vui ạ.