Từ Bi Phụng Sự và Quê Hương

Tháng Tư.

Trong khi thiên hạ chuyển hình ảnh, bài viết mới cũ, tài liệu… nhắc nhở Tháng Tư, thì quê hương thân thương được gợi lại, dù chỉ Một Thoáng, nhưng đầy ý nghĩa, và do một tổ chức hầu hết là giới trẻ đầy nhiệt huyết, đầy Bi Trí Dũng : Hội Từ Bi Phụng Sự, vùng Đông Bắc Mỹ/ CCS-East.

Một Thoáng Quê Hương, là chương trình văn nghệ thực hiện từ mấy năm qua và năm nay lần thứ tư, Hội Từ Bi Phụng Sự tiếp tục, vừa tổ chức vào chiều Chúa Nhật 21 tháng tư, tại Hội trường Đại học NOVA, tiểu bang Virginia.

Chúng tôi đến cùng Từ Bi Phụng Sự qua tâm cảm Bi Trí Dũng của giới trẻ và thân hữu vùng Đông Bắc, với hai tiết mục phụ thêm vào chương trình nhạc thính phòng tuyển chọn đặt trọng tâm vào tình yêu quê hương ViệtNam.

Khán thính giả đông nghẹt hội trường chú tâm nhìn ngắm một sân khấu trang trí vô số hình ảnh quê hương, từ mái lá dưới trăng ngà, bụi tre xanh, nhiều bờ lau sậy, con thuyền, lưới cá, nón lá, lu nước và gáo dừa…. chiếm nhiều khoảng cho hoạt nhạc cảnh Hội Nghị Diên Hồng và Trận Bạch Đằng Giang cũng như phần trình diễn Áo Dài Cài Bên Trái. Mỗi tiết mục này có trên dưới 30 nhân sự, chưa kể không gian cần cho lá cờ Đại Việt tung hoành, cho múa kiếm, múa bơi chèo, múa côn … và tứ dân sĩ nông công thương đồng tâm hưởng ứng lời kêu gọi của Vua Trần Nhân Tông chống lại quân Nguyên Mông, cùng chống chèo thuyền trên sông Bạch Đằng, và không gian cần cho trình diễn y phục Áo Dài Cài Bên Trái.

“ …khi bước vào hội trường của Northern Virginia Community College Trung Tâm Văn Hoá Richard J. Ernst tôi đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy sân khấu được trang hoàng với mái tranh nghèo nho nhỏ, trên bầu trời trong thanh có vầng trăng rằm tỏa ánh sáng hiền lành. Đằng sau hè có khóm trúc xanh rì rào với gió, có cái lu lớn chứa nước mưa ngọt lịm, mỗi khi đi ngoài nắng chạy ù về nhà, cầm gáo dừa tu một hơi nước trong lu mát cả gan ruột! Phía trước nhà, có con đò đang neo bến chờ đưa khách tha hương trở về thăm quê hương; trong một góc sân nhà có tấm lưới chài cá đang đong đưa trong gió; bên cạnh bụi lau thưa ,có chiếc nón lá của cô thôn nữ nào mới gặp được bạn cũ mừng quá lo tíu tít chuyện trò bỏ quên cái nón trên cành hoa lau? Thật là dịu ngọt, thân thương, cho tôi cảm xúc thoải mái như đang được đứng trên mảnh đất thân quen của quê Ngoại tôi, làng Điện Bàn, xứ Quảng Nam, ngày xa xưa … ” (Trích bài viết của Lê Mộng Hoàng, Một ThoángQuê Hương IV Biến Giấc Mơ Ngày Valentine Thành Sự Thật)


Tôi bận rộn sau hậu trường, chuẩn bị y trang từng nhân sự cho hoạt nhạc kịch kể cả làm alteration phút chót và ủi thẳng, mặc vào cho từng người, từ anh lính đến nam nữ võ tướng, Vua Trần Nhân Tông và Đức Trần Hưng Đạo, quý vị bô lão, sơn nam sơn nữ, người Mường người Thái Thượng du …vì biết đây là lần đầu tiên các anhchịem và thân hữu đại diện cho một tập thể “quyết chiến” chống ngoại xâm, diễn lại trang sử hào hùng của dân Việt. Về những tiết mục nhạc thính phòng đã từng theo dõi qua nhiều buổi tập dượt, nên tôi vẫn còn nguyên xúc động khi thỉnh thoảng theo dõi màn hình trong hậu trường, từ Liên khúc Gánh Lúa/ Gạo Trắng Trăng Thanh, Bến Xuân, Ninh Kiều, Thương về Xứ Huế, Trên Đỉnh Phù Vân, Giấc Mơ Chapi, Tôi Yêu, Nương Chiều, Em Có Về nơi Đây, Tiếng Dân Chài, Tình Ca, Quán Bên Đường, Thuyền Trăng, Trăng Quê, Tiếng Sông Hồng, Liên khúc Phượng Hồng/Hoa Học Trò ….

Các ca sĩ toàn là địa phương nhưng nắm rất vững nhạc lý và thanh nhạc, giữ hơi thở, ôm, nhả, buông …rất nghệ thuật, và trình bày thẳng, không có chuyện nhép …Tôi chẳng biết nói gì hơn hai chữ “TUYỆT VỜI”.

Và phải nói, một tuyệt vời nữa, là phần ánh sáng và âm thanh, không chơi nhạc ồn ào mở lớn âm thanh không biết bao nhiêu decibels làm khổ tai thính giả và khổ cổ ca sĩ …

Nhưng cố nhiên cần nhắc những chi tiết đặc biệt, như giọng ca Thiền Vị trong bản Tôi Yêu của Phương Uyên, một tác giả lạ, một giọng ca cũng rất lạ với tôi nhưng đã làm tôi khóc ròng khi mới nghe từ lần dượt với đàn piano. Rồi Triệu Vinh trong Trăng Quê của Ngọc Đức (cũng một tác giả lạ với tôi) và cùng Nguyễn Thăng trong Giấc Mơ Chapi của Trần Tiến : hai giọng nam bari-tone có âm vực khi trầm lúc bổng quyện vào nhau như thác đổ trên rừng cao nguyên, đến lạnh cả người !!!!! Giọng Sĩ Tuấn cuồn cuộn ào ạt trong Tiếng Sông Hồng của Phạm Đình Chương, hay Bùi Quang Hiển tình tự Em Có Về Nơi Đây của Vĩnh Tâm, lại một tác giả lạ mà thân thiết vì tình yêu quê hương, hoặc Quán Bên Đường của Phạm Duy qua giọng ca Nguyễn Thăng…

Nhưng tôi xúc động nhiều hơn, hồi hộp nhiều hơn khi nghe Trên Đỉnh Phù Vân của Phó Đức Phương, qua giọng trầm bổng Nguyễn Xuân Thưởng, mà trước đó, sau buổi tập dượt tử 7 giờ chiều Thứ Sáu ngày 19 đến 2 giờ sáng Thứ Bảy ngày 20, khi liên lạc về chiếc trống đồng NgọcLũ, giọng đã khàn đục, cọng thêm vụ dàn dựng sân khấu ngay sáng Chúa Nhật trước buổi trình diễn, với những bụi lau khô đầy phấn gây dị ứng …. thấy Thưởng mang mặt nạ mà tôi thật nát lòng, thương những trái tim, những tấm lòng đầy nhiệt tình. Nghe mà liên tưởng tới Andrea Bocelli, một danh ca giọng tenor-pinto. Nguyễn Xuân Thưởng cũng tenor-pinto, chất chứa nỗi đam mê thật êm nhẹ thật an nhiên, không đốt hết sinh khí tức thời mà uyển chuyển vận dụng từ tận cùng vực thẳm đại dương rồi dâng cao theo triền sóng …

Tôi biết rõ, và rất cảm phục những người trẻ của thế hệ thứ hai, thứ ba trong cộng đồng Việt nước ngoài, không thiếu những nam nữ thanh thiếu niên ý thức trách nhiệm trước cuộc sống nơi quê người, dù có nhận nơi này làm quê hương mới, vẫn luôn nuôi dưỡng tình yêu quê hương.

“ …Tôi yêu tiếng nước tôi …”

Ấp yêu những cảm xúc đó, tôi an nhiên vừa làm việc vừa theo dõi chương trình. Những giọng nữ vút cao như NiNi, Thái Ninh, Như Hương, dịu dàng trầm lắng HiếuThuận ,,, và những giọng nam tôi mới nghe lần đầu, đâu thua kém chi mấy nàng mấy chàng vang danh của Paris by Nite hay Asia !!!!!! (Đó là tôi chưa kể mấy chàng mấy nàng này dựa trên y phục phơi bày lộ liễu hơn là dựa trên khả năng nghệ thuật) Đây chính là điểm son Một Thoáng Quê Hương IV của Hội Từ Bi Phụng Sự : ca sĩ tài tử không chuyên nghiệp trong một tổ chức không vụ lợi, đã thực sự tận tâm tận tình nên thành công với trái tim và tấm lòng, chĩu nặng Bi Trí Dũng.

“ …Tôi yêu tiếng nước tôi …Tôi yêu bác nông phu…Tôi yêu biết bao người … Lý Lê Trần và còn ai nữa.. Những anh hùng của thời xa xưa, những anh hùng của một ngày mai …”

Những anh hùng của thời xa xưa, như Vua Trần Nhân Tông, như Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, như tướng Nguyễn Khoái, tướng Trần Khánh Dư, tướng Trần Nhật Duật, tướng Yết Kiêu.. như bé Trần Quốc Toản …trong hoạt nhạc kịch Hội Nghị Diên Hồng với lá cờ Đại Việt, tiếng trống đồng Ngọc Lũ, tiếng loa vang vang triệu tập tứ dân, ánh kiếm sắt thép, đường gươm uy dũng, tiếng sĩ nông công thương với mấy sắc tộc Mường, Thái, sơn nữ sơn nam … những mái đầu bạc bô lão …không những gây xúc động cho người diễn mà tất cả hội trường …


Bà bán nước chè Bến Đò Rừng dâng tin thủy triều lên Đức Trần Hưng Đạo

Phần tôi tham gia hoạt nhạc kịch này, trong vai bà già nhà quê bán nước chè Bến Đò Rừng là địa điểm chiến lược trong chiến thuật áp dụng mực nước thủy triều lên xuống để dụ thuyền Nguyên Mông vào sâu lòng sông, để khi nước rút thì quay lại đuổi đánh và thuyền giặc vướng cọc đâm thủng thua chạy …

Một tiết mục nhiều người theo dõi, là phần trình diễn Áo Dài Cài Bên Trái. Tôi cũng phải nói trong khoảng trên một phút, về lý do về nguồn : trích dẫn “Khổng Tử viết” từ trang 222 chương 14 phần Hiến Văn, tập Luận Ngữ của Vạn Thế Sư Biểu viết bằng chữ Hán (cố nhiên) và do dịch giả Đoàn Trung Còn chuyển sang tiếng Việt, xuất bản lần thứ nhất tại Saigon năm 1950, tái bản 1952.

Những người mẫu trẻ trung nhỏ nhắn của hai Đại học Nova và George Mason cùng các bà các cô Hội Từ Bi PhụngSự luân chuyển trình diễn những bộ y phục, hầu hết có hoa văn trống đồng hoặc vẽ trống đồng Đông Sơn, Ngọc Lũ, Hòa Bình, Bắc Sơn, Lũng Cú … chữ Khoa Đẩu, Quang Trung Thông Bảo …và vài loại hoa Hoàng Mai, Phong Lan, Vương Quỳnh, Tương Tư Pansies, Cúc Đại Đóa trắng bạc….kể cả bộ vẽ Rồng Việt bằng nhũ vàng.

 

Xúc động nhất, phải nói là bản hợp ca Việt Nam ! Việt Nam ! của Phạm Duy, với lực lượng nhân sự 35 người, bài hát gợi mạnh lòng yêu thương quê hương Việt Nam cho toàn thể cộng đồng nước ngoài, và chắc chắn thắp sáng về tận quê nhà.


Được biết Hội Từ Bi Phụng Sự Đông Bắc Mỹ CSS-EAST có cả thảy 35 anh chị huấn luyện viên đang hướng dẫn 8 địa điểm dạy Càn Khôn Thập Linh(CK10) khác nhau trong vùng Virginia-Maryland và Washington DC. Ngoài việc dạy CK10, các anh chị CSS còn thực hành đạo Bồ Tát của Thầy Hằng Trường qua các công tác Từ Thiện : Cứu Trợ nạn nhân Tsunami Nhật Bản, Động Đất Haiti, nạn nhân bão Sandy, và hằng năm tổ chức các chương trình ca nhạc với tiêu đề “Một Thoáng Quê Hương” có giá trị cao về văn hóa, nghệ thuật do các nhạc sĩ, ca sĩ địa phương trẻ tình nguyện đóng góp công sức.

Trần thị LaiHồng

VA, 12 tháng 4, 2012

Hình các nhiếp ảnh gia Hội Từ Bi Phụng Sự cung cấp{jcomments on}

 

0 thoughts on “Từ Bi Phụng Sự và Quê Hương

  1. Uyển Diễm

    Cám ơnCô đã cho biết sinh hoạt văn nghệ nước ngoài của những người con xa quê.

    Reply
  2. Dạ Lan

    Khán thính giả đông nghẹt hội trường chú tâm nhìn ngắm một sân khấu trang trí vô số hình ảnh quê hương, từ mái lá dưới trăng ngà, bụi tre xanh, nhiều bờ lau sậy, con thuyền, lưới cá, nón lá, lu nước và gáo dừa…. chiếm nhiều khoảng cho hoạt nhạc cảnh Hội Nghị Diên Hồng và Trận Bạch Đằng Giang cũng như phần trình diễn Áo Dài Cài Bên Trái. Mỗi tiết mục này có trên dưới 30 nhân sự, chưa kể không gian cần cho lá cờ Đại Việt tung hoành, cho múa kiếm, múa bơi chèo, múa côn … và tứ dân sĩ nông công thương đồng tâm hưởng ứng lời kêu gọi của Vua Trần Nhân Tông chống lại quân Nguyên Mông, cùng chống chèo thuyền trên sông Bạch Đằng, và không gian cần cho trình diễn y phục Áo Dài Cài Bên Trái.

    Cô Lai Hồng ơi ! lâu nay cài nút bên phải bây giờ cài nút bên trái sợ không quen cài trật nút.

    Reply
  3. Thu Thủy

    …mái tranh nghèo nho nhỏ, trên bầu trời trong thanh có vầng trăng rằm tỏa ánh sáng hiền lành. Đằng sau hè có khóm trúc xanh rì rào với gió, có cái lu lớn chứa nước mưa ngọt lịm, mỗi khi đi ngoài nắng chạy ù về nhà, cầm gáo dừa tu một hơi nước trong lu mát cả gan ruột! Phía trước nhà, có con đò đang neo bến chờ đưa khách tha hương trở về thăm quê hương; trong một góc sân nhà có tấm lưới chài cá đang đong đưa trong gió; bên cạnh bụi lau thưa ,có chiếc nón lá của cô thôn nữ nào mới gặp được bạn cũ mừng quá lo tíu tít chuyện trò bỏ quên cái nón trên cành hoa lau? Thật là dịu ngọt, thân thương…

    Hình ảnh và bài viết sao mà cảm động quá đọc, nhìn, thấy nước mắt rưng rưng.

    Reply
  4. Tuấn Phong

    Những người xa quê luôn có những sinh hoạt rất ấm lòng .Cám ơn một thoáng quê hương.

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.