Tác giả: Kim Đức
Cám ơn Kim Đức đã tiếp tục tham gia chuyên mục bình thơ của Hương Xưa mà theo cô thường nói một cách khiêm nhường:“ tôi chỉ là người yêu thích thơ, văn, yêu từng con chữ như một món ăn tinh thần không thể thiếu.” V ì thế nên Kim Đức luôn yêu thơ, đọc thơ, phân tích và nhận định về thơ một cách say mê bằng cái nhìn rất riêng, rất độc đáo từ một góc cạnh rất đặc biệt:
“…Nếu Xuân Quỳnh mượn sóng nhớ bờ để nói lên nỗi nhớ trong tình yêu thì Trần Bảo Định đã mượn mái chèo, giọng hò khoan nhặt để nói lên nỗi nhớ vợ ở quê nhà. Nỗi nhớ trong thơ ông rất cụ thể với thời gian và không gian: “chiều qua sông/nước về xuôi” được ông viết bằng một cảm xúc nhẹ nhàng, bình dị, nhưng chan chứa tình yêu thương, tạo nên một chiều dài nỗi nhớ, một chiều sâu nỗi buồn,” (Kim Đức). Chúng tôi cũng xin chân thành cám ơn sự góp ý của anh Nguyên Lương về việc đăng những bài bình thơ vào Trang Chủ, rồi sau đó mới đưa vào mục Bình Thơ cho những ai cần tham khảo. Rất mong sự đóng góp bài vở trong những tháng tới của quí thân hữu để cho vườn hoa Hương Xưa của chúng ta ngày càng khởi sắc.
Xin mời bước vào vườn thơ của Trần Bảo Định qua bài viết sâu sắc và nhiều cảm xúc của Kim Đức.
Thân ái. lêtrọngminhkha.
TIẾNG LÒNG TRONG THƠ TRẦN BẢO ĐỊNH
Kính tặng nhà thơ Trần Bảo Định
Tôi may mắn được nhà thơ Trần Bảo Định tặng cho hai tập thơ, “Mẹ – tiếng lòng” và “Vợ tôi”, có lẽ đó là lời tri ân ông muốn gởi đến hai người phụ nữ quan trọng mà ông yêu thương nhất trong cuộc đời này.
Tôi không nhận định và bình luận thơ ông, tôi chỉ là người yêu thích thơ, văn, yêu từng con chữ như một món ăn tinh thần không thể thiếu. Đến với thơ ông, tôi chỉ muốn tâm tình và chia sẻ đôi điều cảm nhận của một kiếp người lỡ yêu thơ.
Lòng tôi se thắt, ngậm ngùi khi chạm vào tựa đề “Giỗ đầu của mẹ”. Tôi chưa có cái cảm giác đớn đau khi mất mẹ, nhưng đọc bài đầu tiên trong tập thơ “Mẹ-tiếng lòng”, cảm giác hụt hẩng như vừa đánh mất một vùng trời yêu thương bởi sự ngắt nhịp ở hai cặp câu lục bát, như tiếng nấc nghẹn ngào:
Lòng ơi!
se sắt tâm hương
Giỗ đầu, lạy mẹ
nhớ thương vô cùng
mênh mông
Trời đất mịt mùng
Hắt hiu bóng mẹ
Ngập ngừng khói sương!
(“Giỗ đầu của Mẹ”, Mẹ – tiếng lòng, trang 7)
Và nỗi nhớ về Mẹ cũng là tiếng lòng, khởi nguồn cho tập thơ của ông. Hình tượng người mẹ sinh thành, thiêng liêng trong thơ ông không chỉ là lòng yêu thương và đức tính hy sinh thầm lặng cho chồng, cho con như bao người phụ nữ Việt Nam:
Thân cò lặn lội Mẹ gian nan
Gạo chợ nước sông cảnh trái ngang
Mưa nắng bao ngày lòng chẳng quản
Dãi dầu năm tháng dạ cưu mang”
(“Mẹ ơi!”, Mẹ – tiếng lòng, trang 8)
Mẹ lam lũ sống. quên nhan sắc
Cơ cực vì con, khó bởi chồng
Làng lính nhiều phen o ép ngặt
Thân cô, thế yếu phải cùm gông
(“Đêm quê nhà“, Mẹ -tiếng lòng, trang 19)
Ông giữ nguyên ký ức về Mẹ, là những hình ảnh thật bình dị: dòng sữa, bắp, khoai…. ngọt ngào như lời ru được ông viết bằng một cảm xúc dồn nén :
Miếng con ăn buổi đầu đời
Là dòng sữa mẹ ngọt bùi bắp khoai
Giàu đôi mắt, khó đôi tay
Cơm chan máu lệ, Mẹ vay nợ đời
(“Đêm đợi chờ”, Mẹ -tiếng lòng, trang 15)
Thơ ông còn khắc sâu nỗi khổ mà người mẹ phải gánh chịu, được ông diễn tả một cách lắng sâu và đẹp rạng ngời qua những từ:” đếm/đong/nuôi dưỡng” càng làm nỗi bật lên sự chịu đựng của người phụ nữ Việt Nam:
Mẹ ngồi đếm khổ, đong cay nghiệt
Nuôi dưỡng tình quê trong khó khăn
(“Nhớ Mẹ“, Mẹ -tiếng lòng, trang 17)
Thương con, đâu chỉ là vòng tay âu yếm, đâu chỉ là nâng đỡ con những bước đi đầu đời mà con luôn bị vấp ngã, mà người mẹ còn băn khoăn, lo lắng và mong ước mai sau con mình sẽ lớn khôn và nên người. Mẹ ông là một trong những người mẹ nghiêm khắc, tận tâm dạy dỗ các con về nhân cách sống và những điều hay lẽ phải ở đời :
Roi tre Mẹ dọa cốt khuyên răn
Nghiêm cấm con thơ sống nhẫn tâm
Chữ nghĩa trau dồi tiên học lễ
Chí nhân rèn luyện, hậu ôn văn
(“Mẹ ơi!”, Mẹ -tiếng lòng, trang 8)
Ông tự hào về tấm lòng nhân hậu của Mẹ mình. Trong lúc gian nan, nghèo khó, Mẹ đã nhường cơm xẻ áo giúp đỡ bạn nghèo:
Mẹ làm thuê mướn khắp trong làng
Bênh vực người ngay trước kẻ gian
Giúp đỡ bạn nghèo khi túng quẫn
Nhường cơm, xẻ áo lúc nguy nan
(Trích trong bài “ký ức về mẹ”, Mẹ -tiếng lòng, trang 13)
Nhà thơ Trần Bảo Định đã đi qua những thăng trầm của cuộc sống, biết bao đổi thay trong cuộc đời ông, nên nỗi nhớ về Mẹ được ông viết bằng nhiều cung bậc cảm xúc sâu thẳm từ trái tim. Ông thấu hiểu những cảm xúc riêng tư của Mẹ cũng như của những người phụ nữ đã ngóng trông, chờ đợi người đàn ông của mình trong thời chiến tranh, bom đạn như chính tâm tư mình:
Ánh đèn leo lét mồ côi
Cha đi muôn dặm trùng khơi chưa về
Đoạn đời lắm nỗi nhiêu khê
Những dòng nước mắt mặn tê môi người
(“Đêm đợi chờ”, Mẹ -tiếng lòng, trang 15)
Mẹ tôi hằn những nỗi đau
Chân run, gối mỏi, tóc màu bạc phơ
Thương chồng, chín đợi, mười chờ
Đơn phương, độc mã, biết nhờ cậy ai
(“Tạ lỗi”, Mẹ -tiếng lòng, – trang 21)
Xã Bình Trinh, huyện Tân Trụ đã sinh ra và nuôi dưỡng tâm hồn Mẹ ông, tâm hồn của người phụ nữ thật duyên dáng, mặn mà bên bó rơm, bó rạ thơm mùi hương của đất An Vinh Ngãi, quê chồng bà với giồng dưa hấu hoa vàng, trĩu trái:
Tháng chạp đồng khô mùa gió chướng
Mẹ lo cắt rạ, bó rơm về
Bên giồng dưa hấu hao vàng rượm
Trĩu trái oằn dây bám đất quê
(“Nhớ mẹ “, Mẹ -tiếng lòng, trang 17)
Làm sao ông có thể diễn đạt hết bằng những ngôn từ hay nhất để nói về tình Mẹ. Chỉ còn là những nỗi nhớ khôn nguôi, những hoài niệm về tháng ngày đã qua và như một lời tạ tội của ông đối với Mẹ, như một thông điệp về chữ hiếu thấm đẫm tình người mà ông muốn gởi cho các con và cho những ai diễm phúc vì còn có Mẹ:
Lạnh lắm Mẹ ơi dưới mộ sâu
Đêm nay thức trắng lệ thương sầu
Âm dương đôi ngã giờ ngăn cách
Con mất Mẹ rồi, mất thật sao
Hỡi ai còn Mẹ sống trên đời
Hạnh phúc tuyệt vời đó bạn ơi!
Trọn đạo yêu thương tình mẫu tử
Thì ta mới xứng được làm người
(“Mẹ ơi” , Mẹ -tiếng lòng, trang 10)
Trong bầu trời yêu thương của đời ông có hai người phụ nữ quan trọng nhất, ông chỉ còn lại một, đó là người mà:
Em cay mi mắt lần đầu
Và anh uống những giọt sầu tương tư!
(“Gặp em”,Vợ tôi, trang 7)
Và sau giọt sầu tương tư đó, sau lần cay mi mắt ấy, người phụ nữ đã nhận lời cầu hôn với ông, bởi lẽ chiến tranh và bom đạn, biết có còn ngày mai để mà yêu thương chiều chuộng lẫn nhau:
Chiến tranh vui ít, lo nhiều
Biết còn sống sót để chiều chuộng nhau?
Thôi thì năm miếng trầu cau
Một chai rượu lễ có nhau trọn đời
(“Em nhận lời cầu hôn” ,Vợ tôi, trang 8)
Cuối cùng ông cũng đã tìm được một nửa của mình trong thời bom đạn:
Gối đầu mình gối chung lòng
Màn trời chiếu đất động phòng tân hôn
(“Đêm tân hôn”,Vợ tôi, trang 11)
Chìm đắm trong hạnh phúc ngọt ngào, nhưng rồi ông cũng phải chia tay vợ để ra sa trường khi hương nồng nàn từ mùi chồng còn phảng phất đâu đây. Nỗi buồn đan kín trong lòng người vợ khi nghĩ đến bom đạn, mạng sống của chồng mong manh như làn khói:
Bàn tay đan kín vấn vương
Mùi chồng còn phảng phất hương nồng nàn
Bóng chiều đông cứng thời gian
Mong manh mạng sống như làn khói sương
(“Bữa cơm chiều” ,Vợ tôi, trang 12)
Thơ lục bát là thể thơ dân tộc, Trần Bảo Định đã dùng thi liệu dân gian, kết hợp với giọng thơ ngọt ngào, tha thiết, những hình ảnh giàu sức gợi cảm để nói lên tâm trạng mừng vui của vợ khi ông từ chiến trường ghé về thăm, tạo nên một hình ảnh bình dị nhưng thật xúc động và đầy yêu thương:
Chồng về , chạy đón vấp chưn
Mình đau té ngã mắt rưng rưng mùng
Lá me rơi rụng lưng chừng
Heo kêu con khóc cơm sùng sục sôi
Giúp nhau, em bảo rằng thôi
Tháo giày, thay áo nghĩ ngơi đi mình!
Quần vo sát háng lội sình
Cắt rau muống luộc, cá linh hấp dừa
(“Hôm về thăm vợ” ,Vợ tôi, trang 38)
Nếu Xuân Quỳnh mượn sóng nhớ bờ để nói lên nỗi nhớ trong tình yêu thì Trần Bảo Định đã mượn mái chèo, giọng hò khoan nhặt để nói lên nỗi nhớ vợ ở quê nhà. Nỗi nhớ trong thơ ông rất cụ thể với thời gian và không gian: “chiều qua sông/nước về xuôi” được ông viết bằng một cảm xúc nhẹ nhàng, bình dị, nhưng chan chứa tình yêu thương, tạo nên một chiều dài nỗi nhớ, một chiều sâu nỗi buồn:
Chiều qua sông nhớ vợ nhà
Tiếng ai khoan nhặt như là vợ tôi
Giọng hò theo nước về xuôi
Mái chèo thúc bách trong tôi nỗi buồn
(“Chiều qua sông nhớ vợ” ,Vợ tôi, trang 87)
Nhưng trong hình ảnh những người dân chân chất hiền lành ấy, trong cái xã hội đầy bon chen, lừa lọc, ông cũng kịp nhận ra những con người hèn nhát, xấu xa được ông viết với giọng thơ đanh thép, mang hàm ý sâu sắc và cay đắng:
Chiều qua sông nhớ để quên
Những phường không đáng lưu tên tuổi đời
Gọi mình, tôi gọi mình ơi
Nước ngày một tới, mình coi lũ hèn
(“Chiều qua sông nhớ vợ”,Vợ tôi, trang 87)
Bên cạnh hình ảnh Mẹ – Vợ và quê hương, thơ Trần Bảo Định còn khắc họa những nỗi đau và mất mát của con người trong chiến tranh, mối tình đầu trong sáng nảy sinh trong thời bom rơi, đạn nổ được ông viết bằng một nỗi ám ảnh và ray rức :
Thơ tình chưa kịp gởi
Chiến tranh về làng em
Ruộng vườn bom đạn xới
Em chết rồi, trong đêm
(“Tình Đầu” , Mẹ -tiếng lòng, trang 29)
Đêm nay Sài Gòn mất em rồi
Xào xạc thềm xưa tiếng lá rơi
Quạnh hiu âu yếm hồn cô độc
Lắng đọng hờn ghen xác ra rời
(“Sài gòn mất em”, Mẹ -tiếng lòng, trang 33)
Nhiều đêm uống rượu anh không ngủ
Tự hỏi vì sao bắn giết nhau
Vì sao gọi hai tiếng đồng bào
Đất nước bốn ngàn năm rực lửa
(“Đôi bạn cùng làng”, Mẹ -tiếng lòng, trang 94)
Tin dữ Gạc ma đau ngất đi
Mưa chiều nhòa biệt lệ sầu bi
Anh ơi, dạ chửa con chòi đạp
Truyền kiếp thù này khắc cốt ghi!
(”Khóc chinh phu”, Mẹ – Tiếng lòng, trang 49)
Còn viết về nỗi đau của con người trong thực tại xã hội, ông khắc họa một kiếp người trong cõi nhân sinh qua thân phận người phụ nữ trước sóng gió của cuộc đời như để cảm thông và chia sẻ nỗi niềm với một giọng thơ sâu cay, chua xót:
Kiếp người cạn chén thương đau
Chén thương đau ấy đậm màu thế gian!
(”Khóc bạn“, Mẹ -tiếng lòng, trang 61)
Bán cái trời cho, chẳng cướp ai
Lấy trôn nuôi miệng sống qua ngày
Thằng trên, đứa dưới leo hì hụp
Tuột xuống, trèo lên, mẹ kiếp bay!
(“Bán hoa chiều 30 tết”, Mẹ -tiếng lòng, trang 69)
Cũng đành trắc nết nuôi con
Miếng cơm manh áo bướm ong dập vùi
Nhiều đêm khóc hóa ra cười
Trời cay nghiệt nỡ giết người hồng nhan
(“Câu chuyện buồn” , Mẹ -tiếng lòng, trang 111)
Từ đó ông thấu hiểu giá trị cuộc sống và nỗi đau của con người, để rồi nghiệm ra rằng:
Sự sống từ hơi thở
Tình yêu từ chân thành
Hạnh phúc từ đau khổ
Hòa bình từ chiến tranh
(“Giả ảo” , Mẹ -tiếng lòng, trang 125)
Nhớ anh. quên một nữa
Quên anh, nhớ trọn đời
Khóc, em đau một nữa
Cười, em đau khôn nguôi
(“Mòn mỏi” , Mẹ -tiếng lòng, trang 37)
Ta say để giấu cái tên
Để quên các ác người chèn ép nhau
Ta say để giấu niềm đau
Để không còn tỉnh ngắm màu mắt em
(“Say” , Mẹ -tiếng lòng, trang 39)
Dẫu biết rằng sống chết lẽ thường
Mà sao vương vấn nợ đau thương
Tiễn em về đất, trời rung chuyển
Tử biệt, sinh ly khúc đoạn trường
(”Khóc vợ“, Mẹ -tiếng lòng, trang 62 )
Đời em gạo chợ, nước sông
Gian truân căm phận, long đong vẫn cười
Gió sương cũng đã nhiều rồi
Giờ thì chiêm nghiệm cõi người ta ơi!
(“Chiêm nghiệm”, Mẹ -tiếng lòng, trang 133)
Ngoài triết lý về nhân sinh, trong thơ ông còn là những giá trị về đạo lý làm người rất rành mạch, cụ thể:
Sáng mai, con bước theo chồng
Khóc chi cho Mẹ quặn lòng, con ơi!
Ra đi, mẹ dặn mấy lời
Nhớ là dâu tốt để người ta thương
(“Sáng mai, con bước theo chồng” ,Vợ tôi, trang 66)
Nhìn con cõng cặp đến trường
Oằn vai gánh chữ mà thương học trò
Sợ con lêu lỏng bơ vơ
Nhiễm bịnh xã hội chực chờ thiệt thân
Ra đường cướp giựt bất nhân
Về nhà trộm cắp nợ nần bủa vây
Học hành chạy điểm chạy thầy
Niềm tin đã mất tương lai nào còn?
(“Mẹ dạy con”,Vợ tôi, trang 58)
Đến với thơ ông, chúng ta có thể khám phá quan niệm của ông về hạnh phúc trong cuộc sống qua thể thơ tự do bằng tình yêu thương và sự thức tỉnh của con người với một giọng thơ sôi nổi nhưng cũng đầy thiết tha:
không có chia ly
sao hiểu được tương phùng?
không có khổ đau
sao sẻ chia người đau khổ?
con chẳng cần đi tìm cái thế giới tốt đẹp
bởi, nơi nào sẵn có cái thế giới tốt đẹp ấy
con đi tìm hạnh phúc
hạnh phúc đâu tìm?
hạnh phúc từ trái tim
từ nơi con đang sống
từ những đói nghèo,
lạc hậu bất công,
bạo quyền, tù ngục
từ sợ hãi trở thành vô cảm
con trở về nơi con xuất phát làm người
đó chính là hạnh phúc!
(“Nói với con trai” ,Vợ tôi, trang 44)
Thơ Trần Bảo Định ít chú trọng đến những ngôn từ du dương, bay bổng mà chất thơ ông được chắt lọc từ trong sâu thẳm của tâm hồn, rất gần gũi, rất chân tình, nhưng đôi khi là những câu thơ đầy chất triết lý phương Đông, nhuốm màu sắc Phật giáo:
Nhật nguyệt ôm nhau
Trời đất úa màu
Thời gian rụng xuống
Đành vứt tình đau
(“Một cõi” , Mẹ -tiếng lòng, trang 41)
Tình vui theo gió
Lá yêu úa tàn
Niệm từ giờ ngọ
Dụ ngôn đạo tràng
(“Ngỡ” , Mẹ -tiếng lòng, trang 43)
Sẽ có ngày xa thế giới này
Đoạn đường kết thúc cõi trần ai
Bạc tiền, danh vọng phù hư trả
Nhà cửa, ruộng vườn như khói mây
(“Một đoạn đường”, Mẹ -tiếng lòng, trang 47)
Nghiệp từ tâm thức bùi ngùi
Trên cành chim Khứu đang muồi mẫn em
Dãi mây vô lượng diễm kiều
Từ trong đau khổ ta chiều chuộng em!
(“Cõi riêng” , Mẹ -tiếng lòng, trang 59)
Khi anh gọi hai tiếng mình ơi!
Là đủ rồi anh cũng kiếp người
Cát bụi trở về nơi cát bụi
Trần gian quán trọ một đêm thôi!
(“Tình phụ”, Mẹ -tiếng lòng, trang 107)
Nhận thức được cái không vốn thường hằng, nên ông biết cách tích/tản cái sắc luôn vô thường để có thể sống một cách ung dung tự tại, cho dù cuộc đời có gặp những bất trắc xảy ra:
“Tích tản sắc, giữ trọn không
Sắc không, không sắc cõi lòng an nhiên
Mai sau dù có ngã nghiêng
Ta về chiêm nghiệm bên thiền quán xưa!”
(“Nhịp thời gian” , Mẹ -tiếng lòng, trang 75)
Bước chân trong mạng nhện
Mượn dây đưa diều bay
Chân như là bờ bến
Tử sinh biết ngắn dài
(“Thà như bước chân” , Mẹ -tiếng lòng, trang 71)
Từ những điều đã ngộ được, nên với ông cái chết chỉ là giấc ngủ trong cõi vô thường, chấm dứt cuộc sống ở cõi nhân gian mà thôi:
Đừng báo tin buồn, đừng tiếc thương
Ngủ yên, mình ngủ giấc vô thường
Chiều trăng tiễn biệt anh về đất
Một cõi nhân gian thế đã xong
(“Dặn vợ” ,Vợ tôi, trang 116)
Tôi chưa được một lần gặp ông, chỉ biết thơ ông qua trang mạng Hương xưa, nhưng tôi nghĩ Trần Bảo Định đã thành công trên con đường thi ca bởi thơ của ông được chắt lọc từ trái tim yêu thương, đã lan tỏa và kết nối những tâm hồn thơ lại với nhau; là tiếng lòng của ông đã chạm mạnh vào những mảnh vỡ của cuộc đời thành những âm thanh vang vọng mãi trong lòng người đọc thơ, yêu thơ ở cõi trần gian này:
Hạnh phúc, khổ đau đồng giá trị
Đến và đi vô ngã thôi em
Nhị nguyên nào thể là chân lý
Hoàn hảo, bất toàn, rối rắm thêm
(“Tự sự” ,Vợ tôi, trang 76)
Quy Nhơn, ngày 30 tháng 10 năm 2014
Kim Đức{jcomments on}
Chào Kim Đức ,
Bài viết với lối hành văn nhẹ nhàng , rất lắng đọng và lôi cuốn đã làm mình yêu nhà thơ Trần Bảo Định hơn . Kim Đức đã chắp cánh cho thơ TBĐ bay cao và in sâu trong lòng người đọc . Cảm ơn KĐ , một cây bình thơ tài hoa của trang mạng HX . Tôi lai muốn gởi tặng em một nhành hoa phong lan đẹp nhất !
Em đã nhận hình như là 4 nhành phong lan rồi. Cám ơn anh QA nhiều lắm. Sự khích lệ của anh cũng góp phần thơ TBĐ được thăng hoa. Chúc anh luôn vui vẻ nhé!
Lời bình của Kim Đức lần này cũng mộc mạc, chân tình như thơ Trần Bảo Định.
Trần Bảo Định, một Nhà thơ không ồn ào, nhưng chỉ nghe cái tên đã nói lên phần nào nhân cách của anh, một con người thâm trầm mà sâu lắng trong đạo làm con, tình nghĩa vợ chồng.Thơ anh phần nhiều dành cho mẹ và người vợ hiền sớm nắng chiều mưa, suốt đời chịu thương chịu khó trong cảnh xa chồng.
Từ tấm lòng thương yêu ấy đã hình thành trong anh triết lý sống ở đời là ung dung tự tại, không bon chen,xem nhẹ những ưu phiền bất trăc mà cuộc đời đem lại cho mình.
Kim Đức ít làm thơ, nhưng là một con người yêu thơ vô hạn, thể hiện qua những lời bình vô cùng sắc sảo, tùy người, tùy cảnh mà Kim Đức có những lời bình rất phù hợp với mỗi bài thơ, nhà thơ cụ thể.
Mong rằng cùng với Lê Trọng Minh Kha, Nguyên Lương, Lê Công Dũng, Lâm cẩm Ái, Nguyễn Thị Tiết,Khoa Trường,Thu Thủy, Quế Anh,Minh Kiên(Người lái đó bên dòng sông Lam), Trần Kim Loan,Anh Phương… sẽ chắp cánh cho những nhà Thơ Hương xưa bay lên bầu trời đầy hương thơm có lạ.
Hôm nay HN Tín chắc đã hết bệnh và cái đầu hết lùng bùng rồi nên viết lời bình thật dài và thật hay! Thế nên trong số những tên người anh kể ra cần phải có thêm tên HN Tín nữa đó! LCD
Anh Lê Công Dzũng thương mến!
HNT không chỉ đau mà lúc này đầu óc lu bu chuyện kiện tụng, hầu Tòa suốt ngày, Công ty ngừng hoạt động cả năm, chuyện cơm áo gạo tiền, lương bỗng công nhân nên đầu óc đâu còn mà viết hả anh.Chỉ có điều vắng mặt anh em thấy buồn nên rảnh lúc nào là vào chơi với mọi người vậy thôi.
Anh Tín đau gì vậy? Nghe nói thắng kiện rồi mà anh! Ở xứ người khổ quá anh há!
Giờ thì đau đầu, mấy thằng Tàu nó quậy tới bến luôn.Nó là nước lớn, tiền nhiều nên nó đứng trên Luật pháp em à!Nhưng em yên chí, anh Tín chơi tới cùng luôn, không thỏa hiệp.
Nghe anh không khỏe, TT chúc anh sức khỏe và công việc thuận lợi nghe anh 🙂
Tín cảm ơn Thu Trang nhiều lắm!
Thủy cũng bị đau đầu anh Tín ạ, Nhưng nhờ diện chẩn nên đỡ nhiều lắm. Anh cũng đang diện chẩn phải không? Bệnh của anh em nhà mình là stress đó anh.
(xin lỗi anh Bảo Định cho anh em nhà em nói chuyện chút xíu nhe.)
Anh cũng muốn chữa, nhưng cứ chữa nửa chừng thì bận nên thôi, ước gì nghỉ được vài tháng thì mới chữa được.Nhưng bịnh tự nó cũng hết khi mình quên nó đi.
Chỉ diện chẩn khoảng bảy ngày đến tám ngày là xong chứ đâu mà nhiều vậy anh. Ở QN ông thầy chửa diện chẩn chỉ tám ngày thôi ,Tiết ,thu ,thủy và Ái chửa rồi, mai mốt chị Tuyên về chửa tiếp.
Biết nói gì hơn, chỉ biết cám ơn anh Tín nhiều…nhiều lắm vì lúc nào cũng có anh động viên làm em lên tinh thần chiến đấu….Chúc anh vui, khỏe nhé!
Kim Đức ơi! Bài viết của em thật hay, thật nhẹ nhàn, hấp dẫn, lôi cuốn người đọc từ đầu đến cuối.Nói như Quế Anh ” Kim Đức đã chắp cánh cho thơ TBĐ bay cao và in sâu trong lòng người đọc .” Thật quá đúng Chúc em thành công trong những bài viết tiếp theo Chị đang chờ đọc Vui khoẻ em nhé
Cám ơn chị nhiều. Chưa xong công việc cho chị, em buồn lắm! Chúc chị luôn vui vẻ, hạnh phúc.
Kim Đức không những mê thơ, mê đọc thơ, mà cô còn mê nghiền ngẫm, phân tích và bình thơ! Nửa đêm thức giấc không ngủ được vì ho- theo cô thú nhận, vào HX thấy bài thơ hay quá chịu không nỗi thế là phải lấy bút- à quên, mở computer ra để bình cho xong mới đi ngủ lại ( không biết lúc đó có đi ngủ lại được không nữa?). Thế nên cô thường hay có những phân tích và lời bình rất hay, bởi lẽ cô thường lẽn vào một góc nào đó của bài thơ hay một góc sâu kín của tâm hồn tác giả và bắt gặp được những cái mà người khác không thấy! Đây là bài thứ hai cô viết về thơ! Cũng như bài trước đây viết về thơ Khoa Trường, bài viết về thơ của Trần Bảo Định hôm nay cho ta thấy Kim Đức có một cái nhìn và phân tích thơ rất sâu sắc, không vì yêu ghét hay thiên vị mà cô làm đúng với lương tâm và trách nhiệm của một người phê bình! Mong rằng khả năng của cô ngày càng phát triển trong lảnh vực này!
Mong thay, LCD
Cám ơn anh đã khích lệ tinh thần em. Đang mong được thọ giáo anh và anh ltmk đây! Chúc anh vui, khỏe.
Chị Kim Đức bình luận quá dễ thương, chị đang rải hoa trên thơ anh Trần Bảo Định.
TC like cái còm Dạ Lan thay cho lời muốn nói!
“chị đang rải hoa trên thơ anh Trần Bảo Định”. Dạ Lan viết rất dễ thương. Cám ơn DL nha, chúc vui.
Kim Đức ơi! Không biết nói sao, chỉ biết đọc một mạch bài viết của KĐ, đọc tiếp những comment của các anh chị… Quả thật vậy! TT cảm phục tình yêu của KĐ dành cho thơ văn !và những cảm nhận sâu sắc đối với thơ văn. KĐ thấy chưa? Cả anh Quế Anh, anh HN Tín và anh LC Dzũng cũng khen nức khen nở nữa là…
Lâu quá không gặp, cho TT gửi lời thăm ông xã BC của KĐ nghe. Chúc sức khỏe và hạnh phúc.
THơ Trần Bảo Định làm cho mình có những cảm xúc trào dâng như thế đó chị TT. Lâu quá, bữa nào về uống cafe nha chị. Chúc chị xinh tươi mãi mãi nhé!
Đúng nên đăng bài bình ở trang chủ, bài trước của KĐ mình mới nhìn thấy gần đây, những nhận xét của Kim Đức thật tinh tế, bạn đã đọc rất kỹ từng bài thơ của TBĐ, đi sâu vào từng ngỏ ngách trong thơ TBĐ. Hay! mình thực ngưỡng mộ KĐ. Chúc vui nghe.
Mai mốt Kim Đức viết tiếp lời bình cho thơ Mạnh Thu nghen!
Em góp nhặt những vần thơ trên HX để viết tặng anh, tặng MT luôn!
Chào bạn,
Mình chỉ chia sẻ một chút đồng điệu với tác giả, còn để nói về thơ TBĐ thì còn nhiều góc khuất khác để nói lắm MT ơi!. Chúc MT vui, khỏe. Hẹn một ngÀY mình gặp nhau Thu nhé!
À bắt được Thu Trang nữa rồi!Thu Trang cũng là người làm thơ hay, viết lời bình sắc sảo đó!Thu Trang mà không viết là Khoa Trường không cho Thu Trang làm em Khoa Trường đâu!
Hihi… anh HN Tín lại chọc quê TT rồi đó nghe, nghỉ chơi anh bi giờ… 😆
Quả! TT muốn làm em Khoa Trường “hầu nào” dzậy cà… Mơ… 😛 Nói nhỏ anh nghe thôi, đừng cho KT biết nghe anh. 😛
Kim Đức ơi, em bình thơ hay quá, chị cũng muốn ké lời của anh Quế Anh “Kim Đức đã chắp cánh cho thơ TBĐ bay cao và in sâu trong lòng người đọc.”, thật ngưỡng mộ!
Cám ơn chị, người dắt em trở lại thơ văn sau hơn ba mươi lăm năm cố lãng quên. Vui nhiều chị nhé!
Kim Đức thân mến,
Tôi thật bất ngờ và ‘vui khôn thể tả’ khi Quốc Tuyên báo tin rằng: Kim Đức viết về ‘Tiếng lòng trong thơ Trần Bảo Định’.
Và, Kim Đức đã ‘đi vào gan ruột’ của một người ở cái tuổi ‘thất thập’ mới cất ‘Tiếng lòng!’. Chao ôi! Chiều Saigon sao đẹp thế?
Tôi biết ơn Kim Đức, biết ơn Quốc Tuyên và Ban Biên Tập trang HƯƠNG XƯA,biết ơn những người bạn văn chương Hương Xưa đã trao đổi động viên, chia sẻ và đồng cảm.
Xin Quốc Tuyên, BBT và Kim Đức cho phép tôi chỉnh lại đôi chỗ
cho đúng với câu thơ trong những bài thơ đã in.
1.
Bên giồng dưa hấu hoa vàng rượm
Trĩu trái, oằn dây bám đất quê (‘Nhớ Mẹ’-Mẹ. Tiếng lòng trg17)
2.
Chồng vế , chạy đón vấp chưn
Mình đau té ngã mắt rưng rưng mừng
(‘Hôm về thăm vợ’-Vợ tôi trg38)
3.
Tin dữ Gạc-ma đau ngất đi
Mưa chiều nhòa lệ biệt sầu bi
(‘Khóc chinh phu’-Mẹ.Tiếng lòng trg 49)
4.
Ta say để giấu cái hèn
Để quên cái ác người chèn ép nhau
Ta say để giấu niềm đau
Để không còn tỉnh ngắm màu mắt em
(‘Say’ Mẹ.Tiếng lòng trg 39)
5.
Đời em gạo chợ, nước sông
Gian truân cam phận, long đong vẫn cười
(‘Chiêm nghiệm’ Mẹ. Tiếng lòng trg 133)
6.
Nghiệp từ tâm thức bùi ngùi
Trên cành chim Khứu đang muồi mẫn yêu
Dải mây vô lượng diễm kiều
Từ trong đau khổ ta chìu chuộng em
(‘Cõi riêng’- Mẹ. Tiếng lòng trg 59)
Kim Đức thân mến,
Một lần nữa, tôi chân thành cảm ơn bạn, Quốc Tuyên,BBT và bằng hữu văn chương ‘YÊU MẾN KỶ NIỆM XƯA’đã dành sự ưu ái thơ Trần Bảo Định.
Chúc đại gia đình HƯƠNG XƯA thân tâm thường lạc.
Trân trọng,
TBĐ
Kính chào anh Trần Bảo Định
Đọc và viết là niềm đam mê của KĐ, cho nên được ai đó tặng cho 1 tập thơ, 1 quyển sách, em vui sướng lắm. Không phải ai cũng đạt được ước mơ của mình, phải không anh? Được đọc thơ và chia sẻ với mọi người em cảm thấy mình vui hơn.
Em cám ơn anh nhiều lắm vì đã cho em niềm vui. Em thật là ko cẩn thận khi gõ chữ. Nhân đây em nhờ anh ltmk sửa giúp em cho đúng thơ của TBĐ vì lỗi KĐ gõ sai mà ko dò lại:
1- Bài “nhớ Mẹ”: sừa chữ :hao” thành chữ “hoa”
2- Bài “Hôm về thăm vợ tôi”: sửa chữ “mung” thành chữ “mừng”
3- Bài khúc chinh phu: sửa chữ “ Gạc ma” thành “Gạc-Ma”
4- Bài “Say”: sửa chữ “tên” thành chữ “hèn”
5- Bài “Chiêm nghiệm”: Sửa chữ “căm “ thành chữ “cam”
6- Bài “Cõi riêng”: Sửa chữ “Dãi” thành chữ “Dải”
Vào Sài Gòn nên chưa có thời gian để phản hồi cho các anh chị và các bạn, nhưng thấy mọi người vào khích lệ tinh thần,KĐ rất vui. Xin cám ơn nhà thơ TBĐ, Ban biên tập HX, chị Tuyên và anh ltmk.
Chúc anh TBĐ luôn vui vẻ.
Em chào anh Bảo Định.Cám ơn anh đã tặng tập thơ VỢ TÔI. Em thích đọc lắm, cứ đọc hoài đó anh.Em biết anh rất vui khi đọc bài viết của Kim Đức. Ngưỡng mộ tình cảm của anh dành cho vợ quá , đúng như anh NL đã khen “anh đúng là một người con trai rất đáng kính và một người chồng đáng ngưỡng mộ!”
Chúc anh khỏe và vui nhiều!
Làm sao ông có thể diễn đạt hết bằng những ngôn từ hay nhất để nói về tình Mẹ. Chỉ còn là những nỗi nhớ khôn nguôi, những hoài niệm về tháng ngày đã qua và như một lời tạ tội của ông đối với Mẹ, như một thông điệp về chữ hiếu thấm đẫm tình người mà ông muốn gởi cho các con và cho những ai diễm phúc vì còn có Mẹ:
Lạnh lắm Mẹ ơi dưới mộ sâu
Đêm nay thức trắng lệ thương sầu
Âm dương đôi ngã giờ ngăn cách
Con mất Mẹ rồi, mất thật sao
Hỡi ai còn Mẹ sống trên đời
Hạnh phúc tuyệt vời đó bạn ơi!
Trọn đạo yêu thương tình mẫu tử
Thì ta mới xứng được làm người
(“Mẹ ơi” , Mẹ -tiếng lòng, trang 10)
Cám ơn Kim Đức, một bài viết trên cả tuyệt vời!
Trần Bảo Định đã thành công trên con đường thi ca bởi thơ của ông được chắt lọc từ trái tim yêu thương, đã lan tỏa và kết nối những tâm hồn thơ lại với nhau; là tiếng lòng của ông đã chạm mạnh vào những mảnh vỡ của cuộc đời thành những âm thanh vang vọng mãi trong lòng người đọc thơ, yêu thơ ở cõi trần gian này:
Hạnh phúc, khổ đau đồng giá trị
Đến và đi vô ngã thôi em
Nhị nguyên nào thể là chân lý
Hoàn hảo, bất toàn, rối rắm thêm
(“Tự sự” ,Vợ tôi, trang 76)
Anh Trần Bảo Đinh ơi có vui không?
Thân chào Thu Thuyr,
Vui lắm chứ-bạn- nhưng tôi lo rằng, mình chưa đủ ‘tố chất’
của nhà thơ như bằng hữu mong đợi. Bởi, chẳng qua tôi làm thơ
là cốt gõ tiếng lòng mình, thành liệu pháp trị những cơn đau ‘thấu trời’ do con bịnh mang lại.
Cảm ơn bạn.
Chị Thủy ơi!
Em vui nhiều hơn anh Định vì có người làm thơ để mình đọc còn gì hạnh phúc hơn.Cám ơn lời khích lệ của chị. Chúc chị vui nhiều.
“Tôi chưa được một lần gặp ông, chỉ biết thơ ông qua trang mạng Hương xưa, nhưng tôi nghĩ Trần Bảo Định đã thành công trên con đường thi ca bởi thơ của ông được chắt lọc từ trái tim yêu thương, đã lan tỏa và kết nối những tâm hồn thơ lại với nhau; là tiếng lòng của ông đã chạm mạnh vào những mảnh vỡ của cuộc đời thành những âm thanh vang vọng mãi trong lòng người đọc thơ, yêu thơ ở cõi trần gian này”( Kim Đức):
Hạnh phúc, khổ đau đồng giá trị
Đến và đi vô ngã thôi em
Nhị nguyên nào thể là chân lý
Hoàn hảo, bất toàn, rối rắm thêm
(“Tự sự” ,Vợ tôi, trang 76)
Kim Đức chưa một lần gặp mặt anh Trần Bảo Định, nhưng hai tập thơ ” Mẹ – Tiếng Lòng” và ” Vợ Tôi ” đã đồng hành cùng niềm đam mê cháy bỏng của cô: Mê thơ và yêu văn chương.
Cô như một con tằm thâm nhập vào thơ anh TBĐ theo từng ngóc ngách sâu thẳm nhất của tâm hồn một con người mộc mạc chân chất nhưng rất giàu tình cảm, yêu kính mẹ, chung thủy yêu thương vợ và yêu thương cuộc sống thiên nhiên từng cọng cỏ giồng khoai…Rồi cô nhả từng sợi tơ vàng óng lên những trang thơ của tác giả để người đọc cảm nhận sâu hơn, gần hơn với những vần thơ lục bát tuôn như suối nguồn thơm thảo của đời người.
Thật ngưỡng mộ lời bình thơ của Kim Đức cùng những nhận xét sắc sảo của anh Quế Anh – Huỳnh Ngọc Tín – Lê Công Dzũng.
“Cô như một con tằm thâm nhập vào thơ anh TBĐ theo từng ngóc ngách sâu thẳm nhất của tâm hồn một con người mộc mạc chân chất nhưng rất giàu tình cảm, yêu kính mẹ, chung thủy yêu thương vợ và yêu thương cuộc sống thiên nhiên từng cọng cỏ giồng khoai…Rồi cô nhả từng sợi tơ vàng óng lên những trang thơ của tác giả để người đọc cảm nhận sâu hơn, gần hơn với những vần thơ lục bát tuôn như suối nguồn thơm thảo của đời người”
Cám ơn chị đồng cảm với cảm xúc của em. Thật tuyệt vời.
“Cô như một con tằm thâm nhập vào thơ anh TBĐ theo từng ngóc ngách sâu thẳm nhất của tâm hồn một con người mộc mạc chân chất nhưng rất giàu tình cảm, yêu kình mẹ, chung thủy yêu thương vợ và yêu thương cuộc sống thiên nhiên từng cọng cỏ giồng khoai…Rồi cô nhả từng sợi tơ vàng óng lên những trang thơ của tác giả để người đọc cảm nhận sâu hơn gần hơn với những vần thơ lục bát tuôn như suối nguồn thơm thảo của đời người.”LCA
Rồi bỏ vô ngoặc rồi, chắc ăn!
Anh HN Tín nêu những người bình thơ hay nhất trên Hương Xưa đã quên một người là Thu Thủy ,Tôi quên ai đã nói Người bình luân thơ có trách nhiệm , đúng đắn ,khách quan ,đọc thơ cẩn thân , và hiểu nhà thơ là người sáng tác thứ hai ,đã làm tác phẩm thăng hoa còn làm cho tác giả hiểu hơn về mình để sáng tác sau hay hơn nữa . Kim Đức đã làm được điều ấy với hai tập thơ ” Mẹ – tiếng lòng ” và ” vợ tôi ” của Trần bảo Định , thật đáng khen ngợi . Mong Kim Đức bình đều các nhà thơ , bài thơ hay trên Hương Xưa . Chúc bạn vui khỏe .
Cám ơn anh Đinh Văn Quế đã nhắc đến em . Em cũng cố gắng đó anh ạ.
Cám ơn anh Quế đã đọc và chia sẻ, anh vào mục tác giả đọc thơ TBĐ để hiểu tác giả, tác phẩm hơn. Chúc anh luôn khỏe. Vợ chồng em đang ở Saigon, sáng nay gặp mặt nhóm HX vui lắm anh Quế, gặp mặt dược nhiều người.
Đồng Hoang thường được anh Trần Bảo Định cho đọc
những bài thơ anh vừa sáng tác và có đầy đủ các
tập thơ của anh . Anh viết rất nhiều về cái Tôi,
nhưng không phải là cái Tôi Trần Bảo Định , mà là
Thầy Tôi , Vợ Tôi và trong tương lai gần sẽ là Làng Tôi…
Anh viết như là một sự ghi nhớ, một chút tâm tình để lại
của một người đã qua ngưỡng cữa của Thất thập cổ lai hy,
thân mang trọng bịnh… Là dân Nam Bộ chánh tông, nói sao
viết vậy, không màu mè hoa lá cành , nhưng sự chân chất ấy
không dấu nổi những suy tư sâu lắng , những trải nghiệm của
một người đã từng đi nhiều sống nhiều ; đã từng trải qua nhiều
nỗi buồn vui sướng khổ của đời người…
Thật thú vị khi đọc thơ của anh Trần Bảo Định nhưng chữ nghĩa
của Đồng Hoang giới hạn, không làm sao ghi lại đầy đủ được cảm xúc của mình. Nay bài viết của Kim Đức đã ghi lại dùm cho Đồng Hoang đầy đủ những cảm xúc đó …
Nguyễn Đồng Hoang thật là may mắn đọc hết các tác phẩm của TBĐ, và đúng như NĐH nói:”Là dân Nam Bộ chánh tông, nói sao viết vậy, không màu mè hoa lá cành , nhưng sự chân chất ấy không dấu nổi những suy tư sâu lắng , những trải nghiệm của một người đã từng đi nhiều sống nhiều ; đã từng trải qua nhiều nỗi buồn vui sướng khổ của đời người…”
Cám ơn lời chia sẻ thơ TBĐ thật ý nhị của NĐH. Chúc vui.
Có Thu Thủy đó anh Quế, nhìn anh giống Thủ tướng Nhật cũ lắm đó!
Tiếng thơ đơn sơ ,mộc mạc ,lời bình nhẹ nhàng. dung dị. thế là hay.
Cám ơn Tuệ Minh đã ghé qua đọc thơ TBĐ. Chúc Tuệ Minh luôn vui, khỏe.
HT xin trân trọng tấm lòng yêu thơ văn cuả KĐ để viết lên những nét đặc thù cuả dòng thơ anh TBĐ, và KĐ đã nghiêng đôi nét luận về thơ anh,KĐ rất xứng đáng là người tài hoa và cần mẫn HT xin chia sẻ…
thứ hai Ht muốn nói là cám ơn KĐ đã trích những câu thơ để minh hoạ cho cho luận chứng cuả mình tuy KĐ rất khiêm tốn trong lời đầu giới thiệu… Tôi chỉ là người… (KĐ)
Thơ anh TBĐ bình dị gần gũi cuộc sống nhưng cũng không thiếu hình ảnh lãng mạn chân thật… thật dễ thương đọc rất cảm động, và cũng rất nghệ thuật đó chứ
HT thích mấy câu này
Gối đầu mình gối chung lòng
Màn trời chiếu đất động phòng tân hôn
Chiều qua sông nhớ vợ nhà
Tiếng ai khoan nhặt như là vợ tôi
Giọng hò theo nước về xuôi
Mái chèo thúc bách trong tôi nỗi buồn…
không có chia ly
sao hiểu được tương phùng?
không có khổ đau
sao sẻ chia người đau khổ
hạnh phúc đâu tìm?
hạnh phúc từ trái tim…(TBĐ)
Những câu thơ như trên KĐ trích thật sâu thẳm ,chan chưá tình yêu… và mang nhiều Triết lý như KĐ nói ….Một lần nưã xin chúc mừng KĐ với một bài viết dồi dào trí tuệ và Ht cũng đọc qua nét và phong phú cuả thơ TBĐ xin cầu mong cho KĐ và nhà thơ TBĐ sức khoẻ ,an vui
KĐ chào bạn bạn thật tài hoa bạn đã chấp cánh cho những vần thơ và tiếng lòng của nhà thơ TBĐ bay cao
Cám ơn cô bạn đồng hương nha!Mình thích được trải lòng bằng những bài thơ tình như HT mà làm không được đây, đành mượn thơ người khác để trải lòng mình. Chúc bạn luôn xinh tươi nhé!
Đọc một lèo bài viết của Kim Đức,& đọc tiếp những lời bình của các bạn HX ! thật tình giờ mình chẳng biết viết gì nữa…
chỉ biết khen Trần Kim Đức viết quá hay! quá hấp dẫn lôi cuốn vô cùng… Nhận xét của K Đ thật sâu sắc & tinh tế qua 2 tập thơ như đã chấp cánh cho thơ anh Trần Bảo Định thêm bay cao & chạm vào trái tim người đọc.
Cám ơn TKĐ & anh TBĐ ! Chúc anh TBĐ dồi dào sức khỏe để in tiếp những tập thơ còn lại & TKĐ luôn vui vẻ , tràn đầy hạnh phúc bên chàng BC & cho chị đọc tiếp những bài bình cho tacs giả kế tiếp!
Cám ơn chị nhiều nhen, sáng nay gặp chị sao mà trẻ trung quá đỗi!
Biết nói gì đây khi các anh chị và các bạn đã nói quá hay khi đọc và cảm nhận lời bình tuyệt vời của Kim Đức!Meocon xin chúc mừng anh Khải Định và nhà bình luận Kim Đức nha!
Đọc thơ anh TBĐ là ảnh vui lắm rồi! Còn chúc mừng Khải Định thì chắc ảnh không dám nhận đâu Meocon hi..hi..hi!!!
Kim Đức viết hay quá.
Sao mình chưa biết Đặng Danh là ai hè! nhưng thấy lúc nào cũng ghé vào để lại lời khích lệ nhẹ nhàng, êm ái. Chúc Đặng Danh luôn vui, khỏe.
Chị cũng chưa biết Đặng Danh là ai như Kim Đức vậy ! nhưng thường xuyên gặp những comment thật dễ thương dành cho TKL trên HX thật ấn tượng & chứa đầy tình cảm thân tình!
Đặng Danh là LHĐC đó chị Loan ơi!
chị biết Đặng Danh là Đặng Danh chứ không phải LHĐC nào cả HNT ui…
Thiệt đó, Tín có cảm giác vậy!
Hình như em thấy Đặng Danh cứ thấp thoáng sau mỗi cái com của chị.
Kim Đức- đọc cái tên thật trìu mến với những lời bình mộc mạc, trong sáng nhưng thật sâu sắc, tinh tế- cho nhưng câu văn, lời thơ thêm bay bỗng cùng cảm xúc của người đọc. .
Kim Đức ơi, nhớ làm luôn lời bình cho những chuyện tình. . .đã kể cho nhau nghe cùng biển đêm nha ! chắc là tuyệt lắm đó!
Đang trong dự án dở dang đây chị ơi, có thể ra mắt vào dịp mừng HX tròn 4 tuổi. Chờ chị nhé! Hôm nay họp mặt HX ở Sgon, em mời anh Khoa Trường về Qui nhơn, ảnh nhận lời rồi đó chị,chắc phải ra biển để đưa vào ngàn lẻ một chuyện tình vu vơ trên biển….Chúc chị cười xinh tươi hoài nhé!
Mở đầu Kim Đức mượn Xuân Quỳnh để nói về thơ Trần Bảo Định viết cho vợ, nhưng đợi mãi đến đoạn cuối Cô chỉ mượn mấy câu trong hai bài “Dặn Vợ” và “Tự Sự” để chỉ ra :”Trần Bảo Định đã mượn mái chèo, giọng hò khoan nhặt để nói lên nỗi nhớ vợ ở quê nhà”.
Tôi cho rằng đây là chủ ý của Kim Đức, Cô muốn nhắc đến đến Mẹ, người đàn bà thứ nhất trong đời người trai Trần Bảo Định, sau đó mới nói đến người đàn bà thứ hai của đời Anh. Tế nhị lắm, đáng qúi lắm, con trai yêu Mẹ hơn cả, nên nếu có bao nhiêu tình thì dành hết cho Mẹ thôi, sau đó mới đến Vợ, rồi con gái. Mẹ đâu ở với ta suốt đời nên khi còn sống ta yêu Mẹ bao nhiều thì lúc Mẹ qua đời ta nhớ Mẹ bấy nhiêu. Khi xưa có người phụ nữ nói với mình rằng nhìn cách người đàn Ông yêu qúi Mẹ mình thì biết ngay anh sẽ như thế nào với vợ con Anh, và dĩ nhiên mấy Chị thích thấy ở người đàn ông tương lai của mình có những đức tính ấy. Thơ TBĐ như Kim Đức nhắc đếnlà bàng bạc hình ảnh hai người phụ nữa ấy trong đời Anh.
Xuân Quỳnh, hơn ai hết chỉ làm thơ dành cho chồng là Lưu Quang Vũ. Họ sống yêu nhau và chết cùng nhau. TBĐ cũng với tấm lòng rất qúi ấy dành cho vợ mình mà Kim Đức đã viết:
“Trần Bảo Định đã thành công trên con đường thi ca bởi thơ của ông được chắt lọc từ trái tim yêu thương, đã lan tỏa và kết nối những tâm hồn thơ lại với nhau”.
Quả đúng như vậy, sau khi đọc bài này, tôi trở lại trang HX phần tác giả tìm đọc những bài thơ TBĐ đã cho xuất hiện trước đây, tôi thấy Kim Đức còn nợ TBĐ nhiều lắm vì Cô còn hơi kiệm lời khen Anh. Nay tôi giúp Cô khen thêm anh một tiếng, anh đúng là một người con trai rất đáng kính và một người chồng rất đáng ngưỡng mộ.
Ngã nón chào Anh.
NL
Một nhận xét tuyệt vời,anh Lương!.
Kim Đức ơi, chị đọc bài viết của em lần này là lần thứ ba rồi đó nhưng bận quá nên chưa có tâm trạng viết phản hồi cho em.Chị rất ngưỡng mộ Kim Đức,ngưỡng mộ cái tính say đọc và viết văn thơ của em . Ở bài này chị cũng thấy em viết “chân tình như thơ Trần Bảo Định”(HNT)và cũng đồng ý với anh Nguyên Lương ” vì Cô còn hơi kiệm lời khen anh”.Có lẽ KĐ bận nhiều việc và không có nhiều thời gian (em đang chạy đua với thời gian phải không?) nhưng em cũng viết khá đày đủ về ” Tiếng Lòng” trong thơ anh TBĐ rồi.Qua bài viết người đọc đã hiểu về thơ của anh và như hiểu thêm về con người của anh: chơn chất , đôn hậu nhưng rất nặng tình.Thơ anh mới đọc giống như ta mới thoạt nhìn một cô gái quê không son phấn.Nhưng càng tiếp xúc , càng nhìn mới thấy được cái đẹp, cái duyên ngầm, cái nết na của cô gái.Thơ anh TBĐ với ngôn từ mộc mạc đơn sơ nhưng càng đọc càng thấy thấm , càng thấy hay và tâm hồn lãng mạn của chàng sinh viên văn khoa Đà Lạt năm nào vẫn còn phảng phất trong những câu thơ nghe sao mà thương quá!
“Mình ngồi vá áo người thương
Mồ hôi thấm vải còn vương hơi chồng
Nhá nhem trời tối bến sông
Hạt mưa rơi buốt những mong đợi người!”(MÌNH NGỒI VÁ ÁO- TBĐ).
Chúc em nhiều niềm vui .
Cô giáo phân tích đoạn này hay lắm:
“…Thơ anh mới đọc giống như ta mới thoạt nhìn một cô gái quê không son phấn. Nhưng càng tiếp xúc, càng nhìn mới thấy được cái đẹp, cái duyên ngầm, cái nết na của cô gái. Thơ anh TBĐ với ngôn từ mộc mạc đơn sơ nhưng càng đọc càng thấy thấm , càng thấy hay…”
ltmk
Chị NT sâu sắc lăm! Bây giờ đọc lại Tiếng lòng trong thơ Trần Bảo Định em mới thấy còn nói nhiều về TBĐ và nhất là nhân dịp vào SG được gặp TBĐ, biết một chút về anh Định nên mới thấy thơ TBĐ còn nhiều góc khuất lắm chị ơi, có lẽ chờ anh TBĐ tặng thêm cho mấy tập nữa rồi viết thêm dưới góc nhìn khác, và sẽ đưa những nhận định về thơ ông của một số thân hữu phản hồi trên HX như: NT, HNT, NL, LCD, NĐH, LCA, TTHT, TT…
Cô Giáo,
Có lẽ HX thấy Cô rất khổ sở để vào trang mạng này nên khi vào được tặng luôn cho Cô gíao 1 bản chính và 2 bản bonus. Được thế thì quí lắm rồi còn than thở gì nữa. Nay mai LTMK sẽ vào và xóa bớt cho cô đấy.
Chúc vui nghen.
NL
Hôm nay Cô giáo thức khuya
Phải chăng Cô Giáo “ra dzìa” nhớ ai
Bận gì, thôi để ngày mai
“Chiều qua sông nhớ để quên
Những phường không đáng lưu tên tuổi đời
Gọi mình, tôi gọi mình ơi
Nước ngày mỗi tới, mình coi lũ hèn”
(“Chiều Qua Sông Nhớ Vợ”-VỢ TÔI-TBĐ)
Chào chị Kim Đức,
Bài “Cảm nhận” của chị lời chữ bình dị,mà chân tình đầy xúc cảm, đã soi thấu mọi góc khuất…”TIẾNG LÒNG” nén đọng trong thơ anh Trần Bảo Định và con người Anh. Thật đồng cảm, thật sâu sắc!(Em cũng đang nóng lòng chờ đọc “Làng tôi” của anh Bảo Định đây!)
-Kính chúc anh TBĐ, Tiếng lòng-Thất thập… “Thân tâm an lạc”.
-Chúc chị Kim Đức-anh Bửu Châu chuyến đi SG kỳ này, gặp anh em- bạn bè thật vui, lưu lại nhiều kỷ niệm… HX-SG thật ấm tình, thật đẹp nghen.
Rất ngưỡng mộ chị về “Bài viết”, chị đã nói thay cho em, cho bao người khi đọc thơ anh TBĐ!
Cám ơn NNT nhiều lắm! Chuyến đi này thật tình cờ mà vui thiệt. Mình cũng như NNT, chờ anh Định trình làng tập “Làng tôi”
Chúc NNT luôn vui vẻ nhé !
SS đã đọc đi đọc lại bài viết của KĐ, càng đọc càng thấy mở lòng và thấm những vần thơ của anh TBĐ, “nhờ KĐ dẫn đường đó”.
Tôi chưa được một lần gặp ông, chỉ biết thơ ông qua trang mạng Hương xưa, nhưng tôi nghĩ Trần Bảo Định đã thành công trên con đường thi ca bởi thơ của ông được chắt lọc từ trái tim yêu thương, đã lan tỏa và kết nối những tâm hồn thơ lại với nhau; là tiếng lòng của ông đã chạm mạnh vào những mảnh vỡ của cuộc đời thành những âm thanh vang vọng mãi trong lòng người đọc thơ, yêu thơ ở cõi trần gian này:
Hạnh phúc, khổ đau đồng giá trị
Đến và đi vô ngã thôi em
Nhị nguyên nào thể là chân lý
Hoàn hảo, bất toàn, rối rắm thêm
(“Tự sự” ,Vợ tôi, trang 76) (KĐ(
Cảm ơn KĐ đã rọi đường cho SS đi vào hồn thơ của anh TBĐ qua bài viết.
Nhân đây cho SS gởi lời chúc anh TBĐ khỏe..thật khỏe để tiếp tục trình “làng” những vần thơ tâm đắc.
Cám ơn SS đã ghé vào vườn thơ Trần Bảo Định. SS chờ ngâm thơ TBĐ nhé!
Bằng một cảm xúc lắng đọng, một tình cảm chân thành, một tâm hồn lai láng… Kim Đức đã thổi thêm ngọn gió hồn, để thơ anh Trần Bảo Định như cánh diều no gió, bay cao và bay xa hơn. Cảm ơn KĐ và anh TBĐ, đã dẫn dắt người đọc đi qua những con đường mòn quen thuộc nhưng hôm nay bỗng dưng quyến rủ và hấp dẫn hơn. Chúc vui khỏe, chào thân ái.
Cảm ơn Kim Đức đã viết quá hay, quá hấp dẫn và lôi cuốn vế hai tập thơ của anh Trần Bảo Định.
Chúc Kim Đức và Bửu Châu sau chuyến vui chơi ở SG về QN thượng lộ bình an, chúc anh Trần Bảo Định sức khỏe để phát hành thêm tác phẩm mới cho bằng hữu HX đọc nhé.