Tác giả: Nguyên Lương
(Viết để kỷ niệm sinh nhật 70t của Chú hôm 18 tháng 3, 2013)
Tôi gọi ông bằng Chú, vì ông là Chú ruột của vợ bạn thân tôi. Năm 75, hai đứa vừa qua Mỹ được học bỗng chung một trường đại học, bây giờ anh đang là một Bác Sĩ tim rất nổi tiếng ở Miami. Anh nổi tiếng nhờ năm 1993, đã là người bác sĩ mổ tim đầu tiên trên thế giới, làm cuộc cách mạng trong việc thay thế mấy bộ phận trong lục phủ ngũ tạng cùng một lúc cho ông Thống Đốc tiểu bang Pennsylvania để giúp kéo dài sự sống cho ông thêm 10 năm nữa. Năm 2008, vợ chồng tôi về Florida nghỉ mát, ghé thăm bạn, được bạn cho xem chừng 20 tác phẩm tranh sơn dầu, sơn mài của một họa sĩ từ Hà Nội gởi qua tặng cho cô cháu gái làm quà. Tôi sững sờ trước những tác phẩm hội họa rất lạ về bố cục, màu sắc, kết cấu…mà từ trước đến giờ chỉ tìm thấy ở những bức tranh của ngoại quốc chứ chưa thấy ở những họa sĩ người Việt. Về lại nhà, tôi lên mạng tìm tòi để biết thêm về ông và thế là ngày nào rảnh tôi cũng vào các trang mạng của những người sưu tầm tranh ông để xem ké. Tôi bị tranh hội họa của ông mê hoặc từ đó.
Thật ra tên ông cũng không lạ gì với gia đình tôi. Mẹ vợ tôi, họa sĩ Cam Ly, đã một thời là đồng môn của ông. Bà thường kể chuyện những năm 74-75 khi chiến tranh sắp chấm dứt, người sĩ quan thích vẽ trở về học hội họa ở trường Đại Học Mỹ Thuật Hà Nội. Tại đây ông làm lớp trưởng nên bạn học rất kính nể, không biết vì tài năng hay vì những hy sinh của ông từ chiến trường. Học vẽ, chỉ là cách để hợp thức hóa cái đam mê và khả năng bẩm sinh ông có từ bé, để có mảnh bằng. Khi quân viễn chinh Pháp quay trở lại Đông Dương sau thế chiến thứ hai, chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ. Cậu bé được 2 tuổi theo Mẹ về quê Ngoại ở Hà Tĩnh, còn Cha ông thì vào Nam vì đang làm quan lớn trong triều đình Huế. Đọc tiểu sử của ông trong bài Người Hoạ Sĩ Có Số Phận Kỳ Lạ, có đoạn viết: “Trong khi người cha ở lại Huế ‘xênh xang áo mão cân đai’ thì vợ con ông ở quê ngoại lại phải sống trong tủi nhục oan nghiệt, bị những người xung quanh dè bỉu, xa lánh vì có cha, có chồng làm cho phía bên kia. Bà mẹ của ông một nách 3 đứa con đã phải nhẫn nhục trăm cay nghìn đắng cố gắng chống chọi với đói khổ và điều tiếng thị phi chỉ để những đứa con tồn tại”. Mẹ ông là chắt ruột của cụ Tiên Điền, một gia phả rất lớn ở Hà Tĩnh. Khi đất nước chia đôi năm 1954, gia đình ông cũng như bao gia đình người Việt khác chịu cảnh chia ly kẻ Bắc người Nam từ đây . Vì có lý lịch không tốt nên suốt thời thanh niên ông phải vất vả, tận lực phấn đấu để cố ngoi lên, nhưng cái “phốt” lý lịch quá lớn đã đóng lại tất cả cánh cửa vào trường mỹ thuật. Cuối cùng ông mới được cho vào học trường Cao Đẳng Mỹ Thuật (60-65). Ra trường ông trở thành người lính sử dụng tên lửa, canh giữ cầu Hàm Rồng ở Thanh Hóa. Sau đó ông bị đưa vào “tuyến lửa” Vĩnh Linh, Tây Nguyên, Nam Lào. Cầm súng chỉ là chuyện bất đắc dĩ của người con trai trong thời chiến, suốt đời ông chỉ muốn cầm cọ. Ông mê vẽ từ thuở nhỏ. Với một cục than đen, một miếng gạch đỏ, mẩu sắn mì khô, viên phấn trắng…ông vẽ cả lên sân, lên tường nhà hàng xóm để Mẹ ông bị “mắng vốn” không biết bao nhiêu lần. Dần dần ông phát hiện ra một bãi cát bao la dọc bờ sông La, và trên bãi cát mịn, tấm canvas thiên nhiên vô tận trời tặng cho riêng ông mở ra. Thế là sáng chiều ông ra bờ sông tha hồ vẽ, những nét vẽ thô, trẻ thơ, không hình, không màu, không rõ, trên cát bờ sông, vẽ xong, xóa đi, vẽ lại. Bãi cát bên sông là nền tảng, nơi thực tập mỗi ngày để ông hoàn thiện những tác phẩm nổi tiếng về sau. Hết chiến tranh ông đi học lại và tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật Việt Nam năm 77.
Tháng 9 năm ngoái, từ bên nhà, Mẹ vợ tôi gọi qua cho Vân Các nói là cuối tháng 9, Chú có qua Mỹ triển lãm tranh, Mẹ muốn vợ chồng con xuống Washington gặp Chú. Mẹ nói Chú tò mò muốn biết con bé sinh năm 74, lúc chưa đầy 1 tháng tuổi mà Mẹ Cam Ly thường bê vào phòng học để một góc nào đó, lâu lâu lại cho bú, bây giờ nó trưởng thành ra sao. Là lớp trưởng năm ấy, Chú sợ thầy chủ nhiệm la, nên Chú khuyên Mẹ đem con bé đã bọc kỹ trong chăn, nằm gọn trong “cũi” gỗ nhỏ, thò cái đầu đầy tóc và đôi mắt tròn xoe tò mò nhìn mọi người, đem đi qua bên ký túc xá gởi. Ai thấy con bé gái đáng yêu cũng dành lấy bồng bế, nựng nịu. Con bé ngoan, hết bú rồi nằm yên ngủ, không làm phiền ai, đến chiều tối thì được Mẹ đèo sau xe đạp về nhà. 38 năm sau hai Chú cháu không hẹn mà gặp nhau nơi xứ người, mừng tủi, lệ rơi. Cô cháu gái ngày nào nằm gọn trong cũi gỗ bây giờ là một tiến sĩ dược khoa. Ông lớp trưởng ngày nào bây giờ có tranh triển lãm khắp thế giới. Chú bảo: “Thế giới nhỏ nhỉ, không ngờ có ngày chú cháu lại gặp nhau nơi cách xa quê hương nửa vòng trái đất”. Rồi Chú đùa: “Mới có tháng tuổi mà nó đã được đi học đại học nên sau này nó học giỏi Chú không có gì ngạc nhiên”. Để kỷ niệm, Chú bảo Vân Các ngồi yên, Chú vẽ cho một bức chân dung. Ngồi xuống ghế vừa nói chuyện với Hương, con gái của Chú, vừa làm người mẫu, Vân Các không ngờ chỉ chưa đầy 20 phút bức họa đã vẽ xong. Nhìn bức họa, nhìn người mẫu, Chú tấm tắc: “Ôi! xinh qúa”. Nghe câu nói này tôi chợt nghĩ chắc Chú đang nhớ về cô bạn sinh viên cùng lớp hội họa tên Cam Ly xinh đẹp ngày nào. Chú bảo: “Trông nó xinh đẹp, giống Mẹ nhỉ ?”
Đẹp! là từ cửa miệng thường dùng của những người xem tranh, nhưng với những tác phẩm hội họa của Chú, đẹp không phải là từ đủ để diễn tả. Tranh của ông giống như bề ngoài ông. Một bề ngoài không có nét của một họa sĩ chút nào. Hôm xem trên TV thấy ông cùng hội thoại với nhiều họa sĩ nổi tiếng trong nước, trong đó có họa sĩ Trần Khánh Chương, trông ông khác hẳn mọi người. Khi suy tư, đăm chiêu, mắt ông mở trừng trừng, đăm đăm, to, đen, sắc sảo, nhìn như xói vào người ông đang nhìn. Với hàng chân mày đậm dựng ngược lên, cùng với bộ râu kẽm, trông ông giống hình ảnh của một Trương Phi trên cầu Trường Bản trong phim Tam Quốc Chí hơn là một họa sĩ tài danh. Ở ông toát ra một nội lực, một phong độ khác thường so với những người cùng thời. Có dịp vào các trang mạng của hơn 60 nhà sưu tập tranh của ông trên thế giới ta mới thấy tranh của ông rất phong phú, đa dạng về đề tài, mỗi giai đoạn ông vẽ một loại thể loại khác nhau. Tranh ông vẽ với nét thô, mộc, nhưng thần thái phát tiết ra ngoài mạnh mẽ như bề ngoài con người ông. Cái ông vẽ là thần hồn chứ không vẽ cái xác như bao họa sĩ khác. Nhìn tranh ông, chưa vội thấy, chưa vội nghĩ, nhắm mắt lại suy gẫm. Ở đó nó chuyên chở những thông điệp, mang lại những khung trời mà mắt ta đã bắt gặp đâu đó, nhưng là phần ta không thấy hay thấy mà không để ý. Tranh của ông không buồn, dù vẽ cảnh buồn. Đâu đó chút ánh vàng mênh mông của đồng lúa chín báo hiệu một vụ mùa bội thu. Một giải mây trắng vắt vẻo, treo cô đơn trên bầu trời quê xương xa. Những mảng vàng, mảng trắng, mảng xanh trong hình ảnh tuổi thơ nơi đồng quê mà trong ký ức chúng ta đi xa mang theo, giờ chỉ còn tìm về trong giấc ngủ mơ. Nhìn tranh ông, không thấy biên giới giữa mây trời cao, khung cảnh dưới đất, và vật thể chung quanh. Tất cả quần quyện nhau như thể không rời. Cái nét thân thiện, gần gũi giữa con người, con gà, con trâu, con chó…tất cả gắn bó như một phần máu thịt người dân nghèo nơi thôn dã. Ông vẽ nhiều về trật tự của hoài niệm, hoang dã của xóm làng, tuyệt đối không vẽ cái mới xô bồ. Cảnh trong tranh của ông phản ảnh cách sống, thức, ngủ trong tiềm thức dìu về từ xa lắc đến hiện tại. Bề dày của cuộc sống trải qua hơn 60 năm sống khổ, sống vui cùng với những thao thức, trăn trở qua thời gian là thông điệp rất rõ cho thế hệ sau ông cảm thông qua tranh vẽ. Những ai đã có dịp làm quen và gần gũi với thôn dã, xóm làng, nhìn tranh ông thấy lại cả một khung trời cũ. Ở xứ người, được nhìn tận mắt tranh ông vẽ trên canvas như thể ta đang được về lại chốn xưa, nơi vẫn còn nguyên đó một bến đò, cây đa, sân đình và hình ảnh bà mẹ quê còng lưng trên đồng cấy mạ. Nhìn tranh ông có thể tưởng ttượng và ngửi ra được mùi bùn đen, rạ mục. Những ruộng mía trổ hoa, những cánh đồng lúa chín, những đêm trăng với gió mát, những ngày hội đổi mùa… đều xuất hiện trên tranh ông.
Nét vẽ trong tranh sơn dầu của ông rất Tây, nhưng nội dung và đề tài thuần Việt. Tranh sơn dầu mạnh mẽ bao nhiêu thì tranh sơn mài của ông dịu dàng bấy nhiêu. Cùng với màu sắc rực rỡ đó, tranh ông lúc nào cũng mang một lời nhắn nhủ. Tranh ông vẽ không có mục đích làm vui mắt người xem mà điểm chính là ông muốn gởi vào đó những thông điệp, đầy tính nhân văn. Mỗi bức tranh là một câu chuyện kể, một loại kịch câm, mà người xem phải chú ý đến từng góc cạnh rồi hồi tưởng lại mình đã thấy nó ở đâu, hay lục tìm trong tiềm thức, ký ức, đâu đó là những hình ảnh thật gần gũi mà cũng thật xa xôi. Xem tranh ông, người nhạy cảm rất dễ bị ám ảnh bởi những câu chuyện ông “đưa ra ánh sáng”. Mỗi thời ông vẽ mỗi khác, từ nội dung cho đến cách sáng tạo. Ông vẽ nhanh như thể cái ý tưởng vừa chợt đến, không kịp vẽ xuống, nó sẽ bay xa. Nhìn ông vẽ, tay vung cao lên như một nhạc trưởng, và từ đầu cây cọ màu sắc chảy ra, thần thái bắt đầu xuất hiện từ từ rồi dần rõ nét. Hôm đến thăm, lúc ông đang vẽ chân dung ông chủ tịch hội nghệ thuật người Mỹ. Trong phòng bao nhiêu người chăm chú theo dõi việc ông làm đã thầm ngưỡng mộ và thán phục. Ai cũng bảo chỉ trong vòng 20 phút vẽ mà ông đã chụp được cái thần thái của người mẫu và đưa lên canvas. Những bệt màu vàng, đỏ, cam tung tóe, vùng vẫy trên từng đường nét mạnh, gồ ghề, làm sống động chân dung của một người đàn ông đầy năng lực, hoạt bát, nhanh nhẹn và hoạt động mạnh mẽ trong giới hội họa ở Washington. Bức tranh Chú vẽ về Vân Các thì hoàn toàn ngược lại. Trông hình không giống người mẫu lúc bình thường, người trong tranh, ngoài đời thật hôm đó không giống nhau. Nhìn kỹ thì thấy có nét xa vắng, lo lắng, giống như những lúc cô ta đang suy tư, nghĩ ngợi. Chú đã nhìn ra cái hồn lúc đó, mặc dù hôm ngồi làm mẫu Vân Các đang vui vì được gặp Chú, không một điều gì buồn lo. Chú bảo tranh vẽ khác với hình chụp. Ít ai cười trong tranh bao giờ. Thế là Chú phải tưởng tượng ra nét mặt đó lúc buồn lo thế nào, rồi vẽ lên, thế mới tài chứ. Chú vẽ cái mà ta không thấy hay chưa thấy.
Trong bài giảng về hội họa mà tôi học được từ GS Nathan Knobler ở trường năm 76 ông bảo: “Cái ý nghĩa của nghệ thuật không nằm riêng rẽ ở chức năng như một chìa khóa mở lại cánh cửa đời sống mỗi cá nhân hay xã hội đã mất đi hay là phản ảnh của đời sống hôm nay; với một số giới thưởng ngoạn, nghệ thuật chủ yếu chỉ là nguồn giúp thỏa mãn cảm hứng và trí tuệ mà không cần đến tham khảo thêm từ bên ngoài”. Như thế, muốn hiểu về nghệ thuật sáng tạo, trước hết ta phải ghi nhận quá trình hình thành tác phẩm, hiểu được sự cấu tạo và tính cách trí tuệ cũng như xúc động của người tạo ra nó. Bởi thế, muốn hiểu tranh ông chúng ta phải biết một ít về con người thật của ông. Ở trên tôi đã nói sơ qua về tuổi thơ ông sống như con mồ côi Cha, bây giờ tìm hiểu thêm một chút về ông những giai đoạn sau. Giai đoạn mà cả hai miền Nam-Bắc đều đói nghèo. Làm họa sĩ thời này khổ lắm, ông bảo. Dụng cụ để vẽ không có, tranh vẽ ra bán ít người mua. Bức tranh không đủ đổi lấy mấy chén gạo. Cởi áo lính ông mở “xưởng vẽ” năm 93 ở Hà Nội. Ông ngồi vẽ trong căn phòng xập xệ, chật hẹp, tranh bày ngổn ngang, nhưng ông phải lao động cật lực để có tiền nuôi hai đứa con, không Mẹ. Tranh ông lạ, có sức hấp dẫn mạnh, người sành tranh, đa số là người ngoại quốc, lui tới mua tranh và giới thiệu cho bạn bè. Có một bà người Pháp tên Francois Flane lúc đó làm đại diện cho UNICEF ở Việt Nam thấy tranh ông đúng gu của bà, nên bà đã mua nhiều tác phẩm của ông nhưng không trả tiền. Ông không nói được tiếng Pháp nên để bà lấy bao nhiêu cứ lấy. Chừng 3 năm, bà người Pháp ghé lại chỗ ông ngồi vẽ, đưa ông đi đến một căn biệt thự ở làng hoa Nghi Tàm, và trao ông chìa khóa nhà. Bà bảo đó là nhà của ông từ tiền bà đã bán những bức tranh đã lấy từ ông, bên Tây. Ông không tin những gì đang xảy ra, nhưng đến khi bà nói: “Mày có nhà rồi, cho tao ở chung với”. Ông mắc cỡ, gãi đầu, cười cười vội vàng dắt bà ấy đi đăng ký kết hôn.Từ một người mà thời đó họ gọi là “thợ vẽ” lây lất sống qua ngày bên đường, bỗng một ngày ông đã làm chủ một căn biệt thự và làm chồng một bà đầm, người đã yêu ông và tranh ông tha thiết. Ông đổi đời từ đó. Có sức khỏe tốt, có nhà ở thoải mái, có người sống cùng, có hẳn một gallery bày và bán tranh. Ông vẽ ngày đêm, vẽ không biết mệt, với sức vẽ thật kinh khủng. Ông là một họa sĩ Việt Nam sáng tác mạnh nhất. Đang còn sống mà được nổi tiếng như cồn ở trong nước cũng như nước ngoài bên cạnh những người đã khuất như danh họa Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân… Giới yêu tranh trong nước thì lập ra một câu lạc bộ với 60 thành viên mua và cất nhiều tranh ông để: “mai kia con cháu muốn xem tranh ông không phải ra nước ngoài” như lời ông Nguyễn Sĩ Dũng, phó chủ tịch quốc hội, người sáng lập ra câu lạc bộ này đã nói. Ông kể, ngày qua Paris triển lãm tranh, thấy người đi xem xếp hàng rồng rắn trước giờ triển lãm, ông mừng không cầm được nước mắt. Hôm 18 tháng 3 vừa qua cũng là ngày ông nhớ mãi. Nhân sinh nhật 70 tuổi, bạn hữu, giới sưu tập tranh đã đưa 70 tác phẩm để đời của ông ra triển lãm. Nhiều nhà ngoại giao mê nghệ thuật từ các nước, những người có tên tuổi ở Hà Nội, những đại gia săn tranh ông từ các quốc gia trên thế giới đến chúc mừng sinh nhật ông. Nhớ lại những năm tháng tranh ông vẽ không người mua, đói khổ, tương lai mờ mịt, nay ông như người từ dưới đất bay thẳng lên mây. Tôi gọi điện về thăm đúng lúc ông vừa ở nơi triển lãm về. Trong cơn xúc động ông nói với hơi thở dồn dập: “Chú vui quá cháu ơi, có lẽ đây là ngày vui nhất trong đời của Chú”
Ông vui, nên tranh ông vẽ những năm tháng gần đây cũng thể hiện cái nét vui đó ra thật rõ ràng . Nói thế không phải là bức tranh nào của ông cũng vui, cũng vàng ươm, cũng xanh mướt. Hôm triển lãm tranh của Ông ở Washington, tôi bị ám ảnh bởi một bức tranh rất lạ. Tôi thẫn thờ nhìn bức tranh vẽ trên vải bao bố vì năm 72, đang buổi chiến tranh, vải trắng không có để may áo lấy đâu mà dùng căng lên khung vẽ. Vì là vải bao bố, nên chất liệu có màu xám nâu, dày cộm. Màu sơn dầu khó bám, không loang ra, nên bức tranh đầy những nét gồ ghề, thô mốc, như tranh vẽ ba chiều, chìm nổi. Đó là bức họa vẽ ông già mù, tay ôm con gà, được thằng bé dắt đi trong cơn mưa nặng hột. Ông già mặt áo cời, đội nón lá rách, mắt hướng lên trời đầy phẫn nộ. Ông thấy gì trong không gian mù mịt với đôi mắt không còn ánh sáng? Không! thật ra ông ngước mặt lên như ngạo mạn, thách đố trời cao vì ông đã gánh chịu hết bao tai ương đổ xuống đời ông. Mưa có rơi thêm nữa, thì ông cũng chẳng còn gì để mất. Ông không sợ! Tài sản còn lại duy nhất là con gà đang ôm chặt trên tay và thằng cháu dắt ông đi bằng cây gậy trong cơn mưa lũ. Đây có phải là hình ảnh của người thương binh sau khi đã hy sinh đôi mắt mình trong chiến tranh về lại quê nhà, đối diện với đói nghèo thiếu thốn? Đây có phải là một người từ quê lên thành phố kiếm ăn? Và trong đêm tối mưa lũ, hai ông cháu dắt nhau về đâu để tìm nơi tá túc? Xem bức tranh, mấy tuần sau tôi vẫn còn bị hình ảnh ông già mù ám ảnh, dằn vặt mãi. Cái cảm giác như thể lần đầu tiên nhìn thấy bức tranh “The Scream” hay là “The Cry” vẽ bằng sáp năm 1895 của Edward Munch mà mới đây đã gây chấn động thế giới vì có người mua với giá 125 triệu đô la. Bức tranh vẽ vội vàng, cảnh một người đứng trên cầu, tay ôm mặt, miệng mở to, mắt thao láo trợn trừng nhìn, đầu hói trọc, hét. Cái đầu rỗng như chiếc đầu lâu. Sâu thẳm đàng xa là mây trời tím, xanh, vàng, vần vũ thản nhiên, nhấp nhô như sóng. Tiếng hét hay tiếng khóc không âm, không làm động lòng ai vì cuối cây cầu có hình hai người vẫn thanh thản, dửng dưng đi dạo. Cô đơn, sợ hãi, hoảng hốt, buồn là những gì ta nhìn thấy nơi bức tranh “tiếng hét quái dị” này. Edward Munch, người Na Uy, sau khi đến Paris năm 1889, nơi ông thấy những tác phẩm theo chủ nghĩa biểu hiện (Expressionism) rất độc đáo của những họa sĩ khai phá lối vẽ trường phái mới này như Toulouse-Lautrec, Van Gogh và Guiguin. Lối vẽ dùng màu sắc và hình tượng để chuyên chở nội tâm bên trong. Lối vẽ này rất thịnh hành ở Âu Châu cho đến sau thế chiến thứ nhất rồi phai mờ dần. Ở Việt Nam, trường phái này vẫn còn nhiều người theo đuổi cho mãi đến bây giờ, mà điển hình là bức tranh ông già mù của họa sĩ. Tôi hỏi Hương, cô con gái xinh đẹp lo quản lý tranh cho Chú, đã có ai làm chủ bức tranh này chưa? Hương nói có một người Đại Hàn, trả một giá rất cao, nhưng cô không thuận. Hương bảo là muốn giữ nó để cho vào viện bảo tàng cùng với một số tranh khác của Chú, và là báu vật của gia đình, có thể mai kia trở thành tài sản quốc gia.
Phải dùng chữ báu vật để nói về tranh của Chú mới đúng. Khi Chú đem hơn 200 bức tranh qua California triển lãm. Những người chống cộng ở đây tổ chức biểu tình chống đối vì ông là cựu sĩ quan quân đội miền Bắc. Người chống cứ chống, người thích cứ ùn ùn vào xem. Thế là 200 bức họa bán sạch trong 1 tuần lễ. Hương gọi điện cho bạn tôi ở Florida bảo là nếu muốn bán thì gởi 20 bức họa qua California thì có người mua ngay. Chưa kịp gởi tranh đi, tôi biết chuyện liền ngăn cản. Tôi nói với bạn: “Người ta muốn có tranh của Chú phải đi tìm mua. Mình đã có nó trong tay sao lại bán đi. Hãy giữ lại trong nhà, mai kia bốn đứa con lập gia đình, cho mỗi đứa vài tấm làm kỷ niệm. Để chúng nó biết là chúng nó có Ông Chú là một danh họa Việt Nam”. Tôi còn nói thêm “Nếu một ngày nào đó bạn không muốn giữ nó nữa thì gởi cho mình, muốn bao nhiêu thì mình đưa cho. Đừng bán cho người ngoài” Nói thế chứ tôi biết gia đình ông bạn bác sĩ người gốc Ninh Hòa của tôi chắc chắn sẽ không bao giờ để những báu vật này ra khỏi nhà mình.
Trong tất cả các trường phái vẽ tranh, cách thể hiện tranh của trường phái biểu hiện qua sơn dầu là cách mà ông thành công nhất. Ông vẽ rất nhiều cảnh sinh hoạt gia đình ngày xưa: mẹ-con, bà-cháu, ông-cháu. Những hình ảnh gợi nhớ lại thời đói nghèo mà Mẹ của hoạ sĩ, không chồng, một tay tảo tần nuôi ba đứa con thơ. Với cảnh nhà ảm đạm, u buồn, người bà, người mẹ trong tranh với thân hình ốm yếu, da bọc xương, má hóp, lưng còng, đút cho đứa cháu từng miếng cơm ngô trộn sắn. Nhưng cũng có những bức tranh ông vẽ cảnh gia đình ngày nay khác hẳn. Người đàn bà trong tranh với nét sung mãn căng tròn bầu vú sữa. Ngưòi Mẹ nằm ngủ, bên cạnh là đứa bé hồn nhiên, miệng ngậm một vú, một tay mân mê vú kia của Mẹ, một chân gác lên mình Mẹ. Hai mẹ con say sưa trong giấc ngủ thần tiên. Người Mẹ trong tranh với mái tóc đen mượt, khuôn mặt đẹp, thân hình căng đầy sức sống. Nhìn hình ảnh này ta có thể nghĩ là ý tác giả muốn nói: “qua rồi cái thời ăn không đủ, ngủ không ngon”. Tấm drap trắng che hững hờ thân hình nửa kín nửa hở, chảy dài một bên là mái tóc đen mượt như màu quần lãnh mỹ a đen, nổi bật lên giữa bức tranh, nói lên sự tương phản ngày đêm, âm dương. Đặc biệt hơn nữa là hình những đứa bé đan xen trong chiếc chiếu. Bầy con đông như con Mẹ Âu Cơ trong huyền thoại trăm con. Hay chăng trong giấc ngủ mê, người Mẹ muốn có thêm nhiều con nữa. Từ bức tranh toát lên hạnh phúc gia đình, sức sống căng đầy, và cái thiên chức làm mẹ. Cũng từ bức tranh nude này ta có thể tưởng tượng đến cái cảnh trong bài thơ Cô Gái Ngủ Ngày của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Có tính dục, nhưng không gợi dục, chỉ lộ lên cái độ sung mãn, hừng hực, thèm muốn có thêm nhiều con nữa của bà mẹ mới có một con.
Một người sưu tập tranh của ông ở Bắc Ninh, tên Nguyễn Bá Hoan, biết tôi thích tranh ông nên gởi thư làm quen và tự giới thiệu là đã sưu tập được khoảng 200 tác phẩm lụa, sơn dầu, sơn mài, tranh giấy, bao tải, và trên sứ của ông. Anh gởi cho tôi hình chụp một bức tranh có tên là “Cô Lái Đò Bến Hạ” anh rất thích nhưng bức tranh đã lọt vào tay anh Tiến, một Việt kiều giàu có ở Quận Cam, cũng là người làm chủ rất nhiều bức tranh giá trị của nhà danh họa. Anh hỏi tôi thấy gì ở bức tranh này tôi viết: ”Đây là một bức tranh lạ, đẹp như một bài thơ. Nỗi buồn héo hắt trên nét mặt cô lái đò ngồi tựa cửa chờ ai. Cô lái đò ốm mảnh mai, mặc áo dài, như hình ảnh những cô lái đò trên sông Hương ở Huế thời xưa, thời và nơi ông sinh ra. Cũng với đường nét sơn đen nổi bật trên nền sơn trắng, ông thêm vào đó chút nắng chiều hắt màu hồng lên trên má, và một vệt vàng dài trên mặt sông, soi rõ dáng con thuyền đang neo đậu chờ người. Con đò chờ khách hay cô lái đò chờ người tình. Bên cạnh cô là con mèo ốm cuộn mình nằm ép bên chân cô gái ngủ. Cả hai u buồn đợi chờ khi bóng hoàng hôn sắp tắt. Đẹp, lãng mạn, nên thơ, một bài thơ buồn như đời cô lái đò ngày ngày đưa khách qua sông nhưng không một người ở lại. Trong căn chòi heo hút, trên tường có treo tấm hình, chắc là hình một người lính đã hy sinh, để lại nét tang thương trên môi má người thiếu phụ.
Từ giã gia đình Chú và gia đình người bạn, vợ chồng tôi lái xe về lại Philadelphia, đàng sau cốp xe là bức tranh vẽ chân dung Vân Các còn thơm mùi sơn chưa kịp ráo. Buổi chiều hôm đó trời chớm thu nên nắng nhẹ, gió trong. Bầu trời Washington tự nhiên có nét thân thiện và đẹp hơn ngày thường. Đi cặp kè bên Chú tôi thấy gần gũi như một người thân, mà đã chẳng phải là người thân từ lần đầu tôi được xem tranh Chú ở nhà người bạn đó sao. Tôi đã quấn lấy Chú, đi bên Chú, lắng nghe Chú kể chuyện say sưa về ý nghĩa những tác phẩm của mình.
Trên đoạn đường dài 3 tiếng lái xe về nhà, vợ chồng tôi nhớ những kỷ niệm với Chú vừa qua. Tôi chợt nhớ lại những lần trong lớp học về môn nghệ thuật tạo hình, lời người thầy giảng 37 năm trước vẫn còn như in trong đầu. Thầy đã dạy: “Trong cái nhìn của tôi, muốn giới thiệu cho người đời biết thưởng ngoạn nghệ thuật ta phải bắt đầu bằng cố gắng loại bỏ rào cản từ sự hiểu lầm và thành kiến của người không được đào tạo về nghệ thuật và tác phẩm nghệ thuật. Họ phải tìm thấy sự liên tục giữa nghệ thuật của quá khứ và hiện tại. Họ phải được cung cấp và trình bày rõ ràng cùng lập luận đúng đắn về tính cách của nghệ thuật tạo hình, để giúp tháo gỡ những nghi ngờ mà họ cảm thấy khi đứng trước những tác phẩm của các họa sĩ, điêu khắc gia hay kiến trúc sư. Cuối cùng, người thích tìm hiểu về nghệ thuật tạo hình phải được đào tạo khả năng hiểu biết về nghệ thuật mà không cần phải có tác nhân thứ ba chỉ cho họ thấy cái gì cần thấy, tại sao phải thấy như vậy và tác phẩm đó có ý nghĩa gì…”
Bài viết này tôi không muốn làm tác nhân thứ ba đó. Tôi chỉ làm việc là ghi nhận lại những cảm nhận của riêng mình với một người thân, một người bạn của gia đình và một ít về vài tác phẩm trong số tác phẩm khổng lồ của ông.
Thưa các bạn, người tôi muốn nói đến trên đây chính là Họa Sĩ Phạm Lực.
Philadelphia 23 tháng 3, 2013{jcomments on}
Nhìn tranh ông, chưa vội thấy, chưa vội nghĩ, nhắm mắt lại suy
gẫm. Ở đó nó chuyên chở những thông điệp, mang lại những
khung trời mà mắt ta đã bắt gặp đâu đó, nhưng là phần ta không
thấy hay thấy mà không để ý. Tranh của ông không buồn, dù vẽ
cảnh buồn. Đâu đó chút ánh vàng mênh mông của đồng lúa chín
báo hiệu một vụ mùa bội thu. Một giải mây trắng vắt vẻo, treo cô
đơn trên bầu trời quê xương xa. Những mảng vàng, mảng trắng,
mảng xanh trong hình ảnh tuổi thơ nơi đồng quê mà trong ký ức
chúng ta đi xa mang theo, giờ chỉ còn tìm về trong giấc ngủ mơ.
Nhìn tranh ông, không thấy biên giới giữa mây trời cao, khung
cảnh dưới đất, và vật thể chung quanh. Tất cả quần quyện nhau
như thể không rời. Cái nét thân thiện, gần gũi giữa con người,
con gà, con trâu, con chó…tất cả gắn bó như một phần máu thịt
người dân nghèo nơi thôn dã. Ông vẽ nhiều về trật tự của hoài
niệm, hoang dã của xóm làng, tuyệt đối không vẽ cái mới xô bồ.
Cảnh trong tranh của ông phản ảnh cách sống, thức, ngủ trong
tiềm thức dìu về từ xa lắc đến hiện tại. Bề dày của cuộc sống trải
qua hơn 60 năm sống khổ, sống vui cùng với những thao thức,
trăn trở qua thời gian là thông điệp rất rõ cho thế hệ sau ông cảm
thông qua tranh vẽ.
Nhận xét của anh Nguyên Lương về họa sĩ Phạm Lực thật tuyệt vời, cả hai người cùng tài hoa, lời nhận xét đã làm cho những tác phẩm hội họa bay cao và bay xa hơn nữa.
Cảm ơn cô Út nghen. HX chưa sửa xong cái format mà TT đã vào com rồi, nhanh thật đấy. Bài này anh ấp ủ từ tháng 9 đến nay mới viết ra. Anh đợi đến sinh nhật 70t để viết tặng Chú, và đã viết những điều từ đáy lòng anh nghĩ sao viết vậy. Khó nói cho mọi người biết anh yêu thơ, văn hội họa đến mức nào. Khi yêu nghệ thuật nào anh muốn mình sống trọn trong đó, ngụp lặn trong đó để mãi mãi sống trong thế giới huyền ảo của nghệ thuật, không muốn ra.
Anh ước gì mình được ở gần Chú để lại xem Chú vẽ, nghe Chú giải thích tại sao Chú vẽ thế, và mình cũng nói cho Chú biết tại sao mình nghĩ thế. Anh may mắn quen được nhiều người tài giỏi trong mọi lãnh vực, nên không ít thì nhiều mình được họ ảnh hưởng. Gần đèn thì sáng mà, Cô Út đồng ý thế không?
NL
Đồng ý, nhờ quen anh NL mà TT cũng” sáng ra”.
Bài viết nào của anh Nguyên Lương cũng công phu , sâu sắc và càng chứng tỏ khả năng thưởng lãm nghệ thuật phong phú của một nhà phê bình toàn diện trên mọi lãnh vực.Anh Nguyên Lương anh quá hoàn hảo ngưỡng mô anh, ngưỡng mộ vô cùng.
Cảm ơn Hạ Vy đã đọc hết bài văn dài và viết lời com rất hảo ý. Mình có cái tính thích cái gì thì thì thích đến “chết” mới thôi. Không có tiền mua tranh, lâu lâu hai vợ chồng đưa nhau đi xem tranh triển lãm ở các Viện Bảo Tàng.Ở Mỹ, những thành phố lớn có rất nhiều nơi triển lãm tranh của tất cả danh họa trên thế giới. Vào những nơi đây, ta có thể để cả ngày xem những bức tranh vẽ qua mọi thời đại. Không bao lâu nữa, chắc cũng sẽ có triển lãm tranh của Hoạ Sĩ VN trên đất này. Thời chiến ta cầm súng thời bình ta cầm đàn, cầm cọ. Ít nhiều, những tác phẩm hội hoạ cũng mang lại cho ta hình ảnh những gì đã mất. Tìm trong đó, ta thấy lại qúa khứ, một qúa khứ của thuở yên bình và những mảng màu xanh hy vọng. Chúc vui.
NL
Mot bai viet HAY QUA anh LUONG oi .anh lang man lam .Hen gap anh o que nha( em thay anh lang man the chac chi VAN CAC hay ghen lam nhi )Chuc anh va gia dinh vui , khoe.
Anh Ba Hoan,
Lâu nay khỏe không? Hôm triển lãm tranh kỷ niệm sinh nhật Chú chắc anh có dự. Thế nào hôm đó cũng có tranh của anh làm chủ ở đó phải không. Hẹn với Chú sẽ về Hà Nội chơi. Chú bảo có về thì ở chơi 1 tuần sau đó muốn bức tranh nào thì Chú ký tặng. Hy vọng lúc đó mời anh xuống Hà Nội chơi. Từ Bắc Ninh xuống Hà Nội đâu có xa phải không. Cũng nhờ Anh mà mình biết đến bức tranh “Cô Lái Đò Bến Hạ”.
Yêu qúa caí dáng buồn cô ngồi, nét mặt thật đẹp, nên thơ, như con mèo khờ nằm ngủ bên cạnh. Đúng là một bài thơ không lời.
Nhớ có gì mới thì liên lạc nghen. Bà xã mình là con nhà văn nghệ mà. Mà đã là văn nghệ thì phài biết xẻ chia và cân bằng. Mình yêu hết những cái đẹp trên thế gian này. Yêu như yêu hoa, yêu tranh, yêu thơ, và yêu người đẹp. Nhưng chỉ yêu ở xa thôi. Còn anh Hoan, yêu là tìm cách chiếm hữu (mang về nhà hơn 200 tác phầm), thì chắc chắn là có người ghen thầm đấy.
NL
Có một họa sĩ như thế
Và có một nhà phê bình như thế
Anh Nguyên Lương , phải đọc bài viết của anh rồi nhìn tranh của họa sĩ mới thấy tranh đó giá trị nếu không Dạ Lan chẳng biết họa sĩ nào vẽ đẹp họa sĩ nào non tay, tranh sơn mài thì bức nào cũng gọt dũa giống bức nào, tranh sơn dầu bức nào cũng u ám như nhau, tranh lụa thì bức nào cũng mềm mại như thiếu nữ Dạ Lan thua , anh đã đem cái hồn , cái tâm vào bài viết nên đọc bất cứ bài viết nào của anh giới thiệu bộ môn nghệ thuật nào thì bộ môn ấy lên mây và người nghệ sĩ nhờ đó cũng thăng hoa rất nhiều.
Cảm ơn bông “Hoa Lan thức trong đêm”. Bạn còn nhớ câu thơ mình viết không:
“Dạ Lan phảng phất hương nồng
Anh mơ thấy cặp môi gần mọng thơm”
Bạn thì lúc nào cũng dành cho mình cảm tình đặc biệt.
Trước cái đẹp của nghệ thuật hay ngoài đời, nhận xét của mỗi người là thuộc về chủ quan của người đó. Riêng về cảm xúc thì phải nói là chúng ta có thể ảnh hưởng nhau và chia xẻ với nhau được.
Trên cõi đời này có hai chủ thể mà cả hai không cần biết nhau mà vẫn cần nhau: người hay vật thể toát ra cái đẹp và người nhận thấy cái đẹp đó. Nghệ nhân bỏ ra cả đời để tạo ra cái đẹp và chúng ta, giới thưởng ngoạn cũng phải bỏ ra cả đời để tìm hiểu cái đẹp đó ở đâu. Muốn biết điều gì một cách thâm sâu, mình phải có công phu. Theo những gì Dạ Lan viết, mình thấy bạn đã hiểu nhiều vể nghệ thuật tạo hình rồi. Nhưng biết, để trong bụng, chưa nói ra đấy thôi.Phải vào trang phamluc.vn để xem những bức tranh khác của PL. Nhớ là vào đó rồi khó ra lắm đấy! cẩn thận nhé.
NL
Wow!Đọc bài viết của Nguyên Lương một mạch đến hụt hơi. Chưa gặp được họa sĩ Phạm Lực, cũng như chưa xem tranh của ông, nhưng qua bài phê bình tranh của anh, một bài phê bình tuyệt vời chứng tỏ trình độ thẩm định về nghệ thuật hội hoạ của anh rất cao, rất phong phú , rất sâu sắc! Qua bài viết của anh mình bổng nhận ra một sự tương đồng trong văn chương và hội họa. Trước đây người ta thường nói “Văn tức là người” thì bây giờ mình có thể nói “Nghệ thuật hội họa thể hiện chính con người của tác giả”. Điếu này rất đúng cho trường hợp hợa sĩ Phạm Lực. Tranh ông là sự kết hợp tinh tuý giữa con người thật của ông, một người lính đã từng xông pha trong lữa đạn, đối diện với gian truân và chết chóc, với cuộc sống, với con người, với quê hương đất nước. Nghệ thuật hội họa cũng như văn chương không thể bay trên mây, không thể tách rời với cuộc sống thực tại, mà phải bám lấy nó, phải đi sâu vào nó. Nguyên Lương đã có những nhận xét rất sâu sắc và rất thú vị về những bức tranh “Ông già Mù” và “Cô Lái Đò Bến Hạ”. Anh đã đi suốt vào cái hồn của những bức tranh này, cảm nhận chúng từ trong sâu thẳm của tâm hồn của một người nghệ sĩ và đã hiểu một cách sâu sắc cái hồn, cái thần thái, cái tinh túy nhất mà họa sĩ Phạm Lực đã thể hiện trong đó. Những so sánh và dẫn chứng khác sâu sắc và xác đáng của anh chứng tỏ anh, ngòai việc là một nhà thơ, một nhà khoa học, còn là một người rất am tường về nghệ thuật hội họa và đã thể hiện nó qua bài nhận xét tuyệt vời của mình. Anh đã tìm ra cái hồn của những bức tranh mà người họa sĩ đã thể hiện.
Cám ơn Nguyện Lương nhé
Tình thân. Dzũng
Anh Dzũng,
Những tâm hồn văn nghệ thường dễ gần nhau, huống chi là bọn mình có cả một ngôi trường cũ để nhớ, những người bạn học để thương, và những lần nhậu, ca hát trong nhóm ” thơ nhạc nhậu” túy lúy để không bao giờ quên. Tôi bảo đảm vơí Anh, ai có dịp biết gia đình của Chú PL đều yêu qúi họ ngay cái nhìn từ ban đầu. Người Bố thì như mình đã nói, cô con gái, con trai thì phảng phất cái nét thơ của tranh ông. Nhất là Hương, cô có nét mặt phúc hậu, nụ cười thật tươi, và đôi mắt biết nói lời thân thiện.
Những sản phẩm nghệ thuật đều phát tiết từ chính phần hồn của con người tác gỉa. Cũng như anh thấy, có rất nhiều bạn văn nghệ trên HX, mình chưa thấy mặt nhau ngoài đời, thế mà qua thơ văn, mình như đã quen nhau từ lâu, bởi mình hiểu họ qua các tác phẩm. Nếu được có dịp trò chuyện với họ là coi như mình biết cả hồn lẫn xác. Biết và hiểu được nhau như thế, sẽ làm cho khoảng cách nhỏ lại, bớt đi những ngộ nhận không đáng có, và chúng ta yêu qúi, kính trọng nhau hơn. Có được như thế là coi như chúng ta có tất cả. Giàu có tinh thần là ở chỗ đó.
Cảm ơn những đồng cảm của anh.
NL
Lướt qua, bài quá dài nhưng không ngán , em đọc hết và đọc chậm .Đọc các comment trên em không dám khen nữa vì các anh chị và các bạn đã khen hết rồi, khen nữa sợ anh “mắc cở” .Em chỉ thấy sau khi đọc bài viết của anh NL em thấy mình biết hơn một chút về cuộc đời của họa sĩ Phạm Lực và biết hơn một chút gì đó về cách cảm nhận một bức tranh .
” Như thế, muốn hiểu về nghệ thuật sáng tạo, trước hết ta phải ghi nhận quá trình hình thành tác phẩm, hiểu được sự cấu tạo và tính cách trí tuệ cũng như xúc động của người tạo ra nó”,”người thích tìm hiểu về nghệ thuật tạo hình phải được đào tạo khả năng hiểu biết về nghệ thuật mà không cần phải có tác nhân thứ ba chỉ cho họ thấy cái gì cần thấy, tại sao phải thấy như vậy và tác phẩm đó có ý nghĩa gì…”
Anh Lê Công Dzũng cho em mượn câu này để cảm ơn anh NL nhen ,em cảm ơn anh Dzũng .”Anh đã đi suốt vào cái hồn của những bức tranh này, cảm nhận chúng từ trong sâu thẳm của tâm hồn của một người nghệ sĩ và đã hiểu một cách sâu sắc cái hồn, cái thần thái, cái tinh túy nhất mà họa sĩ Phạm Lực đã thể hiện trong đó. Những so sánh và dẫn chứng khác sâu sắc và xác đáng của anh chứng tỏ anh, ngòai việc là một nhà thơ, một nhà khoa học, còn là một người rất am tường về nghệ thuật hội họa và đã thể hiện nó qua bài nhận xét tuyệt vời của mình. Anh đã tìm ra cái hồn của những bức tranh mà người họa sĩ đã thể hiện.”
OK, cô giáo Toán. Sẳn sàng cho cô giáo mượn đó! Được cô giáo mượn là mừng lắm rồi! Dzũng
Cô giáo đọc và cảm nhận như thế không bỏ công anh suy nghĩ và viết mấy ngày liền. Viết một bài thơ cho riêng cảm xúc của mình thì viết rất nhanh, gọn. Nhưng viết về một người và tác phẩm của ông mà giới nghệ thuật đều biết thì phải cẩn thận. Anh ấp ủ những điều đã viết ra hơn 6 tháng qua.
Như rượu, ủ càng lâu, càng ngon, càng chín mùi, càng thơm. Cuối cùng anh mãn nguyện vì đã làm dược điều anh làm là vinh danh một con người, đã 70t mà còn hăng say, lao động cật lực để đưa tên tuổi VN ra thế giới bên ngoài. Nhìn tranh ông, người ta không còn thấy cảnh máy bay bom B52 thả bom trải thảm trên đất nước thân yêu của mình, và người lính bên cầu Hàm Rồng ngày nào mắt trừng trừng nhìn vào không gian chực chờ nhả đạn phòng không, nay nhìn xa xăm vào ký ức để vẽ lại những cảnh bình yên. Cảnh mà chiến tranh chưa tàn phá. Thế giới bây giờ nhìn VN qua tranh PL để thấy con người VN đáng yêu và đất nước VN thanh bình đẹp biết chừng nào. Tiếp tay với Chú, đưa màu sắc và hình ảnh của tranh Chú đi xa hơn là trách nhiệm mọi người yêu nghệ thuật. Việc anh làm là nhỏ thêm một giọt nước vào bể mênh mông đó. Mong là cái bể đó ngày càng đầy lên.
NL
Anh Nguyên Lương viết bài quá tuyệt chắc ông Chú cảm động lắm khi đọc bài nầy.Anh giống cô giáo Vương Thúy Nga của Kỳ Phương, một con người khoa học mà tình cảm dạt dào hơn dân ban C . Cuộc đời họa sĩ như một câu chuyện cổ tích trong thế giới hiện đại .Bái phục .
Thế Kỳ Phương là dân ban gì nào. Ngày trước, GD Việt Nam cho mình ngâm nga thơ văn cho mãi đến năm tú tài 1, thế qúa đủ để có một chút vốn mà ngân nga với đời. Rồi mấy bài thơ học thuộc lòng từ bé nữa, nó thấm vào tận xương tủy. Cái hay của nền giáo dục nặng về nhân văn là thế. Mình biết trên HX có rất nhiều người là dân KH khô khan ở trường, sở, nhưng với đời thì họ ướt hơn ai hết, có lẽ cũng là cách để cân bằng dời sống như cô giáo Toán NT, và mới xuất hiện gần đây là ông thầy gíáo dạy Toán trước 75 – Nguyễn Hoàng Lãng Du, người đã cầm bút viết văn từ năm lớp 6.
Việt nam mình còn hiều người tài ẩn danh lắm. Người mình không thích hay không quen khen nhau nên bao nhiêu viên ngọc đang chờ đánh bóng lên cho mọi người xem. Với PL, điều đó không cần thiết, nhưng cái Chú cần là liệu trong bao nhiêu người yêu tranh và lùng mua tranh Chú có ai thật sự hiểu Chú hết không? Có lẽ đó là lý do mà Chú vẫn sáng tạo miệt mài. Chú không cần thêm tiền nữa. Chú cần sự cảm thông, nên Chú tiếp tục gởi ra nhiều thông điệp đến toàn thế giới. Nhiều người đến VN thăm cũng vì xem tranh Chú đâu đó. Có người đến tận xuởng vẽ của Chú rồi suốt cả tuần ở Hà Nội không đi đâu chơí, chỉ đến đây xem tranh và tìm hiểu cách sáng tạo của Chú. Thấy người khách yêu qúi tranh mình, ra về Chú gói tặng cho bức tranh làm qùa. Về lại Mỹ, bà ta viết những trang mạng chỉ nói về PL và đất nước con người VN với số độc gỉa vào đọc, comment lên đến cả vạn người.
Kỳ Phương thấy không? cái ảnh hưởng của người nghệ sĩ dân tộc mình lên thế giới nó mạnh đến mức nào. Trong tất cả các quốc gia ở Á Châu, VN là nước có nền hội họa và thơ văn gần với Tây Phương nhất, nhờ ảnh hưởng của văn hóa Pháp lãng mạng trong thời thực dân để lại. Đó là món qùa qúi giá nhất mà người Tây Phương để lại trên đất nước mình. Nhờ thế, khi mở cữa chúng ta hội nhập rất nhanh, và rất dễ. PL đã làm rất tốt công tác kết nối những tấm lòng lại với nhau.
NL
“Đẹp! là từ cửa miệng thường dùng của những người xem tranh,
nhưng với những tác phẩm hội họa của Chú, đẹp không phải là
từ đủ để diễn tả. Tranh của ông giống như bề ngoài ông. Một
bề ngoài không có nét của một họa sĩ chút nào. Hôm xem trên
TV thấy ông cùng hội thoại với nhiều họa sĩ nổi tiếng trong nước,
trong đó có họa sĩ Trần Khánh Chương, trông ông khác hẳn mọi
người. Khi suy tư, đăm chiêu, mắt ông mở trừng trừng, đăm đăm,
to, đen, sắc sảo, nhìn như xói vào người ông đang nhìn. Với hàng
chân mày đậm dựng ngược lên, cùng với bộ râu kẽm, trông ông
giống hình ảnh của một Trương Phi trên cầu Trường Bản trong
phim Tam Quốc Chí hơn là một họa sĩ tài danh. Ở ông toát ra một
nội lực, một phong độ khác thường so với những người cùng thời.”
Nguyên Lương ơi! sao NL không viết văn thử xem sao , mình thấy anh
tả chân dung họa sĩ sống động quá , toàn bài phê bình mượt mà trau
chuốc một bài viết vừa tỷ mỹ chân thành ca ngợi mà không sáo rỗng
họa sĩ chắc biết ơn anh lắm chính mình cũng rát xúc động khi đọc
bài phân tích quá sâu sát và rất tình cảm của anh .
Xem phản hồi ở dưới nghen Tuệ Minh.
NL
”Đây là một bức tranh lạ, đẹp như một bài thơ. Nỗi buồn héo hắt trên nét mặt cô lái đò ngồi tựa cửa chờ ai. Cô lái đò ốm mảnh mai, mặc áo dài, như hình ảnh những cô lái đò trên sông Hương ở Huế thời xưa, thời và nơi ông sinh ra. Cũng với đường nét sơn đen nổi bật trên nền sơn trắng, ông thêm vào đó chút nắng chiều hắt màu hồng lên trên má, và một vệt vàng dài trên mặt sông, soi rõ dáng con thuyền đang neo đậu chờ người. Con đò chờ khách hay cô lái đò chờ người tình. Bên cạnh cô là con mèo ốm cuộn mình nằm ép bên chân cô gái ngủ. Cả hai u buồn đợi chờ khi bóng hoàng hôn sắp tắt. Đẹp, lãng mạn, nên thơ, một bài thơ buồn như đời cô lái đò ngày ngày đưa khách qua sông nhưng không một người ở lại. Trong căn chòi heo hút, trên tường có treo tấm hình, chắc là hình một người lính đã hy sinh, để lại nét tang thương trên môi má người thiếu phụ.
Đọc cảm nhận của anh NL về “Cô Lái Đò Bến Hạ”rồi xem tranh QT mới thấy được giá trị của bức tranh, cám ơn anh Nguyên Lương nhiều nha.
Tuệ Minh,
Mình đang viết văn đấy chứ. Nhưng cốt chuyện thật, không hư cấu. Mình muốn viết về con người Chú, tác phẩm của Chú và tình cảm mình dành cho cả hai. Biết bao người đã phê bình tranh ông trong bao nhiêu năm nay nhưng chưa có ai viết như mình bao giờ. Họ tách tác phẩm ra hẳn con người tác gỉa. Nhưng mình thấy như thế còn thiếu. Cả hai phải đi với nhau, thế mới gọi “nghệ thuật vị nghệ thuật” và luôn cả “nghệ thuật vị nhân sinh”. Tình cảm mình dành cho Chú lớn qúa nên đôi lúc viết bằng trái tim ấm chứ không phải từ cái đầu lạnh. Như bạn đã cảm thấy hơi ấm ấy đến từ bài viết là thành công rồi. Vui nghen.
NL
Cô Giáo QT,
Cô giáo cũng chịu khó đọc bài dài thế này là mình vui rồi. Đã viết đi viết lại mấy lần mới xong đấy. Hôm nay, tình cờ đọc được trên báo ở Hà Nội một nhà văn người Mỹ, Bà Ilza Burchett với bài “About the Art of Painter Phạm Lực” cũng viết về tranh Phạm Lực và có nhiều điểm giống nhận xét của mình. Đọc thấy giống như hai trái tim ở hai nơi xa mà gõ chung nhịp. Thích lắm.
HX cho mình có cơ hội chuyển tải những thầm kín đến mọi người. Cô Hương con gái Chú PL nói là đã giới thiệu đến nhiều người trong giới họa sĩ và giới phê bình hội họa và giới sư tập tranh bài viết của mình trên HX, và đa số đều thích. Chú Lực thì sướng lắm, Chú bảo với Hương mai mốt nó về chơi sẽ được thưởng. Nghe nói mà thích.
Anh rất thích cái nét buồn buồn trên mặt cô lái đò. Thấy mà thương qúa.
NL
Sau khi đoc một đoạn bài “Có một họa sĩ như thế” của Nguyên Lương viết về họa-sĩ Phạm Lực hình như tôi muốn đọc nhanh hơn đễ tiếp nhận thêm những dòng chữ của anh nhưng rút cục lại chậm xuống vì tôi không muốn mất chút chi tiết nào trong những dòng chữ nghĩa đó.
Nguyên Lương không chọn thể thức phê-bình hội-họa mà lại chọn dạng bút ký . Nguyền Lương viết như kể chuyện . Người đọc dễ bị cuốn hút trong lời kể của anh .
Nói thế, không có nghĩa là người đọc không được giới-thiệu những bức tranh đẹp làm xúc-động lòng người . Nguyên Lương còn mở rộng cho người khác nhìn thấy cái bối-cảnh lịch sử của nền hội-họa Việt-Nam . Anh khéo chọn chi-tiết để kể . Khéo đến nỗi nếu ai tới coi tranh mà chưa đọc bài anh, nếu có thắc mắc cũng chỉ biết mang thắc mắc đó về nhà như đoạn họa sĩ vẽ thời thiếu vải, phải vẽ tranh trên vải bố v.v.
Cám ơn anh Nguyên Lương nhiều . NHLD
người thích tìm hiểu về nghệ thuật
tạo hình phải được đào tạo khả năng hiểu biết về nghệ thuật mà
không cần phải có tác nhân thứ ba chỉ cho họ thấy cái gì cần thấy,
tại sao phải thấy như vậy và tác phẩm đó có ý nghĩa gì…”
Anh NL
BV chẳng có khiếu thưởng ngoạn về tranh nên rất gà mờ với hội họa
nên đọc bài viết của anh một lèo mới cảm nhận vẻ đẹp của những bức tranh nên theo BV anh chính là tác nhân thứ ba soi sáng cho những tâm hồn ủ dột như BV .Cám ơn anh rất nhiều.
Chỉ đọc một bài, dù hơi dài, nhưng không phải là bài viết phê bình hội hoạ mà BV đã cảm thấy được soi sáng thì đúng là lâu nay BV đã để ý và cũng đã ghi nhận hết rồi. Chỉ đợi dịp là tìm đến nó ngay.
Nói thật với BV điều này, mình nhìn màu sắc không bén nhạy như nhiều người khác, nên khi nhìn tranh vẽ, mình lại ít chú trọng đến màu sắc, mà chỉ nhìn cái bố cục và ý nghĩa bức họa mang lại. Cũng như có nhiều bài thơ, đọc lên là thấy ngay, hiểu liền, cảm nhận tốt. Còn nhiều bài thì phải động não một chút mới hiểu ý của tác gỉa muốn gì. Những nhà danh họa cũng vậy. Họ dấu cái thầm kín đàng sau những lớp sơn và ánh sáng, họ đánh đố ta, bắt ta tìm tòi, soi rọi để tìm ra “cái chân lý” đó. Và sau một hồi, cả hai người vẽ và người xem, gặp nhau. Tranh vẽ thì trừu tượng hơn. Cái phần để gỉai mã những ký hiệu của hình ảnh, màu sắc trên não bộ khác với vùng dành cho ngôn ngữ thơ văn. Nhưng đọc nhiều thơ, xem nhiều tranh, một ngày hai phần này hình như “nối mạch” với nhau và à la ta nhìn tranh như đang đọc một bài thơ vậy. Những năm mới qua Mỹ, vì tiếng Anh còn ẹ qúa, nên ghi danh những lớp KH Nhân Văn (Humanity) để học chứ trong các lớp KH Tự Nhiên (Sciences) chừng đó từ, mà toàn là những từ ít ai dùng ngoài đời. Mình học 2 courses về Lịch Sử Nghệ Thuật (The History of Arts) và Nghệ Thuật Đương Đại (The Contemporary Arts). Lúc học xong, cũng chưa hiểu gì hết. Càng về sau, càng suy nghĩ thêm và tiếp tục đọc thêm, và đến một ngày nhìn đâu cũng thấy nghệ thuật tràn lan. Nó nhập vào mình tự lúc nào. Bây giờ nhìn một khuôn mặt cô gái đẹp, mình không nhìn như đứng ngắm một Thúy Kiều mà nhìn như đang đứng trước bức tranh nổi tiếng của Pablo Picaso – Girl before a Mirror (1932)hay là bức Pink Nude của Henri Matisse (1935). Cái đẹp không chỉ đóng khung trong môi mắt nữa, mà nó đưa ta đi xa hơn đến cái trí tưởng tượng, tò mò. Đến đây “người đẹp không phải nhờ lụa” nữa mà cái mà không ai nhìn thấy – cảm giác!
NL
Anh NH L Du,
Cảm ơn nhận xét của Anh. Đúng là con trai Hà Nội có khác. Khéo không thể khéo hơn. Đúng là mình không có khả năng để viết một bài critics về hội hoạ, bài viết này tất cả chỉ vì một chữ tình. Cái tình của họa sĩ dành cho quê hương, đồng bào, đất nước bấy nhiêu thì mình muốn dành tất cả những tình cảm đó cho ông bấy nhiêu. Mình cảm sao viết vậy. Mình nhìn tất cả những gì trong đời này như một bài thơ. Bài thơ có khi buồn, khi vui. Có lúc sống động, có lúc chán nản. Cũng như trong tranh của HS. Nó thể hiện mọi khía cạnh cuộc sống. May mắn là trên đời này còn có những nghệ sĩ sống bên cạnh ta để ghi nhận tất cả những trầm bỗng đó. Khi ta buồn, nhìn bức tranh vui, thấy đời bớt buồn. Khi ta vui, nhìn bức tranh buồn, ta động lòng trắc ẩn và thương cho những người kém may mắn hơn ta. Bỡi thế, nghệ sĩ là chất kết dính ta vào tất cả thực hư của cõi đời này. Thiếu họ, thế giới sẽ chẳng thể giải thoát được từ những cái hỗn mang do sự cọ xát của con người tạo ra. Nhắc đến họ, là nhắc đến cái phần hồn của ta đang thổn thức.
NL
“Những ai đã có dịp làm quen và gần gũi với
thôn dã, xóm làng, nhìn tranh ông thấy lại cả một khung trời cũ. Ở
xứ người, được nhìn tận mắt tranh ông vẽ trên canvas như thể ta
đang được về lại chốn xưa, nơi vẫn còn nguyên đó một bến đò,
cây đa, sân đình và hình ảnh bà mẹ quê còng lưng trên đồng cấy
mạ. Nhìn tranh ông có thể tưởng ttượng và ngửi ra được mùi bùn
đen, rạ mục. Những ruộng mía trổ hoa, những cánh đồng lúa chín,
những đêm trăng với gió mát, những ngày hội đổi mùa… đều xuất
hiện trên tranh ông.”
Và với một người nặng tình yêu quê hương như anh Nguyên Lương, thì sự cảm nhận cái hồn trong dòng tranh này càng thêm sâu sắc. Anh Nguyên Lương viết quá hay.
Cảm ơn Thu nghen. Anh nhìn tranh của HS Phạm Lực giống như những lần được đọc thơ em, từ những giòng thơ đó, như giòng sông chảy ngược đưa anh trở về nơi chốn anh đã sinh ra. Khó nói cho những người sống ở thành thị về những hoài niệm của anh em mình về xóm làng. Nó chẳng có gì, nhưng xa nó giống như ta xa người yêu đầu đời. Ai cho mình có dịp nhìn thấy nó lại giống như tình cờ một hôm nào đó gặp lại người xưa trên xứ người.
Bỡi thế, không phải vô tình, đa số những nhà thơ, văn, hoạ sĩ… đều xuất thân từ thôn dã hay ít nhiều có một thời gắn bó với nó.
Càng xa quê, anh càng nhớ về quê nhiều. Nhìn tranh họa hay đọc một bài thơ về đồng quê, anh như người sống lại sau những năm tháng ngủ đông.
Dạo này sức khỏe của Thu có tốt không? Chú em vui và khoẻ mạnh.
NL
Hôm qua có vào đọc bài viết tràng giang đại hải nầy nhưng bận chở hàng cho ma maison gấp nên hôm nay mới vào còm đây . Đọc bài viết của Nguyên Lương kể về tiểu sử Phạm Lực làm tui nhớ thủa học trò và những ước mơ tuổi trẻ thời đi học tui cũng là dân văn nghệ thích vẽ vời và mơ ước sau nầy là họa sĩ những tờ giấy học trò dược tui vẻ lung tung đa số là những mái tóc thề và tà áo trắng được bạn bè khen là có hoa tay. Tui nhớ có lần nhìn cô giáo bận áo dài tím mái tóc xoa xõa dễ thương quá nên lén vẽ cô và sau đó kẹp trong bài kiểm tra , tui không biết cảm xúc cô ra sao nhưng bài kiểm tra tui được điểm 15/20 chắc nhờ bức họa nhí chăng? rồi dòng đời thay đổi làm tui quên giấc mộng họa sĩ của mình có lẽ tui không có đam mê và quyết tâm như Phạm Lực nên cuộc
đời tôi không giống ai hết , nay đọc bài viết nhìn những bức tranh lại thêm ngậm ngùi.
Đặng Danh trời cho (hay cha mẹ cho) có sẵn một năng khiếu và một tâm hồn, điều này không thể học ở đâu được. Thời gian có người, có cơ may phát triển nó đến điểm cao, có người cất dấu nó trong lòng rồi quên mất. Nhưng không phải thế. Cho dù có quanh quẩn với cơm áo gạo tiền, người có tâm hồn như ĐD thì không bao giờ “không có” được. Bắng chứng là một bài dài như thế, dù bận chở hàng cho Ma Maison rồi về lại lúc rảnh cũng vào đọc cho hết để rồi “ngậm ngùi” là biết cái con người văn nghệ đó chưa đi đâu xa . Chỉ đợi dịp là thổn thức. Có nhiều người giàu có, tiền bạc phủ phê, nhưng lòng và hồn trống rỗng. Họ giàu vật chất nhưng nghèo tinh thần. Cái tinh thần văn ngệ như chúng ta đang có với nhau đây. Tìm mấy ông đại gia đó hỏi xem mấy ông có những thứ như mình có không. Có câu trả lời rồi thì ĐD không cón ngậm ngùi nữa. Ta chính là nghệ sĩ trong lòng chúng ta, đâu cần khán gỉa.
Cảm ơn Đặng Danh đã bỏ thì giờ đọc mà còn com nữa. Tôi kết bạn rồi đấy, bạn không còn “buồn” nữa rồi.
Hôm nào có dịp hỏi mấy cô giáo dễ thương của bọn mình trên HX rằng nếu có một thẳng bé như ĐD vẽ hình cô thật đẹp rồi lót vào vở (vô tình hay cố ý?) khi nhìn thấy cảm xúc Cô thế nào. Việc cho điểm cao là cho ĐD biết là Cô đã nhìn thấy, nhưng chắc chắn cả ngày hôm đó ai nhìn kỹ sẽ thấy má cô hồng phơn phớt đấy.
NL
RB,
Câu nói ngắn gọn của bạn làm mình rất vui và cười suốt nãy giờ. Nghe HN Tín nói RB là bạn kết nghĩa của RÊU phải không? Cô bé này làm thơ rất hay, như người lớn. Lời thơ rất chững, mình rất ái mộ cô bé nên nhận là cháu (vì có họ Cao, họ của Mẹ mình).
Qua cách nhìn của RB, chứng tỏ bạn cũng có “biết” rất nhiều về hội họa đương đại. Và cũng thường nhìn những thứ khó nhìn này.
Nhưng mà RB là ai nè. Mình cứ thắc mắc hoài trên HX có 2 người mà chưa tìm ra: RB và R Xưa. Thôi, cho biết đi mà. Chờ hoài, dài cả cổ. Mấy lần thấy 2 bạn com thơ bấm nút, hay đáo để, nhưng không biết nên không dám nói một lời, sợ lộn rồi cô giaó toán cười cho. Rất, rất có cảm tình với 2 bạn nhưng đành chịu, không biết người ở đâu, làm gì, nam hay nữ mà gởi những lời “yhương yêu” này đến nơi.
Thật tình , phải đọc bài viết của Nguyên Lương mới thấy tranh Phạm Lực đẹp, .Đẹp toàn mỹ , đẹp sâu sắc . Nhìn bức tranh ” Cô lái đò bến Hạ” và lời mô tả bay bướm và sâu sắc của Nguyên Lương ai mà không xúc động “Đây là một bức tranh lạ, đẹp như một bài thơ. Nỗi buồn héo hắt trên nét mặt cô lái đò ngồi tựa cửa chờ ai. Cô lái đò ốm mảnh mai, mặc áo dài, như hình ảnh những cô lái đò trên sông Hương ở Huế thời xưa, thời và nơi ông sinh ra. Cũng với đường nét sơn đen nổi bật trên nền sơn trắng, ông thêm vào đó chút nắng chiều hắt màu hồng lên trên má, và một vệt vàng dài trên mặt sông, soi rõ dáng con thuyền đang neo đậu chờ người. Con đò chờ khách hay cô lái đò chờ người tình. Bên cạnh cô là con mèo ốm cuộn mình nằm ép bên chân cô gái ngủ. Cả hai u buồn đợi chờ khi bóng hoàng hôn sắp tắt. Đẹp, lãng mạn, nên thơ, một bài thơ buồn như đời cô lái đò ngày ngày đưa khách qua sông nhưng không một người ở lại. Trong căn chòi heo hút, trên tường có treo tấm hình, chắc là hình một người lính đã hy sinh, để lại nét tang thương trên môi má người thiếu phụ.”
Nhưng tôi thì nghĩ khác đây là “cô lái đò thời kháng chiến”[ 1945-1954] đang đợi người yêu về của Mai Thảo trước niềm hoan lạc mà sắp được hưởng để rồi sau đó vĩnh biệt cõi trần vì một quả bom của một tên mũi lõ mắt xanh nào đó, bức tranh nầy không bi thương mà theo tôi rất thẹn thùng e ấp trước một quyết định táo bạo sắp xảy ra nhờ đó bức tranh nên thơ bội phần .
Kiều Thanh cũng có cái nhìn rất thơ về mọi thứ chung quanh nên có tâm hồn rất rộng mở và cảm về những gì mình viết. Đã thông cảm nhau thì rất dễ hiểu nhau.
Nói về bức tranh Cô Lái Đò thì chắc Kiều Thanh nói đúng. Nhưng năm 1945, hoạ sĩ mới có 2 tuổi và xa xứ Huế, về quê Ngoại ở Hà Tĩnh nên nhớ về một bến đò xưa để bây giờ vẽ lại ký ức thì qủa là một tình cảm rất sâu xa dành cho nơi mình sinh ra .
Cảm ơn chia xẻ của Kiều Thanh.
NL
Em thì không rành về hội họa nhưng đọc bài viết của anh em hiểu thêm một điều là hội họa cũng có chức năng như văn học.Đó là những loại hình nghệ thuật làm lay động lòng người,bởi nó là tiếng lòng của người nghệ sĩ, là thông điệp mà người nghệ sĩ muốn gửi đến cho cuộc sống. Bài viết của anh hay quá.Một bài phê bình, giới thiệu về tác giả,đúng hơn là một bài viết trình bày cảm nhận dưới dạng bút ký nên có sức hấp dẫn lạ kỳ. Em đọc một mạch mới nghỉ được rồi sau đó xem tranh và đọc lại.Thì ra anh trai em có được một khả năng cảm thụ hội họa sâu sắc,tinh tế chẳng khác nào văn học. Cám ơn anh đã có một bài viết hay chắp cánh cho mục đích cao đẹp là giới thiệu những tài năng VN ra với bạn bè năm châu.Chúc anh vui và có những bài viết tốt. Em gái.
Lâu nay cô em gái tôi ở Phú Phong bảo nên thường vào đây xem bài của bạn bè, nay mới có dịp vào đọc bài của chính anh mình viết rồi khen. Em đã đọc và thế là đã biết anh Bảy ở nhà còn có thêm tài mọn này nữa phải không? Nhớ là thường vào đây đọc thơ văn cho khuây khỏa. Là cô giáo dạy văn, dù nay đã về hưu non, nhưng trong bụng cũng còn đầy ắp chữ nghĩa. Trong HX có bao nhiêu là cô, thầy giáo cũng thường vào đây mỗi ngày. Trên chỗ em ở có hai vợ chồng rất thơ: Thỏ con và Trần Viết Dũng, có mở quán (không nhớ là qúan gì). Em nhớ tìm hiểu rồi đến đó chơi, làm quen. Nói là em gái của Nguyên Lương. Cuối năm anh về sẽ ghé thăm hai vợ chồng này. Vui nhé!
Anh của em
Hội họa là một bộ môn nghệ thuật đẳng cấp chính vì vậy đòi hỏi tư duy cao để thưởng thực bộ môn nghệ thuật sang trọng nầy với kiến thức phong phú , tấm lòng say mê cọng thêm chút tình riêng với họa sĩ, ngòi bút tinh tế của anh Nguyên Lương đã viết hết cả tâm tình làm mọi người thưởng ngoạn cảm thấy hài lòng khi đi vào thế giới tranh của Phạm Lực.
Từ nay Uyển Diễm chắc nhìn đâu cũng thấy những bức tranh đẹp. Hội họa kích thích mình qua cái nhìn. Nhạc kích thích mình qua cái nghe. Thơ, văn kích thích mình cả hai. Ai thích thơ, văn đều thích nhạc, họa. Vì tất cả đều ca tụng cái đẹp. Nếu trong ta có nhiều cái đẹp thì cái xấu sẽ biến mất, thế là đời ta vui, lợi thế là ở chỗ đó. Cảm ơn Uyển Diễm đã đọc và cảm thông.
NL
Hi Nguyên Lương ! Mấy hôm nay vắng bóng trang Hương xưa vì đang ở trên núi cao tu tiên . Hôm nay hạ san về lại nhà mới comment cho bài viết về hội họa của Nguyên Lương đây . Phải công nhận kiến thức về âm nhạc , hội họa và thi ca của Nguyên Lương thật uyên bác . Chả bù gì hôm mới đọc comment của NL mình đã đề nghị NL sẽ làm Mc và là người giới thiệu cho tuyển tập nhạc và Cd sắp tới của mình .
Qua bài viết về người họa sĩ tài ba trong nuớc ( Phạm Lực ).Nguyên Lương đã có một cái nhìn mới về hội họa . Đa số trong chúng ta từ trước giờ chỉ thưởng thức tranh qua cái nhìn đẹp về màu sắc cũng như bố cục của bức tranh . Chúng ta chỉ nhìn phần xác mà không nhìn thấy phần hồn . Tranh của Họa sĩ Phạm Lực nói lên phần hồn , chủ đề mà họa sĩ muốn gửi gắm chia xẻ cho người xem cảm nhận . Tranh của họa sĩ Phạm Lực nếu chỉ mua về trang trí nhà cữa thì không nên , nhưng nếu đem về thửơng thức và suy gẫm những điều tác giả muốn nói , ta sẽ thấy được tính nhân bản trong tranh của ông . Nguyên Lương có được cái may mắn tiếp xúc được những người tài ba .Từ đó nghiên cứu và học hỏi trau dồi kiến thức nhiều bộ môn nghệ thuật để làm hành trang cho cuộc đời .
Bài viết về người họa sĩ của Nguyên Lương như một câu chuyện cổ tích , được kể qua ngòi bút tài tình khiến người đọc không cảm thấy đây là bài viết về phê bình hội họa mà là những lời kể để chia xẻ những cảm nhận của mình khiến người đọc cảm thấy thật thỏai mái có cái nhìn mới về hội họa .
Cám ơn Nguyên Lương đã cho anh chị em trang nhà HX có được một bài viết hay về hội họa .
Hội họa cũng như thi ca , âm nhạc đòi hỏi phải có tối thiểu 3 điều : ( Nguyên , Khí và Thần ) Tranh của Phạm Lực có đủ 3 yếu tố này .
Ngô Tín
Cảm ơn Ngô Tín.
Mấy hôm nay ông đi xa ở nhà HX nhiều người thắc mắc và nhớ ông không biết ông đi đâu, bị ai bắt cóc, té ra là đi chơi với chân dài vợ Hoa tận trên núi cao.
Nay hạ san rồi, về lại địa giới, nên cũng trở lại nhập thế với bạn bè.
Tín nói rất đúng là đời mình có diễm phúc quen biết nhiều người tài giỏi nên “gần đèn thì sáng” và cũng từ đó học hỏi được nhiều cái hay. Và cũng như bạn đã nói bài viết này không phải là một bài bình luận dở, hay về tác phẩm hội họa, mà chỉ là một cảm nhận rất thật tự đáy lòng của mình về một người đáng kính. Có nhiều họa sĩ rất tài danh và rất được ca tụng, nhưng mình không ca tụng họ chỉ vì mình không biết họ là ai, hơn nữa sở trường về hội hoạ không phải là của mình. Nguyễn Ngọc Ngạn có lần đã nói, là một nghệ sĩ, cái qúi nhất là cái riêng, tức là cái nét độc đáo mà chỉ riêng mình có được, không lẫn vào ai. Có cái nét riêng này, người nghệ sĩ đứng sừng sững giữa rừng người mà ai cũng nhận ra. Có người khoác lát nói vẽ như Phạm Lực ai vẽ cũng được, nói như thế là nói ngoa, là nói bậy. Vì hàng trăm, ngàn người say mê và sưu tập tranh ông trên thế giới họ không mù. Và ở Việt Nam hàng trăm ngàn phòng tranh, hàng trăm, ngàn họa sĩ, nhưng mấy ai nổi tiếng và tranh bán chạy được như ông. Chịu khó vào các trang mạng về hội họa trên thế giới cũng như vào Google đánh vào tên PL thì bao nhiêu link sẽ hiện ra. Mình sợ nhất ở dời là những người nói lấy rồi, nói cho thích cái miệng, nhưng không biết mình nói gì. Những người đó mình may mắn là không được ở gần họ nên không bị cái tính tiêu cực đó ảnh hưởng.
Welcome back!
NL
Chào anh Nguyên Lương !
Tính comment khi bài viết vừa mới post còn tươi mùi mực nhưng ngại vì Xuân Thi cũng là họa sĩ tốt nghiệp nghành mỹ thuật tại Hoa Kỳ nên đắn đo mãi hôm nay mới comment .
Đầu tiên phải thành thật khen anh Nguyên Lương có cái nhìn về hội họa thật sâu sắc . Bài viết này vừa có cái triết lý trong hội họa cũng như tình cảm và lòng ngưỡng mộ một người tài ba đem vinh quang về cho đất nước .
Tất cả những điều Xuân Thi muốn nói , trong bài viết này anh Nguyên Lương và các anh chị đã nói hết rồi . Riêng xuân Thi chỉ bổ xung thêm là tranh của Họa sĩ Phạm Lực , bút pháp và màu sắc rất Tây phuơng nhưng chủ đề và phần hồn vẫn đượm chất Việt Nam . Tòan bộ những bức tranh do ông sáng tác là câu chuyện dài về cuộc đời của ông . Người họa sĩ tài hoa trong muôn ngàn họa sĩ khác .
Khi thưởng lãm một tác phẩm nghệ thuật ta hãy mở lòng , gạt bỏ hết những chính kiến , tư tưởng ý thức hệ để hòa mình vào ý tưởng sâu xa mà tác giả muốn nói đến , để thấy được chân giá trị của tác phẩm vì nghệ thuật không biên giới .
Xuân Thi
Cảm ơn Xuân Thi đã đọc kỹ và vào đây gởi lời nhận xét. Có người nói mình viết bài phê bình hội họa, thật ra không đúng với ý nghĩ đó. Mình ngưỡng mộ ông HS và muốn giới thiệu ông với mọi người. Cái nhìn của mình cũng như hàng trăm bài viết khác viết về ông, mỗi bài đều chỉ nói một phần cái nét độc đáo của con người và tác phẩm ông. Chưa thấy bài báo nào chê PL cả. Có người chưa bao giờ biết ông là ai, chưa bao giờ tận mắt xem tranh ông mà đã chống phá ông chỉ vì ông là người miền Bắc. Có lần Ngô Tín nói với mình: “Nghệ thuật không có biên giới, không có chỗ cho thù hận, và lại càng không có chỗ cho chính trị. Thuần túy, nghệ thuật vị nghệ thuật”.
Là một hoạ sĩ thành danh ở hải ngoại Xuân Thi chắc cũng thấy điều Tín nói rất đúng trong trường hợp này. Người Do Thái thù Đức Quốc Xã đến đâu, nhưng họ là người sưu tập tranh và thường thức nhạc của người Đức nhiều nhất. Mình là người miền Nam, không thể không khen một nhân tài miền Bắc chỉ vì họ lớn lên ở đó. Mình kính trọng tất cả những người Việt làm nghệ thuật, bất luận họ ở đâu. Tác phẩm của họ là thước đo cái tình cảm đó.
Chuyện này còn dài lắm, không thể nói hết trong khuôn khổ này.
Mình rất thích tranh của Xuân Thi. Hy vọng có dịp qua Cali chơi, bạn cho mình xem những tác phẩm hội họa của bạn nhé.
NL