Tác giả: Kiều Tấn Minh
Lời giới thiệu
Đọc thơ của Thi sĩ Mặc Giang, ta thấy bốn chất liệu cảm nhận cuộc sống được thi sĩ chuyển tải ở trong thi ca như sau:
– Đạo ca: Kinh Pháp Hoa là bộ kinh liễu nghĩa Nhất thừa, đã được đức Phật giảng dạy ở núi Linh Thứu, nhắm tới chuyển hóa tuệ giác cho hàng Thánh giả Thanh văn và nâng tuệ giác của hàng Thánh giả này thể nhập Nhất thừa Phật đạo, đã được thi nhân lãnh hội ý chỉ của toàn kinh, rồi thi hóa từng phẩm trở thành Pháp hoa đạo ca, dung dị, thẳm sâu luân lưu giữa không gian vô cùng và thời gian vô tận. “Nhiệm mầu bổn giác diệu tâm, sáng hơn ánh sáng trăng rằm, thanh hơn trăng thanh mười sáu, tam thừa vận chuyển pháp luân; Phật tri kiến Phật khôn lường, ba đời chư Phật mười phương, xuất Thánh lâm phàm giáng thế, mở ra duy nhất một đường…”.
– Tâm ca: Thi ca mãi sống còn và luân lưu bất tận với kiếp sống con người, với trăng sao, với gió nội trăng ngàn, với hạt sương long lanh trên đầu ngọn cỏ hay trong một hạt bụi chứa đại địa sơn hà và hàm tàng vô biên thế giới, nên tâm ca là ngôn ngữ vút lên từ tâm lượng đại bi, khi tuệ giác chạm tới tột cùng của diệu pháp, có khả năng cắt dứt hết thảy lụy phiền, xuyên thủng đâm thâu, suốt thông một ngọn nguồn nhân duyên, nhân quả, mặc để tâm ca hát ca giữa tam thế, mười phương trùng trùng duyên khởi, như trong hư vô nhờ hạt bụi, Thi nhân nói: “Vũ trụ nhìn ta luống ngại ngùng, có gì vô thỉ với vô chung, nếu không hạt bụi trùng trùng chuyển, thì cả hư vô chết lạnh lùng”.
– Tình ca: Thế gian hiện hữu do tình, nếu không có tình, thế gian sẽ không bao giờ hiện hữu. Tình ca là ngợi ca sự hiện hữu của tình và vô tình trong trường đời diễm ảo thiên diễn vô ngần. Ngợi ca sự hiện hữu của kiếp sống con người giữa đôi bờ thuận nghịch, giữa gió nồng hay mưa đắng, giữa nắng quái hay trời êm của bốn mùa xuân hạ thu đông. Và dù cho cuộc đời có ngược xuôi thế nào đi nữa, ta vẫn có tình ca để sống, để vươn lên với niềm tin, với hi vọng với xuân cười gió nắng: “Đừng buồn chi em, con tim còn biết nói; đừng buồn chi anh, mạch máu còn đóng băng; dù đêm dài vẫn còn có ánh trăng, nếu không trăng thì ngàn sao lấp lánh… Tận tâm lực, những gì em có thể; tận tấm lòng những gì anh hoài mong; một ngày kia sẽ hết hạ thu đông; hạ kết nụ mỉm cười xuân gió nắng…”.
– Dân ca: Dân ca là thi ca của mọi người, không kể sang hèn hay ngu trí, không kể giới tính nam nữ, gái trai già trẻ. Hạnh phúc hay khổ đau, hy vọng hay thất vọng đều là của con người và là cuộc sống của mọi người. Nên, khi hạnh phúc, con người cũng cùng nhau ca hát và khi đau khổ con người vẫn ca hát với nhau. Ca hát để cùng nhau hợp quần sức mạnh vượt qua chông gai tiến về phía trước, như thi nhân nói ở trong Mấy cuộc phù sinh: “Anh một anh hai anh ba, ba anh cộng lại hơn năm trăm à, anh một không cửa thì nhà, anh hai cỡi gió xông pha bụi trần, anh ba cột trụ tương phần, đội trời đạp đất phù vân sá gì…”. Hay trong Anh hùng rơi lệ, thi nhân nói: “Xa nhà ai chẳng nhớ thương, nhớ nhà ai chẳng đoạn trường canh thâu; có nghe sỏi đá kêu đau, có nghe bãi biển bờ lau xạt xào…”.
Thi sĩ Mặc Giang đã nhờ Phật tử Hồng Cúc chuyển bản thảo thơ đến tôi, xin tôi đọc và viết lời giới thiệu, tôi thấy thơ của Thi sĩ có nhiều tần số rung cảm khác nhau, ý tứ sâu xa như: “Không đêm cũng có trăng ngàn, không ngày cũng có nắng vàng nhẹ ru”, hay “Tôi hỏi không gian rộng mấy chiều, có còn một khoảng nhỏ hoang liêu, để ta đến cuối bờ xa vắng, vén bức rèm ghi dấu tuyệt siêu”. Và trong thơ, thi nhân đã vẽ lên nhiều bức tranh đời thật thú vị, nhất là những bức tranh quê hương của người viễn xứ, khi nhìn ngắm vọng về “Quê nghèo nho nhỏ lưng đồi, có dòng sông quyện lở bồi nắng mưa; có hàng trúc biếc lưa thưa, có tre mấy lũy bốn mùa xanh xanh; đồng xanh lúa chín trong lành, mạ non ươm mộng để dành vụ sau…”. Không những vậy mà trong thơ các tiết tấu, thể loại nhạc điệu, âm vận cũng phong phú, khi thì lục bát, khi thì song thất lục bát, khi thì tứ tuyệt, khi thì theo nhạc điệu của thể loại thơ mới… khiến cho người đọc không cảm thấy dơn điệu, nên dễ rùng đụng lòng người đi vào cõi nhớ thương hay tịch mặc.
Vì vậy, tôi rất vui khi đọc tập thơ này và hân hạnh giới thiệu tập thơ này đến với những ai có tâm hồn thơ và yêu thơ. Và chân thành cảm ơn thi nhân đã hiến tặng cho đời những vần thơ như thế.
Huế – Chùa Phước Duyên – Tàng Kinh Các, Ngày 26 – 12 – 2012
Tuệ Nguyên – Thích Thái Hòa
Lời giới thiệu
Các bạn đang có trên tay tuyển tâp nhạc mang chủ đề : Hoa Song Đường, nghĩa là chúng ta đã gặp lại những vần thơ sâu lắng thiết tha và đầy tính nhân văn, đạo lý của nhà thơ Mặc Giang cùng những nét nhạc mượt mà, tâm huyết của các nhạc sĩ mà trong hai tập nhạc trước đây : Dòng thơ gọi tình người (nhà xuất bản Phương Đông năm 2006) và tập Hành trình quê mẹ (nhà xuất bản Thanh Niên năm 2009) chúng ta đã được thưởng thức….
Các nhạc sĩ của thân quen của chúng ta đã cùng niềm cảm xúc theo những bài thơ của nhà thơ Mặc Giang viết về công ơn cha mẹ và nỗi niềm, tình cảm của những người con đối với cha mẹ lúc sinh thời cũng như khi quá cố. Trong bút pháp của Mặc Giang, cha mẹ là đóa hoa thiêng liêng và đẹp nhất của cõi trần gian, của nhân loại mà không bút mực nào chuyển tải hết vẻ thanh cao, rạng ngời của hai vầng hào quang đó. Hoa Song Đường ! Chính là hai đấng sinh thành của chúng ta mà hơn 120 bài thơ của Mặc Giang đã được các nhạc sĩ là những người đã và đang hoạt động nghê thuật trong thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong cả nước chấp bút phổ thành những ca khúc với những giai điệu thiết tha, trữ tình và lắng đọng. Hoa Song Đường đã tỏa ra hằng trăm hương sắc khác nhau theo từng cách phổ của các nhạc sĩ nhưng chung quy tất cả đều nhìn về một hướng với ánh mắt tôn kính, với tấm lòng ngập tràn yêu thương, hiếu hạnh đối với hai đấng sinh thành, với những kỷ niệm lúc còn bé thơ được cha mẹ nuôi dạy, dắt dìu hay lúc trưởng thành, xa quê cha, đất mẹ để mưu sinh lập nghiệp…
Tập ca khúc Hoa Song Đường như một món quà nhỏ chân thành gửi đến các bậc cha mẹ, gởi đến mọi người con về đạo đức và tấm lòng hiếu thảo mà trong cõi nhân sinh, ai cũng phải trải nghiệm và thể hiện sao cho xứng đáng với những gì mình đang có, đang giữ gìn và truyền lại cho các thế hệ con cháu mai sau.
Ngày 25-3-2013
Nhạc sĩ Kiều Tấn Minh{jcomments on}