Tác giả: Nguyễn Xuân ThiênTường
Mẹ tôi mất sau một cơn bạo bệnh. Trước khi chết, mẹ yếu-ớt đặt tay tôi trong tay bố. Hai mắt bố nhòa nước mắt. Ông khẽ gật đầu. Mẹ tắt hơi giữa lúc còn muốn dặn-dò chúng tôi.
Từ đó, bố tận-tụy nuôi tôi. Công-việc của ông nặng-nhọc lắm nhưng vẫn không đủ trả tiền học cho con. Trước ngày tan trường mùa hè năm ấy, thầy phụ-trách lớp cho biết hội-đồng giáo-sư chọn tôi là học-sinh xuất-sắc nhất về học-lực toàn trường; không những thế tôi còn được nhất hạnh-kiểm nữa.
Theo lệ thì phụ-huynh của những học-sinh giỏi được ngồi ở trên trong ngày phát thưởng. Tôi cố-gắng để bố tôi mỗi năm có dịp hãnh-diện vì con. Tôi báo cho bố tin mừng. Nửa đêm thức dậy, tôi thấy bố lấy cái áo cũ ra mặc thử. Cái áo này bố đã mặc dự lễ phát phần thưởng năm trước và cả năm trước nữa. Thấy ông buồn-bã tần-ngần, tôi muốn chạy tới ôm lấy bố nhưng tôi chỉ nằm trong giường rung-rưng nước mắt.
Chương-trình phát-thưởng không chiếu phim như thường-lệ nhưng có trình-diễn văn-nghệ. Quan-khách đặc-biệt có ông thị-trưởng, ông dân-biểu, ông thanh-tra.
Thầy hiệu-trưởng muốn họ có dịp thưởng-thức tài-năng của các học-sinh.
Tôi được chỉ-định hát một bài. Đứng trên sân-khấu nhìn xuống, tôi thấy bố ngồi hàng đầu với cái áo mới mua được hai hôm. Để làm vui lòng bố, tôi đã xin với giáo-sư phụ-trách văn-nghệ cho tôi chọn bài Lòng Mẹ của nhạc-sĩ Y-Vân. Khi giọng hát tôi vừa cất lên, cả hội-trường im-bặt. Tôi để hết tâm-hồn trong những gìòng nhạc yêu-thương đó.
Bỗng tôi thấy người xếp chỗ nói gì với bố. Một người sang-trọng vừa tới ngồi vào chỗ của bố còn bố lủi-thủi đi xuống phía dưới. Khi tôi chấm dứt bài hát, tiếng vỗ tay tưởng như bể rạp. Thầy hiệu-trưởng, ông thị-trưởng, ông dân-biểu cùng mọi người đứng cả lên.
Tôi đợi tất cả ngồi xuống. Dưới góc rạp bố tôi đang kiễng chân nhìn lên. Lòng xót-xa nổi dậy, tôi nói đáng lẽ tôi hát tiếp bài Tình Cha để cảm-tạ công-ơn của bố tôi và cám ơn mọi người nhưng tôi có chuyện cần nói. Tôi kể cho mọi người biết nhà tôi rất nghèo. Tôi không dám xin tiền mua sách nên giờ nghỉ, giờ trưa tôi phải mượn sách để làm bài. Khi mọi người chơi thể-thao sau giờ học, tôi cũng thèm nhập-cuộc nhưng phải dành thời-giờ học nhờ sách của bạn-bè. Tôi làm như vậy chỉ để mong bố tôi được ngồi vào chỗ danh-dự. Nhưng tại sao bố tôi vừa bị đuổi ra khỏi chỗ ngồi? Tôi không xin lòng thương-hại nhưng tôi mong được đối-xử công-bằng.
Tôi nhìn xuống phía dưới. Không ai trả lời tôi cả. Tôi thẫn-thờ lẩm-bẩm:
– Tại sao?
Rồi không kìm-hãm được nữa, tôi ôm mặt chạy vào hậu-trường. Có tiếng nhốn-nháo. Tôi tiếp-tục chạy ra ngoài về phía chuồng chó của thầy hiệu-trưởng. Nơi đây mỗi buổi trưa, tôi thường tránh bạn-bè để học bài. Tôi ôm con Tô-Tô nức-nở. Tôi đã xúc-phạm tới nhiều người. Thầy hiệu-trưởng dù nhân-từ cũng không thể dung-tha tôi được. Tôi sẽ bị đuổi khỏi trường… Tô-Tô ơi vĩnh-biệt!…Bố ơi đừng giận con! Con biết tội con rồi… Mẹ ơi! Sao con khổ thế này…
Có tiếng nói của thầy hiệu-trưởng sau lưng tôi:
– Đứng dậy đi con. Thầy muốn nói chuyện với con.
Tôi ôm chặt con Tô-Tô không trả lời. Thầy lại dịu-dàng hỏi tôi:
– Con thích Tô-Tô lắm phải không? Nếu con đứng dậy với thầy, ngày mai Tô-Tô sẽ là của con.
Tôi vâng lời. Ông xoa đầu tôi rồi nói:
– Bố con đã có chỗ ngồi tốt. Con đừng buồn nữa.
Tôi theo thầy hiệu-trưởng trở lại sân-khấu. Ông đặt tay trên vai tôi. Dưới kia không một tiếng động. Thầy công-khai xin lỗi bố. Thầy nhận trách-nhiệm một mình, không nói gì tới người xếp chỗ. Thầy bảo ngày xưa gia-đình thầy nghèo lắm. Khi thầy vừa thành-tài thì mẹ thầy mất… Tiếng nói của thầy càng ngày càng chậm và đầy xúc-động. Sau cùng thầy cúi xuống hỏi tôi:
– Con có tha-lỗi cho thầy không?
Tôi ngước lên nhìn ông. Trên khuôn mặt già nua đã đẫm dòng nước mắt. Tôi nức-nở ôm chặt lấy thầy.
– Xin thầy đừng nói nữa. Con… xin thầy. Thầy có lỗi gì đâu.
Hình như có tiếng vỗ tay vang-dội hội-trường. Tôi đứng im trong vòng tay của thầy. Vòng tay êm-ái đó đã che-chở tôi khỏi những hận-thù suốt cuộc đời. {jcomments on}
Bài viết hay và cảm động lắm NXTT ơi! Đọc xong CTC thấy rưng rưng nước mắt
Chân-thành cám ơn chị nhiều .
NXTT viết truyện một phần nào mong-mỏi mang được chút yêu-thưcng nhân-bản tới người khác. Thời buổi này tình yêu có nhiều ích-kỷ, vật chất trong đó. Nếu truyện của mình không ảnh-hưởng được tới ai thì it nhất khi viết cái tâm của mình thanh cao vậy .
Mong chị luôn an-mạnh
Thân kính, NXTT
TSN cũng rưng rưng nước mắt khi đọc xong bài viết này. Bài viết hay quá,NXTT ạ.
Chân-thành cám ơn chị TSN Ngọc Diệp đã đọc và phẩm-bình. NXTT
Anh Nguyễn Xuân Thiên Tường thân mến, đọc truyện ngắn THƯƠNG YÊU của anh tôi thật xúc đông,tôi xúc động không vì truyện anh hay mà vì anh có ông thầy Hiệu Trưởng thật đáng kính.Ngày nay giữa thế giới hiện đại này,tôi tin chắc không tìm đâu ra người thầy như vậy,tôi nói như thế có phải là bi quan không?Nhưng thực tế là như vậy.Anh thật hạnh phúc:”Tôi đứng im trong vòng tay của thầy.Vòng tay êm- ái đó đã che-chở tôi khỏi những hận thù suốt đời.”
Chúc anh an vui.
Anh Nguyễn Hoàng Lâm Ni thân mến, tôi ngậm-ngùi trong nỗi xót xa khi đọc thư anh . Cá nhân tôi may mắn gặp được vài thầy hiệu-trưởng tốt, quá tốt lúc còn là học sinh hay cả khi đi dậy học… Thẳng thắn, yêu thương, tận tụy và hiểu biết là đúc tình của các vị đó .
Nếu bây giờ chúng ta it thấy người như vậy thì chúng ta hãy góp phần bằng cách sửa soạn cho các hiệu trưởng tương-lai là các em nhỏ tuổi. Chúng ta hãy mang đời sống của mình thành bài học cho họ, chúng ta hãy làm thơ viết truyện để gợi ý cho họ …
Anh Nguyễn Hoàng Lâm Ni ơi, dù không có hy-vọng thành-công nhiều nhưng chúng ta vẫn phải làm và không bao giờ bỏ cuộc .
NXTT
Truyện ngắn YÊU THƯƠNG của anh Thiên Tường hay quá,NT rất xúc động vì tấm lòng của ba nhân vật chính trong truyện :Lòng hiếu thảo của người con,tình yêu thương bao la của người cha và nhất là tình yêu bao dung ,cao cả của thầy Hiệu Trưởng đã can đảm nhận lỗi về mình với đứa họ trò nhỏ trước mọi người.Một bài viết rất nhân văn.
Chị Nguyễn Tiết thân mến,
Cám ơn chị và anh Khoa-Trường nhiều về việc phẩm-bình lần trước . Tôi sơ ý nghĩ đến sự kiện “có thể xẩy ra hay không” mà không nghĩ đến người đọc phân-tâm khi đọc truyện. Cũng đã muốn xin thay đổi trên HX nhưng nếu làm vậy thì lời phẩm bình của hai vị bị mất cơ-sở . Tuy nhiên, tôi đã thay đổi bài này trên một trang mạng khác .
Rất mong mỏi được chị tiếp-tục xây dựng bằng cách cho biết những khiếm-khuyết .
Tôi nợ chị rồi đó . Thân mến, NXTT
Cám ơn anh Thiên Tường đã có những lời rất chân tình .Thân mến!
Ơ mà có nhắc tới KT, KT cũng cảm ơn anh NXTT luôn!
Xin cảm ơn Thiên Tường. Tôi cũng xúc động rơi lệ.
Chân-thành cám ơn anh đã đọc và phẩm bình.
Mặc dù chưa bào giờ gặp nhau nhưng tôi được nghe về anh .
TABTT, Thiên Tường
Thiên Tường thân,
Đã nhận biết ý nghĩa của TABTT. Nếu tiện anh lien lạc với tôi qua hieutracnguyenmd@gmail.com MOng có dịp đàm đạo.
TNTT
Mẫu người con , người cha vẫn có thể thấy trong hiện tại nhưng thầy hiệu trưởng thì thuộc loại quý và hiếm.
Đa tạ chị đà đọc và phẩm bình . NXTT
Bài viết của Thiên Tường tuy ngắn, nhưng nói lên sự hiếu thảo của ngươi con đối với cha mẹ thật cảm động.
Chân-thành cám ơn anh Song Anh Chau . Thân kính, NXTT
Bài viết của anh Thiên Tường chắc hẳn làm rất nhiều người rơi nước mắt,tình thầy trò, tình cảm gia đình, tình phụ tử thật thâm sâu, nghĩa nặng. Lòng can đảm của cậu học trò nhỏ đã được đền bù xứng đáng, và thầy hiệu trưởng cũng can đảm không kém dám nhận cái sai về mình, vì thế dù tác giả không nói ra nhưng ta vẫn cảm nhận đựơc sự kính nể của mọi người và tất cả học trò quý mến, cảm phục.
Câu chuyện ngắn nhưng nội dung truyền tải thật rộng, và nhắc cho chúng ta cư xử cho đúng mực trong cuộc sống.
Mới đọc ba câu chuyện của anh Thiên Tường, nhưng TT mơ hồ cảm thấy hình như trong câu chuyện của anh thiếu một vòng tay của người nữ. Tuy nhiên câu chuyên vẫn đậm đà và không thiếu sự nhẹ nhàng ,êm đềm, và đầy cả dịu dàng…Một vài ý kiến nhỏ nếu không phải, mong anh Thiên Tường bỏ qua, xin cảm ơn anh.
Cám ơn chị Thu Thủy nhiều .
Thôi để lần tới NXTT sẽ gửi về Hương Xưa một truyện có hình bóng một phụ nữ dễ thương. Tuy nhiên không bảo-đảm chị sẽ được đọc vì còn tùy thuộc vào Admin. Thân kính, NXTT
Bài viết ngắn nhưng đi sâu vào lòng người và thấm mãi, hay lắm Nguyễn Xuân Thiên Tường ơi!
Cám ơn chị Quốc Tuyên đã đọc và phẩm-bình .
Lời phẩm-bình ngắn, xúc tích và làm người viết cảm động NXTT
Có ba nhân vật đàn ông và một bóng ma người nữ những vẫn hay và làm rung đông người đọc hơn bất cứ một câu chuyện tình cảm sướt mướt nào?
Xin chân-thành cám ơn đã đọc và phẩm bình . Thân kính, NXTT
Hình như có tiếng vỗ tay vang-dội hội-trường. Tôi đứng im trong vòng tay của thầy. Vòng tay êm-ái đó đã che-chở tôi khỏi những hận-thù suốt cuộc đời.
Rất thích đoạn kết nầy
Cám ơn chị Bích Vân nhiều . Thiên Tường
Những câu chuyện về cuộc sống của NXTT đã làm lắng lòng người đọc.
“Dưới góc rạp bố tôi đang kiễng chân nhìn lên” Đúng là một đời hy sinh cho con, bây giờ chỉ cần đứng nhìn thấy con được vinh danh là thấy hạnh phúc, tự hào, người cha không còn quan trọng đến chỗ ngồi.
NXTT đã đưa tình tiết”Bỗng tôi thấy người xếp chỗ nói gì với bố. Một người sang-trọng vừa tới ngồi vào chỗ của bố còn bố lủi-thủi đi xuống phía dưới” để thấy rõ sự bất công của xã hội, tiền bạc đã làm thay đổi bản chất con người, nhưng sau đó tôi thích nhất là” Tôi kể cho mọi người biết nhà tôi rất nghèo. Tôi không dám xin tiền mua sách nên giờ nghỉ, giờ trưa tôi phải mượn sách để làm bài. Khi mọi người chơi thể-thao sau giờ học, tôi cũng thèm nhập-cuộc nhưng phải dành thời-giờ học nhờ sách của bạn-bè. Tôi làm như vậy chỉ để mong bố tôi được ngồi vào chỗ danh-dự. Nhưng tại sao bố tôi vừa bị đuổi ra khỏi chỗ ngồi? Tôi không xin lòng thương-hại nhưng tôi mong được đối-xử công-bằng”. May mà giữa xã hội đang xuống cấp về mặt đạo đức trầm trọng thì lại có “bàn tay êm ái” của vị hiệu trưởng “đã che-chở tôi khỏi những hận-thù suốt cuộc đời”. Truyện ngắn của NXTT giống như những bài giảng về giáo dục công dân hướng mọi người đến cái hay, cái đẹp. Rất mong đọc những tác phẩm của NXTT.
Chân thành cám ơn chị Kim Đức đã đọc và phẩm bình.
Tôi may mắn khi đi học gặp được những người thầy khả-kính và khi đi dậy học có được nhiều học trò thật tốt với thầy . Có lẽ khi làm gì cho nhau lúc đó, chúng tôi không thấy “hy sinh, nhường nhịn” mà cảm được cái hạnh phúc khi chia sẻ với nhau.
Để giải quyết những vấn đề to lớn như núi cao chặn đường, chúng ta không có máy móc mà chỉ có yêu thương làm cuốc, sẻng thôi chị .
Nếu không làm xuể, hy-vong thế-hệ sau sẽ tiêp tục .
Thằng bé ham học hiếu thảo và tự tin thẳng thắng gặp ông thầy cùng cảnh ngộ chứ không thì chết đó nghen con.
Thằng bé sẽ đứng vững và đi lên trong cuộc sống nhờ sức mạnh của người cha và lòng hiếu thảo con bé!
Thằng bé ham học ,hiếu thảo ,tự tin, thẳng thắng. Gặp ông thầy cùng cảnh ngộ chứ không thì chết đó nghen con.
Thằng bé sẽ đứng vững và đi lên trong cuộc sống nhờ sức mạnh của người cha và lòng hiếu thảo của nó!
Chị Thỏ Con kính mến,
Bình như thằng bé lớn lên hơi giống thầy (thầy nào trò đó) nên găp nhiều trở ngại và không thành công rực rỡ trong cuộc đời nhưng cũng thành NGƯỠi chị ạ .
Đọc truyện ngắn THƯƠNG YÊU của Nguyễn Xuân Thiên Tường chị thật sự xúc động đến rơi nước mắt…cảm ơn Thiên Tường đã viết rất chân tình, rất thật, rất cảm động và hay lắm.
Chân-thành cám ơn chị đã đọc Thương Yêu và còn góp lời phẩm-bình.
Vâng, cám ơn nhiều lắm . NXTT
Bài viết rất hay và thật cảm động ,khiến người đọc lòng chùng xuống ,mắt ngấn lệ…Bài viết tuy ngắn ,nhưng nội dung rất sâu sắc đi sâu vào lòng người ,rất nhân văn .
Xin phép tác giả cho Tôi copy lại truyện ngắn Thương – Yêu đưa về blog cá nhân .
Xin cám ơn tác giả thật nhiều .
Cám ơn chị Mai Trinh nhiều vì đã đọc .
Xin chị cứ tùy tiện lấy bài. Truyện này hay truyện khác.
Chúc chị an-mạnh và thành-công . NXTT
Đọc câu chuyện của anh Thiên Tường mà như đọc truyện…cổ tích, làm tôi nhớ cuốn “Tâm hồn cao thượng” mà thế hệ học trò chúng tôi hay đọc hồi trước và thực sự xót xa khi đối chiếu với thực trạng quan hệ xã hội, quan hệ con người với con người, quan hệ con người với con vật hiện nay : Cha-con thì chém giết lẫn nhau đôi khi chỉ vì một câu nói. Thầy gạ tình với trò để đổi lấy điểm cao. Người giết người chỉ vì một con chó…Quả thật xã hội chúng ta đang có vấn đề rất nghiêm trọng!!!
Trong bối cảnh đó, câu chuyện anh Thiên Tường viết lại càng mang tính giáo dục và nhân văn rất cao. Cảm ơn anh Thiên Tường.
Anh Khoa Trường thân mến ơi,
Cũng tương tự như anh, tôi nhớ vô cùng cuốn Tân Quốc Văn lớp nhất của Trần Ngọc Chụ và một nhóm giáo viên, cuốn Tâm-Hồn Cao Thượng (Grand Coeur) do Hà Mai Anh dịch … Bao nhiều năm qua rồi, những trang sách vẵn còn in hắn trong hồn tôi.
Chúng ta như những con thuyền đi ngược giòng nhưng chung ta vần nên cứ làm, nên cứ viết …Bởi vì, ngoài chúng ta còn bao nhiều người khác dù cô đơn nhưng vẫn đang cố thực-hiện.
Qua một người bạn, tôi tình cờ biết một cô giáo không đủ tiền tổ chức Trung Thu cho một nơi nghèo vì tiền dành dụm lỡ cho một em học sinh không có tiên thuê nhà . Cô phải vay trước một tháng lương …
Cô có một số sách truyện (hình như Hạt Giống Tâm Hồn thi phải) để cho các em mượn.
Cô không trông đợi sự trợ-giúp của người khác. Cô làm một mình.
Nếu anh chị em chúng ta cùng viết các Truyện Thật Ngắn có tính cách phát-triển con người; xin phép in ra, phân phối cho các em nghèo có lẽ cũng là việc nên làm .
Cám ơn anh Khoa Trường, anh đã gợi ra đúng nỗi niềm …
Đúng vậy, tôi cũng nghĩ thái độ ứng xử với thực trạng xã hội như anh đề xuất là chính xác, tuy rằng không hề dễ dàng thực hiện cho có hiệu quả bởi ngoài cái TÂM, cái TÀI thì còn nhiều yếu tố phụ thuộc nữa. Ngày nay người ta hay dùng thuật ngữ là LỖI HỆ THỐNG để lý giải hiện thực rồi, mà tác hại của cái LỖI HỆ THỐNG này ghê gớm lắm, không dễ sửa chữa…
Chào NXTTường, người bạn mới của HX! Bài viết của bạn đã gây xúc động bao lòng người trong đó có TT. Hay lắm, bạn ơi!
Hân-hạnh được anh Trầm-Tưởng-NCM đọc và phẩm-bình. Cám ơn anh nhiều
Có tiếng vỗ tay của tôi nữa!